Tác giả LÊ NGỌC PHÁI |
Lịch sử đánh Nguyên thật tuyêt vời
Nhà Trần anh dũng giữ cơ ngơi
Tấm gương Bình Trọng (1) luôn cao đẹp
Câu chuyện Bình Than (2) mãi sáng ngời
Quang Khải, Khánh Dư tài cứu nước
Nhân Tông, Hưng Đạo đức lưu đời
Diên Hồng hội nghị: Hòa hay đánh?
Bô lão đồng lòng: Quyết đánh thôi!
Bô lão đồng lòng: Quyết đánh thôi!
Quân Tàu thua trận máu xương rơi
Thoát Hoan (3) liều mạng chui vào ống
Ô Mã (4) bỏ quân chạy lấy người
Lý Quán (5), Toa Đô (6) đều mất xác
Sài Thung (7), Phàn Tiếp (8) cũng cong đuôi
Bài ca chiến thắng vang muôn nẻo
Đất nước bình yên hợp ý trời.
.
Lê Ngọc Phái
(1) Trần Bình Trọng bị quân Nguyên bắt ở Thiên Trường (2. 1285), Thoát Hoan tìm mọi cách dụ dỗ nhưng Traần Bình Trọng không khai báo và trả lời với tướng giặc: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
(2) Hội nghị Bình Than (1282) bàn kế hoạch chống giặc Nguyên của vương triều Trần, Trần Quốc Toản (1267-1285) không được tham dự vì tuổi còn nhỏ, đã bực mình bóp nát trái cam trên tay. Sau đó, ông tự lập một đạo quân hơn nghìn người, lấy lá cờ thêu 6 chữ "phá cường địch, báo hoàng ân" làm cờ hiệu. Đội quân của người anh hùng trẻ tuổi đã đánh cho quân Nguyên nhiều phen khốn đốn.
(3) Trong trận Vạn Kiếp,Thoát Hoan sợ quân ta rượt kịp nên phải chui vào ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy về Tàu. Mấy năm sau sang xâm lược nước ta lại và bị thua trong trận Bạch Đằng giang nhưng cũng thoát được về Tàu.
(4) Trong trận Tây Kết, Ô Mã Nhi bị quân ta đuổi ngặt quá phải một mình lén xuống chiếc thuyền con chạy ra bể, trốn về Tàu. Mấy năm sau Ô Mã Nhi qua xâm lược lại và bị bắt trong trận Bạch Đằng giang.
(5) Lý Quán bị trúng tên chết trong trận Vạn Kiếp.
(6) Toa Đô bị trúng tên chết trong trận Tây Kết.
(7) Sài Thung đem quân qua đánh nước ta bị bắn trúng tên mù một mắt, chạy về Tàu.
(8) Trong trận Vạn Kiếp, Phàn Tiếp thoát chạy về Tàu. Mấy năm sau qua xâm lược lại và bị bắt trong trận Bạch Đằng giang.