Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, February 9, 2017

TRẢ LỜI BÁC NGUYỄN BÀNG - Phạm Đức Nhì


         
                    Tác giả Phạm Đức Nhì



             TRẢ LỜI BÁC NGUYỄN BÀNG

Ai cũng biết Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi là một bài bình thơ. Ở đây ông Nguyễn Ngọc Kiên không bình một bài thơ nào riêng biệt mà đưa ra nhận xét “gộp” cả một đời thơ của nhà thơ lão thành ở Hà Nội. Ông áp dụng phép Quy Nạp hơi cẩu thả nên có một vài sơ sót và đã được nhà phê bình Châu Thạch vạch ra từng điểm một. Tôi có ý định sẽ trao đổi với nhà phê bình Châu Thạch về các vấn đề cùng quan tâm ở bài viết kế tiếp.
Ở đây tôi chỉ xin trả lời bác Nguyễn Bàng 2 điểm:
1/ Bác Bàng viết:
Tôi không có một mẩu bằng Đại học nào chứ nói gì đến cả cái bằng Tiến sĩ Ngữ văn như ông Nguyễn Ngọc Kiên mặc dầu tôi biết ở xứ mình hiện nay sản xuất tiến sĩ như gà đẻ: Mỗi ngày một ‘tiến sĩ’.
Và tôi đã lên tiếng: “Trước hết, bác Nguyễn Bàng không nên “xách mé” cái bằng Tiến Sĩ Ngữ Văn của ông NNK như thế,” Chữ “xách mé” ở đây tôi dùng với nghĩa châm biếm, chửi xéo, thiếu lịch sự. Nếu đọc cái đoạn in nghiêng ở trên mà bác Nguyễn Bàng không nhận ra là mình đã châm biếm, đã chửi xéo, đã thiếu lịch sự với ông Nguyễn Ngọc Kiên thì tôi đành chịu thua, để bác muốn chửi sao thì chửi.
 2/ Ông Nguyễn Ngọc Kiên viết Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi là để có cái tựa văn vẻ một tý, chứ thực tế thì ông chỉ muốn bình thơ Nguyễn Khôi thôi.Và dĩ nhiên vì là bình thơ nên ông viết để “nói cho cả bàn dân thiên hạ được nghe thấy”. Cũng may nhà thơ Nguyễn Khôi hiểu được ngụ ý của ông NNK nên không vểnh tai lên để chờ nghe lời Thì Thầm, chứ nếu cứ hiếu như bác Nguyễn Bàng thì chắc là rất mỏi lưng và mỏi cổ.
Rồi bác Nguyễn Bàng kết thúc thư của mình bằng đoạn “… xin ông (Nguyễn Ngọc Kiên) hãy nhớ cho, ông còn trẻ hơn nhà thơ Nguyễn Khôi rất nhiều và ông đã là Tiến sĩ Ngữ Văn chắc ông thừa biết câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ”. Nếu còn thì thầm với nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi, xin ông Nên hãy (thì) thầm những lời đúng và đẹp như hoa Xuân thì hay hơn, ông Tiến sĩ Ngữ Văn à!”
Bác Nguyễn Bàng đã đem tuổi già ra làm con ngoáo ộp đe nẹt ông NNK (và những người yêu thơ trẻ tuổi khác) nên tôi đã lên tiếng: “Xin đừng bắt ông ta vì câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ” mà phải thì thầm vào tai nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi những lời “đẹp như hoa xuân” khi tâm ý của ông không muốn như vậy. Thi sĩ nếu muốn được nghe những lời “đẹp như hoa xuân” của người phê bình thì phải thai nghén, phải ủ tứ thơ cho chín, cho lên men, rồi chờ lúc cao hứng dùng kỹ thuật thơ điêu luyện của mình viết lên những vần thơ dạt dào cảm xúc. Xin đừng mang tuổi già ra hù dọa lớp trẻ để làm thui chột tính công bằng của việc phê bình.”
Xin được giải thích thêm một tý cho rõ ràng.
Ở Mỹ tôi đã có cơ hội theo dõi và tham dự (cả với tư cách cử tri và ủng hộ viên) nhiều cuộc bầu cử ở mọi cấp chính quyền. Ai cũng muốn các ứng cử viên bày tỏ lập trường, chính sách của mình (về các vấn đề dân chúng quan tâm) để cử tri cân nhắc, lựa chọn khi đi bầu. Nhưng không phải cuộc bầu cử nào cũng có môi trường chính trị trong sạch như thế. Rất nhiều ban vận động tranh cử (tôi biết một vài ban như thế) có hẳn một nhóm người (group) chuyên đào bới, moi móc đời tư của ứng cử viên đối phương, nhiều khi không từ cả gia đình, họ hàng của ông (bà) ta nữa, để tìm ra những “điều không tốt” rồi “xì” ra cho báo chí, truyền thông để hạ uy tín đối thủ của mình. Đây là phương cách vận động bầu cử bá đạo bị nhiều người lên án.
Trong môi trường tranh luận văn chương cũng có một số trường hợp tương tự như vậy mà thư của bác Nguyễn Bàng gởi ông NNK là một thí dụ điển hình. Thay vì mổ xẻ những điểm chính của cuộc đối thoại văn chương là:
1/ Ông NNK trích lời nhà thơ Lê Mai cho rằng “Thơ Nguyễn Khôi không độc đáo. Không lạ. Không sang trọng.
2/ Nó có sức ma mị.
3/ Nhóm chữ “tắt trăng” trong đoạn thơ:
          Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang 
          Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng 
          Cái đêm hè ấy ai ra tắm 
          Để cả bầu trời phải tắt trăng.
4/Nhóm chữ “nai tác” trong bài thơ Đêm Mộc Châu
         Đêm Mộc Châu lần đầu nghe nai “ tác”
         Dân đốt nương núi cháy xém vầng trăng
         Mới hay cuộc sống còn đói khát 
         Đốt cả đất trời kiếm miếng ăn
thì bác Nguyễn Bàng lại:
1/ Ngay ở phần mở đầu đã xách mé (châm biếm, chửi xéo) cái bằng Tiến Sĩ Ngữ Văn của ông NNK.
2/ Ở đoạn kết của lá thư đã đem Tuổi Già ra để đe nẹt, hù dọa ông NNK (vì ông còn trẻ) và dĩ nhiên, làm hoảng sợ nhiều người yêu thơ trẻ tuổi khác. Hậu quả là làm không khí tranh luận không còn thoải mái, cởi mở và làm thui chột tính công bằng của việc phê bình.
Hai đoạn ấy chỉ nhằm bới móc, nói xấu để hạ uy tín ông NNK chứ không ăn nhập gì đến đối tượng đang tranh luận mà nhà phê bình Châu Thạch đã phân tích cặn kẽ từng điểm một.
Tôi bỗng nhớ đến một điều luật trong môn Quyền Anh (Boxing): Khộng được đánh dưới thắt lưng.  Theo luật thi đấu võ đài, võ sĩ bị cấm ngặt, không được phép ra đòn dưới thắt lưng, tức đánh dưới háng. Dù vô tình hay cố ý, ai phạm luật sẽ bị trọng tài phạt cảnh cáo hay bị loại thi đấu tùy theo mức độ nặng nhẹ hay tái phạm và bị xem là kẻ chơi xấu.
Võ sĩ Nguyễn Bàng rất hùng dũng bước lên võ đài để so găng với võ sĩ Nguyễn Ngọc Kiên và ngay những giây phút đầu tiên đã “chơi” một cú rất mạnh vào hạ bộ đối thủ. Sau đó ông mượn lời cô Dương Đình Ninh múa mấy đường quyền một hồi lâu rồi bất ngờ tung một cú đấm như trời giáng cũng vào ngay “bộ đồ lòng” của vỏ sĩ NNK một lần nữa rồi mỉm cười đắc thắng. Tôi là một khán giả đến xem cuộc tỷ thí, thấy chuyện bất bình tri hô lên “Chơi Xấu! Chơi Xấu!” thì bị võ sĩ Nguyễn Bàng “sửng cồ”, dùng lời lẽ rất đẹp mắng như tát nước.
Bị mắng, mà lại bị mắng oan, kể cũng hơi tức. Nhưng tôi lại thấy vui vui vì đã có thêm cơ hội trao đổi với các bác trên diễn đàn này về Phong Cách Bình Thơ. Tôi biết rằng, đang nóng giận, không dễ gì bác Nguyễn Bàng nhận ra tâm ý của tôi qua bài viết ngắn này. Nhưng cứ “tận nhân lực” trước đã. Hơn nữa, còn rất nhiều khán giả cùng xem võ đài như tôi, chẳng lẽ không ai thấy võ sĩ Nguyễn Bàng “Chơi Xấu”? Mà lại “Chơi Xấu” đến hai lần?

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com.

READ MORE - TRẢ LỜI BÁC NGUYỄN BÀNG - Phạm Đức Nhì

NGƯỜI DƯNG - Thơ Đặng Xuân Xuyến





NGƯỜI DƯNG

Đã mòn con mắt lá răm
Lời yêu còn ở ngã năm chửa về
Sập sùi sũng ướt triền đê
Khạo khờ mãi nhuộm câu thề người dưng

Hội làng thì đã lưng chừng
Người dưng ơi hỡi...
Người dưng
Chả về.

Hà Nội, ngày 09 tháng 02.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - NGƯỜI DƯNG - Thơ Đặng Xuân Xuyến

CHÙM THƠ ĐỖ ANH TUYẾN


  


DẠI ĐẦN
Giọt sầu gỏ nhịp cùng sương
Nguyệt tà lờ lững vấn vương nỗi buồn
Gieo sầu tỏa nhớ ngàn phương
Ai người vong phụ, hoài thương riêng mình...!
Úa mòn một Đóa hoa xinh
Thu tàn Đông đến, tim mình giá băng
Người ơi! Xin hãy nhớ rằng
Vì tôi chót dại yêu bằng con tim...
Nên giờ như kẻ đắm chìm
Xót xa một kiếp con tim dại đần.

GIỜ THÀNH QUÁ KHỨ
Và như thế chúng mình từ đó.
Hỏi thăm nhau mà gượng những ngôn từ.
Ngàn câu chuyện không cách nào trọn vẹn
Bởi "ừ".à" và những dấu chấm trôi
Anh tự hỏi lẽ nào thành như vậy?
Bức tường câm hay khoảng cách vô hình?
Vui hay giận khôg tìm về nhau nữa
Hé môi rồi nhưng không nói thành câu
Chắc có lẽ đã chạm vào giới hạn
Chạm lằn ranh và sắp bước qua rồi
Mọi lí lẽ điều quy rằng : quá bận
Để quên rằng duyên phận bắt đầu trôi
Ừ. Thôi thế không tìm về nhau nữa
Giữ cho nhau một kỉ niệm qua rồi
Nếu đã biết đời này là hữu hạn
Cố dặn lòng tìm lấy những ngày vui.

ĐỖ ANH TUYẾN
Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,
huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
READ MORE - CHÙM THƠ ĐỖ ANH TUYẾN

ĐẦU NĂM, NÓI CHUYỆN GIÁO DỤC - Tuỳ bút của Hoàng Đằng


          
                        Tác giả Hoàng Đằng




ĐẦU NĂM, NÓI CHUYỆN GIÁO DỤC
                                               
Tuỳ bút của Hoàng Đằng


Trong chương trình thời sự lúc 19 giờ trên VTV1 ngày 05/02/2017, có phát phần: “Đổi mới giáo dục – chú trọng phát triển tố chất” do BTV Kim Hải chủ trì, bình luận với sự góp ý của các chuyên gia giáo dục: Bà Lưu Minh Hường, GS. Hồ Ngọc Đại và GS. Chu Cẩm Thơ
Mọi ý kiến đưa ra đều nhấn mạnh đến việc giáo dục trẻ cần chú trọng phát triển tố chất (bản chất) của trẻ, nói rõ hơn là phát triển những sở trường riêng, năng khiếu riêng, cá tính riêng của từng trẻ. Tuy nhiên, muốn được vậy, các ý kiến chưa đưa ra giải pháp cụ thể.
Vì vậy, hôm nay, dù chỉ là “tay ngang”, tôi muốn bàn về giáo dục và mong nhận được ý kiến xây dựng từ độc giả. Biết đâu việc bàn luận của chúng ta giúp ích, không nhiều thì ít, cho những vị lập chính sách giáo dục!

Giáo dục là đào tạo con người; do đó, phải có hình mẫu con người để giáo dục nhắm đến – con người lý tưởng.
Ngày xưa, hình mẫu con người ấy là các bậc thánh hiền; việc chọn hình mẫu ấy là đúng. - thánh hiền luôn dạy con người những điều phải. Vậy mà hiện giờ, nhiều người đổ lỗi tình trạng xã hội trì trệ là do nền giáo dục chọn hình mẫu ấy. Thật ra hoàn toàn không phải!
Giáo dục ngày xưa không thúc đẩy xã hội tiến triển hay tiến triển quá chậm là do nền giáo dục ấy quá xem trọng từ chương mà bỏ quên những mặt khác của đời sống - chương trình giáo dục không có các môn khoa học tự nhiên; lại thêm, nền giáo dục ấy không khuyến khích sự sáng tạo.
Tình trạng trì trệ của xã hội ngày xưa một phần lớn còn do các người lãnh đạo cộng đồng hay những người nắm quyền hành quốc gia quá tham lam, vị kỷ, họ mượn thánh hiền làm bình phong che đậy ý đồ biến con người thành kẻ trung quân dại dột để duy trì quyền lợi của họ: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung ... – Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chịu chết là bất trung” (a), ai đời ác độcvậy, điên rồ vậy mà cũng dạy được!
Ngày nay, hình mẫu con người mà giáo dục nhắm đào tạo nên thay đổi tuỳ theo mục đích chính trị, môi trường sống của từng người.
Cố chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam giành thắng lợi trong chiến tranh giành độc lập, dựng nên chế độ xã hội chủ nghĩa, qua giáo dục, muốn có hình mẫu con người (1) biết yêu Tổ Quốc, (2) biết yêu nhân dân, (3) biết yêu lao động, (4) biết yêu khoa học, (5) biết yêu đạo đức (b).
Cố thi sĩ Tố Hữu, một trong những nhà lãnh đạo cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, đánh đổ chế độ Việt Nam Cộng Hoà do Mỹ bảo trợ, trong “Bài Ca Xuân 71”, đưa ra hình mẫu con người “biết căm thù và biết yêu thương”:
“ ... Nhưng phải luyện những con người đẹp nhất,
Biết căm thù và biết yêu thương”.
Chủ Tịch hiện nay của nước Việt Nam, Trần Đại Quang, trong buổi làm việc với lãnh đạo bộ Giáo Dục và Đào Tạo ngày 04/02/2017 (08 Tết Đinh Dậu) đã chỉ đạo ngành giáo dục phải cho ra lò những “công dân toàn cầu” (global citizen, citizen of the world) nghĩa là những người có trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn, khả năng giao tiếp để sống và làm việc được bất cứ ở đâu trên trái đất này; “công dân toàn cầu” phải góp phần mình vào kho tàng văn minh của nhân loại bằng những phát minh, sáng chế; “công dân toàn cầu” còn phải trăn trở với những bất công, phi lý trên phạm vi toàn cầu, từ đó, chung sức, lên tiếng xoá bỏ những tệ trạng ấy, biến trái đất này thành nơi càng ngày càng tốt đẹp hơn
GS Nguyễn Đăng Hưng, giáo sư ngành cơ học, người trưởng thành dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà, du học rồi định cư ở nước ngoài, cho rằng giáo dục phải nhắm đào tạo nên con người tự do, con người nhân văn, con người có hiểu biết, con người có tinh thần phê phán và sáng tạo (c).
Như thế, hình mẫu con người mà một nền giáo dục muốn đào tạo luôn thay đổi theo tình hình, theo thời đại để thích nghi.

Muốn đào tạo hình mẫu con người như thế nào, nhà cầm quyền phải có triết lý giáo dục thích hợp – có người đã ví triết lý giáo dục đối với một nền giáo dục như hiến pháp đối với một quốc gia; hiến pháp không tốt thì quốc gia không ổn định, triết lý giáo dục không đúng thì nền giáo dục sẽ lạc vào mê trận đồ không lối thoát – lạc đường.  
Chế độ Việt Nam Cộng Hoà (1955 – 1975) triệu tập Đại Hội Giáo Dục Quốc Gia năm 1958 gồm đại diện phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, quân đội, chính quyền, ngành văn hoá & giáo dục, các tổ chức quần chúng ... ở miền Nam trước đây đề ra triết lý giáo dục dựa vào 3 trụ cột: Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng, đại khái là tôn trọng con người, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông và tiếp nhận đồng thời đóng góp những cái hay, cái đẹp, cái mới của nhân loại và cho nhân loại.
Triết lý giáo dục của Mỹ dựa trên 5 trụ cột (d): (1) thuyết bản chất (essentialism): chú trọng tố chất tốt đẹp của cá nhân, (2) thuyết trường tồn (perennialism): “chú trọng các chân lý phổ quát đã được kiểm nghiệm qua thời gian” , (3) thuyết tiến bộ (progressivism): cổ xuý những ý tưởng mới, những phát minh, những sáng tạo, (4) thuyết cải tạo xã hội (social reconstructionism): cổ xuý sự thay đổi xã hội để mỗi ngày một tốt hơn, (5) thuyết hiện sinh (existentialism): cổ xuý sự tự do và tinh thần trách nhiệm của con người.
Còn dưới chế độ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa hiện nay, theo nhiều bậc thức giả, Việt Nam cũng đã có triết lý giáo dục; triết lý ấy nằm rải rác trong những bài phát biểu của các lãnh tụ, nhưng có lẽ chưa được ai hệ thống hoá. Triết lý ấy nhằm xây dựng “con người xã hội chủ nghĩa” trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa, “mình vì mọi người, mọi người vì mình” ... Phó Thủ Tướng hiện nay, ông Vũ Đức Đam, trả lời chất vấn ngày 21/11/2016 của một đại biểu Quốc Hội: “Việt Nam có triết lý giáo dục hay không?”, đã phát biểu: “Triết lý giáo dục ViệtNam trước hết là triết lý xây dựng đất nước, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện: đức, trí, thể, mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế.” Lời phát biểu của Phó Thủ Tướng nói lên những mục tiêu của giáo dục, chứ chưa phải là triết lý giáo dục.

Trở lại đề tài “phát triển tố chất”. Việc phát triển tố chất của trẻ không phải chỉ cậy vào trường học. Trường học không đủ điều kiện để làm tròn công việc ấy; phải là người trực tiếp quản lý trường hay đứng lớp mới thấy được điều ấy. Muốn “phát triển tổ chất”, cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức khác nữa.
Ở các thị xã, huyện lỵ, thành phố, các nhà thiếu nhi đang hoạt động tốt trong việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của trẻ xuất thân từ những gia đình khá giả. Tiếc là trẻ con nhà nghèo và trẻ vùng sâu vùng xa chưa được hưởng những tiện ích ấy! Trước đây, đoàn Thanh Niên có tổ chức sinh hoạt định kỳ cho đội Thiếu Niên Nhi Đồng hàng tuần, bây giờ sinh hoạt ấy không thấy nữa. Để lấp lỗ hỏng, việc phát hiện và bồi dưỡng tố chất trẻ, thiết tưởng, nên giao cho tổ chức hướng đạo, tổ chức thiếu niên nhi đồng của các tôn giáo – đã không tốn phí mà kết quả thu được thì tốt, bằng chứng khá nhiều lãnh đạo nhà nước trước đây xuất thân từ phong trào hướng đạo: Tạ Quang Bửu (1910 – 1986), Hoàng Đạo Thuý (1900 – 1994), Trần Duy Hưng (1912 – 1988), Dương Đức Hiền (1916 – 1963) ...
Tố chất của từng trẻ được phát hiện và bồi dưỡng chỉ cần bước đầu ở cấp cơ sở, sau đó, các trung tâm chuyên môn sẽ nhận trách nhiệm nâng cao. Làm được thế, người tài năng trong từng lãnh vực sẽ càng ngày càng nhiều; sự cống hiến của họ cho nước, cho dân sẽ tăng gấp bội.
Tuy nhiên, dù việc bồi dưỡng tài năng đặc biệt là quan trọng, việc đào tạo con người toàn diện lại quan trọng hơn. Con người ra đời phải có trình độ văn hoá, tinh thần kỷ luật, tinh thần dân chủ, tinh thần trách nhiệm, óc phân biệt đúng sai, tinh thần xây dựng ...
Muốn có con người đầy đủ các tiêu chuẩn, tôi xin đưa ra mấy đề xuất – lẽ dĩ nhiên là chưa đủ - với ngành giáo dục: (1) về mặt giáo dục học đường, lớp học nên được cấu trúc với sĩ số ít – điều kiện này, đối với nhà nước ta hiện nay, khả thi vì trường lớp nhiều nơi đã đầy đủ, thậm chí là dư, đội ngũ giảng huấn chưa-được-sử-dụng khá lớn; (2) việc dạy, việc học không phải “truyền” và “thụ” mà là sự tương tác giữa thầy và trò; nói như nhà giáo dục người Nhật Hiroike Ghikuro – 1866 – 1938, thầy không “dạy” mà “gợi mở”, “nuôi dưỡng”; (3) ý kiến đúng, hay, mới của học sinh phải được tôn trọng, khuyến khích dù không nằm trong sách giáo khoa hay giáo án của thầy; (4) ý kiến không đúng được đem ra mổ xẻ, tranh luận giữa lớp để mọi người chỉnh sửa cho phù hợp với các tiêu chuẩn “chân”, “thiện”, “mỹ” - viết đến đây, tôi nhớ trong thập niên 1960, một đồng nghiệp ra đề văn: “Lớn lên, em chọn nghề gì? Tại sao?”, một học sinh làm bài có đại ý là lớn lên em sẽ làm nghề ăn trộm vì em nghe nói: “Con ơi, học lấy nghề cha. Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.” Người đồng nghiệp ấy đem đọc bài luận cho cả lớp nghe, rồi mời cả lớp thảo luận. Buổi thảo luận đi đến sự nhất trí là ý bài trái ngược với đạo đức, với tôn chỉ giáo dục – giáo dục đào tạo con người làm lợi mình đồng thời lợi người, còn “ăn trộm” chỉ lợi mình còn hại người; (5) giáo dục, trong lớp, còn cần chú trọng vào những chuyện tưởng-chừng-có-thể-bỏ-qua; chẳng hạn, trong giờ học môn nào đó, trò thích thì chú ý nghe, trò không thích thì nói chuyện; nhiều thầy cô bỏ mặc, như vậy, bỏ lỡ một cơ hội giáo dục. Phải giải thích cho trò nói chuyện biết cái sai mà tránh - nói chuyện trong giờ học là cản trở công việc chung, là không tôn trọng thầy giáo, không tôn trọng tập thể; từ đấy, sau này, lớn lên, người học trò sẽ là người vô kỷ luật trong xã hội; lại thêm, học trò nói chuyện thì không bắt kịp bạn bè ở bài học hôm sau vì bài học hôm nay là đà cho bài học hôm sau.

Giáo dục là chuyện khó, nhưng rất quan trọng; Cố Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trong thư gởi học sinh nhân khai giảng năm học đầu tiên của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ, một phần lớn, ở công lao học tập của các cháu.” Kỳ vọng của lãnh tụ đã thành tựu hoàn toàn chưa?
Nhìn vào thực tế, xin thưa là chưa. Lý do? Bởi vì chúng ta mới chỉ chú trọng giáo dục ở trường mà bỏ quên phần giáo dục ở những nơi khác; người Nhật giỏi, tài, có kỷ luật, có cống hiến ... là nhờ nước Nhật không những có chương trình giáo dục hay ở học đường mà mỗi người ngoài xã hội là một tấm gương; trẻ Nhật nhận được sự giáo dục từ bất cứ người nào, ở bất cứ nơi nào, vào bất kể lúc nào.
Phải có tâm huyết, phải có tầm nhìn, phải có kiến thức, kinh nghiệm mới làm tốt giáo dục được.
Mừng là thời gian này, vấn đề giáo dục ở nước ta được quan tâm và xem trọng hơn. Truyền thông nhà nước bàn về giáo dục, lãnh đạo nói về giáo dục.
Với những đổi mới giáo dục đang tiến hành, hy vọng mọi con người Việt Nam trong thời gian tới sẽ tốt lành; không còn số người làm dân thì cướp giật, hung hãn với nhau, chưởi bới nhau trong những trường hợp không cần thiết, mê tín dị đoan, sống vô kỷ luật; làm quan thì hối lộ, tham nhũng, bè nhóm, không “chí công vô tư”, có bằng cấp cao mà không sáng chế phát minh gì giúp ích cho nước, chứ chưa dám nói, cho nhân loại.
Mọi sự nhờ giáo dục - không phải chỉ giáo dục qua nhà trường mà qua cả gia đình, xã hội, chính quyền, tôn giáo ./.

Hoàng Đằng
   09/02/2017 (13/Giêng/Đinh Dậu)   

 ---------------------------------------------------------- 

(a) Câu trả lời của thái tử Phù Tô với tướng Mông Điềm khi nhận lệnh vua cha là Tần Thuỷ Hoàng bắt phải chết do Lý Tư nguỵ tạo di chiếu. Tướng Mông Điềm đề nghị đem quân về kinh đô xem có thực là di chiếu của Tần Thuỷ Hoàng hay không. (Bài của Nguyễn Văn Nghệ: “Câu nói: Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung ...là của Nho Gia hay Pháp Gia?)
(b) ”Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh” trong tạp chí Tổ Chức Nhà Nước của GS Song Thành ngày 15/6/2015.
(c) Ý kiến lược trích từ bài: “Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?” của Biên Tập Viên Mặc Lâm phát trên RFA ngày 21/11/2016.
(d) Tham khảo bài: “Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?” của Lương Hoài Nam – một doanh nhân - đăng ngày 29/4/2014 trên VnExpress.

READ MORE - ĐẦU NĂM, NÓI CHUYỆN GIÁO DỤC - Tuỳ bút của Hoàng Đằng

QUÊ HƯƠNG TÔI - Nguyễn Ngọc Kiên phỏng dịch


          Dịch giả Nguyễn Ngọc Kiên



QUÊ HƯƠNG TÔI
      (Dân ca Nga)

Tôi nhìn thấy những cánh đồng 
Thấy trời đất rộng mênh mông diệu kì!
Con đường rộng mở tôi đi,
Dòng sông biển cả nói gì cùng tôi!
Bức tranh non nước tuyệt vời
Tiếng chim thánh thót rộn trời vang ca. 
Muôn thanh muôn sắc giao hòa
Quê hương đâu cũng đậm đà mến thân!
Nước Nga yêu quí vô ngần 
Nước Nga xinh đẹp muôn lần tôi yêu!

         Nguyễn Ngọc Kiên phỏng dịch

READ MORE - QUÊ HƯƠNG TÔI - Nguyễn Ngọc Kiên phỏng dịch

MƯỜI NĂM TÌNH LẬN ĐẬN - Thơ Thủy Điền


       
                                 Ảnh tác giả




MƯỜI NĂM TÌNH LẬN ĐẬN

Ngày xưa em mặc áo ngà
Cùng tôi hai buổi la cà trên sân
Hè về tôi nhặt phượng hồng
Cà lên áo trắng nhìn, trông dịu hiền
Em ngồi mái tóc nghiêng nghiêng
Tựa lưng phượng đỏ tôi nhìn ngắm em
Ngắm hoài mà vẫn thấy thèm
Dáng người con gái đẹp duyên vô cùng
Thời gian…. Em mặc áo hồng
Lên xe xuất giá theo chồng về xa
Tôi buồn, tình quá nhạt nhòa
Người đi bỏ lại mình ta bên đường
Nhìn em theo gót bên chồng
Lòng tôi đau xót biết dường nào nguôi
Thế là vĩnh viễn xa tôi
Đời tôi như kẻ mồ côi trên đời
Mười năm tôi gặp lại người
Nửa quen, nửa lạ lòng ôi ngỡ ngàng
Đầu em đã quấn khăn tang
Áo em thay sắc màu đen u buồn
Nhìn em tay dắt đàn con
Thân tôi như chết, xác, hồn chia hai
Trời ơi ! Sao nỡ thế nầy
Người tôi yêu phải đắng cay một đời.

                                       Thủy Điền
                                      12-01-2017

READ MORE - MƯỜI NĂM TÌNH LẬN ĐẬN - Thơ Thủy Điền

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN



   Nhà thơ Chu Vương Miện



NGŨ NGÔN

Cuối đông lại ông Đồ
thời xưa viết câu đối
ông đồ mới bây giờ
toàn thư hoạ toàn thơ
vẫn mực tàu giấy đỏ
bên phố người vẫn qua
vẫn nhũ vàng nhũ trắng
nhưng hồn hoàn khác xưa ?
cụ cử Vũ Đình Liên
giờ ra ngưoì thiên cổ
những vần thơ bất hủ
vừa xuất khẩu thành chương

Năm nay hoa đào nở
Nhìn nét chữ cũng buồn
Xưa thơ có người đọc
Thơ chừ làm để chơi
viết xong quăng xó bếp
đúng là đời đổi đời
sau vài cơn biến động


HỮU

Cái học nho nhe đã hết thời
Học xong cũng chỉ nước đi bồi
Khá hơn chút nữa thì đi bếp
Cơm thừa và một chút của rơi

Thơ văn cùng với con chó chết
lộn xộn cám bèo
chó chết 
cùng nhà thơ chết
cuộc đời
bèo cứ thế mà trôi
đường đi không tới ?
chờ chi chuyến khứ hồi ?


NGUYỄN VÔ CÙNG

Ta với bạn cùng ở chung Thạch Hãn
Thôn làng này xưa rộng lớn vô cùng
cả Vân Quý, Hải Qui, Hải Tân, Hải Trí
kéo dài tới tận La Vang Trung
ta ở ngay sân vận động phía đông
bạn ở gần lối đi Tích Tường phía tây
ngay đoạn sông bị xâm thực
bên lở bên bồi
bạn toàn làm thơ đường trộn sữa
đọc thoáng qua vừa ngọt ngọt bùi bùi
thơ cổ hũ cùng là thơ "sướng gọa"
sưóng thì không
mà hoạ dài dài
tuổi trẻ tài cao viêm phổi ngủ ngồi
bao nhiêu năm sống trong chờ chết
sống phây phây mà ngỡ là chết thiệt
vẫn làm thơ hiếu hỉ để gác bếp phơi khô
Vịnh, tả, cổ phong xếp chật ba lô
Mang bỏ xó không thèm đăng báo chợ
Quê hương bạn bây chừ xoá sổ
Toàn là bom rơi đạn lạc gạch vụn cùng vôi
Nhà cuả ta cũng cháy sạch lâu rồi
Cha mẹ, anh chị em
Mỗi người mỗi nẻo
Đường Quang Trung hàng phưọng dài chết héo
Cổ thành giờ thành bình điạ tan hoang
đường về Tri Bưu lăng Thánh Tử Đạo không còn
thì nói chi tới Hạnh Hoa, Ba Bến ?
Sáu mươi năm ta ghé về vài bận
Trời tháng 5, tháng 6 hiu hắt ngọn gió Lào
Dòng Thạch Hãn chừ nước chảy xôn xao
Qua Nhan Biều, Sải nước không còn trong nữa
Ta với bạn cũng cùng xa đất tổ
Ơi Châu Ô Quảng Trị nhớ Lá Vằng


NGUYỄN BÔNG

Ngày xưa làm lính thú
ba năm trấn thủ lưu đồn
Mãn lính về quê cũ
hiếu hỷ cùng vợ con

Ngày vừa qua làm lính khố xanh
quận huyện tỉnh thành
canh gác loanh quanh
sống bình an và thác yên lành

Bây giờ là chủ lực quân
Đất nước thênh thang đi đủ bốn miền
Từ quân khu tới vùng chiến thuật
Nơi nào cũng loạn khổ chiến tranh

Mai mốt thì anh dũng bội khiêng
Về vùng 5 chiến thuật
tức là đã phiêu diêu miền cực lạc
đã thoát

                        Chu Vương Miện

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN