Nam
sinh quậy lớp 10A3 cũng “khét tiếng” lắm. Nguyễn Hùng Việt được xem là đàn anh
thứ dữ. Một hôm, trong giờ thi môn lý hoá đệ nhị lục cá nguyệt, Việt ngồi cạnh
tôi, đòi tôi đưa bài thi cho “ngài” chép. Nói tử tế , tôi giúp ngay nhưng đe
doạ thì đừng hòng ! Việt chồm qua định giật bài thi của tôi , thì thầy giám thị
coi thi nhắc nhở , Việt tạm ngồi im . Lúc đó tôi nhìn ra cửa sổ ; thấy hai, ba
chàng du đãng mặt mày dữ tợn đang đưa nắm đấm lên hăm doạ . Làm bài mà lòng tôi
hồi hộp, run lên . Cứ nghĩ rằng họ là bạn của Việt. Việt cũng không thèm đoái
hoài gì đến tôi nữa. Hết giờ, thí sinh lục tục rời phòng, tôi nấn ná ở lại, lo
sợ nhìn quanh thì Việt đã phóng ra khỏi lớp từ lúc nào. Sau đó nghe tiếng la
hét vang lên nhốn nháo : “ Du đãng cầm dao rượt đuổi nhau bây ơi !”. Hỏi chuyện
nhau, mới biết Việt với đám giang hồ gây thù chuốc oán sao đó, nên bị họ đến
thanh toán . Từ đó Việt bỏ học đi đâu mất dạng. Ngoài Việt ra, còn có Nguyễn
Kim Phụng, anh chàng này tuy nhỏ con nhưng nhiều đứa cũng phải gờm mặt không
dám trêu ngươi. Phụng học với tôi từ năm đệ thất đến năm lớp 10, anh chàng chưa
hề ăn hiếp hoặc hù doạ ai, nhưng bạn của Phụng là những anh chị thứ thiệt :
“băng cột điện 192” khá khét tiếng trong lứa tuổi thiếu niên hồi đó ( lúc chúng
tôi học lớp 7, lớp 8, lớp 9), băng đảng này có Võ Văn Nhơn bạn học lớp tôi từ
đệ thất đến lớp 9. ( Nhơn là bạn thân và là hàng xóm của Phụng - nhà trên
đường về Hạnh Hoa Thôn và Trí Bưu , gần nhà Cao Thị Kim Lương).
Trong lớp có Lê Nguyên, Lê Đình Tứ ( cháu thầy
Lê Đình Chỉnh), Nguyễn Mãn, Lê Hữu Kháng, Lê Văn Quy, Lê Thọ Tuyển, Nguyễn Thọ,
Võ Văn Đôn, Lê Văn Toàn, Lê Hoà … những bạn ngồi phía sau hiền lành và ít tham
gia hoạt động lớp. Lê Nguyên,Võ Văn Đôn cùng học với tôi từ năm đệ thất đến lớp
10. Lê Nguyên, người Nhan Biều, là cháu thím Quy (vợ chú Quang của tôi ) .Hồi
còn học lớp 8, lớp 9 Nguyên đã đi học bằng chiếc xe Gobel, ra dáng anh hùng xa
lộ lắm. Các bạn nữ như : Cao Thị Thanh Thuỷ, Trần Thị Nếp, Trần Thị Hoàng Liên,
Trần Thị Thu Lam, Nguyễn Thị Ninh, Trần Thị Thảo, Nguyễn Thị Kim Thu, Phan Thị
Tự, Nguyễn Thị Vu, Phan Thị Liễu, Trần Thị Ngoan, Đào Thị Bạch Nhật, Nguyễn Thị
Hậu, Nguyễn Thị Hoài An …. nói chung đều hiền lành, rụt rè ít nói. Cao Thị Thanh
Thuỷ người làng Trà Liên, là em ruột thím Nhàn (vợ chú Đức của tôi). Hoàng
Liên, nhà ở Thạch Hãn, đối diện với nhà thầy Trần Văn Lữ. Liên có em gái
Hồng Phượng, lúc đó học lớp 10B, rất xinh nên là đối tượng chiêm ngưỡng của
nhiều chàng trai trường Nguyễn Hoàng. Phan Thị Liễu, người Nhan Biều, hiện là
giáo viên đã nghỉ hưu, hiện ở xã Tân Phước, La Gi, Bình Thuận. Chồng Liễu, anh
Hải cũng là đồng môn NH hơn Liễu ba lớp. Anh Hải thật thà đôn hậu , đối xử rất
nhiệt tình với bạn học của vợ mình.
Trường
NH lúc đó vẫn được quản lý bởi
thầy hiệu trưởng Thái Mộng Hùng. Nhưng nhà thầy ở Đà Nẳng, phải điều hành hai
phân hiệu (Non Nước – Hoà Khánh), cách xa nhau hơn 20 km, nên thầy không thường
xuyên có mặt. Giám học trường vẫn là thầy Nguyễn Thiện. Thầy Hồ Ngọc Thanh,
tổng giám thị luôn có mặt ở trường ( nhà thầy ở ngay trong trại 5 Non Nước ).
Năm học này , trường NH bùi ngùi tiễn đưa thầy Phan Phụng Thạch ( quản thủ thư
viện trường - giáo sư dạy sử địa lớp đệ thất 3 của tôi niên khóa 1968 - 1969) -
một nhà thơ tài hoa về nơi an nghỉ cuối cùng . Đoàn người tiễn đưa thầy
Thạch đông hàng nghìn người, ngoài tang gia quyến thuộc, đồng nghiệp, thi
văn hữu, thì học sinh toàn trường Nguyễn Hoàng đang tản cư ở Đà Nẵng đều hiện
diện đông đảo. Ai cũng rưng rưng xúc động nhớ thương vị thầy giáo tài hoa mà
mệnh yểu. Chưa tròn một năm sau đó, thầy Trần Văn Lữ - người bạn thân của thầy
Phan Phụng Thạch - vị giáo sư quốc văn khả kính của nhiêu thế hệ học sinh
Nguyễn Hoàng cũng ra đi trong sự tiếc thương của gia đình thân hữu , đồng
nghiệp và học sinh Nguyễn Hoàng
Quý thầy cô dạy 10A3 đều để lại cho chúng tôi những kỷ niệm khó
quên. Thầy Cái Ngọc, giáo sư hướng dẫn lớp, dạy môn vạn vật trầm lặng ít
nói, thầy thường để lớp chủ động giải quyết công việc. Quốc Cường, Đăng
Hùng và tôi được thầy giao cho công việc cộng sổ, viết bảng điểm của
các kỳ thi lục cá nguyệt vào thành tích biểu cho các bạn trong lớp.
Trương Đăng Hùng viết chữ rất đẹp , nên sau khi bị hư 1 bảng điểm cuối
niên khóa ( do có chỉnh sửa , bôi xoá ) ; Hùng sao thêm 2 bảng điểm cuối
niên khoá nữa, sau khi nộp bảng chính đẹp nhất cho giáo sư hướng dẫn.
Hắn giao cho tôi 1 bảng sao và 1 bảng bị hư do sửa chữa và hắn chỉ giữ 1
bảng sao. Tôi cho Mĩ Trúc bảng điểm có chỉnh sửa . Hè năm 1977, khi về
Quảng Trị tôi cho lại Nguyễn Văn Bình bảng sao hoàn chỉnh duy nhất mà
tôi còn giữ ( nghe nói hắn để cho mối mọt gặm nát rồi , chán thiệt ! ).
May sao , Mỹ Trúc đã photocopy bảng điểm Trúc đang giữ và gửi vào cho
tôi ( khổ giấy A1 , to rộng lắm ). Bạn học 10A3 NH cũ nào cần thì liên
hệ tôi hoặc Mỹ Trúc để xem .
Thầy Thị dạy toán, thấp lùn,
béo tròn. Mặt thầy hồng hào, miệng cười tươi trông phúc hậu như Phật Di
Lặc. Tôi vốn mất căn bản toán, đúng ra phải chọn ban C, nhưng niên khoá
đó, trường NH không mở ban C nên tôi mới miễn cưỡng học ban A. Thầy Thị
dạy rất dễ hiểu. Tôi ngồi bàn đầu , hay được thầy trò chuyện. Thầy hỏi :
“ Minh , Liên , Đức là gì của em ?” (Đoàn Minh , Đoàn Liên , Đoàn Đức
là những học sinh cũ của trường NH, nổi tiếng học giỏi, và là những
người chú ruột của tôi ; sau này chú Đức dạy Nguyễn Hoàng môn Anh Văn,
có dạy lớp 11A3 niên khoá 1973 -1974 từ lớp 10A3 của chúng tôi lên ) .
Giờ học toán , thầy Thị lại đố tôi Anh văn : “ Đố Phú ICCS ( viết tắt
chữ tiếng Anh "Uỷ ban Quốc tế kiểm soát ngừng bắn bốn bên" ) xếp các
nước thành viên theo thứ tự alphabet mà sao Ba Lan lại xếp trước Gia -
nã - đại ? Tôi trả lời : “ Dạ thưa thầy họ xếp tên các nước theo
alphabet của tiếng Anh chứ không theo tiếng Việt ạ ! Gia - nã - đại viết
theo tiếng Anh là Canada , nên xếp trước Ba Lan , tiếng Anh là Poland”.
Thầy khen giỏi làm tôi đỏ mặt . Không thể để thầy chê là dốt toán nên
tôi cố gắng tự học, tự ôn lại nội dung các lớp dưới để lấy lại căn bản .
Trong giờ học, thầy hay cho làm “toán chạy”. Có một chuyện làm tôi nhớ
mãi : để nộp bài trước những bạn gái , chúng tôi làm toán rất nhanh , do
đó đọc đề không kỹ , tôi nộp bài sớm nhất . Thầy Thị xem bài gật gù
liên tục : “Đúng ! Đúng! Đúng!...” làm tôi khoái chí nở mũi khá to . Đột
nhiên , thấy la lên : “Trời ơi! Răng mới làm chừng ni đã vội nộp rồi
…A! Á! À! A!...”. Thì ra tôi mới làm được phân nửa bài, chỉ tạm xong câu
a , chưa làm câu b nhưng sợ thua các bạn nữ mà đại diện nổi trội là Lê
Thị Thắm (em ruột cô Lê Thị Em, giáo sư dạy lý hoá NH ) , nên đã chạy
lên nộp trước , phải một bữa quê mặt . Nhờ sự tận tâm, gần gũi của thầy
Thị nên tôi học toán khá trở lại
Giáo sư dạy Anh văn ( sinh
ngữ 1) của chúng tôi là thầy Trương Thúc Cổn, dạy liên lớp 10, liên lớp
11 . Mới vào học thầy ra ngay bài kiểm tra cho tất cả các lớp với một
dạng đề như nhau ( không phân biệt lớp 10 hay lớp 11) . Tôi còn nhớ đại
khái như sau :
Dịch ra Anh văn các câu sau :
1.Thầy hiệu trưởng trường chúng ta là thầy Thái Mộng Hùng , cao gầy , đẹp trai , nghiêm nghị
2. Thầy dạy Anh văn lớp chúng tôi trước đây là thầy Kế , thầy đeo kính cận ,đến trường bằng xe jeep trắng
3.Chị em trao đổi :
- Chị ơi ! Chúng ta có thể lên cung Hằng bằng cách nào nhỉ ?
- Dễ lắm em ạ ! Chúng ta có thể du nguyệt điện bằng phi thuyền Appllo 11 do Mỹ chế tạo đấy…
Do bài làm của tôi hợp nhãn với thầy hay sao, đi dạy lớp nào ( kể
cả lớp 11C ) , thầy cứ biểu dương tôi mãi, làm tôi hết sức ngượng
ngập vì bị các anh chị lớp 11C trêu chọc khi đi ngang qua lớp họ ( chị
Đoàn Hoa của tôi học lớp 11C đó ).
Cô Võ Thị Hồng dạy Việt
văn là người hết sức tình cảm. Trong giờ nghỉ, cô hay trò chuyện với
học sinh, nhất là các bạn gái . Năm sau, ra trường Quốc Học Huế học, tôi
lại gặp cô dạy ở đây . Phan Ngọc Đăng ( lớp 10A2 NH ) và tôi chuyển
trường cùng học lớp 11C Quốc Học . Chúng tôi hay đến nhà cô ở Vỹ Dạ (
Huế ) chơi và khoe cô việc hai chúng tôi thay nhau dẫn đầu lớp 11C QH ,
cô rất vui . Do xa nhà ( gia đình chúng tôi vẫn ở các trại tạm cư Đà
Nẵng ), chúng tôi thường về thăm nhà, nhưng không có người thân xin phép
nghỉ học. Trường Quốc Học Huế rất nghiêm, chỉ cần vắng 1 ngày không
phép là gửi ngay giấy mời phụ huynh học sinh lên gặp ( chúng tôi gọi đùa
là gửi “mandat” ) . Đăng và tôi phải đến nhờ cô bảo lãnh giùm. Sau khi
trách mắng , cô gặp thầy giám thị xin cho chúng tôi. Có một lần, chúng
tôi đến nhà cô chơi. Trong gia đình cô hình như có chuyện gì không vui ,
chúng tôi không được đón tiếp như mọi khi . Chúng tôi giận , tránh mặt
cô (dù gặp trong sân trường ) nhiều tháng liền . Điều này làm cô buồn
lòng. Chưa kịp xin lỗi cô , thì sự kiện lịch sử mùa xuân 1975 xảy ra ,
tôi vào Bình Tuy với gia đình , không tiếp tục học Quốc Học nữa . Cô ,
trò từ đó không liên lạc với nhau . Viết những dòng này, em xin cô bỏ
qua cho những phản ứng nông nổi , trẻ con của em lúc đó , mong cô luôn
vui khoẻ và đầy ắp tình cảm bao dung như thuở nào .
Thầy
Lê Quang Dị , dạy công dân giáo dục , thầy thường cho học sinh lên bảng
diễn thuyết , tự giới thiệu về mình. Sau này , thầy chuyển về Huế ,
chúng tôi hay đến nhà , thầy trò nói chuyện khá tâm đắc .
Thầy Lê Văn Gioang dạy Pháp văn ( sinh ngữ 2) . Thầy nghỉ nhiều do sức
khoẻ yếu ( bệnh phổi ) nên chúng tôi học Pháp văn bị gián đoạn, hết năm
lớp 10 chỉ học xong bài 8 trong cuốn “Cours de Langue et de Civilisation
Francaises” tập 1 của G. Mauger. Lúc ra học lớp 11C Quốc Học Huế , đầu
niên khoá chúng tôi bắt đầu học bài 30 cũng sách trên. Nhờ sự tự học
trong hè 1973 , chúng tôi mới bắt kịp chương trình và không để thua kém
các bạn Huế .
Thầy Nguyễn Đôn Hộ dạy lý hoá còn trẻ, mới
ra trường nhưng đã có phong thái đĩnh đạc. Thầy khá nghiêm khắc, có phản
ứng gay gắt với những nữ sinh tinh nghịch . Thầy Hộ hát hay, ăn nói có
duyên ( khi đã hoà đồng cùng học sinh trong các buổi dã ngoại ), lại có
kiến thức khá rộng ( không chỉ trong môn lý hoá của thầy ) . Nhiều nữ
sinh có vẻ xao xuyến , thường chụm lại bàn tán “chuyên đề ” về thầy.
Không ít nam sinh đau tim vì “người trong mộng” tỏ ra hờ hững với mình
nhưng lại chú trọng đến thầy Hộ .
Thầy Lê Ngọc Dinh, dạy sử
địa rất hay. Thọc tay vào túi quần, thầy lôi cuốn học sinh bằng những
bài giảng hấp dẫn không chỉ trong phạm vi sử địa mà còn mở rộng ra ngoài
phạm vi văn chương, chẳng hạn câu chuyện “ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị
Lộ”. Học sinh chúng tôi đồn rằng thầy là một cao thủ đai đen Judo, vì
vậy những đám đánh lộn trong trường thường tự động “bỏ cuộc” khi thấy
bóng dáng thầy.
Lớp 10A3 chúng tôi được thầy cô dẫn đi dã ngoại ở Nam Ô (Liên Chiểu ,
Quảng Nam , gần đèo Hải Vân ) , và tự tổ chức đi chơi chùa Non Nước
(Ngũ Hành Sơn) , cách Trại 5 Non Nước khoảng 10 km .Chúng tôi còn giữ
được một số ảnh chụp của lớp trong những chuyến đi dã ngoại đó . Trên
núi Non Nước , Trương Đăng Hùng , một bạn rất khéo tay đã dùng dao đẽo
khắc vào tảng đá tên lớp 10A3 và ngày tháng khắc , rất đẹp . Giờ đây
tảng đá có còn chăng hay tan biến theo bụi thời gian ?
Thương thắm thiết lớp mười xưa cũ đó
Tảng đá buồn rêu phủ tên A3 ?
Thương Non Nước hang sâu cùng dốc núi
Mây bay về ai nhắn kể chuyện ngày qua
Lan và Thắm còn than chăng chân mỏi
Hường , Trúc ơi vẫn ngọt nước dừa tươi
Trên đỉnh núi nhấm hoài vắt xôi dẻo
Thoáng mắt nhìn Thân có thấy bồi hồi