Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 24, 2012

TIẾNG HÁT ĐÊM NOEL - Trạch An Trần Hữu Hội


         
Đôi nhân tình quàng lưng nhau. Đi ngang qua hai kẻ ăn xin. Có lẻ là một đôi vợ chồng. Người đàn ông loáng thoáng trong ánh đèn nhiều màu lập lòe chiếu ra từ giáo đường, hai hốc mắt trũng sâu, có vẻ như bị mù. Người đàn bà gầy gò, trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn, hơi khó nhìn!

      Cả hai dìu nhau đi trong ánh sáng mờ nhòa, trên lưng người đàn ông khoác ngang cây đàn Guitar gỗ cũ kỷ. Họ hướng về phía cầu. Người con trai dừng bên họ, đặt vào bàn tay của người đàn bà một tờ giấy bạc thật mới. Có lẻ đây là món tiền cuối cùng được bố thí trong đêm Giáng Sinh. Trời đã gần nửa đêm!

      - Nếu ông ấy không mù thì chắc không lấy bà ta, anh nhỉ ?

      - Em có thấy bà ta có vẽ như bị cháy hay bỏng không? Nếu không bị biến dạng thì chắc bà ta không quá xấu, và như thế, bà cũng sẽ chẳng lấy ông ta!

      - Vậy là họ được Chúa sinh ra cho nhau?

      - Có lẻ ! Định mệnh đẩy đưa!

***                                                           



      36 năm trước. 

      Phòng trà mini Dã Quỳ đông nghẹt khách. Đêm Noel lùa khách đến Dã Quỳ bởi đây là nơi duy nhất không có giới nghiêm. Phần nhiều là lính, với một vài thiếu nữ, là tình nhân của họ… Thành phố Tây nguyên vốn hoang lạnh, càng lạnh hơn khi gió mùa đông từng cơn lùa qua các dãy phố xác xơ, cố gượng đón một mùa Giáng sinh với mấy dãy đèn nơi những máng cỏ, cũng sơ sài như chốn Belem hơn ngàn năm trước!

      Thỉnh thoảng những tiếng nổ ì oành, những trái pháo sáng xa xa trên bầu trời thưa ánh sao, điểm tô cho một đêm Giáng sinh thời chiến!

      Bốn người lính trẻ ngà say bước vào vùng không gian mờ ảo. Trên chiếc bục sân khấu nhỏ gọn, ban nhạc hòa theo một giọng ca nữ, nhẹ nhàng, thanh thoát với bản nhạc Đêm đông…

      “…đêm đông, ôi ta nhớ mong đường  về xa xa… đêm đông…ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…gió lay ngàn cây ….gió đau niềm riêng…gió than triền miên…”

      Tấn nheo mắt tìm một chổ ngồi cho cả đám, chiếc bàn cuối vẫn còn … Họ ngồi xuống và tiếng hát nhẹ nhàng cuốn tâm tư họ vút cao … Quên đi cái tiền đồn buồn hiu hắt, nơi 3 giờ trước họ trốn ra với nỗi háo hức … đêm yên bình!

      Tiếng vổ tay  khẽ khàng …

      Tấn gọi bia “con cọp”. Nói nhỏ với cô gái chạy bàn: 

      - Anh hát một bản được không  em gái? 

      - Dạ được, anh chuẩn bị đi ạ, lát nữa thôi.

      Tiếng một giọng nam trầm, ấm…là một người lính, với bộ đồ rằn ri, chiếc nón xanh nằm trong túi áo! “ Thu đi…cho lá vàng bay, lá rơi…cho đám cưới về… ngày mai…người em nhỏ bé…ngồi trong thuyền hoa…”

      Tấn quặn lòng, anh nốc hết ly bia, nhớ đến Thùy và những giọt nước mắt  ngày anh nhập ngũ … Rồi lá thư dài báo tin nàng lấy chồng!

      Anh lên hát đi … Bàng hoàng, Tấn bước lên chiếc bục nhỏ … Anh nói khẻ với ban nhạc :

      - “Tiếng hát đêm Noel”. Chơi Blue nhé.

      Chàng trai trẻ gật đầu …Tấn mơ màng…

      “Vầng sao … chìm vào xanh mắt người yêu…Một  đêm … tơ vàng cuốn gió đìu hiu … đường trần … đêm No-el chói lòa ánh đèn, Lờì kinh đẹp vầng sao thánh thót … ngân trong giáo đường … Có đôi chim, ngắt bông hoa chiều no-el … bay xuống bên hiên giáo đường … khóc … nỉ non … Rồi đành … trời đày một sớm chia phôi … Người về để héo duyên rồi…riêng còn tủi hờn mà thôi….”

      Ầm! Tiếng mìn claymore nổ ngay trên con đường nhựa loang lổ, hất ngược cả bốn chàng lính trẻ ra sau, tiếng hét chuyển thành tiếng rên rỉ rồi im bặt sau một loạt đạn ngắn. Đêm trở lại yên ắng … thỉnh thoảng vài đóm hỏa châu ngoằn nghèo trên vòm trời khuya! Cuộc phục kích thật gọn!

      - Báo cáo thẩm quyền, chỉ mình chuẩn úy Tấn còn thở!

      Trung Úy Thăng chửi thề:

      - Mẹ kiếp, chết lãng nhách! Gọi cứu thương.

      Sáu tháng sau, Quân y viện quân khu II, xác nhận: Chuẩn úy Nguyễn Phúc Tấn mất thị lực 100%.



        ***

      Buổi tiệc reveillon của nhóm học sinh lớp 12 ban C vừa tan. Quá 01 giờ sáng. Luyện đi về cùng với Sương, họ đi bộ để tìm chút lạnh thú vị của đêm Giáng sinh. Có lẻ chút lãng mạn, bởi đôi bạn có chung tâm sự. Họ vừa chia tay người yêu. Hai chàng trai cùng đăng lính tháng trước.

      - Khi không mi hát bản nớ mần tau muốn khóc!

      - Thì  tại từ ngày Thủ đi, tau chỉ thích bản nớ…Bản mi hát còn ác hơn nữa ! “…Không chết người trai khói  lửa… mà chết người em gái hậu phương….!!!”

      Lời ca của bản “Lời tình buồn” và không khí đằm thắm của  buổi họp mặt vẫn còn vọng lại trong tâm hồn Luyện…

      “Anh đi rồi…còn ai vuốt tóc…Lời  tình thơm sách vở học trò…đêm xuống rồi em buồn không hở…trời sa mù tầm tay với âu lo…Anh đi rồi…” 

      Luyện bật khóc!

      Trở về căn nhà nghèo nàn … Mạ ngủ từ lâu. Luyện lên giường, kéo cao chiếc chăn trùm kín người, nhớ Thủ ray rứt ! Giấc ngủ tìm đến trong đêm muộn!

      Cháy ! Cháy  nhà mụ Hòa …

      Mần răng chừ ?!

      Lấy nước, lấy mền ướt…mau…!

      Ngọn lửa bao trùm căn nhà bằng ván ép và tôn ! Mọi cố gắng dập lửa đều vô vọng!

      Luyện nghe toàn thân nóng rát, cố dẫy ra khỏi chiếc chăn mà không được !  Luyện thét lên:

      Mạ ơi, mạ ơi…mạ mô rồi …

      Tất cả chìm trong tiếng nổ lốp bốp và tiếng la hổn độn …mơ hồ!

      Một trái sáng xuyên mái tôn bếp, gây ra tai họa trong đêm lành!

      Luyện tỉnh lại trong chiếc giường trắng muốt, đau nhức toàn thân … Vị bác sĩ người ngoại quốc, da trắng hồng hào …

      Đây là  bệnh viện của Hạm đội số 7 !

      Đôi tình nhân lang thang ra khỏi giáo đường, họ đi về phía cầu …, thỉnh thoảng dừng lại, những nụ hôn ngọt ngào … Họ ôm  sát nhau, chia nhau hơi ấm…

      Bên mé cầu, nơi khoảng đất trống có một cái chòi nhỏ … Ngọn đèn vàng vọt hắt ra xung quanh ánh sáng buồn buồn.

      Đôi tình nhân mỉm cười với nhau, dừng lại nhìn vào trong … Hai người ăn xin ngồi cùng nhau bên chai rượu. Người đàn ông mù đặt chiếc ly xuống chiếu:

      - Mình lại hát những bài hát đó nghe em… Người đàn bà gật đầu:

      - Dạ, anh hát trước đi.

      Tiếng đàn thùng trầm ấm:

      “…Vầng sao…chìm vào xanh mắt người yêu…Một đêm…tơ vàng cuốn gió đìu hiu… Đường trần…đêm no-en chói lòa ánh đèn…

      “Rồi đành trời bày một sớm chia phôi… người về đành héo duyên rồi…riêng còn tủi hờn mà thôi…”

      Đôi nhân tình lắng nghe tiếng hát ấm áp, nhẹ nhàng của người ăn xin…và rồi:

       “…Anh đi rồi …còn ai vuốt tóc…Lời tình thơ sách vở học trò…Đêm xuống  rồi …em buồn không hở…Trời sa mù…tầm tay với âu lo…”

      Giọng ca mượt mà vút  lên  trong không gian giá lạnh, trong đêm thanh vắng yên bình ! Nghe như những bài thánh ca …

      Họ chìm vào trong kỷ niệm của một thời xa xưa… 

     Anh, họ hạnh phúc !

      - Ừ, rất hạnh phúc! Mong cho nhiều tâm hồn đau khổ được hạnh phúc trong đêm nay!







15 tháng XII . 2012



Trạch An - Trần Hữu Hội









       

READ MORE - TIẾNG HÁT ĐÊM NOEL - Trạch An Trần Hữu Hội

KỶ NIỆM VỀ MỘT TRÁNG CA CỦA NHẠC SĨ PHẠM DUY - Phạm Xuân Dũng


                                                                                           
   Đó là kỷ niệm về một bài hát kháng chiến chống Pháp của nhạc sĩ Phạm Duy mà chính tác giả cũng đã không còn nhớ.

    Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, lúc tôi chừng hơn 10 tuổi. Hồi ấy cả nước còn nghèo khó, lạc hậu. Khi hòa bình mới lập lại sau ngày 30/4/1975 thì gian nan, thiếu thốn trăm bề. Đói cơm, đói cả các món ăn văn hóa tinh thần. Giữa vùng quê Quảng Trị còn ngổn ngang bom đạn thời hậu chiến, những đứa trẻ như tôi thường nghe người lớn hát lại những bài ca kháng chiến thời chống Pháp. Nhiều bài lắm nhưng thường là không biết tên tác phẩm mà chỉ nghe ca từ, giai điệu (có khi không thật chính xác ). Sau này khi lớn lên,anh em chúng tôi tìm hiểu mới biết đó là những ca khúc như: Xa chiến khu của Đỗ Nhuận, Đường rừng của Trần Hoàn hay Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy ... Còn nhiều bài hát nữa đến nay vẫn còn là  ẩn số khi đi tìm nguyên bản, tên tác giả, tác phẩm.

   Trong số những bài hát kháng chiến chống Pháp có một bản hùng ca, giai điệu hùng tráng mà pha chút gì lãng mạn:

      Bông Lau! Bông Lau! Rừng xanh pha máu
      Biên cương lưu danh ngàn đời về sau
      Khi quân ta tiến ra, vung gươm lên chói lòa
      Là quân Pháp một đi không còn về.
    
      Bông Lau! Bông Lau! Rừng xanh pha máu
      Biên cương lưu danh ngàn đời về sau
      Khi quân ta tiến ra như phong ba oán thù
      Là quân Pháp một đi không còn về.

      Bông Lau! Bông Lau! Rừng xanh pha máu
      Hương thơm sơn khê toàn dân yêu dấu
      Khi quân ta tiến ra như phong ba oán thù
      Là quân Pháp một đi không còn về.

      Bông Lau!Bông Lau!mồ chôn quân Pháp
      Biên cương ghi danh ngàn đời về sau
      Khi dân nghe súng vang,quân ta đang giết thù
      Mừng chiến sĩ Việt Nam lập công...

  Ba mẹ tôi là dân Việt Minh ngày trước thường kể rằng: hồi ấy trong chiến khu Cây Xoài của quê hương Quảng Trị, những cán bộ tuyên truyền đưa những bài hát từ chiến khu Việt Bắc xa xôi vào với đồng bào chiến sĩ miền Trung: Bình - Trị - Thiên khói lửa. Giữa bốn bề núi rừng Quảng Trị, những bài hát chống giặc ngoại xâm, ngợi ca tinh thần yêu nước vang lên nức lòng người, giục giã tâm hồn trẻ già trai gái. Giờ đây, những người già tuổi trên dưới tám mươi, khi nhắc lại bên bếp lửa mùa đông giá rét, đón đợi xuân về, họ vẫn nói: Thời ấy khổ lắm nhưng mà vui lắm, đáng nhớ lắm. Nhớ nhất là những bài ca kháng chiến.

  Đọc hồi ký Phạm Duy và qua sách báo, tôi biết được Bông Lau là  một địa danh, một con đèo hiểm trở nằm trên vòng cung Đông Bắc của đường số 4 thuộc tỉnh Lạng Sơn giáp với tỉnh Cao Bằng .Nơi đây vào ngày 30/10/1947, bộ đội ta đã phục kích và tiêu diệt hàng trăm tên lính Pháp. Nhạc sĩ  nhớ lại: "Cũng ở vùng Lạng Sơn này và cũng trong chiến dịch biên giới năm 1947, tôi soạn một hành khúc mang tên một địa chiến là: BÔNG LAU.Tôi cũng quên hết lời ca và nhạc điệu rồi, chỉ còn nhớ vài câu..." (Phạm Duy -2010, một đời nhìn lại). Chính tác giả bài hát cũng nói rằng khi ở nước ngoài ông đã quên bẵng một trong những hùng ca thời đầu kháng chiến chống Pháp, đứa con tinh thần của chính mình của cả một thời hào khí. Đến khi về nước ông mới nhớ lại những kỷ niệm sôi nổi một thời trai trẻ. Ông còn nói thêm rằng chính một đồng nghiệp một thời kháng chiến của ông là nhạc sĩ Ngọc Bích (vừa  qua đời mấy năm) đã có lần nhắc ông nhớ lại tác phẩm này và hát lại bài hát: Bông Lau rừng xanh pha máu.

  Trong hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp có kể rằng hai bài hát thời đầu kháng chiến chống Pháp được ông yêu thích và nhắc đến,đó là trường ca Sông Lô của Văn Cao và Bông Lau rừng xanh pha máu của Phạm Duy. Chỉ tiếc tráng ca thứ hai có nguy cơ rơi vào quên lãng. Cho đến thời điểm này chưa ai có thể khôi phục nguyên vẹn lời ca và giai điệu của nó. Một bài hát mà tuổi đời đã đến 65, tuổi người sáng tác đã qua 90 và tuổi của vị danh tướng cũng đã trăm năm. Nhưng bất chấp mọi sự biến cải của nhân thế, bài hát vẫn còn lưu truyền âm ỉ trong dân gian như một hòn than nóng làm ấm lại ký ức những người gần đất xa trời và truyền lại cho đời sau một tinh thần yêu nước,gìn gữ non sông.

  Bài hát đã sáu mươi lăm tuổi, dài như một đời người. Và chắc có lẽ còn dài hơn thế ...

PHẠM XUÂN DŨNG

Đài PT- TH Quảng Trị
Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Đt: 0985.972.975 
dpthachthao@gmail.com

  
 
  
READ MORE - KỶ NIỆM VỀ MỘT TRÁNG CA CỦA NHẠC SĨ PHẠM DUY - Phạm Xuân Dũng

NÔ-EL NGÀY ẤY NHỚ HOÀI - Nguyễn Hồng Trân




Nhà thờ rộn rã tiếng chuông
Ngân vang rung động tâm hồn con chiên
Nhìn lên Đức mẹ dịu hiền
Ngồi trong hang đá sát bên hài đồng
Bên ngoài giá rét mùa đông
Tiếng kinh cầu nguyện ấm lòng thân thương
Lòng ta nhớ mãi quê hương
Nô-el năm ấy Thiên đường tối tăm
Thánh địa đức mẹ La Vang
Đạn bom dữ dội tan hoang cửa nhà
Nhớ lại bao chuyện đã qua
Lòng ta cứ mãi xót xa chuyện đời
Giáng sinh ngày ấy lâu rồi
Nay không còn nữa cái thời chiến tranh
Cầu mong dân được an lành
Chung vui đêm lễ GIÁNG SANH tưng bừng…

Nguyễn Hồng Trân
nghongtran38@gmail.com

READ MORE - NÔ-EL NGÀY ẤY NHỚ HOÀI - Nguyễn Hồng Trân

SỰ MINH TRIẾT TRONG THÀNH TÂN SỞ (hay tấc lòng của vua Hàm Nghi) - Võ Văn Luyến

Vua HÀM NGHI

               
Những núi đồi cỏ xanh ngậm sương
Có gì đăm chiêu trong mắt ngựa chiến
Kinh thành sau lưng lửa trời binh biến
Cháy tâm can. Rạn vỡ đêm dày.
*
Tân Sở màu chiều. Mây thấp, mưa bay
Tiếng tắc kè lửng lơ cơn gió
Giễu nhại điều chi giương câu thách đố
Ta dễ gì tắc kế, tắc kè ơi !
*
Câu thơ tiền nhân đá tạc, dặm soi
Ta hạ Chiếu Cần vương cầu thảo dân trăm họ
Đất nước gian lao máu bầm còn đó
Lồng lộng giá gương, một tấm nhiễu điều.
*
Thân đế vương có tan trong ngọn lửa thiêu
Châu báu ngọc ngà có thành đá rữa
Nhưng nụ cười phải vang lên sau từng ngõ nhỏ
Ta sẽ dựng yêu thương trên cây thanh bình.
*
Đêm nằm nghe nước réo vách tim
Ba vạn sáu ngàn thác mơ đổ về một lối
Âu vàng non sông, thanh gươm giữ cõi
Tấc lòng xin sống chết với thanh thiên.                     

VÕ VĂN LUYẾN
GV Trường CĐSP Đông Hà
Quảng Trị
READ MORE - SỰ MINH TRIẾT TRONG THÀNH TÂN SỞ (hay tấc lòng của vua Hàm Nghi) - Võ Văn Luyến