Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, September 24, 2023

ĐIỀU TA CHƯA NÓI - Thơ Đàm Ngọc Năm

 

Nhà thơ Đàm Ngọc Năm

Đàm Ngọc Năm

ĐIỀU TA CHƯA NÓI 


Có đôi lần em trách hờn tôi
Vì cứ nghĩ mình đa tình lắm 
Biết răng chừ, phải đành im lặng
Một chút tin, chưa đủ trong nhau.

Em nghĩ rằng tình đã qua mau
Không phải thế, em ơi đâu phải thế!
Có những điều mình như không thể 
Soi vào gương đành ngoảnh mặt đi.

Tôi không biết em đang nghĩ gì 
Bất ổn ư hay là giận dỗi 
Đã yêu tôi sao em không nói?
Để trong lòng phiền muộn lắm em.

Thời bây giờ lắm những bon chen 
Lo cuộc sống chuyện đâu có dễ 
Lại bận tâm những điều không thể 
Còn sức đâu gồng gánh dặm trường.

Dẫu biết rằng nếu chẳng có em 
Như cây thiếu hoa, cành thưa lá
Lại ở vùng quanh năm nắng gió 
Nếu khô cằn…gốc rễ giữ mình thôi!

ĐNN
namdnvietsing@gmail.com


READ MORE - ĐIỀU TA CHƯA NÓI - Thơ Đàm Ngọc Năm

ĐỢI CHIỀU ĐÃ HẸN - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Nhà thơ Lê Thanh Hùng


Đợi chiều đã hẹn


Con dế ngoan, miệt mài rí rách

Đang nỉ non dưới đống xà bần

Tiếng tỉ tê đồ chừng lạc vạch

Bỗng cất cao miết giọng trong ngân

                      *

Tiếng gáy ngập ngừng nghe ngúng ngoảy

Cố rung vang như khẳng định điều gì

Mà sao nghe đãi bôi, lời độc thoại

Trong một nỗi niềm theo bóng chiều đi

                       *

Chợt tiếng gáy lặng ngưng, rồi đổi giọng

Lúc túc nhỏ dần, loang dấu lả lơi

Trong nắng chiều phai bên thềm chếch bóng

Ráng hoàng hôn đỏ quạch phía chân trời

                       *

Anh cố đợi, một lời ai đã hẹn

Cứ rung rinh như tiếng dế đương mùa

Với nỗi khát khao, tháng ngày ghìm nén

Biết bao giờ có dịp để phân bua

                       *

Anh ngồi yên bên hiên thưa lộng gió

Lắng nghe ngày đang chầm chậm tàn phai

Còn nguyên đó một ẩn tình để ngỏ

Đợi gió hoang linh sấp ngữa tỏ bày ...



Về ngang chợ Bia Đài Phan Thiết


Vạt nắng mới chảy tràn qua nỗi nhớ

Dáng eo cong hun hút ngã ba này

Nơi đã có một ước mơ dang dỡ

Buổi hừng đông xao xác chợ Bia Đài

                    *

Em gánh cá bãi cát dài đẫm ướt

Biển Đức Long cứ bồi, lỡ vô chừng

Thôi em, hãy sống thuận hòa với nước

Như sóng đời, vỗ mãi phía sau lưng

                    *

Vẩy cá dính trên má hồng ửng bạc

Giọt mồ hôi đang bắt dấu lăn tròn

Buông thả xuống cho lấm lem đất cát

Bối rối mắt nhìn quanh ánh nắng non

                    *

Con phố mới, chợt trở mình thức dậy

Trong nắng lao xao, khuất bóng người đi

Em mua bán, đang kỳ kèo đâu thấy

Ánh mắt đăm đăm, không vướng bận gì

                    *

Bất chợt nhớ, thanh âm đầy bóng cũ

Một tháng tư mùa, rộ gió nam non

Có phải là gió tháng năm ngưng tụ

Một bóng người xưa giờ đã xa xăm ...



Sau cơn mê


Tan cơn mê chiều lướng vướng

Sao lại còn vất vưởng đâu đây

Vin đời, sắc lẻm vờn lay

Mới hay nắng đổ đầy tay vụng về



Em ơi! cũng đừng buồn 


Khi có người hiểu không đúng mình

Thì phần thua thiệt, chăc chắn sẽ rơi về phía họ


Dù trong rối rắm những tư duy méo mó

Vẫn công bằng bung mở lặng thinh

Một lẽ đời trong cõi phù sinh…



Sau cơn mưa, trời in bóng tịch dương


Cỏ tơ non mơn mởn 

Em bước qua, sóng lòng gờn gợn


Sáng long lanh, màu hoa cỏ dậy hương

Nhìn sắc cầu vồng cuối chân trời hắt bóng

Một nỗi nhớ bâng quơ, cũng là lẽ hằng thường…


Lê Thanh Hùng

     Bắc Bình, Bình Thuận

thanhhungmtbb@yahoo.com.vn


READ MORE - ĐỢI CHIỀU ĐÃ HẸN - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

THỤY SƠN - NGƯỜI CHẠM TRỔ GIẤC MƠ NGÀN - Trương Công Hải

 




THỤY SƠN - NGƯỜI CHẠM TRỔ GIẤC MƠ NGÀN

Trương Công Hải


Tôi được chị Thụy Sơn tặng một tập thơ, Bài viết xem như một lời cám ơn chị.


I. Người chạm trổ giấc mơ ngàn

Ngày không gió là một ngày hư cấu, là cái cớ để nhà thơ trút nỗi mưa lòng:

“Ngày không gió

Nắng không về bên cửa

Có một người đem nỗi nhớ ra phơi"

(Ngày không gió)

Nỗi nhớ của Thụy Sơn chính là quá trình quán tưởng tự thân đã đến lúc cần được đánh thức, quá giang vào thơ, dũng cảm vượt cạn theo cơn sóng, vỗ bềnh bồng vào tập thơ.


Nhà thơ Thụy Sơn


Thơ đối với tâm hồn Thụy Sơn là một điều kiện cần và đủ để giải tỏa những trăn trở hiện sinh của một phận người lạc lõng giữa đời thường.

Vì thế, mở đầu tập Ngày Không Gió là bài Xin Làm Người Thắp Nến. Bài này chưa hẳn là một tuyên ngôn thơ, mà nó được xem như là một sứ mệnh tự thân, thắp sáng tâm hồn cho thơ:

“Người đàn bà

Xin làm người thắp nến

Lửa nhóm trong thơ

Huyết lệ tâm hồn

Nhai lại tuổi mình tròn khuyết một tháng ba.”

(Xin làm người thắp nến)

Nhai lại tuổi mình tức là quán tưởng đời mình, một tháng ba mươi ngày đủ.

Với một năng khiếu thiên bẩm, nhà thơ đã tự tin làm được sứ mệnh này. Khổ thơ sau đây là một minh chứng

“Người đàn bà gánh chữ đi xa

Thân cổ lục/ hồn ngữ ngôn hóa đá

Lời rêu phong chạm trổ giấc mơ ngàn”

(Xin làm người thắp nến.)

Thơ luôn bước ra từ tâm hồn rồi hóa thân thành con chữ, nói thành lời, diễn thành ý.

Xét về nội dung thì bốn yếu tố trên được gói gọn gàng vào khổ thơ.

Xét về hình thức nghệ thuật thì cả bốn yếu tố trên đều được thi ảnh hóa. Từ những khái niệm phi vật thể chuyển thành vật thể để người đàn bà có thể gánh chữ, hóa đá ngữ ngôn, dậy rêu phong và cuối cùng là chuyển thể bài thơ thành hình tượng của một tác phẫm điêu khắc: “Chạm trổ giấc mơ ngàn”.

Có thể nói Thụy Sơn đã không dùng ngòi bút mà dùng chiếc đũa thần kỳ để phù phép về mặt ngôn ngữ.

Cùng với việc gặm nhắm nội dung hơn 150 bài thơ trong tập Ngày Không Gió,tôi chắc sẽ không sai khi gọi Thụy Sơn là: Người Chạm Trổ Giấc Mơ Ngàn.


II. Chiếc đũa thần kỳ

Thơ là lối thoát của lòng, tuôn ra từ ý nghĩ. Nhưng thơ của Thụy Sơn thì khác, đi ra từ tư duy. Tư duy là một bước nữa của ý nghĩ sau khi đã nhận thức, nên ngôn ngữ phù hợp nhất để chuyển tải tư duy chính là từ Hán Việt. Từ Hán Việt được xem như là một linh kiện đã định hình. Đẹp và phong phú về mặt ý nghĩa. Các từ như Huyền Trân, Huyết Lệ… diễn nôm ra thì không hay bằng để y như vậy.

Thơ Bà Huyện Thanh Quan đẹp quý phái nhờ vận dụng nhuần nhuyễn loại từ này.

“Gác mái ngư ông về viễn phố

Gỏ sừng mục tử lại cô thôn.”

Thụy Sơn là người vận dụng tối đa từ Hán Việt vào thơ, thỉnh thoảng có chút điển tích,lại cộng thêm cú pháp tư duy, rất giàu hình ảnh ẩn dụ, nên có một số người khi đọc qua thấy hơi khó hiểu.

“Văn kỳ thanh/Bất kiến kỳ hình

Khẻ chạm vào/Ngôn ngữ lặng thinh

Đôi mắt Đường Thi/Nghiêng Bạch Mã

Một hồn luận thuyết/Ngát Ninh Bình

Ta xin hóa thạch/Chờ tri kỷ

Người có là đêm rót thịnh tình

Chiết tửu.

(Nói cùng tri kỷ)

Đúng là người yếu vía thơ mới đọc mà hiểu là chết liền. Khó hiểu nhưng có thể cảm nhận được chất men say trong thần thái của thơ, dù tác giả là người nữ,chắc không uống.

Đây là lời độc thoại với tri kỷ Thôi Hiệu, một nhà Đường thi, hẹn chờ đêm đối ẩm.

“Người có là đêm rót thịnh tình

Chiết tửu."

Lời mời rượu hào sảng của một cuộc rượu hư mà rất thực, khác gì một cuộc người rất thực mà hư trong thơ Thụy Sơn.

Dòng thơ tư duy của Thụy Sơn không rơi vào kể lể, tả thực hay trần tình bằng lời, như nhiều tác giả thường gặp.

Thơ của Thụy Sơn rất giàu thi ảnh, suối nguồn tư duy tuôn ra từ ẩn thức nên thi ảnh là ngôn ngữ phù hợp nhất để đặc tả những sắc thái của nỗi niềm thân phận.

“Từ em,

Đánh cắp nụ cười

Ta dung nhan đó/ra người cổ sơ

Hẹn nhau hay là tình cờ

Trăng trăm năm gảy đôi bờ hợp tan

Em đi về phía xa xăm

Bên ta khuyết một chổ nằm từ đây.

(Chiều rụng bên hồ)

Những hình ảnh ẩn dụ gợi sự mất mát như nụ cười bị đánh cắp, tiều tụy về dung nhan, tan tác một cuộc tình rồi đột nhiên vén toạc bức màn thực: Em đi về phía xa xăm/ Bên ta khuyết một chỗ nằm từ đây.

Nói một cách hoa mỹ theo cú pháp của nhà thơ là, nỗi niềm được mạc khải bằng một thực tế hiện sinh. Vì thế thơ Thụy Sơn luôn thấm đẫm một triết lý nhân văn:

“Người đàn bà gối đầu trên nửa giấc hoàng hôn

Đưa môi cắn nỗi buồn vỡ nát

Đêm hợp cẩn của loài chim hoàng hạc

Ngó xuống bóng mình một nửa khuyết rưng rưng."

(Nửa khuyết)


III. Gõ cửa đền thiêng

Đến đây có thể nói ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Thụy Sơn là không lạ nhưng tân kỳ.

Thơ Thụy Sơn luôn ẩn hiện một nỗi buồn cô đơn bản thể (Từ dùng của bạn Hồ Sỹ Bình).

Trước hết ta hãy nghe Hàn Mặc Tử cảm nhận về điều này:

“Ánh trăng mỏng quá che không nổi

Những vẻ xanh xao của mặt hồ

Những nét u buồn tơ liễu rũ

Những lời năn nỉ của hư vô

Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng

Một vũng cô liêu cũ vạn đời"

Và nghe Trịnh Công Sơn:

“Con diều bay mà linh hồn quạnh quẻ

Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo.”

Vũng cô liêu của Hàn Mặc tử hay linh hồn quạnh quẽ của Trịnh là những hóa thân của nỗi cô đơn bản thể. Cả 2 người này còn trên cả cô đơn.

Và Thụy Sơn cũng không ngoại lệ, có những lúc lạc lõng giữa đời thường:

“Tìm nhau trong cuộc vô thường

Tiếng kêu khàn giữa mù sương núi đồi

Hẹn nhau cùng một dòng trôi

Sông người rẽ nhánh, sông tôi lỡ bồi.”

(Tri âm)

Hay độc hành trong đêm phố núi

“Người đàn bà giẫm bóng trong đêm

Gùi cô đơn đi bên xe thổ mộ

Đánh cược đời mình

Bên kia con dốc đổ dài.”

(Chiếc khăn quàng bỏ quên trên phố núi)

Con dốc đổ dài, nghe như tiếng thở dài của một nỗi cô đơn sâu thẳm.


Tác giả Trương Công Hải

Đọc thơ Thụy Sơn, ta nhận thấy có cùng một mẫu số chung với lời nhạc Trịnh, họ đều nói về những phận người.

Chỉ khác là ở Sơn Trịnh, ông nói đến phận đời khắc khoải của con người và của dân tộc trong thời cuộc chiến tranh. Vì sự phiêu lưu tư duy dài tay của ông, nên ông đành chịu sự bế tắc sau cuộc chiến. Bài Tiến Thoái Lưỡng Nan là một ví dụ.

Còn ở Sơn Thụy, thơ là một nỗi niềm cá nhân và những nút thắt từng bước trong đời đều được hóa giải theo tư tưởng của Pháp Phật một cách ngoạn mục.

Đọc thơ Thụy Sơn, ta bắt gặp nhiều thi ảnh của tư duy quán tưởng:

“Chưa choàng y áo Chân tu

Qua sông đã rớt kinh thư thuở nào

Đọa làm kiếp lá hanh hao

Vàng thu ta rụng xanh xao nỗi buồn.”

(Vàng thu lá rụng)

Hay: “Hành châu nghịch thủy về đâu

Sóng Tràng Giang nhuộm trắng màu biệt ly

Đò chưa qua buổi xuân thì

Sông trăng giờ đã già đi nhánh buồn.”

(Vàng thu lá rụng)

Từ một kiếp lá hanh hao nhà thơ đã dự cảm được vàng thu lá rụng. Từ thuở đò chưa qua buổi xuân thì nhà thơ đã quán tưởng được sông trăng giờ đã già đi nhánh buồn và hành châu nghịch thủy, lội ngược dòng để tìm về nguyên ủy phận đời.

Quán tưởng thông thì phát sinh quán niệm, thấy hết lẽ đời mới phát tâm buông bỏ.

“Người đàn bà ngồi giấu mặt

Sau giải khăn mây

Dịu dàng phóng sinh… nỗi nhớ!”

(Phóng sinh nỗi nhớ)

Hay: “Buồn gì mây xuống trắng trong

Nặng lòng chi đục,trong ao người

Ta ngồi nhìn được mất, trôi

Đời sông cũng được dòng trôi về nguồn”

(Về nguồn)

Vượt qua được hai giới cảnh trên, thơ của Thụy Sơn chứng nghiệm được quán không:

“Ai về bên ấy cho tôi hỏi

Ở cõi thiên thu có Niết Bàn

Dấu chân trên nước còn hay mất

Dưới cội…nghìn thu một quán không.”

(Quán không)

Tư duy Quán không trong khổ thơ trên, có một câu hé lộ cho thấy nhà thơ đang đứng bên ni bờ của không sắc với một câu hỏi tu từ: Dấu chân trên nước còn hay mất?.

Như vậy sắc không của bản thể không còn là điều vô minh với thơ của Thụy Sơn nữa:

“Người đàn bà vẫn ngồi dấu mặt

Sau giải khăn mây

Thấy trắng trong đen

Thấy không trong có.”

(Phóng sinh nỗi nhớ)

Nghiệm chứng được sắc không là điều kiện đủ để đi đến cảnh giới của tánh không:

“Cội Bồ Đề ôm bóng

Tịch lặng cõi mù sương

Lòng không mưa không nắng

Vạn Pháp bừng hư không.”

(Quán không)

Trong Ngày Không Gió, nhà thơ đã vận vào một căn nghiệp ngay tự thuở lọt lòng, căn phần luôn được giấu vào ẩn thức và tuôn ra thơ, nương vào thơ để giải bày và nương vào Pháp để hóa giải.

Vì thế, dẫu cuộc đời có bắt đầu bằng: 

“Những chiếc lá non khiếm khuyết/Khai sinh từ buổi nhú chồi.” (Lá khuyết)

Nhà thơ đã biết cách dùng ngòi bút để phóng sinh nỗi nhớ và đạt được giới hạnh buông bỏ.

Có khả năng thơ chị không cần dùng đến chén Cháo Lú mà vẫn tới được bờ vô minh, bởi lòng quyết tâm của chị khi bước vào đền thiêng:

“Áo còn/ trắng lụa Duy Xuyên

Lòng còn/ mở cửa đền thiêng bước vào.”

(Gõ cửa đền thiêng)

Cũng như Hàn Mặc tử hằng tin vào Chúa và mơ thơ bay đến chốn Phượng Trì.

Tư tưởng Đạo trong thơ của Thụy Sơn đang đi trên con đường của Pháp, đó là con đường hạnh phúc miên viễn, như Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã nói: “Làm gì có con đường dẫn đến hạnh phúc, vì hạnh phúc là một con đường.”

Nhân đây, để kết thúc bài viết này, tôi xin được quá giang vài câu thơ của chính mình khi gặp lại người thơ năm xưa trong màu áo nâu sòng.

“Thân vô sở trụ

Em duyên về nơi Mô Phật

Chút phận đời tàn

Anh đi tìm Phật nơi mô?”

(Thơ phai hồn ma nữ - tch)

Có nghĩa là tôi vẫn còn lẫn quẫn trong vòng tục lụy. Còn chị, là người đã có một hồn thơ được phóng sinh.

Trương Công Hải

9/2023


READ MORE - THỤY SƠN - NGƯỜI CHẠM TRỔ GIẤC MƠ NGÀN - Trương Công Hải

MÀU TRĂNG QUÊ, TRĂNG ĐÊM – Thơ Tịnh Bình


 
                  Nhà thơ Tịnh Bình


MÀU TRĂNG QUÊ
 
Hoa súng tím
Hay màu chiều lặng lẽ
Chớm tịch liêu
Hoàng hôn giăng đỏ phía đồng xa
 
Ran rát tiếng ve
Ngưng bặt giữa trưa hè
Điệu ru hời ai ngân nga câu hát
Gió khẽ khàng man mác khúc sông quê
 
Thèm tiếng chim gù giữa sớm mai thu
Quang gánh mẹ đơm vàng bông bí
Giọt sương mắt tròn ngủ quên bờ cỏ
Ấu thơ hò reo í ới
Năm mười cút bắt còn đâu
 
Cánh diều cõng ước mơ tôi
Bỏ lại sau lưng màu hoa ngơ ngác
Mùi phố thị hầm hập
Giấc mơ đêm ú ớ trở mình
Ánh trăng treo nghiêng ngoài cửa sổ
Bàng bạc tỏa màu quê...
 
 
TRĂNG ĐÊM
 
Mảnh trời hiu hắt trăng đêm
Gió tàn thu khẽ êm đềm lối quen
 
Cạn mùa vắng cúc mơ sen
Còn đâu dáng thắm vờ ghen má hồng
 
Mảnh tình dường có dường không
Chút mây chút gió đèo bòng mà chi
 
Cõi lòng ấm lạnh đôi khi
Vỗ về sương khói khúc bi ca buồn
 
Hoa tàn hoa nở... Ai thương ?
Người cô độc với trăng suông đêm này...
 
Tịnh Bình
(Tây Ninh)

READ MORE - MÀU TRĂNG QUÊ, TRĂNG ĐÊM – Thơ Tịnh Bình