Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, February 9, 2017

ĐẦU NĂM, NÓI CHUYỆN GIÁO DỤC - Tuỳ bút của Hoàng Đằng


          
                        Tác giả Hoàng Đằng




ĐẦU NĂM, NÓI CHUYỆN GIÁO DỤC
                                               
Tuỳ bút của Hoàng Đằng


Trong chương trình thời sự lúc 19 giờ trên VTV1 ngày 05/02/2017, có phát phần: “Đổi mới giáo dục – chú trọng phát triển tố chất” do BTV Kim Hải chủ trì, bình luận với sự góp ý của các chuyên gia giáo dục: Bà Lưu Minh Hường, GS. Hồ Ngọc Đại và GS. Chu Cẩm Thơ
Mọi ý kiến đưa ra đều nhấn mạnh đến việc giáo dục trẻ cần chú trọng phát triển tố chất (bản chất) của trẻ, nói rõ hơn là phát triển những sở trường riêng, năng khiếu riêng, cá tính riêng của từng trẻ. Tuy nhiên, muốn được vậy, các ý kiến chưa đưa ra giải pháp cụ thể.
Vì vậy, hôm nay, dù chỉ là “tay ngang”, tôi muốn bàn về giáo dục và mong nhận được ý kiến xây dựng từ độc giả. Biết đâu việc bàn luận của chúng ta giúp ích, không nhiều thì ít, cho những vị lập chính sách giáo dục!

Giáo dục là đào tạo con người; do đó, phải có hình mẫu con người để giáo dục nhắm đến – con người lý tưởng.
Ngày xưa, hình mẫu con người ấy là các bậc thánh hiền; việc chọn hình mẫu ấy là đúng. - thánh hiền luôn dạy con người những điều phải. Vậy mà hiện giờ, nhiều người đổ lỗi tình trạng xã hội trì trệ là do nền giáo dục chọn hình mẫu ấy. Thật ra hoàn toàn không phải!
Giáo dục ngày xưa không thúc đẩy xã hội tiến triển hay tiến triển quá chậm là do nền giáo dục ấy quá xem trọng từ chương mà bỏ quên những mặt khác của đời sống - chương trình giáo dục không có các môn khoa học tự nhiên; lại thêm, nền giáo dục ấy không khuyến khích sự sáng tạo.
Tình trạng trì trệ của xã hội ngày xưa một phần lớn còn do các người lãnh đạo cộng đồng hay những người nắm quyền hành quốc gia quá tham lam, vị kỷ, họ mượn thánh hiền làm bình phong che đậy ý đồ biến con người thành kẻ trung quân dại dột để duy trì quyền lợi của họ: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung ... – Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chịu chết là bất trung” (a), ai đời ác độcvậy, điên rồ vậy mà cũng dạy được!
Ngày nay, hình mẫu con người mà giáo dục nhắm đào tạo nên thay đổi tuỳ theo mục đích chính trị, môi trường sống của từng người.
Cố chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam giành thắng lợi trong chiến tranh giành độc lập, dựng nên chế độ xã hội chủ nghĩa, qua giáo dục, muốn có hình mẫu con người (1) biết yêu Tổ Quốc, (2) biết yêu nhân dân, (3) biết yêu lao động, (4) biết yêu khoa học, (5) biết yêu đạo đức (b).
Cố thi sĩ Tố Hữu, một trong những nhà lãnh đạo cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, đánh đổ chế độ Việt Nam Cộng Hoà do Mỹ bảo trợ, trong “Bài Ca Xuân 71”, đưa ra hình mẫu con người “biết căm thù và biết yêu thương”:
“ ... Nhưng phải luyện những con người đẹp nhất,
Biết căm thù và biết yêu thương”.
Chủ Tịch hiện nay của nước Việt Nam, Trần Đại Quang, trong buổi làm việc với lãnh đạo bộ Giáo Dục và Đào Tạo ngày 04/02/2017 (08 Tết Đinh Dậu) đã chỉ đạo ngành giáo dục phải cho ra lò những “công dân toàn cầu” (global citizen, citizen of the world) nghĩa là những người có trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn, khả năng giao tiếp để sống và làm việc được bất cứ ở đâu trên trái đất này; “công dân toàn cầu” phải góp phần mình vào kho tàng văn minh của nhân loại bằng những phát minh, sáng chế; “công dân toàn cầu” còn phải trăn trở với những bất công, phi lý trên phạm vi toàn cầu, từ đó, chung sức, lên tiếng xoá bỏ những tệ trạng ấy, biến trái đất này thành nơi càng ngày càng tốt đẹp hơn
GS Nguyễn Đăng Hưng, giáo sư ngành cơ học, người trưởng thành dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà, du học rồi định cư ở nước ngoài, cho rằng giáo dục phải nhắm đào tạo nên con người tự do, con người nhân văn, con người có hiểu biết, con người có tinh thần phê phán và sáng tạo (c).
Như thế, hình mẫu con người mà một nền giáo dục muốn đào tạo luôn thay đổi theo tình hình, theo thời đại để thích nghi.

Muốn đào tạo hình mẫu con người như thế nào, nhà cầm quyền phải có triết lý giáo dục thích hợp – có người đã ví triết lý giáo dục đối với một nền giáo dục như hiến pháp đối với một quốc gia; hiến pháp không tốt thì quốc gia không ổn định, triết lý giáo dục không đúng thì nền giáo dục sẽ lạc vào mê trận đồ không lối thoát – lạc đường.  
Chế độ Việt Nam Cộng Hoà (1955 – 1975) triệu tập Đại Hội Giáo Dục Quốc Gia năm 1958 gồm đại diện phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, quân đội, chính quyền, ngành văn hoá & giáo dục, các tổ chức quần chúng ... ở miền Nam trước đây đề ra triết lý giáo dục dựa vào 3 trụ cột: Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng, đại khái là tôn trọng con người, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông và tiếp nhận đồng thời đóng góp những cái hay, cái đẹp, cái mới của nhân loại và cho nhân loại.
Triết lý giáo dục của Mỹ dựa trên 5 trụ cột (d): (1) thuyết bản chất (essentialism): chú trọng tố chất tốt đẹp của cá nhân, (2) thuyết trường tồn (perennialism): “chú trọng các chân lý phổ quát đã được kiểm nghiệm qua thời gian” , (3) thuyết tiến bộ (progressivism): cổ xuý những ý tưởng mới, những phát minh, những sáng tạo, (4) thuyết cải tạo xã hội (social reconstructionism): cổ xuý sự thay đổi xã hội để mỗi ngày một tốt hơn, (5) thuyết hiện sinh (existentialism): cổ xuý sự tự do và tinh thần trách nhiệm của con người.
Còn dưới chế độ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa hiện nay, theo nhiều bậc thức giả, Việt Nam cũng đã có triết lý giáo dục; triết lý ấy nằm rải rác trong những bài phát biểu của các lãnh tụ, nhưng có lẽ chưa được ai hệ thống hoá. Triết lý ấy nhằm xây dựng “con người xã hội chủ nghĩa” trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa, “mình vì mọi người, mọi người vì mình” ... Phó Thủ Tướng hiện nay, ông Vũ Đức Đam, trả lời chất vấn ngày 21/11/2016 của một đại biểu Quốc Hội: “Việt Nam có triết lý giáo dục hay không?”, đã phát biểu: “Triết lý giáo dục ViệtNam trước hết là triết lý xây dựng đất nước, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện: đức, trí, thể, mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế.” Lời phát biểu của Phó Thủ Tướng nói lên những mục tiêu của giáo dục, chứ chưa phải là triết lý giáo dục.

Trở lại đề tài “phát triển tố chất”. Việc phát triển tố chất của trẻ không phải chỉ cậy vào trường học. Trường học không đủ điều kiện để làm tròn công việc ấy; phải là người trực tiếp quản lý trường hay đứng lớp mới thấy được điều ấy. Muốn “phát triển tổ chất”, cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức khác nữa.
Ở các thị xã, huyện lỵ, thành phố, các nhà thiếu nhi đang hoạt động tốt trong việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của trẻ xuất thân từ những gia đình khá giả. Tiếc là trẻ con nhà nghèo và trẻ vùng sâu vùng xa chưa được hưởng những tiện ích ấy! Trước đây, đoàn Thanh Niên có tổ chức sinh hoạt định kỳ cho đội Thiếu Niên Nhi Đồng hàng tuần, bây giờ sinh hoạt ấy không thấy nữa. Để lấp lỗ hỏng, việc phát hiện và bồi dưỡng tố chất trẻ, thiết tưởng, nên giao cho tổ chức hướng đạo, tổ chức thiếu niên nhi đồng của các tôn giáo – đã không tốn phí mà kết quả thu được thì tốt, bằng chứng khá nhiều lãnh đạo nhà nước trước đây xuất thân từ phong trào hướng đạo: Tạ Quang Bửu (1910 – 1986), Hoàng Đạo Thuý (1900 – 1994), Trần Duy Hưng (1912 – 1988), Dương Đức Hiền (1916 – 1963) ...
Tố chất của từng trẻ được phát hiện và bồi dưỡng chỉ cần bước đầu ở cấp cơ sở, sau đó, các trung tâm chuyên môn sẽ nhận trách nhiệm nâng cao. Làm được thế, người tài năng trong từng lãnh vực sẽ càng ngày càng nhiều; sự cống hiến của họ cho nước, cho dân sẽ tăng gấp bội.
Tuy nhiên, dù việc bồi dưỡng tài năng đặc biệt là quan trọng, việc đào tạo con người toàn diện lại quan trọng hơn. Con người ra đời phải có trình độ văn hoá, tinh thần kỷ luật, tinh thần dân chủ, tinh thần trách nhiệm, óc phân biệt đúng sai, tinh thần xây dựng ...
Muốn có con người đầy đủ các tiêu chuẩn, tôi xin đưa ra mấy đề xuất – lẽ dĩ nhiên là chưa đủ - với ngành giáo dục: (1) về mặt giáo dục học đường, lớp học nên được cấu trúc với sĩ số ít – điều kiện này, đối với nhà nước ta hiện nay, khả thi vì trường lớp nhiều nơi đã đầy đủ, thậm chí là dư, đội ngũ giảng huấn chưa-được-sử-dụng khá lớn; (2) việc dạy, việc học không phải “truyền” và “thụ” mà là sự tương tác giữa thầy và trò; nói như nhà giáo dục người Nhật Hiroike Ghikuro – 1866 – 1938, thầy không “dạy” mà “gợi mở”, “nuôi dưỡng”; (3) ý kiến đúng, hay, mới của học sinh phải được tôn trọng, khuyến khích dù không nằm trong sách giáo khoa hay giáo án của thầy; (4) ý kiến không đúng được đem ra mổ xẻ, tranh luận giữa lớp để mọi người chỉnh sửa cho phù hợp với các tiêu chuẩn “chân”, “thiện”, “mỹ” - viết đến đây, tôi nhớ trong thập niên 1960, một đồng nghiệp ra đề văn: “Lớn lên, em chọn nghề gì? Tại sao?”, một học sinh làm bài có đại ý là lớn lên em sẽ làm nghề ăn trộm vì em nghe nói: “Con ơi, học lấy nghề cha. Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.” Người đồng nghiệp ấy đem đọc bài luận cho cả lớp nghe, rồi mời cả lớp thảo luận. Buổi thảo luận đi đến sự nhất trí là ý bài trái ngược với đạo đức, với tôn chỉ giáo dục – giáo dục đào tạo con người làm lợi mình đồng thời lợi người, còn “ăn trộm” chỉ lợi mình còn hại người; (5) giáo dục, trong lớp, còn cần chú trọng vào những chuyện tưởng-chừng-có-thể-bỏ-qua; chẳng hạn, trong giờ học môn nào đó, trò thích thì chú ý nghe, trò không thích thì nói chuyện; nhiều thầy cô bỏ mặc, như vậy, bỏ lỡ một cơ hội giáo dục. Phải giải thích cho trò nói chuyện biết cái sai mà tránh - nói chuyện trong giờ học là cản trở công việc chung, là không tôn trọng thầy giáo, không tôn trọng tập thể; từ đấy, sau này, lớn lên, người học trò sẽ là người vô kỷ luật trong xã hội; lại thêm, học trò nói chuyện thì không bắt kịp bạn bè ở bài học hôm sau vì bài học hôm nay là đà cho bài học hôm sau.

Giáo dục là chuyện khó, nhưng rất quan trọng; Cố Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trong thư gởi học sinh nhân khai giảng năm học đầu tiên của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ, một phần lớn, ở công lao học tập của các cháu.” Kỳ vọng của lãnh tụ đã thành tựu hoàn toàn chưa?
Nhìn vào thực tế, xin thưa là chưa. Lý do? Bởi vì chúng ta mới chỉ chú trọng giáo dục ở trường mà bỏ quên phần giáo dục ở những nơi khác; người Nhật giỏi, tài, có kỷ luật, có cống hiến ... là nhờ nước Nhật không những có chương trình giáo dục hay ở học đường mà mỗi người ngoài xã hội là một tấm gương; trẻ Nhật nhận được sự giáo dục từ bất cứ người nào, ở bất cứ nơi nào, vào bất kể lúc nào.
Phải có tâm huyết, phải có tầm nhìn, phải có kiến thức, kinh nghiệm mới làm tốt giáo dục được.
Mừng là thời gian này, vấn đề giáo dục ở nước ta được quan tâm và xem trọng hơn. Truyền thông nhà nước bàn về giáo dục, lãnh đạo nói về giáo dục.
Với những đổi mới giáo dục đang tiến hành, hy vọng mọi con người Việt Nam trong thời gian tới sẽ tốt lành; không còn số người làm dân thì cướp giật, hung hãn với nhau, chưởi bới nhau trong những trường hợp không cần thiết, mê tín dị đoan, sống vô kỷ luật; làm quan thì hối lộ, tham nhũng, bè nhóm, không “chí công vô tư”, có bằng cấp cao mà không sáng chế phát minh gì giúp ích cho nước, chứ chưa dám nói, cho nhân loại.
Mọi sự nhờ giáo dục - không phải chỉ giáo dục qua nhà trường mà qua cả gia đình, xã hội, chính quyền, tôn giáo ./.

Hoàng Đằng
   09/02/2017 (13/Giêng/Đinh Dậu)   

 ---------------------------------------------------------- 

(a) Câu trả lời của thái tử Phù Tô với tướng Mông Điềm khi nhận lệnh vua cha là Tần Thuỷ Hoàng bắt phải chết do Lý Tư nguỵ tạo di chiếu. Tướng Mông Điềm đề nghị đem quân về kinh đô xem có thực là di chiếu của Tần Thuỷ Hoàng hay không. (Bài của Nguyễn Văn Nghệ: “Câu nói: Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung ...là của Nho Gia hay Pháp Gia?)
(b) ”Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh” trong tạp chí Tổ Chức Nhà Nước của GS Song Thành ngày 15/6/2015.
(c) Ý kiến lược trích từ bài: “Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?” của Biên Tập Viên Mặc Lâm phát trên RFA ngày 21/11/2016.
(d) Tham khảo bài: “Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?” của Lương Hoài Nam – một doanh nhân - đăng ngày 29/4/2014 trên VnExpress.

No comments: