Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, December 20, 2018

ĐỌC “UỐNG RƯỢU GẠO NHỚ TRƯƠNG PHI”, THƠ THẾ LỘC - Châu Thạch

   
             Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “UỐNG RƯỢU GẠO NHỚ TRƯƠNG PHI”, THƠ THẾ LỘC
                                                                Châu Thạch

Đa số người Việt ta, dầu có chữ hay không có chữ, chẳng mấy ai không biết Trương Phi. Bởi Trương phi là một trong những danh tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc bên Tàu, được truyền tụng và được yêu mến, có ảnh hưởng sâu đậm trong dân gian. Trong tiêu thuyết Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung, nhân vật Trương Phi cùng Lưu Bị và Quan Vũ kết nghĩa huynh đệ, bái trời đất tại vườn đào. Trương Phi là em út trong ba người.
Đọc bài thơ “Uống Rượu Gạo Nhớ Trương Phi” của Thế Lộc không ai không biết nhà thơ mượn nhân vật Trương phi để gởi tâm sự của mình vào đó. Cái chữ “rượu gạo” cũng đã mang một hàm ý sâu xa rồi.
Ngày xưa Trương Phi uống rượu gì ta không biết, thế nhưng cũng dễ đoán được. Vì một người uống rượu như lưu linh, lại là một võ tướng ngoài sa trường thì không có mỹ tửu đâu đủ để uống cho say túy lúy, trừ ra là rượu gạo. “Rượu gạo” cũng mang tính dân tộc. Những anh hùng trong lịch sử nước ta, như Quang Trung chẳng hạn, cũng xuất thân từ giai cấp nông dân, mặc áo vãi, uống rượu gạo mà phất ngọn cờ đào làm nên lich sử vẽ vang cho đất nước.
Ngày nay, Thế Lộc dùng hai chữ “rượu gạo” trong thơ, một phần tỏ cái hào khí của mình cũng giống như người xưa vậy, một phần tỏ cái thân phận thường dân của mình trong cuộc sống thời nay, là cái thời mà bậc quyền thế, giới giàu sang chỉ uống toàn rượu ngoại đắt tiền.
Vào đề nhà thơ đã dựng lại một bức tranh thật hào hùng của người mãnh tướng năm xưa:

Vác xà mâu đứng giữa cầu

Hét to một tiếng mắt râu trợn trừng

Truyện xưa viết rằng: Trương Phi là người khẳng khái, bộc trực, rất nóng nảy. Trương Phi có võ nghệ siêu phàm, vô cùng dũng cảm. Trương Phi xử dụng vũ khí là một cây bát xà mâu dài 1,8 trượng, cưởi tuấn mã màu đen chân trắng. Ông thật sự là nỗi khiếp đảm của quân thù. Một lần, trên cầu Trường Bản, Trương phi đã quát mấy tiếng khiến Tào Tháo hoảng sợ mà lui binh. Khi ấy Trương Phi chỉ có vài mươi kỵ sĩ, còn Tào Tháo thì có trăm vạn hùng binh. Trong trận ấy Hạ Hầu Kiệt, một viên quan hầu Tào Tháo phải vỡ mật, chết đi vì hoảng sợ khi nghe tiếng hét của Trương Phi.
Nhà thơ Thế Lộc nhắc lại chuyện nầy để làm gì? Tác giả muốn dựng lại hình ảnh của chính mình đã có một thời như thế. Tất nhiên, để anh hùng như Trương Phi thì ngàn năm mới có một người. Thế nhưng, bất cứ người lính chiến nào, ở trong thời đại nào,  ở trong quân ngũ nào, nếu không là kẻ khiếp nhược thì cái tinh thân Trương Phi vẫn có luôn trong dòng máu nóng. Thế Lộc dựng hình ảnh Trương Phi đứng trên cầu Trương Bản năm xưa để tưởng nhớ lại chính mình, còn tưởng nhớ đến một lớp người đã khoác áo chiến binh, mang một bầu máu nóng, thẳng thắng, bộc trực, gan dạ và oai hùng trong thời binh lửa.
Thế rồi tiếp bốn câu thơ sau, Thế Lộc đem mình ra so sánh với Trương Phi:

Mấy mươi năm ông lẩy lừng
Chỉ trong gan tấc ông thành thiên thu
Tôi từ binh lửa mịt mù
Cũng  giống ông chỉ ở tù mấy năm

Như trên đã nói, Trương Phi là người rất nóng nảy. Cũng bởi tính nóng nảy đó, ông đã chuốc họa vào thân. Do nôn nóng việc báo thù cho Quan Vũ, người anh kết nghĩa vườn đào của Trương Phi bị Đông Ngô hại chết mà ông đánh đập quân sĩ, làm cho khiếp đảm những người dưới trướng. Một đêm, uống rượu ngủ say, Trương Phi bị  Trương Đạt và Phạm Cương, vì lo sợ Trương Phi sẽ chém đầu bởi không làm tròn phận sự mà Trương Phi giao phó, đã âm thầm sát hại, dùng dao đâm ông chết. Cái chết của Trương Phi thật là bi đát, bởi không chết trên sa trường, không da ngựa bọc thây, là điều hảnh diện của võ tướng, của mọi người chiến binh gan dạ.
Khi nhà thơ Thế Lộc nói “Cũng như ông” tức là tác giả tự cho mình tuy không chết, tuy chỉ ở tù mấy năm nhưng nỗi đau có khi, còn nhiều hơn Trương Phi thuở xưa nữa, vì không chết trên sa trường, không poncho bọc thây, không thỏa lòng chỉ vì xuôi tay theo định mệnh an bài. Thật thế, làm thân trai mang bầu máu nóng, kẻ ra đi vì lý tưởng non sông, người ra đi vì lý tưởng của riêng mình, chẳng một ai muốn mình buông vũ khi để vào tù. Thà chết quách như Trương Phi, không chịu khổ lụy tiếp theo, để “huy hoàng rồi vụt tắt / Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Thế Lộc đã nhấn mạnh điều đó trong hai câu thơ sau, hai câu thơ tuy không nói rõ, nhưng như có một chút gì ganh tỵ với Trương Phi,  như cho rằng Trương Phi đã thỏa lòng vì đã ngàn năm yên giấc:

Còn ông thì đã yên nằm
Cỏ xanh mộ chí trăm năm vĩnh hằng

Thế rồi khi rượu đã say, nhà thơ không nói mình rơi lệ, nhưng ta biết lòng nhà thơ rơi lệ:

Tôi với ông chưa hề quen
Nhưng khi uống rượu không ngăn nỗi lòng
Cuộc cờ hưng phế, suy vong
Kiếm cung bỏ dở tấm lòng mang theo

Cuộc cờ thì có hưng có phế có suy vong là lẽ thường tình, nhưng thương cho người “kiếm cung bỏ dở” phải chịu bao điều đắng cay.
Từ sự cảm kích một danh tướng thưở xa xưa, nhà thơ đã chạnh lòng khi nhớ đến mình cũng đã từng mang ít hay nhiều hào khí như hào khí của Trương Phi. Bốn câu thơ cho ta tưởng tượng một cuộc đổi dời như nương dâu hóa biển và biết bao thân phận như bọt bèo trôi theo dòng lũ. Bốn câu thơ cũng gợi cho ta những tâm sự buồn thê thiết khi ai đó phải nhìn tận vào lòng mình để thấy “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
Thế rồi bằng một sự so sánh, Thế Lộc đã đánh giá sự chết của Trương Phi và sự sống của mình rất khác nhau:


Tử như ông, thân nhẹ hều
Sống như tôi, thân tựa bèo trôi sông

Vâng đúng thế, chết đi thì “nhẹ  hều” còn sống thì phải mang nặng bao điều của cuộc sống. Điều đó là sự thật, và là sự thật đau lòng cho hàng triệu chiến binh đã buông tay súng vì bất đắc dĩ trước đây. Không cần phải kể lể, không càn phải thống kê, ai cũng biết rằng những người chiến binh đó khó mà vươn lên giữa đời như một thân cây  tươi tốt vì được bón hoa màu. Họ dầu ở đâu, thân cũng chỉ như “cánh bèo trôi” trên dòng sông đầy gềnh đầy thác!
Cuối cùng nhà thơ tỉnh người trong cơn say rượu gạo. Tỉnh người để thấy bão bùng nổi lên bốn phương, để nhớ người mẹ thân yêu mà mình hằng xa cách:

Nhìn trời chớp bể mưa đông
Chạnh thương cho mẹ chữ tòng theo cha.

“Lòng mẹ bao la như biển thái bình”. Đối với tác giả, cha là cuôc sống hiện tại, mẹ là của cái thời thanh xuân, còn trai trẻ. Mấy ai mà quên được thời trai trẻ của mình, nhất là cái thời ấy, anh ta được vẩy vùng như hình ảnh của danh tướng Trương Phi. Hai câu thơ cuối như một lời nhắn gởi thân yêu về qua khứ, cũng như một lời từ biệt quá khứ không hẹn ngày tái ngộ.
Ngày mẹ lấy chồng. phải từ bỏ một thời con gái, lìa bỏ cha mẹ anh em để tòng phu. Sự phân cách đó, không chỉ buồn một lúc cho người ra đi, mà ngược lại nó tồn tại hòai trong ký ức mỗi khi tưởng lại giây phút chia lìa. Thế Lộc dùng hình ảnh người mẹ ra đi, như một ẩn dụ để gián tiếp bày tỏ nỗi niềm sâu kín trong tận con tim. Tiếng kêu ấy như dòng nước mắt nuốt vào, hóa thành nỗi đau tinh thần, trở thành nan y trong suốt cả cuộc đời còn lại.
“Uống Rượu Gạo Nhớ Trương Phi” là một bài thơ bi hùng. Đọc bài thơ đó ta thấy hùng khí hiển hiện trong thơ, qua hình ảnh Trương Phi. Cũng qua hình ảnh Trương Phi tác giả phát họa được hình ảnh của chính mình một thời trai trẻ. Bài thơ có sự than thở tưởng như bi nhưng sự bi đó cũng nằm trong sự hào hùng, kể cả khi “kiếm cung bỏ dở” trong cuộc “hưng phế, suy vong”.

Đọc thơ, dầu người lớn tuổi đã trải qua chinh chiến hay người nhỏ tuổi ở thế hệ hòa bình, vẫn thấy cái tinh thần quật cường trong tâm hồn người chiến sĩ, dẫu họ thành hay bại trong cuộc cờ thế sự. Tuy họ sống âm thâm, nỗi lòng của họ mang theo cùng sự lãng mạn với chất Người hảo hán mà cha ông họ, thời đại họ đã giáo dục họ không bao giờ thay đổi.

                                                               Châu Thạch



                               Nhà thơ Thế Lộc


UỐNG RƯỢU GẠO NHỚ TRƯƠNG PHI

Vác xà mâu đứng giữa cầu
Hét to một tiếng mắt râu trợn trừng
Mấy mươi năm ông lẫy lừng
Chỉ trong gan tấc ông thành thiên thu

Tôi từ binh lửa mịt mù
Cũng giống ông chỉ ở tù mấy năm
Còn ông thì đã yên nằm
Cỏ xanh mộ chí trăm năm vĩnh hằng
Tôi với ông chưa hề quen
Nhưng khi uống rượu không ngăn nỗi lòng
Cuộc cờ hưng phế, suy vong
Kiếm cung bỏ dở tấm lòng mang theo

Tử như ông, thân nhẹ hều
Sống như tôi, thân tựa bèo trôi sông
Nhìn trời chớp bể mưa đông
Chạnh thương cho mẹ chữ tòng theo cha.

                                                Thế Lộc
                                            24. 04.2013

READ MORE - ĐỌC “UỐNG RƯỢU GẠO NHỚ TRƯƠNG PHI”, THƠ THẾ LỘC - Châu Thạch

QUẢNG TRỊ MỘT TÌNH YÊU - Thơ: Trương Hằng Nga - Nhạc: Đào Bá Hoàng Anh và Trương Hằng Nga - Biểu diễn: Ngọc Bích

READ MORE - QUẢNG TRỊ MỘT TÌNH YÊU - Thơ: Trương Hằng Nga - Nhạc: Đào Bá Hoàng Anh và Trương Hằng Nga - Biểu diễn: Ngọc Bích

MÙA GIÁNG SINH... NHỚ THƯƠNG - Thơ Hiệp Kim Áo Tím


                    Nhà thơ Hiệp Kim Áo Tím


MÙA GIÁNG SINH... NHỚ THƯƠNG

Chia tay... anh hứa sẽ về
Mùa đông phố núi hẹn thề trăm năm
Thế rồi đã mấy trăng rằm
Người đi... đi mãi âm thầm mình em

Năm xưa... buổi tối nô en
Mình cùng sánh bước đi xem nhà thờ
Bên người... em quá ngây thơ
Thích xem sính lễ mộng mơ thật nhiều

Ngân vang thánh thót chuông chiều
Bên ai em chỉ biết yêu... thôi mà
Thế mà ta phải chia xa
Anh đi để lại trong ta nỗi buồn

Giáng sinh lất phất mưa phùn
Người buồn có lẽ trời tuôn giọt sầu
Vắng anh thức trọn canh thâu
Giáng sinh ta lại nhớ nhau ơi... người!

Anh bảo thích tiếng em cười
Thích nghe em nói lại lười môi cong
Mùa đông sao má em hồng
Sưởi cho anh ấm tấc lòng đơn côi

Anh đi về chốn xa xôi
Đếm bao lá rụng để rồi ngóng trông
Bao mùa chờ đợi nhớ mong
Giáng sinh thương nhớ... người không trở về...

                                         Hiệp Kim Áo Tím
                                       Đà Lạt, 21/12 /2018

READ MORE - MÙA GIÁNG SINH... NHỚ THƯƠNG - Thơ Hiệp Kim Áo Tím

NIỆM KHÚC THU 1 - Thơ Châu Thanh Thủy





NIỆM KHÚC THU 1
(Tặng Người đàn ông của tôi!)

Qua thềm bóng nắng sẽ rơi
Qua sông gió sẽ hát lời tương tư
Yêu nhau buổi ấy mùa thu
Lá vàng rơi khẽ như ru lòng buồn
Hãy đừng để giọt lệ tuôn
Hãy chôn nước mắt vào hồn li tan
Người đi buổi ấy trăng ngàn
Mây xa níu lại, cỏ giàn bước chân.
Đừng quay lại, đừng phân vân
Có là li biệt cũng lần ấy thôi...

Ta trong dằng dặc cuộc đời
Dù tan - hợp, cũng là lời tình yêu !

                        Châu Thanh Thủy

READ MORE - NIỆM KHÚC THU 1 - Thơ Châu Thanh Thủy

TIẾNG LÒNG, ĐỢI, CHIỀU - Thơ Tịnh Đàm



                    Nhà thơ Tịnh Đàm


TIẾNG LÒNG
(Tặng Tâm Châu)

Vỗ đàn
Theo giọng thơ ngâm
Nhịp đưa trầm lắng
Dư âm... tiếng lòng.

Vui say
Cho trọn đêm mong
Người về
Bỗng nhớ người...
Trong bồi hồi.


ĐỢI

Mỗi ngày
Tôi vẫn đợi mong
Một niềm vui nhỏ
Đến trong cuộc đời.

Để hồn như bướm
Chơi vơi
Về theo cánh gió
Mộng...
Trời yêu thương.


CHIỀU 

Chiều rơi
Như những giot lòng
Buồn vương bao nỗi
Nhớ mong
Bên đời.

Mắt nhìn
Về phía xa khơi
Một phương người đó
Tím...
Trời hoàng hôn !

       TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP. HCM)

READ MORE - TIẾNG LÒNG, ĐỢI, CHIỀU - Thơ Tịnh Đàm