Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, May 19, 2009

Thơ Phạm Hòa Việt

PHẠM HÒA VIỆT


Về lại Đông Hà


Ba mươi năm tuổi đời hóa đá

Cánh phượng đỏ lập lòe xuân hạ

Tóc vắn dài mấy nổi ưu tư

Bên kia bờ hờ hững anh thư

Bến đò đưa sáng chiều nối tiếp

Lá vàng bay giữa mùa hoa điệp

Áo thiên thanh một sắc cầu vồng

Như thưở nào bên nhớ bên không

Ba mươi năm chưa hề gặp mặt...

Về lại Đông Hà

Nửa đời lưu lạc

Dáng anh thư phiêu bạt phương nào

Âm sắc chen vai mây nước xôn xao

Đồi Dốc Sỏi hóa thành phố thị

Cầu sông Hiếu dặm đường thiên lý

Gió chen vai áo trắng nhàu bay

Thuở làm thầy in nhẹ dấu tay

Như loài hoa nở trang sổ điểm

Như dấu tích trên môi tìm kiếm

Sóng giữa dòng sông Hiếu Cù Lao

Thưở làm thầy mưa nắng lao đao..

PHV

***

Em theo đoàn lưu dân

I.

Ta theo đoàn lưu dân

Khi mùa xuân vừa ngủ

Khi mùa mưa lại về

Trên môi người góa phụ

Ta ngóng đợi tiều phu

Như niềm khao khát nhỏ

Chân em vẫn ngập ngừng

Trên miền hoang đá cỏ

Trên miền hoang Động Đền

Trên miền hoang biển cả

Ngả bóng chiều không quên

Giữa hai bờ sông Thạch

Ta còn lại sau lưng

Mùi hương quen của đất...

Em theo đoàn lưu dân

Vai son sờn cẩm tú

Ôi tiếng hát xa xưa

Môi thơm bông bí nụ

Ta bên trờ tuổi nhỏ

Lá đông vàng biệt ly...

Em theo đoàn lưu dân

Tóc nghiêng nghiêng sợi đổ

Bàn tay gầy ngón khổ

Ngập ngừng chân bước chân

Em theo đoàn lưu dân

Ta bên trời sóng dạt

Đường chông gai cách mặt

Rừng mưa lạnh đá ghềnh

Em theo đoàn lưu dân

Bỏ ruộng nương hương lúa

Sắn khoai ngày nghèo khó

Cà xanh rau lá đỏ

Miếng ngọt chiều phai hương

Miếng chua chiều lá cọ...

II.

Lưu dân! Đoàn lưu dân!

Mưa vẫn nằm đất lạ

Hai bàn tay trống không

Bới gì trong sỏi đá

Cho ngày tháng đom bông

Cho môi em thêm hồng...

Em theo đoàn lưu dân

Cũng nhọc nhằn tuổi mộng

Bới gì trong đất xanh

Uống gì trong thác xanh

Tay em còn mềm mại

Làm sao ươm trái xanh...

Ta cầu xin, cầu xin

Buổi mai và Đá Dựng

Chuông giáo đường vẫn rung

Có em tìm đất đứng!

Tiếng hát vẫn nhọc nhằn

Đôi làn môi bé nhỏ

Trái rừng là lương khô

Cho những ngày khai phá

Hoa rừng là tinh hương

Cho tuổi hoang Động Đền

Cây rừng là sườn chái

Ta kết lá kè tươi

Trong ngôi vườn trú ngụ

Còn em và biển khơi

Tụ về cơn bão tố...

Mưa rừng là mắt em

Khi đàn chim xa mẹ

Cỏ rừng là tên cha

Khi bỏ quên đồi lá

Giữa bầu trời bao la...

III.

Bàn tay em đã lì

Củi tươi từng đống một

Đốt gì cho chuyến đi!

Bàn tay em đã gầy

Đoàn lưu dân còn đó

Ta cũng nghe sầu cay...

Nhớ quê hương tuổi nhỏ

Nhớ Huế và mưa râm

Ta nhớ cả hoa tràm

Thương con đường nắng mới

Nhớ cát mùa Gio Linh

Sim phơi rừng Cam Lộ

Bàu Đá và Đông Xuân

Giếng trong mùa lá đổ...

Xin góp cả hai tay

Tóc úp đều cổ áo

Đốt lửa cho vườn cây...

Xin hôn em một lần

Để ngày mai còn thấy

Nụ cười em rất xinh

Nụ cười em rất tình...

PHẠM HÒA VIỆT



Đọc thêm

các sáng tác khác của Phạm Hòa Việt

Blog Yahoo của Phạm Hòa Việt


THƠ VÀ ĐƯỜNG BAY NGHỆ THUẬT
READ MORE - Thơ Phạm Hòa Việt

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG - QUÊ NHÀ



Sông Vĩnh Định

QUÊ NHÀ


Hoàng Phủ Ngọc Tường



Làng tôi là một thung đất bằng phẳng nằm kẹp giữa sông Thạch Hãn và một con đường quan nối từ thị xã về đến Cửa Việt (Quảng Trị). Trước sau tôi chỉ sống ở làng một năm rưỡi của thời thơ ấu, vừa đủ thời gian để học hết lớp nhì và học kỳ I của lớp nhất, tại ngôi trường đặt ở đình làng bên sông Vĩnh Định.
Trong quãng thời gian dài dằng dặc của một đời người, mà người ta vẫn gọi là hoa niên, trong tôi chỉ còn đọng lại kỷ niệm về những ngày tháng ở làng. Có vẻ như ngoài làng tôi ra tôi không còn sinh trưởng ở một nơi nào khác; và bao nhiêu nguồn cội văn hóa, bao nhiêu vốn kiến thức dân gian về văn chương, mỹ thuật... tôi thu lượm được trong cuộc sống đều đã được ươm mầm từ ngôi làng nhỏ bé ấy.

Sau này lớn lên, tôi đã đặt chân đến nhiều nơi trên Trái đất, thế nhưng nhờ có làng tôi không trở thành một vật vô định trong không gian, hay là đám rong rêu bồng bềnh trên mặt đại dương. Tôi đã thuộc về một “tọa độ” nào đó cụ thể trên mặt hành tinh. Do đó, tôi vẫn nghĩ rằng một con người dù tiếng tăm lừng lẫy đến đâu, cũng không thể tự cho mình là lớn lao hơn quê hương của mình được. Ngày xưa và bây giờ.

Có một nghịch lý ma quái khiến tôi mắc kẹt hoài trong đó, không làm sao thoát ra được. Sao cái ngày xưa ấy, hồi tôi còn là một chú bé nhà quê chạy đuổi theo con chuồn chuồn óng ả bay dọc theo những đường làng. Trước cái cổng gạch của nhà thờ chi này là một con đường dài dẫn đến bờ sông; rẽ trái, đi theo bờ sông thì gặp đường cái quan dẫn đến chợ Sải. Đó là con đường tôi đi học ngày xưa.

Hằng ngày tôi thường xuống tắm ở dòng sông, bơi ra nhặt ốc gạo trên một tòa miếu cổ đã chìm xuống đáy sông không biết từ đời nào. Rồi trèo lên lưng trâu đứng cao lên, thổi tù và với chiếc kèn thật to quấn bằng lá dứa dại, vừa theo trâu lội vào bờ.

Thời kỳ ấu thơ này tôi được che chở bởi làng quê kỳ diệu giống như một tổ chim bình yên. Nhưng rồi một hôm cái tổ bình yên đó đã chao đảo... Điều đó bắt đầu bằng sự kiện chú Thu con mệ Giỏ ở cạnh nhà tôi bỗng nhiên mang vẻ mặt lạnh lùng đứng gác ở ngã ba đường làng, lưng mang một quả lựu đạn bằng gỗ và một chiếc mã tấu to bản.

Mọi con đường rẽ vào làng tôi đều bị rào kín lại bằng củi nè, với những thanh niên dân làng đứng gác dọc đường: thế là tôi đã nhập vào phong trào rào làng chiến đấu, đã mặc nhiên đứng vào một phe trong cuộc chiến chống Pháp. Một buổi chiều, đi mua sách trên tỉnh, ngang qua bãi cát làng An Tiêm, tôi bỗng gặp một thanh niên tay bị trói quặt ra sau lưng, đi giữa hai gã tây đen mang súng đi kèm.

Người thanh niên có một dòng máu chảy ứa ra ở khóe miệng, nhìn tôi mỉm cười âu yếm. Té ra đó là anh Nguyễn Văn Cửu, bạn cùng học lớp nhất với tôi, ngồi ở bàn cuối nơi ngôi trường Triệu Phong ở chợ Sải. Từ đó, tôi mơ hồ cảm thấy chiến tranh đang vây bọc lấy tuổi thơ của tôi, và làng tôi không còn là nơi trú ẩn an toàn đối với một chú bé thích mơ mộng như tôi. Tôi từ giã chốn quê nhà yêu dấu, từ giã chiếc cổng ngói của ngôi nhà thờ chi rêu phong để trở lại Huế sống nhờ căn nhà bên ngoại của tôi. Và đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ngày ký kết Hiệp định Paris, từ địa điểm đóng cơ quan ở Gio Linh, tôi đã chạy băng đồng nóng lòng về thăm lại làng tôi. Dọc đường, vài nhóm thanh niên dân quân đã tới trước, đang cố gắng dựng lại những căn nhà đàng hoàng, hình như để ăn ở lâu dài với làng xóm, dù cột kèo phải buộc bằng dây thép gai.

Khắp mặt đất không còn một thanh tre nào đủ dài bằng một sợi lạt, do bom đạn bấy lâu đã vằm nát tất cả. Không có bóng cây nào để phải che khuất tầm mắt. Nhìn khắp đồng bằng Triệu Phong tới sát biển, chỉ thấy hình dáng những con người lỏng khỏng đi trên mặt đất. Cứ nói sòng phẳng từng lời, theo nghĩa đen, là quê hương của tôi đã bị chiến tranh “lột da”.

Tôi vẫn nhớ da diết tiếng hát đuổi chim muông của lũ trẻ con cất lên từ những nương rẫy khắp nơi trong làng. Trên con đường cái quan dẫn đến thị xã kia là con đường đi học của những người lừng danh đã sống ở làng mạc dưới kia. Ví dụ họa sĩ Lê Bá Đảng hiện sống ở Pháp, trong “không gian Lê Bá Đảng” thường xuất hiện những dấu chân đi khai phá một con đường.




Như giáo sư tiến sĩ Hồ Ngọc Đại với lý tưởng học đậu tiến sĩ để đi dạy tiểu học đem lại cho tuổi thơ niềm tâm phục khẩu phục rằng đi học là một niềm hạnh phúc thật sự... Những người ấy chắc đã bỏ lại cánh diều tuổi thơ của họ trên những cánh đồng quanh đây; và chắc là hồi nhỏ tôi đã từng ngồi chơi nơi chiếc cổng nhà thờ chi bắt mặt nhìn ra đường quan và đã thấy cái bóng họ bước đi trên con đường nhân loại.
Tôi về làng dự lễ lạc thành ngôi nhà thờ họ vừa được con cháu trùng tu lại. Đất xây dựng đã được hợp tác xã giao trả lại cho họ Hoàng, và các con cháu thành đạt trong và ngoài nước đã bỏ tiền ra lấy lại đất, xây lên một nhà thờ khang trang, hợp nhất các chi nhánh xưa nay vẫn tồn tại riêng lẻ của họ Hoàng. Buổi chiều, tôi ra trước ngõ, nhìn bâng quơ ra cánh đồng. Trước kia, nơi đây có một cái hồ, nước xanh biếc quanh năm.

Bây giờ hồ đã biến mất, thành ruộng của hợp tác xã, nghe nói họ sẽ cho họ Hoàng chuộc lại để đào hồ. Cái cổng theo bản vẽ mới này lớn hơn cái cổng hồi tôi còn nhỏ. Bây giờ thì cổng rộng để ôtô có thể ra vào được nhưng nó không có vẻ thân mật. Hình như lũ chim sẻ của ngày xưa đã trở về từ những cánh đồng thời gian nào không biết, kêu lách chách trên đầu chúng tôi và bay vút vào bên trong ngực tôi. Vui một nửa, tự dưng nước mắt tôi rưng rưng.

Huyền thoại kể rằng sau khi chết, xương thịt con chim phượng hóa thành tro than, để 500 năm sau nó sống lại trên đống tro xương của nó. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, thời gian không đến nỗi dài như thế. Chẳng cần đến 500 năm, con chim phượng huyền thoại của làng tôi đã tái sinh trên tro xương của mình.

Buổi trưa tôi nằm nghỉ ở một phòng khách của nhà mới làm. Ngọn gió nào phía sau đồng thổi đến mát rượi trong trẻo lạ thường, như một trời sương tỏa khắp không gian. Tôi nghĩ thầm lan man: chiến tranh đã hủy diệt tất cả; nhưng chiến tranh cũng hàn gắn lại tất cả. Giống như một câu thơ của Nguyên Sa: Và tất cả những gì nguyên lành / Đều xây cất trên một chút gì đổ vỡ.

Cả tâm hồn con người cũng vậy.

Lập đông 2005

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Theo Việt Báo

Mời các bạn đọc thêm

Hoàng Phủ Ngọc Tường - Nỗi niềm của lửa


Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường


Gặp Hoàng phủ Ngọc Tường, Hoàng Hữu Quyết


CHUYỆN CƠM HẾN


MÙA XUÂN THAY ÁO TRÊN CÂY


ẨM THỰC QUẢNG TRI

READ MORE - HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG - QUÊ NHÀ