Một trăm bài thơ nói về sự chết thì một trăm bài thơ bi quan, cho dầu có bài thơ nói đến sự phiêu diêu miền cực lạc, hoà nhập với trăng sao nhưng lại xem thế gian là nơi đầy đau buồn mà mình vừa trút bỏ. Lần đầu tiên tôi đọc một bài thơ diễn tả cõi sống và cõi chết đều tràn lan niềm vui. Nhà thơ Xuân Ly Băng đã siêu thoát ngay tại thế gian nầy trong bài thơ “Tôi nằm Xuống”, một bài thơ nói về sự chết mà không có tiếng chuông báo tử, không có tiếng mõ cầu siêu, không có tiếng khóc thút thít nhưng cả thế gian có ánh sáng, có màu sắc, có âm thanh rộn ràng, tích cực và tươi thắm, khiến cho người nằm xuống như khởi hành một chuyến viễn du đầy hạnh phúc tại nơi đi và đầy nguồn vui tại nơi đến.
Bài thơ có 13 khổ thơ, mỗi khổ đều có cụm từ “Tôi nằm xuống” ở mỗi câu đầu. Lần lượt 13 câu đầu của mỗi khổ thơ như sau:
- Tôi nằm xuống, quả đất vẫn quay đều
- Tôi nằm xuống, hoa vẫn nở bốn mùa
- Tôi nằm xuống, vẫn tiếng hót chim trời
- Tôi nằm xuống màu, biển xanh cứ xanh
- Tôi nằm xuống Hòn bà vẫn hiên ngang
- Tôi nằm xuống, vẫn cuồn cuộn dòng sông
- Tôi nằm xuống, lịch sử cứ vận hành
- Tôi nằm xuống con trẻ cư sinh ra
- Tôi nằm xuông vẫn chảy dòng sông Dinh
- Tôi nằm xuống vẫn uốn khúc Li Li
- Tôi nằm xuống chuông vẫn vọng thánh đường
- Tôi nằm xuống có ai khóc thương tôi?
- Tôi nằm xuống cuộc đời vẫn cứ đi
Như thế nghĩa là khi tác giả nằm xuống, thiên nhiên và con người vẫn bình thản, cái đẹp mà thượng đế dựng lên vẫn không hề suy suyễn. Tiếp theo câu thơ có cụm từ “Tôi nằm xuống”, những câu thơ sau đó trong 13 khổ thơ đều bày tỏ sức sống tự nhiên, hài hoà, trường tồn trong vạn vật và trong sinh hoạt của con người. Cho dầu có khi “Tôi Nằm Xuống” thế gian có biến động tiêu cực đối với niềm vui, đối với nguồn hạnh phúc thì vẫn là sự bình thường:
Tôi nằm xuống, lịch sử cứ vận hành.
Hết hòa bình thời lại đến chiến tranh.
Ngai tòa sụp đổ, ngai tòa dựng.
Lãnh thổ theo thời đổi lằn ranh.
Tôi nằm xuống con trẻ cứ sinh ra.
Đẩy về đất lạnh lớp người già.
Hỗn loạn tiếng cười chen tiếng khóc.
Xe tang đụng độ với xe hoa.
Trong cái nhìn bình thản vượt trên sự bình thường của một người đã chứng được lẽ cao siêu của “Đạo”, nhà thơ cho rằng mọi sự đều ở ngoài tôi. Bằng một câu thơ rất bình dị, nhà thơ đã bày tỏ lẽ huyền vi ấy trong quan niệm đạo, đời bằng câu thơ: “Tôi có hay không, chẳng hệ gì” trong một vế thơ sau.
Nhiều nhà thơ, kể cả những nhà thơ tôn thờ Đức Chúa Trời đều cho thế gian nầy là đau khổ. Họ thường hướng về một thế giới trên cao mà quên đi thế giới hiện tại với những niềm vui mà Thượng Đế đã ban cho họ. Đọc “Tôi Nằm Xuống” của Xuân Ly Băng ta thấy thế giới tồn tại một cách tự nhiên, trung tính đối với cuộc đời con người. Thượng đế tạo ra quả đất nầy để “quay đều” để “hoa nở” để “ chim hót” để “biển xanh” cho con người sống và kể cả cho con người khi chết. Bài thơ không có lời tôn vinh Thượng Đế nhưng những hình ảnh tươi thắm của thế giới khi “tôi nằm xuống” rất tự nhiên như vô tình lan tràn vào hồn ta hương vị của một bản Thánh ca tôn vinh đấng Sáng Tạo.
Ở khổ thơ đầu, tiếp theo cụm từ “Tôi nằm xuống”, tác giả nói về sự vận hành của thiên nhiên vẫn cứ thế khi “tôi nằm xuống”:
Tôi nằm xuống quả đất vẫn quay đều.
Mặt trời lên xuống, mỗi sáng chiều.
Trăng tròn trăng khuyết, theo ngày tháng.
Lãng đãng mây trời gió đìu hiu.
Tiếp những khổ thơ sau, nhà thơ nói nhiều đến sự tồn tại của đời sống thế gian và sự tồn tại của cuộc sống nơi địa phương mình đang ở. Tất cả điều mà nhà thơ mô tả hàm chứa một ý nghĩa của sự tươi thắm của thế gian đã có, hiện có và sẽ còn có sau khi tôi nằm xuống. Sự “Tôi Nằm xuống” của con người trong thơ hoá ra bình thản biết bao, êm đềm biết bao và an nhiên biết bao trong khi thiên nhiên và con người vẫn vận hành êm ái như bàn tay yêu thương vổ về người đi, người ở. Bài thơ làm cho tâm linh con người trút cái gọi là “khổ đế” ngay khi đang sống, nhìn thế gian bằng con mắt thiện cảm, để khi “tôi nằm xuống” thì lìa thế gian như rời một ngôi nhà thân yêu để đi đến một lâu đài hạnh phúc mà Thương Đế dành cho mình. Lâu đài đó nằm trong khổ thơ cuối của bài thơ:
Tôi nằm xuống cuộc đời vẫn cứ đi.
Tôi có hay không ? chẳng hệ gì.
Cái có của tôi: là Đức Mến .
Về cõi Vĩnh Hằng dẫn tôi đi.
Đức Mến là ai? Thiển nghĩ trên đời có nhiều tôn giáo, mỗi người thờ một Đức Mến của mình. Vậy có thể hiểu chung Đức Mến là Đấng Tối Cao, đấng đưa ta đến hạnh phúc, cho ta sự bình an đến nỗi “Dầu ta đi trong trủng bóng chết, ta cũng chẳng sợ gì vì Đức Mến ở cùng ta”. Sung sướng cho ai nói như Xuân Ly Băng “Cái có của tôi: là Đức Mến”.
Đọc “Tôi Nằm Xuống”, bài thơ nói về sự chết mà không chết. Toàn bộ bài thơ là sự sống, một sự sống không có chút bi quan nào. Mọi sự sinh hoạt trong cuộc đời được nhà thơ diễn tả tự nhiên và trường tồn y như trong bàn tay tể trị của đấng tối cao. Bài thơ đem đến cho ta lạc quan, cho ta ngắm cuộc đời bằng con mắt lìa tục, giải thoát ngay ở đời nầy và hướng về đời sau bằng sự tin yêu một cõi Vĩnh Hằng ./.
Châu Thạch