Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 18, 2012

RÚ CÂU HOAN - Võ Văn Luyến


           

                Đã có nhiều bài báo nói tới Rú Lịnh (Vĩnh Linh), một đặc ân thiên nhiên dành cho Quảng Trị, nhưng rú Câu Hoan tự bao giờ và mãi mãi nằm trong tâm thức người dân Hải Thiện (Hải Lăng) thì chưa. Từ thuở còn cắp sách đến trường, tuổi thơ tôi đã được nghe truyền lưu câu “rú Câu Hoan, quan Cổ Luỹ...”(1).

          Cách thị trấn Hải Lăng hai ki lô mét về phía đông, rú Câu Hoan toạ lạc thành dải hình chữ nhất kéo dài khoảng hơn sáu cây số từ tây sang đông, sừng sững như một con đê bao xanh chế ngự cuộc trường chinh của cát từ bao đời nay. Cùng bao làng xã khác một thời nằm trong “toạ độ lửa” của cuộc chiến tranh huỷ diệt, rú Câu Hoan vẫn nguyên vẹn khuôn mặt cổ sơ của nó. Cây cối ở đây không to, lớn như rừng nguyên sinh bởi gió táp, nắng nung của lửa trời và cát trắng nhưng xanh rì, rậm rịt chen chúc dễ dẫn bước chân đi lạc vì mải mê cảnh vật. Những người say cây cảnh có khi lặng ngắm hàng giờ trước tràm, chổi, si, cừa...có trăm, ngàn dáng bon sai thiên tạo không biết chán. Ấy là ân tứ của trời đất ban tặng cho miền quê lắm ruộng nhiều cá này vậy.

          Các cụ già làng quả quyết: Rú Câu Hoan là sự sinh tồn của người dân làng xã này. Thiếu nó, chắc chắn bây giờ chúng tôi bị cát lùa ra làm nhà trên ruộng sâu ngập nước rồi, kiểu nhà nổi như bà con ở Đồng Tháp Mười. Khó khăn của chúng tôi là đất hẹp người đông, khi ấy ruộng đâu mà cấy trồng. Chính vì thế, từ xưa cha ông chúng tôi có định lệ bảo vệ rú nghiêm túc, thưởng phạt công minh, ai cố ý làm trái sẽ bị xử lý làm gương. Cho nên, dù qui ước bất thành văn, người dân Câu Hoan vẫn thấm nhuần và thấy rõ vai trò, lợi ích của rú quyết định sự sống còn của mỗi cá thể và của cả cộng đồng.   
                                     
          Hồi còn học lớp nhì, lớp nhất (tức lớp 4, lớp 5 bây giờ), tôi đã sởn da gà và mười mươi tin vào sự thật một câu chuyện. Chuyện kể rằng, rú Câu Hoan có đôi cá thần trăm tuổi sống dưới một cái hồ sâu, nước thăm thẳm nhìn không thấy đáy. Hàng năm, dân làng phải tế thần cá một trai hay gái trinh mới ăn nên làm ra, trên dưới đồng thuận, ngoài làng trong xóm ấm êm. Vì thế, để bảo toàn mạng sống, người đến phiên được chỉ định tìm mọi cách bắt cóc người khác làng làm vật hiến tế thay mình. Những ai lỡ chân vào rú sẽ trở thành mồi cho thần cá. Người ta mô tả cạnh hồ còn có cái miếu thiêng thờ thần cùng dây thừng dùng để trói người, nghe thật ghê rợn.

            Câu chuyện hoang đường ngỡ tưởng để dọa những đứa trẻ không biết vâng lời. Tôi đồ rằng, các cụ bịa ra còn nhắm vào đối tượng vì lợi ích trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài. Đó là việc mượn chuyện để răn đe những ai vô tình hay cố ý khai thác bừa bãi, phá hoại môi sinh môi trường sẽ chuốc lấy hậu họa. Một giả thiết khác, trong chiến tranh, có lẽ nhờ câu chuyện đầy màu sắc tâm linh này mà không ai dám lai vãng và rú Câu Hoan trở thành nơi an toàn cho cán bộ nằm vùng hoạt động bí mật chăng?

          Xin đi tắt về ngang một chút, phương ngữ “rú Câu Hoan,...” còn có dị bản “Cá Câu Hoan,...”. Cá Câu Hoan bây giờ không nhiều như xưa bởi nhu cầu tiêu thụ và phương tiện đánh bắt, sử dụng hóa chất tràn lan. Trên thực tế, giải pháp phục hồi tập đoàn thiên địch của ngành nông nghiệp địa phương nghe ra đang ở phía trước. Chúng ta có quyền hy vọng và hy vọng. Nhưng rú Câu Hoan thì xưa nay vẫn thế, vẫn thách thức với trời xanh mây trắng nắng vàng, thách thức với cơn cuồng điên của gió cát muốn “sa mạc hóa” tất cả.

          Về Hải Thiện, tôi thật cảm phục tinh thần ý chí bảo vệ môi trường sinh thái của dân làng. Tinh thần ấy được dưỡng dục từ buổi hình thành nên tên làng mang niềm vui về với mọi nhà. Và niềm vui ngát xanh kia hóa nghìn con mắt nhớ vẫy gọi những ai hơn một lần từng đến nơi này.
                                                                
                                                                    Võ Văn Luyến

No comments: