Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, December 14, 2021

KHÍ CỤ BÌNH AN TRONG BÀI THƠ “LỜI KHUYÊN KỲ DỊ” - Thơ Châu Thạch, lời bình Lê Liên


 
             Nhà thơ Châu Thạch

 
LỜI KHUYÊN KỲ DỊ
 
Hãy trang bị cho mình chiếc gậy
Như thêm chân để đi giữa cuộc đời
Và chiếc túi như chiếc hồ lô nhỏ
Bạn lên đường làm hành khất rong chơi.
 
Bạn bước xuống đi con đường nhân ái
Nẻo yêu thương gót rãi những nhân lành
Đến từng nhà xin chớ gõ tay nhanh
Cứ từ tốn như ngày xưa Chúa gõ.
 
Ai tiếp bạn và ai lòng mở ngõ
Bạn nhân danh công lý tạ ơn Người
Ai quay lưng chế nhạo, bạn tươi cười
Phủi hết bụi, đi xa vùng ô trọc,
 
Bạn sẽ thấy tay mình ngăn tiếng khóc
Nếu đi xin vì trái đất nhân danh
Băng vết hằn đang rũa cả màu xanh
Lấy tình nghĩa trồng hoa vườn khổ nạn.
 
Cả nhân lọai nếu ai đồng như bạn
Nhanh bàn tay với gậy, túi yêu thương
Thì thế gian nay đã biến thiên đường
Và đau khổ đâu còn trên mặt đất,
 
Xin hết thảy đăng quang làm hành khất.      
 
Châu Thạch

*

   Nhà bình thơ Lê Liên

       
KHÍ CỤ BÌNH AN TRONG BÀI THƠ “LỜI KHUYÊN KỲ DỊ”
                                                Lời bình Lê Liên
 
Dạ thưa, 
  
Có một điều kỳ lạ chạm đến trái tim mình khi tôi đọc câu cuối của bài thơ:
 
“Xin hết thảy đăng quang làm hành khất.”
  
Và tôi hiểu vì sao lại có tựa bài thơ là LỜI KHUYÊN KỲ DỊ của nhà bình thơ CHÂU THẠCH.
    
Bản thân tôi rất say mê, rất yêu quý “KINH THÁNH”. 
    
Đặc biệt khi đọc bài thơ “Lời Khuyên Kỳ Dị” của nhà thơ Châu Thạch. tôi liên tưởng đến đoạn Kinh Thánh trong sách MÁC. (Chương 6: từ câu 7 đến câu 13.) 
  
Tôi thầm cảm ơn huynh ấy, đã chuyển hóa đoạn Kinh Thánh trên thành một bài thơ rất ngộ nghĩnh, mang tính tự sự cá nhân, rồi nhẹ nhàng đi vào lòng người như một lời mời gọi... rất ư là kỳ dị !
 
"Hãy trang bị cho mình chiếc gậy
Như thêm chân để đi giữa cuộc đời
Và chiếc túi như chiếc hồ lô nhỏ
Bạn lên đường làm hành khất rong chơi."                          
(Thơ Châu Thạch)
    
Khi còn nhỏ, tôi rất yêu những cây gậy trong những câu chuyện thần thoại. 
   
Bởi vì, khi cây gậy còn được gọi là đũa thần của cô tiên, của ông bụt huơ lên không trung là lập tức phép màu biến hóa, đáp ứng cho người ta những ước nguyện tốt lành. 
Ôi! Sung sướng làm sao!
   
Trong tuổi thơ của trẻ con nước Việt, ai cũng biết truyền thuyết chống giặc ngoại xâm của nước ta có cây gậy của Thánh Gióng… rất thần kỳ. 
   
Nhớ lại, thuở ấy tôi hay lén Ba tôi đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Tôi rất thích cây “Đả Cẩu Bổng” đầy uy lực và những “cái túi” phân cấp bậc của các đệ tử cái bang đầy nghĩa khí.
  
Lớn lên một chút, hình ảnh cây ba-ton trong phim ảnh của các nhà quý tộc cho tôi cảm giác yêu, ghét khác nhau tùy theo bối cảnh.
    
Mấy ai quên những cây gậy, một đạo cụ trong nhiều bộ phim mà điển hình là cây gậy của vua hề Charlie Chaplin nhỉ? 
   
Rồi trong mỗi chúng ta, có mấy ai không thích cây thiết bản nhỏ bé của Tôn Ngộ Không ? Mỗi khi vung lên, to lớn là uy lực của lẽ phải, chiến đấu cho điều thiện, tiêu trừ tất cả điều ác.
   
Nếu nói về những cây gậy trong văn học thì nhiều vô kể… ta tản mạn một chút cho vui.
    
Trở về thực tại, chúng ta còn bắt gặp những cây Thiền Trượng của những vị chân tu. Đó chính là Pháp Cụ rất vi diệu của các ngài trên con đường hành đạo dẫn dắt con người đi vào vùng sáng tâm linh.
   
Nổi bật trong Kinh Thánh có cây gậy của ông Moise trên Con Đường dẫn dắt dân Chúa.
    
Nhưng gần gũi nhất vẫn là những cây gậy của các cụ ông, cụ bà mà ta thường nhìn thấy trong đời sống hàng ngày. Nó như là chân đế vững chắc, nâng đỡ cho những bước chân đã oành gánh nợ đời của các cụ già.
    
Nhà thơ Châu Thạch đã lấy hình ảnh mộc mạc, thân thiết trong đời sống, bảo chúng ta trang bị cho mình: Cây Gậy và Chiếc Hồ lô.
   
Hồ lô chính là biểu tượng của sự Ngọt Ngào, An Lành, và Sức Khỏe được trao ban, được cho đi bất tận.
  
Hình ảnh của chiếc hồ lô làm tôi nhớ đến dòng Cam Lồ của Phật Bà Quan Âm khi tôi còn nhỏ; của nồi cơm Thạch Sanh không bao giờ cạn hết.
  
Làm hành khất là sống bằng của bố thí! Có ai làm hành khất mà lại thong dong không nhỉ ? Đã vậy, nhà thơ lại còn bảo “làm hành khất rong chơi” nghe nó là lạ, nghịch lý làm sao sao ấy?!?…
  
Làm hành khất trang bị cho mình “chiếc Gậy” còn có lý, nhưng làm sao có túi Hồ Lô đây? Và trong túi hồ lô đó chứa đựng những gì, nhỉ?
   
Xem chừng đoạn thơ mở đầu này có điều kỳ bí, bất thường chăng?
   
Không đâu, chỉ là nhà thơ nhắc nhở cho chúng ta hiểu rằng: hãy sẵn sàng lên đường, rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bởi, giữa đời sống đầy nhiễu nhương này, con người cần được dẫn dắt đi trên con đường ngay lành, đầy tình yêu thương
    
Vị hành khất này không xin của cải vật chất tầm thường của thế gian, mà vị hành khất này đang trên con đường hành hương, đến từng nhà, xin từng Người:
 
--- hãy cho tôi sự tăm tối trong cuộc đời bạn. Và từ trong chiếc túi hồ lô này, tôi có Nguồn Phước - Hạnh (từ Đấng Ban Cho) trao tặng bạn. 
 
"Bạn bước xuống đi con đường nhân ái
Nẽo yêu thương gót rãi những nhân lành
Đến từng nhà xin chớ gõ tay nhanh
Cứ từ tốn như ngày xưa Chúa gõ."               
(Thơ Châu Thạch)
    
“Nẽo yêu thương gót rãi những nhân lành”
    
Đường trần muôn lối đi, một khi ta chọn “con đường nhân ái”, thì đường đi ấy đã được định hướng bởi “nẽo yêu thương” rồi.
 
Không dễ gì khi mỗi bước ta đi đều gieo nhân tốt, để được gặt quả lành! 
   
Chúa mời gọi chúng ta hãy nhẫn nại khi làm nhân chứng tình yêu của Ngài bằng lòng bác ái, sự khiêm nhu khi gõ cửa trái tim của mỗi con người. 
  
Đọc đoạn thơ trên tôi nhớ đến câu
 
“Hãy Xin thì sẽ được
Hãy Tìm thì sẽ gặp
Hãy Gõ cửa sẽ mở cho.”
(Mt 7: 7-8)
   
Hãy Xin, Hãy Tìm, Hãy Gõ: đây là chuỗi trợ động từ làm sáng thêm câu thơ:
 
"Đến từng nhà xin chớ gõ tay nhanh
Cứ từ tốn như ngày xưa Chúa gõ."               
(Thơ Châu Thạch)
   
Đây là hình ảnh đẹp, với tâm thái khoan thai, khiêm nhu, hoan lạc vô cùng.
 
"Ai tiếp bạn và ai lòng mở ngõ
Bạn nhân danh công lý tạ ơn Người
Ai quay lưng chế nhạo, bạn tươi cười
Phủi hết bụi, đi xa vùng ô trọc,"                
(Thơ Châu Thạch)
 
Thật ngộ khi chúng ta làm hành khất nhưng lại “không nhận” mà chỉ có “cho đi”.
   
Brian Tracy tâm niệm:
 
“Hãy luôn CHO mà không ghi nhớ
Hãy luôn NHẬN mà không lãng quên”
       
Khi người ta mở cửa lòng để đón nhận chân lý; thì mình hân hoan cảm ơn người, lại nhân danh công lý mà tạ ơn Chúa. Cảm Ơn Ân nhân.
   
Khi người ta chưa có niềm tin, từ chối hảo ý của mình, thậm chí chế nhạo thì cũng lấy lòng khoan dung mà đối đãi. Thật không dễ dàng gì.!
 
“Bạn sẽ thấy tay mình ngăn tiếng khóc
Nếu đi xin vì trái đất nhân danh
Băng vết hằn đang rũa cả màu xanh
Lấy tình nghĩa trồng hoa vườn khổ nạn.”                     
(Thơ Châu Thạch)
   
Làm Hành khất vì miếng cơm manh áo đời thường đã khó. Bởi không dễ gì ta nhận được của bố thí từ lòng nhân hậu thật sự.
   
Làm hành khất mà chỉ TRAO GỞI TÌNH YÊU THƯƠNG một cách “Nhưng Không” càng khó hơn.
 
Chữa lành một tổn thương
Cứu vớt một linh hồn,
Thay đổi một tập tính,
Xóa bỏ một hủ tục...
 
Quả là một sứ mạng lớn. Rất cao cả và thiêng liêng. 
Khi lòng ta tràn ngập Tình Yêu và Hy Vọng thì sẽ thắng vượt mọi thử thách, khổ nạn.
 
Cả Nhân Loại này ai cũng được thúc đẩy bởi Tình Yêu tha nhân thì hành trang gọn nhẹ chỉ là Cây Gậy đầy quyền năng ánh sáng và Chân lý. Cùng với chiếc túi yêu thương vô vụ lợi, chắc hẳn Trái Đất xinh tươi, tốt lành trở thành Thiên Đường.
 
"Cả nhân lọai nếu ai đồng như bạn
Nhanh bàn tay với gậy, túi yêu thương
Thì thế gian nay đã biến thiên đường
Và đau khổ đâu còn trên mặt đất"              
(Thơ Châu Thạch)
 
"Xin hết thảy đăng quang làm hành khất!"                        
(Thơ Châu Thạch)
   
Cho nên Nhà thơ Châu Thạch chẳng ngần ngại khi mời gọi mọi Người hãy làm một việc lạ kỳ mà xưa nay chưa từng được công nhận: LÀM HÀNH KHẤT mà lại “tự mình” ĐĂNG QUANG.
   
Một bài thơ đầy Tánh Linh, Tôi cảm nhận sâu sắc, nhưng không đủ ngôn từ mầu nhiệm để diễn tả. 
   
Tôi chỉ viết nửa vời, và lòng thì nôn nao muốn là tình nguyện viên, làm sứ giả ra đi loan báo Tin Mừng.
   
Chỉ bảy câu trong Kinh Thánh thôi, mà tác giả Châu Thạch đã viết thành một bài “Hịch”, đã hiệu triệu được nhiều Người làm theo “LỜI KHUYÊN KỲ DỊ” của huynh ấy. Thật đáng ngưỡng mộ.
  
Cảm ơn nhà bình thơ Châu Thạch rất nhiều, bởi bài thơ “Lời khuyên kỳ dị” của huynh quá sâu nhiệm và rất Nhân Văn. Nó cho ta tràn đầy năng lượng yêu thương trong cuộc sống này.
Alleluia ! 
                                             
Lê Liên                                 
Sài Gòn, Mùa Vọng 2018
 
READ MORE - KHÍ CỤ BÌNH AN TRONG BÀI THƠ “LỜI KHUYÊN KỲ DỊ” - Thơ Châu Thạch, lời bình Lê Liên

THỔ LỖ PHỒN | RỐI CẠN & RỐI NƯỚC - Thơ Chu Vương Miện



THỔ LỖ PHỒN

Thơ Chu Vương Miện

-


Là 1 dân tộc sống ở cao nguyên

Cao chót vót tót vời

Trên đỉnh Hymalaya 

Tính theo mặt nước biẻn

Từ 4000m đến 15.000m  trở lên

Từ thế kỷ thứ 9

Lý Nguyên Hiệu 1 bối lạc “tù trưởng “

Đã tách 1 phần đất đai 

Đẻ thành lập một vương quốc

Có tên là Tây Hạ phiá trên tỉnh Thiểm Tây 

Trung Quốc

“Xin lệ thuộc làm phiên dậu nhà Đại Đường“

Một đất nước hùng cường

Đến thời Ngũ Đại qua nhà Tống

Tây Hạ là một quốc gia 

Oanh oanh liệt liệt

Cùng với các nước khác xâm lăng đại Tống

Sau bị đầu đời nhà Nguyên xoá sổ

Giết hết trơn hết trọi cả triệu ngừơi

Lẫn lộn với heo gà chó má

Không còn sống sót kẻ cả cỏ

1 phần đất đai lẻ tẻ còn lại ven biên Trung Quốc

Mất dần và sát nhập vào các tỉnh 

Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên và Vân Nam

Mất 2 tỉnh do Ấn Độ chiếm

Phần còn lại là Thổ Phồn hay Tay Thượng

 “Tây Tạng” Tyber.

Sau năm 1949 là vùng đất tự trị

Tên là Xizăng  Zizhiqu


Cuả Hoa Lục "Trung Quốc“

Thuộc quốc thứ 32 dân tộc miền cao

Ít người

Năm 1959 Hoạt Phật Đại La Lạt Ma

Cùng khoảng 200.000 người chạy theo

Tỵ nạn tại Ấn

Dân số Tyber khoảng 3 triệu 

¼  dân số ở nội đia đi tu

¼ dân số tỵ nạn cũng đi tu

Nước bị chiếm ? “bị xoá“

Trên 70 năm

Mà thanh niên đa số trốn vào chùa 

Cạo đầu đi tu đêm ngày tụng kinh gõ mõ

Thì tới tết Công go “*”

Mới quang phục được

Tất cả các đại cường trên thế giới

Thấy Trung Quốc chiếm nuốt trọn Thổ Phồn

đều bằng chân như vại

coi như là chuyện đương nhiên

thank you


“*” Công Gô không bao giờ có tết Âm Lịch

-


RỐI CẠN & RỐI NƯỚC


Có  2 loại trên cạn là rối cạn

dưới nước là rối nước

trên cạn thì diễn ở rạp hay công viên

dưới nước thì diễn trên ao hồ

trên cạn thì giản đơn

con rối có thể là người khoác da thú

làm các con vật như khỉ chó ….

Và nếu bằng gỗ thì có 

ngừời nghệ nhân cầm giây điều khiển

và có thuyết minh

còn rối nước thì rất là giản kép

đa đoan phức tạp nhạp hơn nhiều

phải thiết kế nhiều đạo cụ dưới nước 

phải có dàn cây sắt ròng rọc …

và rất đòi hỏỉ kỹ thuật về cơ khí

trình diễn rất là tung hoành tráng

quy tụ tập trung nhiều thuyền bè 

cá rồng quân lính “thuỷ đánh bộ“

tất cả đều dấu ngầm dứới nước 

chỉ có các con rối là xuất hiện mà thôi

tuy nhiên theo cảm quan của người xem

thì trên cạn hay dưới nước

cũng toàn là rối cả?


Chu Vương Miện



READ MORE - THỔ LỖ PHỒN | RỐI CẠN & RỐI NƯỚC - Thơ Chu Vương Miện

MÙA BẤC CŨ, NGÀY ĐÔNG CHÍ, VẪN LỜI ĐIỀM NHIÊN – Thơ Tịnh Bình


            Nhà thơ Tịnh Bình
 

MÙA BẤC CŨ
 
Vương vấn bờ rào hoa đậu biếc
Giọng gà eo óc gáy vào trưa
Cánh bướm chập chờn không nỡ đậu
Kẽo kẹt hiên nhà tiếng võng đưa
 
Ta như trở lại ngày thân ái
Dưới mái nhà xưa rộn nói cười
Bập bùng bếp lửa ngày đông ấm
Bên mẹ bên bà ngóng cơm sôi
 
Chiều vương bóng nắng rơi thềm cũ
Tiếng chim lơ đãng gợi chút gì
Lá khô tình tự lời rêu biếc
Đông xưa mùa bấc có quay về
 
Ta mãi hoài vọng mùa xa ngái
Cánh diều thơ dại lạc nơi đâu
Con thuyền giấy trôi vào cổ tích
Phập phồng bong bóng dưới sân ngâu...
 
 
NGÀY ĐÔNG CHÍ
 
Mỗi bận sớm mai...
Cúc trắng li ti xếp tinh khôi ngoài ô cửa
Vạt gió bấc se se đẫm hơi sương
Chút lành lạnh mơn trớn mắt môi người
Thoáng chốc mà đông cũng sắp già rồi
 
Mẹ bày cỗ rước ngày đông chí
Chén chè ngũ sắc
Ấm gừng cay viên ỷ mè nheo
Con hít hà vờ cay sóng mũi
Mùa đông lạnh thêm nữa đi mà...
 
Ừ thì chẳng thể sưởi ấm lòng bởi màu cúc trắng quá đi thôi
Mở cửa sớm mai âm thanh nào rớt xuống
Chú sẻ nhỏ hôm nào ríu ran
Nay giọng hót cũng đã già rồi
Lục tìm chén chè ngũ sắc
Cũ mờ gác bếp ngày xưa...
 
Khép lại sớm mai
Thôi đừng nhớ mùa đông đã cũ
Bài thơ ngơ ngác chẳng cất nỗi thành lời
Đâu ngọn bấc
Đâu mưa phùn
Nỗi niềm gì bầy chữ cứ run run...
 
 
VẪN LỜI ĐIỀM NHIÊN
 
Vẫn là lối cũ đường xưa
Mùa đi trên lối mưa thưa nắng tàn
Trầm mê một cuộc chưa tan
Bước chân phiêu hốt đôi đàng tỉnh say
 
Lỡ rồi khóc mướn thương vay
Phù du thoáng chốc hình hài rong chơi
Kìa là mây trắng chơi vơi
Kìa là giọt nước xuôi nơi mưa nguồn
 
Đỉnh trời rơi vỡ phiến chuông
Đêm hoang lành lạnh mảnh gương soi lòng
Chập chờn mộng giữa sắc không
Giấc mơ phủ dụ người không thấy người
 
Giật mình giữa tiếng lá rơi
Đôi chim sẻ nhỏ vẫn lời điềm nhiên...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - MÙA BẤC CŨ, NGÀY ĐÔNG CHÍ, VẪN LỜI ĐIỀM NHIÊN – Thơ Tịnh Bình

CHÉN TRÀ THU – Thơ Nguyên Lạc



 
CHÉN TRÀ THU
 
Thu phong lá đỏ rơi đầy
Lời thu ru khẽ hồn người tha phương
Sáng nay trà chẳng bình thường
Hình như có chút mùi hương thuở nào
Nhớ quê thương kiểng nôn nao
Nhớ tiếng mời chào hàng quán sớm hôm
Nhớ người mời chén trà thơm
Bao năm rồi đó vẫn còn hương xưa
 
Nguyên Lạc

READ MORE - CHÉN TRÀ THU – Thơ Nguyên Lạc