Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 7, 2021

VÕ VĂN HOA PHIÊU BỒNG VỚI CỎ PHIÊU BỒNG - Phạm Xuân Dũng

 


 Văn Hoa phiêu bồng 

với cỏ phiêu bồng

 Phạm Xuân Dũng

 

“Cỏ phiêu bồng”* là tập thơ thứ tư của nhà thơ Võ Văn Hoa. Kể từ thuở hoa niên tập tành cầm bút đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ gắn bó với thi ca. Mặc dù nghệ thuật không cứ phải câu thúc chuyện thâm niên dài ngắn, song để đi hết con đường đã chọn cũng phải là người tình chung thủy với Nàng Thơ. Vì phải là người vượt qua được những eo sèo cơm áo, những gập gềnh nhân sinh và cả những nổi chìm thế sự mới có thể thăng hoa, chưa kể phải vượt qua chính bản thân mình; một cửa ải xưa nay luôn thử thách các anh hùng và thi nhân. Thân tâm không nhẹ thì luận chi được chuyện phiêu bồng.

 

Tôi có cơ duyên dõi theo đường thơ thi sĩ Võ Văn Hoa nên cũng lấy làm vui mừng khi thức nhận thêm một điều rằng đây là tập thơ vừa khả thủ lại vừa khả biến. Bên cạnh diện mạo thi nhân đa cảm, nặng lòng với quê nhà và tha nhân là những tìm tòi mới về thi pháp thể hiện, đặc biệt là sự tiết chế cần thiết để đạt đến sự hàm ngôn, ý tại ngôn ngoại và thay đổi cấu trúc thơ quen thuộc nhằm hướng tới những bứt phá ấn tượng. Thơ anh, vì vậy từ hướng ngoại và đối thoại là ưu thế đã có thêm xu thế hướng nội và nhiều khi như là độc thoại, khiến cái tôi trữ tình của thi nhân thêm phong phú, nhiều cung bậc và góc cạnh. Để đạt được điều này trong thơ tất nhiên không dễ, nhất là với một người quảng giao và trải rộng lòng mình yêu mến nhân gian như Võ Văn Hoa. Nghĩa là cần phải có thêm người thơ thứ hai ngay trong anh, biết cách phân thân giữa cõi hồng trần.

 

Có một Võ Văn Hoa luôn thương nguồn nhớ cội. Bạn đọc nhớ tới anh như nhớ về những bức tranh quê quen thuộc hiện lên trong thơ và ám ảnh lâu nay về một người-thơ-tự-tình-thôn-dã: “Còn ngôi đình chứng tích với thời gian/Cây sanh cổ kể bao điều kỳ tích/ Người ở dưới noốc lên/Người từ miền trên lại/Chợ gạo cá, bốn mùa hoa trái/Cứ vây quanh khu chợ thập thành”.

 

Tác giả tự hóa thân mình thành chợ, đây là mô tipthường thấy trong folklore (văn hóa dân gian), nhất là truyện cổ tích được nhà thơ vận dụng khá nhuần nhuyễn trong sáng tác thi ca và đem lại những hiệu ứng mỹ cảm thuận chiều. “Tôi như người cổ sơ/Đi chân đất đầu trần qua chợ/Thấy tráng sĩ dừng ngựa/Thấy nho sinh ghé trạm dừng chân/Cho hành trình vượt cây đa vào kinh ứng thí”.

 

Khi thực tại kéo người thơ từ hoài niệm trở về thì cũng là lúc thơ bật mầm xanh nuối tiếc: “Chợ Diên Sanh hôm nay/Người qua chợ có vô tình như thể/Tôi xót đắng-cây Sanh chiều tuổi xế/Như lãng quên năm tháng ở quanh mình”.

 

Đồng dạng trong cung bậc cảm xúc và bút pháp thể hiện với bài thơ này là những thi phẩm như: “Đầm Chuồn”, “Phố giờ xanh trở lại” hoặc đắm đuối quê nhà nhưng cách lập ngôn đã có phần lạ hơn như trong “Bức tranh gà”...Nhưng tập thơ này không chỉ là ngần ấy, dù rằng như vậy cũng đủ làm nên một Võ Văn Hoa thi sĩ. Đã có sự chuyển động muốn vượt thoát ra khỏi cám dỗ của thói quen dịu ngọt để từng bước tự làm mới mình. Hình như cảm quan nghệ thuật này đã vận vào ngay từ tên bài thơ như “Tầm nhìn” chẳng hạn. Những con số thi ca hiện lên trong sáng tác mang bóng dáng của phép đếm khải huyền, truyền đi những tín hiệu/ chỉ dấu tâm linh: “54 dân tộc/63 tỉnh thành/Đền Hạ lên Đền Trung/18 đời Vua Hùng/Những con số 9 biết nói/ Những con số thăng hoa”...

 

Những thi phẩm ngắn trong đó có thơ bốn câu của Võ Văn Hoa trong tập thơ này cũng có nét duyên thơ riêng có khi như ký họa thơ xinh xắn, có khi như thể phút chốc chợt nghĩ qua đường nhưng không trôi tuột qua trong cảm xúc người đọc. Một tứ tuyệt dung dị mang tên chữ của tập thơ “Như phiêu bồng thảo”, tên một loài cỏ thi vị: “Chẳng cần kích hoạt thơ bật tứ/ Vành đai châu thổ biếc lên ngôi/Ta cứ thâm canh đồng ruộng chữ/Như phiêu bồng thảo lặng lờ trôi”.

 

Hay có khi cũng ý tứ lục bát nền nã nhưng đột nhiên lại phá cách khi biến thể sáu/tám trong câu đầu và câu cuối cũng là một điểm nhấn mà người viết dành cho người đọc một bất ngờ thú vị: “Dừng lâu trong rừng khộp già/Nhìn cây hóa thạch nhìn ta hóa người/Nhìn hóa công nói bao lời/Oằn mình cây Mường Phìn ơi... Mường Phìn!”.

 

Cũng viết về dấu xưa hoài niệm khi nhớ về vương quốc Chăm Pa nhưng “Dấu Tháp” là một cách thể nghiệm mới. Bài thơ kiệm ngôn, chưa đến bốn mươi chữ. Bố cục chặt, câu ngắn và rất ngắn dồn nén hình ảnh và cảm xúc , cách xuống hàng đầy dụng ý gây ấn tượng đã làm cho bài thơ có dáng vẻ riêng, đập mạnh vào tri giác, tạo nên một mỹ cảm mới, một trường liên tưởng lạ trong thi pháp biểu hiện, cả sự sắp đặt của nghệ thuật thị giác khi trình bày bài thơ trên mặt giấy, cộng hưởng cảm thụ giữa tai và mắt. Theo tôi, đây là bài thơ thành công thể hiện bút lực và nỗ lực làm mới mình của thi sĩ Võ Văn Hoa.

 

Còn lại huyền tích

Tháp Po Klong Garai

Tháp lửa!

Đồi Trầu...

Người canh cửa

Về đâu?

Tôi chìm trong màn sương vỏ đục

Dấu tháp đến lạ kỳ

Người đời sau

Shihavanman

Huyền Trân

Mưa

Nghiêng

Tháp cổ...

 

Người thơ thì có đứng lâu một chỗ, thậm chí hóa thạch nhưng còn thơ phải luôn vận động, phải cựa quậy, sinh sắc và tiến về phía trước. Không phải theo kiểu cơ học mà theo hành trình riêng biệt và sinh động của thi ca. Nhà thơ Võ Văn Hoa đã không dừng lại mà vẫn tiếp tục đi, vẫn đồng hành cùng Nàng Thơ có lẽ cho đến lúc da mồi tóc bạc. Một sóng đôi như thế thì thơ luôn trẻ lại và tươi mới. Và người thơ đôi lúc có thể như một lão ngoan đồng gần gụi mà hấp dẫn. Nếu không thế thì làm sao có thể thăng hoa Võ Văn Hoa, phiêu bồng theo cỏ phiêu bồng kia chứ!

 

PXD

 

*Tập thơ “Cỏ phiêu bồng” của Võ Văn Hoa, NXB Hội Nhà văn, 2020

READ MORE - VÕ VĂN HOA PHIÊU BỒNG VỚI CỎ PHIÊU BỒNG - Phạm Xuân Dũng

NỖI BUỒN LẤP LÁNH – Thơ Tịnh Bình

 
 
         Nhà thơ Tịnh Bình

 
NỖI BUỒN LẤP LÁNH
 
Nhặt bóng mình trên cành xuân úa
Vạt nắng đầu ngày tội nghiệp
Cố hong khô cơn mưa ban sáng
Sửa soạn lại lược gương
Bước thanh xuân vồi vội
Đi tìm giấc mơ chấp chới bay...
 
Đi qua ngày nâu xám
Mùa tự dỗ mình bằng khúc hát mơ xanh
Mặc loài gió không nguôi cơn nức nở
Làm rơi vỡ một làn hương
 
Cánh bướm nhỏ không thể níu giữ bước chân xuân xa dần
Những bông hoa lụi tàn trong chiếc bình gốm cũ
Ô cửa im lìm từ chối một ban mai
Chiếc đồng hồ thong thả nhịp sau cùng
 
Ngày đầy gió
Giấc mơ vỗ cánh bay giữa mùa hư thực
Thả xuống nỗi buồn lấp lánh
Trong thế giới riêng mình
Sau cánh cửa tự an yên...
 
Tịnh Bình
  
READ MORE - NỖI BUỒN LẤP LÁNH – Thơ Tịnh Bình

CHÙM THƠ “ĐÔI...” CỦA LÊ VĂN TRUNG

 


ĐÔI CÕI ĐÔI NƠI

 
Em co rút cửa thiên đường chật hẹp
Đâu thấy ta lồng lộng giữa trần gian
Dẫu mai kia dưới chín tầng địa ngục
Giọt rượu đời xin cạn với trăm năm
 
(Cát bụi phận người)
 
 
ĐÔI KHI TÔI THẤY MÌNH 
                  NHƯ MỘT DÒNG SÔNG ĐÊM
 
Đôi khi tôi thấy mình như một dòng sông đêm
Trôi lấp lánh những vì sao của nghìn phương diệu vợi
Trôi giữa đôi bờ yêu thương mà lòng cứ nôn nao,
cứ rộn ràng như đâu đây lòng em trên bến đợi
Tôi vừa trôi vừa vỗ nhẹ cơn mơ mình
Tôi vỗ vào bờ em nghe từng nỗi nhớ quên
Đêm thao thức, đêm trở mình nhè nhẹ
 
Những vì sao cứ rầm rì chuyện kể
Gió xôn xao làm ngàn tiếng sóng loang xa
Gió diệu hiền thầm thỉ những lời ca
Tôi vỡ sóng lăn tăn như mùa thu rối bời trên tóc
Tôi vỡ sóng lăn tăn như hạnh phúc ai ngà ngọc
Trôi vào đêm mầu nhiệm giấc mơ huyền
 
Tôi vỡ hồn tôi như điệu vũ Nghê thường huyền thoại thần tiên
Tôi trôi với Tôi chảy cùng Tôi tan vào Mê đắm
Tôi có phải là dòng sông chảy qua đời em vô tận
Chảy trong chiêm bao
Trong huyền mộng
Mênh mang.
                         
 
ĐÔI LÚC TA BUỒN HƠN BẾN SÔNG
 
Người đi bỏ lại dòng sông
Bỏ bờ bến quạnh mênh mông bãi cồn
Bỏ tôi ngồi với nỗi buồn
Tôi đem thơ trải lên hồn rêu phong
 
Tôi về tìm lại dòng sông
Nhớ chiều tóc rối bềnh bồng mưa sương
Vàng thu vàng cả nỗi buồn
Bóng ai về giữa vườn hồng chiêm bao
 
Rồi quên! Quên cả câu chào!
Rồi xa! Xa cả! Úa nhàu câu thơ
Sông xưa quạnh quẽ đôi bờ
Một tôi với bóng chim mờ mịt xa.
                 
 
ĐÔI MẮT
 
Ôi tôi biết làm sao mà vẽ được
Một màu mây trong mắt đẫm sương chiều
Một màu nắng trên môi nồng hương ngọc
Màu tinh khôi trên áo lụa mỹ miều
 
Xin gọi hết gió ngàn năm phiêu lãng
Nhuộm vào thơ từng sợi óng tơ vàng
Xin gom hết sóng hồ chiều im ắng
Những bờ xanh vời vợi triệu dòng sông
 
Xin trải nhẹ nguồn sắc màu vi diệu
Linh hồn tôi là chiếc cọ tinh tuyền
Xin thắp hết muôn nghìn sao sáng mãi
Đôi mắt người, đôi mắt rạng bình minh
 
Hỡi thu biếc hỡi xuân hồng kiếp kiếp
Hỡi vàng nhung hỡi thắm gấm vô cùng
Xin nạm hết vào cõi tình diễm tuyệt
Xin nạm vào đôi mắt của trăm năm
 
Ôi tôi biết làm sao mà vẽ được
Một hồn thơ trong mắt ướt lệ nồng
Một hồn mơ trong bóng tình xanh ngát
Một đời thơ tôi vẽ mãi không cùng.
                    
 
ĐÔI MẮT
 
xin đem cái thuở ban đầu
vào trong bất tuyệt nhiệm mầu đời tôi
xin đừng một cõi đôi nơi
ngồi mơ kẻ Bắc nhớ người phương Nam
 
Đà Nẵng 1984
 
 
ĐÔI MẮT
Tặng P của HDT xưa
 
hai con mắt ấy ngày xưa
nhìn xa vắng cõi nắng mưa cuối trời
bây giờ mắt ấy nhìn tôi
màu sương đã rụng bên đời lẻ loi
trăm năm lạnh một chỗ ngồi
giọt chiều đọng giữa mắt người quạnh hiu
tôi về bóng đổ tàn xiêu
suối khe là nghiệp dốc đèo là thân
đảo điên đôi mắt phù vân
còn không tôi hỡi nhớ quên ngậm ngùi.
 
Lê Văn Trung

READ MORE - CHÙM THƠ “ĐÔI...” CỦA LÊ VĂN TRUNG

CÀY "RUỘNG CHỮ" ĐỜI THÊM VUI - Phùng Trang Nhung




“Cỏ Phiêu Bồng” là một trong bốn tập thơ đã được xuất bản của nhà thơ - nhà giáo ưu tú (NGƯT) Võ Văn Hoa. Trong "Cỏ Phiêu Bồng", tôi mê và thích thú nhất là bài thơ "Ruộng Chữ"
 
"Ruộng Chữ" gồm bốn khổ thơ được viết dưới dạng thơ 6 chữ. Nó như những bước chân khoan thai, thong thả của một NGƯT sau bao năm tất bật, miệt mài cống hiến những đóng góp to lớn cho nền giáo dục Quảng Trị quê nhà. "Gác kiếm" là cách nói hài hước để chỉ việc về hưu. Phó trưởng phòng giáo dục trở về làng "cày ruộng chữ", vui với các áng thơ, vui với cảnh thanh tịnh tuổi xế chiều. Thầy giáo già sinh năm 1954 gấp lại trang giáo án, xếp lại bảng đen phấn trắng cùng chồng hồ sơ sổ sách để đón "Mùa xuân tươi rói nắng hồng" nơi thôn quê. Ông như được hoà mình vào cánh đồng, dòng sông với nguồn thi ca bất tận "Đời vui được làm lữ khách/Được về thăm mỗi bến sông".
 
"Gác kiếm" sau khi "xới ngàn trang sách", vất vả cống hiến cho ngành giáo dục như "cày trên thư tịch bao đời". Võ Văn Hoa như dòng sông chở nặng phù sa mà chẳng mảy may đòi hỏi, thu vén hưởng lợi cho riêng mình, như bao "Gương xưa những bàn tay sạch". Ông không vương bụi trần tham sân si để khi "gác kiếm" trở về với cuộc sống điền viên không hề hổ thẹn với bao lớp người thầy đi trước. Người thầy đáng kính ấy bằng lòng tận hưởng cuộc sống bình dị đến mức "Giật mình nghe tiếng à ơi!".
 
Với lối viết dí dỏm vui nhộn nhưng cũng đầy triết lý và ý nhị, NGƯT Võ Văn Hoa cho độc giả thấy được một cảm giác thanh thản về khung cảnh yên bình nơi thôn dã khi nghỉ hưu. Những dòng thơ đầy ẩn ý sâu xa, đưa người đọc đến một cánh đồng mênh mang với "ruộng sâu", "ruộng cạn" để được "Soi mình trong từng bóng chữ" với ước mơ giản dị khiêm nhường "Thầm mong điếu đóm mùa vàng". "Gác kiếm" được lặp đi lặp lại ba lần để nhấn mạnh rằng việc công đã hoàn thành trọn vẹn. Giờ đây ông giáo già không còn phải tất bật lo toan việc trường sở mà thảnh thơi trở về với những vui thú tao nhã của riêng mình "Gác kiếm về cày ruộng chữ".
 
Để mỗi sớm bình minh, "Vẳng nghe tiếng sẻ trên đồng" và nhấm nháp tận hưởng hương vị ly "cà phê thế sự", ông lại được thả hồn vào cánh đồng thi ca "Thơ tràn mọi nẻo mênh mông". "Gác kiếm"”- Gác lại xếp lại những công danh, địa vị với bộn bề công việc, để đón nhận những ngày tháng thanh nhàn. Để hàng ngày, thi sĩ được sống trong khung cảnh bình an với tiếng chim, với hương vị cà phê... Qua rồi những vất vả lo toan, giờ đây ông được tự do đắm mình trong cánh đồng thơ mênh mông, thoả chí với việc "Cày ruộng chữ - Đời thêm vui" như ông từng nói. Với ước mơ giản dị khi tuổi xế chiều:
 
Bây giờ được đi và đi được
Anh thấy cuộc đời vui biết bao
Mai kia được đi không đi được
Bấy giờ hầu chuyện với trăng sao!

(Được đi và đi được)
 
Một phong cách sống giản đơn và mộc mạc nhưng cũng không kém phần vui tươi, rộn rã. Ngày ngày được thả hồn vào "Ruộng Chữ" nhả thơ, vui thú với không gian yên ả trong lành nơi chôn rau cắt rốn đó chính là cuộc sống khi "gác kiếm" của tác giả. Thật đáng trân trọng NGƯT đất Hải Lăng- Quảng Trị mến yêu và bài thơ "Ruộng Chữ" biết bao!
 
Hà Nội ngày 4/6/2021
Phùng Trang Nhung

 
Nhà thơ – NGƯT Võ Văn Hoa và người bình bài thơ Phùng Trang Nhung

READ MORE - CÀY "RUỘNG CHỮ" ĐỜI THÊM VUI - Phùng Trang Nhung

CHÙM THƠ NGUYÊN LẠC

 
                     Nhà thơ Nguyên Lạc
 

MỘT ĐỜI NHỚ THƯƠNG
 
Vũng nước trong con cá lòng tong bơi lội
Xa nhau rồi tội lắm bậu ơi!
Chẳng thà không gặp thì thôi
Gặp nhau ruộng vắng... một đời nhớ thương! 
 
 
MÙI HƯƠNG ĐÊM NÀO
 
Cánh đồng trăng khuyết thầm thì
Thương em nguyệt quế nhu mì thân thương
Bể dâu một thuở đoạn trường
Thiên thu vẫn mãi mùi hương đêm nào
 
 
GIÓ CHIỀU
 
Chiều nào gió nhẹ bên nương
Thổi em hở áo ngực hường chín cây
Có người không rượu mà say
Trăm năm vẫn nhớ đỏ hây chiều chiều
 
 
CÓ GÌ ĐÂU?
 
Biết rằng hạt bụi trăm năm
Bụi về cát bụi... Mùi hương vẫn còn
Có gì đâu phiến môi son?
Mà lòng vương vấn mà hồn thiên thu!
 
 
BÌNH THƯỜNG 1
 
Bình thường trời nắng rồi mưa
Bình thường mùa đổi lá thu úa vàng
Bình thường sương khói mong manh
Yêu thương thơ dại li tan... bình thường!
 
 
BÌNH THƯỜNG 2
 
Bình thường li cách đau thương
Bình thường ngực quế môi hương đêm về
Bình thường trăng khuyết thiết thê
Tha hương cô lữ huyễn mơ ...  bình thường!
 
 
BƯỚM MỘNG
 
Chạm đêm thao thức lạnh nằm
Chiếu chăn xô lệch muôn trùng khúc thê
Thiên thu Tình Sử não nề
Khanh ơi bướm mộng điếng mê quỳnh rằm
 
 
NGỘ
 
Chợ đời góp nhặt sân si
Lên chùa vấn Phật có gì đổi cho
Đường về chim nói líu lo
Gõ đầu chợt ngộ... cười to... thế à!
 
 
LÀM SAO?
 
Biết rằng đời đó phù sinh
Thế gian Không Sắc sao tình riêng mang?!
Cách chi có được thiên đàng?
Không vầng cong nguyệt, vắng hương ngực rằm
 
 
THANH XUÂN
 
hoa nào rồi cũng sẽ tàn
thanh xuân sao chẳng vội vàng cho nhau
thơ xưa "mây trắng ngang đầu"
nhân sinh rồi sẽ khóc màu thời gian!
 
 
VÔ PHƯƠNG
 
Vẫn em vẫn dáng nguyệt rằm
Vẫn triền môi ngọt vẫn trầm ngực hương!
Dù cho nhân thế vô thường
Khanh ơi! Ta vẫn vô phương quên người!
 
 
TÂM KHÔNG
 
Ta nhìn đời đời nhìn ta
Ta nhìn ta... thấy ta bà hư không!
Trong ta còn lại chữ Tâm
Và còn lại một chữ Không dị thường!
 
Nguyên Lạc
 
READ MORE - CHÙM THƠ NGUYÊN LẠC

CÁCH LY – Thơ Lê Phước Sinh

 
 


CÁCH LY
 
Bến Xe nằm ủ rủ
Phòng Trọ hờ đóng cửa
Có người đúng lặng lẻ
đợi lá Thu rụng về...
 
Nhân tình bị cách ly
biết đâu ngày đáo hạn
có chạy đôn chạy đáo
cũng ngửa mặt than trời.
 
Nóng ruột ở trong người
virus càng biến hóa
chơi trò Tôn Hành Giả
nhảy nhót mai đằng vân...
@
Dẫu mà có yêu tôi
chịu xa,
đừng xớ rớ !
 
LÊ PHƯỚC SINH 

READ MORE - CÁCH LY – Thơ Lê Phước Sinh

DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 36 - 40 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm

 
                              Nhà thơ Khaly Chàm
 

trích đoản khúc: dọc đường gió bụi
 
36.
ấp ôm cát bụi tìm hơi
non tơ sắc giới em cười ngả nghiêng
với tay khép mắt cửa thiền
rằng ta ngộ đạo xích xiềng khua vang
 
37.
nhìn chân mọc rễ dọc ngang
đất cong tầm mắt xác man dại rồi
dễ chừng lú giọng cái tôi
lưu thân nhí nhố đãi bôi cuộc người
 
38.
cởi truồng lõa thể mười mươi
triệu năm vẫn kiếp đười ươi bầy đàn
rừng xưa dựng khói tro than
dìu ta xuống phố dịu dàng ăn xin
 
39.
khóc cười là chuyện linh tinh
hãy đem số mệnh chúng mình ra phơi
ngửa mặt hú nắng khàn hơi
bóng ta trốn chạy cuộc chơi điêu tàn
 
40.
cô đơn là để thở than
sao bằng vũ trụ hỗn mang đêm ngày
nửa ta một mảnh di hài
nhập tràng sắc tướng quái thai mặt người
 
khaly chàm
 
READ MORE - DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 36 - 40 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm

ĐỌC “VỀ LẠI CHỢ GIỒNG” THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG - Châu Thạch


         Nhà thơ Trần Ngọc Hưởng

 
VỀ LẠI CHỢ GIỒNG
 
Nhiều năm đi biệt không tăm tích 
Về chẳng còn ai nhận được ta 
Đường cũ thay tên nhà đổi chủ 
Lối vào kỷ niệm… biết đâu là 
 
Chợ Giồng đó buổi ta thăm lại 
Ở ấp Đông mà nhớ ấp Tây 
Ở ấp Thượng mà thương ấp Hạ 
Lòng ta bởi thế cứ vơi đầy 
 
Ta nhớ Vĩnh Bình thương Vĩnh Lợi 
Chưa nguôi ngày cũ tuổi thơ hồng 
Chiều nay trở lại bờ sông vắng 
Biết kể cùng ai chuyện đục trong 
 
Trôi giạt đâu rồi bao bạn lứa 
Thời tươi thắm nhứt mái trường thơ 
Đứa còn đứa mất ngàn dâu biển 
Kí ức mù giăng lớp bụi mờ 
 
Tóc thề ngả hẳn sang màu bạc 
Bạn học giờ thành U60 
Ai đứng bên nhà bồng cháu nội 
Ngỡ vầng mây bạc… lặng lờ trôi
 
Phố mới dựng trên nền chợ cũ 
Toà ngang dãy dọc Chợ Giồng ơi!
Đường thi xưa Hạ Tri Chương cũng 
Về lại thăm quê phải hỏi người! 
 
                           Trần Ngọc Hưởng
 
*
Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “VỀ LẠI CHỢ GIỒNG” THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG  
                                                      Châu Thạch
 
Nhà thơ Trần Ngọc Hưởng sinh ra ở xã Tân Thới thuộc cù lao Lợi Quan (nay là huyện Tân Phú Đông) giữa bộn bề sông nước Tiền Giang.
 
Trước năm 1975 nhà thơ là sinh viên Đại Học Sư Phạm và Văn Khoa Sài Gòn. Thời kỳ nầy nhà thơ đã cộng tác với một số tờ báo văn học ở miền Nam. Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm sau mùa hè đỏ lửa 1972, nhà thơ làm nghề thầy giáo suốt 40 năm và viết văn làm thơ, đã xuất bản 9 tác phẩm. 
 
Trần Ngọc Hưởng tâm sự rằng; “Chợ Giồng là chợ Giồng ông Huê, quận lỵ Hòa Đồng xưa, thị trấn Vĩnh Bình, nay của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, cách Tân Thới quê tui mươi cây số. Năm chín tuổi tránh giặc giã tui qua đây học cuối lớp nhì và trọn năm lớp nhứt. Nơi đây có các ấp: Thượng, Hạ, Đông và ấp Tây.”
 
Kỷ niệm về tuổi thơ là kỷ niệm thắm thiết, nhớ rất lâu dài. Khung trời tuổi thơ thường hiện ra nhiều trong những giấc ngủ, làm cho ta nôn nao muốn quay lại để nhìn lại cảnh vật, để thăm lại người quen, để hít lại không khí của một thời xa xưa mà kỷ niệm còn đọng hoài trong ký ức của ta. Cũng bởi vì vậy mà nhà thơ Trần Ngọc Hưởng đã quay lại chợ Giồng, và đem đến cho ta một nỗi buồn đúng là “hồn thu thảo, bóng tịch dương”, nhưng không phải dấu tích của một hoàng thành xiêu đổ như thơ bà Huyện Thanh Quan, mà là dấu tích của một “quê hương chùm khế ngọt” trong tâm hồn tác giả.
 
Khổ thơ đầu, Trần Ngọc Hưởng đã đem đến cho ta sự lạc lỏng tựa như Từ Thức ngày ấy đi xa ngàn năm, từ xứ tiên quay lại trần gian: 
 
Nhiều năm đi biệt không tăm tích 
Về chẳng còn ai nhận được ta 
Đường cũ thay tên nhà đổi chủ 
Lối vào kỷ niệm… biết đâu là 
 
Đọc khổ thơ ta biết ngay tâm trạng thất vọng của tác giả, tâm trạng quay về háo hức mà sự đón chào thì lạnh nhạt. Người xưa không còn một ai, đường thay tên nhà đổi chủ, cho đến lối vào kỷ niệm cũng không biết là có đúng hay không, tất cả vẫn còn nhưng tất cả quay lưng, tất cả không có cảm xúc quen thân, khiến người quay lại ngỡ ngàng như nhìn vào khuôn mặt ai đó, giống người yêu của mình mà không phải người yêu của mình. 
 
Bốn câu thơ chỉ bình dị thôi, rất dễ hiểu, nhưng bốn câu thơ truyền cảm xúc cho hàng vạn người bỏ quê hương ra đi, xa chốn cư ngụ một thời yêu mến, khi quay lại thấy niềm vui không như mong muốn, và khi rời đi lại, lòng bâng khuâng, nặng nề như một nỗi đau nhẹ quyện mãi trong lòng.
 
Qua khổ thứ hai, Trần Ngọc Hưởng diễn tả sự nôn nóng háo hức trong lòng mình, muốn thăm lại hết những chốn xưa, như muốn gặp lại tất cả niềm thân yêu mà mình ấp ủ trong lòng, qua năm tháng trở thành nhu cầu cấp bách chất chứa trong con tim:
 
Chợ Giồng đó buổi ta thăm lại 
Ở ấp Đông mà nhớ ấp Tây 
Ở ấp Thượng mà thương ấp Hạ 
Lòng ta bởi thế cứ vơi đầy 
 
Khổ thơ thứ nhì cho ta hiểu, mặc dầu cảnh xưa đã đổi thay, gần như trở thành xa lạ, nhưng niềm vui trong lòng tác giả vẫn dậy lên bồng bột khi “Ở ấp Đông thì nhớ ấp Tây/Ở ấp Thượng mà thương ấp Hạ”. Niềm vui đó làm cho tác giả lúc “vơi” lúc “đầy” tùy theo sự còn hay mất, sự thay đổi ít hay nhiều của cảnh vật năm xưa mà tác giả gặp lại bây giờ. Điều nầy thật dễ hiểu, bởi ai quay lại chốn xưa mà lòng không rung động. 
 
Dầu chốn xưa có đổi thay nhưng lòng ta đâu có đổi thay. Con đường đã thay tên nhưng con đường vẫn còn đó, ngôi nhà đã đổi chủ nhưng ngôi nhà vẫn còn đây, người không quen nữa nhưng người đang sinh hoạt trong khung trời cũ, tất cả đều đem đến cho người quay về niềm vui của sự đoàn tụ và nỗi buồn của sự mất mát mà không ai tránh khỏi được khi trở về sau tháng năm dài xa cách.
 
Qua khổ thơ thứ ba và thứ tư, là tiếng kêu trong lòng tác giả. Nỗi sầu ấp ũ trong lòng bao lâu nay, nhân cơ hội cảnh cũ đổi thay, người xưa không còn, tác giả thốt lên lời thở than buồn não nuột:
 
Ta nhớ Vĩnh Bình thương Vĩnh Lợi 
Chưa nguôi ngày cũ tuổi thơ hồng 
Chiều nay trở lại bờ sông vắng 
Biết kể cùng ai chuyện đục trong 
 
Trôi giạt đâu rồi bao bạn lứa 
Thời tươi thắm nhứt mái trường thơ 
Đứa còn đứa mất ngàn dâu biển 
Kí ức mù giăng lớp bụi mờ 
 
Trở lại bờ sông vắng, nhớ những người bạn tuổi thơ, nhà thơ than: “Biết kể cùng ai chuyện đục trong”. Chuyện đục trong là chuyện thăng trầm của cuộc đời không xảy ra tại nơi đây, nhưng nhà thơ ao ước tại nơi đây có bạn xưa để tâm sự. 
 
Ở khổ thơ trên, nhà thơ hướng suy tư về cuộc đời chìm nổi bao nhiêu năm của mình. Vì sao? Vì nhà thơ đang đứng trước một khung trời bình an mà nhà thơ đã hưởng trong tuổi thơ ngây. Bây giờ, nhà thơ muốn kể cho nghe những năm lưu lạc của mình, nhưng cảnh cũ xa lạ còn người xưa thì không còn nữa. Cho nên câu thơ “Chiều nay trở lại bờ sông vắng/Biết kể cùng ai chuyện đục trong” khơi gợi lên sự cô đơn của tâm hồn trước khung cảnh bờ sông vắng vẻ, làm cảnh và tình thấm lạnh vào hồn, cho ta nỗi buồn mênh mang, điệp điệp của nước và nỗi ưu tư thầm lặng của người.
 
Ở khổ thơ dưới nhà thơ cất tiếng than về sự vô thường trong kiếp sống. “Thời tươi thắm nhất mái trường thơ” không còn nữa, bạn bè đứa còn đứa mất như chịu biến động của cả ngàn năm bãi biển hóa nương dâu, ký ức cũng bị lu mờ dưới lớp bụi thời gian. Bốn câu thơ là nỗi bi quan chứa đọng nỗi nhớ nhung, tiếc thương, bày tỏ một cõi lòng đông tuyết, bày tỏ cả dòng sông ký ức của nhà thơ đang chảy trước khung trời quá khứ, với sự cô đơn tận cùng, với sự chiêm nghiệm lẽ vô thường thấm thía trong con tim mình.
 
Bước qua khổ thơ áp chót, Trần Ngọc Hưởng chợt nhớ đến mình đã ở tuổi 60, chợt hoài niệm về người con gái ở tuổi còn thơ chưa yêu, cũng có thể đã yêu mà chưa biết:
 
Tóc thề ngả hẳn sang màu bạc 
Bạn học giờ thành U60 
Ai đứng bên nhà bồng cháu nội 
Ngỡ vầng mây bạc… lặng lờ trôi
 
Bài thơ đến đây, nhờ khổ thơ nầy mà trở nên man mác, tình yêu phơn phớt nhưng nhớ mãi không thôi chắp đôi cánh cho bài thơ bay vào không gian tinh khôi, trong trắng, đánh động tâm hồn những ai đọc thấy, đều liên nghĩ đến tuổi thơ của mình cũng có những bóng dáng đáng yêu đáng nhớ và một chút đáng buồn như hình ảnh “Ai đứng bên nhà bồng cháu nội/ Ngỡ vầng mây bạc…lặng lờ trôi”. Câu thơ không nhắc đến tóc bạc màu, chỉ nhắc dáng ai như vầng mây bạc, vầng mây bạc đó lặng lờ trôi, lặng lờ trôi trong cuộc đời và trôi trong nỗi nhớ cúa thi nhân. Câu thơ đẹp làm dáng người năm xưa trở nên thi vị, như là hình tượng của sự phôi pha, của màu thời gian nhuộm lên con người, tựa như nhuộm lên vầng mây bay trong không gian vô định.
 
Bình về hai câu thơ trên, nhà thơ ZuLu DC đã viết:
 
“Ai đứng bên nhà bồng cháu nội 
Ngỡ vầng mây bạc... lặng lờ trôi”
 
Chữ “ai” đa đoan, duyên nợ. Chữ “ai” hờ hững, đáng thương hay đáng ghét đây - chữ ai này nó gieo vào người đọc sự tò mò, ai là cô hàng xóm, là bạn học hay người yêu mà “Tóc thề ngả sang màu BẠC”, màu bạc làm tác giả “Ngỡ vầng mây BẠC”. Dụng hai lần chữ BẠC trong một khổ thơ thì nhất định có lý do: bạc bẽo bạc tình, nghĩa là “AI” chính là người yêu năm xưa của chàng. Hai câu thơ độc đáo, vượt lên “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương xưa!
 
Tác giả cho biết đến chợ Giồng hồi còn 9 tuổi, hai năm sau ra đi, thì tình sâu đậm hay sự bạc tình, bạc bẽo chắc không có. Thế nhưng với một đứa bé có tâm hồn thi nhân, thì dầu 9 tuổi sự rung cảm của quyến luyến tự nhiên hay rung cảm của ái tinh buổi sơ khai đã có trong hồn. Tác giả dùng chữ “Bạc” trong thơ ở tuổi 60, chữ bạc nầy dầu thật hay là hư cấu thì nhận định của nhà thơ ZuLu DC vẫn chính xác, bởi câu thơ độc đáo mang nhiều ý nghĩa, nói hộ cho chúng ta, những người có một “ai” nào đó không bạc tình cũng bạc tóc mà dáng xưa còn ở mãi trong lòng.
 
Qua khổ cuối bài thơ, Trần Ngọc Hưởng mô tả sơ về chợ Giồng ngày nay. Nhà thơ nhắc lại bài thơ của một thi nhân thời xa xưa ngàn năm trước, để nhấn mạnh cái lẽ vô thường luôn luôn xảy ra, như một lời an ủi cho mình, cho người, làm vơi đi bao nhiêu trăn trở vì những đổi thay xảy ra trước mắt, hầu cho cõi lòng dịu xuống khi quay bước ra về, bỏ lại chốn xưa trong tương lai sẽ còn thay đổi nhiều hơn thế nữa: 
 
Phố mới dựng trên nền chợ cũ 
Toà ngang dãy dọc Chợ Giồng ơi!
Đường thi xưa Hạ Tri Chương cũng 
Về lại thăm quê phải hỏi người! 
 
Khổ thơ nhắc đến Hạ Tri Chương, một thi nhân nỗi tiếng thời Đường, để lại cho đời bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tựa đề là Hồi Hương Ngẫu Thư mà Trần Trọng Kim đã dịch ra quốc âm như sau:
 
VỀ QUÊ TỰ DƯNG VIẾT
Bé đi, già mới về nhà, 
Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa. 
Trẻ con trong thấy hững hờ, 
Cười ồ, hỏi khách lại từ phương nao. 
 
Tất nhiên tâm sự người xưa và Trần Ngọc Hưởng ngày nay thật giống nhau. Bé đi, già mới về, và chắc chắn Hạ Tri Chương thuở ấy cũng như Trần Ngọc Hưởng ngày nầy: “Về thăm lại quê phải hỏi đường”. Câu thơ cuối khẳng định quy luật của trời đất, tất cả sẽ lui về quá khứ và quá khứ sẽ tồn tại trong tâm hồn, còn mọi vật thì vô thường, sẽ biến đổi với thời gian. 
 
Bài thơ “Về Lại Chợ Giồng” của nhà thơ Trần Ngọc Hưởng là tâm sự một cuộc trở về, lời thơ bình dị, nhẹ nhàng, thế nhưng từ tâm sự đó, đã mang về cho mỗi người chúng ta một khung trời quá khứ của mình, một tuổi thơ ngây của mình, để yêu, nhớ và trân trọng những tháng ngày ta có. Những tháng ngày đó không bao giờ có nữa cho dẫu ta đi tìm khắp trên thế gian nầy.
 
                                                            Châu Thạch
 
READ MORE - ĐỌC “VỀ LẠI CHỢ GIỒNG” THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG - Châu Thạch