Nhà thơ Hoàng Quý, 1975.
“Đêm nghe gió qua vườn”, thao thức,
ngẫm suy
Nguyễn Chính
Đêm, thao thức nghe qua vườn gió thổi.
Vườn, úa vàng cuối Thu, bơ thờ lá , khẳng khiu cành trơ trọi. Ừ nhỉ! giời đã
chuyển mùa. Ừ nhỉ! quá nửa đời người , tuổi ngoài sáu mươi, đã quá “lục tuần”
rồi. Thời gian bóng câu tăm cá, bồi hồi nhớ về một thời “Lá đỏ” vời xa…
Tôi đã man mác buồn như vậy, khi
đọc bài thơ này của Hoàng Quý:
Đêm nghe gió qua vườn
Có thể rồi ta sẽ về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và có thể trên lối chìm hoa cỏ
Ta lại tìm bông rụng dưới thân gai
Đêm nghe gió qua vườn
Tiếng cây thở nói rằng thu chắc
đã
Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về
Đêm nhoi nhói
Nghe đời thay máu
Có bao người nghe gió trong khuya?
Ở phía trước
Con đường chướng gió
Ta đã đi không chút e dè
Những - hy- vọng - rưng - rưng -
xác - lá
Chết - tưng - bừng - như - máu -
hôm – qua
Ở phía trước
Ở phía trước nữa
Ai như ta?
Ai đã là ta?
Chao ôi! Đời nến sáp
Ta đấy à, hay chưa từng ta!
Thì mùa thu dường thong thả mở lòng
Đêm hé cửa nghe qua vườn gió thổi
Ta hứa về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và, có thể lối chìm hoa cỏ ấy
Nhắc những lời hoa rụng một ban
mai...
“Đêm nghe gió qua vườn” là một trong nhiều những
thi phẩm hay vào bậc nhất của nhà thơ Hoàng Quý đóng góp cho nền văn học nước
nhà trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Các thế hệ nhà thơ trước ông và cả thế hệ
của ông nữa giờ đã lên “cụ”, lên “lão”. Nhiều người đã về với cát bụi. Họ đã rút
hết tinh lực của mình cho hai cuộc chiến tranh. Kể từ sau 1975, thi đàn hình như thưa
vắng những bài thơ hay, những câu thơ mà dưới chữ còn vô vàn chữ. Ở thế
hệ U 60, ông đã trải qua cùng thăng trầm của đất nước thời trận mạc với máu và
nước mắt của đồng bào mình – một thời “Lá đỏ”. “Lá đỏ” là tên một bài hát của
nhạc sỹ Hoàng Hiệp (phổ thơ Nguyễn Đình Thi) sáng tác năm 1975. Trước đó, vào
năm 1951 nhạc sỹ Hoàng Việt cũng đã có bài hát “Lá xanh”. Các ca khúc “lá” của
hai ông “Hoàng” thuộc dòng nhạc tụng ca, minh họa này đã có mặt rất kịp thời trong dàn đại hợp
xướng được “tấu” lên suốt thời binh lửa kéo dài tới mấy chục năm. Tôi nhớ không
nhầm thì vào cuối 1987, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết “Lời ai điếu cho một
thời văn nghệ tụng ca, minh họa”. Những
tưởng cái sự “ai điếu” đó đã như một tiếng
hú gọi giữa rừng thẳm, đêm đen: “tàn canh rồi, hãy về thôi hỡi các
chàng thổi kèn…”, nhưng xem ra tiếng hú ấy vẫn còn lẻ loi, vô vọng lắm. Có đáng
sợ không, khi đã ngót 30 năm sau lời ai điếu gan ruột của Nguyễn Minh Châu rồi,
mà vẫn còn đó thứ môn phái “phê bình chỉ điểm”, “phê bình kiểu mật thám”!?.
Có thể nói, thế hệ U 60 là thế hệ “giao thời”
của nhận thức về được, mất, đúng, sai, trí tuệ và ấu trĩ. Cũng là suy nghĩ về
nhân tình, thế thái, nhưng giọng thơ Hoàng Quý mới, khác và lạ, không đao to
búa lớn, không “múa gậy trong bị”, không đại ngôn. Ngôn từ trong thơ ông bình dị
mà triết lý sâu sắc, rằng: “Ôi! Nhân dân kiêu dũng của tôi – Người là nước
mà luôn thiếu khát – Người như lúa khắp ruộng nương nước Việt – Những hạt lúa dại,
vụng - Ấm và xót - Ngoi trên nắng – Dạt trên nước – Xác trắng trên tay
chai – Xướp ráp tận ruột – Lấm láp và tinh tươm – Thơm tho sen súng –
Giấc mê mẩn người – Thảng như ca dao – Xum xuê như cổ tích …”. Hoặc “Khi
nhân dân tôi đắp lũy Sông Cầu – Vua xuống lũy như dân – Khi nhân dân tôi họp Hội
Diên Hồng – Vua ngồi giữa nhân dân - Những rừng cọc Bạch Đằng – Như thế
đứng ngàn năm vát nhọn – Bao đạo binh hung hăng – Bao chiến thuyền dữ
tợn – Tan chìm và tả tơi…”. Thơ Hoàng Quý còn có sự liên tưởng thật bất ngờ
như “Sẽ hạnh phúc tột vời có một lần hái lượm - Giữa bạt rừng rợp bóng Mẹ Tiên
– Thỏa sức với Cha Rồng xuôi bể – Xăm kín mình rồi kéo mặt trời lên – sẽ run
rẩy ướm gậy đồng nón sắt – Vùi cát Chử Tiên xem tắm Tiên Dung – Thư
thái rước bánh tròn vuông trời đất – Theo Lang Liêu dâng tiến Vua
Hùng…” (trong trường ca Đối thoại trắng). Hoặc “Như một cuộc trường chinh vĩ đại
– Những ngấn bùn tụ hội ở Giao Châu – Những ngấn bùn thăm thẳm – Rất xưa và rất
lâu – Những ngấn bùn bất khuất – Đắp bồi từ đớn đau – Những ngấn bùn
kiêu hãnh - Chưa bao giờ cúi đầu”. Và đây nữa “ Xin bạn cứ ruổi rong thỏa
thích – Suốt vòng cung đầy nắng nước non tôi – Cùng vỗ chiêng, cồng – Như vỗ những
mặt trời nho nhỏ - Sẽ gặp đàn chim cổ tích bay ra – Bạn thử ướm bàn chân tõe
ngón – Những bước bùn, bước mẹ, bước em tôi – Bạn sẽ hiểu vết bùn như máu đọng
– Trên vai trần, trên tóc khét cha tôi” (trong trường ca Những ngấn bùn trên
mũi chân Tổ quốc). Viết về Nhân Dân mình, Tổ quốc mình, trên thi đàn nước ta suốt
hơn nửa thế kỷ qua, thật khó tìm ra những câu chữ có sức biểu cảm hay và giỏi đến
như vậy.
Với bài “Đêm nghe gió qua vườn” cả
“ý” và “tứ” đều rất chỉnh trong một tư duy thơ uyên thâm :
Có thể rồi ta sẽ về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và có thể trên lối chìm hoa cỏ
Ta lại tìm bông rụng dưới thân gai
Không phải “có thể” đâu. Trong thực
tế và trong tâm tưởng hoài niệm đến da
diết, đến đau đớn của mình, nhà thơ đã về với quê, về với những kỷ niệm quá
vãng. Về, để thả hồn vào lối chìm hoa cỏ. Về, để “lại tìm bông rụng dưới thân
gai…” thôi. Vâng! bông rụng dưới thân gai hay chính là những thân phận, những
kiếp lầm lũi, nổi trôi giữa cõi người
dâu bể? Về gặp lại những “bông rụng dưới thân gai” hay chăng, là về tìm tinh
khôi trước lụi tàn, héo úa?
Đêm nhoi nhói
Nghe đời thay máu
Có bao người nghe gió trong khuya?
“Đời thay máu” khiến người ta nghĩ
đến sự tráo trở, lưu manh, phản chắc. Cái điều khốn nạn có thật ấy vô hình, không cầm nắm được, nhưng có thể
cảm thấy, “nghe” thấy trong những đêm “nghe gió qua vườn” với biết bao chua
chát, để rồi nhói buốt và… đau. Cái đau
bởi sự tráo trở trắng trợn, phản trắc, lừa mị dai dẳng, tinh vi đó khiến người
ta không chồm trổ, vật vã, nhưng nhoi nhói âm ỉ, gặm nhấm, bòn rút dần sinh lực.
Hai từ “nhoi nhói” được tác giả đặt trong văn cảnh này thật đắc địa. Còn “Có bao người nghe gió trong khuya?”,
thì cả nghĩa bóng, nghĩa đen đều đúng, khi lòng trắc ẩn ngày càng hiếm hoi, khi
sự vô cảm lại dần trở thành thói quen phổ biến. Phải chăng, đó là thứ bi kịch
phổ cập, đáng sợ trong những tháng, năm này?
Và đây, ở đoạn thơ tiếp theo :
Ở phía trước
Con đường chướng gió
Ta đã đi không chút e dè
Những- hy- vọng – rưng – rưng –
xác- lá
Chết – tưng – bừng – như – máu –
hôm – qua
Lịch sử nhân loại là những thời, những triều đại
nối tiếp nhau. Để đi về hướng văn minh, nhân loại đã phải vượt qua biết bao nhiêu chặng gian nan
trên những con đường đầy máu, lửa và nước
mắt. Nhà văn Sô-viết, Aleksey
Nikolayevich Tolstoy (1883 – 1945) đã dành 1/3 đời mình để viết “Con
đường đau khổ” tràn ngập hy vọng về một thiên đường cho nhân loại. Tiếc thay,
ông đã không được thấy sự
tiêu vong, sụp đổ tất yếu của thứ
bánh vẽ giả dối lừa mị đó ngay trên tổ quốc của mình. Ai cũng biết, gió chướng chỉ thổi theo mùa.
Nhưng “con đường chướng gió” mà nhân dân mình
đã vật vã bộ hành ngót một thế kỷ
qua không chỉ “ở phía trước” như Nhà thơ Hoàng Quý đã nhận diện đâu. Cái thứ “gió chướng” gớm giếc
và quái đản ấy đã thổi phía trước mặt, phía sau lưng, thổi tứ phía mịt mùng, thổi rỗng
cả đất nước này, nhân dân này, thổi đến thân tàn, ma dại những bậc hiền tài muốn dấn thân vì xứ sở. Trớ trêu thay! cũng ngót một trăm năm rồi, trên
“con đường chướng gió” khốn nạn và
đầy máu và nước mắt ấy, mấy thế hệ
đã vô tư, hồn nhiên “đi không chút e dè”, bởi những hy vọng thánh
tín đến “rưng rưng xác lá” dẫu “chết
tưng bừng…” cho sùng tín - một niềm tin ngây thơ vào điều không có thật. Nhận diện đó của Hoàng Quý rất chân xác, bởi từng có không ít
những ca từ, những câu thơ tụng ca, minh họa, cổ vũ đầy mộng mơ, thi vị, kiểu như: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…, có chú nai vàng nghiêng đôi
tai ngơ ngác … hái một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi.”, rồi thì là “Có những
ngày vui sao cả nước lên đường … từng hồi trống dục …” vân vân và vân vân… Lẽ thường, người ta chỉ nói cái sự tưng bừng
trong những hội vui tưng bừng, nhảy múa tưng bừng, hay rợp trời búa liềm tưng bừng một màu cờ đỏ máu v.v… thôi. Cho nên cái sự “chết - tưng - bừng” ấy nó
trái lẽ thường lắm, nó khí gây sự, nó chát chua, nó muối
xót. Lại nữa, tôi đã giật mình khi đọc đến
đoạn thơ:
Ở phía trước
Ở phía trước nữa
Ai như ta?
Ai đã là ta?
Chao ôi! Đời nến sáp
Ta đấy à, hay chưa từng ta!
Không giật mình sao được, khi lụi bấc cạn dầu, “đời nến sáp” lét leo
năm, tháng. Không giật mình sao được, khi
quá nửa đời người văng vật trên con đường chướng gió kinh niên, nay nhìn
lại ta đã không còn nhận ra mình. Không giật mình sao được , khi cái thứ gió quái đản đâu chỉ làm biến dạng một mình “ta”, mà “nó”, đã làm biến dạng cả một đất nước, biến dạng cả một dân tộc, biến dạng
bao thế hệ. Ôi! Những câu thơ Hoàng
Quý cứ nhói nhức cứa vào lòng. Nhỏ máu!
Ở trên, tôi đã nói đến chuyện lá
xanh, lá đỏ, vậy cũng xin được nói cho trọn ý luôn. Hành trình từ xanh đến đỏ,
rồi vàng, rồi rụng của cây, cỏ trong thiên nhiên chỉ trọn một vòng quay sinh diệt. Lá rụng rồi, cây lại bát ngát xanh, lại sáng
bừng chồi non lộc biếc, ngập tràn mơ ước, hy vọng có thật cho một mùa mới sinh
sôi. Còn hành trình của dân tộc mình đến ĐỘC LẬP -TỰ DO – DÂN CHỦ - VĂN MINH,
nếu tính từ 1930 đến nay cũng ngót 100 năm, mà xem ra đích đến vẫn còn mờ xa lắm.
Chao ôi! Cái sự “lá xanh”, “lá đỏ” trong văn nghệ minh họa, tụng ca mới nghiệt
ngã biết chừng nào. Với “Lá xanh”, Hoàng Việt cho thấy hình ảnh các “anh trai
làng” phới phới tuổi thanh xuân hăm hở
tòng quân đi chiến dịch. Còn trong “Lá đỏ”, tôi tuyệt nhiên không thể
xác định được “ào ào lá đỏ” là vào mùa nào của trời đất ? Thì ra tác giả đã minh họa về cái “mùa chiến dịch” thật là hoành tráng với
ào ào lá đỏ, bụi bay mù trời. Tôi bỗng
nhớ đến mấy câu thơ : “Máu và máu trộn
vào nước mắt – Cờ với cờ rờm rợp phía trời xa” (*). Để rồi từ đó tôi suy ngẫm mông lung mãi về thông điệp của “Đêm nghe gió qua vườn” đã được Hoàng Quý
dụng công dồn vào hai câu kết:
Và, có thể lối chìm hoa cỏ ấy.
Nhắc những lời hoa rụng một ban
mai.
Đã có ý kiến cho rằng, từ cái sự “ly khách” trong “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, muốn nghĩ muốn luận đến cái sự
“về” của “Đêm nghe gió qua vườn”? Tôi chỉ xin được có vài ý trao đổi thêm như
sau: Ai cũng biết, trong bối cảnh đất nước ở thời điểm Thi sỹ Thâm Tâm viết “Tống
biệt hành” , một trở ngại lớn nhất khiến các con đường sáng đưa đất nước, dân tộc
thoát khỏi vòng nô lệ do hai Cụ: Phan Châu Trinh – Phan Bội Châu khởi xướng, đều không thể thực hiện được, là
vì dân trí nước ta quá thấp. Ngay cả những người cầm bút xuất hiện còn rất thưa
thớt lúc bấy giờ thì đa phần có “máu nghệ sỹ” nổi trội, thích phiêu du, lang bạt,
chơi bời… Và, nói chung là yếm thế. Ở một
khía cạnh nào đó, cái “sự đi” trong Tống biệt hành có vẻ lên gân, có vẻ rất quyết
chí đấy, nhưng xem ra nó vô định lắm. Đi đâu? Đi thế nào? Đâu là đích đến? Cái
“chí nhớn” cũng thật mông lung. Tuy nhiên, đó lại là chuyện khác. Chỉ biết, những
câu chữ giỏi, giàu hình ảnh, thi điệu tiêu dao được trải ra trong toàn bài thơ
về một cuộc ly tao làm lay động lòng người đã khiến “Tống biệt hành” được coi
là một tuyệt phẩm suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đó là sự may mắn rất hiếm có trong đời
cầm bút ngắn ngủi của Thâm Tâm. Thế thì, cái “sự đi” trong Tống Biệt hành không
thể và dứt khoát không thể trở thành logic trong cái “sự về” của “Đêm nghe gió
qua vườn”. Này nhé, ta đã trở về sau cả một đời “đi” trong ngộ nhận; con đường
chướng gió mà ta dấn thân. Sự cả tin mà “ta đã đi không chút e dè…” giữa “Những
- hy - vọng - rưng - rưng - xác - lá” ấy ta đã nhãn tiền. Khi hết ấu trĩ , mê
lòa, ta chợt tỉnh, cũng có nghĩa là ta nhận diện ta (và không riêng ta):
Ở phía trước
Ở phía trước nữa
Ai như ta?
Ai đã là ta?
Chao ôi! Đời nến sáp
Ta đấy à, hay chưa từng ta?
Bởi, nếu thời trai trẻ với trái tim cuồng nhiệt cùng biết
bao hy vọng đến mức rưng rưng kia, thì
nay đã thấy rồi, trần trụi cái sự thật kinh hoàng, khó còn có thể lấp liếm,
che đậy, từng lừa mị cả mấy thế hệ.
Và:
“Những - hy - vọng - rưng - rưng -
xác - lá
Chết - tưng - bừng - như - máu - hôm
- qua”
Có lẽ là trong rất hiếm hoi những
câu thơ giỏi và hay vào bậc nhất của văn đàn nước ta chuyển tải được cái thông
điệp mà tôi nói ở trên.
Nhìn từ phạm trù thế giới quan, thế
giới quan của Thâm Tâm trong “Tống biệt hành” và thế giới quan Hoàng Quý trong
“Đêm nghe gió qua vườn” là hai phạm trù hoàn toàn độc lập, thậm chí hoàn toàn
khác biệt, khác biệt rành rẽ. Ở Thâm Tâm, cuộc tiễn đưa trong bối cảnh lịch sử
là đêm trước của một tiếng nổ lớn, tất yếu. Ở Hoàng Quý là cuộc thức ngộ không
dễ dàng mà anh đồng hành, anh chứng nhân, anh thuộc về nó, nó cuốn phăng anh, bắt
anh và không riêng anh vần vũ trong cơn bão ấy, rồi đi tới nghiệm chứng. Do vậy,
càng có cơ sở để thêm một lần nữa khảng định, cái sự “đi” trong “Tống biệt
hành” không, và vĩnh viễn không logic với cái sự “về” trong “Đêm nghe gió qua
vườn”.
Ở Trung Quốc trong mấy thập niên
sau Đại Cách mạng Văn hóa điên khùng, đã xuất hiện “dòng văn học vết thương”,
nhận thức lại những ấu trĩ một thời đã trở thành tội ác. Những nhà văn Trung Quốc
chân chính đã và đang làm tất cả những gì thuộc thiên chức mà thượng đế đã ban
cho họ. Nếu không làm, họ sẽ mãi còn món nợ lớn với nhân dân của mình.
Tôi nghĩ, sau chừng ấy năm cầm bút,
bằng tài năng cùng trái tim nhân hậu, “Đêm nghe gió qua vườn” (và tất nhiên,
nhiều thi phẩm khác của Hoàng Quý) đã làm nên tên tuổi ông – một nhà thơ mà cả
tư duy và chiều kích tác phẩm mang sức đi xuyên thời gian.
Nha Trang 11/2012
Nguyễn Chính
(*) Thơ Nguyễn Chính; nguồn: Nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ Nguyễn
Chính; Chimviet. Free.fr.