Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, May 29, 2017

TÌNH NGƯỜI TRONG LY LOẠN ! - Thơ Nguyễn Khắc Điệp

Lời dẫn nhập của Hoàng Đằng:
Năm 1972, trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” của chiến trường Quảng Trị, ở làng Thạch Hãn, em Hoàng Thị Mót, nữ sinh Nguyễn Hoàng, về lại nhà, sắp dọn sách vở chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài sắp đến. Không may, em bị trúng pháo kích tử vong.
Anh Đoàn Văn Quốc, một người hàng xóm, đã xông pha giữa pháo đạn, tìm chỗ dưới gốc một mai già để chôn thi thể em. Rồi anh chạy, mọi người đã chạy hết.
Chuyện này sau đó anh kể lại với một người cùng làng. Anh Quốc đã mất, cách đây nhiều năm.
Không biết hồn em Hoàng thị Mót hiển linh xui khiến sao mà giữa năm nay (sau 45 năm), bạn bè em, người thân em, qua một ít thông tin trao đổi trên mạng, cùng nhau đi tìm hài cốt em và đã tìm thấy trưa ngày 22/5/2017 (28/4/Đinh Dậu) sau 07 giờ liền đào bới khi đã xác định được vị trí theo lời anh Quốc.
Trong những ngày giờ này, thân nhân em, bằng hữu em mừng trong nỗi đau rồi bồi hồi nhớ đến cái ơn anh Đoàn Văn Quốc.


               Ngôi mộ Hoàng Thị Mót 


TÌNH NGƯỜI TRONG LY LOẠN
Kính dâng về hương hồn Anh Đoàn Văn Quốc.

Xin cám ơn anh Quốc, 
Người chôn Mót năm xưa.
Cám ơn mấy cho vừa 
Tấm lòng anh sâu rộng!

Anh chẳng kể tấm thân
Dù đang còn pháo đạn;
Anh vẫn cứ âm thầm
Một nấm mồ cho bạn.

Giữa lúc đang ly loạn,
Anh đã chọn gốc mai
Làm chỉ dấu hình hài
Thay mộ bia tên họ.

Nếu anh không suy nghĩ,
Vùi lấp vội cho xong
Thì nay giữa mông lung,
Biết đâu tìm ra Mót!

Và nếu anh không nói
Với người bạn Mót thân:
Nhà bạn trong lửa khói
Là nơi "pháo lạc nòng".*

Giờ anh người thiên cổ!
Anh Quốc, anh nằm đâu?
Có nấm mồ bia đá
Hay chỉ nấm mộ sầu?...

Mót giờ yên mả đẹp,
Ấm áp giữa người thân,
Chắc Mót sẽ ân cần,
Tìm đến anh thăm đó...

Nguyễn Khắc Điệp
      24/5/2017

READ MORE - TÌNH NGƯỜI TRONG LY LOẠN ! - Thơ Nguyễn Khắc Điệp

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KỲ 2) - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch thơ


          
                       Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên



ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KỲ 2)

Trong số trước chúng tôi đã giới thiệu một số bài thơ Đường, chủ đề Biên tái. Với đề tài này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu ba bài “Lương Châu từ” (Khúc hát Lương Châu) của Trương Tịch (Trung Đường). Trương Tịch 張籍 (768-830), người Hoài Châu, một đời làm quan khá thuận lợi. Ông là bạn thân của Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Nguyên Chẩn, Bùi Độ. Ông từng làm Quốc Tử tư nghiệp.
 Lương Châu (涼州) nay thuộc tỉnh Cam Túc, giữa Lan Châu và Vũ Uy, trước đây là nơi hàng bao thế kỷ người Hồ và người Hán đánh nhau. Lương Châu từ là một điệu hát cổ của nói về chuyện trận mạc biên ải. Nó thường được các thi nhân thời trước lấy làm đầu đề để sáng tác.
涼州詞其一 - 張籍 
邊城暮雨雁飛低,
蘆筍初生漸欲齊。
無數鈴聲遙過磧,
應馱白練到安西。

Phiên âm:

LƯƠNG CHÂU TỪ KÌ I – TRƯƠNG TỊCH
Biên thành mộ vũ nhạn phi đê,
Lô duẩn sơ sinh tiệm dục tề.
Vô số linh thanh dao quá thích,
Ưng đà bạch luyện đáo An Tây. 

Dịch nghĩa:

KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ I – TRƯƠNG TỊCH
Mưa chiều ở thành biên giới nhạn bay thấp
Lau măng mới mọc cùng nhau từ từ vươn cao
Nhiều tiếng chuông vọng qua sa mạc nghe xa xa
Ngựa và lạc đà chở lụa trắng vào An Tây.

Dịch thơ:

KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ I – TRƯƠNG TỊCH
Biên giới mưa chiều nhạn sà bay
Lau măng mới mọc cùng vươn tay
Xa xa chuông vọng qua sa mạc
Lạc đà chở lụa tới An Tây.

涼州詞其2 - 張籍 
古鎮城門白磧開,
胡兵往往傍沙堆。
巡邊使客行應早,
每待平安火到來。

Phiên âm:

KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ II – TRƯƠNG TỊCH
Cổ trấn thành môn bạch thích khai,
Hồ binh vãng vãng bạng sa đôi.
Tuần biên sứ khách hành ưng tảo,
Mỗi đãi bình yên hỏa đáo lai.

Dịch nghĩa:

KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ II– TRƯƠNG TỊCH
Cửa thị trấn xưa cát trắng bắt đầu lấp
Lính Hồ lui tới trên những đụn cát
Sứ giả tuần biên muốn lên đường sớm
Thường chờ những đội lính (phục kích ban đêm) trở lại bình yên.

Dịch thơ:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ II– TRƯƠNG TỊCH
Cổng trấn xưa cát trắng lấn ra 
Lính Hồ trên đụn cát  gần, xa 
Sứ tuần biên muốn lên đường sớm 
Chờ lính bình an trở lại nhà.
涼州詞其3 - 張籍 

鳳林關裏水東流,
白草黃榆六十秋。
邊將皆承深恩澤,
無人解道取涼州。

Phiên âm:

LƯƠNG CHÂU TỪ KÌ III – TRƯƠNG TỊCH
Phượng Lâm quan lý thủy đông lưu,
Bạch thảo hoàng du lục thập thu.
Biên tướng giai thừa thâm ân trạch,
Vô nhân giải đạo thủ Lương Châu.

Dịch nghĩa:

KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ III – TRƯƠNG TỊCH
Trong ải Phượng Lâm nước chảy về hướng đông
Cỏ trắng du vàng đã 60 năm rồi
Tướng ngoài biên đã hưởng nhiều ân sủng
Nhưng không có người mở đường đánh lấy Lương Châu.

Dịch thơ:

KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ III – TRƯƠNG TỊCH
Về đông nước chảy, ải Phượng Lâm
Cỏ trắng du vàng sáu chục năm
Tướng lĩnh biên cương nhiều ân sủng
Chiếm Lương Châu ai nấy lặng câm.

                                                          Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KỲ 2) - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch thơ

NHỚ TẾT ĐOAN NGỌ XƯA - Thơ Nguyễn Khôi



        Nhà thơ Nguyễn Khôi



NHỚ TẾT ĐOAN NGỌ XƯA
"Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng 5"
                     
Tết Đoan Ngọ, ngày xưa còn nhớ
Bảnh mắt ra : rôm xẩy cắn thịt da
Tụt khỏi giường là ào ra ao tắm
Bắt "chuồn chuồn cắn rốn"...
                  cùng lũ bạn nhẩn nha...
                      
Rồi về nhà : sà vào lòng mẹ :
- một bát đầy "Rượu Nếp" thơm ngon
-Hai quả trứng luộc xơi đã miệng
-chùm vải Thiều ngọt ứa linh hồn...
                      
"Giết sâu bọ" - Mẹ hiền nhắc nhủ :
-chớ ra sông giãi nắng đầu mùa
-chớ trèo cây đung đưa bẻ Nhãn
- chớ cưỡi Trâu phi đại dại đua...
                       
Tết Đoan Ngọ
Ôi tuổi thơ tươi đẹp
Mái tranh vàng thơm phức hương Cau
Mẹ cười răng hạt na đen nhánh
Thằng con trai 
                 chạy nhảy
                              bãi sông Cầu...
          
      Quê Bắc Ninh 5-5 Âl (20127)
               NGUYỄN KHÔI

READ MORE - NHỚ TẾT ĐOAN NGỌ XƯA - Thơ Nguyễn Khôi

NHẶTMƯA TRONG MẮT - Thơ Nguyễn An Bình





NHẶTMƯA TRONG MẮT

Nhặt chiều vàng bóng rạ phơi
Mùa lau trắng thổi bời bời ngang sông
Sóng vờn gió ngọn mênh mông
Khép bờ môi lạnh nét son nhạt nhòa.

Nhặt hồn sâu thẳm phù sa
Chở tình tôi cuối giang hà chia hai
Nắng nào rớt xuống bờ vai
Tay ai níu được mây bay lưng trời.

Nhặt người trong cõi mù khơi
Thương mùa hoa cải rong chơi ưu phiền
Hẹn thề rồi cũng sẽ quên
Vết thương đá sỏi hằn lên da người.

Nhặt tình qua tuổi thơ ngây
Người đem dịu ngọt tiếng cười đi xa
Tìm trong bóng lá hồn hoa
Một trời mây trắng mơ tà áo che.

Nhặt mưa trong mắt em về
Lệ long lanh giọt ngủ mê ven đường
Cây treo lá đỏ mù sương
Tôi trơ củi mục hồi chuông gọi tình.

                           Nguyễn An Bình

READ MORE - NHẶTMƯA TRONG MẮT - Thơ Nguyễn An Bình

HÔM TÔI VỀ - Thơ Thủy Điền


       
                           Tác giả Thủy Điền


HÔM TÔI VỀ

Hôm tôi về nhìn quê buồn quá
Người thân, quen đâu mất hết rồi
Chỉ toàn người lạ nhìn tôi
Lòng ôi đau xót bùi ngùi vô biên

Ngày xa xứ lên đường vượt biển
Tuy không người đưa tiễn, tiễn đưa
Nhưng quê còn lắm dư thừa
Thân, quen bao kẻ sớm trưa ngày ngày

Hôm tôi về thật là áy náy
Khi hỏi chào người mới, tha phương
Buồn ơi ! Ơi hỡi là buồn
Giọng người năm cũ tôi thương đâu rồi.

                                          Thủy Điền
                                         29-05-2017

READ MORE - HÔM TÔI VỀ - Thơ Thủy Điền

CHIỀU BÊN KIA SÔNG THẠCH HÃN - Thơ Huy Uyên





CHIỀU BÊN KIA SÔNG THẠCH HÃN

Tiếng chuông nhà thờ đổ
chiều bên kia sông
em khói sương tan mùa tiếc nhớ
vọng lại cùng người bâng khuâng.

Chia hai xa xót riêng tôi
ngày em bỏ tình ở lại
đã xa và em đi rồi
sáng chiều trông ngóng mãi.

Chim trên cành giọng buồn thánh thót
"Chuông gọi hồn ai" trong chiều
Duổi mắt xót tình xưa đi mất
Thạch-hãn đò chiều cuối bến tịch liêu.

Lộ buồn xóm vắng ơi em
Xe đi, về mỏi mòn ai đón đợi
nhớ lắm ngày người bỏ quê làng
giữa thinh không tiếng ai đang gọi.

Vội qua sông đò xuôi bến khác
Bơ vơ trôi dạt đám lục bình
nhớ ngày xưa em khóc
mắt trời sao đêm lung linh.

Em ngẩn ngơ theo bóng người thương 
gió đổi mùa bay lặng lẽ
em cầm trên tay thập-tự-giá buồn 
trong sân mắt ai tím màu hoa khế.

Trời ơi lòng hoài nghe chuông đổ
bên kia chim đã báo xa bầy
nắng rưng rưng trải sầu ngày đó
để rớt sầu vạn-cổ chiều nay.

                         Huy Uyên

READ MORE - CHIỀU BÊN KIA SÔNG THẠCH HÃN - Thơ Huy Uyên

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ PHAN PHỤNG THẠCH



              Nhà thơ Chu Vương Miện



XÓM BẦU PHAN PHỤNG THẠCH

Xưa sau trong cõi vô thường
Tố Như Tố Hữu hai đường khác nhau ?
Tằm nào mà chả nhá dâu ?
Đoạn trường ai cũng qua cầu như ai ?
Có chăng cầu ngắn cầu dài
Có chăng một bướm mà loài khác nhau ?
Tình đời có trước và sau
Bạn nằm nơi đó Đạo Đầu quê cha 



                 Nhà thơ Phan Phụng Thạch


PHAN PHỤNG THẠCH

Thấm thóat cũng gần 50 năm
Bạn đã thong dong một chốn nằm
Gia trang Xóm Bầu nguyên quán cũ
Đạo Đầu còn mãi nửa vàng trăng
Cây mận năm nào còn hoa trái
Trắng tươi theo cái tuổi học trò
Ơi tiếng ve ran phượng hồng tháng hạ
Triệu Phong mùa này chắc tháng 3
Ta người bây chừ đường hai nẻo
Nẻo quê miềng nẻo quê xa
Một mơi có trở về Ba Bến
Có nhớ bướm vàng nẻo Hạnh Hoa
Xa xưa nghe khúc buồn hoa phượng
Mà sao thương đồng ruộng hoa cà
Âm dương vẫn con đường ngắn ngủi
Thương cho người một đóa tài hoa


LƯU BÚT MÙA HẠ

Mùa này ve sầu khóc than trên nhành cây
Học trò hát bài nỗi buồn hoa phượng
Ta với người kẻ mất người còn
Lưu bút thủa này thắp một nén nhang
Tình bằng hữu tình đồng môn
Cùng một mái trường Nguyễn Hoàng
Chừ đã mất tên
Phan Phụng Thạch
Sông Thạch Hãn
Chảy qua Sải qua Bích La Đông
Mai sau ghé Đạo Đầu
Cây mận trắng vẫn còn ?
Nhà thơ đâu ?

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ PHAN PHỤNG THẠCH

CHO NÓ CÓ ĐẠO ĐỨC - Truyện ngắn của Lê Mai

Lê Mai tên thật là Lê Hùng, sinh năm 1953 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống khoa bảng khá nổi tiếng ở Hà Nam. Năm 1972, anh nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. Sau năm 1975, anh xuất ngũ với giấy chứng nhận thương binh nặng, theo học ĐH Sư Phạm rồi về dậy môn Giáo dục công dân tại trường THPT Nguyễn Trãi, Q Hai Bà Trưng- Hà Nội. Lê Mai vào Hội nhà văn Hà Nội với tư cách nhà thơ, nhưng sau đó anh viết văn xuôi là chủ yếu. Hai cuốn tiểu thuyết “Tẩu hỏa nhập ma” (Nxb Văn học 2003) và “Thời gian xuẩn ngốc” (Nxb CAND 2005) của anh đã gây tiếng vang trong dư luận, nhất là trong ngành GD- ĐT. Ngoài ra, anh viết nhiều ký, truyện ngắn trên các báo của TW và Hà Nội. Nếu trong thơ, Lê Mai cầu kỳ đẽo gọt từng từ ngữ thì trong văn xuôi, anh thích sự thô mộc, ngoài đời nói sao, văn anh viết vậy và tính trào lộng là đặc trưng cho phong cách truyện ngắn, tiểu thuyết Lê Mai…


                         Nhà văn Lê Mai



     CHO NÓ CÓ ĐẠO ĐỨC

Tôi goá vợ đã lâu chưa tục huyền. Bè bạn người quý mến thì nói: nó đợi con trưởng thành, hoặc, vợ yêu nó quá chưa cho lấy, muốn lấy được vợ phải cắt tiền duyên. Bè bạn người ghét thì nói:… Thôi dại gì vạch áo cho người xem lưng. Còn tôi biết, tôi chẳng được tốt như người đời nghĩ đâu. Hơn mười năm qua, nếu tính bình quân mỗi năm được 2 vụ mối lái thì đến nay đã là 23 vụ rưỡi, chẳng vụ nào thành công. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chung quy lại thì do người thích tôi thì tôi không thích, người tôi thích thì lại có chồng.

Hôm nay, tôi đến thăm anh. Anh là tổng biên tập một tờ báo lớn. Anh là người có tiếng hào hoa và là người chơi với cô nào thì xui ngay cô ấy ngoại tình, với lập luận thật dễ hiểu: “Chơi với bọn con gái các em mà không ngoại tình thì chơi làm đếch gì cho phí thời gian, cho rách việc!”

Hôm nay, thời tiết vẫn như mọi hôm, ẩm ẩm ương ương, nóng không ra nóng, lạnh không ra lạnh. Vẫn chân thành và cởi mở,  anh hỏi tôi:
- Hỏi thật nhé, tổng vơ vét mỗi tháng chú được bao nhiêu tiền?
Anh hỏi thật thì tôi nói thật:
- Tổng thu nhập mỗi tháng của em khoảng một triệu.
- Thế thì chú mày không lấy được vợ đâu! Phụ nữ họ lấy chồng cốt tìm một chỗ dựa. Dựa vào cái cột mục để mà chết à. Như anh đây, nguyên tiền đóng thuế thu nhập hàng tháng còn cao hơn tổng thu nhập của chú nên mới có một vợ và hai mươi bồ. Anh mà thu nhập như chú thì gia đình tan vỡ từ lâu rồi. Chú đừng viển vông nữa, lao vào làm kinh tế đi. Vật chất quyết định tinh thần. Khi nào thu nhập hàng tháng của chú đạt mức trên năm triệu đồng thì, chú lên đây, anh sẽ pa-xê cho chú cô bồ của anh. Cô này nhà năm tầng, có tiền tỉ trong tay.
Hình như anh có lý, nhưng…

*
Tôi đến thăm anh bạn thứ hai. Anh này có tuổi và thu nhập tương đương tôi. Anh là kỹ sư cơ điện, bị vợ bỏ hay vợ bỏ tôi không rõ nhưng… hiện nay đã có vợ mới. Anh hơn cô vợ mới chưa đến 25 tuổi. Bạn bè thật thật giả giả tán, nếu cô ấy biết cách, tuần rằm mùng một nào cũng chăm chỉ hương khói thành tâm cầu khấn, lòng thành thấu tận trời xanh thì chỉ sáu  tháng làm gì mà “cụ” chẳng đi. Cụ đi, với số tài sản cụ để lại, vợ cụ làm gì chẳng dễ tái giá. Tái giá với tái dê hẳn hoi chứ chứ chẳng phải… Như nhà hiền triết thực thụ, bạn tôi nói:

Thời đại tinh vi vi tính này mà ông còn lạc hậu quá, mai mai mối mối, tìm tìm hiểu hiểu, mất hết thì giờ! Thời đại Ba Đẻn qua rồi, thời gian đâu mà rẽ rẽ dắt dắt. Tình yêu tình dục thời cơ chế thị trường, “tình yêu thời thổ tả” phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lập trình đi: mỗi tháng tổng thu nhập là một triệu, không lấy vợ, tháng làm vài lần karaoke đến tiền ăn còn hẻo, nói gì đến ái tình phí mà đòi tán tỉnh. Không tiền, có tán sún răng cũng chẳng được ma nào. Nháy chuột, được ngay phương án: ra nhà hàng đón một em có con riêng lại sắp hết đát về, thế là, có người trông nhà, có người cơm nước giặt giũ, cơm no, bò muốn cưỡi lúc nào thì cưỡi, sướng chưa? Có học có hơn chứ. Ông thấy tính thế khoa học chưa?
- Khoa học thế sao ông không cưới cô ấy đi? Để mặc cảnh già nhân ngãi, non vợ chồng ổn định sao được?
- Ông hiểu gì về gia đình mà nói ổn định với không ổn định? Gia đình là dựa vào nhau mà sống hay là ràng buộc nhau? Ông bảo cưới nhau cho ổn định, nhỡ cưới xong, hợp lý hoá rồi, hợp pháp hoá rồi, mình đi làm cả ngày nó ngựa quen đường cũ rước trai về nhà tăng thêm thu nhập thì lúc ấy ông tính sao? Cơ chế thị trường việc gì hiệu quả thì làm, không hiệu quả thì cắt. Ông thấy các nước tiên tiến họ có quan niệm gia đình như mình không? Thích thì ở với nhau, không thích thì phắn, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, làm gì có tam đại với tứ đại đồng đường. Họ lạc hậu chắc? Không loằng ngoằng, nếu ông thích mô hình gia đình kiểu như tôi, tôi sẽ giúp. Nhà hàng bây giờ thiếu gì gái trẻ đẹp. Cứ gọi là sắp hết đát nhưng tuổi các cô ấy làm gì tới 30, còn trẻ còn đẹp chán. Thích gái Bắc Ninh có gái Bắc Ninh, thích gái Cần Thơ có gái Cần Thơ, hay ông thích chè Thái gái Tuyên cũng có tuốt.
Hình như anh có lý, nhưng…

*
Tôi đến thăm anh bạn thứ ba. Anh là giám đốc một tổng công ty đang ăn nên làm ra. Thấy tôi đến anh vui lắm. Anh khép ngay cửa phòng làm việc và dặn dò cô thư ký:
- Không liên hệ với bất cứ ai. Kể cả ông đùng.
Nói xong anh còn cẩn thận cắt bốn máy điện thoại trên bàn và cả máy di động. Vừa cắt điện thoại anh vừa vui vẻ nói:
- Cái anh điện thoại nhiều khi cũng bất tiện. Cực nhất lúc đang ị mà chuông cứ reng reng, sốt cả ruột.
Rồi đột ngột anh nghiêm giọng hỏi tôi:
- Lấy vợ rồi hả? Cô ấy bao nhiêu tuổi? “Anh” có hơn bố “em” một tuổi không?
- Đã lấy đâu! Tìm khó quá!
- Đừng quan trọng hoá vấn đề! Thượng vàng hạ cám dùng được tất. Vợ trẻ có cái hay của trẻ. Vợ già có cái hay của già. Vợ xấu có cái hay của xấu. Vợ đẹp có cái hay của đẹp. Lấy đại đi rồi thiếu đâu bổ sung sau, hoàn chỉnh dần. Chuyện vợ nó như chuyện doanh nghiệp của tôi ấy mà: làm ăn được thì mở rộng quy mô, tuyển thêm người, tăng sản lượng; làm ăn khó khăn thì thu hẹp quy mô, sa thải bớt công nhân, giảm sản lượng.
- Nghe theo ông thì chỉ có nước đi ngoại tình.
- Ngoại tình chứ sao. Trên đời này có đứa đếch nào chung thuỷ mà chê ngoại tình. Thuỷ chung chỉ là một khái niệm để cuộc sống thêm mơ mộng, lãng mạn thôi. Tất cả là ở điều kiện. Điều kiện, ông hiểu không? Không có điều kiện thì chung thuỷ. Có điều kiện thì thôi. Ông thấy các cơ quan, công sở bây giờ ngoại tình sao nhiều thế! Đừng vội chê họ, tất cả nó nằm ở trong cái chữ điều kiện ấy. Ngay bản thân tôi, đứng đắn là thế mà có giữ nổi mình đâu. Các cụ dặn: khôn ba năm dại một giờ, mình nhớ như đinh đóng cột, thế mà khi có điều kiện tự nhiên quên tịt đi. Ông bảo, làm giám đốc như tôi tiền có, gái gú vây quanh, điều kiện thế có là công công cũng không giữ nổi trinh tiết, đừng nói là mình. Vấn đề là cứ lấy vợ đi, rồi muốn vợ chung thuỷ thì tìm cách cắt đứt mọi điều kiện để buộc nó phải thuỷ chung ông ạ.
- Rối rắm quá, có lẽ tôi không…
- Cứ lấy vợ. Lấy để giống mọi người. Lấy để không ai thương hại. Nhưng không được kỳ vọng vào nó.
- Làm thế nào để đừng kỳ vọng?
- Dễ ợt. Uống một viên kháng kỳ vọng là được. Như tôi hiện nay vừa có vợ vừa nuôi một em sinh viên làm thuốc kháng. Chán vợ thì sang em, như thế vừa đỡ tốn, vừa sạch sẽ, vừa an toàn, vừa nhân ái.
- Ông nói nhân ái?
- Nhân ái chứ sao. Em không có tiền ăn học, về quê làm ruộng hay làm điếm để có bằng? Được ta nuôi, em có tiền ăn học, có nơi ở riêng yên tĩnh để học hành. Khỏi phải lăn lóc thị trường, khỏi phải giao du với bọn du thủ du thực đầu trộm đuôi cướp… Ông bảo thế mình có nhân ái không? Ông có thích, tôi tìm cho một cô. Sinh viên đại học Xã hội Nhân văn, sinh viên Luật, Sư phạm… có tất. Ông ít tiền, mỗi tháng chỉ cần chi cho em khoảng dăm bảy trăm là đủ.
Hình như anh có lý, nhưng…

*
Tôi đến thăm anh bạn thứ tư. Anh là một nhà văn lớn hơn cỡ nhỡ nhỡ một chút. Trông thấy tôi, anh vừa cười ha hả vừa nói:
- Đến báo tin buồn hả? “Tôi lấy vợ” là “vơ lấy tội”.
- Có ai đâu mà cưới với xin.
- Thế thì may rồi. Bao nhiêu đứa thèm được vợ chết như ông mà có được đâu. Thành tâm cầu khẩn, khấn vái hàng năm mà hình như nó càng ngày càng khoẻ ra mới kinh, đúng là giời đánh thánh vật không chết. Ông đã gặp may thì cứ thế mà hưởng.
- Quan niệm như bố làm gì chẳng coi việc cưới xin là việc buồn.
- Ai chẳng thế, riêng gì tôi. Ngày cưới chính là ngày hai đứa tự nguyện ký đơn xin ly hôn đấy ông ạ.
- Có thuốc giải buồn đấy, ông có dùng không?
- Tuỵêt. Cho tôi uống đi.
- Thắng nó bảo tôi, mỗi tháng chịu khó bỏ ra năm bảy trăm nuôi lấy một em sinh viên, nó tìm mối cho, muốn sinh viên trường nào cũng có.
- Tuyệt! Tuyệt quá! Ngoại tình cũng có cái hay của nó. Trong vợ chồng, đứa nào ngoại tình đứa ấy dễ cảm thông và độ lượng. Mình làm trước đi, làm nhiều vào, nói dại nếu sau này vợ nó có nhỡ ngoại tình thì mình cũng dễ cảm thông, tha thứ. Thế gian được vợ hỏng chồng, vậy thì mình hỏng đi cho vợ được. Nhưng… nhưng tôi bói đâu ra tháng dăm bảy trăm, hay là… tôi với ông góp vốn nuôi chung một em, xong chưa?
- Xong! Nhưng mình chọn em học ở trường nào?
- Học ở trường nào cũng được, mỗi trường có cái hay riêng của nó. Nhưng tôi thích chọn em ở Sư phạm, cho nó có đạo đức.
- Đúng! Tuyệt đúng! Chọn Sư phạm cho nó có đạo đức!

                                                                             LÊ MAI

READ MORE - CHO NÓ CÓ ĐẠO ĐỨC - Truyện ngắn của Lê Mai