Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, May 6, 2016

CHÙM THƠ TRƯƠNG ĐÌNH XUÂN



                             Tác giả Đình Xuân


DỊ CA

Đêm chiêm bao
Thấy ta lơ lửng lưng trời
Nghe em hát lời phong nguyệt *
Dễ sợ quá đi thôi...

Ta sẽ đau một đời
Bài ca không đoạn cuối
Lời mê muội 
Chờ nhau ?...

Trưa chiêm bao dưới cội me già
Thấy ta là tên tội đồ
Bị lá me trừng phạt
Phủ đầy

Chiêm bao chiều
Lội trong hơi men
Mường tượng lời ca
Phong nguyệt

ĐÌNH XUÂN

* Thơ Ngưng Thu


LỜI THIÊN ĐƯỜNG

Xưa:
Muội là thiên di bay tận miền xa thẳm
Ta như con nhện giăng mấy góc tường
Trăm mộng cũng không vươn ngoài cửa sổ
Với đâu tới được đường chim

Nay:
Ta tung lưới mị về tận khôn cùng
Con chim lạc mùa sa lưới
Mộng cười
Lòng run

Con chim hát lời thiên đường
Dễ sợ

ĐÌNH XUÂN


TẶNG VỢ

Lúc nào em cũng dễ thương
Cái phố nghèo này có gì để ở
Có em
Mới tạo dựng cơ đồ

Lúc nào em cũng dễ thương
Nhìn sườn núi như eo em ngày trẻ
Ngày tóc em rẻ 
Đường anh

Lúc nào em cũng dễ thương
Mấy chục năm mới đưa em về làm dâu quê hương
Ngày hoa râm tóc bạc
Đường nhau

Bây giờ em còn dễ thương
Dù con cò qua thời lặn lội
Sao không hôn nhau như thời vụng trộm
Để mai về kể với thiên thu

ĐÌNH XUÂN


MAI MỚI TUYỆT

Mai mới tuyệt
Mộng mới, mơ mới, tình mới và thơ mới
Phật cùng Chúa rong chơi
Ý thức không còn ngoan đạo

Mai mới tuyệt
Tự do cùng đại ngàn
Nhiều suối lạ và cùng dòng sông
Để chiêm ngưỡng tận cùng vẽ đẹp

Mai mới tuyệt
Ý thức của vùng tri tưởng mới
Bám vào sương mai cây cỏ
Như phấn son tô lên mặt người

Mai mới tuyệt
Ta có thế yêu người
Như lửa trời
Luồn vào đời nhau

ĐÌNH XUÂN

READ MORE - CHÙM THƠ TRƯƠNG ĐÌNH XUÂN

ĐỌC TẬP TRUYỆN NGẮN “XÓM CÔ HỒN” KHA TIỆM LY- Châu Thạch






ĐỌC TẬP TRUYỆN NGẮN “XÓM CÔ HỒN” KHA TIỆM LY
                                                                        Châu Thạch

Đến tuổi thất thập cổ lai hy; nhà văn, nhà thơ Kha Tiệm ly mới xuất bản được tác phẩm của mình, khi mà tên tuổi ông trong và ngoài nước không mấy ai không biết và không yêu mến. Điều đó chứng tỏ Kha Tiệm Ly đã cày trên thửa ruộng văn chương của mình, thu hoạch hoa màu thật tốt tươi nhưng thời nay, thứ sản phẩm trí tuệ tốt tươi ấy đem tặng không cho đời thì dễ nhưng bán cho đời thật khó. Cũng may tập truyện ngắn Xóm Cô Hồn in 1000 quyển đã được mua sạch khi mới đem về, chứng tỏ uy tín Kha Tiệm Ly khiến cho nhiều người háo hức đón chào. Xóm Cô Hồn gồm có 19 truyện ngắn, trong đó có 9 truyện truyền kỳ, còn lại dành cho nhiều thể loại khác.
Trước hết người viết xin đề cập đến truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly vì ở tập sách nầy truyện truyền kỳ chiếm một số trang rất lớn.
Truyền kỳ là gì? Tìm câu trả lời hay nhất trên Google như sau: “Truyền Kỳ Mạn Lục (nghĩa là Sao chép tản mạn những truyện lạ) là một tập truyện của nhà văn Nguyễn Dữ, được in trong khoảng năm 1768. Dù là sao chép tản mạn những truyện lạ nhưng Truyền Kỳ Mạn Lục không phải là một công trình sưu tập như Lĩnh Nam Chích Quái, Thiên Nam Vân Lục... mà là một sáng tác văn học. Lấy bối cảnh chủ yếu là một phần hiện thực thế kỷ XVI, các truyện hầu hết ở thời Lý, Trần, Hồ, Lê sơ và đều có yếu tố hoang đường, nhưng đằng sau những yếu tố hoang đường đó chính là hiện thực xã hội phong kiến đương thời với đầy rẫy những tệ trạng mà tác giả muốn vạch trần, phê phán. Truyền Kỳ Mạn Lục phản ánh số phận bi thảm của những con người nhỏ bé trong xã hội, những bi kịch tình yêu mà bất hạnh thường rơi vào người phụ nữ (như người thiếu phụ Nam Xương), thể hiện tinh thần dân tộc, bộc lộ niềm tự hào về nhân tài, văn hoá nước Việt (như chuyện chức phán sự đền Tản Viên), đề cao đạo đức nhân hậu, thuỷ chung, đồng thời khẳng định quan niệm sống "lánh đục về trong" của tầng lớp trí thức ẩn dật đương thời.
Truyền Kỳ Mạn Lục là đỉnh cao đánh dấu bước trưởng thành của thể loại truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, từng được Vũ Khâm Lân (thế kỷ 17) khen tặng là "thiên cổ kỳ bút". Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và được đánh giá cao trong số các tác phẩm truyền kỳ ở các nước đồng văn.”
Vậy thể loại truyện kỳ có ở nước ta từ 400 năm trước. Nay giữa thế kỷ 21 nầy nhà văn Kha Tiệm Ly lại quay về với nhưng câu chuyện cổ xưa, với lối hành văn cổ xưa, chắc là ông muốn tải cái đạo lý của thời xưa cho người đời nay suy nghiệm. Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly đọc hấp dẫn không thua gì Liêu Trai Chí Dị. Trước hết nó đưa ta đến những cảnh vật nên thơ có con người và những mối tình thú vị, với mỹ nhân và thánh thần bí hiểm . Sau nữa truyện truyền kỳ như con thuyền tải đạo lý, đánh động lòng ta suy nghĩ về lẽ phải, công bằng xã hội, nhân cách con người và quyền sống tự do, hạnh phúc.
Ta không thể không thoả lòng với con “Chồn Cái Có Nghĩa” tuy ân ái với chàng thư sinh nhưng giúp cho tình chồng vợ của chàng không lỗi đạo.
Ta không thể không mông lung suy nghĩ cái cao siêu trong “Chuyện Hai Con Rồng” nói về một bậc nhân tài vẽ muôn chim, muôn thú, muôn hoa y như là thật, nhưng khi vẽ cặp phi long treo tại ngai vàng thì chỉ quệt hai đường mực xạ khiến phải bị rơi đầu! Sau đó chỉ một tên lính hầu tầm thường nói nhỏ vào tai đã khiến nhà vua tỉnh ngộ nhận ra cái thâm thuý của cặp tranh kia để trở thành một đấng minh quân.
Ta thật cảm phục câu chuyện “Liệt Nữ anh Hùng” người vợ thủ tiết chết theo chồng.
Câu chuyện linh hồn một cân quắc anh thư “ Liên Hà Tiểu Thư” chết vì cả nhà bị lũ gian thần hảm hại, đã hiện thân vầy duyên cùng một ẩn sĩ có ngọn bút như thần viết “Biên Cương Nộ khí Phú”, một bài phú hào hùng, tràn lòng yêu nước, yêu quê hương.
Ta thú vị với “Truyền Thuyết Hoa Đà”, một danh y cương trực khẳng khái, đã chữa lành cho hoàng hậu phát bệnh do “thiếu nặng đức nhân, thich nghe lời xu nịnh, chẳng phân biệt phải trái, hay dùng lời cao ngạo” và đã đánh lừa được ước muốn của một hôn quân sinh hoang tưởng mơ chuyện cỡi rồng.
Ta cảm kích câu chuyện “Thuỷ Chung Với Vợ” kể chuyện người chồng không đành giết vợ mình khi biết nàng là loài hồ ly bước ra từ chính bức tranh chàng hoạ.
Rồi câu chuyện “Khí Phách Giang Hồ” xảy ra trong thời chống Pháp thuộc vùng Gia Định Nam Kỳ, giữa môn phái võ thuật yêu nước đấu tranh cùng môn phái theo gót ngoại bang. Câu chuyện đề cao tinh thần yêu nước, nghĩa khí giang hồ, tình yêu cao thương của anh hùng hảo hán thời bấy giờ.
“Ăn Tết Với Ma”, “ Ngọc Lựu Mỹ Nhân” là nhưng câu chuyện xảy ra ở thời mạt Minh bên Tàu hay thời Lê Trung Hưng đất Việt, đều là những câu chuyện huyễn hoặc trong thời suy thoái quốc gia, trên thì tranh giành quyền lực, thu gom của cải, dưới thì sách nhiễu dân chúng, tuỳ tiện cướp của cướp nhà, bá tánh phải chịu muôn vàn lầm than khốn khổ, nước mắt chảy thành sông, thành suối, từ đó những hồn ma bóng quế nữ nhi chịu oan ức không siêu thoát mà trở lại với đời, kết nghĩa với hiền tài bất đắc chí ở trần gian.
Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly lấy tấm gương xưa mà soi vào hiện thực, khéo léo mà sâu xa, nhẹ nhàng mà thâm thuý, cuốn hút người đọc thích thú theo sự việc ly kỳ để rồi khi bình tâm lại, nghe tiếng lẽ phải cáo trách, nghe lương tâm thời đại nhói đau trong lòng.
Mười truyện ngắn còn lại, Kha Tiệm Ly viết về kỷ niệm đời mình, về những mẫu người đặc biệt, về nếp sống của tầng lớp cùng đinh xã hội. Nói chung mỗi câu chuyện đều làm cho ta suy nghiệm về một triêt lý sống ở đời. Với truyện ngắn “Gánh Hát Về Làng” ta quay lại thời tuổi thơ của tác giả ở một miền quê Nam Bộ. Thời đó gánh hát bội về làng và gánh hát bội ra đi để lại trong lòng trẻ thơ biết bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm. Với truyện ngắn “ Nhật Ký Của Ba” làm ta rơi nước mắt vì người cha bán một phần thân thể cho con ăn học. Truyện ngắn “Xóm Cùi” viết về một ngời đàn bà xấu xí tật nguyền bị hất hủi cho đến phút cuối cuộc đời. Truyện ngắn “Người Bạn Lạ Đời” kể chuyện một người đi tu có tính toán nhưng đem đến cho ta nhiều phân vân về cái thật cái giả ở đời. Truyện ngắn “Đạo Đời Hai Ngã” là nỗi đau của mối tình phân rẽ, gặp nhau lại thì đạo, đời hai ngã lại làm cho phân cách nhau hơn. Những truyện ngắn như “Đậu Cô Lang”, “Muộn Màng”, “Thế Võ cuối cùng”, “Xông Đất”… đều cuốn hút người đọc vào tinh tiết lý thú trong hư cấu nhân vật nổi bật và bố cục mạch lạc ngắn gọn làm cho ta say sưa câu chuyện . Đặc biệt “Xóm Cô Hồn” có lẽ là câu chuyện tâm đắc của tác giả nhất nên ông đã lấy nó làm đầu đề cho cả tập truyện ngắn của mình. “Xóm Cô Hồn” nhưng lại có hồn vì nơi đó chứa những mảnh đời bất hạnh, những thành phần lao động từ tứ xứ kéo về. Đời sống họ phi pháp, nếp sống họ xô bồ vì xã hội đẩy họ vào chỗ cùng đinh nhưng tình bạn của họ, sự chơn chất của tâm hồn, sự đùm bọc che chở nhau phát xuất từ vẻ đẹp, từ sự cao thượng một cách rất tự nhiên có trong lòng họ. Đọc truyện ngắn “Xóm Cô Hồn” ta tìm thấy ở đó tính nhân văn trong lớp người bần cùng của xã hội, ta tìm thấy ở đó tính Người viết hoa, nhân phẩm của họ được đề cao trong tính cách, trong cách xử sự theo lối bình dân của họ, một lớp người khốn khổ. Lời văn trong những câu chuyện nầy vô cùng xúc tích, giống như một hiền nhân điềm đạm kể chuyện đời, rót vào tai người nghe những điều ý vị trong những nghịch lý của nhân quần xã hội.
Nói chung, tập truyện “Xóm Cô Hồn” của Kha Tiệm Ly là một tác phẩm đáng trân trọng, phù hợp với mọi người, mọi tuổi đời dầu già hay trẻ, vì trong đó chứa đựng huyền thoại để con người được tưởng tượng khi xem, vì nó chứa đựng nhiều câu chuyện hấp dẫn về người, về thần , về ma một thuở xa xưa, vì nó dựng lại cuộc sống của con người hiện thực trong con mắt sâu sắc của văn nhân. Tất cả những thứ ấy như những bó hoa chở trên con thuyền đạo lý để người đọc nhìn thấy cốt truyện như vẻ đẹp của hoa và ẩn dụ của truyện như hương thơm ngào ngạt toả ra, đọng lại lâu dài trong thiện tâm của ta./.

                                                                      Châu Thạch


READ MORE - ĐỌC TẬP TRUYỆN NGẮN “XÓM CÔ HỒN” KHA TIỆM LY- Châu Thạch

LÊN ĐÊ NHĨ HÀ CẢM TÁC - Thơ Nguyễn Khôi

 
                        Tác giả Nguyễn Khôi



Lời dẫn: Sông Hồng (Hồng Hà) dài 1149 Km khởi từ Vân Nam (bên Trung Quốc gọi là Nguyên Giang), sang ta : từ Lào Cai tới Việt Trì gọi là sông Thao, đoạn qua Hà Nội gọi là Nhĩ Hà (sông Vành tai hay Nhị Hà, sông Phú Lương). Năm 1108 vua Lý Nhân Tông cho đắp đê ở phường Cơ Xá (Nghi Tàm ngày nay), đã qua hơn 1000 năm mà vẫn vững như thành Thăng Long - Hà Nội  kiên hùng của chúng ta... NK lên chơi , nghe vỉa hè lùng sùng "nhóm lợi ích" đang mưu mô "dự án sông Hồng" nhiều ngàn tỷ...? NK có đôi vần cảm tác:


 LÊN ĐÊ NHĨ HÀ - CẢM TÁC
"Thế sự như giang nhật giáng thăng" (1)
            -Thơ Đào Sư Tích
                    ------
Quá bộ lên Nghi Tàm, Quảng Bá
đi dọc đê Cơ Xá đã nghìn năm
Xưa vua Lý - tầm nhìn thiên niên kỷ
khuyến con dân trị thủy sông Hồng...
                    
Thời Bác Hồ khơi thông Bắc- Hưng Hải
Thời anh Ba làm  thủy điện sông Đà
Nước có Vua lo tương lai con cháu
Đưa hải thuyền ra canh giữ Hoàng Sa...
                     
Ơi sông Hồng - bầu sữa Trời vĩ đại
Nuôi tộc Người Giao Chỉ kiên hùng
Đôi bờ lúa, ngàn Dâu xanh ngát
Cánh Cò vàng chở nắng tới miền Trung...
                      
Thế sự thăng trầm như đời Dân tộc
Vua thánh minh là Đê vững như Thành
Dù quân giặc có lăm le xâm lược
Cọc Bạch Đằng hóa Tên Lửa giữ trời xanh...

                           Hà Nội 7-5-2016
         Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ
                          NGUYỄN KHÔI
----
Thơ Trạng nguyên Đào Sư Tích (1348-1396) đời vua Trần Duệ Tông (người Cổ Lễ- Nam Định) :"Thế sự như sông nước xuống, dâng"...
       Hà Nội 7-5-2016
  Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.

READ MORE - LÊN ĐÊ NHĨ HÀ CẢM TÁC - Thơ Nguyễn Khôi

CHUYỆN CỦA CHỊ LINH GIÒ CHẢ - Truyện vui của Đặng Xuân Xuyến


   


          CHUYỆN CỦA CHỊ LINH GIÒ CHẢ 

Hôm trước, lâu rồi, chả hiểu duyên cớ gì, chị Linh giò chả tự dưng “bắt chuyện”:
- Em vất vả nên trông già hơn chị gái anh chứ thực ra tuổi tác thì em còn kém chị gái anh mấy tháng đấy.
Nghe buồn cười nhưng LÃO cố nhịn, nhỏ nhẹ:
- Đã biết chị bằng tuổi chị gái của em sao lại xưng em với em thế?
Chị gãi gãi đầu, hềnh hệch cười, phân trần:
- Em quen xưng hô với khách hàng thế rồi anh ạ. Biết là dở hơi nhưng khó sửa quá.
Tưởng chị hết chuyện nên LÃO quay bước, chị vội kéo lại, hồn nhiên “khoe”:
- Em còn biết cả tuổi của anh nữa đấy. Anh nhiều hơn thằng con lớn nhà em mấy tuổi.
Nghe xong câu chị nói, LÃO đứng chết trân, cứng hàm không cười nổi, há hốc mồm nhìn chị đang quay sang thanh minh với chị Mơ hàng mắm:
- Không phải tớ đĩ mà lấy chồng sớm đâu. Thời ấy, cả khu phố nhà tớ chả hiểu thế nào mà con gái cứ 15, 16 tuổi đã sồn sồn đòi lấy chồng rồi. Có đứa mới 14 tuổi đã làm mẹ. Tớ thuộc diện hoa khôi của phố mà 17 tuổi mới đẻ thằng lớn là thuộc diện đứng đắn, con gái nhà lành lắm đấy... 
Chị Mơ nghe chuyện cứ luôn mồm thế á, thế á, rồi tủm tỉm cười...
                                     *
Hôm nọ, nhưng cũng lâu lâu rồi, thấy một “ông cụ” khá hom hem ngồi sắp xếp giò chả ở quầy hàng của chị, LÃO phân vân vì nhớ có lần chị kể ngày bố chồng chị mất mưa to gió lớn lắm nên bụng bảo dạ: Chắc ông cụ là bố đẻ của chị Linh... Nhưng mà sao không thấy “ông cụ” có nét nào giống chị?
Thấy LÃO cứ đứng nhìn, chị chạy ra, vồn vã:
- Anh vào mua hàng đi. Chồng em đấy. Chắc anh tưởng là bố chồng em chứ gì. Đồng trang lứa với em nhưng trông rầu rĩ thê lương thế anh ạ.
Nghe chị nói, LÃO tròn mắt hỏi:
- Anh bằng tuổi chị?
Chị xoa tay, cười cười:
- Vâng! Em với lão ấy cùng là giống lợn. Đồng trang lứa lợn với nhau đấy anh ạ.
LÃO lẩm bẩm:
- Cùng sinh năm Kỷ Hợi sao già thế nhỉ?
Chị hô hố cười, lốp chốp:
- Đâu mà cùng Kỷ Hợi hả anh. Chỉ mình em là Kỷ Hợi còn lão chồng em là Đinh Hợi. Em là Kỷ lợn, còn lão là Đinh lợn...
LÃO vỡ lẽ, gật gù:
- À... Chồng chị lớn hơn chị một giáp. Thảo nào...
Chị giãy nảy lên:
- Không phải một con giáp đâu anh. Lão chồng em nhiều hơn em 12 tuổi. 
                                       *
Sáng hôm kia, đang đứng ở hàng thịt bò, chị đi ngang qua, véo mông LÃO, rõ đau, bả lả:
- Sao anh này không lấy vợ nữa đi? Bị hỏng hẳn cái khoản kia rồi à?
Chưa kịp trả lời, chị đã bô lô bô la:
- Thằng lớn nhà em cũng thế. Mới bốn mươi tuổi mà đã xịt hẳn rồi. Con dâu nhà em cứ cằn nhằn suốt ý. Chán nhỉ? Đời người có mỗi cái khoản ấy là khoái nhất lại bị hỏng thì phí quá.
LÃO đỏ mặt, ngại sự bỗ bã của chị. Định rảo bước thì chị véo tiếp vào mông LÃO, nháy mắt:
- Em bảo này. Hôm nào anh đến nhà em, nhờ lão chồng em nó bày cách cho. Trông lão hom hem như con chó ghẻ thế thôi nhưng cái khoản ấy thì lão chồng em xứng đáng là tổ sư của bọn dê cụ. Ác chiến lắm anh ạ... 
Chị Thịnh thịt bò chau mày:
- Con mụ Linh này ăn nói bỗ bã thế. Sao không về bảo chồng phổ biến kinh nghiệm cho con giai để con dâu đỡ cằn nhằn. Chú ấy khiến gì mụ bày vẽ. Rõ là đồ lắm chuyện.
Chị Linh đi được một đoạn mới ngoảnh lại, dài giọng:
- Thằng lớn nhà em bị tiểu đường gần chục năm rồi. Nặng lắm. Có thánh cũng chả chữa được... Kệ mẹ chúng nó. Sướng chúng nó chứ sướng đếch gì mình. Mà sướng chúng nó rồi lại khổ mình. Chả dại.
                                    *
Chiều qua, đi ngang quầy giò chả của chị, lại bị chị vô cớ giữ chân “tâm sự”:
- Anh này... Em hỏi thật nhé. Anh bị xịt như thế có thấy tiếc không? Trông phong độ thế này mà trên bảo dưới không nghe thì nẫu ruột nhỉ? Mà anh bị bệnh thật không? Bị lâu chưa? Sao anh không chữa chạy đi? Để như thế không thấy ái ngại à? Đời người, có mỗi khoản ấy là khoái nhất, lời nhất mà không được hưởng thì đời cũng vô vị, quá chán...
Chị Mơ hàng mắm bặm môi cười cười, đây đẩy LÃO, rồi toang toác: 
- Cái nhà chú này đến lạ. Bị mụ ấy chọc ghẹo như thế mà cứ thộn mặt ra nghe, chẳng đốp chát vài câu cho mụ ấy hết thói ngứa mồm. Còn mụ này nữa. Thấy chú ý hiền, cứ ngứa mồm ăn khoai môn là sao. Phải người khác, người ta đấm cho vỡ mặt.
Chị Linh bĩu môi:
- Ngứa mồm ăn khoai môn? Bà biết cái gì. Tôi thật lòng muốn tốt cho anh ấy mới góp ý. Bà nhìn đi. Cái mặt anh ấy hiền hiền, đần đần như thế kia, phải chỉ bảo cụ thể thì anh ấy mới biết được. Chứ cứ xa xôi, ý tứ thì xin lỗi, cái mặt ấy còn lâu mới hiểu...
Quay sang LÃO, chị gật gù:
- Anh nhỉ? Em muốn tốt cho anh mới tham gia, góp ý. Chẳng cám ơn em thì thôi, lại trách em thì dở hơi à, anh nhỉ?
Xéo chị Mơ một cái nữa, thật sắc, chị Linh lại trề môi, dài giọng:
- Này. Thằng con lớn nhà tôi nó bảo, Những ngữ như nó với anh này, nhìn người khác làm chuyện vợ chồng thèm lắm, rỏ dãi ra nhưng đếch làm gì được. Ức nhưng phải chịu vì cũng như ông cụ 90 tuổi, rụng hết răng, còn trơ lại mỗi lợi thì gặm đùi gà thế đếch nào được... 
Vỗ tay đét cái rồi cười khùng khục, tự thưởng cho câu nói rặt chất “triết lý” của mình, chị quay sang LÃO, nheo nheo mắt, ra chừng hỉ hả lắm:
- Anh nhỉ? Em nói quá chuẩn, anh nhỉ?
Chị Thịnh, thịt bò, phủi ghế, thủng thẳng:
- Cũng lạ cho nhà chú này. Người đâu mà lành thế...
Chị Linh trề môi, cướp lời:
- Người đâu mà lành thế? Xin lỗi bà Thịnh nhé. Cái mặt anh ấy mà lành á? Chẳng qua tôi nói trúng tim đen nên mới chịu trận, không cãi. Tôi nói sai xem nào? Anh ấy liệu có để cho tôi yên không? Nói phải củ cải cũng phải nghe, chị ạ. 
Chị Thịnh nhẹ nhàng:
- Chẳng qua chú ấy coi thường Linh, không thèm chấp nhưng Linh lại không biết, cứ tưởng thế là hay. Người chứ có phải thánh đâu mà hoàn hảo. Nếu có ai lôi chuyện chân khèo, răng vẩu của Linh ra chọc cười thì Linh nghĩ sao? Hoặc đem chuyện phòng the của Linh ra bỡn cợt thì Linh nghĩ thế nào? Sao Linh cứ thích chạm vào điều tế nhị, không muốn nói của người khác thế?
Chị Linh đỏ mặt:
- Chuyện phòng the của tôi thì làm sao? Chẳng có gì để bỡn cợt cả.
Chị Thịnh vẫn nhẹ nhàng:
- Ừ. Linh để Thịnh nói hết đã. Già rồi mà đêm nào cũng hành chồng vài bận, hơn cả vắt chanh, làm chồng kiệt sức, sợ quá phải chạy sang nhà con trai lánh nạn, mới ngã ngửa ra con trai bị bất lực cả chục năm rồi nên mãi không có cháu bồng. Không thương con, không xót chuyện của con lại lôi chuyện của con ra làm trò đùa, mua vui với thiên hạ. Linh không nghĩ như thế là ác với con, ác với chồng, ác với cả chính Linh à? Ngọc còn có vết rạn. Sao lại lấy nỗi đau của người khác làm niềm vui cho mình? Như thế là ác lắm. Tệ lắm, Linh ạ. 
Tái mặt. Chị Linh chống chế:
- Ờ... thì đùa anh ấy cho vui chứ tôi có ác ý gì đâu mà bà mắng mỏ tôi ghê thế.
Giọng vẫn đều đều, chị Thịnh nhẹ nhàng tiếp:
- Mình chưa hoàn hảo. Gia đình mình cũng chưa hoàn hảo sao lại cười cợt sự chưa được tròn trĩnh của người khác, gia đình người khác như thế. Thật là buồn cười!
Chị Linh cúi xuống, tay cứ mân mê mãi mấy cọng lạt gói giò. Chừng như chị ngại lắm thì phải. 
Còn LÃO, nghe chị Thịnh nói cũng thấy buồn, tự trách mình đôi lần vì tếu táo, vui chuyện mà vô tình làm đau thêm nỗi đau của người khác.

                            Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2016
                                    ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - CHUYỆN CỦA CHỊ LINH GIÒ CHẢ - Truyện vui của Đặng Xuân Xuyến

KIM CỔ "PHÍM" ĐÀM - Lang Trương


              
                                Tác giả Lang Trương

Thường nghe: Uống rượu rất có hại. Mấy ai biết rằng, bỏ nhậu còn nguy hại hơn vạn lần. Nói có sách, không tin, hãy xem hậu quả khôn lường với hai viên dũng tướng mạnh nhất thời Tam Quốc, khi họ hò nhau bỏ nhậu.


KIM CỔ "PHÍM" ĐÀM
           Hồi thứ tư


Trương Dực Đức mất thành do bỏ nhậu
Lã Phụng Tiên cai rượu mới tiêu đời.


Bấy giờ, Tào Tháo thác mệnh Hán Đế, chiếu sai Lưu Bị đem quân sang đánh Viên Thuật. Bị để Trương Phi ở lại giữ Từ Châu, dặn dò :
- Đệ thường ngày nhậu nhẹt lu bù, sợ rằng gây vạ. Ta đi rồi, đệ phải bỏ nhậu, Từ Châu mới yên.
Trương Phi nghe lời anh, vâng dạ liên hồi, hứa sẽ bỏ rượu.
Bị đi rồi, Trương Phi mở một tiệc rượu linh đình, tập hợp chư tướng, ra nghiêm lịnh :
-  Hôm nay, ta mở tiệc mừng bỏ nhậu. Chư tướng phải cùng ta quắc cần câu, bí tỉ một bữa cuối cùng. Kể từ ngày mai, thằng nào còn nhắc đến rượu, ta chém lập tức, không tha !
Chư tướng dạ rân trời. Trương Phi sai rót đầy mấy chén lớn, mời từng người. Ai cũng hoan hỉ zô 100% . Mời đến Tào Báo, Báo kênh kiệu :
-Tôi theo Quang Vinh Tàn Hại Đạo, ngày ngày tu dưỡng đạo đức, vẽ mặt bôi gương, không uống rượu.
Phi trợn mắt :
- Không uống rượu mà phủ của ngươi Mạc-Tên, Cô-Nhắc, Chi-Vas...chất đống. Tu dưỡng đạo đức mà cũng điện chẳng khác cung vua, xế hộp, vi-la giá hàng trăm, hàng nghìn tỉ. Lũ các ngươi chỉ nhăm nhăm hút máu dân đen, vinh thân phì gia, mặc kệ bách tính lương dân khổ như treo ngược, giang sơn nguy như chồng trứng. Thành Từ Châu ví như chiếc bình quý, lũ chuột các ngươi cứ đêm ngày đục khoét, đến núi Thái Sơn cũng đổ, biển Đông Hải cũng cạn. Ta phải đánh chết người đi, trừ hại cho bá tánh !
Trương Phi rút thắt lưng da, to như bàn tay người lớn, dày cỡ 5 phân. Tào Báo hốt hoảng kêu lên:
- Xin tướng quân nể mặt con rể tôi là Lữ Bố mà tha cho.
Trương Phi bình sanh rất ghét Lữ Bố, vì Bố là đứa bất nghĩa; Trương Phi cũng rất ghét Tào Tháo, vì Tháo là quân phản chúa.
Nghe Báo nói, Trương Phi hét lên như sấm :
- Lại dám lấy ô dù dọa ta. Mỗi viên gạch xây thành thấm đẫm biết bao máu xương các anh linh nghĩa sĩ, mỗi hộc lương ngươi nhận là mồ hôi, nước mắt, chắt chiu từ đáy của hạng cùng đinh. Lữ Bố như giống sài lang, hổ dữ, rình rập cướp đất, đoạt thành. Ngươi, thân làm quan, lộc hưởng đều, chẳng nghĩ điều quốc sĩ, lại đem máu thịt mình dâng cho hổ đói, kết giao với kẻ thù truyền kiếp, ngàn đời. Quân phản nước hại dân ! Phường trốn chúa lộn chồng !Sống làm gì cho nhục quốc thể !
Trương Phi thẳng tay nện luôn mấy phát, định đánh chết Tào Báo. Chư tướng xúm lại can ngăn :
-Tào Báo là người của Giáo Chủ. Đánh chuột sợ vỡ bình, tướng quân tha cho.
Trương Phi quăng chiếc thắt lưng, than rằng :
- Anh ta khoác áo nhân nghĩa, mượn danh hoàng tộc, hưng Lưu phục Hán, nhưng lại dùng rặt một lũ vô lại như các ngươi, thì dẫu có hoàn thành đế nghiệp, cũng chỉ là tai ương, chướng họa của muôn dân mà thôi. Ta tiếc cho muôn triệu hùng anh, xương phơi đầy nội cỏ, xác vùi rấp chân thành, mà giang san vẫn một màu ảm đạm.
Đoạn, chỉ mặt Tào Báo mắng :
- Ta một đời xông pha chiến địa, người không cởi giáp, ngựa chẳng tháo yên, lấy đầu thượng tướng như thò tay vào túi. Kẻ thù nghe tiếng ta đều vỡ mật, kinh hồn. Sau này, giết ta, chỉ có lũ phản phúc như ngươi mà thôi !
Mắng xong, Trương Phi hét tả hữu rót rượu giải phiền.. Đến tối thì quắc cần câu, không biết trời trăng gì nữa.
Tào Báo bị đánh đau, bị lột mặt gian thần, căm hận lắm. Đêm ấy viết mật thư, ước hẹn với Lữ Bố, đánh úp Từ Châu, Báo sẽ làm nội ứng.
Lữ Bố được thư, canh tư lặng lẽ kéo quân đến. Tào Bố mở toang bốn cửa thành. Quân Bố tràn vào như nước lũ. Chư tướng chống cự không nổi, lay gọi, chọt lét giật tóc mai, làm cách nào Trương Phi cũng không tình. Chư tướng đành kẻ vác xà mâu, người khiêng Trương Phi vắt ngang mình ngựa, mở cửa sau, chạy trốn.
Tào Báo trông thấy, lập tức dẫn năm trăm thiết kỵ đuổi theo, quyết lấy mạng Trương Phi, rửa mối hận lòng.
Trương Phi chạy đến bờ sông, đường xóc quá, ngựa chỉ chạy được ba chân, nên lờ mờ tỉnh rượu, quay hỏi thuộc hạ :
- Chuyện gì vậy ?
Bọn thuộc hạ là to :
- Tào Báo mở cửa thành, giúp Lữ Bố cướp Từ Châu. Hiện đang đuổi đến sau lưng .
Trương Phi quát to một tiếng, giật ngọn xà mâu, nhảy phắt lên yên, quay ngựa trở lại, gặp ngay Tào Báo. Trương Phi đâm luôn một nhát. Tào Báo cả người lẫn ngựa văng tuốt xuống sông. Bọn quỷ sứ xúm lại, đứa lôi hồn Tào Báo đi gặp Diêm Vương, đứa quyết mang phách đi chầu Hà Bá. Cãi nhau ỏm tỏi suốt mấy canh giờ.
Trương Đạo Sĩ cưỡi hạc đi qua, nhổ bãi nước bọt. Chúng đệ tử vội ghi lại lời thầy :


TÀO BÁO
Không uống rượu mừng, uống nước sông
Xà mâu một ngọn, chổng mồng mông
Trên bờ, dưới nước tan hồn phách
Gặp đấng hùng anh, mất chức chồng.


Lữ Bố chiếm được Từ Châu, chẳng trông gương Trương Phi. Khi thọ địch lại đòi cai nhậu, đến nỗi mất mạng. Chuyện này để Đạo Sĩ tọa thiền xong, bò dậy viết tiếp:
Lữ Bố chiếm Từ Châu không lâu thì Tào Tháo cử đại quân đến đánh. Bố vác kích đánh lui quân Tào mấy trận. Sau vì cha con Trần Đăng mưu phản, Bố phải bỏ Từ Châu, rút về giữ Hạ Bì. Tháo vây Hạ Bì kín mít, đến giọt nước cũng không lọt được ra ngoài.
Lữ Bố đứng trên địch lâu, cười lớn :
- Hạ Bì năm nay được mùa, tha hồ nấu rượu, lại có sông Vị Thủy trước mặt. Quân Tào, thằng nào qua sông, ta giết thăng đó. Đợi khi quân Tào hết lương, sinh biến, ta sẽ bắt sống Tào tặc , nướng lên, làm mồi nhậu chơi.
Bố sai bày tiệc rượu trên địch lâu, ôm riết Điêu Thuyền, ngày đêm nhậu nhẹt lu bù.
Quân Tào lóp ngóp sang sông, Bố tiện tay ném xuống mấy cái xương gà, chết liền mấy đứa. Tốp sau đông hơn, Bố vớ luôn mấy chum rượu cần uống dở, ném cho một phát, chết đến cả trăm.
Tào Tháo điên tiết, thúc đại quân qua sông. Bố lúc này xỉn quá, sợ ném không trúng, liền nhấc bổng Điêu Thuyền lên. Quân Tào trông thấy Điêu Thuyền thì té nhào xuống sông, chết mất mấy ngàn. Thằng nào không chết thì ngơ ngẩn như người mất hồn, lảm nhảm như kẻ mộng du. Thảm thiết không xiết kể.
Luôn cả tháng như vặy, Tào Tháo không nghĩ ra được kế sách gì, than thở :
- Thằng này kiêu dũng như thần. Nếu hắn cứ nhậu bí tỉ như thế, ta chẳng làm gì được. Chi bằng rút về Hứa Đô, sau liệu kế khác vậy.
Về phần Lữ Bố, thấy quân Tào thương vong quá nửa, ý chí giảm đến tám chín phần thì phấn khích lắm. Bố sai Điêu Thuyền rót rượu. Bóng Điêu Thuyền mờ ảo lung linh. Bố chống kích loạng choạng đứng dậy, cao giọng ngâm nga :
" Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ "
Bố nốc cạn chung rượu. Tên lính hầu nhanh tay lại rót đầy. Bố nhìn vào đáy cốc, Điêu Thuyền đâu chẳng thấy, chỉ thấy bóng tên lính tiều tụy, thảm hại. Bố say quá, lại tưởng bóng mình, quăng chung rượu, đá đổ bàn nhậu, quát to :
- Dẹp ! Dẹp ngay ! Từ nay cấm nhậu! Thằng nào còn nhắc đến rượu, ta chém lập tức, không tha !
Tướng lệnh ban ra, chẳng ai dám trái. Từ đó, trong thành Hạ Bì, tuyệt nhiên không thấy một giọt rượu nào.
Được mấy hôm, Hầu Thành, bộ trướng của Lữ Bố, thèm rượu quá, bèn kiếm một chai Chivas, đến gặp Lữ Bố nịnh nọt :
- Thuộc hạ bị hack mất face. Hôm nay vừa chiếm lại được, định mở tiệc mừng, nên đến xin tướng quân chiếu cố.
Bố rút kiếm, nạt lớn :
- Đã có lệnh cấm nhậu, sao còn dám mang rượu đến gặp ta. Thằng này chán sống rồi !
Bố toan chém. Chúng tướng xúm lại kêu xin. Bố nguôi giận, sai đánh Hầu Thành một trận thừa sống, thiếu chết.
Hầu Thành tức quá, bàn với Tống Hiến, Ngụy Tục :
- Cứ thế này, bọn ta sẽ chết hết vì thèm rượu. Chi bằng mở cửa thành, đầu hàng Tào Tháo, may ra còn được nhậu lai rai.
Bàn định xong, đêm ấy, lừa lúc Lữ Bố mệt, ngủ say trên ghé, Tống Hiến lén lấy ngọn kích ném xuống, Ngụy Tục trói nghiến Lữ Bố lại, Hầu Thành thì mở toang bốn cửa thành. Quân Tào ào vào. Bố bị bắt sống. Tào Tháo sai đem Lữ Bố ra chém, bêu đầu thị chúng.
Đạo sĩ đi qua, nghe chuyện, hắt hơi một cái, chúng đệ tử nghe thấy :


ANH HÙNG VÀ RƯỢU
Rượu với hùng anh như hùm thiêng mọc cánh
Cứ xỉn quắc cần thì muôn giặc cũng như không
Đang nhậu tì tì giở chứng cấm ngang hông
Kẻ mất thành, người lông nhông miền địa phủ.


Lời bàn : Dũng mãnh như Trương Phi mà bỏ rượu mất thành
Anh hùng như Lữ Bố mà cai nhậu nên mất mạng.
Vậy nên, nhắn Khatiemly Haohan chớ đột ngột bỏ rượu, nguy hại vô cùng.

                                                                    Lang Trương

READ MORE - KIM CỔ "PHÍM" ĐÀM - Lang Trương