Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 30, 2013

CHỮ VĂN LONG VỚI BÀI THƠ ĐẬM TÍNH NHÂN TÌNH THẾ THÁI - Phạm Ngọc Thái


                                
TRƯỚC HỐC ĐẠN THÀNH CỬA BẮC

Cùng bạn ngồi trước thành Cửa Bắc
Hốc đạn cổng thành xưa nhìn lại phía tôi
Phút đối diện với trăm năm còn mất
Lại diễn ra trong tiệc rượu vui cười.
 
Tôi nghĩ về những cuộc chiến tranh đã đi qua đó
Bao máu xương, xương máu ngập đầy
Người ta đã lấp đi bao đau thương
                                             để trồng hoa cấy lúa
Lưu lại làm gì một vết đạn ở đây?
 
Mùa xuân phủ lên thêm một lần rêu nữa
Thêm một lần quên quá khứ thương đau
Hốc đạn giờ nhìn giống chiếc nút chai bật mở
Khi hơi men đã chếnh choáng trong đầu.
 
                                 Chữ Văn Long
                 

 Nhà thơ Chử Văn Long


              
  

Lời bình:
Phạm Ngọc Thái   

Đi qua con đường Phan Đinh Phùng, dừng lại giữa phố trông thấy một cổng thành khá lớn: mặt đá đã cũ, những mảng rễ đề, rễ đa mọc chằng chịt cùng  rêu phong mưa gió - Đó chính là "Cổng thành Cửa Bắc".  Bên cổng đối diện mặt phố, ta lại thấy một hốc đạn đại bác sâu hoắm. Sự hiện diện của hốc đạn như muốn lưu lại tàn tích về một cuộc chiến tranh đã đi qua hàng thế kỷ. Dấu vết của viên đạn đại bác mà Thực dân Pháp lần đầu tiên xâm lược nước ta cuối thế kỷ 19, khi chúng đổ bộ đánh ồ ạt vào thành đô Thăng Long. Tại đây, thành Thăng Long thất thủ, quan Tổng đốc Hoàng Diệu đã phải thắt cổ tự tử để tuẫn tiết.

      Vào một chiều mùa xuân, tôi cùng nhà thơ Chử Văn Long ngồi với nhau trong một quán bia nhỏ, trước cổng thành xưa…vui chuyện đàm tiếu việc văn chương. Nhìn cái hốc đạn đã cũ, rêu bám xanh rì tựa như một hốc mắt lớn - một ý thức liên tưởng giữa lịch sử với sự sinh tồn của giống nòi cứ xoáy vào tâm trí anh?... và bài thơ "Trước hốc đạn thành Cửa Bắc” đã ra đời!

      Cái hốc đạn như hữu lý lại trở thành một nhân chứng lịch sử đang đối diện trước nhà thơ, để anh viết những câu:

                     Hốc đạn cổng thành xưa nhìn lại phía tôi
                     Phút đối diện với trăm năm còn mất

    Toàn bộ chủ đề tư tưởng, nỗi đau và tình người trong sự vận động thăng trầm xã hội đã được nghén thai từ đó. Ngồi trong quán bia, tức là ngồi trong thời buổi kinh tế thị trường, những tiếng va chạm các vỏ chai, những cốc bia sủi bọt cùng những lời chúc tụng của người đời. Cái hốc đạn lại càng xoáy sâu hơn, tất cả đều: diễn ra trong tiệc rượu vui cười / - Phải chăng "phút đối diện với trăm năm còn mất" chính là ý thức về nhân quả của sự tồn tại đời sống chúng ta hôm nay?  

     Nhưng nếu hốc đạn của quá khứ kia cũng chỉ lưu lại như một kỷ niệm thường tình, chắc chưa làm cho nhà thơ phải nhức nhối tâm can mình đến thế? Thơ được vọt trào ra từ trong sự thảng thốt của tâm hồn và trái tim anh:

                Tôi nghĩ về những cuộc chiến tranh đã đi qua đó
                Bao máu xương, xương máu ngập đầy

      Ý nghĩ không dừng lại để chiêm nghiệm về quá khứ, mà đưa nhà thơ đến một bờ bến xa hơn: Lưu lại làm gì một vết đạn ở đây? /-  Bởi đó, không chỉ còn là dĩ vãng khi chúng ta đang phải chứng nhận bao nhiêu sự tàn bạo, đau thương ngày ngày vẫn xẩy ra của thế giới này? Nào chiến tranh vùng vịnh, máu đổ ở châu Phi, Mỹ-la-tinh, rồi nội chiến nước Nga… cùng sự tan vỡ của hệ thống XHCN ở Đông Âu. Ngay đất nước chúng ta hôm nay, cũng đâu đã có được sự bình yên? Chiến tranh vẫn đang rình rập từ nhiều phía. Những tác động thực tiễn đó để tác giả buông ra hai câu mang đầy nỗi u uẩn trong lòng, kết lại bài thơ:

                Hốc đạn giờ nhìn giống chiếc nút chai bật mở
                Khi hơi men đã chếnh choáng trong đầu.

    Rượu vãn, tiệc tàn, mặt người thì chếnh choáng hơi men. Hình ảnh cái hốc đạn lại hiện lên như chiếc nút chai sâm banh bật mở, bọt bắn tứ tung… cũng giống như các tia lửa từ hốc đạn xưa cứ chĩa thẳng vào mắt ta mà bắn - Ý của câu thơ là vậy. Bên trong tình thơ bọc chứa một tâm linh thánh thiện và khát vọng hoà bình.

     Nói về khát vọng hòa bình trong ý tưởng thi ca Chữ Văn Long còn gặp ở nhiều bài thơ khác, như "xuân về trên mộ hai người lính":

                Một phía bên kia, một phía bên này...

     Chiến tranh thì người lính phía bên nào cũng... chết! Dẫu về phía ta sự hy sinh còn vì chính nghĩa, vì dân tộc. Nhưng người lính trận phía bên kia thì sao?  - Họ đâu phải là thủ phạm của các cuộc chiến tranh?

    Thực chất cả hai người lính đều là nạn nhân của các cuộc chiến tranh đó. Bởi vậy  đứng trước nấm mồ của hai người lính trận, nhà thơ cùng với quê hương xót xa mà ru những linh hồn được yên giấc ngàn thu:

                Hoa đồng nội bừng lên quanh hai nấm mộ
                Cánh bướm ngây thơ cũng tới vẽ vòng
                Cả tiếng sáo tận bờ tre êm ả
                Ru vọng về giấc ngủ ngàn năm.


     Đó chính là tư tưởng hoà hợp dân tộc, nhân sinh và thế giới quan nhà thơ.  Chử Văn Long là thi sỹ của đồng quê. Anh có một giọng thơ hiền lành, dịu ngọt rất đáng yêu.

     Tôi trở lại với bài "Trước hốc đạn thành Cửa Bắc" - Tình thơ được viết vào mùa xuân, mà mùa xuân thì cây cối tốt tươi, đất trời trong mát với muôn hoa đua nở. Nhưng mùa xuân ở đây lại là:

                Mùa xuân phủ lên thêm một lần rêu nữa
                Thêm một lần quên quá khứ thương đau.

     Những hình ảnh rất riêng của thơ Chử Văn Long. Ý muốn nói, thời gian sẽ rêu phong và rịt lành các vết thương. Nỗi đau nào rồi cũng dần nhoà phai theo năm tháng. Ta hãy quên cái đau mà nghiêng về phía ngọt ngào, để tác giả hạ xuống hai câu thơ hay nhất bài, có tính triết lý về sự sống:

                Người ta đã lấp đi bao đau thương
                                                        để trồng hoa cấy lúa

                Lưu lại làm gì một vết đạn ở đây?


      Tôi xin phân tích ít nét đôi câu thơ sâu sắc này: "cấy lúa" mang ý nghĩa đồng nội để nói về sự sống - còn "trồng hoa" lại biểu tượng cho hạnh phúc, niềm khao khát hoà bình. Hai biểu tượng ấy kết hợp lại với nhau có nghĩa như một câu ngạn ngữ châu Âu: "Bánh mỳ và hoa hồng" - Qui luật tồn tại tất yếu của xã hội con người. Câu thơ mang ý nghĩa đời sống rất điển hình ấy được trào ra từ trong cảm xúc của nhà thơ. Đó là sự kết đúc những trải nghiệm của cuộc đời anh ở chốn đồng quê, hàm chứa cả tính triết học. Dù bất cứ đau thương nào, người ta vẫn phải lấp đi để tiếp tục "trồng hoa cấy lúa", tồn tại và vươn đến một đời sống xã hội tốt đẹp hơn.

      Nay mái tóc của nhà thơ đã bạc, biết bao nhiêu mùa xuân vui, buồn qua đi trong đời Chử Văn Long. Đọc lại "Trước hốc đạn thành Cửa Bắc”  càng thêm thấm thía tính nhân tình thế thái ở thơ anh. Thế mới biết đời người tựa bóng câu ngang qua. Mới ngày nào còn ngồi vui chuyện với anh trong buổi chiều mùa xuân ấy, giờ như tất cả đã xa xưa.

            Phạm Ngọc Thái

                  Hà Nội - Ngày đầu thu 2013
READ MORE - CHỮ VĂN LONG VỚI BÀI THƠ ĐẬM TÍNH NHÂN TÌNH THẾ THÁI - Phạm Ngọc Thái

NGƯỜI QUẢNG TRỊ ĂN… ỚT - tạp bút Phạm Xuân Hùng




                                                                                            

Folklore hiện đại kể rằng ở một đô thị lớn nhất nhì trong nước xảy ra vụ tai nạn giao thông khủng kiếp. Người bị tai nạn không có giấy tờ tùy thân nên không xác định được danh tính. Do vậy trước khi khâm liệm, chôn cất người ta mời pháp y giám định để hòng tìm ra manh mối. Bác sĩ pháp y sau khi mổ và xem xét nội tạng đã khẳng định như đinh đóng cột rằng người bị nạn quê ở Quảng Trị bởi biên bản ghi rõ: ruột của nạn nhân chỉ toàn là ớt. Chuyện khác nữa kể rằng: một chị quê ở Quảng Trị đưa con nhỏ ra theo học một ngành gì đó ở thủ đô. Trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia nhưng các cô giáo chẳng làm sao dỗ được đứa bé ăn uống mặc dù cháu đang ở độ tuổi ăn dặm, bú dặm. Đến khi hỏi phụ huynh thì chị quê Quảng Trị điềm nhiên bảo: nhờ các cô khi pha sữa hoặc khuấy bột cho nhiều nhiều ớt vào cháu mới ăn…

Đó là hai trong số rất nhiều những câu chuyện dân gian hài hước mà nội dung đều nói rằng người Quảng Trị ăn cay, cay đến mức… khủng khiếp. Tại sao lại ăn cay, ăn cay có nghĩa là ăn nhiều ớt, vậy thì liệu có hình thành một tính cách ớt của người Quảng Trị không? Tôi nghĩ đây cũng là một vấn đề thú vị.

Nhân loại từ khi có lửa, đã biết tìm cách chế biến, nấu nướng thức ăn. Ăn không chỉ để no mà còn để đưa dưỡng chất cần thiết vào cơ thể nên cùng với nguyên vật liệu chính người ta phải nêm nếm vào đó nhiều thứ. Hẳn nhiên, đầu tiên là muối. Cơ thể mà thiếu muối thì bải hoải, da dẻ bủng beo rồi phù thũng mà chết. Sau đó, người ta nhận ra rằng ăn không chỉ để no mà còn phải ăn ngon. Thế là sau muối người ta phải thêm vào thức ăn nhiều thứ tạo vị thơm, ngọt, chua, cay như đường, dấm, ớt, hồ tiêu… Nghĩa là khi con người biết ăn ngon thì gia vị bắt đầu lên ngôi. Nhưng ớt có từ bao giờ và nguồn gốc từ đâu? Theo tài liệu mới nhất của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế trong đó có nhà khảo cổ học Scott Raymond của Canada sau khi phân tích hóa thạch tinh bột trên những mảnh đá dùng để đâm hạt ớt cổ nhất từ trước đến nay đã đi đến kết luận rằng các hạt ớt cổ nhất có niên đại đến…6.000 năm. Và căn cứ vào địa điểm thu mẫu vật hóa thạch cùng những nghiên cứu liên quan các nhà khoa học cho rằng, khác với điều người ta nhầm tưởng xưa nay là tổ tiển của các nền văn minh lớn ở vùng cao như người Inca, ngườ Aztec là những nguời đầu tiên trồng ớt, bằng chứng cho thấy ngược lại, cây ớt trồng có nguồn gốc từ miền nhiệt đới và vùng thấp thuộc Châu Mỹ la tinh.

Tôi cũng thành thật nói rằng không phải vì tôi là người Quảng Trị mà cho rằng tính cách ớt thuộc về người Quảng Trị. Mà thôi, chuyện cũng dông dài, xin được trải lòng với bạn đọc sau. Nhưng trước hết, xin được thưa rằng, cả nước ăn ớt, cả miền Trung ăn ớt chứ không riêng người Quảng Trị. Nhưng rõ ràng, người miền Trung ăn cay nhiều nhất và nổi tiếng ăn cay hơn cả. Người miền Trung cũng là cách nói chung chung chứ tình thực, theo tôi, hay ăn ớt nhất cũng chỉ có người Quảng Trị, người Huế và người Quảng Nam. Nhưng cách ăn thì mỗi vùng mỗi khác. Người xứ Quảng hay dùng loại ớt xanh, thơm nhưng ít cay. Người Quảng cũng không ăn ớt tràn lan, chỉ một vài món đặc sản như mỳ Quảng kèm theo trái ớt xanh, ớt xanh vài miếng thả vào nước chấm dùng cho món bánh tráng cuốn thịt heo... Thế thôi. Người Huế thì ăn ớt kỳ khu hơn, ớt không chỉ là gia vị mà còn là chất liệu để trang trí mang tính mỹ cảm. Vì là chất liệu trang trí nên cái sự ăn nặng về thị giác. Tô bún bò Huế bên cạnh màu trắng nà nõn của sợi bún, lớp màu mỡ màng của nước dùng, những cọng hành, rau thơm xanh non còn phải có những lát ớt màu đỏ điểm xuyết. Hay như bánh bột lọc sau khi luộc xong người ta phi hành xóc đều cho lá hành thấm dầu bám vào từng chiếc bánh. Khi bày bánh ra dĩa, màu bánh trắng trong nhìn rõ nhân tôm màu đỏ, lá hành dính xung quanh thì nhất thiết phải có ớt xanh xắt lát rải lên làm mặt. Nhìn cứ như tranh. Đại loại kiểu ăn của người Huế với nền văn hóa ẩm thực bậc cao là thế. Còn người Quảng Trị ăn ớt thì khác với người xứ Quảng và đất thần kinh. Người Quảng Trị cũng dùng ớt làm chất liệu bày biện món ăn nhưng không nặng về trình bày, ăn ớt thì nhất quyết phải lấy sự cay làm trọng!

Vâng, đã quan trọng cái sự cay thì ớt phải…cay. Muốn có ớt cay thì phải tìm giống ớt cay để trồng. Người nhà quê không như thành thị, đất đai trồng hái thì khỏi phải lo, về quan hệ thì xóm trên có một người đỏ mắt cả xóm dưới đều hay. Nên chi nhà nào có giống ớt ngon, thơm, cay bao giờ cũng chọn vài trái để già héo trên cây, đặng làm giống, đặng đem cho hàng xóm. Cây ớt và giống ớt cay vì thế mà được nhân bản khắp nơi, từ làng này sang làng khác.

Về khoa học, tôi nhớ đọc đâu đó tài liệu cho rằng người ta đã lập bảng chia độ cay của từng loại ớt, độ cay cũng tính như độ cồn trong bia rượu, độ đạm trong nước mắm. Nghĩa là độ càng cao thì ớt càng cay. Tôi cũng không rõ các giống ớt cay của Quảng Trị thì bao nhiêu độ nhưng quả thật là có nhiều loại ớt đạt đến độ cay…khủng khiếp.

Xét độ cay từ thấp lên cao thì nhóm cuối bảng có ớt sừng (giống ớt xanh), ớt sáp, ớt chìa vôi, ớt kiểng… Loại này thường chỉ dùng để bày biện hoặc gia giảm vào các món ăn cho trẻ để tập chúng ăn cay. Cay hơn một chút là giống ớt đỏ, ớt chỉ thiên.  Nhóm này thường trực trong các món ăn và được trồng phổ biến ở vùng quê. Thuộc hàng “top” thì phải kể đến hai loại đó là ớt mọi và ớt de. Ớt mọi là ớt được đồng bào dân tộc vùng cao trồng sau đó di thực về vùng xuôi, loại ớt này cay đáo để, trái nhỏ bằng đầu đũa nhưng chỉ nửa trái cũng đủ làm bát nước mắm cay xè. Ớt de còn độc đáo hơn (không hiểu vì sao gọi là ớt de và chữ de này có liên quan gì đến lúa de An Cựu nổi tiếng trong câu ca dao: “Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi. Gạo de An Cựu về nuôi mẹ già” không, vụ này chắc phải nhờ các nhà ngôn ngữ, dân tộc học… giải thích dùm), trái chỉ lớn hơn hạt lúa một chút, nhưng cay thì tàn khốc. Người không quen ăn cay thấy trái nhỏ tưởng bở ăn liền một miếng thì sau đó nhịn đói luôn vì mồm miệng bỏng rát. Giống ớt trồng qua mấy vụ thì thường thoái hóa, ít cay hơn. Để kiếm hạt giống người ta phải nhờ vào chim, nhất là loài vẹt. Những loài chim ăn ớt thường rất khôn, chỉ chọn loại ớt cay và những trái ớt chín đạt đến độ cay nhất. Nhờ vậy, người ta tìm phân của những con chim ăn ớt sau đó về rửa, đãi sạch lấy hạt giống về trồng. Cũng nói thêm, loại ớt này ngày xưa được bộ đội Trường Sơn gọi là ớt Đại đội vì cho rằng chỉ cần một trái là đủ cho một đại đội dùng bữa (nghĩa là người ta không cần cắn, mỗi người chỉ quẹt trái ớt ngang lưỡi thì đủ cay cho cả bữa ăn!).

Người Quảng Trị ăn ớt cay nhưng không chỉ ăn ớt sống theo kiểu nhai ngang mà còn chế biến nhiều loại thức ăn. Cay thường đi với mặn. Món kết hợp cay mặn đó là muối trắng giã với ớt, nước mắm xắt ớt thật nhiều và ruốc hấp trộn với ớt giã nhỏ. Cả ba loại trên vừa dễ chế biến, vừa hợp với gia cảnh thanh bần, ăn uống không cầu kỳ chỉ cần đưa cơm là được. Sang hơn một chút, trong các bữa ăn chính quy là cá kho ớt, thịt xào ớt. Cá kho ớt thì lượng ớt bỏ vào có khi bằng lượng cá. Những loại cá kho ngon như cá biển (thu, ngừ, nục…) khi nấu người ta để nguyên hoặc bẻ đôi từng trái ớt thả vào. Kho càng lâu, vị thơm cay thấm vào cá, nước cá kho sánh lại quyện từng hạt ớt, nước này dùng để ăn cơm nóng hoặc bún thì quên cả trời đất. Đặc biệt trong các bữa ăn người ta rất quan tâm đến bát nước chấm. Nước chấm dùng cho rau luộc, thịt luộc đều phải giã ớt tỏi thật nhiều, khi chấm da ớt và hạt ớt dính theo gắp rau, lát thịt mới gọi là đáo khẩu. Nhưng có lẽ trong các món ăn thì món mắm ớt mới thực sự độc nhất vô nhị. Ớt tươi sau thu hoạch đem rửa sạch phơi heo héo rồi xếp thành lớp trong vại giống như muối cà, giữa hai lớp ớt là một lớp muối mỏng. Đậy kín lại cất vào xó bếp vài tháng sau đem ra là đã có món mắm ớt. Lúc này vị muối hút nước trong quả ớt tạo thành thứ tương ớt cay xé và mặn mòi. Còn quả ớt sau khi rút nước teo lại đưa lên răng cắn nghe giòn tan, rất đã.

Nói chung, mùa nào thức nấy, nhưng với người Quảng Trị các bữa ăn quanh năm đều phải có ớt. Mùa thu hoạch ớt đại trà hoặc nhà nào có trồng vài cây ớt chỉ thiên ra quả quanh năm thì đến bữa trên mâm chí ít cũng phải có nắm ớt không dưới mươi quả. Mùa đông trời lạnh, cây cối nghỉ ngơi đã có hũ mắm ớt để dành. Không có ớt tươi hay mắm ớt người ta  dùng ớt khô nguyên trái hoặc ớt bột cho vào thức ăn. Người lớn ăn cay, trẻ em cũng ăn cay, đứa nào chưa ăn được thì cũng phải ăn cho quen dần không thôi nhịn đói.

Ăn ớt nhiều nên người Quảng Trị chỉ nhìn trái ớt dù là ớt xanh cũng biết ớt non hay ớt già, cay hay không cay. Ớt xanh non có màu xanh trong, bao ớt (màng trắng mỏng phía cuống ớt còn gọi là mào, ca dao có nhắc: “Gió đưa trái ớt trớt mào/Ai ve con mụ (mà) mụ cào dái tui..”) chưa rụng, ớt xanh già có màu xanh thẫm hơn, cuống ớt rụng bao xòe ra. Ớt non ngửi bên ngoài có mùi hăng của quả non, ớt già thì vị cay như chui ra khỏi vỏ xộc vào mũi.

Nói chuyện ớt đã nhiều bây giờ thì xin nói về tính cách ớt của người Quảng Trị. Hẳn có người cho rằng tôi nói lãng nhách nhưng không phải vậy. Phàm con người ta ở đâu, ăn gì, uống gì cũng ảnh hưởng qua lại tính cách cả. Luận về điều này thì nói cả ngày cũng không hết, ví như anh ở chùa thì dùng đồ chay để tu dưỡng tánh tình, đặng đi hết đường tu. Nói vậy đủ thấy món ăn là quan trọng trong việc củng cố, hình thành tâm nết, tính cách con người.

Tôi xin thử nêu mấy điểm trong tính cách của người Quảng Trị liên quan đến ớt.

Thứ nhất là đức tính chịu khó. Theo tôi, tập ăn cay buổi đầu phải chịu khó, trẻ em muốn ăn cùng thức ăn người lớn chẳng dễ dàng, cũng phải năm lần bảy lượt toát mồ hôi, long óc mới nuốt được miếng ớt. Lâu dần tính chịu khó ngấm vô người trở thành phản ứng tự nhiên lúc nào không hay. Dĩ nhiên đã chịu khó thì sẽ tìm cách vượt khó, vượt khổ. Người Quảng Trị theo tôi có tính cách này.

Thứ hai là sống đơn giản, đạm bạc. Khi xưa nhà tôi nghèo, cả làng cũng vậy, nghèo lắm. Bữa ăn chẳng có gì ngoài mớ cá nhỏ bắt ở khe, trái khế trong vườn, đọt môn sau giếng. Nhưng bữa ăn nào cũng thấy ngon nhờ có ớt. Ớt như thứ dopinh kích thích người ta ăn xong bữa. Lâu dần thành nếp sống đơn giản, đạm bạc.

Thứ ba là giỏi nín nhịn và hay nổi nóng. Nghe có vẻ đối lập nhưng biện chứng. Ăn cay phải chịu khó, trên chịu khó là nín nhịn nhưng nhiều khi cay quá phải hít hà, phải chửi đổng mới khoái khẩu. Từ nhỏ đã vậy lớn lên khắc thành tính cách.

Thứ nữa, nhiều lắm, cả xấu lẫn tốt, chẳng hạn: thủy chung với bạn bè nhưng lại hay cà khịa, miệng nói tay làm nhưng hay nói trạng, chịu khó học hành, học giỏi nhưng cũng hay khoe chữ, cao ngạo… Tất cả nếu phân tích thấu đáo hẳn ít nhiều cũng liên quan đến ớt.

Viết đến đây nghĩ cũng hòm hòm về chuyện người Quảng Trị với ớt. Định nói thêm một câu kết luận rằng người Quảng Trị có tính cách…ớt, nhưng thôi. Nói dài, nói dai là nói dại. Với lại, kết luận như thế chắc có người xứ khác không đồng tình, bảo rằng tôi nói lấy được, nói trạng.

Biết làm sao được, cái nói lấy được, nói trạng của tôi cũng bởi tôi là người Quảng Trị. Một người Quảng Trị ăn ớt.

Phạm Xuân Hùng


Phạm Xuân Dũng gởi đăng


READ MORE - NGƯỜI QUẢNG TRỊ ĂN… ỚT - tạp bút Phạm Xuân Hùng

TIẾU LÂM ẾCH GÁY - thơ Châu Thạch





Có một nhà thơ say thật say
Rượu vào thi phú ợ ra cay
Nghe con ếch gáy gai tai quá
Tưởng ếch tranh tài muốn giết ngay.


Lấy bút làm đao nặng cánh tay
Vạch tìm cây cỏ khắp đông tây
Ngờ đâu ếch ở quanh vườn nhậu
Giết ếch nầy ếch khác gáy thay.


Trời động bờ mươn ếch cả bầy
Gáy trăng gáy gió gáy chi ai?
Cớ sao giết ếch cho đêm vắng
Để bóng đêm quê tối lạnh dài.


Ếch gáy nhiều khi cũng thích tai
Không tranh cao thấp chẳng tranh tài
Đêm khuya độc ẩm nghe lời ếch
Có lúc đau thương lệ chảy dài.


CT
READ MORE - TIẾU LÂM ẾCH GÁY - thơ Châu Thạch

MÀU THỜI GIAN - thơ Trầm Thiên Thu

Trầm ThiênThu



Ta ngồi phơi chút tình xưa
Hình như còn nỗi mong chờ y nguyên
Nằm nghe mưa gió hàn huyên
Tưởng chừng từng bước chân tiên dập dìu

Hỏi mưa hỏi nắng về đâu
Mịt mù chẳng có lời nào đáp thưa
Lá xào xạc ở trên kia
Trùng khơi xa ngái ngu ngơ lòng mình

Thời gian dấu vết vô tình
Lặng ngồi so phím đàn mênh mông buồn
Tháng ngày kỷ niệm già hơn
Nhặt lần ký ức thời gian mơ hồ

Hình như sợi trắng rụng rơi
Hình hài hốc hác chơi vơi tiêu điều
Lưu ly chút nắng cuối chiều
Sắc màu vàng trắng là màu thời gian?


TRẦM THIÊN THU
tramthienthu@gmail.com
READ MORE - MÀU THỜI GIAN - thơ Trầm Thiên Thu

Thơ Phan Minh Châu - GỐI SẦU TRĂM NĂM - PHỐ CŨ TÌNH THÂM



GỐI SẦU TRĂM NĂM

Tôi trở giấc nửa đêm
Còn nhạt nhòe ký ức
Những vết thương âm thầm
Cồn cào trong lồng ngực
Hỡi trái tim tội tình
Sao giờ ngươi còn đập
Hỡi nhát dao vô hình
Tiễn tôi ngày nhắm mắt
Em bỏ tôi mà đi
Trong một ngày rất chật
Còn biết nói năng gì
Khi lòng như muối xát
Tôi có tội tình gì
Khi tình yêu vuột mất
Trái tim ở bên lề
Ôm nỗi sầu chất ngất
Thôi em đi em đi
Đi theo người tình cũ
Ôm giấc mộng bên trời
Bước chân loài dã thú
Tôi cũng vừa no đủ
Theo khoảng đời quạnh hiu
Em cũng vừa no đủ
Giấc mộng tình trăm năm.



PHỐ CŨ TÌNH THÂM

Hỡi con phố một đời ta mê mãi
Trên dốc xưa còn nhớ gọi tên người
Ta hơ hãi với bao ngày gặp lại
Mắt thương hoài theo đuổi mối tình phai.
Bông cúc trắng trong vườn xưa vẫn trắng?
Ngày ta đi gió thốc dạt phương nào.
Có con nước neo núi rừng ở lại
Có cây cầu chăn mấy kẻ ngược xuôi.
Ơi Kon Tum tưởng rằng xa mãi mãi
Thuở  phố còn thắt bím bỏ hai vai?
Màu Cúc trắng trong vườn xưa vẫn trắng
Hay nhạt nhòa trong những buổi chiều phai
Ta thương phố mỗi đêm làng thiếu lửa
Dìu em đi qua mấy đoạn đường vòng
Đêm gió hú núi rừng se sắt lạnh
Ta khẽ thầm ú… ớ chuyện trăm năm
Đã xa lắc một thời hoa thiếu nữ
Màu Cúc trong như sóng mắt ai cầm
Ta lận đận với trăm bờ bến cũ
Đợi em về mê mãi khóc ăn năn

PHAN MINH CHÂU
3b Âu Cơ, Nha Trang, Khánh Hòa
DĐ 0922992662
xua_roidiem@yahoo.com
READ MORE - Thơ Phan Minh Châu - GỐI SẦU TRĂM NĂM - PHỐ CŨ TÌNH THÂM

SẠN NGƯỜI - tập tản văn, bút đàm của Trường Hải - Kỳ 1: LỜI TỰA, “ĐÔ MÔN GIẢI TỔ CHI NIÊN”, “MẶC AI TÔM TÉP, MẶC AI Ù”,

Tác giả Trường Hải (Lê Văn Đông) là một nhà giáo xứ Nghệ về hưu vừa gởi tặng VNQT tập tin chứa một cuốn sách nhỏ nhan đề là SẠN NGƯỜI gồm trên 15 bài bút đàm, tản văn của anh về những vấn đề xã hội “để các thi hữu, văn hữu cùng xem, chia sẻ, sủ dụng được bài nào thi càng quý, âu góp thêm tiếng nói nhỏ nhoi cho cuộc đời, hầu mong nó tốt đẹp hơn.”



VNQT xin cám ơn  của tác giả và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.



Tháng 8 năm 2011
                                                   
LỜI TỰA

Tôi gốc gác xuất thân từ nông dân, một vùng quê nghèo xứ Nghệ. Quê tôi có một thứ “đặc sản” nói ra chẳng vinh dự gì, trái lại còn mang dấu ấn của một vùng đất nghèo nàn, lam lũ là “nhút Thanh Chương”! Con người quê tôi mộc  mạc, thẳng thắn, không biết làm duyên, che dấu mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cho dù đi tới đâu vẫn mang đậm chất Thanh Chương “thẳng ruột ngựa”, “thẳng mực tàu đau lòng gỗ” của mình.

Tuổi thiếu thời, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, tôi được cắp sách tới trường, vỡ nghĩa văn chương từ những năm đầu tiên của thập kỷ  60 của thế kỷ XX. May mắn hơn một số bạn bè khác, tôi học hết bậc phổ thông năm 1971.

Không biết nên nói là may hay không may: Tôi dính nghiệp văn chương từ hồi còn học cấp 3, cũng đi thi, cũng tập sáng tác như ai. Sau này tôi đi theo ngành sư phạm, khoa Ngữ văn. Từ đó làm ông giáo trường huyện cho đến lúc nghỉ hưu.

Thi thoảng tôi thích cầm bút làm thơ, viết chuyện, viết tiểu luận phê bình, giới thiệu văn chương. Nhưng rồi chuyên môn nghề giáo quá bận rộn, ít khi thư thả, ngẫm nghĩ để viết văn, rồi lại thôi. Tôi cứ ước đến một lúc nào đó thật tự do, không bị ràng buộc hành chính sự vụ mình sẽ viết thoải mái những điều mình thích, mình nghĩ, mình tích luỹ, chiêm nghiệm trong gấn 60 năm cuộc đời. Cầu được, ước thấy, đến nay tôi được nghỉ hưu sau hơn 33 năm làm nghề dạy học. Tôi thật sự cảm nhận và thấm thía hai từ “tự do” hoàn toàn.

Tôi không giám so sánh với những người thành đạt mà chỉ lấy họ để làm gương mà phấn đấu. Ông Mạc Can, cả đời làm diễn viên hài kiếm sống, mua vui thiên hạ, đi khắp dưới gầm trời, học trường lớp được ít nhưng học trường đời được nhiều. Khi ngoài 60 tuổi, cầm bút viết văn, Mạc Can trở thành “cây bút trẻ” với vài ba tiểu thuyết được giải chỉ tròn vòng 4, 5 năm lại đây.

Một người bậc chị đồng hương tôi,  trong chống Mỹ cứu nước đóng góp tuổi thanh xuân cho đất nước, hi sinh cả tình yêu đẹp nhất của mình. Hết chiến tranh trở về đời thường, lam lũ, cô đơn tuổi già, vớt vát hạnh phúc không trọn vẹn. Chị viết văn theo cảm xúc đời mình, tiếng gọi lương tâm, thế rồi chị trở thành người nổi tiếng lúc nào không biết khi tác phẩm được in thành sách, chuyển thể thành kịch bản phim.

Tôi thì nghĩ khác, mình cứ mạo muội ghi lại thành những gì mình nhớ, mình thích, mình muốn để lưu lại trong cuộc đời mình. Thế thôi!

Đó âu cũng là động cơ, mục đích tôi viết cuốn sách này.

Mùa thu Kỷ Sửu 2009
TRƯỜNG HẢI       

  

 


“ĐÔ MÔN GIẢI TỔ CHI NIÊN”
(Thơ Nguyễn Công Trứ)

Bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” (theo thể ca trù hát nói) của Nguyễn Công Trứ được ông sáng tác năm ông tròn 70 tuổi (1848) được nghỉ hưu sau mấy chục năm thoả chí tang bồng của đấng nam nhi. Ông có quyền ăn, có quyền nói, có quyền ngất ngưởng trong triều, dưới gầm trời, quả là người hiếm từ xưa đến nay bởi ông có thực tài hơn người, có bản lĩnh, lịch thiệp, cao đạo.

Trong bài thơ có câu “Đô môn giải tổ chi niên” có nghĩa là “năm nay dưới cửa công quyền được trả áo mũ để nghỉ ngơi, an trí”. Đó là một mốc lớn trong đời người của Nguyễn Công Trứ và cũng của người đời xưa đến nay hết thời hành sự được tự do hưu trí nghỉ ngơi.

Câu thơ đó ứng với tôi năm 2009 – sau 33 năm trong nghề dạy học.
Tuổi học trò phổ thông tôi rất thích vẽ. Tự mình mày mò vẽ tranh phong cảnh; vẽ chân dung các lãnh tụ. Có khi tôi còn táy máy nặn tượng bằng đất sét hoặc các loại quả thủ công. Năng khiếu thui chột đi vì không được ai kèm cặp, chỉ bảo và hướng nghiệp cho cả. Cũng thời học phổ thông, tôi võ vẽ sáng tác thơ ca, hò vè theo phong trào báo tường của trường, của lớp, của địa phương phát động. Cái hứng thú, cái nghiệp này còn đeo đẳng tôi dài dài cho đến tận ngày nay.

Tôi làm nghề dạy học cũng là sự ngẫu nhiên, tình cờ, chứ khi làm hồ sơ hướng nghiệp, tôi không làm nguyện vọng vào trường sư phạm. Số là thế này: Tôi thi khối C đăng ký thi vào trường đại học tổng hợp văn Hà Nội, vì tôi thích nghề nghiên cứu, sáng tác.
Năm đó thi đậu vào trường, nhưng chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt nhất (1972) nên một số tân sinh viên quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh được chuyển vào học đại học sư phạm Vinh. Tôi ở trong số đó và nghiễm nhiên học nghề dạy học.

Năm nay sau tròn 33 năm dạy học tôi xin nghỉ hưu sớm theo Nghị định 132/NĐ-CP của Chính phủ. Thế là đủ, là vừa, tôi không muốn gắng thêm nữa. Tôi muốn nghỉ ngơi một tý, muốn thực sự tự do làm gì theo mình muốn mà từ trước đến nay bận bịu hành sự chưa có điều kiện để làm được.

“Của đời, người thế, nước non tiên” mà! Tiền của chừng nào cho vừa nhưng có tiền của nhiều chưa chắc đã mua được tự do thật sự theo đúng nghĩa của nó. Trên đe, dưới búa lại còn phải làm gương nữa nên mệt lắm. Vì thế tôi quyết định “Đô môn giải tổ chi niên” nhằm vào ngày 01/9/2009.

Tôi thích câu thơ của Nguyễn Công Trứ là như vậy đấy!  




“MẶC AI TÔM TÉP, MẶC AI Ù”
(Ngạn ngữ)

Câu ngạn ngữ, theo tôi hiểu nôm na là: mặc ai chơi bài tổ tôm, ù thông tôm thắng lớn thì kệ họ, mình bình thản, chẳng bận tâm làm gì. Hay ta có thể hiểu một cách khác: mặc người đời bươn chải, xông xáo, mánh lới làm đủ loại công việc để vinh thân hoặc trục lợi…còn mình tự hài lòng sống bình thản, thanh tao, không vướng bận gì cả.

Đời người là một cuộc chạy đua với thời gian, với công việc, với kinh tế và với cả danh dự, địa vị nữa. Tôi cũng không thoát khỏi quy luật đó trong mấy chục năm hành sự trong cuộc đời này. Kể ra mệt thật!

Nhìn lại thành công cũng có và thất bại cũng có. Thất bại có khi do mình chưa tài giỏi, có cá tính không chịu sửa chữa cho hợp với “người đời”; có khi do khách quan đưa lại nhất là khi gặp phải “xếp” kỵ mình, không hợp mình rồi họ tìm cách ngáng trở mình.  Sự đời là vậy, buồn vui như một tấn trò đời. Tốt nhất là mình biết giữ mình, chờ cơ hội tìm con đường tĩnh lặng, nhẹ nhàng nhất, chấp nhận sống thanh tao, đạm bạc, tìm lại chính mình trong khoảng trời tự do. Vì vậy tôi lấy làm thích khi nhẩm đọc câu “ Mặc ai tôm tép, mặc ai ù”.

Bây giờ tôi thực sự thành người tự do rồi. Mình muốn thức, muốn ngủ, muốn ăn, muốn viết, muốn đi chơi đều tự quyết cả. Nghĩ mà sợ nhất sự ràng buộc của những ngày hành sự. Tính phóng khoáng như danh nhân Nguyễn Công Trứ sinh thời phải kêu rằng “ Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”, “ Được, mất, có, không, lên voi xuống chó”, mình định được ít, xã hội định đoạt thì nhiều.

Tôi thành người nhởn nhơ rồi.Từ nay không phải lo hồ sơ, giáo án, thanh tra, kiểm tra nữa rồi. Tiếng trống trường một thời nôn nao kỷ niệm và thon thót giật mình nay chỉ còn là những dư âm xa xăm.
Thủ tục hành chính của ta hiện nay còn rườm rà lắm, tuy có cải cách nhưng vẫn hình thức,  nhiêu khê, phiền hà như ai đã chiết tự dí dỏm theo lối tách từ “hành là chính”. Đợt nào kiểm tra, thanh tra hồ sơ cá nhân là một lần “hỏm mắt thâu đêm lo việc chép”. Có những loại hồ sơ như hội họp, dự giờ, tự học…phần lớn nhiều người tự sáng tác hoặc mượn ghi chép theo kiểu “phô tô coppy”, có chỉnh sửa quý danh một ít. Có nhiều người phải đi nghiêng, vẹo sườn để mang hồ sơ đến nhưng thực chất nội dung kiểm tra chẳng được bao nhiêu , chẳng thực chất mấy.

Tôi tự hỏi, tự nghĩ sao người ta nặng nề hình thức thế? Sao người ta không đi vào thẩm định chất lượng giờ dạy trên lớp để đánh giá, xếp loại chính xác hơn?

Tôi lại nhiễu sự rồi, lại góp ý, can thiệp rồi. Cứ để người ta trải chiếu, phát bài, ù thông tôm.


Trường Hải

(Còn tiếp)


               


                                    

READ MORE - SẠN NGƯỜI - tập tản văn, bút đàm của Trường Hải - Kỳ 1: LỜI TỰA, “ĐÔ MÔN GIẢI TỔ CHI NIÊN”, “MẶC AI TÔM TÉP, MẶC AI Ù”,