Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 22, 2012

ĐỪNG VỘI ĐI ĐÂU - thơ Thái Đào

Tác giả THÁI ĐÀO


Có những nỗi buồn mưng mầm trái độc
Tôi mang chiều đi suốt tịch liêu
Vãng bóng hồn xưa, ơi thời trẻ dại
Em nhạt nhòa về
Sương ảnh cơn mưa.

Mưa ướt tóc nhau
đường về xa ngái.
Mưa nặng lòng kẻ đợi người trông
Đừng vội đi đâu
Chớ vội qua cầu
Tiệc phù sinh em vừa nâng chén.

Ngày quăng quật cơn đau khát vọng
Tay run dài ôm không chặt tương lai
bóng ngã đồi đông
bóng xế tây đoài
Tôi tìm em ... phố phường lạc nẻo.

Tôi tìm em
Mắt sâu tối thẩm
Bài ca từ hát vọng mai sau
đã thảm thiết trong ngày đọng bóng
con chim lạc bầy
nhớ bạn kêu thương.

Đừng vội đi đâu
chớ vội theo ai
những nụ hồng có nhiều gai độc
cào xước tim nhau
cào nát đời nhau.

Mưa ướt mắt em
một trời hoang dại
một trời bơ vơ lạnh lối đường về
Tiệc phù sinh dẫu đau phát khóc
Đừng vội đi đâu
Chớ vội về trời ...

Dẫu quăng quật xẻ bờ tóc rối
Em hãy còn mở hội trần gian.


THÁI ĐÀO
TX Quảng Trị
ĐT: 0122 748 2544


READ MORE - ĐỪNG VỘI ĐI ĐÂU - thơ Thái Đào

THẠCH HÃN, BI TRÁNG VÀ HUYỀN THOẠI - Nguyễn Quý




Không thơ mộng thiên đàng như dòng Hương Giang xanh thắm, không ồn ào dữ dội như dòng Đà Giang hối hả xô nhau giành giật về xuôi. Không trù phú phù sa như dòng Cửu Long quanh năm miệt mài đem màu mỡ về nuôi trồng tốt tươi cây lúa nam bộ. Ở một nơi nào đó trên quả đất này, trên mảnh đất hình hài chữ S Việt Nam này, vắt ra từ khô cằn, từ bóng núi đất mẹ Trường Sơn, từ cát, từ mồ hôi của đất, từ rễ cây trong rừng rú hoang vu của Ba Lòng, Hướng Hóa. Từ trên đỉnh núi Mai Lĩnh, qua thác ghềnh qua  khe suối lau lách, qua cỏ cây hoang dại quê hương, dòng Thạch Hãn miên man tha thiết chảy, miệt mài, lúc nhẹ nhàng, lúc bão giông theo bốn mùa càn khôn thay đổi. Ấy thế mà nước sông ấy trong vắt ngọt ngào đến lạ kì.
Tác giả NGUYỄN QUÝ

Trong lòng đất mẹ miền Trung, Thạch Hãn vắt ngang qua eo thon nước Việt như mạch máu chảy râm ran trong rốn mỗi con người, nguồn Hãn như ruột rà, như tâm linh thổn thức trong sâu thẳm của mỗi người con đất Quảng Trị. Và như long mạch nối liền hai phần cơ thể của đất nước để cơ thể ấy sẽ không bị tách rời, cắt chia.

Đất Quảng Trị khô cằn và kham khổ không biết từ bao giờ, những cư dân đầu tiên của nước Việt đến đây từ buổi sơ kì chắc hẳn cơ cực lắm, giữa vùng đất bốn mùa được ví là đất chó ăn đá gà ăn sỏi này thì làm sao không kham khổ được. Thế mà từ buổi hồng hoang, đất nước trải qua bao nhiêu li tan, chiến tranh trận mạc, mất mát, đói kém, chia cắt, dòng Thạch Hãn như một nhân chứng nếm đủ vị bùi ngùi tang thương của lịch sử dân tộc. Thì dòng sông ấy sẽ xứng đáng là dòng sông sử thi chảy bi thương trong lòng dân tộc này và cũng xứng đáng là dòng sông đem đến tiếng nói thống nhất, hòa hợp trong lòng dân tộc này. Không một dòng sông nào hay một địa danh nào khác làm được điều này bằng Thạch Hãn.

Ấy là thời sơ đầu thế kỷ 13, Huyền Trân Công Chúa phải hi sinh bản thân mình để về làm dâu đất Chăm-pa với một câu chuyện tình đầy nước mắt rung cảm biết bao thần dân Giao Chỉ, để đổi lấy Châu Ô, Châu Lý, đổi lấy vùng đất khô cằn này.Ngược về thế kỉ 16, trên đường nam tiến để mở mang bờ cõi, chúa Nguyễn Hoàng đã chọn một ngôi làng bên dòng Thạch Hãn thuộc huyện Đăng Xương để định đô, lập nên Dinh Cát ( Trấn Ái Tử), Dinh Cát trở thành biểu tượng tỏ rõ nhất cho khát vọng mở mang bờ cõi về phương nam của nước Việt, khi mà phương Bắc của đất nước luôn bị lăm le bởi thế lực bành trướng muôn đời đã kìm kẹp dân tộc này hàng ngàn năm. Và vì vậy, Thạch Hãn trở thành nhân chứng đầu tiên cho đến tận hôm nay, dòng sông ấy vẫn chảy dòng chảy hướng về phương Nam của tổ quốc.

Bên dòng Thạch Hãn, vẫn còn đó Nghĩa Trũng Đàn, ngôi mộ tập thể chôn hàng ngàn xác lính quân Tây Sơn sau khi bắc tiến dẹp tan kẻ thù phương bắc, phải bỏ xác trên đường về, và được chôn cất bên dòng Thạch Hãn đau thương. Nghĩa Trũng Đàn vô tình đã trở thành nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Và Thạch Hãn bi thương là thế, con sông chứng kiến bao nhiêu cuộc li tán, bao xương máu dân tộc đổ xuống, bao hoang tàn của chiến tranh, của anh em cùng màu da dòng máu huynh đệ tương tàn.

Ngoài Nghĩa Trũng Đàn, trên mảnh đất tàn phế Quảng Trị còn có 72 nghĩa trang khác, trong đó có hai nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Đường Chín. Đó là nói về cuộc chiến ác liệt nhất trong lịch sử cận đại của dân tộc, cuộc chiến đã để lại sự mất mát lớn lao nhất, tổn thương vô bờ bến nhất. Và có thêm hai nghĩa trang xứng đáng tầm vóc quốc gia chưa bao giờ được đặt tên trên mảnh đất này, đó là hai dòng sông nghĩa trang mang tên Hiền Lương và Thạch Hãn.

Không như dòng Hiền Lương nơi tuyến đầu giới tuyến từng chia dân tộc thành hai thể chế với ý thức hệ khác nhau, chứng kiến tiếng súng qua lại, tiếng mìn, rang rít bằng thép gai khu phi quận sự và hàng rào điện tử McNamara bủa vây. Dòng Thạch Hãn là nhân chứng của những trận đấu lớn nhất của cuộc chiến tranh thống nhất dân tộc. Ấy là mậu thân, là Thành Cổ 81 ngày đêm, là mùa hè đỏ lửa 1972.

Năm ấy, máu nhuộm đỏ bao trùm dòng Thạch Hãn, con sông chứng kiến hàng vạn trai trẻ đôi mươi khắp mọi miền đất nước về đây chĩa súng vào nhau và nằm xuống, dòng nước ấy hòa tan với máu, nước mắt và thuốc súng, chảy lờ nhờ uất hận ra tới tận Biển Đông. Và người ta tính mỗi mét vuông hai bên dòng Thạch Hãn ngày đó có hơn một người nằm xuống hi sinh.

Mùa hè năm ấy trở thành mùa hè bi thương nhất, chưa bao giờ đất nước buồn bã đến vậy, Thành Cổ Quảng Trị nằm bên bờ sông năm ấy, từ một thành quách uy nghi trở thành đống gạch vụn đổ nát. Có ai hỏi dòng sông biết khóc hay không? Nhưng tôi tin rằng, đến dòng sông cũng phải biết khóc. 

Và kể từ đó, dòng sông Thạch Hãn trở thành dòng sông nghĩa trang chảy trong lòng dân tộc. Ít ai biết dòng nước hiền hòa hôm nay mà trong nó, mang những nổi đau quá lớn. Đến nỗi, trên những chuyến xe tàu Bắc Nam dằng dặc mỗi ngày, khi đi qua cầu Thạch Hãn, hành khách phải ngước ra nhìn cho bằng được con sông ấy, dòng nước ấy. Và trong lòng không khỏi run bật lên vì nghẹn ngào thương đau.

Mùa hè năm 2002, có hai người đàn ông đứng trên cầu Ga Quảng Trị, ngắm nhìn xa xôi theo dòng chảy Thạch Hãn, về phía cánh đồng Triệu Hải xanh xanh hồi sinh. Họ là những cựu binh đã từng đứng về hai phía của cuộc chiến, họ từng chĩa súng vào nhau. Nhưng hôm nay, họ đứng đó, im lặng, sau một hồi trò chuyện. Họ đã ôm chầm lấy nhau mà khóc. Rất rất nhiều đồng bào, đồng đội của họ, những con người Việt Nam máu thịt thương yêu đã nằm xuống mãi mãi bên dòng sông này. Cái khoảnh khắc đó thực sự là thời điểm xóa hết mọi hận thù, và rồi hai người đàn ông đi về cùng một phía, mất hút khỏi cây cầu.

Người ta từng đồn rằng, có một người mẹ Triệu Phong, đúng vào ngày hè, khi dòng Thạch Hãn trở nên khô cạn. Người mẹ Triệu Phong lội ra sông mò hến để cải thiện cái sự đói nghèo. Mẹ mò trúng hai bộ quân phục đang quấn lấy nhau, hai bộ quân phục của hai người lính thuộc hai phe khác nhau. Không một mảnh xương mà chỉ có quân phục. Không sao giải thích nổi, Vậy có phải dòng nước Thạch Hãn đã cố tình quấn lấy hai linh hồn họ về phía nhau? Có phải dòng sông muốn đất nước này thôi phải li tán mà là phải hòa hợp nhau lại để cùng nhau tiến lên về phía trước.

Hôm nay, dòng sông ấy vẫn chảy miệt mài, dù ngày hè khô hạn trơ đáy hay ngày đông lạnh cắt da thịt. Dòng sông ấy vẫn mãi sản sinh những con cá, con tôm, con hến, con chắt chắt cải thiện bữa cơm của những người mẹ nghèo Triệu Hải. Dòng sông ấy đẹp hiền hòa từ Hướng Hóa, Ba Lòng cho đến Hải Lăng, Triệu Phong rồi xuôi ra Cửa Việt. Không ngẫu nhiên mà vào thời nhà Nguyễn, danh lam Thạch Hãn được đúc lên Cửu Đỉnh cao quý, nơi mà các giá trị thiên nhiên bậc nhất đất nước được xưng danh.

Hôm nay dòng sông ấy vẫn chảy một dòng nước tâm linh và là một dòng ý chí của tất cả con dân nước Việt đó là dòng ý chí thống nhất. Dòng nước ấy muốn gửi gắm vào tương lai dân tộc sẽ không bao giờ bị chia cắt thêm một lần nữa.

NGUYỄN QUÝ
READ MORE - THẠCH HÃN, BI TRÁNG VÀ HUYỀN THOẠI - Nguyễn Quý