NGÀY VỀ PHIÊN CHỢ
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân
Đã lâu rồi mới lại
có dịp ra chợ cùng với má. Từ độ lên phố học, lâu lâu mới về một lần, có khi hè
đến, tết về cũng không về được vì vé tàu xe đắt quá hay ở lại phố kiếm thêm thu
nhập, bỗng những lần bên má trở nên ít ỏi. Lần này về ở cũng chỉ non tuần, nhưng
cũng cảm thấy vui, muốn cái gì cũng bên má, thế mà ngủ dậy mặt trời đã quá con
sào, chưa giúp được gì, sẵn thấy má xách cái xe cà tàng ra, vội lăng xăng nhảy
phốc lên yên "để con, má”. Má đã gánh hàng ra chợ từ sớm, bán hết cữ, giờ về lấy
thêm cho kịp phiên chợ trưa.
Chợ vẫn đông như
ngày nào, có cái mùi của sự bận rộn. Khi tôi về cô Đồng bán cá vẫn hay lăng
xăng mượn tôi làm cái cớ cho má mua:
-Thế cháu nó về
mua đầu cá cho cháu nó ăn, nấu canh lên là ngon hết ý
Lúc đó tôi hay
lúc khúc cười vì cái duyên của người hàng chợ rồi nghĩ thầm nhiều thứ lúc đang
xách đồ cùng má nữa. Có vài tiếng í ới cò kè bớt một thêm hai, có cả những tiếng
cãi nhau và những tiếng chửi mắng nữa kìa, chợ lúc nào cũng ổn như thế. Đôi giọt
mồ hôi trên người má rơi ra vì nóng và thấm mệt, má sắp lại mớ đồ cho gọn trong
cái tiệm tạp hóa nhỏ y như một cái chòi giữa chợ của mình. Cũng cái tiệm nhỏ
xíu ấy đã nuôi tôi lớn và giờ cũng nhờ những giọt mồ hôi ấy đã đưa tôi vào giảng
đường đại học. Thời còn ngây dại, tôi đã luôn lăng xăng khắp cả khu chợ nên hầu
như ai cũng biết tôi, má lại dễ gần, hiền lương nên con cái cũng được phúc lây.
Gặp lại tôi ai cũng xuýt xoa: "Ôi chao, con bé lớn thế này rồi cơ đấy, mới ngày
nào còn ỏn ẻn”…
Nhìn má đếm những
đồng tiền lẻ xếp lại ngay thẳng bỗng thấy thương, nhưng rồi vài tiếng quát của
bà chủ chợ làm tôi giật mình:
-Có mười ngàn thôi
mà cũng cò kè, tôi để chị ngồi đây bán là tốt lắm rồi đấy, mệt bở cả hơi.
Người đàn bà bị quát xếp lại sạp hàng nhỏ của
chị không nói gì, móc tiền ra rồi lúi húi dọn, để bà chủ chợ đi xa, thỉnh thoảng
quay lại lườm nguýt. Đó là cái lý của người chủ, mình không thể làm gì giúp họ
được. Chợ này người ta xây, người ta cho mình mướn chỗ, phải nộp tiền là đúng
thôi, dù có bán được hay không, cắc cớ gì cũng phải đưa đủ, tôi chợt nhớ tới tiếng
quát của lũ cai tổng thời xưa vẫn hay thu sưu, thu thuế dân nghèo mà tôi đọc
trong sách vở. Cũng có nhiều lúc tôi tự hỏi nghề này nghề kia bán sao cho có lời,
có những nghề như bán mấy thứ hàng vặt, cốc chè nhỏ chỉ đôi ba ngàn thì sao lời
gì được mà người ta cũng nai lưng ra bán, để rồi đám bạn cốc lên đầu rõ đau bảo
ngốc, cứ tình hết những nồi chè, một nồi được vài chục ly thì sẽ được bao
nhiêu, trừ ba thứ lời lãi ra, ý ý cũng là lời được chút đỉnh, ý là như vậy. Má vẫn
hay bảo tôi thích thắc mắc nhiều về cuộc sống, mỗi ngày trên ghế nhà trường, thứ
mình học được rất ít khi có thể áp dụng vào thực tiễn hàng ngày, cái chính là
cái mình học trên trường đời, khi nhà trường tất cả dường như dạy trên một
khuôn mẫu có sẵn, mà cuộc đời, đâu phải chỉ có một tình huống được đặt ra.
Thỉnh thoảng tôi
hay nhìn những gánh hàng được đặt cạnh nhau, khi chưa có khách các chị thành những
người “cùng chí hướng bán buôn”, tâm sự đủ thứ trên trời dưới đất cho qua phiên
chợ, ý thế mà khi khách đến, kẻ giành
người giật í ới đủ thứ rồi thậm chí còn này kia nhau. Mới về được bữa hôm mà
tôi đã nghe má kể về cô Tám với cô Mai, hai cô hàng bánh hỏi, người này giành
bánh ngon hơn, người kia giành khách, hơn có đôi ba ngàn mà ồn ào cả một góc chợ,
ấy rồi thị phi kéo đến sau những toan tính, những lần cãi nhau này dây làm
không nhìn mặt nhau, mà dân hàng chợ thì “tiếng lành đồn xa” dữ lắm, mấy chốc là
có đủ điều kiện quyết định một con người!
Khi tôi xớ rớ tính
mua mớ tía tô về nấu cơm ở hàng chị Bảy thì nghe tiếng chào mời của sạp bà Đoan
ngay sát:
- Mua trái bí này
về ăn nè bé, bí to mà tươi lắm, ngọt nước thôi rồi, mua đi, bà lấy rẻ cho.
- Dạ con mua tía
tô ăn được rồi bà.
Mới từ chối non nửa
thì đã vội nghe tiếng nguýt dài:
- Vậy thôi đứng
xích qua chỗ kia cho người ta còn bán hàng, đứng gì che hết cả sạp, hèn chi ế.
Chả là sạp chị Bảy
đông quá tôi chưa chen vô nổi, đứng xê qua hàng bà một tí, ấy thế mà…Tôi nở nụ
cười mua vội mớ rau rồi đi thẳng không quay nhìn cũng biết bà đang phe phẩy cái
quạt đuổi đuổi ở sau lưng.
Lại đứng nhìn người
ta mua mớ sung, nghe mười ngàn một chùm nhỏ, có bà kia tới mua ba chùm mà cứ
đòi trả “hai mươi thôi", rồi sau tăng lên được hai nhăm, chị hàng vẫn không
chịu, một hai đúng giá, thế là bà kia ngúng nguẩy đi nhưng nghĩ gì rồi cũng
quay lại mua, thế là chị hàng niềm nỏ xông xáo bỏ vô bị bằng nụ cười tươi rói,
trong khi vừa nãy còn suýt chửi vì tính keo kiệt của bà ấy.
Tan buổi chợ, tôi
chở má về nhà, gần nhà tôi có hai đứa nhỏ đang bán những trái dừa, thấy dừa đẹp
má tính mua ít trái, má nhẹ nhàng hỏi dừa này ở đâu, hai đứa nhỏ chỉ độ 7,8 tuổi,
tay chặt miệng nói :
- Dạ ba con hái, dừa
nhà trồng đấy cô, không có nhiều, bán chỉ được một ít xài thôi cô, chứ để nhà
cũng rụng hết
- Hai mươi ngàn
hai quả hả con? Sao con không vào chợ bán? Trong dó bán cũng hai lăm, ba mươi một
trái đó
Hai đứa nhỏ cười
lúc lắc đầu:
-Dạ thôi cô, con
bán đủ được rồi, vô đó ăn thua mệt lắm cô, với lại con cũng không có tiền mà
thuê một sạp hàng trong đó
Tôi đạp xe về,
quay lại thấy có một người khách ghé qua mua nhưng lựa rồi không mua để hai đứa
bé cười hớn hở, rồi khi khách đi, chỉ nở nụ cười buồn rồi xếp lại những đồng tiền
lẻ… Kì lạ nhỉ, cũng phiên chợ năm xưa, thì ra khi con người ta trưởng thành,
con người ta có thể nhìn thấy nhiều thứ mặt trái quá nhỉ? Những mặt trái ấy
không hẳn biến những con người và những sự việc năm xưa thành mặt xấu, chỉ đơn
giản để hiểu được, thì ra cái giá phải trả cho cuộc đời này vốn không đơn giản
tí nào.
LHHT
Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT
Tỉnh Bình Định