Đồi 108. Những tảng đá lớn chồng kênh lên nhau, những cây đa cây sanh đầy rễ phụ nhánh cành, những hốc sâu bày ra giữa đá, những mảng rêu đen, những khoảng lá mục tụ đống, những cành cây khô gẫy, những tiếng động nhỏ, những tấm poncho căng trải. Đêm sắp tàn. Giữa hai tảng đá lớn vây che, bếp lửa đã lụn, ngọn se thấp xuống và than đỏ hừng. Trung đội, 24 giấc ngủ mịt mù những mơ mộng khuất lẫn sau lưng đời sống, giữa lá cây, trong bao nhiêu bày biện khác, không ai có thể tham dự vào ai. Có đứa nào đang mơ thấy mẹ cha, làng xóm. Mẹ thì già, cha thì yếu, vợ con thì nheo nhóc xa xôi. Tất cả đang thăm thẳm giữa hơi đất và đêm. Đêm sắp hết. Đêm bình yên hiền hậu. Vầng trăng hạ tuần mòn chếch xuống. Ánh trăng sáng trắng trên vải nhựa poncho, trên da đá ướt sương. Một thằng nào đó nói mơ, không ai nghe rõ. 5 giờ kém 5. Ngón tay đưa vươn ra khỏi cành lá rủ thấp, chỉ theo ánh trăng.
- Phương tây là phương này ?
- Ư. Phương tây.
Phương tây, trăng lặng lẽ, trăng lặn về. Ngón tay thu lại. Cành lá bất động. Yêu nhau cho đến bao giờ, vạc kêu sườn núi trăng mờ đầu non. Vạc là con chim mù, ban ngày không thấy gì cả. Câu ca dao thì thầm, khuôn mặt tối khuất, vết sẹo nào đã không còn thấy được. Thằng binh già, 19 năm lính, vết sẹo của chiến trường Điện Biên, câu ca dao của thời xa xưa lảng đảng và bóng người vợ bồng con chờ, trải dài trong trí trưởng. Một điếu thuốc mồi vào que lửa, bắt cháy, khói tỏa ra, hương thơm ấm trong sương lạnh. Bastos à ? Ừ, Bastos xanh. Cho xin điếu. Điếu thuốc, hai ngón tay kẹp cứng, đôi mắt đăm đăm trên đóm lửa mới dính vào, đang sáng lên, sáng lên theo hơi thở.
- Mấy giờ mình về ?
- Về đâu ?
- Xuống núi.
- 6 giờ.
Hai
cái bóng mù. Trăng càng lâu càng nhạt loảng. Hình như có gió vừa xua
động trong lá cây. Khuôn mặt ngữa lên tìm ngó. Một cành khô trơ vơ vươn
dài ra, in rõ giữa nền thinh không sâu thẳm, vài ba chấm sao xa ngút.
Gió rì rào dưới chân núi, trong vùng rừng dày bưng, nơi sẽ đến. Một lúc
nữa, 6 giờ, những tiếng chân chập chờn ở đó, rừng bít
ngạt và mùa đông chưa qua. Xuống núi, vào rừng. Vào rừng rồi đến đâu
nữa. Ra lộ. Lộ, đường. Đường nhựa, đường đất, đường chông mìn, đường gập
gềnh mất trí, đường không lối. Đ.m, 19 năm lính phải không? Mặt trận
Điện Biên thế nào. Cái xẻng mòn, cuối mặt trận, dưới bóng cờ bay, cái
xẻng chỉ còn khúc gỗ, mấy chiếc đinh đeo dính vào, cây súng hư, 6 viên
đạn, xác Tây thối ình. 17 tuổi phải không? Cha mẹ chết cháy với cửa nhà,
lang thang không cơm ăn áo mặc, lượm đồ hộp của lính Mỹ, bị xã bắt,
quận giam, tình nghi theo du kích. 18 tuổi phải không? 30 tuổi phải
không? Đằng kia thêm một thằng nữa mới dậy. Tấm poncho động đậy, cái
dáng lù đù chui ra như một con thú mõi mê xanh bầm sau mùa đông dài nhịn ăn ngủ chết. Mấy giờ rồi? 5 giờ 25. Nấu gì thế? Trà? À trà.
Cái ca nước đặt trên bếp lửa bắt đầu sôi. Ngụm trà nhúm đầu tay, bỏ
vào, từ tốn như một kẻ hưởng nhàn. Hương trà bốc ra thơm nhè nhẹ loảng
trong không khí. Thằng mới đến xin điều thuốc, trèo mỏm đá bên cạnh ngồi
quẹt lửa hút, trông xuống vùng thung lũng phía dưới, hai chân bỏ thỏng
đong đưa, cái bóng im nổi trên khung trời ngã bạc. Ca nước truyền tay
nhau uống, đưa lên.
- Uống mày.
Trà
nóng ấm rát đầu môi, trôi xuống cổ họng, ran trong lòng ngực. Hơi nóng
và sự im lặng bát ngát. Ba cái bóng người va bao nhiêu bóng đá bóng cây.
Những đóm lửa lập lòe nặng trĩu. Cuối tầm mắt, bên kia rừng, núi xếp
thành dãy dài, vây lấp hết phía sau. Những đỉnh núi lờ mờ trên màu sáng nhạt yếu. Một đỉnh nào đó có hai khối đá dựng cao, đá hình mẹ bồng con nhìn hoài về ngã biển như chuyện kể, như thơ nhạc lưu truyền. Vọng phu. Một thằng hỏi.
- Hòn vọng phu ?
- Ừ.
Tiếng
hỏi, tiếng trả lời, đôi mắt hấp háy trên khói từ ca nước bốc lên. Những
ngón tay động đậy gõ vào đá theo một khúc nhạc tình cờ. Đá xếp chồng
lặng lẽ, ấm dưới chỗ ngồi. Đá lớn, đá chất lên nhau. Đá chênh vênh với
trăng, sương mù những người đi qua mất dấu. Tiếng sáo thu lại, thấp
xuống, khoảng vắng vẻ nào hụt mở trên cao? Có con chim nào vừa tỉnh
giấc, có thằng lính nào trong giấc ngủ mơ thấy vợ con, cửa nhà vôi trắng
giọng cười, có đứa bé nào bật khóc dưới làng mạc xa bên kia núi, có ánh
đèn nào mới đốt lên, có ai còn xuôi vạn lý? Có ai xuôi vạn ly, nhắn đôi câu giúp nàng.
Nàng, người thiếu phụ của nghìn năm đó, em trở dậy rồi đó phải không:
em đang mở lớn đôi mắt to đen phiền muộn đăm đăm trông ra từng ngày thấp
thoáng ngoài khung cửa, hỏi thầm: Chàng về hay chưa? Vâng, có ai
về để nhắn với nàng đốt lên cây hương gỗ quý. Đốt lên, bởi lẽ đó là
tình yêu, là lòng anh, kẻ không về được nữa. Đó là kỷ niệm của mẹ cha từ
ngày thanh bình nào thời trước, là ân sủng của thượng đế, kỳ quan của
trái đất. Thương nhau. Tình yêu. Hãy đốt lên tìm gặp anh trong khói
thơm, tình yêu của đời đời không ăn năn bội phản. Đốt lên và khuôn mặt
tỉnh lạnh, không than khóc. Những ngàn năm đã qua nữa sẽ qua. Tiếng sáo
lan xuống, vắt vào những triền đá chất dốc, trãi lên vùng rừng thẳm
rộng, tràn xa, tràn ra xa tít. Cuối vùng rừng là núi, bên kia núi là
biển. Biển bờ dài tắp sóng xanh. Tiếng sáo thu về gần gũi. Khuôn mặt
cúi, những ngón tay trở mình. Tiếng sáo chuyện trò về những năm tháng
những nước bạc, vầng trăng, thanh kiếm thần, nàng vợ trẻ, đoàn người
nghe chim lạ hót lên núi phương nam, câu hỏi thúc hối: Chàng về hay chưa?
Non núi đang vây quanh nàng, đứa con trai thôi khóc. Tiếng sáo ngừng
lại. Những con vật lùng bùng dưới từng tấm vải căng che. Những cánh tay
dụi mắt, những tiếng ngáp, thở dài. Không ai trả lời. Vầng trăng yếu
dần. Khối đá còn khuất chưa thấy được. Có phải có người bồng con đứng
cho đến khi hóa đá, đứng từ cuộc chiến tranh nào đó đã xa vời. Bao nhiêu
cuộc chiến tranh tiếp theo.
- Tượng vọng phu có từ năm nào ?
- Ai biết.
Những
động tác chập chờn giữa bóng tối, khoảng im lặng kéo dài. Ai biết.
Không ai biết. Không ai còn điều gì để nói cả. Ngày tối, qua đêm, đêm,
sáng, ngày. Đêm, ngày, đêm, ngày, đêm. Cứ thế. Bóng tối thì bí ẩn và ánh
sáng thì khốn nạn, ngập ngụa mồ hôi. Cả hai đổ ập vào nhau trộn quánh
múa máy và một lũ người không buồn cười nói, trống rỗng, tối đen. Một
đêm nữa sắp qua.
Chợt thằng trên tảng đá nói cái gì đó nghe không rõ, một thằng ở dưới cầm cái que dài có buộc dây đưa lên. Ống sáo. Thằng ngồi trên đón lấy nhìn sơ qua, vuốt lau lớp sương bám, bàn tay chạy dọc thân ống. Trăng soi sáng trên lớp da tre khô bóng nhậy. Một phần lớn thời gian của đời người vô vọng chấp chới đã tụ đậu trốn ẩn vào đó, bóng loáng dần, không ai nhớ được. Những chiếc lỗ sâu hút, những ngọn lá lặng thinh, những nhánh cây vươn cao, vầng trăng phương tây buồn bã. Tiếng sáo bắt đầu. Âm thanh ru dỗ quen thuộc của đơn vị từ khi hắn đến, thay vào chỗ của những thằng đã bỏ trống. Tiếng sáo nhẹ ngắt quảng ngắn lấy đà rồi thì thầm lan trải ra, len vào từng kẽ đá, từng hơi thở. Khói thuốc, hất ngược lên ngợi ca lòng mẹ thương con. Lòng mẹ như biển khơi, như con núi. Trăng tà im nghe mẹ hát, khuya nín thở, sương lặng thinh, gió thôi đọng, nghe mẹ ru hời. Tiếng sáo và những niềm bâng khuâng trải ra chập chùng gợi nhớ. Khúc nhạc hết. Một ngụm nước trà, một khói thuốc và khúc khác.Vẫn cái âm thanh cũ, kể lể thì thầm, nối móc vào nhau rồi hất ngược lên, cao lên, cùng sao sương. Ai xuôi vạn lý, Có ai xuôi vạn lý bây giờ, đêm chưa sáng, mùa đông chưa qua, đoàn quân chưa xuống núi, những giấc ngủ còn mê muội mỏi nhừ. Hai mươi bốn con. Hôm nay có con nào trong bầy sẽ chết. Một ngày nữa, những bản án đang bầy nhầy giữa tay chân bọn thần linh lông lá, những bữa cơm gạo khô, những hạt muối, những giọt mồ hôi. Bao nhiêu đứa sẽ còn lại đến lúc trăng lên. Tiếng sáo tiếp tục, bắt đầu kể lại từ khi những ngọn núi ngây thơ chạy ra ngoài biển lớn với mắt ngóng trông. Núi trông, núi thành đảo rời, sóng vỗ thầm lời hỏi nhỏ: Chàng về hay chưa? Nàng thành đá lạnh tanh trên đỉnh cao giữa lá cây suối nguồn. Chàng về hay chưa? Chàng về hay chưa? Chưa! Chim lạ hót. Chim hót tràn lan cả trái đất, binh đao ngập ngụa máu xương người. Bao nhiêu năm Mậu Tý, chàng làm sao về. Mười chín năm lính trên đất đai này, đánh Nhật, đuổi Tây, ăn nằm trong những địa đạo Điện Biên, mặc quần áo viện trợ rộng xùng xình ngồi bó chân nghe sáo. Hai mươi tuổi bỏ học đeo dao găm chưỡi thề quen miệng. Mười chín tuổi ốm nhòng như con cá phơi khô, cây súng liên thanh dài gần bằng thân thể. Hai mươi bốn tuổi chết vợ chết con, làng cháy không cha mẹ cửa nhà. Mười tám tuổi quanh năm bị lậu, đái ra mũ đặc vàng. Làm sao mà trở về. Sáng, xuống núi, băng rừng, chới với giữa sên đỉa muỗi mòng và ngủ vùi thiếp quên dưới lớp ruồi xanh bu đậu. Những viên đạn sẽ thoát ra khỏi nòng, tiếng nổ dội chói, mắt cay và lòng không thù hận.
Khúc
nhạc hết. Cây sáo gác ngang xuống vế. Ca nước trà chưa lạnh hẳn, một
điếu thuốc nữa. Đêm đã qua. Những tiếng chữi thề lầm bầm xung quanh. Lửa
sáng sau hốc đá, tay sưởi, mặt cúi. Lệnh truyền khẽ: thôi đi. Lệnh
truyền qua miệng nhau. Đi. Ba lô, dây đạn, súng dao quàng vào vai vào
hông. 6 giờ kém 5, xuống núi. Vạn lý là một vùng tưng bưng kín gù góc vô
vọng rã rời. Hai mươi bốn thằng chậm chạp. Hai mươi bốn giấc ngủ vừa
bay xa cùng những ảo ảnh mộng mị chập chờn mẹ cha làng xóm con vợ ruộng
đồng. Đoàn người đi tới. Đá dựng đứng bên sau. Có con mắt nào trong khe
kín ngó theo, biết được thằng sắp chết, muốn gọi to lên, kêu ngừng lại,
khuyên trốn đi, nhưng bị ngạt chật miệng lưỡi, không thể kêu được. Con
đường dốc chúi. Ngày căng rộng ra, chấp choáng trên từng lá cây. Bước
tới. Vạn lý, quan san, bên đời, trong bóng gian nan. Bước, bước tới nữa
đi, bước tới nữa, lặng lẽ, u mê cho một hôm nào rừng đầy hương thơm gỗ
quý. Rừng trầm. Cho những bàn tay tàn úa đốt lên tưởng tiếc với lời chim
ngợp trời báo tin kinh hoàng cuộc giao tranh mới, những con cháu đời
sau./.
Ý Thức số 1, ngày 1 tháng 10 năm 1970
www.vanchuongviet.org
Đăng lại trên 4phuong.net