Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 21, 2019

LỤC BÁT MỖI NGÀY - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn



        Nhà thơ  Nguyễn Lâm Cẩn
       

LỤC BÁT MỖI NGÀY

1
Trông theo một chấm mờ dần
Lòng như gió đục mây vần đổ mưa.
Như bào như cắt như cưa
Nỗi cô như thể người thừa trần gian

2
Trông theo nào thấy đâu nào
Một mình một bóng ra vào ngẩn ngơ
Còn chi mà đợi mà chờ
Heo may gió rụng lá thơ thớt vàng

3
Trông theo một giải nông sờ
Thuyền cô gác mái đôi bờ lau thưa
Chợt lòng nhớ cảnh buồm xưa
Bến chia đôi ngả như vừa đâu đây

4
Trông theo ngọn cỏ dầu dầu
Nỗi sầu nhân thế trên đầu bạc phơ
Niềm riêng ứa cả giấc mơ
Có còn chi nữa mà chờ chiêm bao

5
Trông theo người chẳng thấy người
Trở về ôm lấy nụ cười mà mơ
 Đường trắng lối hẹn ngấn ngơ
Gót sơn ngơ ngác động hờ chiêm bao
Vừng trắng xế đĩa dầu hao
Mặt tơ tưởng mặt lao xao tiếng gà
Giá như người chẳng nuột nà
Thì đâu đến nỗi trăng già rụng đêm

                       Hà nội 22-11 – 2019
                         Nguyễn Lâm Cẩn

READ MORE - LỤC BÁT MỖI NGÀY - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn

VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (2) - Nguyên Lạc


 
                 Nhà thơ Nguyên Lạc


VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (2)

Đây là phần tiếp nối theo bài viết “Vài Ý Về Chữ Dùng  Trong Thơ” (1) đã đăng trên Blog  ” [*] 
Phần này bàn về:

THỦ ĐẮC THƠ VÀ CĂN BẢN TRIẾT LÝ

Trong bài ” Vài Khái Niệm Về Việc Dùng Chữ Trong Thơ” [**] tôi có nêu ra ý riêng:

thơ Việt, người làm thơ / thưởng lãm phê bình thơ phải thủ đắc một số thơ của tiền nhân, căn bản triết lý Đông Phuơng để dùng nó khám phá những hàm ẩn, “ý tại ngôn ngoại” của bài thơ.

Tôi xin giải thích rõ thêm điều này:

1. Thí dụ 1
Như khi làm ra câu thơ hoặc thưởng thức câu thơ này:

Làm sao tắm lại dòng sông ấy?
(Tự chế để minh họa)

Ta nhớ đến triết lý “thời gian bất phục hồi” của tiền nhân: Thời gian trôi qua là qua luôn, không bao giờ trở lại. Khiến ta nhớ đến câu:
— “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. (Heraclitus)
— Hoặc các câu trong bài thơ Tương Tiến Tửu. Nói về sự biến đổi của thời gian, Lý Bạch đời Đường thảng thốt, ngậm ngùi than thở:

Quân bất kiến:
Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi!
Hựu bất kiến:
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ty mộ thành tuyết.

Dịch nghĩa

Anh không thấy:
nước sông Hoàng từ trời rơi xuống,
chảy tuôn ra biển có quay về?
Lại chẳng biết:
đứng trước gương, thương thay tóc bạc
sáng đang xanh, chiều xác xơ phai!

2. Thí dụ 2

Như khi thưởng thức các câu thơ “Tháng sáu trời mưa” – Nguyên Sa:

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận 

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc

Ta nên nhớ lại hai câu thơ của tiền nhân:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách.
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
(Đàm Thận Huy/ Nguyễn Giản Thanh)

Dịch nghĩa :

Gió mưa không có then khóa mà giữ được khách.
Nhan sắc không phải sóng lớn mà dìm chết người.

Khổ 1 của bài thơ Nguyên Sa trên là từ câu: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”.
Khổ 2 của bài thơ Nguyên Sa trên là từ câu: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”.

3. Thí dụ 3
Như khi thưởng thức câu thơ này:

Xuân thu vèo bóng song ngoài [1]
Để người ở lại tóc đời điểm sương
Nâng ly đắng khúc hồ trường [2]
Nhớ câu thuỷ đoạn càng vương nỗi sầu! [3]
Tình về đâu? Sắc bền lâu?[4]
Nhân sinh. Vân cẩu. Khóc câu “phục hồi”! [5]
(Tự chế để minh họa)

a. Ta phải nhớ đến thơ của tiền nhân:

– [1] Xuân thu có nghĩa là thời gian. “Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích”- Trang Tử: Người ta ở trong trời đất như ngựa trắng chạy qua khe hở (ý nói ngày giờ qua mau).
– [2] Hồ trường – Nguyễn Bá Trác: Đất trời mang mang ai người tri kỷ?/ Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
– [3] “thuỷ đoạn ” : Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu. Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu – Lý Bạch (Rút dao chém nước, nước vẫn chảy. Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu)
– [4] Sắc là nhan sắc: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách/ Sắc bất ba đào dị nịch nhân” – Đàm Thận Huy/ Nguyễn Giản Thanh
– [5] “Vân cẩu”: Chỉ sự thay đổi mau chóng ở đời, sự vô thường: Do hai câu thơ của Đỗ Phủ đời Đường: Thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thương cẩu ( Trên trời có đám mây nổi trông như cái áo trắng, phút chốc bỗng biến thành con chó xanh ). Cung oán ngâm khúc : “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.
“Phục hồi”: Quân bất kiến Hoàng hà chi thuỷ thiên thượng lai/ Bôn lưu đáo hải bất phục hồi! (Tương Tiến Tửu – Lý Bạch). Khóc câu “phục hồi”: Không thể nào trở lại – bất phục hồi.

b. Sẵn đây, xin được ghi lại những vài ý của tôi về câu cuối (khổ cuối) của các bài thơ:

[ Người ta hỏi một thi sĩ Nhật nổi danh rằng làm thế nào viết được một bài thơ tứ tuyệt hay của Trung Hoa. Thi sĩ giảng giải: Câu đầu chứa phần khởi nhập; câu hai là phần chuyển tiếp của câu đầu; câu ba chuyển từ đề mục và bắt đầu một ý mới; và câu bốn gồm ba câu trước hợp lại với nhau. (thiền sư Muju)
Ta có thể nới rộng ra, nói về thơ nhiều khổ: Khổ cuối cùng bao gồm các khổ trước hợp lại với nhau. Các khổ đầu là nước trên mặt phễu, vào miệng phễu và thân phễu, rồi thoát ra với độ xoắn tâm tư ở khổ cuối cùng.
Nét độc của bài THƠ HAY là phải đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường: Nghĩa là mạch thơ tối kỵ bị để lộ ra. Nhà thơ phải làm cách nào để đến câu cuối (khổ cuối) điều mình muốn nói, muốn nhắn nhủ mới lộ ra; gây bất ngờ cho người đọc. Bất ngờ càng lớn, ngược lại được những đoán định, thì sức lay động sẽ càng mãnh liệt. Vì thế, câu cuối (khổ cuối) thường gánh vác nhiệm vụ thể hiện chủ đề của bài thơ. Những câu đầu (khổ đầu) dù nói nhiều điều, tả nhiều thứ vẫn chỉ là sự chuẩn bị cho sự xuất hiện của câu cuối] [Thơ Hay Tứ Tuyệt – Nguyên Lạc]
Câu cuối ở bài thơ minh họa trên xem như tổng hợp các câu thơ bên trên nó: “Nhân sinh. Vân cẩu. Khóc câu ‘phục hồi’ ” = Đời người (nhân sinh) luôn biến đổi – vô thường (vân cẩu), thời gian vô tình xuôi trôi, người không thể nào trở về thời quá khứ (bất phục hồi – khóc “phục hồi) để tìm lại tuổi xuân, tim lại tình sắc.

Nguyên Lc
.................

[*] VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ 1 – Nguyên Lạc
[**Vài khái niệm về việc dùng chữ trong thơ - Nguyên Lạc

READ MORE - VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (2) - Nguyên Lạc

ĐỌC “TIỀN KIẾP” CỦA NGUYÊN BÌNH - TẬP THƠ NGÀN NĂM BÂNG KHUÂNG - Châu Thạch



                      Nhà thơ Nguyên Bình



ĐỌC “TIỀN KIẾP” CỦA NGUYÊN BÌNH - TẬP THƠ NGÀN NĂM BÂNG KHUÂNG 
                                                                    Châu Thạch

“Tiền Kiếp” là tập thơ của nhà thơ Nguyên Bình vừa xuất bản. Nguyên Bình còn là một nhà bình thơ, một nhà giáo, cư trú tại Bà Rịa- Vũng  Tàu.
Vì sao tôi gọi “Tiền Kiếp” của nhà thơ Nguyên Bình  là tập thơ ngàn năm bâng khuâng? Thật vậy, ta hãy đọc khổ thơ đầu cúa bài thơ “Tiền Kiếp” được đăng ở trang 51 thì sẽ có khái niệm về tập thơ nầy:

Nợ em cái nhìn từ tiền kiếp                    
Tôi đã vay về một sáng xuân                    
Nghìn năm thương nhớ chưa trả hết                    
Nay còn vương lại chút bâng khuâng

Bâng khuâng là gì? Là sự buồn nhớ lâng lâng, là những cảm xúc luyến tiếc, nhớ thương xen lẫn nhau, gây nên trạng thái tâm hồn ngơ ngẩn, ngẩn ngơ.
Đúng vậy, tập thơ “Tiền Kiếp” của nhà thơ Nguyên Bình là một tập thơ tình, ông sáng tác bởi những cuộc tình mà ông đã tương tư, ngẩn ngơ từ bao kiếp trước, những cuộc tình ông đã vay nhưng định mệnh còn chưa cho ông trả.
Có lẽ, vì Nguyên Bình không uống chén canh Mạnh Bà khi qua cầu Nại Hà từ muôn kiếp trước, nên nhà thơ vẫn nhớ cả những cuộc tình trong tiền kiếp của nhà thơ.
Thế nhưng vì thơi gian lâu quá, ký ức phai mờ, cái nhớ chỉ còn vương lại chút bâng khuâng khi tưởng đến hình ảnh những ai trong quá khứ còn biền biệt xa nhau, hay những ai có duyên lành gặp nhau ở  hiện tại nhưng trong mơ hồ chỉ biết đã từng có nhau từ tiền kiếp  mà thôi.

Hãy đọc thêm một khổ thơ trong bài thơ “Tiền Kiếp 2” đăng ở trang 98 ta sẽ thấy nhà thơ nhận được em, biết em  là người yêu trăm năm trước  của mình:                   

Em là mộng của trăm năm trước                    
Mộng về linh hiển giấc mơ xa                   
Em là tia nắng hôm qua chợt                   
Nắng đậu bên thềm cạnh khóm hoa.

Đọc thơ ta thấy Nguyên Bình đã hư cấu cuộc tình, cho cuộc tình năm xưa trở nên có thân vị. Vì có thân vị mới có sự “linh hiển”, mới đánh động được tâm hồn khi thi sĩ chợt nhìn tia nắng “đậu bên thềm cạnh một khóm hoa” để nhớ được “Em là mộng của trăm năm trước”.

Thơ tình yêu Nguyên Bình là như thế! Nhà thơ không chỉ yêu em ở kiếp nầy. nhà thơ đem cả tình yêu từ ngàn kiếp trước dâng trọn cho em.
Làm sao biết em cùng anh có từ kiếp trước? Đó chỉ là sự tưởng tượng của thi nhân, sự tưởng tượng thi vị đó để tôn vinh hết tình yêu, để thần thánh hóa tình yêu, để hiển thị sợi  dây huyền nhiệm quấn vào linh hồn nhau mãi mãi.
Sự lãng mạn trong thơ tình của của Nguyên Bình tràn ra không gian, chảy theo thời gian, hiển hiện trong cả tia nắng lung linh bên khóm hoa khoe sắc thắm.

Đọc “Em là tia nắng hôm qua chợt/ Nắng đậu bên thềm một khóm hoa” ta thấy hình tượng người con gái khác xa với trăm ngàn bài thơ khác: Em không là bức tranh, em không là đóa hoa, em cũng chẳng  là mùa xuân tươi thắm. Em chỉ là một tia nắng nhỏ bé, lung linh, cô đọng sức sống và sự diu mát của tâm hồn. Em lại hiển hiện trong vùng thơm hương và đẹp sắc, là đóa hoa mọc ở bên thềm.
Đọc hai câu thơ trên, nếu cảm nhận nhạy bén, ta sẽ thấy được em chính là tia nắng ấm, còn anh chính là đóa hoa mọc ở bên thềm. Nắng và hoa tạo nên một góc thơ riêng biệt cho mình, đầy nồng ấm của tình em là nắng, thơm hương của tình anh là hoa, một đóa hoa lặng lẽ bên thềm!
Tình yêu dấu trong ngăn tim của Nguyên Bình  ghê quá, sâu đậm, dai dẳng. hiếm có trong đời. Nhà thơ giữ hương của từng sợi tóc trong tâm tư mình đến cả ngàn năm và nhận nó ra ngay khi nó có lại trên bàn tay mình:              

Sợi tóc em từ tiền kiếp              
Cất trong ngăn kéo đọa đày              
Giờ đây vẫn xanh như ngọc              
Mượt mà dịu mát bàn tay
     (Còn Đó Xuân Xanh)

Nhà thơ Nguyên Bình quan niệm một cuộc tình tan vỡ như một nhánh thiên hương rơi rụng. Tình tan vỡ cũng đẹp muôn đời như nhánh thiên hương rơi rụng giữa mùa xuân:              

Một nhánh thiên hương rơi rụng              
Cũng là lộng lẫy xuân về              
Muôn đời tình em ngà ngọc             
Ta ngàn năm mãi say mê
              (Còn Đó Xuân Xanh)

Nhà thơ không cho “yêu là chết trong lòng một ít” mà nhà thơ cho mỗi mối tình là một nhánh thiên hương, dầu rơi rụng vẫn ngát xuân trong trong ký ức mình mãi mãi. Đó là thứ tình yêu quyến luyến vô biên, trong trẻo muôn đời!
Trong thơ Nguyên Bình, yêu bằng một thứ tình lớn, cao trọng với hai linh hồn như một, truyền thông nhau và cảm nhận được nhau tất cả. Nhà thơ tưởng tượng người yêu đọc thơ mình:              

Anh mơ thấy em ngồi bên cửa sổ                
Đọc thơ tình anh trao               
Những vần thơ               
Tan chảy vào đôi mắt đẹp kinh hồn               
Trái tim hồng bừng lên               
Sáng ngời như vừa thắp lửa
                                    (Tình Thơ)

Đọc thơ, người đọc cũng ngất ngây với bài thơ tình mà em đang đọc. Phước cho thi nhân nào có người yêu như thế, nó cho tôi tưởng tượng Hàn Mạc Tử với Mộng Cầm, nó cho tôi tưởng tượng  bức danh họa tuyệt vời về đọc thơ, và nó cho tôi ao ước đời mình có ai đó đọc thơ mình như thế một lần!

Nguyên Bình yêu đến độ dại khở, dầu chia tay cũng không quên nhắc nhau nhớ mối tình từ tiền kiếp và dặn nhau tìm lại trong màu áo năm xưa. Bài thơ có 12 câu, xin rút ngắn còn 6 câu thôi :

Thôi đừng dấu lệ vào trăng nữa              
Em hãy khóc cười như trẻ thơ          
…Ta uống tương  tư đầy năm tháng             
Từng đêm say khướt rượu ân tình          
…Tìm nhau em nhé trong màu áo             
Ta mặc bây giờ buổi tiễn đưa      
                                   (Chia tay)

Nhắc nhau nhớ màu áo, tưởng là một tứ thơ bình thường, nhưng thật ra đây là một tứ thơ mộc mạc, chân tình, chưa hề ai có, diễn đạt đến tận cùng sự âu yếm, sự  chơn chất  của chàng trai.

Trăng trong tình thơ Nguyên Bình  là một thứ trăng nửa hư nửa thật, nửa của quá khứ ngàn năm và nửa của nằm trong hiện tại , nửa trong nỗi nhớ và nửa trong hẹn hò hiển hiện bây giờ:                        

Người thả thơ lên trời khắc vào lòng bia đá                        
Anh vẽ hình  em lên vành vạnh trăng xa                        
Kìa em yêu! Bên kiều diễm bóng Hằng Nga                        
Hình trái tim anh lặng thầm thương nhớ đó                        
Trăng mười sáu như lời ai chưa ngỏ                        
Màu sữa non lênh loáng ngập đường trăng                         
Em dạo đường mơ, anh đếm bước quanh sân                      
Cùng tắm trăng đêm nguyệt đầy em nhé.
                                                 (Tắm Trăng)

Vẽ hình em lên trăng là bức vẽ vô hình, là bức vẽ trong tâm khảm nhà thơ. Bức vẽ vô hình bên trăng và trái tim lặng thầm thương nhớ cho ta hình dung một không gian mông lung, yên lặng, tỉnh mịch đến vô cùng. Tất cả hình ảnh đó gieo vào lòng ta tiếng thơ tình trầm lắng.

Rồi thì “Trăng mười sáu” cho ta sự tinh khiết, “Màu sữa non” cho ta sự mơ huyền. Để rồi anh và em “Cùng tắm trăng đêm nguyệt đầy em nhé” cho ta tất cả sự tuyệt vời của một cuộc vui tưởng như là ân ái trong trăng. Tất cả khung cảnh trong thơ hiện lên mơ màng như xa như gần, như thật như ảo, đưa tâm hồn ta trôi, trôi theo cuốn phim trăng mà cho đến hoa lá cũng “ngây tình không dám động/Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi” như nhà thơ Hàn Mạc Tử đã “Bẻn Lẻn” năm xưa! 

“Tiền kiếp” là một tập thơ tình bâng khuâng, bâng khuâng từ ngàn năm trước và bâng khuâng mãi đến bây giờ. Tình của tiền kiếp là tình của hôm nay và tình của hôm nay là tình có từ ngàn kiếp trước. Với 76 bài thơ tình, nhà thơ Nguyên Bình đã cõng em, nhưng cũng chính là cõng chúng ta, những người đọc thơ vào vùng thơ mộng như sau:          

Lại đây anh cõng mùa xuân mới          
Đưa về trước cửa thảo lư xanh          
Nhà anh mới dựng bằng hoa lá          
Mái thơ vách nhạc với nền tranh          

Tí rượu xuân nồng lơ mơ say          
Đường cheo leo quá đi qua mây          
Hương em bừng sáng đêm nguyệt thẹn          
Anh cõng trái tim rẽ lối nầy…          

“Không thèm xuân mới không thèm gió            
Em chỉ đợi chờ một vòng tay”          
Cứ cõng em về miền kysb ức          
Lối cũ thênh thang không vũng lầy           

Im nào…em có…nghe suối mơ           
Gần tới cây xưa ta đã trèo           
Hái trái xuân thì vừa chín tới           
Giấu vào tình sử những mùa yêu…
                                         (Cõng nhau)

Im nào… Mời bạn đọc hãy im nào… nghe tiếng suối mơ trong tập thơ  “Tiền Kiếp” !!!

                                                            Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “TIỀN KIẾP” CỦA NGUYÊN BÌNH - TẬP THƠ NGÀN NĂM BÂNG KHUÂNG - Châu Thạch