Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, July 17, 2019

“GÃ VÀ TA” THƠ LANG TRƯƠNG, TÊN CÔN ĐỒ THI SĨ - Châu Thạch


              Nhà thơ Lang Trương


GÃ VÀ TA
(Viết giúp ai đó)

Có một gã du côn đời bỏ lại
Ta vô tư nhặt được ở bên đường
Gã nắn nót vuốt cung đàn tình ái
Mọi nẻo đường đời bỗng hoá lối yêu đương.

Thơ ta viết lời yêu thương nồng cháy
Từ những giọt tình gã rót vào ta
Ta thèm khát mỗi ban mai thức đậy
Mỗi hoàng hôn, mỗi lúc bóng chiều tà.

Ta yêu gã, tên côn đồ thứ thiệt
Khoác áo thi nhân lem luốc chợ đời
Một nửa tâm hồn thanh cao tinh khiết
Gã vứt bên đường qua những cuộc chơi.

Cám ơn gã, chút men nồng tình ái
Đốt lòng ta cháy bỏng lúc trời chiều
Tim rạo rực như thuở còn con gái
Mỗi bước đường đời, thêm một bước liêu xiêu.

                                                     Lang Trương


      
                          Nhà  bình thơ Châu Thạch
                      
        “GÃ VÀ TA” THƠ LANG TRƯƠNG - 
                                    TÊN CÔN ĐỒ THI SĨ 
                                                      Châu Thạch

Lang Trương còn có biệt hiệu là Trương Đạo Sĩ, là người bạn thơ vong niên của tôi. Khi chưa gặp nhau tôi tưởng anh ta lớn hơn tôi ít nhất là 10 tuổi, vì thi phú của Lang Trương thật là chững chạc, kiến thức thật cao. Vậy nhưng khi gặp nhau, hóa ra anh ta thuộc hàng con cháu, nhỏ hơn tôi đến 25 tuổi. Tôi ít viết cảm nhận cho người quen thân vì nhiều lý do. Lần nầy thấy bài thơ ngông ngông thật dễ thương khiến cảm xúc trong lòng rạo rực muốn viết. Thôi thì xin viết tản mạn cho vui, chơ viết bình thơ, rủi sai trật thì gã nạt tôi như là nạt con cháu của gã, du côn mà. Vì trong bài thơ Lang Trương tự nhận mình là “du côn”, “côn đồ” nên tôi có cơ hội mở google tìm hiểu cuộc đời của nhiều tên du côn thuở xưa như Đại Ca Thay chẳng hạn. Tôi thấy những tên côn đồ hạng nhất xưa nay còn thua Lang Trương nhiều lắm, vì họ toàn bị tù tội và chẳng biết làm thơ.

Côn đồ Lang Trương không bị tù ngày nào, biết làm thơ phú hay có danh, lại còn làm đạo sĩ mà không theo pháp tu nào cả.
Kinh nghiệm cho biết những đạo sĩ mà không theo phương tiện nào để thành chánh quả thì thường theo phương tiện “Ghẹo Gái” mà thôi. Ha Ha ha! Thế nhưng ông bạn vong niên của tôi tu ghẹo gái thế nào mà đến nay tuổi đã tri thiên mạng vẫn còn độc thân. Lần nầy gã làm bài thơ viết giúp cho ai đó, nhưng đọc thì biết ngay không ai vào đó ngoài người yêu của gã!
Thôi bây giờ xin nói qua thơ.

 Vào đề:  

Có một gã du côn đời bỏ lại
Ta vô tư nhặt được ở bên đường

Bài thơ nầy tác giả lấy lời một người đàn bà để viết về mình. Hai câu thơ mở đầu tác giả tự hạ mình xuống thật thấp. Chúa nói “Ai hạ mình xuống thì ta sẽ đưa lên”. Ở đây Chúa chưa đưa lên mà hai câu thơ đã đưa tác giả lên rồi. Đọc thơ, bạn đọc nào cũng biết không ai dại gì tự cho mình là du côn cả, không ai dại gì tự hạ gíá trị mình xuống làm một vật rơi ở bên đường. Ở đây Lang Trương đã dùng phương pháp nghịch lý một cách kỷ xảo để tôn mình lên bằng những cụm từ hạ mình xuống. Tất nhiên đọc thơ ai cũng cảm tình ngay với chàng “du côn” tự hạ mình xuống thật là hiền hòa, thật là dễ thương ấy.

Tiếp hai câu sau:  

Gã nắn nót vuốt cung đàn tình ái
Mọi nẻo đường đời bỗng hóa lối yêu đương

Đúng y, gã không chỉ là du côn. Du côn thì không thể làm cho em “Mọi nẻo đường đời bổng hóa lối yêu thương”. Vậy gã còn  là nhà thơ? Chỉ có nhà thơ mới dễ hư cấu thành hoa bướm, trải thảm yêu thương trên khắp nẻo đường đời, dầu các nẻo đường đời ấy có lắm chông gai. Chỉ có nhà thơ thôi, chớ dầu có đại gia thì cũng không hóa hoa, hóa bướm dễ như vậy.
Đọc bốn câu thơ ta hiểu ngay Lang Trương đã tự thú trước bình minh rằng trong mình có hai bản chất: Một là du côn, một là thi sĩ.
Du côn thì thường có khí chất anh hùng hảo hán, thi sĩ thì mộng mơ, yêu thương và đắm đuối. Hai tính chất ấy hòa nhập trong một con người thì thành một nhân phẩm, một con người trác tuyệt hiếm có trên đời.
Bốn câu thơ Lang Trương viết có một ẩn dụ kín đáo vô cùng, nằm sâu trong ý thơ, nhưng lại thẩm thấu vào lòng người nhẹ như hơi nước, đến nỗi lòng người yêu mến sự kiêu hãnh trong thơ một cách tự nhiên trong vô thức của mình.

Tiếp khổ thơ thứ hai:

       Thơ ta viết lời yêu thương nồng cháy
       Từ những giọt tình gã rót vào ta
       Ta thèm khát mỗi ban mai thức đậy
       Mỗi hoàng hôn, mỗi lúc bóng chiều tà.

À hóa ra nàng cũng là thi sĩ. Thi sĩ mà gặp thi sĩ thì hai tâm hồn đồng điệu biết bao. Nếu họ khác nhau thì như hai cục nam châm cùng cực, đẩy nhau suốt đời. Nếu họ giống nhau thì như hai cục nam châm khác cực, hút vào nhau vô cùng khắng khít. Người nữ nầy cực âm, đã nhặt được bên đường một cực dương, hay đúng hơn là một viên trân châu quý giá, hay đúng hơn nữa là một mối tình vừa ý, nên yêu đến nỗi cuồng say da diết.

Qua khổ thơ thứ ba người phụ nữ thổ lộ hết tình yêu của mình và cũng công khai người yêu của mình là một tên côn đồ thi sĩ:

          Ta yêu gã, tên côn đồ thứ thiệt
          Khoác áo thi nhân lem luốc chợ đời
          Một nửa tâm hồn thanh cao tinh khiết
          Gã vứt bên đường qua những cuộc chơi.

Thật ra, bài thơ là của gã viết thay cho người nữ, nên những gì trong thơ là từ miệng lưỡi gã tự nói về mình. Người nữ yêu là vì yêu cái tính chất của gã: Côn đồ, thi nhân, lem luốc mà thanh cao và tinh khiết.
Chữ “côn đồ” chẳng qua là một cách viết nhún nhường để nói lên tính cách trung trực, hảo hán của con người, còn lại những từ khác đều chứng minh trong thơ được đây là tâm hồn của một kẻ sĩ.
Khổ thơ cũng cho ta biết gã là một con người bất đắc chí. Cuộc đời không ưu ái với một nhân tài, nên gã mới làm tên côn đồ, đem linh hồn thanh cao tinh khiết của mình vứt vào những cuộc ăn chơi.

Qua khổ thơ chót, ta thấy người nữ thốt lời cảm ơn, một lời cảm ơn không vui mấy, một lời cảm ơn buồn như ánh sáng của ngọn đèn bùng lên trước gió, để sẳn sàng chờ tắt đi trong một phút giây nào đó:

Cám ơn gã, chút men nồng tình ái
Đốt lòng ta cháy bỏng lúc trời chiều
Tim rạo rực như thuở còn con gái
Mỗi bước đường đời, thêm một bước liêu xiêu.

Yêu thì đến nỗi “Thơ ta viết lời yêu thương nồng cháy”, “ta thèm khát mỗi ban mai thức dậy/Mỗi hoàng hôn, mỗi lúc chiều tà”, “Gã nắn nốt vuốt cung đàn tình ái/Mọi nẻo đường bổng hóa lối yêu thương”, nhưng tất cả điều ấy chỉ được nàng cho là một “Chút men nồng tình ái” mà thôi.
Vì sao vậy? Tất nhiên ai cũng biết đó là thứ tình “lúc về chiều” trong bước đường đời “thêm một bước liêu xiêu”.

Đọc thơ không ai không thấy se lòng bởi mặc cảm bi quan của người phụ nữ, hiểu thấu và cảm thông với niềm đau của chính tác giả bài thơ. Nhà thơ đã viết cho người phụ nữ nhưng cũng viết chính cho mình, cho “Mỗi bước đường đời, thêm một bước liêu xiêu”, nghĩa là cả hai người đã bị đời xô đẩy biết bao lần.
Đọc toàn bộ bài thơ, ta thấy một chút ngông nghênh, một chút ngổ ngáo, một tâm hồn thi sĩ, một con người bất mãn, một tình  yêu như lửa cháy, tất cả tạo thi vị, tạo cảm xúc và tạo nên một trường phái viết thơ tình không khóc, không than, không bi lụy, khiến cho người đọc có vui có buồn và có cảm khoái rất mới lạ với thơ!!!

                                                                        Châu Thạch

READ MORE - “GÃ VÀ TA” THƠ LANG TRƯƠNG, TÊN CÔN ĐỒ THI SĨ - Châu Thạch

CÁI NOỐNG - Võ Văn Cẩm






CÁI NOỐNG
Gia tài quý giá mà cha tôi để lại

Trong những ngày oi bức nhất của năm, với cơn gió Lào khắc nghiệt, tôi có mặt ở quê nhà 14/7/2019.
Tôi còn nặng nợ với quê hương, với đồng môn, với ngôi trường mà tôi được học.
Lần này theo tiếng gọi của bạn bè, trong vòng tay yêu thương trìu mến của đồng môn, trong réo rắt, gợi nhớ của một ngôi trường, trong sâu thẳm trái tim mình, những hình ảnh và bao kỷ niệm thời bé dại.
Tôi lần tìm trong ký ức mình. Cơn nắng hạ làm tôi tới quay quắt, trong căn nhà nhiều năm tôi ở, không tiện nghi cho lắm, không nơi nào nằm nghỉ được một chốc, cơn nắng hắt vào không chợp mắt được, tôi vào buồng tắm dội nước nhiều lần, ngồi hành lang bên ảng nước mà không chịu nổi. Nắng quá tôi vào nhà bếp tìm bóng mát dưới gốc cây phía sau vườn, nơi này tôi ít lui tới trong nhiều lần về. Hôm nay tôi tìm thêm một kỷ vật mà cha tôi để lại. Từ lâu nay, tôi cứ nghĩ chỉ còn chiếc giường tre là kỷ vật duy nhất, nay tôi phát hiện thêm cái Noống do chính tay cha tôi đan đát khi chạy giặc trở về cách nay hơn đúng 38 năm, lúc người bỏ chúng tôi mà đi.
Thời cơ hàn ấy, sân nhà toàn đất không phơi được cái gi. Cha tôi vốn là một người thợ mộc nỗi tiếng trong vùng, người đan những sản phẩm mây tre thì không có đối thủ.
Khi nhìn thấy kỷ vật, tôi không còn biết ngoài trời nắng gắt gần 40°. Cơn nắng không làm tôi quên đi hình bóng người cha quý mến một đời lam lũ vì đàn con.
Khi lấy máy chụp tấm hình này nước mắt tôi hòa với những giọt mồ hôi mà tôi quên bên ngoài trời đang gắt nắng. Căn nhà bếp cũ, đứa em trai út đang ở. Hai chiếc noống kỷ vật của cha tôi còn sót lại, đứa em gác lên trần nhà làm plafon. Chính để nơi ấy mới còn nguyên, nhờ khói (mồ hóng) bám vào như một lớp sơn.
Sau nhiều ngày vất vả để nuôi đàn con trưởng thành, người vui mừng mãn nguyện được nhìn thấy các con thành nhân, cháu
lớn khôn. Người nhắm mắt khi tuổi đời đã 91 năm trên dương thế.
Cha mẹ tôi để lại cho đời 4 trai 2 gái, vượt qua cuộc chiến khốc liệt, hiện nay đang còn đủ ở khắp mọi nơi, phải chăng nhờ phúc ấm tiên tổ?
Đứng nhìn một cách say sưa, khi bước đi, tôi mới bỗng nhận ra cơn nắng hắt vào, khi tôi ngoái người nhìn kỷ vật mà người cha thân thương để lại.
Chỉ một cái giường tre mà một năm tôi phải về 3 lần để được ngủ trên đó, nay có thêm kỷ vật chắc chắn tôi phải về nhiều hơn. Xin thân hữu cùng cảm nhận những cảm xúc của tôi qua " Chiếc giường tre cậu tôi nằm".

                                                     Quảng Trị 16/6/2019
                                                            Võ Văn Cẩm

READ MORE - CÁI NOỐNG - Võ Văn Cẩm