Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 12, 2012

MỘT CHIỀU TRÔNG QUÊ - Trần Tư Ngoan


Mời anh chị em nhạc sĩ phổ nhạc.

Chiều quê Quảng Trị - Ảnh Đinh Thị Hiệp


Một chiều nương bóng quê
Một lần ta đứng nghe
thời gian bước qua hiên nhà
tìm nhặt ánh dương la đà
Lặng lẽ rời xa
Một ngày nơi dấu yêu
Ngàn ngày xưa lấm rêu
giờ vỗ sóng trong tâm hồn
người viễn xứ vui tương phùng
Rộn rã hoài mong
Ta về tìm thăm thời ấu thơ
ký ức về theo ngợp gió lùa
Tuổi hoa quá giang con thuyền giấy
sông cuốn chìm trôi đã mịt mờ
Chim về nhìn mây hồng lướt bay
xao xuyến cùng ta khoảnh khắc này
Làng thôn nấu cơm tung làn khói
lam bóng chiều đang đưa võng ngày
Một chiều trong cố hương
Một đời ta vấn vương
hồn quê chứa chan con đường
nằm quạnh dưới khóm tre làng
Nặng trĩu thời gian
Một chiều như giấc mơ
Mộng đời xanh với thơ
Lòng ta ngất ngây đâu ngờ
tình quê thắm hơn bao giờ
Ngàn thưở không nhòa .


              Ngãi Giao, tháng Chín, 2012
Trần Tư Ngoan
Điệnthoại: 01695931953- 0643961078
Email: trantungoan49@yahoo.com,  trantungoan@gmail.com
READ MORE - MỘT CHIỀU TRÔNG QUÊ - Trần Tư Ngoan

GỞI NGƯỜI CÕI NHỚ ... - Hoàng Yên Lynh


*Những năm tháng trên bước đường lưu lạc kiếm sống, tôi đặt chân đến Gành Hào, Bạc Liêu nơi miền đất phương Nam với những cánh đồng ngút mắt, với câu vọng cổ chạnh lòng người phiêu bạt ... Ở đó tôi đã gặp người bạn đời, người đã cảm thông chia sẻ và cưu mang đời tôi trong những tháng năm khốn khó. Những đêm dài bên ly rượu suông, bên ánh trăng vàng đục tỏa xuống cánh rừng tràm, đôi bạn già trẻ cùng sớt chia nỗi niềm tâm sự và những đắng cay của cuộc đời. Tôi một kẽ "phú qúy giật lùi, công danh lộn ngược ", ông một người cuối đời cô đơn bên chiếc đàn bầu. Đôi bạn già trẻ mưu sinh bằng nghề bốc vác ở bến cảng Gành Hào ... Rồi đến một ngày ông tiển tôi với lời ước hẹn  “đời chú còn dài, hãy tìm cho mình cuộc sống... Đoạn trường ai có qua cầu mới hay ... Nhớ lời tôi, cứ về lại đây khi đường đời gặp khốn khó ...".

Gần 30 năm tôi mới tìm về lại. Nỗi nhớ về ông vẫn nguyên vẹn trong tôi nhưng bước đường lưu lạc cứ đẩy tôi đi xa mãi ... Làm sao tôi có thể quên được người bạn cố tri, quên được tháng năm gian khó nhưng đầy ắp tình người phương Nam. Thời gian đã mang ông đi vào cõi vĩnh hằng, tôi trở lại chốn xưa. Cố nhân không còn nữa , cảnh xưa cũng đã khác nhưng hình ảnh ông, âm vang tiếng đàn bầu bên căn chòi lá, bên ly rượu trắng, bên tiếng sóng vỗ những đêm dài cô đơn vẫn khắc sâu trong tâm tưởng tôi. Tôi về đây, suy nghĩ về ông hàn ôn kỷ niệm và tôi vẫn tin rằng ở cõi xa vắng nào đó ông vẫn không quên ngày tháng cũ, không quên tôi. Xin gởi đến ông - Ông Ba Sài Gòn -  những ân tình như nén hương lòng gởi đến người xưa... Xin ông được an nghĩ.

Ông Ba Sài Gòn!  Nỗi nhớ về ông mãi trong tôi cho đến cuối đời.

Gành Hào , Bạc Liêu 8/2012
HYL


Ba mươi năm tôi về lại Bạc Liêu
Trăng Gành Hào vẫn vàng soi con nước
Ba mươi năm một lời hẹn ước
Tôi trở về ...
Ngọt ngào câu Dạ Cổ
Tiếng đàn xưa với người bạn cũ
Còn lại đây chỉ là cõi nhớ ...

Bạc Liêu ơi Bạc Liêu
Tôi tìm ông giữa biển trời sóng vổ
Dáng ông đi về những chiều mưa đổ
Ly rượu đong đầy
Tiếng đàn bầu da diết
Trải lòng ông  giữa bao điều thua thiệt
Tôi kẻ tha hương ngày tàn cuộc chiến
Bước lang thang sau năm tháng lưu đày
Đôi bạn trẻ già
Ngẫm cuộc đời như một giấc Nam Kha ...

Ba mươi năm tôi về lại tìm ông
Giọt nắng chiều rơi sao đến chạnh lòng
Hỏi gió, hỏi mây hỏi chiều biển động
Hỏi cánh chim trời ... Ông phiêu lãng nơi đâu .

Bạc Liêu ơi Bạc Liêu
Một mình tôi rượu rót lại đầy
Chỉ mình tôi giữa chiều hoang vắng
Ông ở đâu ... Tiếng đàn xưa vắng lặng
Câu thơ này tôi viết để mình tôi .

Tôi về biển cũ Bạc Liêu
Vầng trăng lẻ bạn nỗi niềm đầy vơi
Gành Hào ơi ! Ông Ba ơi !
Rượu chưa cạn hết mà người xưa đâu
Mấy mươi năm chuyện bể dâu
Khúc Hoài Lang với nỗi đau xé lòng
Ngày đi ông tiễn bên sông
Bây giờ bến vắng ... Tìm ông chốn nào
Mênh mông trăng gió Gành Hào
Xốn xang Dạ Cổ ngọt ngào nhớ ông
Còn tôi lặng lẽ chờ mong
Có trăng có rượu sao ông đi rồi
Một thời đói rách tả tơi
Chia nhau ly rượu chia đời đắng cay
Chiều nay biển dậy mưa bay
Tôi về nghiêng chén rượu say một mình
Trăm năm còn lại ân tình
Rồi mai tôi lại một mình .. . Ra đi.

HOÀNG YÊN LYNH
READ MORE - GỞI NGƯỜI CÕI NHỚ ... - Hoàng Yên Lynh

NHỚ VỀ ÔNG NỘI TÔI NHƯ ÔNG VẪN CÒN MÃI TRÊN ĐỜI - Tự sự : Nguyễn Hồng Trân

                                               
                                     

Tôi là cháu đích tôn của ông nên ông rất vui mừng và quan tâm thường xuyên. Ông nội tôi kể lại rằng, từ năm 1935 ông nội và cố nội bà của tôi đã tìm xin được việc cho ba tôi vào Cố đô Huế làm ăn sinh sống. Gia đình tôi vào sống ở Huế tại phường Huệ An ngày xưa (Nay thuộc Thuận Thành –Huế). Khi tôi vào học trường tiểu học ở Huế, mùa nghỉ hè nào ông nội tôi cũng đưa tôi về sống với ông để ông kèm cặp học thêm. Mùa nghỉ hè năm 1945, học xong lớp nhì, tôi về ở với ông tại thị trấn Diên Sanh để học thêm chữ Hán. Hồi ấy, ông thương tôi lắm. Ông lo cho tôi ăn mặc và học hành chu đáo. Tôi cũng rất thương yêu ông và chăm học chuyên cần nên ông rất hài lòng. Tôi còn nhớ ông có đặt mấy câu thơ:

Cháu tôi là Nguyễn Hồng Trân

Sinh năm Mậu Dần đã gần bảy tuổi

Về theo ông nội, ở chợ Diên Sanh

Chăm chỉ học hành, người lành tánh tốt.


Ngoài những giờ học ông quy định, tôi cũng có kế hoạch giúp ông bà quét nhà, lau cửa, rửa ấm chén trà hàng ngày. Thỉnh thoảng chiều chiều mát được giải lao, tôi đi chơi đánh bi, chơi đánh đáo hoặc chơi vụ với các bạn trong thị trấn. Nếu chưa đến giờ quy định được đi chơi thì dù các bạn thân có đến rủ rê, tôi cũng không dám rời bàn học. Có nhiều bạn cứ đến xem tôi học chữ Hán và ngạc nhiên là tôi viết chữ Hán rất đẹp và nhanh. Hồi đó ông tôi bắt tôi phải học thuộc lòng bài văn vần trong quyển “Tam thiên tự” (tức 3 nghìn từ). Tôi đã học trong một tuần là thuộc lòng. Đến bây giờ (trên 75 tuổi) tôi vẫn còn nhớ.

Ngoài việc ông dạy tôi học chữ Hán ra, về sau tôi lớn lên thêm, ông còn dạy cho tôi biết làm thơ lục bát và còn dạy cho hiểu câu đối và tập làm câu đối. Ông tôi thường làm một số câu đối tiếng Việt giản đơn để cho mọi người dễ đọc, dễ hiểu mà ý nghĩa rất thâm thúy. Chẳng hạn như cặp câu đối ông đề vào hai trụ cổng nhà là:

“Thuốc sơ sơ, nhờ thần hiệu

Thầy dở dở, đỡ xóm làng”.

Hoặc cặp câu đối:

“Nhà thấp, không lo mưa gió tạt

Cổng cao, mặc sức xe ngựa vào”.

Có lần ông tôi đưa ra một vế đối thật ngắn gọn nhưng ẩn ý rất hay mà bao nhiêu người chưa đối được. Đó là câu:

              “Thầy thuốc hay ho, không uống rượu!”

Ẩn ý ở câu này là từ kép “hay ho” vừa có nghĩa là giỏi dang, lại vừa có nghĩa là bị ho luôn.

Tôi cũng thử làm một câu đối lại như sau:

              “Bệnh nhân tỉnh táo được ăn chè”.

Từ kép “tỉnh táo” ở đây tôi dùng cũng có ẩn ý là bình tĩnh và chữ táo cũng  có nghĩa là bệnh táo bón.

Ông tôi nghe vậy cũng gật đầu nói:

“Cũng khá đấy nhưng chưa hay, chưa ẩn ý sâu sắc như từ kép “hay ho”.

Trong mấy năm đầu cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, ông tôi không ở thị trấn Diên Sanh nữa mà về quê tiếp tục làm thuốc chữa bệnh cho mọi người. Vào năm 1948, trong một buổi sáng, giặc Pháp đi càn quét quê tôi, ông tôi vì điếc tai không nghe tiếng mõ báo động có bọn giặc tiến vào làng nên ông đã bị chúng bắt về thị xã Quảng Trị. Và cũng vì có kẻ xấu theo giặc nên đã báo cho giặc biết ông là anh ruột của ông Nguyễn Quýnh (Chủ tịch huyện Hải Lăng đầu tiên) và người cháu ruột là Nguyễn Sam  (đảng viên Cộng sản từ năm 1930, là Bí thư Đảng ủy huyện Hải Lăng đầu tiên) đã đi theo Việt Minh. Vì vậy mà bọn giặc tuy biết ông tôi là một thầy thuốc Đông y giỏi ở huyện, nhưng chúng vẫn cố tình bắt giam và đày đi lao động nặng nhọc kéo phà tại bến phà ở sát cầu Sập qua sông Thạch Hãn tai thị xã Quảng Trị trong mấy tháng trời. Trong thời đoạn ấy, ông tôi đã thầm kín làm bài thơ như sau:

  
                        TỦI PHẬN ĐỜI

Ngày ngày cặm cụi kéo phà

Bụng thì đói khát, thịt da tím bầm

Nhiều lúc mong mỏi người thân

Vợ con cách trở, cũng dành chịu thôi

Nghĩ mà tủi phận cho đời

Làm nghề thầy thuốc sao trời hại ta?

Tù đày khổ cực thân già

Bực mình thầm chửi tổ cha giặc thù!

Các con ở tận chiến khu

Có biết cha đã bị tù Pháp không?

Mong sao kháng chiến thành công

Quét hét lũ giặc cho đồng bào yên!...

                   
(Thầy Lương y Nguyễn Bá Đàm - Giáo Tiềm 1948)


Bài thơ này sau khi ông nội tôi ra tù về nhà cuối năm 1948 mới đọc lại cho tôi nghe. Nghe xong bài thơ tôi muốn khóc to lên vì thương cho ông tôi quá và tôi càng căm ghét bọn giặc.

Ông tôi trở lại thị trấn Diên Sanh để hành nghề thầy thuốc Đông y như ngày xưa. Đồng bào khắp vùng Hải Lăng nghe tin ông Giáo Tiềm về làm thầy thuốc trở lại ai ai cũng mừng. Lúc ấy, ngôi nhà lầu hai tầng của ông tôi với hiệu thuốc Long Hòa đã bị chính quyền thân Pháp chiếm giữ làm công vụ. Lúc đó ông nội tôi phải thuê một ngôi nhà cấp 4 của ông Hương lý Phan Khắc Kiếm ở Diên Sanh để hành nghề. Nhà này sát bên cạnh nhà cậu tôi là Phan Quang Đãi đang buôn bán hàng tiêu dùng lặt vặt. Thời gian này có bà Phan Thị Bạo (vợ ba không chính thức của ông) người làng Thượng Xá vào ở chăm sóc cho ông tôi. Tôi cũng xin vào ở với ông để đi học và có dịp giúp ông những việc sai vặt như pha trà, nghiền thuốc Bắc, viên thuốc hoàn,v.v…

Tuy ở nhà thuê cũng chật chội nhưng ông tôi vẫn bố trí phòng bắt mạch khám bệnh gọn gàng tử tế. Hồi đó, nhà ông tôi không có dãy tủ thuốc Bắc như ở hiệu Long Hòa trước đây mà chỉ kê phái đơn thuốc cho bệnh nhân đến mua thuốc ở các hiệu thuốc Bắc của chú Tàu như Thái Hòa Tường, Vương Dỏ. Cứ hàng tháng các hiệu thuốc của các chú Tàu căn cứ vào số lượng thang thuốc được bán ra để tính tiền cho ông tôi hưởng tỷ lệ công thầy. Do đó mà thu nhập hàng tháng của ông tôi cũng không dư dật như trước đây. Vì vậy việc chi tiêu cho đời sống hàng ngày trong gia đình cũng bị hạn chế. Sự tiêu pha ăn mặc của ông cũng rất tiết kiệm. Tuy vậy, ông đối xử với người mẹ già và các anh em cũng như con cháu, bà con thân thuộc rất chu đáo. Khi có người đau ốm, ông bổ thuốc giúp đỡ mà không nhận tiền. Những ngày Tết, ngày lễ hàng năm nhiều người dân biết ơn thầy thuốc đã đem nếp gạo, bánh trái và gà vịt đến biếu thầy rất nhiều. Sau đó ông tôi lại sai người đem biếu lại cho mẹ già các anh chị em và con cháu sử dụng. Đặc biệt đối với những người ốm đau nghèo khổ, ông chữa bệnh miễn phí. Ông rất tự hào về nghề thuốc gia truyền làm ông đã có uy tín trong cả huyện. Ông tôi thật xứng đáng là một người con trai nối nghiệp được cha là cụ Nguyễn Bá Khánh (tức Bá Chước) đã đỗ Tú tài và từng làm quan Ngự y triều Nguyễn thời vua Đồng Khánh. Ông được tặng danh hiệu Viện Hàn Lâm đãi chiếu.

Ông nội tôi rất muốn truyền lại nghề thuốc Đông y cho ba tôi, các chú tôi và cả tôi là cháu đích tôn nữa, nhưng tất cả đều không học được thành công. Điều đó ông nội tôi buồn lắm nhưng cũng đành chịu, vì thời thế không ai muốn kiên trì học chữ Hán để làm nghề thuốc Đông y nữa.

Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, con cháu ông tôi đã về quê hương đầy đủ nhưng ông bà đều đã qua đời. Các cô chú của tôi là Nguyễn Thị Liễn, Nguyễn Thị Thiều, chú Nguyễn Bân và Nguyễn Quỳnh về quê thắp hương cúng bái trên mồ mả của ông bà và nguyện cầu cho ông bà mọi điều an lạc ở cõi vĩnh hằng. Mỗi lần đến viếng mộ ông bà, con cháu đều xúc động không cầm được nước mắt vì quá thương xót ông bà đã mấy chục năm xa cách không được chăm sóc nuôi dưỡng ông bà, ngay cả những lúc lâm chung cũng đều vắng mặt nhiều người con cháu.

Qua hơn một chục năm sau, hai chú tôi mới có điều kiện để xây lăng mộ cho ông bà chúng tôi được khang trang đàng hoàng. Lăng mộ ông bà tôi được chú Nguyễn Quỳnh đề xuất và chủ động đảm trách kinh phí xây dựng. Sau đó chú Nguyễn Bân vào túc trực hơn một tháng trời để lo liệu thực hiện công trình cùng sự cộng tác đầy nhiệt tình của chú Nguyễn Bá Xử ở quê. Ngôi lăng mộ được hoàn thành vào mùa xuần năm Quý Dậu (1993) ở trên đồi An Lạc, làng Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Gần mười năm sau thì vợ chồng tôi (Nguyễn Hồng Trân và Thái Lê Phương) cũng xây dựng cho cha mẹ tôi sát bên dưới đó.

Giờ đây hai chú tôi Nguyễn Bân và Nguyễn Quỳnh đã già yếu. Nguyện vọng của hai chú là muốn tôn tạo khu lăng mộ của ông cho đàng hoàng hơn, có tường bao quanh thành khuôn viên để bảo đảm cho khu vực lăng mộ nghiêm trang, an toàn. Tôi đã đề xuất với các chú rằng: “Trước đây các chú lo xây lăng mộ cho ông bà rồi, bây giờ xin phép hai chú để các cháu lo liệu tôn tạo cho lăng ông bà to lơn và khang trang hơn. Cháu đề nghị sẽ thiết kế cấu trúc xây dựng thành một nghĩa trang gia đình cụ lương y Nguyễn Bá Đàm thật hoành tráng cho ông bà được vui lòng an lạc ở nơi suối vàng. Nghe như vậy các chú rất mừng và yên lòng chờ đợi. Thế là mấy anh em chúng tôi (vợ chồng các cháu nội của ông bà) đã bàn bạc với nhau quyết tâm thực hiện kế hoạch xây dựng nghĩa trang gia đình cụ lương y Nguyễn Bá Đàm trong hơn một tháng(từ 25/5 đến 2/7 năm Nhâm Thìn =2012).

Trong ngày khánh thành khu nghĩa trang này(18/8/2012) bà con khắp nơi trở về khá đông đủ để dự lễ mừng thành quả của công trình tôn tạo vùng lăng mộ thành khu nghĩa trang uy linh, tráng lệ.

Giờ đây hai chú thím tôi là Nguyễn Bân và chú Nguyễn Quỳnh, cũng như anh chị em chúng tôi gồm cháu nội, cháu ngoại và các cháu dâu, cháu rể, chắt nội… của ông bà đều phấn khởi yên tâm đã làm được một việc trọng đại có ý nghĩa tâm đức đối với cha ông, tiên tổ.

                                         

                              Phủ Cam, Phước Vĩnh, tp.Huế 7-9-2012
Nguyễn Hồng Trân

READ MORE - NHỚ VỀ ÔNG NỘI TÔI NHƯ ÔNG VẪN CÒN MÃI TRÊN ĐỜI - Tự sự : Nguyễn Hồng Trân

XƯỚNG HỌA MỪNG THU - Nguyễn Đại Bường - Nguyễn Thanh bá

Tác giả Nguyễn Thanh Bá

Bài xướng :

         L Ậ P    T H U

        Trời lập thu rồi – em có hay … !
        Em xa từ thuở . . . Lại thu nầy
        Lá rơi về cội – rưng rưng ngọn
        Trăng khuyết sang đoài – vướng vít mây
        Dẫu biết ân tình tan bọt bóng
        Mà nghe cay đắng ngợp heo may
        Em đi – vơ sạch thu trời cũ
        Sót lại thu nầy : Một gã say !

                        Nguyễn Đại Bường


T H U    V Ề
(Họa bài thơ Lập thu của Nguyễn Đại Bường )

       Lòng ta mong đợi có bai hay !
       Đếm tháng ngày trôi lạc lối nầy ?
       Thu nhuộm lá vàng – sầu phiến lá
       Gió lùa mây trắng – lạnh chân mây
       Chợt thương kỷ niệm màu hoa dại
       Và nhớ khung trời hương cỏ may
       Thu đã về - người chưa trở lại
       Chén thề ta đợi rót men say!

                       Nguyễn Thanh Bá

READ MORE - XƯỚNG HỌA MỪNG THU - Nguyễn Đại Bường - Nguyễn Thanh bá

VƯỜN CỔ TÍCH - Thơ Võ Đình Hương


Bốn mùa, mùa xuân trước nhất
Mùa xuân đẹp bởi mai vàng
Vườn nhà hai cây mai nhỏ
Đặt tên mai anh mai em

Dần dà theo dòng thời gian
Mặc cho thanh bình, bão tố
Lớn dần giữa khu vườn nhỏ
Mai anh cũng như mai em

Thời gian qua thật là nhanh
Chẳng nhớ bao năm rồi nữa
Mai anh lớn lên như thế
Mai em vào độ dậy thì

Và rồi mùa xuân năm ấy
Mai em nở một nụ vàng
Gio lay cành xuân nhè nhẹ
Hương bay mùa xuân đầu tiên

Tôi là chủ nhân của mai
Cũng lớn khôn theo dòng đời
Và mơ một ngày xuân đẹp
Mai em hiểu cho lòng tôi...

Một chiều quê hương ly tan
Như bao người phải tha phương
Tôi ra đi tìm lối sống
Đành xa mai anh mai em

Xa quê đã bao nhiêu năm
Lòng luôn nhớ về chốn cũ
Mong ngày quê nhà đoàn tụ
Về thăm mai anh mai em

Ngày kia quê nhà bình yên
Tôi về thăm khu vườn nhỏ
Vườn cây tôi trồng năm cũ
Vẫn còn mai anh mai em

Vin cành mai em vào tay
Đưa qua mai em tôi cười
Từ nay không xa nhau nữa
Ta cứ lớn khôn với đời

Lòng người và cây hiểu nhau
Nên tiếp mấy mùa xuân sau
Mai em nở hoa rực rỡ
Mai anh vài cái lơ thơ

Nhưng mùa gió bão năm kia
Làm cây mai anh trốc gốc
Ngả thân vào cây mai em
Và chết sau mùa gió lốc

Mấy mùa xuân nay lại về
Mai em buồn không nở hoa
Mùa xuân trong khu vườn nhỏ
Thành VƯỜN CỖ TÍCH bao giờ

                      2/9/12
                 VÕ ĐÌNH HƯƠNG
Thi Ồng, Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị
READ MORE - VƯỜN CỔ TÍCH - Thơ Võ Đình Hương