Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 18, 2012

NHỮNG VẦN THƠ "NGƯỜI CHÈO ĐÒ" THẦM LẶNG – Huỳnh Văn Hoa

Tác giả HUỲNH VĂN HOA - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo  TP Đà Nẵng


     Ở thơ ca hiện đại Việt Nam, ngoài hình tượng người mẹ, người lính, thì người thầy được đề cập nhiều hơn cả. Điều này không lạ đối với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Nếu lập được thống kê, chắc sẽ đến hàng nghìn bài thơ như thế. Chỉ riêng mùa nhớ ơn thầy cô 20/11 hằng năm, trên những trang báo học trò, đã thấy bao lời hay ý đẹp viết về " người gặp hàng ngày " trên bục giảng này.

    Tiếc rằng cho đến nay, khi nhiều tuyển tập thơ ca ra đời, từ tuyển tập thơ tình, tuyển thơ tác giả, tuyển thơ nước ngoài, đến tuyển tập thơ thế kỷ, vẫn thiếu vắng một tuyển thơ đầy đặn và có chất lượng về người thầy.

    Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, ta thử đi một vòng qua vườn hoa khá nhiều hương sắc của mảng thơ viết về thầy, cô giáo.

***

    Người thầy đầu tiên của mỗi con người là những cô mẫu giáo. Thơ viết về các cô thường hồn nhiên. Có lẽ do chi phối bởi đối tượng giảng dạy.

    Khánh Chi trong tập Gửi gió về cho nội, có hai bài thơ viết về cô giáo. Cô giáo em là bài thơ viết theo thể tự do với nhiều so sánh lạ. Cô học trò nhỏ làm thơ này đã lấy các thời khắc của một ngày : buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, để qua đó, nói lên những suy nghĩ đẹp đẽ về cô. Cô là buổi sáng khi ánh mai chưa lên, nhìn vào mắt cô, em thấy em, thấy các bạn. Buổi chiều, đó là bàn tay phấn trắng như người gieo hạt. Và, trong buổi tối, trong giấc mơ, em thấy cô đi ra trong chiếc bông sen đẹp, cô hiền như lá lúa tháng ba. Bài thơ Khánh Chi viết năm lên 9 tuổi. Ý tứ tinh tươm, mới mẻ.

    Ở một góc độ khác, cũng viết về cô mẫu giáo, Vũ Quần Phương thiên trọng về phía công ơn dạy dỗ. Cô hát, cô dạy, cô thức, cô ru ... Trong bài Trường con, nhà thơ như hoá thân vào thế giới trẻ con để viết. Nơi thế giới ấy, có bàn ghế bé lại như con, có chữ C :  trăng khuyết, chữ O : tròn, có mái trường trong phố như nôi nhỏ, có làn môi chóp chép, nét mi thưa. Thông qua những hình ảnh thân quen đó, nhà thơ  thổi vào ước vọng và tình yêu rộng lớn về quê hương, đất nước. Từ đỉnh núi, dòng sông, khúc hát, đêm trăng đến Tổ quốc, cuộc đời,… như không còn khoảng cách nữa, cả đến những suy nghĩ lớn lao, cao cả :

        Cô dắt con đi giữa phố đông
        Tưởng như dắt mãi đến không cùng
        Mai sau bay giữa vòm tinh tú
        Cô vẫn cầm tay, con biết không ?

    Trần Quốc Toàn lại nghĩ và thương cô mẫu giáo, người luôn muốn tạo niềm vui cho học trò, nên gấp giấy thành chim, thành thuyền, nhặt những quả thông, quả chò, về làm con nhím, con thỏ, để dạy bao người lớn lên.

***

     Thường thơ viết về người thầy là những hồi ức trong trẻo, sáng đẹp. Điều này cũng dễ hiểu. Tuổi trẻ gắn bó với trường lớp, thầy bạn, chưa hoen lấm cát bụi đời thường, tâm hồn còn trong trắng; vì thế, khi nhớ về ngày xưa, kỷ niệm bao giờ cũng lung linh, kỳ diệu. Ngô Văn Phú quay trở lại Tuổi học trò, nhớ về ngôi trường ở thị xã trung du. Nơi ấy, một thời, dăm cậu học trò nghèo, ăn cơm độn, canh rau, mơ làm thi sĩ :

        Tuổi học trò của thị xã trung du
        Hàng long não ủ hương vào trang vở
        Sông Thao chảy như tâm hồn tuổi trẻ
        Cứ đi hoài, không tính phút dừng chân…

    Sông Thao, những quả đồi Phú Thọ, gió Bến Đoan, trăng Trù Mật đã nuôi dưỡng tâm hồn một thế hệ. Và, nơi ấy, có người thầy giáo già, mái tóc bạc bao năm rồi, chưa hết lo toan, vẫn cứ nhớ hoài.
       
    Có người đã ví người thầy giáo như kẻ đưa đò, hết chuyến này đến chuyến khác.  Đành vậy. Có điều trên con đò - tri thức đó, khi cập bến, kẻ ở người đi khó quên nhau. Trong hoài niệm của mỗi người, nơi góc trái tim, chúng ta nhớ về thầy, cô cũ với bao tình cảm đậm đà, sâu nặng. Lớn lên, ta hiểu ra bao điều lớn lao từ lời giảng ngày xưa :
   
        Thầy đã giáng cho con về đất nước, nhân dân
        Để lúc mặc lành không quên người áo vá
        Ăn miếng ngon nhớ bàn tay người trồng khoai, dỡ củ
        Câu ca dao đau đáu một thời ...
                                 (Phạm Khoa Văn - Thăm thầy giáo cũ)

    Trong những năm đạn lửa Trường Sơn, mùa thu - khai trường, vẫn nôn nao nhớ về tiếng trống, nhớ về người thầy, người cô. Trong bài thơ Chẳng thế nào nói hết được đâu, người học trò làm thơ Nguyễn Văn Thắng của vùng chiêm trũng Nam Hà, cứ thương nhớ mãi bóng hình người cô giáo năm xưa, giã từ miền quê quan họ : Nơi con sông Cầu bên bồi bên lở - Con sông Thương nghe tiếng hát giao duyên đến với vùng chiêm lầy lội, rồi những ngày sơ tán, những bữa cơm sắn độn khoai. Chiến tranh, người học trò lên đường. Trong cái ác liệt của đạn bom, vẫn nhớ, vẫn ghi :

        Chúng em đi đánh giặc ở Trường Sơn
        Mang lời cô thắp sáng rừng lá đỏ ....
        Em nghĩ về cô như nghĩ về quê hương thân thuộc
        Chẳng thế nào nói hết được đâu

    Một khía cạnh khác, Nguyễn Đình Ảnh ghi lại những xúc cảm khi nhận được thư thầy cũ. Ba mươi năm là quãng thời gian không ngắn trong đời mỗi người. Vậy mà, suốt chiều dài đằng đẳng ấy, thầy giáo ngày nào vẫn dõi theo từng bước đường của người học trò. Bài thơ có những dòng trĩu nặng yêu thương :

        Ba mươi hai năm chưa gặp lại lần nào
        Bỗng hôm nay nhận được thư thầy gửi ...
        Đọc xong rồi cứ cầm mãi trong tay
        Phong thư nhỏ của người thầy giáo cũ
        Ngỡ còn ấm trên từng nét chữ
        Tấm lòng thầy qua bao tháng, năm
                                           (Đọc thư thầy)

***

    Sẽ thiếu sót, nếu không nhìn thấy một mảng thơ do chính những người cầm phấn sáng tạo. Và, tưởng như có điều nghịch lý chăng, khi người thầy quay về với bao học trò của mình, cũng sâu nặng, ấm áp nghĩa tình. Qua nhiều năm giảng dạy    , tiếp xúc với bao lứa học trò, gặp những cảnh đời éo le, bất hạnh, người thầy sẻ chia vui buồn, mất mát như chính những người thân mình vậy. Một người cha ra đi, không về. Một người mẹ bao năm cách mặt. Nỗi đời hiu quạnh như cứ dào lên trong lòng thầy những thương cảm khôn nguôi :

        Đã bao lần thầy lau kính
        Mà mắt vẫn cứ nhoà đi
        Các em viết về nỗi đau tử biệt
        Các em kể về nỗi khổ sinh ly ...
                                 (Đặng Hiển - Đọc hồi ức tuổi thơ học trò)

    Đặng Hiển là nhà giáo, làm thơ, quê Nam Định, sống và công tác tại Hà Tây (cũ). Bài Viếng thầy nói lên tình cảm, tấm lòng của người học trò, kính trọng thầy:

        Bài thơ con mới viết
        Chưa kịp dâng thầy xem

    Vậy mà, thầy đã ra đi, bùi ngùi thương tiếc, với “Hương khói trào nước mắt/ Lệ nến giọt vắn dài”, mong “Cúi xin thầy tha tội/ Sự đời lệ chảy xuôi”.     

    Lê Huy Hoà cho ta nhận diện chân dung một người học trò. Người học trò ấy giã từ tán bàng xanh, sân trường nắng ngập, tiếng ve mùa hè, theo tiếng gọi của Rẻo đất biên cương trầm mặc cánh rừng già. Trở lại trường xưa với cánh tay gửi lại chiến trường: Lặng lẽ ở dãy bàn cuối lớp, áo quân nhân, một tay áo buông chùng. Nhưng từ nay, lớp học ấm cúng hơn, em hoá thành tấm gương soi cả lớp. Và, đối với người thầy cũng thế :

        Lời tôi giảng thật hơn khi tôi nói đến ước mơ
        Khi mắt tôi dừng lại ở tay áo buông chùng của em -
                                                                      người học trò ấy
        Niềm tin yêu lớn dậy
        Những chân trời sau nét phấn xôn xao…                   
                                                 (Người học trò ấy)

    Trần Đăng Khoa có một bài thơ viết về người thầy giáo thương binh rất cảm động. Năm ấy, chiến tranh đến. Một buổi sáng bom dội, cây phượng già đổ ngổn ngang, ngôi trường thân yêu tốc mái, chiếc bảng đen lỗ chỗ dấu bom, người thầy cầm súng ra đi. Năm sau, thầy trở về, một bàn chân không còn nữa. Bàn chân thầy gửi lại nơi đâu, Khe Sanh, Tây Ninh, Đồng Tháp, học trò thơ trẻ không biết. Nhưng điều rõ ràng, sâu xa nhất, những chiều giá buốt, những đêm mưa dầm, dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo :

        Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo
        Như nhận ra cái gì chưa hoàn hảo
        Của cả cuộc đời mình ...
        Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất
        Vẫn dắt chúng em đi trọn vẹn cuộc đời
                                    (Bàn chân thầy giáo)

    Hữu Thỉnh có một bài thơ khá hay viết về người thầy, có tên Thưa thầy. Hình tượng chiếc thước kẻ, vật quen thuộc của người đi dạy như vẽ ra con đường cho người học trò vin vào đấy, bước qua cay đắng cuộc đời, đứng lên trước mọi vấp ngã, đi tới tương lai, vững tin:

        Đã vấp ngã
                thưa thầy
                    nhiều vấp ngã
        Chẳng đâu xa, ở ngay giữa con người
        Em bước đi lặng lẽ nghĩ về thầy
        Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ

    Trong nghĩ suy của người học trò, với thầy, đó là nơi gửi gắm của niềm tin, chốn đi về sau bao thất bại, là bông hoa cho thơm mát bình yên, là ngọn suối tan đi nhọc nhằn. Bao giờ cũng vậy, ngồi bên thầy, chúng ta trở thành bé bỏng, như đứa con bên cạnh mẹ hiền. Thương thầy, qua thời gian, tóc bạc dần. Trang giáo án mỏng manh không chịu nổi những bão giật của đời thường:

        Cây trước cửa, gió ở ngoài trang vở
        Thầy một mình vật vã với văn chương
        …
        Đang mưa bão đường về sông nước ngập
        Giở trang Kiều thầy giảng chạnh lòng đau.
               
    Thầy giáo, như có người so sánh, là cành hoa đào ngày xuân, tự cháy đỏ đời mình để cho mùa xuân rực rỡ. Bao thế hệ qua đi, trên bến sông xưa, người thầy kính yêu của chúng ta vẫn còn đứng đó, cần mẫn dìu dắt bao lớp học trò :

        Con tằm rút ruột mang tơ óng
        Cây được vun trồng nở rộ hoa
                                   (Bài xướng - Doãn Mậu Côn)

                       
                            HUỲNH VĂN HOA         
READ MORE - NHỮNG VẦN THƠ "NGƯỜI CHÈO ĐÒ" THẦM LẶNG – Huỳnh Văn Hoa

RÚ CÂU HOAN - Võ Văn Luyến


           

                Đã có nhiều bài báo nói tới Rú Lịnh (Vĩnh Linh), một đặc ân thiên nhiên dành cho Quảng Trị, nhưng rú Câu Hoan tự bao giờ và mãi mãi nằm trong tâm thức người dân Hải Thiện (Hải Lăng) thì chưa. Từ thuở còn cắp sách đến trường, tuổi thơ tôi đã được nghe truyền lưu câu “rú Câu Hoan, quan Cổ Luỹ...”(1).

          Cách thị trấn Hải Lăng hai ki lô mét về phía đông, rú Câu Hoan toạ lạc thành dải hình chữ nhất kéo dài khoảng hơn sáu cây số từ tây sang đông, sừng sững như một con đê bao xanh chế ngự cuộc trường chinh của cát từ bao đời nay. Cùng bao làng xã khác một thời nằm trong “toạ độ lửa” của cuộc chiến tranh huỷ diệt, rú Câu Hoan vẫn nguyên vẹn khuôn mặt cổ sơ của nó. Cây cối ở đây không to, lớn như rừng nguyên sinh bởi gió táp, nắng nung của lửa trời và cát trắng nhưng xanh rì, rậm rịt chen chúc dễ dẫn bước chân đi lạc vì mải mê cảnh vật. Những người say cây cảnh có khi lặng ngắm hàng giờ trước tràm, chổi, si, cừa...có trăm, ngàn dáng bon sai thiên tạo không biết chán. Ấy là ân tứ của trời đất ban tặng cho miền quê lắm ruộng nhiều cá này vậy.

          Các cụ già làng quả quyết: Rú Câu Hoan là sự sinh tồn của người dân làng xã này. Thiếu nó, chắc chắn bây giờ chúng tôi bị cát lùa ra làm nhà trên ruộng sâu ngập nước rồi, kiểu nhà nổi như bà con ở Đồng Tháp Mười. Khó khăn của chúng tôi là đất hẹp người đông, khi ấy ruộng đâu mà cấy trồng. Chính vì thế, từ xưa cha ông chúng tôi có định lệ bảo vệ rú nghiêm túc, thưởng phạt công minh, ai cố ý làm trái sẽ bị xử lý làm gương. Cho nên, dù qui ước bất thành văn, người dân Câu Hoan vẫn thấm nhuần và thấy rõ vai trò, lợi ích của rú quyết định sự sống còn của mỗi cá thể và của cả cộng đồng.   
                                     
          Hồi còn học lớp nhì, lớp nhất (tức lớp 4, lớp 5 bây giờ), tôi đã sởn da gà và mười mươi tin vào sự thật một câu chuyện. Chuyện kể rằng, rú Câu Hoan có đôi cá thần trăm tuổi sống dưới một cái hồ sâu, nước thăm thẳm nhìn không thấy đáy. Hàng năm, dân làng phải tế thần cá một trai hay gái trinh mới ăn nên làm ra, trên dưới đồng thuận, ngoài làng trong xóm ấm êm. Vì thế, để bảo toàn mạng sống, người đến phiên được chỉ định tìm mọi cách bắt cóc người khác làng làm vật hiến tế thay mình. Những ai lỡ chân vào rú sẽ trở thành mồi cho thần cá. Người ta mô tả cạnh hồ còn có cái miếu thiêng thờ thần cùng dây thừng dùng để trói người, nghe thật ghê rợn.

            Câu chuyện hoang đường ngỡ tưởng để dọa những đứa trẻ không biết vâng lời. Tôi đồ rằng, các cụ bịa ra còn nhắm vào đối tượng vì lợi ích trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài. Đó là việc mượn chuyện để răn đe những ai vô tình hay cố ý khai thác bừa bãi, phá hoại môi sinh môi trường sẽ chuốc lấy hậu họa. Một giả thiết khác, trong chiến tranh, có lẽ nhờ câu chuyện đầy màu sắc tâm linh này mà không ai dám lai vãng và rú Câu Hoan trở thành nơi an toàn cho cán bộ nằm vùng hoạt động bí mật chăng?

          Xin đi tắt về ngang một chút, phương ngữ “rú Câu Hoan,...” còn có dị bản “Cá Câu Hoan,...”. Cá Câu Hoan bây giờ không nhiều như xưa bởi nhu cầu tiêu thụ và phương tiện đánh bắt, sử dụng hóa chất tràn lan. Trên thực tế, giải pháp phục hồi tập đoàn thiên địch của ngành nông nghiệp địa phương nghe ra đang ở phía trước. Chúng ta có quyền hy vọng và hy vọng. Nhưng rú Câu Hoan thì xưa nay vẫn thế, vẫn thách thức với trời xanh mây trắng nắng vàng, thách thức với cơn cuồng điên của gió cát muốn “sa mạc hóa” tất cả.

          Về Hải Thiện, tôi thật cảm phục tinh thần ý chí bảo vệ môi trường sinh thái của dân làng. Tinh thần ấy được dưỡng dục từ buổi hình thành nên tên làng mang niềm vui về với mọi nhà. Và niềm vui ngát xanh kia hóa nghìn con mắt nhớ vẫy gọi những ai hơn một lần từng đến nơi này.
                                                                
                                                                    Võ Văn Luyến
READ MORE - RÚ CÂU HOAN - Võ Văn Luyến

KÝ ỨC MÃI XANH - thơ Lê Ngọc Phái

Tác giả LÊ NGỌC PHÁI và phu nhân ở vịnh Hạ Long

                          
                                    Nguyễn Hoàng trường cũ dấu yêu ơi
                        Đã mấy chục năm cách biệt rồi
                        Bè bạn thân thương lòng mãi nhớ
                        Thầy cô cao quý dạ khôn nguôi
                        Quê nghèo hiếu đạo gương trong sáng
                        Xứ khổ khoa thi bảng rạng ngời
                        Ươm giống đức tài dâng đất tổ
                        Đơm bông kết trái khắp ngàn nơi.


                        Đơm bông kết trái khắp ngàn nơi
                        Đẹp cả non sông đẹp cả người
                        Mến bóng tàn cây khi đứng đợi
                        Yêu hàng ghế đá lúc ngồi chơi
                        Cổng trường níu gót ra ngoài phố
                        Lối mộng đan tay đến cuối trời
                        Hương lửa ba sinh vào hội ngộ
                        Vườn hoa dân trí mãi xanh tươi.


                        Vườn hoa dân trí mãi xanh tươi
                        Lưu lại danh thơm của một thời
                        Tiếng trống thu về mùa tái ngộ
                        Cành hoa phượng nở khúc chia phôi
                        Lối khuya gió thoảng màn đêm rủ
                        Ngõ vắng trăng lên bóng nguyệt mời
                        Một mái nhà chung tình nghĩa thắm
                        Bao năm tung cánh giữa trùng khơi!
  

                        Bao năm tung cánh giữa trùng khơi
                        Bỗng nổi can qua phải chuyển dời
                        Làng xóm di cư - nhà vắng tiếng
                        Thị thành sơ tán - phố im hơi
                        Anh em xuôi ngươc ngoài sương gió
                        Chồng vợ nổi trôi giữa xứ người  
                        Thành Cổ điêu tàn theo khói lửa
                        Trường xưa tan tác tuổi hai mươi!
                  

                         Trường xưa tan tác tuổi hai mươi
                         Ôi đớn đau thay những mảnh đời
                         Sư đệ phương nao giờ lạc lõng
                         Thân bằng nẻo ấy đã xa xôi
                         Cảm đàn trẻ dại khô dòng sữa
                         Thương mẹ già nua héo nụ cười
                         Chinh chiến gây nên điều bất hạnh
                         Thời gian hàn gắn mãi chưa vơi!


                          Thời gian hàn gắn mãi chưa vơi!
                          Sâu lắng trong tim nỗi ngậm ngùi
                          Nhớ cảnh chiều vàng hoa nắng ngả
                          Thương con đường cũ ánh trăng lơi
                          Đây tà áo trắng vờn trong gió
                          Nọ lũ chim non hót giữa trời
                          Đâu mái trường xưa đầy kỷ niệm
                          Tình yêu - Thầy - Bạn của tôi ơi!
  
                                                             Lê Ngọc Phái
phaimai@yahoo.com
READ MORE - KÝ ỨC MÃI XANH - thơ Lê Ngọc Phái

MẠ VÀ CÔ GIÁO - Nguyễn Đặng Mừng

Tác giả NGUYỄN ĐẶNG MỪNG


Từ nhỏ đến lúc vào đệ nhị cấp tôi chỉ được học với Thầy. Cô Võ Thị Hồng là cô giáo đầu tiên, lại dạy môn văn, môn tôi thích và học khá nhất. Vài tuần đầu lạ trường lớp, lại mặc cảm là học sinh trường tư mới được tuyển vào, tôi muốn chứng tỏ  với bạn bè rằng tôi cũng biết học văn.Trắc nghiệm đầu tiên của cô với năng lực học sinh không phải những bài nghị luận mà là mỗi em tự sưu tầm về ca dao tục ngữ, chép và trình bày thật đẹp trong một cuốn tập để cô chấm điểm. Cơ hội đã đến. Không cần phải đi  đâu xa, Mạ tôi là một kho tàng ca dao tục ngữ để tôi tha hồ ghi chép. Tôi sưu tập được hàng trăm câu hay và độc đáo từ mạ rồi nộp cho cô. Cô hỏi mô mà nhiều rứa, tôi bảo Mạ em hò cho em chép đó. Cô cười bảo em có người mạ tuyệt vời.

Mạ tôi không biết chữ. Cô Hồng  là cô giáo đầu tiên của tôi đã tốt nghiệp sư phạm môn văn. Cô giáo “ra đề”, mạ lại giúp tôi “giải đề”.Từ nhỏ mạ tôi thường dạy chị em tôi ứng nhân xử thế chỉ bằng ca dao tục ngữ. Mạ chỉ đọc lên và chị em tôi hiểu. Có khi hiểu sai mạ lại giải thích bằng ngôn ngữ dân dã, ri nì, tê nì. Cô Hồng giúp tôi hiểu sâu hơn, minh triết hơn về ca dao tục ngữ.

 Có lần đọc một cuốn sách phê bình truyện Kiều, tác giả cuốn sách là một nhà thơ nổi tiếng. Nhân nói về vần điệu, nhà thơ bèn đem câu: “Con mèo con chó có lông, bụi tre có mắt nồi đồng có quai”ra ví, rồi bảo rằng tục ngữ ca dao Trị Thiên có câu nói cho có vần,  không ý nghĩa gì cả. Mạ tôi bảo nói chi mà ngu, đó là “tai vách mạch rừng”. Tôi đem điều này trao đổi với Cô Hồng, Cô bảo mạ nói đúng, ông nhà thơ kia sai. Còn đọc cho tôi nghe một câu lạ, có âm hưởng… “Con mèo con chó…”: “Con mèo con chó cũng không, bụi tre một chắc, ngoài đồng không ai”. Không ai “chộ” cả, vậy mà đôi trai gái hôn nhau hôm sau cả làng ai cũng biết.

Có lần cô cho  cả lớp mỗi trò tự chọn đề tài thuyết trình. Bài  thuyết trình hay nhất theo tôi thuộc về Cao Thị Yến với truyện dài Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến. Yến mũm mĩm và hiền như ma suoer, lại nói về thân phận cô bé trong trường mồ côi ở nhà thương Phủ Doãn với các Dì Phước. Tôi chưa quen thân  mà dám đồ rằng chắc Yến  là người Công Giáo, và biết đâu chừng đã từng ở trường dòng. Có lẽ hồi trẻ Yến không thực hiện được ý nguyện đi tu nên hiện giờ Yến ở nhà thờ và đi làm từ thiện nhiều hơn ở nhà. Biết đâu  ý nguyện đó lại  bắt đầu từ niềm thương cảm cô bé mồ côi trong truyện, từ buổi thuyết trình ngày xưa.

Những bài thuyết trình phải nộp cho cô Hồng duyệt trước khi được lên diễn đàn. Tôi mê truyện dịch nên soạn thuyết trình cuốn Đôi Bạn Chân Tình của Hermann Hesse. Cô gọi riêng tôi và nhẹ nhàng bảo, em không nên thuyết trình một cuốn sách vượt khả năng của mình. Tôi buồn vì cô “coi thường’ mình nhưng cũng về soạn lại bài thuyết trình khác, tôi nhớ là đề tài về ca dao tục ngữ. Tiếc là tôi không được thuyết trình vì trễ. Tôi mang theo lời dặn của cô, “cứ đi hết đường xóm của mình ta sẽ gặp thế giới”.

  Gần đây tôi đi theo nghiệp văn, đúng ra là văn nó vận vào đời tôi từ nghiệp dĩ, từ khi tôi học lớp 10c, từ lúc Cô Hồng nói với chúng tôi về cách để viết một bài văn hay. Cô nhắc lại một câu của nhà văn Nhất Linh, đại ý là: “Văn chương là phương tiện để đưa ý tưởng của mình đến với độc giả. Văn giản dị dễ hiểu mà lột tả được những ý tưởng súc tích sâu xa mới tài, mới hay”. Và bao giờ trước trang giấy, bàn phím tôi vẫn tâm niệm điều đó. Những câu ca dao tục ngữ theo ruộng vườn  chảy tràn trong văn tôi; “Đi mô đem thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo”. Và đôi lúc đi hơi “xa nhà” trong trang viết tôi lại giật mình nhớ câu: “Mẹ già cuốc đất trồng khoai, con đi mua ngọn nghe ai chưa về”. Mạ và cô, trong sâu thẳm tâm thức mình luôn hiện về nhắc nhở tôi.

 Năm tôi thi đậu tú tài ban c mạ tôi vui lắm, ai tới nhà cũng khoe. Lúc nghe tôi có giải thưởng truyện ngắn của tạp chí Sông Hương, ra được tập truyện Cô giáo tôi cũng xúc động lắm, bảo Cô T phân bì với Cô đó.  Cô T bảo “ mi dạy văn có đứa làm văn sĩ, tau dạy ngoại ngữ chưa có ai làm dịch giả cả, vậy là mi hạnh phúc hơn”.

  Tôi viết khá nhiều mà chỉ viết chuyện đâu đâu, chưa có dòng nào cho Mạ cho Cô. Cô và Mạ đã cho gói kẹo văn chương  ngọt ngào tuổi thơ, tôi cứ ôm giữ khư khư không chịu ăn, lại thèm kẹo của người dưng. Tôi cứ sợ viết không xứng với những điều Mạ và Cô trao cho, hay sợ mình “hết vốn” cũng nên?!

Nay mạ đã già và cô thì yếu. Qua bài viết này con, em xin gửi đến hai vị lòng tri ơn sâu nặng của mình.

READ MORE - MẠ VÀ CÔ GIÁO - Nguyễn Đặng Mừng