Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, April 2, 2021

THĂM LẠI VƯỜN XƯA - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

 

Nhà thơ Lê Thanh Hùng

Chùm thơ Lê Thanh Hùng


Thăm lại vườn xưa


Vườn xưa lá đổ đầy tay

Bỏ quên từ những tháng ngày rong chơi

Biết người lọc lõi trải đời

Sao không mua được tiếng cười của em?

Bên bờ cỏ đẫm sương đêm

Lời ca ai hát, cũ mèm xa xôi

Lẫn mờ góc khuất, chìm trôi

Bao năm sóng dập gió dồi phôi phai

Bóng đêm mờ tỏ mắt ai

Gì đâu mà phải giãi bày với nhau

Vườn xưa, mùa cũ bợt màu

Còn nguyên dáng đợi, rũ nhàu giấc mơ



Hồng Phong trong ngày mới


Trời vẫn trong xanh, chiều căn cứ cũ

Người dang tay, rộng mở một tầm nhìn

Vùng đất cũ như đãi người lưu trú

Sống chan hòa, cố kết lại niềm tin

                    *

Đất hoang sơ, ngập tràn bao dự án

Cuộc sống sắc màu hướng tới tương lai

Thực tế này, có gì đâu lãng mạn

Biết chuyện đời, thì có đúng có sai

                    *

Tất cả, bởi do con người tất cả

Từ tay không, bươn trải để làm nên

Xấu tốt, về đây ăn chung ở chạ

Đất anh hùng, vẫn đón mặt trời lên

                    *

Em về chưa, mùa Sài hồ chớm rộ

Rừng khô cong khê đọng tiếng ong rơi

Lấp lóa điện mặt trời treo lổ chổ

Nắng ngàn năm nay tiếp sức cho đời

                    *

Về đi em, quê hương mình đổi mới

Cây trái vụ, mùa này vẫn mướt xanh

Qua gian khó, bao tháng ngày mong đợi

Nắng lung linh, hoa chi chit đầu cành …



Anh đứng giữa


Những người dường như có tất cả

Và những người thiệt tình không có gì cả


Nhọc nhằn trong bươn chải lặng thầm

Với niềm tin, lẽ công bằng làm chổ dựa

Mặc cho sóng gió cuộc đời, vọng đổ âm âm …




Con sóng soãi mình trên bãi vắng


Cuộn tròn trong một nỗi khát khao

Em ắp lẫm, bãi bờ phẳng lặng


Cuống quýt ngày đi, theo vạt nắng hanh hao

Một mình đứng, tự dưng lòng trĩu nặng

Gió cứ lao xao đong ký ức ngọt ngào



Chia tay Phan Thiết


Tóc em rối 

Trong chiều ly biệt

Vầng trăng vỡ 

Trắng trời Phan Thiết

Nghe âm thầm 

Đau đáu hương xưa

Tiếng sóng vỗ 

Rã lòng ai biết

Chỉ nữa lời thôi, đã thấy thừa

                 9/91

Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - THĂM LẠI VƯỜN XƯA - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

CÔ BÉ NGÀY XƯA - Thơ Phong Nguyễn

 


CÔ BÉ NGÀY XƯA

Phong Nguyễn


Có lẽ thế!  Đã lâu rồi không gặp

Ngày anh đi em qua tuổi mười ba

Mái tóc đong đưa thắt gút đuôi gà

Bước chân sáo mỗi chiều khi tan học

Con đường làng nắng nghiêng hàng tre mọc

Bóng tà rơi lơ đãng khói chiều đưa

Lỡ một câu... Anh chỉ lỡ nói đùa

Em bật khóc để xốn lòng anh mãi

Rồi thời gian lặng thầm trôi khắc khoải

Xa lắm rồi... Xa đến mấy mươi năm

Lũy tre xưa vẫn nương bóng trăng rằm

Đong đưa nhớ bao tháng ngày lỡ hẹn

Anh nhớ mãi cái mĩm  cười bẽn lẽn

Như nụ hồng thoáng nở nhẹ trên môi

Chỉ nhìn nhau mà chợt thấy xa xôi

Bởi day dứt chưa vuông tròn nỗi nhớ

Năm tháng đó tuổi thơ nhiều vô cớ

Chút dỗi hờn- chút nhớ- chút thương thương

Để nhiều khi lòng cứ thấy vấn vương

Bởi vô cớ - cho ta hoài nỗi nhớ

Rồi chiều nay tình cờ qua giữa phố

Nhận ra em trong sắc tím hoa cà

Vẫn mắt ấy đượm buồn nét phôi pha

Chỉ cười nhẹ... Dạ! Lâu rồi không gặp

Nhìn thấy em...Ta biết mình đã sắp...

Tuổi  thơ ơi !!..

Cô bé tóc đuôi gà...

.

        02 - 4 - 2017                  

               PN    

READ MORE - CÔ BÉ NGÀY XƯA - Thơ Phong Nguyễn

"MÂY TRẮNG BÊN TRỜI" HOÀI VỌNG - Võ Văn Luyến đọc thơ Nguyễn Văn Trình


Nhà thơ Nguyễn Văn Trình và nhà thơ Võ Văn Luyến.


"MÂY TRẮNG BÊN TRỜI" HOÀI VỌNG

Võ Văn Luyến, Nhà thơ-Ths-Gv trường CĐSP Quảng Trị

       

          Thơ, ở khía cạnh nào đó, là sự trở về bản ngã hồn nhiên nhất của con người. Trần Mạnh Hảo xác quyết, “thơ chính là tuổi thơ của loài người”. Người làm thơ mang con mắt trần gian thanh lọc những che khuất rối nhiễu, trả lại nguyên khôi điều ước trong veo như trời xanh mây trắng. Đấy là cái nhìn của tôi khi đọc Mây trắng bên trời của nhà giáo – thi sĩ Nguyễn Văn Trình. Chưa vội bàn câu chữ, chỉ dừng lại ở tình cảm, cảm xúc xuyên suốt trong thơ anh không thôi đã thấy lấp lánh một tinh cầu ấm áp, một tươi rói yêu thương và chia sẻ. Đã ngoài cái tuổi tri thiên mệnh, người thơ nuôi dưỡng được trạng thái chồi non lộc biếc đến nhường ấy đáng để bầu bạn cùng trang lứa như chúng tôi thán phục.

Tổng quan thì như thế, nhìn sâu hơn  không hẳn. Thơ anh không thiếu những miên trường thao thức, những băn khoăn day dứt, và tất nhiên, lắm khi ta bắt gặp những chiêm nghiệm đúc ra từ cuộc sống. Dầu vậy, ta vẫn yêu hơn những câu thơ sáng trong lặng lẽ của anh. Đó mới thực sự là những tín hiệu tâm hồn nhấp nhánh nguồn sáng dịu êm đính lên khung trời hoài niệm:

Nhớ mùa xanh lá vẫy môi chào

Ôi hồn nhiên nắng ngọt chiêm bao

             (Nắng chiêm bao)

 Hay:    

Em về buốt tím hoa mua

Đường côi mấy nẻo gió lùa hồn anh

                (Em về bên ấy)

 

Hình bìa của tập thơ "Mây trắng bên trời"

          Có thể nói, nội cảm hóa thế giới thực tại làm nên hồn vía và sức sống câu thơ. Gần gủi hơn, làm cho cuộc sống quanh ta thêm phần thú vị bởi trên dòng đời lũ cuốn làm ta tỉnh thức những nhớ quên giữa ngổn ngang sấp ngữa.

          Không gian tự tình trong Mây trắng bên trời mang những ảnh hình thân thương, thân quen, thân thuộc với nghề cầm phấn, với nõn mây thấp thoáng dưới bóng phượng hồng, với cánh bướm bâng khuâng chập chờn vẫy gọi ở nơi xa nào, với những bông hoa chớm nở vội rã rời trước nắng mưa cuộc đời dội xuống... Tất thảy được người thơ nâng niu, trân trọng trong cảm thức miên man trăn trở thường trực.

          Lặng lẽ viết, lặng lẽ tự tình với những con chữ tí tách nẩy mầm yêu thương và khát vọng, Nguyễn Văn Trình đến với thơ bằng hiển tâm của người mang sứ mạng chở đạo. Chính thiên chức nhà giáo – thi sĩ đã giúp anh hái được những bông thơ sắc thắm bên trời. Và bạn đọc sẽ thấy nhiều vẻ đẹp khi dạo vườn thơ của anh.

Tác phẩm thơ, tự thân nó làm nên một định nghĩa; mỗi chủ thể sáng tạo, đến lượt mình, cũng có thể được xem như vậy. Người đọc có quyền đòi hỏi người thơ nhiều thứ nhưng không thể không ghi nhận một tấm lòng trải ra trên trang giấy. Đấy là cái định nghĩa lung linh sinh động bằng sự sáng tạo lại vẻ đẹp thế giới của riêng mình. Riêng điều ấy thôi, thơ của nhà giáo – thi sĩ Nguyễn Văn Trình đủ để gầy dựng một một sẻ chia với người đọc, tôi tin như thế.

                         Đông Hà, ngày 20/ 07/2011.                             Nhà thơ  V.V.L.


READ MORE - "MÂY TRẮNG BÊN TRỜI" HOÀI VỌNG - Võ Văn Luyến đọc thơ Nguyễn Văn Trình

TUỔI ĐỜI - Thơ Như Thu

 


TUỔI ĐỜI 


Lên MƯỜI TUỔI đẹp lắm đa
Đến trường siêng học về nhà ham chơi 
Mẹ khuyên hãy nhớ vâng lời
Con mà chăm học thảnh thơi sau này
  
Thời gian tựa thể chim bay 
HAI MƯƠI TUỔI ngọc suốt ngày mộng mơ 
Bâng khuâng dạ mãi ngóng chờ 
Vào ra lẩm nhẩm làm thơ tập tành

BA MƯƠI TUỔI đến thật nhanh 
Yêu người hợp ý duyên lành kết đôi
Tình sâu nghĩa nặng đây rồi 
Nụ cười quyến rũ bờ môi thắm hồng 

BỐN MƯƠI TUỔI lại hoài mong
Ra ngoài lũ bạn hết lòng đón đưa
Niềm vui biết kể sao vừa
Buồng tim rộn rã nắng mưa mặc trời

NĂM MƯƠI TUỔI lệ đầy vơi
Giọt dài giọt ngắn đẫm lời bi ai
Bây chừ dạ hổng còn say 
Bình yên cảm nhận tương lai đón chào

Mười năm vùn vụt trôi mau
SÁU MƯƠI TUỔI đấy ôi chao giật mình!
Thì thầm vóc đã kém xinh
Bây giờ rất ngại gởi hình cho xem

BẢY MƯƠI TUỔI hạc khổ em
Thương già mắt mũi kèm nhèm xót thân 
Canh dài xoa bóp bàn chân
Chập chờn giấc ngủ bần thần hổng vui

TÁM MƯƠI TUỔI thọ anh tui
Đứng đi nhờ gậy bùi ngùi xót xa
Mặc cho giữa chốn ta bà
Chọn ngay điệp khúc đồng ca giải sầu

Quẳng ngay những chuyện lo âu
CHÍN MƯƠI THƯỢNG THƯỢNG mong cầu nữa chi?
Đã qua cái thủa xuân thì 
Cao lương mỹ vị món gì cũng chê

MỘT TRĂM TUỔI chẵn thích ghê 
Giữ hồn an lạc hướng về tâm linh
Chiều nay tự nhủ riêng mình
Không nghe không nói không nhìn hiểu không?

Như Thu

READ MORE - TUỔI ĐỜI - Thơ Như Thu

BÀN VỀ CHỮ “BUÔNG” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN TRONG “ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI” - Phạm Đức Nhỉ


 
 

BÀN VỀ CHỮ “BUÔNG” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN 

         TRONG “ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI” 


Vài Lời Phi Lộ 


Từ bài viết Hiểu Đúng Nghĩa Câu Hát Của Trịnh Công Sơn Như Thế Nào? của giáo sư Hoàng Đằng đã dẫn đến một cuộc trao đổi văn học nho nhỏ khá lý thú. Mỗi người một cách hiểu, một cách dẫn giải khác nhau. Mỗi người một “tấm lòng”, nhất định không chịu “Để Gió Cuốn Đi”. Và thế là chỉ cần một câu nói vô tình của người này “đụng chạm” đến “tấm lòng” của người khác, cuộc trao đổi văn học nho nhỏ đã biến thành một cuộc tranh luận nảy lửa. Có người mải mê ham vui đã ít nhiều bị “văng miểng”. 

Độc giả có thể đọc bài viết của giáo sư Hoàng Đằng theo link dưới đây: 

https://vannghequangtri.blogspot.com/2018/11/hieu-ung-nghia-cau-hat-cua-trinh-cong.html

Cô giáo Vân Anh ở Đà Nẵng, bạn Facebook, đứng ngoài theo dõi cuộc tranh luận, nhắn tin cho tôi (đại ý): “Nếu có dịp viết về Trịnh Công Sơn, anh viết mở rộng một tý để em được học hỏi thêm.” Tôi nghĩ rằng, muốn hiểu một chữ, để chắc ăn, nên hiểu nó trong khung cảnh một câu, có khi cả đoạn. Hiểu một câu hát, muốn khỏi bị lầm, phải hiểu câu hát ấy trong khung cảnh của cả bản nhạc. Đọc kỹ lại các ý kiến tranh cãi thấy mọi người chỉ nhắm vào, xoáy vào một câu hát nên đôi khi, theo tôi, hơi bị “lệch” với ẩn ý của tác giả. Nhân có lời yêu cầu của cô giáo, tôi nảy ra ý định bàn rộng ra một tý để mọi người thấy được bức tranh toàn cảnh của bản nhạc.  

Vì thế, xin phép những đôc giả khác cho tôi được tặng bài viết này cho cô giáo Vân Anh. 

Với tôi, đây là đề tài quen thuộc, lại nhân dịp lễ nên rảnh rỗi hơn khi viết những bài khác. Vì thế, cũng có chút tự tin khi đem bài viết trình làng. Nhưng dù tự tin đến mức nào đi nữa, đây cũng chỉ là quan điểm của riêng cá nhân mình. Rất sẵn sàng và vui vẻ đón nhận ý kiến phê bình từ những góc nhìn khác.   

Để Gió Cuốn Đi

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng 
Để làm gì em biết không? 
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi 


Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông 
Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông 
Ôi trái tim đang bay theo thời gian 
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian 

Những khi chiều tới cần có một tiếng cười 
Để ngậm ngùi theo lá bay 
Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi 

Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình 
Chỉ lặng nhìn không nói năng 
Để buốt trái tim, để buốt trái tim 


Trong trái tim con chim đau nằm yên 
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu 
Một sớm mai chim bay đi triền miên 
Và tiếng hót tan trong trời gió lên 

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người 
Còn cuộc đời ta cứ vui 
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai 

(Trịnh Công Sơn, 1973) 

Theo tôi, ca từ của bản nhạc có thể chia làm 4 đoạn: 

1/ 

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng 
Để làm gì em biết không? 
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi 


Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông 
Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông 
Ôi trái tim đang bay theo thời gian 
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian 

Tôi hiểu “tấm lòng” ở đây là tâm ý tốt lành, cao thượng, hành xử nhân ái, vị tha … (theo cách đánh giá của chính người có “tấm lòng” đó).

 Ai tôn vinh hoặc có thiện cảm với “tấm lòng” đó sẽ là bạn hoặc đồng minh. Người nào coi thường hoặc xúc phạm đến “tấm lòng” ta sẽ bị coi là kẻ xa lạ, thậm chí kẻ thù. Sự yêu mến, thù ghét phát sinh từ đó sẽ làm ta mờ mắt, nhìn cảnh vật, cuộc đời quanh ta sai lạc. 

Thương nhau củ ấu cũng tròn 

Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông 

(Ca dao Việt Nam)

Không phải là nếu không để gió cuốn “tấm lòng” đi thì mây sẽ không qua dòng sông và ngày sẽ không lên hoặc đêm sẽ không xuống – thời gian sẽ ngừng trôi. Thật ra, vũ trụ vẫn vận hành, lẽ vô thường vẫn chi phối vạn vật – nghĩa là mây vẫn qua dòng sông, ngày vẫn lên, đêm vẫn xuống như thường lệ. 

Nhưng vì nếu gió không cuốn “tấm lòng” đi thì nó sẽ phủ mờ tâm trí ta, che mắt ta, khiến ta dù chưa bị đưa vào nhà thương Chợ Quán, chỉ số IQ rất cao, mắt vẫn mở to, nhưng lại suy nghĩ, hành xử như một gã ngu ngơ khờ khạo, không thấy, không biết hoặc thấy biết một cách sai lạc những sự vật, sự việc hiển nhiên ở quanh ta. 

Để chứng tỏ mình là người có “tấm lòng” lớn, là dân điệu nghệ trong tình yêu – khi đã yêu là yêu hết lòng nên xa người yêu là nhớ thương khôn xiết – một anh người Hoa nào đó đã phát biểu: 

Nhất nhật bất kiến như tam thu hề 

(Một ngày không gặp dài bằng 3 năm) 

Thế đấy! Vũ trụ vẫn vận hành, thời gian vẫn qua đi, qua đi đều đặn, nhưng dưới mắt những người muốn biểu lộ “tấm lòng” thì hình như nó đang ngừng trôi hoặc trôi rất chậm – chậm đến cả ngàn lần.

Lúc đó, theo Trịnh Công Sơn thì:

Ôi trái tim đang bay theo thời gian 
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian 

Sự quảng bá “một tấm lòng” – tâm ý tốt lành, thanh thản, cách hành xử nhân ái, vị tha, cao thượng – của chính mình thoạt nhìn tưởng chừng như một việc làm cần thiết, có lợi cho nhân quần, xã hội. Thực tế đã chứng tỏ ngược lại. Muôn ngàn trường hợp vì muốn loan truyền, bảo vệ tiếng tốt cho mình và gia đình, con người đã phải gian dối, lừa đảo, nhiều khi còn phạm cả những tội ác to lớn. Lắm khi vì hám danh, “tấm lòng” ít lại xít ra nhiều, không có “tấm lòng” cũng tìm cách mua hoặc tạo “tấm lòng giả” để lên mặt, lấy le với đời. 

Biết bao nhiêu những nhà lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo quốc gia, chính trị gia – để giữ bí mật, bảo vệ “tấm lòng giả” của mình – đã lừa phỉnh giáo dân, dối gạt dân tộc. Không ít trường hợp đã xuống tay tạo vô vàn tội ác.

“Tấm lòng” do đó, với người chính trực, nhiều khi lại là gánh nặng cho bản tâm.


Đoạn đầu của bản nhạc có thể hiểu như sau: Mỗi người đều có một “tấm lòng”, một niềm tự hào (thực sự hay giả tạo) về nhân cách của mình. Hãy “để gió cuốn đi” cho tâm thanh thản. Nếu không, chính “tấm lòng” đó sẽ là khởi điểm của vạn lời dối gian, của muôn ngàn tâm sở bất thiện. 

2/ 

Những khi chiều tới cần có một tiếng cười 
Để ngậm ngùi theo lá bay 
Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi 

Cuộc đời cũng có lúc hạnh phúc, tâm trạng vui vẻ, và dĩ nhiên, cũng cần có tiếng cười. Nhưng cũng không nên cố bám giữ hoặc nuối tiếc tâm trạng hạnh phúc, tiếng cười vui vẻ đó làm gì. Hãy để nước cuốn trôi.

3/ 

Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình 
Chỉ lặng nhìn không nói năng 
Để buốt trái tim, để buốt trái tim 


Trong trái tim con chim đau nằm yên 
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu 
Một sớm mai chim bay đi triền miên 
Và tiếng hót tan trong trời gió lên 

Đến tuổi biết suy nghĩ và có cảm xúc ai chẳng sở hữu một (hoặc vài) “con chim đau, mang vết thương sâu” nằm đâu đó trong tim. Đừng ôm ấp chú chim tội nghiệp ấy như một “thú đau thương”. Hãy mở cửa trái tim để chim bay đi cho nhẹ lòng, cho tâm hồn thanh thản.

Đến đây, qua 3 đoạn nhạc, TCS đã thể hiện chữ “buông” ở 3 trạng thái tâm: 

     a/ Với “tấm lòng”: Hãy “để gió cuốn đi”

     b/ Với hạnh phúc (tiếng cười): Hãy để nước cuốn trôi.

     c/ Với khổ đau, bất hạnh: Hãy mở cửa trái tim để “con chim đau, mang vết thương sâu” bay đi. 

4/

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người 
Còn cuộc đời ta cứ vui 
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai

Để hiểu rõ đoạn kết có lẽ cần nhìn “tấm lòng” kỹ lưỡng hơn chút nữa.

Có hai loại “tấm lòng”. 

1/ “Tấm lòng” hướng ngoại: Là “tấm lòng” của ta dưới con mắt người đời (reputation: tiếng tăm). Người xây dựng tấm lòng theo lối hướng ngoại rất chú ý đến dư luận. Mỗi hành xử đều ra sức chiều ý, lấy lòng người đời để được tiếng tốt. Đây là loại tấm lòng giả, xây trên cát, rất dễ sụp đổ. “Tấm lòng” loại này sẽ sản sinh ra “cái tôi văn hóa” – cái tôi để sống với xã hội.

2/ “Tấm lòng” hướng nội: Là “tấm lòng” thật của chính ta. Mỗi suy nghĩ, mỗi hành xử đều tuân theo mệnh lệnh của trái tim, bất cần dư luận người đời, bất cần thiên hạ. Đây là loại “tấm lòng” TCS muốn muốn đề cập. Chính “tấm lòng” này sẽ sản sinh ra “cái tôi đích thực”.

Trịnh Công Sơn sử dụng đoạn kết của bản nhạc để dẫn độc giả đến một “tấm lòng” rộng hơn, sâu hơn. Theo ông, dù là “cái tôi văn hóa” hay “cái tôi đích thực” cũng là bản ngã, cũng là hình bóng của chính ta. Hãy cứ yêu đời và vui sống dù cái bản ngã đó đã “vắng bóng”, đã đuợc “gió cuốn đi”.  Có thể nói Trịnh Công Sơn – với một trí tuệ sáng suốt khác thường – mới khoảng trên 30 tuổi (1973), đã thả tầm mắt của mình đến tận trạng thái vô ngã của cái tâm con người.

Lỗi Kỹ Thuật

1/

Nghe rồi đọc kỹ phần đầu của câu hát:

“Những khi chiều tới cần có một tiếng cười”

trong tôi bỗng nẩy ra 2 câu hỏi:

     a/ Tại sao phải chiều tới mới cần một tiếng cười? Nếu ở thời điểm khác trong ngày mà bụng vui, miệng muốn cười thì sao? Chẳng lẽ phải bụm miệng lại chờ đến khi chiều tới? 

     b/ Nếu chiều tới mà bụng không vui, miệng không muốn cười thì sao? Chẳng lẽ tự nhiên lại ngửa cổ cười kha kha kha cho những người quanh ta tưởng ta điên? 

Dĩ nhiên, người nghe nhạc hiểu biết rồi cũng nhận ra ý tác giả. Nhưng một tác phẩm nghệ thuật mà câu văn không thể “vẹn cả đôi đường” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) thì uổng quá.

Rồi còn phần sau:

để ngậm ngùi theo lá bay

Rồi nước cuốn trôi. Rồi nước cuốn trôi.

trong đó “ngậm ngùi” có nghĩa là buồn và thương xót âm thầm lặng lẽ.

Nói đến chữ “buông” mà “buồn và thương xót âm thầm lặng lẽ” khi tiếng cười bị “nước cuốn trôi” thì làm sao “buông” được? 

Hai chữ “ngậm ngùi” đã làm câu nhạc dở hẳn đi.

2/

Cấu trúc của dòng nhạc và ca từ không song song, đồng bộ. 

Độc giả thử cùng tôi nghe câu nhạc ở đoạn đầu: 

“Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi”.

Và ở đoạn 2: 

“Rồi nước cuốn trôi. Rồi nước cuốn trôi”. 

Hai câu nhạc có âm và nhịp điệu hoàn toàn giống nhau. Về ý thì cùng nói đến chữ “buông”. Câu ở đoạn đầu nói đến sự buông bỏ “tấm lòng”; hiểu rộng ra là nhân cách hay bản ngã. Câu ở đoạn 2 nói đến sự buông bỏ tiếng cười, nghĩa là niềm vui hay hạnh phúc. 

Ấn tượng về sự buông bỏ đang bắt rễ thì ở đoạn 3, cũng câu nhạc có âm và nhịp điệu đó, thay vì nói đến sự buông bỏ nỗi khổ đau, niềm bất hạnh – chẳng hạn như: 

“Để chim bay đi. Để chim bay đi” (Tôi chỉ nói ý; nếu muốn hợp với âm điệu của câu nhạc phải tìm nhóm chữ khác)

để có hiệu ứng cảm xúc của sự lập đi, lập lại nhiều lần một ý tưởng thì lại bị dùng để diễn tả chính nỗi khổ đau, một ý hoàn toàn khác: 

“Để buốt trái tim. Để buốt trái tim”. 

Còn sự buông bỏ nỗi khổ đau thì phải chờ đến cuối đoạn – câu nhạc có âm và nhịp điệu khác hẳn: 

“Một sớm mai chim bay đi triền miên

Và tiếng hót tan trong trời gió lên” 

Cách diễn đạt như vậy làm người nghe nhạc và người đọc ca từ khó “bắt” được ẩn ý của tác giả. Mà nếu nhờ đọc kỹ và “bắt” được ẩn ý đó thì ấn tượng cũng không được sâu sắc. 

Hơn nữa, trong đoạn đầu có phần sau khá dài nói đến cái lợi của việc “để gió cuốn đi” (2 câu đầu) và hậu quả của sự cố chấp, nuối tiếc, không dám hoặc không có khả năng buông bỏ (2 câu sau):

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông 
Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông 
Ôi trái tim đang bay theo thời gian 
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian 

Cho nên đoạn 3, vì không cần lập lại cái ý đó nữa, sẽ có một đoạn nhạc trống, không có ca từ.

Ý chính của đoạn 3 chỉ còn là: “Nếu có con chim bị thương nằm đâu đó trong tim, hãy để nó bay đi cho nhẹ lòng, cho tâm hồn thanh thản” (24 chữ). Vì thừa nhạc nên Trịnh Công Sơn phải thêm 31 chữ nữa (tổng cộng 55 chữ) trong ca từ để lấp chỗ trống. Chính vì thế đoạn nhạc này có nhiều chữ, nhiều câu nếu không “vô tích sự”, thí dụ như: 

Chỉ lặng nhìn, không nói năng

thì cũng chỉ đóng vai “thợ vịn”, đóng góp rất ít cho đoạn nhạc.

Chỉ Có Lý – Chưa Có Sự

Một điểm yếu nữa của Trịnh Công Sơn trong Để Gió Cuốn Đi là mặc dù được diễn tả bằng ngôn ngữ thơ ảo diệu, hình tượng gợi cảm, thông điệp về chữ “buông” của ông đến từ bộ óc chứ không phải con tim. Nói khác đi, nó là sản phẩm của lý trí. Theo tôi, ông đã hiểu, đã ngộ, đã “thấy’ một cách sâu sắc, đến ngọn đến ngành nguyên nhân nỗi khổ tâm của con người. Tuy nhiên, thông điệp của ông, theo ngôn ngữ thơ, chỉ có ý mà chưa có trải nghiệm; theo ngôn ngữ thiền, chỉ có lý mà thiếu sự – ông chưa đưa tâm của mình vào khung cảnh bản nhạc để thực chứng ý tưởng về chữ “buông” của mình. 

Kết Luận

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.

(Bùi Giáng)

Miên trường, theo tự điển Phật Học có nghĩa là dài lâu, vĩnh cửu. Đó là 2 câu thơ – như một lời chào – Bùi Thi Sĩ muốn gởi đến những người bạn đã “thấy”, đã ngộ được chữ “buông”. Lúc ấy, họ đã bỏ sau lưng những tháng năm dài mê muội, chấp giữ, tiếc nuối, để thấy phía trước là một mùa xuân bất tận – tâm nhẹ nhàng, thanh tịnh. Với một trí tuệ như thế, một cái tâm như thế, tuy bến bờ giải thoát cũng còn một khoảng cách nữa, nhưng không phải là đã nắm chắc trong tay chiếc chìa khóa có thể mở cánh cổng bước vào những đoạn đời an lạc để thanh thản vui sống hay sao? 

Nếu có ai đó trong số độc giả “thấy” được điều này chắc sẽ nhớ đến Trịnh Công Sơn, ngưỡng mộ và cảm mến một nhạc sĩ tài hoa, có cái nhìn sắc bén, chạm đến được chỗ sâu kín nhất của tâm hồn con người. Nhưng nhớ, ngưỡng mộ và cảm mến một chút vậy thôi. Sau đó, chắc rồi cũng như tôi, sẽ lại “để gió cuốn đi”. 

Texas ngày 28 tháng 12 năm 2018

PHẠM ĐỨC NHÌ


Nguồn: Quảng Ngãi Nghĩa Thục

https://nghiathuc.com/2019/01/02/ban-ve-chu-buong-cua-trinh-cong-son-pham-duc-nhi/

READ MORE - BÀN VỀ CHỮ “BUÔNG” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN TRONG “ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI” - Phạm Đức Nhỉ

CHÙM THƠ “GỬI” CỦA LÊ VĂN TRUNG


 


GỬI CHÚT NẮNG VÀNG
 
Cho tôi gửi chút mây về phương ấy
Chút nắng vàng vòi vỏi một mùa đông
Và tình tôi vời vợi cõi mù sương
Tôi sẽ tan theo gió mùa đông bắc
 
Xin trải hết nắng hồn tôi ngũ sắc
Cho tóc người vàng rối một vườn xanh
Cho mắt người lóng lánh một màu trăng
Cho trắng xóa áo chiều bay trắng gió
 
(Ôi từ buổi áo người trôi qua phố
Đã trôi hoài trong nhung lụa tình tôi)
Xin nắng vàng tôi phủ ấm vai người
Xin nắng vàng tôi tô hồng môi ngọc
 
Xin nắng vàng tôi nhuộm tình lên tóc
Như thuở tình chưa vàng lạnh gió heo may
Như thuở hồn tôi ngào ngạt một hồn say
Trong đôi mắt: một mùa thu huyền thoại
 
Cho tôi gửi tình tôi thắm màu nắng mới
Xin trải vàng trên từng bước chiêm bao
Tôi giữ cho mình một nỗi nhớ xanh xao
Xin gửi hết trời Nam về phương ấy.
                       
 
GỬI HOÀNG LỘC, 
GỬI DÒNG MISSISSIPPI
 
Ông ở bên kia cuối trời luân lạc
Tôi ở quê nhà sao đời long đong
Ôi gọi quê nhà mà buồn muốn khóc
Trước mặt sau lưng bóng tối mịt mùng
 
Ông có dòng sông bên đời xa xứ
Tôi khát cháy lòng khe suối cạn khô
Ông sẽ nương theo mà về với biển
Tôi giạt phương nào lạnh ngắt hư vô
 
Ông ngồi nhìn sông tưởng chiều cố quận
(Đâu biết quay về vườn cũ còn xanh?)
Tôi ở quê nhà mà lòng ly tán
Nhìn đất nhìn trời thương mẹ thương em
 
Mẹ nằm quạnh hiu bên bờ ruộng cạn
Em thì lênh đênh ba giập bảy vùi
Ông có thương về nỗi đời lận đận
Chẳng khác đời ông sóng giạt bèo trôi
 
Thôi thế, tôi, ông đành mỗi ngã
Sông chảy phương người nhớ mãi sông quê
Xin chảy vào nhau một DÒNG SÔNG LẠ
Nối lại trăm năm trong cõi ta về.
 
                                             Lê Văn Trung 
READ MORE - CHÙM THƠ “GỬI” CỦA LÊ VĂN TRUNG