Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 12, 2012

NHỚ VỀ ÔNG NỘI TÔI NHƯ ÔNG VẪN CÒN MÃI TRÊN ĐỜI - Tự sự : Nguyễn Hồng Trân

                                               
                                     

Tôi là cháu đích tôn của ông nên ông rất vui mừng và quan tâm thường xuyên. Ông nội tôi kể lại rằng, từ năm 1935 ông nội và cố nội bà của tôi đã tìm xin được việc cho ba tôi vào Cố đô Huế làm ăn sinh sống. Gia đình tôi vào sống ở Huế tại phường Huệ An ngày xưa (Nay thuộc Thuận Thành –Huế). Khi tôi vào học trường tiểu học ở Huế, mùa nghỉ hè nào ông nội tôi cũng đưa tôi về sống với ông để ông kèm cặp học thêm. Mùa nghỉ hè năm 1945, học xong lớp nhì, tôi về ở với ông tại thị trấn Diên Sanh để học thêm chữ Hán. Hồi ấy, ông thương tôi lắm. Ông lo cho tôi ăn mặc và học hành chu đáo. Tôi cũng rất thương yêu ông và chăm học chuyên cần nên ông rất hài lòng. Tôi còn nhớ ông có đặt mấy câu thơ:

Cháu tôi là Nguyễn Hồng Trân

Sinh năm Mậu Dần đã gần bảy tuổi

Về theo ông nội, ở chợ Diên Sanh

Chăm chỉ học hành, người lành tánh tốt.


Ngoài những giờ học ông quy định, tôi cũng có kế hoạch giúp ông bà quét nhà, lau cửa, rửa ấm chén trà hàng ngày. Thỉnh thoảng chiều chiều mát được giải lao, tôi đi chơi đánh bi, chơi đánh đáo hoặc chơi vụ với các bạn trong thị trấn. Nếu chưa đến giờ quy định được đi chơi thì dù các bạn thân có đến rủ rê, tôi cũng không dám rời bàn học. Có nhiều bạn cứ đến xem tôi học chữ Hán và ngạc nhiên là tôi viết chữ Hán rất đẹp và nhanh. Hồi đó ông tôi bắt tôi phải học thuộc lòng bài văn vần trong quyển “Tam thiên tự” (tức 3 nghìn từ). Tôi đã học trong một tuần là thuộc lòng. Đến bây giờ (trên 75 tuổi) tôi vẫn còn nhớ.

Ngoài việc ông dạy tôi học chữ Hán ra, về sau tôi lớn lên thêm, ông còn dạy cho tôi biết làm thơ lục bát và còn dạy cho hiểu câu đối và tập làm câu đối. Ông tôi thường làm một số câu đối tiếng Việt giản đơn để cho mọi người dễ đọc, dễ hiểu mà ý nghĩa rất thâm thúy. Chẳng hạn như cặp câu đối ông đề vào hai trụ cổng nhà là:

“Thuốc sơ sơ, nhờ thần hiệu

Thầy dở dở, đỡ xóm làng”.

Hoặc cặp câu đối:

“Nhà thấp, không lo mưa gió tạt

Cổng cao, mặc sức xe ngựa vào”.

Có lần ông tôi đưa ra một vế đối thật ngắn gọn nhưng ẩn ý rất hay mà bao nhiêu người chưa đối được. Đó là câu:

              “Thầy thuốc hay ho, không uống rượu!”

Ẩn ý ở câu này là từ kép “hay ho” vừa có nghĩa là giỏi dang, lại vừa có nghĩa là bị ho luôn.

Tôi cũng thử làm một câu đối lại như sau:

              “Bệnh nhân tỉnh táo được ăn chè”.

Từ kép “tỉnh táo” ở đây tôi dùng cũng có ẩn ý là bình tĩnh và chữ táo cũng  có nghĩa là bệnh táo bón.

Ông tôi nghe vậy cũng gật đầu nói:

“Cũng khá đấy nhưng chưa hay, chưa ẩn ý sâu sắc như từ kép “hay ho”.

Trong mấy năm đầu cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, ông tôi không ở thị trấn Diên Sanh nữa mà về quê tiếp tục làm thuốc chữa bệnh cho mọi người. Vào năm 1948, trong một buổi sáng, giặc Pháp đi càn quét quê tôi, ông tôi vì điếc tai không nghe tiếng mõ báo động có bọn giặc tiến vào làng nên ông đã bị chúng bắt về thị xã Quảng Trị. Và cũng vì có kẻ xấu theo giặc nên đã báo cho giặc biết ông là anh ruột của ông Nguyễn Quýnh (Chủ tịch huyện Hải Lăng đầu tiên) và người cháu ruột là Nguyễn Sam  (đảng viên Cộng sản từ năm 1930, là Bí thư Đảng ủy huyện Hải Lăng đầu tiên) đã đi theo Việt Minh. Vì vậy mà bọn giặc tuy biết ông tôi là một thầy thuốc Đông y giỏi ở huyện, nhưng chúng vẫn cố tình bắt giam và đày đi lao động nặng nhọc kéo phà tại bến phà ở sát cầu Sập qua sông Thạch Hãn tai thị xã Quảng Trị trong mấy tháng trời. Trong thời đoạn ấy, ông tôi đã thầm kín làm bài thơ như sau:

  
                        TỦI PHẬN ĐỜI

Ngày ngày cặm cụi kéo phà

Bụng thì đói khát, thịt da tím bầm

Nhiều lúc mong mỏi người thân

Vợ con cách trở, cũng dành chịu thôi

Nghĩ mà tủi phận cho đời

Làm nghề thầy thuốc sao trời hại ta?

Tù đày khổ cực thân già

Bực mình thầm chửi tổ cha giặc thù!

Các con ở tận chiến khu

Có biết cha đã bị tù Pháp không?

Mong sao kháng chiến thành công

Quét hét lũ giặc cho đồng bào yên!...

                   
(Thầy Lương y Nguyễn Bá Đàm - Giáo Tiềm 1948)


Bài thơ này sau khi ông nội tôi ra tù về nhà cuối năm 1948 mới đọc lại cho tôi nghe. Nghe xong bài thơ tôi muốn khóc to lên vì thương cho ông tôi quá và tôi càng căm ghét bọn giặc.

Ông tôi trở lại thị trấn Diên Sanh để hành nghề thầy thuốc Đông y như ngày xưa. Đồng bào khắp vùng Hải Lăng nghe tin ông Giáo Tiềm về làm thầy thuốc trở lại ai ai cũng mừng. Lúc ấy, ngôi nhà lầu hai tầng của ông tôi với hiệu thuốc Long Hòa đã bị chính quyền thân Pháp chiếm giữ làm công vụ. Lúc đó ông nội tôi phải thuê một ngôi nhà cấp 4 của ông Hương lý Phan Khắc Kiếm ở Diên Sanh để hành nghề. Nhà này sát bên cạnh nhà cậu tôi là Phan Quang Đãi đang buôn bán hàng tiêu dùng lặt vặt. Thời gian này có bà Phan Thị Bạo (vợ ba không chính thức của ông) người làng Thượng Xá vào ở chăm sóc cho ông tôi. Tôi cũng xin vào ở với ông để đi học và có dịp giúp ông những việc sai vặt như pha trà, nghiền thuốc Bắc, viên thuốc hoàn,v.v…

Tuy ở nhà thuê cũng chật chội nhưng ông tôi vẫn bố trí phòng bắt mạch khám bệnh gọn gàng tử tế. Hồi đó, nhà ông tôi không có dãy tủ thuốc Bắc như ở hiệu Long Hòa trước đây mà chỉ kê phái đơn thuốc cho bệnh nhân đến mua thuốc ở các hiệu thuốc Bắc của chú Tàu như Thái Hòa Tường, Vương Dỏ. Cứ hàng tháng các hiệu thuốc của các chú Tàu căn cứ vào số lượng thang thuốc được bán ra để tính tiền cho ông tôi hưởng tỷ lệ công thầy. Do đó mà thu nhập hàng tháng của ông tôi cũng không dư dật như trước đây. Vì vậy việc chi tiêu cho đời sống hàng ngày trong gia đình cũng bị hạn chế. Sự tiêu pha ăn mặc của ông cũng rất tiết kiệm. Tuy vậy, ông đối xử với người mẹ già và các anh em cũng như con cháu, bà con thân thuộc rất chu đáo. Khi có người đau ốm, ông bổ thuốc giúp đỡ mà không nhận tiền. Những ngày Tết, ngày lễ hàng năm nhiều người dân biết ơn thầy thuốc đã đem nếp gạo, bánh trái và gà vịt đến biếu thầy rất nhiều. Sau đó ông tôi lại sai người đem biếu lại cho mẹ già các anh chị em và con cháu sử dụng. Đặc biệt đối với những người ốm đau nghèo khổ, ông chữa bệnh miễn phí. Ông rất tự hào về nghề thuốc gia truyền làm ông đã có uy tín trong cả huyện. Ông tôi thật xứng đáng là một người con trai nối nghiệp được cha là cụ Nguyễn Bá Khánh (tức Bá Chước) đã đỗ Tú tài và từng làm quan Ngự y triều Nguyễn thời vua Đồng Khánh. Ông được tặng danh hiệu Viện Hàn Lâm đãi chiếu.

Ông nội tôi rất muốn truyền lại nghề thuốc Đông y cho ba tôi, các chú tôi và cả tôi là cháu đích tôn nữa, nhưng tất cả đều không học được thành công. Điều đó ông nội tôi buồn lắm nhưng cũng đành chịu, vì thời thế không ai muốn kiên trì học chữ Hán để làm nghề thuốc Đông y nữa.

Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, con cháu ông tôi đã về quê hương đầy đủ nhưng ông bà đều đã qua đời. Các cô chú của tôi là Nguyễn Thị Liễn, Nguyễn Thị Thiều, chú Nguyễn Bân và Nguyễn Quỳnh về quê thắp hương cúng bái trên mồ mả của ông bà và nguyện cầu cho ông bà mọi điều an lạc ở cõi vĩnh hằng. Mỗi lần đến viếng mộ ông bà, con cháu đều xúc động không cầm được nước mắt vì quá thương xót ông bà đã mấy chục năm xa cách không được chăm sóc nuôi dưỡng ông bà, ngay cả những lúc lâm chung cũng đều vắng mặt nhiều người con cháu.

Qua hơn một chục năm sau, hai chú tôi mới có điều kiện để xây lăng mộ cho ông bà chúng tôi được khang trang đàng hoàng. Lăng mộ ông bà tôi được chú Nguyễn Quỳnh đề xuất và chủ động đảm trách kinh phí xây dựng. Sau đó chú Nguyễn Bân vào túc trực hơn một tháng trời để lo liệu thực hiện công trình cùng sự cộng tác đầy nhiệt tình của chú Nguyễn Bá Xử ở quê. Ngôi lăng mộ được hoàn thành vào mùa xuần năm Quý Dậu (1993) ở trên đồi An Lạc, làng Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Gần mười năm sau thì vợ chồng tôi (Nguyễn Hồng Trân và Thái Lê Phương) cũng xây dựng cho cha mẹ tôi sát bên dưới đó.

Giờ đây hai chú tôi Nguyễn Bân và Nguyễn Quỳnh đã già yếu. Nguyện vọng của hai chú là muốn tôn tạo khu lăng mộ của ông cho đàng hoàng hơn, có tường bao quanh thành khuôn viên để bảo đảm cho khu vực lăng mộ nghiêm trang, an toàn. Tôi đã đề xuất với các chú rằng: “Trước đây các chú lo xây lăng mộ cho ông bà rồi, bây giờ xin phép hai chú để các cháu lo liệu tôn tạo cho lăng ông bà to lơn và khang trang hơn. Cháu đề nghị sẽ thiết kế cấu trúc xây dựng thành một nghĩa trang gia đình cụ lương y Nguyễn Bá Đàm thật hoành tráng cho ông bà được vui lòng an lạc ở nơi suối vàng. Nghe như vậy các chú rất mừng và yên lòng chờ đợi. Thế là mấy anh em chúng tôi (vợ chồng các cháu nội của ông bà) đã bàn bạc với nhau quyết tâm thực hiện kế hoạch xây dựng nghĩa trang gia đình cụ lương y Nguyễn Bá Đàm trong hơn một tháng(từ 25/5 đến 2/7 năm Nhâm Thìn =2012).

Trong ngày khánh thành khu nghĩa trang này(18/8/2012) bà con khắp nơi trở về khá đông đủ để dự lễ mừng thành quả của công trình tôn tạo vùng lăng mộ thành khu nghĩa trang uy linh, tráng lệ.

Giờ đây hai chú thím tôi là Nguyễn Bân và chú Nguyễn Quỳnh, cũng như anh chị em chúng tôi gồm cháu nội, cháu ngoại và các cháu dâu, cháu rể, chắt nội… của ông bà đều phấn khởi yên tâm đã làm được một việc trọng đại có ý nghĩa tâm đức đối với cha ông, tiên tổ.

                                         

                              Phủ Cam, Phước Vĩnh, tp.Huế 7-9-2012
Nguyễn Hồng Trân

No comments: