Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 24, 2022

“TRAU GIỒI” HAY “TRAU DỒI” ? – La Thụy

 


Mấy ngày nay, rảnh rỗi ngồi lướt net, đọc trên một số trang Facebook thấy bàn luận rôm rã về các từ ngữ “TRAU GIỒI” và “TRAU DỒI”. Phần nhiều những chủ trang face đó và những comments bên dưới đều cho rằng TRAU DỒI mới là từ ngữ đúng.
 
Tra Google để tìm kiếm, kết quả cho thấy:

"trau giồi" có 895 kết quả
"trau dồi" 12400 kết quả
 
Chỉ có trang face “Tiếng Việt giàu đẹp” và một số không nhiều trang mạng khác cho rằng TRAU GIỒI mới đúng
 
Tôi thử tra từ điển Hán Nôm về GIỒI và DỒI. Kết quả cho thấy:

GIỒI 𢬗
Chữ Nôm có bộ thủ  (+6 nét) có trong từ TRAU GIỒI

DỒI 
Chữ Nôm có bộ mễ  (+9 nét) có trong từ MIẾNG DỒI
 
Thử tra các tự điển xem GIỒI, DỒI, TRAU, TRAU GIỒI (TRAU DỒI) được giải thích như thế nào?

* TỰ ĐIỂN VIỆT NAM của Ban Tu Thư Khai Trí:

GIỒI (đt)

Trau tria cho đẹp, cho bóng
Giồi mài, trau giồi, giồi phấn


GIỒI - TỰ ĐIỂN VIỆT NAM của Ban Tu Thư Khai Trí


* Tự điển của Lê Văn Đức:
 
GIỒI: (đt)
 
1.Giùi, tô trét vô rồi chà mạnh cho láng, cho bóng. Giồi bộ ván. Giồi phấn,Má ơi con má hư rồi, má còn trang điểm phấn giồi làm chi.

2. Trau tria, ôn nhuần: giồi mài kinh sử.
 
Giồi -Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức

Theo từ điển đã nêu, ta thấy “giồi mài kinh sử”, trong thực tế đã biến âm thành “giùi mài kinh sử” hoặc “dùi mài kinh sử”
Chỉ có “giồi” với nghĩa “làm cho láng bóng” mới thích hợp đi với “mài”, chứ không thể nào là một từ hàm ý “đục lỗ” như “dùi” được.

 DỒI:
 
1. Dồn nhét, thêm vào cho đầy. “Dồi vô”
2. Thức ăn luộc hoặc nướng bằng thịt heo và gia vị dồn vô ruột heo.
3. Thêm lời nói: khen dồi, cãi dồi vô.
 4. Nhồi, thẩy nhẹ lên: Dồi lên, dồi tiền, dồi banh, sóng dồi.

                      
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị định nghĩa: DỒI

Nhiều tài liệu cũng công nhận những giải thích trên, có thể kể đến Huình Tịnh Của với Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Hội Khai Trí Tiến Đức với Việt Nam tự điển, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Từ điển mở Hồ Ngọc Đức, Từ điển Thanh Nghị, Từ điển Việt Tân, Từ điển Nguyễn Lân…

---

Trong từ điển Cồ Việt:

GIỒI: nghĩa là đánh phấn trang điểm.
 
tratu.coviet.vn/hoc-tieng-anh/tu-dien/lac-viet/V-V/giồi.html
 
DỒI:

Danh từ là món ăn làm với lòng heo, bên trong nhồi tiết và gia vị như dồi heo, dồi chó
Động từ là tung lên liên tiếp nhiều lần như dồi bóng, sóng dồi, dồi quả banh. Nhận vào, dồn cho đầy
 
http://tratu.coviet.vn/hoc-tieng-anh/tu-dien/lac-viet/V-V/dồi.html
 
Như thế theo tự điển đã trích thì cách viết đúng của món ăn quen thuộc trong giới bạn nhậu phải là “dồi chó” chứ không phải “giồi chó”. Tương tự, “dồi heo” chứ không phải “giồi heo”.
 
Ngoài ra, ta cũng thấy được nghĩa “nhồi, nổi lên” trong “sóng dồi” liên hệ với “dồi dào”, và cũng là lý do khiến nhiều người công nhận từ “trau dồi”.
 
Nhưng có thật sự “trau dồi” là đúng, và “trau dồi kiến thức” tức “nhồi thêm kiến thức”?
 
*
Để hiểu rõ từ ngữ TRAU GIỒI, trước hết hãy xét nghĩa của từ “trau”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức trình bày:
 
TRAU:
 
1. Giồi mài, đánh bóng. Trau ngọc, trau đôi hoa tai.
2. O bế, làm cho đẹp. Trau ăn trau mặc, trau hình chuốt dáng.
 
Trau giồi -Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức

Căn cứ vào đây thì rõ ràng “trau” phải đi với “giồi” thì mới thành một cặp “làm cho sáng bóng” được.
 
* NHỮNG TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH VỀ “TRAU GIỒI”
 
trau giồi   đt. Bào, đánh giấy nhám, đánh bóng bằng chất nhờn cho láng, cho bóng: Trau-giồi bộ ván. // (B) Bồi bổ, tô-đắp cho đầy-đủ, cho tốt đẹp thêm: Trau-giồi tiếng mẹ đẻ.
Nguồn tham khảo: Từ điển - Lê Văn Đức
*
trau giồi   - Bồi bổ cho hay, cho tốt, cho giỏi hơn: Trau giồi tư tưởng.
Nguồn tham khảo: Từ điển mở - Hồ Ngọc Đức
*
trau giồi   đgt Bồi bổ cho tốt hơn, hay hơn: Trau giồi tư tưởng; Anh mong em gắng trau giồi nhiều hơn (Lê Anh Xuân).
Nguồn tham khảo: Từ điển - Nguyễn Lân
*
trau giồi   đt. Nht. Trau chuốt || Trau-giồi đức hạnh.
Nguồn tham khảo: Từ điển - Thanh Nghị
*
trau giồi   - Bồi bổ cho hay, cho tốt, cho giỏi hơn: Trau giồi tư tưởng.
Nguồn tham khảo: Từ điển - Việt Tân
*
trau giồi   Cũng nghĩa như “trau-chuốt”: Trau giồi thân-thể.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Khai Trí
 
https://chunom.net/Tu-dien/Y-nghia-cua-tu-trau-gioi-74685.html
 
“Trau” ở đây cũng chính là “trau” trong “trau chuốt”, mà “chuốt” vốn có nghĩa đen là “vót, gọt xuôi theo thớ cây” (chuốt đũa, chuốt viết chì) cho trơn bén, cho suôn sẻ. Rõ ràng “trau giồi” và “trau chuốt” có sự tương quan rất gần về nghĩa.
 
Chữ “giồi” có người thường viết ra thành “dồi”, vì cách phát âm địa phương.
 
* NHỮNG TỪ ĐIỂN CÓ CẢ “TRAU GIỒI” VÀ “TRAU DỒI”
 
- Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản năm 1992 dùng cả 2 từ TRAU GIỒI và TRAU DỒI
Sau từ TRAU GIỒI từ điển Tiếng Việt trên ghi thêm (cũ; id.)

Hình  chụp từ một trang quyển Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học

- Từ điển chính tả nhóm Hoàng Phê chủ biên xác định hai hình thức chính tả TRAU GIỒI và TRAU DỒI đều là hình thức chữ viết đúng
 
NHỮNG TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH VỀ “TRAU DỒI”:
 
Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên (Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Trung TâmNgôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam), nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin.

Trau dồi (đgt): 
Rèn luyện, bồi dưỡng, làm cho ngày càng tốt hơn
trau dồi kiến thức, trau dồi đạo đức, trau dồi tư tưởng

TRAU DỒI - Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên 
(Hình chụp)

 
 * Tra từ Soha:

 * Tra từ Soha:
http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Trau_d%E1%BB%93i
 
TRAU DỒI

Động từ 
làm cho ngày càng trở thành tốt đẹp hơn, có chất lượng cao hơn

    trau dồi kiến thức
    trau dồi đạo đức
 
* Wikitionary Tiếng Việt:
 
TRAU DỒI

Động từ
    Rèn luyện, bồi dưỡng, làm cho ngày càng tốt hơn.

           Trau dồi kiến thức.
           Trau dồi đạo đức.
           Trau dồi tư tưởng.

https://vi.wiktionary.org/wiki/trau_d%E1%BB%93i#Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t
 
* Từ điển số Tiếng Việt:

trau dồi có nghĩa là: - đgt. Rèn luyện, bồi dưỡng, làm cho ngày càng tốt hơn: trau dồi kiến thức trau dồi đạo đức trau dồi tư tưởng.
 
https://tudienso.com/tu-dien/tu-dien-tieng-viet.php?q=trau+d%E1%BB%93i
 
*
 
LẠM BÀN CỦA LA THỤY
 
* Căn cứ từ vựng, ta thấy “Trau” trong “trau chuốt” có sự tương quan rất gần về nghĩa với “giồi” với ý nghĩa “giồi” là “làm cho láng bóng” (trong “giồi mài”), là “ôn nhuần” (trong “ôn nhuần kinh sử”); chứ không thích hợp với “dồi” là nhồi nhét, thẩy nhẹ lên (trong “dồi bóng, sóng dồi”).“Trau dồi kiến thức” khó nói là “nhồi thêm kiến thức”
Liên hệ “trau dồi” với “dồi dào” (“dào” trong“dạt dào” và “dồi dào”), DÀO có nghĩa “dâng lên và tràn đầy”. Ta thấy “trau” khó kết hợp có nghĩa hợp lý với “dồi” (trong dồi dào, dạt dào).
 
* Căn cứ chữ Nôm

GIỒI 𢬗
Chữ Nôm có bộ thủ  (+6 nét) có trong từ TRAU GIỒI

DỒI 
Chữ Nôm có bộ mễ  (+9 nét) có trong từ MIẾNG DỒI
 
* Căn cứ các bộ từ điển in như Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Từ điển mở Hồ Ngọc Đức, Từ điển Thanh Nghị, Từ điển Việt Tân, Từ điển Nguyễn Lân, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức …
 
Thì phần nhiều từ điển in đều ghi nhận từ ngữ TRAU GIỒI
 
* Trường hợp ngoại lệ có:
 
- Từ điển Tiếng Việt Của Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản năm VIỆN NGÔN NGỮ HỌC xuất bản năm 1992 ghi nhận cả TRAU GIỒI và TRAU DỒI.

- Từ điển chính tả nhóm Hoàng Phê chủ biên xác định hai hình thức chính tả TRAU GIỒI và TRAU DỒI đều là hình thức chữ viết đúng.

 Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên (Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam), nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ghi nhận từ ngữ TRAU DỒI

* Các từ điển trên mạng như Soha, Wikitionary Tiếng Việt, từ điển số Tiếng Việt thì ghi nhận từ ngữ TRAU DỒI
 
Từ điển trên mạng thời hiện đại và giới trẻ bây giờ sính dùng từ ngữ TRAU DỒI.
 
Chữ “giồi” có người thường viết ra thành “dồi”, vì cách phát âm địa phương.
 
Tra Google để tìm kiếm, kết quả cho thấy:
 
"trau giồi" có 895 kết quả
"trau dồi" 12400 kết quả
 
Kết quả trên cho thấy một thói quen diễn đạt dù không chính xác nhưng vẫn được đông đảo mọi người chấp nhận. Theo thời gian cái “tập quán ngôn ngữ” này mặc nhiên thay thế từ ngữ chính danh trong các từ điển một thời.
                                                                                           
La Thụy
 
READ MORE - “TRAU GIỒI” HAY “TRAU DỒI” ? – La Thụy

TINH THẦN BẤT NHỊ TRONG THƠ NGẮN ĐỖ NGHÊ


Tác giả Tâm Nhiên và nhà thơ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Đỗ Nghê là bút hiệu của Đỗ Hồng Ngọc. Anh sinh năm 1940 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Tốt nghiệp Tiến sỹ Y khoa Quốc gia, Sài Gòn (1969) là bác sỹ chuyên khoa Nhi.
 
Ngoài việc làm giảng viên tại Đại học Y khoa Sài Gòn, anh còn là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Viết nhiều thể loại đa dạng, đặc biệt gần đây, anh viết chuyên sâu về Phật học, Thiền học với các tác phẩm giá trị, được rất nhiều độc giả mến mộ, ưa thích.
 
Bình đạm mà thiết tha với thi ca, Đỗ Nghê đã xuất bản 6 thi phẩm, tập mới nhất gần đây là Thơ ngắn Đỗ Nghê, do Văn Hóa-Văn Nghệ xuất bản 2017. Mở đầu tập thơ là bài Trái đất:
 
Giữa đêm
Thức giấc
Giữa ngày...
 
Bài thơ được viết tại Boston, Hoa Kỳ (1993) Giữa đêm bên Mỹ là đúng giữa ngày ở Việt Nam. Một cái nhìn toàn diện trái đất đang xoay quanh mặt trời. Chỗ này tối thì chỗ kia sáng, tùy theo thời tiết, nhân duyên, địa phương mỗi nơi mà thấy mỗi khác đó thôi. Thấy được như vậy là hiểu lý Bất nhị, dung thông Sóng là nước:
 
Sóng
Quằn quại
Thét gào
 
Không nhớ
Mình
Là nước
 
Nước tức là sóng, sóng tức là nước, thanh âm Tâm kinh đồng vọng đâu đây: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị...” Khi hiểu được như thế rồi thì không ai phải mất công đi hỏi nước từ đâu đến hay nước trôi về nơi đâu nữa:
 
Nước vẫn muôn đời
Không đi chẳng đến
Ai người nỡ hỏi
Nước đến từ đâu?
Ai người nỡ hỏi
Nước trôi về đâu?
 
Thi nhân bỗng nhiên thấy ra ngay cả thân xác tứ đại giả hợp của mình cũng chính là Đất:
 
Đất động ta cũng động
Sóng thần ta cũng sóng
Giật mình chợt nhớ ra
Vốn xưa ta là đất
 
Đó là cái thấy bằng con mắt Hoa Nghiêm trùng trùng duyên khởi: “Tất cả là một, một là tất cả.” Hòa trong vô thủy vô chung, vô cùng vô tận giữa thiên hà, vũ trụ càn khôn, con người là một sinh thể nhỏ bé thì bận tâm chi chuyện Có không:
 
Chắt ra cho hết
Giọt hơi cuối cùng
Thả mình như lá
Rơi vào hư không
 
Tràn vào khắp ngả
Đất trời mênh mông
Nhẹ như không có
Có mà như không...
 
Suốt mất nghìn năm qua, vô số các triết gia, đạo sỹ khắp Đông Tây kim cổ đều luận thuyết, triết lý om sòm về có không, sống chết, đến đi, được mất, chân vọng, thật giả, hơn thua, đúng sai, phải trái, tốt xấu, trí ngu, phàm thánh, tỉnh điên, thiện ác, mê ngộ...mà chẳng ai chấp nhận ai, chẳng đưa đến mọt kết luận nào cả.
 
Kể từ khi cư sỹ Duy Ma Cật tuyên bố lý Bất nhị thì thiên hạ ồ lên một tiếng bàng hoàng. Họ bừng sáng ra, bước đi trên con đường Trung đạo, vào ra giữa có và không một cách tự do tự tại, thong dong.
 
Không và có...tuy hai mà một, cùng viên dung vô ngại trong lý sự huyền đồng Chân Không Diệu Hữu. Diệu Hữu là thấy ngay trong bất cứ sự vật gì cũng đều vi diệu, như thấy hơi Thở:
 
Lắng nghe hơi thở của mình
Mới hay hơi thở đã nghìn năm xưa
Một hôm hơi thở tình cờ
Dính vào hạt bụi thành ra của mình
Của mình chẳng phải của mình
Thì ra hơi thở của nghìn năm sau...
 
Phải chăng, đó là hơi thở sát na thường trụ vĩnh hằng của một con người hoát nhiên bừng chứng Ngộ:
 
Tham chẳng còn
Sân cũng hết
Si đã tuyệt
 
Niết bàn
Tịch diệt
Để mà chi?
 
Một câu hỏi nêu ra quá bất ngờ, bức bách. Trả lời đi, trả lời đi...Vô ngôn là hồi đáp tối thượng nhất. Phủi tay, cất bước rỗng rang Thiền:
 
Thực chẳng dễ dàng
Sống trong cái chết
Và chết trong cái sống...
 
Chết trong cái sống là chết đi hết những danh từ, khái niệm mà mình thường vướng kẹt, mắc dính, chết đi cái ngã chấp thâm căn cố đế, chết đi sự nô lệ vào danh lợi, tài sắc, thần tượng, tôn giáo, tổ quốc...
 
Không chấp trước vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì thênh thang, phóng khoáng, tiêu dao du chơi giữa vô thường. Tuy giữa vô thường nhưng vẫn Chân thường, đó là niềm hân hoan sáng tạo của Đỗ Nghê, một thi nhân đã đến tận đầu nguồn nếm được giọt nước trong ngần của mạch suối Tào Khê.
 
Để rồi trở về nhập cuộc, hòa điệu chịu chơi với bụi cát trần gian, thõng tay vào chợ, cười vang giọng cười hào sảng như Duy Ma Cật ngay giữa cái Đang là, luôn luôn mới lạ và mới lạ...
 
Tâm Nhiên
(Thị xã La Gi 19. 11. 2022)

READ MORE - TINH THẦN BẤT NHỊ TRONG THƠ NGẮN ĐỖ NGHÊ

MẸ QUÊ – Thơ Lê Kim Thượng


                 Nhà thơ Lê Kim Thượng
 

MẸ QUÊ 1-2
 
1.
Nhớ Quê… nhớ nhất bóng hình
Dòng sông – Bến nước – Mái đình – Cây đa
Người còn mê mãi phương xa
Quê hương giờ cũng chỉ là… “Quê xưa”…
Nắng xuyên qua lá cây dừa
Chênh chao bóng Mẹ, sớm trưa đi về
Quần nâu, áo vải, nón mê
Chợ tàn, mua gói kẹo quê làm quà
(Con giờ lưu lạc phương xa
Vẫn còn vị ngọt, đậm đà hương yêu…)
Vui vui tiếng vịt kêu chiều
Được mùa sân trước mọc nhiều đụn rơm
Óng vàng hạt lúa thảo thơm
Mồ hôi lắng đọng bát cơm ngọt đường
Gió hòa, mưa thuận… Trời thương
Ngát thơm hương lúa bên đường dịu êm…
Chiếu mê trải giữa sân thềm
Một nồi khoai luộc, khói lên nồng nàn
Bà ngồi kể chuyện khàn khàn
Truyện xưa, tích cổ… thế gian, dị thường…
 
2.
Đêm đêm, nằm nhớ Quê hương
Xót xa cho Kẻ Sông Tương ngược dòng
Một đời luân lạc, long đong
Một đời phiêu bạt, lưu vong dãi dầu
Xưa rồi: “ Người ạ… còn đâu?”
Tàn đêm khói thuốc bay màu mông lung
Cung Mi Thứ… Phím đàn chùng
Nốt Si buồn thảm lạnh lùng trong tim
Lời ca đứt đoạn im lìm
Tứ thơ rơi vãi lặng chìm giấc mơ
Nhà xưa… Ai đợi, ai chờ
Chiều mưa nỗi nhớ ướt mờ…vỡ tan
Còn đâu ô cửa Dạ Lan?
Cánh hoa Tuy Líp rã tàn trống trơn
Tàn đêm… giấc ngủ cô đơn
Tiếng gà xứ lạ dài hơn Quê mình
Bây giờ cuối cuộc hành trình
Bước ra từ cõi say tình rong chơi
Bây giờ đã cuối cuộc đời
Nghe câu “Gần đất… xa Trời” mà đau…
       
Nha Trang, tháng 11. 2022              
LÊ KIM THƯỢNG

READ MORE - MẸ QUÊ – Thơ Lê Kim Thượng

MỘT CÕI BÓNG TỐI TRONG BA NGÀN THẾ GIỚI – Thơ Khaly Chàm



 
một cõi bóng tối trong ba ngàn thế giới
 
những ngẫu tượng không hề chớp mắt
tất nhiên, những hiện thể ấy chẳng nhìn thấy được gì
sự tái tạo hào quang tỏa sắc màu được lập trình quy chuẩn khi ma trận phát lệnh nhấp nháy
có thể, chúng sinh cúi quỳ mọp người sát đất tâm linh sẽ thoát ra từ khe hở giữa mông
huyền nhiệm nhưng đã chắc gì là có thật
 
xưng tội lỗi lầm rồi nguyện cầu
linh ứng chăng hay chỉ là mệnh giá của đức tin nhàn rỗi
mê muội ngắc ngứ lời kinh thẫn thờ mơ hồ cứu rỗi
sao tôi cứ mãi tưởng tượng loài kên kên háo hức trước vết thương lịch sử
đến khi nào ngừng thở sẽ được định nghĩa cho sự lãng quên
tôi ơi hãy tịnh tâm , lắng nghe những âm hồn vất vưởng khóc than trong giờ phút cuối cùng trôi qua quá khứ huy hoàng
 
thói quen tôi hay vuốt mặt thời gian nhạt nhòa ký ức
cố quên đi tiếng cười nói bầy đàn tự huyễn hoặc một thiên đường man rợ
lũ chúng nó ngạo nghễ chơi trò ướp xác con quỷ chờ ngày mở mắt
dường như rất hợp lý giữa một cõi bóng tối tanh tưởi máu người trong ba ngàn thế giới
hôm qua hay hôm nay vẫn là ngày với cơn điên mới
xin em đừng níu kéo tôi nghiêng ngả về phía giấc mơ
bởi vì, em không thể nhìn thấy được bản ngã tôi ẩn hiện lúc nào
đừng nói phẩm hạnh là gì khi bầu trời ban mai
em vội vàng đem những câu mật niệm quăng vào thùng rác ngoài đầu ngõ phố
 
khaly chàm
mùa đông 2022

READ MORE - MỘT CÕI BÓNG TỐI TRONG BA NGÀN THẾ GIỚI – Thơ Khaly Chàm

Chùm ảnh HOA CACTUS MÀU HỒNG - Chu Vương Miện

 













READ MORE - Chùm ảnh HOA CACTUS MÀU HỒNG - Chu Vương Miện