Vấn đề dịch thuật từ
tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là việc không dễ; nhất là dịch các thể loại
văn thơ lại càng khó rất nhiều. Muốn xác định một bản dịch thuật tốt hay không
thì phải căn cứ vào mấy tiêu chí sau:
1. Nội dung bản dịch có
bám sát với nội dung nguyên bản từng câu của ngôn ngữ ấn hành.
2. Dịch giả có trình độ
ngoại ngữ đó phải vững vàng, thông thạo.
3. Dịch giả có am hiểu
về lĩnh vực ngành nghề, khoa học- kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật… mà trong văn
bản hoặc sách báo ngoại văn cần dịch.
Nếu dịch thuật về văn
thơ, về các thể loại nghệ thuật thì dịch giả phải là người có năng khiếu về
lĩnh vực đó mới có thể dịch lột tả được cái ý tứ, linh hồn của bài thơ hay câu
văn của tác giả. Đặc biệt dịch thơ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là rất
khó, còn dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài lại càng khó vô cùng.
Trong thực tế có hiện
tượng bài dịch thơ rất hay, nghe rất xúc động, tình cảm hay lắm, nhưng cũng
chưa thật sát với nội dung nguyên bản lắm. Tất nhiên chúng ta không nên đòi hỏi
dịch giả phải sát nguyên bản 100%. Điều đó là không tưởng! Tuy vậy nội dung, ý
tứ của bài thơ ít nhất cũng phải đạt tới 60-70%. Nếu chỉ đạt ít hơn 60% thì bản
dịch chưa đạt yêu cầu; Nếu chỉ đạt từ 50% và ít hơn thì bản dịch tồi.
Vấn đề dịch thuật nói
chung là một quá trình chuyển ngữ rất tinh vi và sinh động. Người dịch thuật
phải có một vốn về ngôn ngữ; phải có kỹ năng và kỹ xảo chuyển hóa ngôn ngữ của
từng thể loại văn thơ cho phù hợp với ngữ cảnh và tâm hồn của nhân vật trong
thơ. Vấn để chuyển tải vào bản dịch của mình cho bạn đọc được cảm nhận phải mềm
mại, thấm thía chứ không cứng nhắc, trục trặc và tối nghĩa.
Ngày nay, có nhiều bạn trẻ rất có năng khiếu ngoại ngữ
nhưng lại rất yếu về ngôn ngữ Việt. Do đó làm hạn chế rất nhiều cái linh hồn ý
vị của bài thơ hoặc bài văn trong những bản dịch của họ. Thậm chí có bạn trẻ có
học vị tiến sĩ, có trình độ ngoại ngữ nhưng dịch một câu thơ không ra thơ, đọc
lên nghe rất cứng đờ, không còn gì là thơ nữa.
Dịch thơ và dịch lời trong bản nhạc thì khác với dịch văn
xuôi. Dịch văn xuôi trước tiên là phải dịch đúng nội dung và ngữ nghĩa từng
câu, sau đó mài dũa thành dòng văn Việt; còn dịch thơ thì không nhất thiết phải
đúng nguyên văn từng câu, từng chữ mà chỉ cần đúng nội dung và ý nghĩa trong
đoạn thơ của tác giả là được. Nếu bản dịch càng sát với nguyên văn từng câu thì
càng tốt. Nhưng thực tế cho thấy dịch được một bài thơ như thế là rất hiếm.
Sau đây tôi xin dẫn
chứng một vài đoạn về dịch thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “ĐỢI ANH VỀ”
của một nhà thơ Nga –Simonov. Nguyên bản
tiếng Nga ở đoạn đầu của bài thơ như sau:
Жди меня
Жди меня, и я вернусь.
Только очень жди,
Жди, когда наводят грусть
Желтые дожди,
Жди, когда снега метут,
Жди, когда жара,
Жди, когда других не ждут,
Позабыв вчера.
Nghĩa là:
Hãy đợi anh
Hãy đợi anh, rồi anh sẽ về.
Hãy cứ đợi nhé.
Hãy đợi, khi lòng buồn tái tê
Dù mưa rơi chiều vàng
Hãy đợi, khi tuyết rơi ngập tràn,
Hãy đợi, khi nắng cháy,
Hãy đợi,khi không còn ai đợi chờ
Dù họ ngày qua đã quên rồi…
Ngôn ngữ Nga là thế, dân Nga người ta hiểu tình thơ và ý
tứ qua những câu đó với dòng thơ của họ. Khi Tố Hữu dịch sang tiếng Việt qua
bản tiếng Pháp (vì Tố Hữu không biết tiếng Nga), ta thấy nó vẫn lưu giữ được
nội dung mà lại hay thêm nhiều. Vì hồn thơ nó phù hợp với tình cảm dòng thơ
Việt.
Đoạn này, nhà thơ Tố Hữu đã dịch lại từ bản dịch tiếng
Pháp như sau:
Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Thì em ơi cứ đợi
Em, em ơi cứ đợi
Dù tuyết rơi bão nổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh hoài em nhé.
Đoạn này theo bản dịch tiếng
Pháp:
Attends-moi
(Simonov, 1941)
Si tu m’attends, je reviendrai,
Mais attends-moi très fort.
Attends, quand la pluie jaune
Apporte la tristesse,
Attends quand la neige tournoie,
Attends quand triomphe l’été
Attends quand le passé s’oublie
Et qu’on attend plus les autres.
Attends quand des pays lointains
Mặc dầu trong
đoạn này bằng tiếng Nga hay tiếng Pháp đều không có câu « Ngày dài lê
thê » mà chỉ có câu với ý là buồn. Nếu thế thì nên dịch là « lòng có buồn lê thê » thì sẽ hay
hơn.
Tố Hữu cho điệp
khúc lại câu “Đợi anh hoài em nhé” cũng làm tăng thêm lời dặn dò của người
chiến sĩ ở ngoài mặt trận rất tha thiết muốn được gặp lại người vợ ở quê nhà
sau chiến tranh kết thúc. Tố Hữu dùng chữ “hoài” ở đây là cứ đợi mãi rất hợp tình cảm. Chứ không phải chữ “hoài” là hoài phí như một vài bạn người miền Bắc (tôi
không tiện nêu họ tên) hiểu nhầm, không năm vững được ngôn từ tiếng Việt và đã
phê phán Tố Hữu dịch không đúng.
Mặt dầu đoạn
này có một vài câu, vài từ không sát nghĩa lắm(như đa nêu trên) nhưng cũng lột
tả được tình ý của nội dung đoạn thơ và chúng ta cảm thấy rất hay.
Tôi xin dẫn
chứng một đoạn cuối bài thơ để chúng ta thấy rõ thêm về cách dịch của Tố Hữu.
Đoạn cuối của
bài thơ nguyên bản tiếng Nga như sau:
Как среди огня
Ожиданием своим
Ты спасла меня.
Как я выжил, будем знать
Только мы с тобой,-
Просто ты умела ждать,
Как никто другой.
Nghĩa là:
Trong lửa đạn
chiến tranh
Bởi lòng mình mong đợi
Như em đã cứu anh
Sao anh đã không chết
Vì chúng ta sẽ biết
Chỉ chúng ta với nhau
Chẳng có ai khác hơn
Chỉ một điều giản đơn
Em đã biết chờ đợi.
Trong đoạn cuối
của bài thơ “Đợi anh về” này, Tố Hữu đã dịch như sau:
Tan giặc bước
đường quê
Anh của em lại về
Vì sao anh chẳng chết
Nào bao giờ ai biết
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người
Biết như em chờ đợi.
Đoạn này trong bản dịch tiếng Pháp là :
En plein milieu du feu,
Ton attente M’a sauvé.
Comment j’ai survécu,
seuls toi et moi
Nous le saurons,
C’est bien simple,
tu auras su m’attendre,
comme personne.
Tuy mấy câu cuối này của bài thơ không sát nghĩa
từng câu, từng từng từ với nguyên bản tiếng Nga lắm (vì Tố Hữu dịch qua tiếng
Pháp), nhưng cũng bảo đảm nội dung và ý tứ rất phù hợp và khi đọc lên, chúng ta nghe thật tình cảm và hồn thơ rất
hay.
Theo tôi nghĩ, dịch thơ là như vậy. Phải đảm bảo
nội dung trong từng đoạn và thể hiện được linh hồn của thơ chứ không phải cân
đo từng lời, từng chữ được.
Một bản dịch hay hoặc dở thì bạn đọc sẽ bình luận,
phán xét và nó sẽ được tồn tại lâu, nếu bản dịch hay và ngược lại, nếu dở thì
sau một thời gian rất ngắn nó sẽ bị lãng quên.