Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, March 8, 2012

THĂM QUÊ - DÒNG SÔNG QUÊ - Trương Nguyễn


THĂM QUÊ


về quê xưa tim tím nhuốm hoàng hôn
mây xám đè lên đỉnh núi
đất ...
phần nhiều đá sỏi
cánh đồng làng loang lổ 
dấu đạn bom

đồng bào tôi lam lũ sớm hôm
một đời...lưng chai vai phỏng
dù gian lao vòng tay vẫn rộng
đã vun bồi bao thế hệ lớn khôn

xa quê man mác nỗi buồn
trên da thịt còn thơm mùi khoai sắn
giọt mồ hôi mang chung vị mặn
cửa Tùng-cửa Việt quanh đây

bao năm xa quê
về lại mấy ngày
ôm mặt đất thương người đi trước
bước phiêu linh nửa đời xuôi ngược
quê hương ơi...
                   đau lắm
                               dấu phong trần .




DÒNG SÔNG QUÊ

đứng trên cầu
bắc đôi bờ thuở ấy
ta lắng lòng soi bóng nước sông xanh
dòng Hiếu Giang vắt vẽo lượn quanh
bờ cát mịn giữ phù sa cho đất
 
sông yêu thương
            cho con người tắm mát
cam chịu điều trong đục với thời gian
sông trầm mình lặng lẽ...
                        chẳng thở than
luôn tươi mát qua bao mùa nắng lửa
 
dòng sông quê...
            ngát xanh từ muôn thuở
man mác buồn...
            đâu bóng tuổi thơ xưa?
nghiêng mái đầu
            chợt thấy nét già nua
nơi quê cũ...
                ta như người xa lạ.
TRƯƠNG NGUYỄN
truongnguyen49@yahoo.com.vn  

READ MORE - THĂM QUÊ - DÒNG SÔNG QUÊ - Trương Nguyễn

ĐÂY THÔN VỸ DẠ - Thơ Hàn Mặc Tử - Lời bình Phạm Ngọc Thái



ĐÂY THÔN VỸ DẠ

Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?


                       Hàn Mặc Tử
       (Rút trong tập "Đau thương" - Thơ điên của HMT)
                                           ***
  
        Bài thơ được mở đầu với lời trách móc của người con gái. Lời trách ấy có lẽ do một hoàn cảnh gặp gỡ nào trước đó được thi nhân nhớ lại:
                   Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
    Câu mở đầu như thế giúp cho ý tưởng kiến thiết bài thơ thôn Vỹ gắn với nỗi nhớ người xưa được gợi lên trong kỷ niệm:
                Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
               Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

       Nghĩa là từ hàng cau đến cái nắng mới vào buổi sáng ấy, màu xanh của vườn cây đều là cảnh hiện trong hồi tưởng. Thôn Vỹ nói riêng cũng như mỗi làng quê Việt Nam nói chung: hàng cau thường đọng lại những ấn tượng sâu sắc, nhất là với những người khi đã phải xa quê. Ta cũng thấy ở trong thơ Nguyễn Bính từng viết:
                Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
      Hàng cau dưới cái nắng mới buổi sớm thì trong mát, thanh thiên lắm! Cảnh quê cô đọng được hoà quyện vào mối tình đầu trong sáng, mơ mộng của thi nhân, dù mối tình với nàng Hoàng Cúc ấy chỉ đơn phương về phía Hàn Mặc Tử. Nhưng sự sâu lắng đã trở thành hoài niệm mãi trong cõi nhớ của ông, bởi thế màu xanh của lá cây trong vườn cũng lung linh mà "xanh như ngọc"... 
                                                           
    Như vậy "cảnh nhớ" ở ba câu đầu tuy chỉ là hồi tưởng nhưng lại xuất phát từ "cảnh có thực"! Sở dĩ tôi nhấn mạnh về chữ "thực" ở đây? vì chỉ đến câu thứ tư hình ảnh thơ đã có ý nghĩa tượng trưng:
                Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
     "lá trúc" và "chữ điền" thuộc những ngôn từ mỹ học! Hình tượng cây trúc làm tượng trưng trong thơ HMT, ta còn thấy ở trong bài thơ Mùa Xuân Chín:
                Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
    "trúc" là hình ảnh biểu tượng cho làng quê, còn "mặt chữ điền": theo cách nói cổ nho là ví cho gương mặt nam nhi! Trong bài thơ này gương mặt chữ điền ấy để biểu tượng cho chính bản thân thi nhân.  Hai chữ "che ngang" kia, nghĩa là thôn Vỹ với nhà thơ giờ đây chỉ còn ở trong kỷ niệm, nỗi nhớ... mãi mãi phải cách xa nên đã bị... "cắt ngang"!
     Ngay trong bốn câu của khổ thơ đầu ta đã nhận thấy cấu trúc, tư duy thơ HMT theo cảm súc đã được thiết lập theo trình tự suy lý về nỗi cảnh mà lập thành tứ, để phát triển sâu hơn ở khổ thơ thứ hai khi nói đến tình duyên dang dở giữa hai người:
                Gió theo lối gió, mây đường mây...
      Ý là:
                Em theo đường em, anh đường anh
                Duyên phận đôi ta có thế thôi!

      Tả cảnh nhưng chính để nói nỗi đời:
                Dòng nước buồn thiu (tĩnh), hoa bắp lay (động)...
      Cái (tĩnh) và (động) ấy chỉ để bộc lộ một cõi lòng, một tâm trạng cô đơn và buồn! Thi nhân ngồi nhớ người xưa, lòng ông lặng lờ buồn bã như dòng nước hắt hiu, nhưng trái tim ông vẫn bổi hổi, xốn xang như làn "hoa bắp lay"... 
                Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
                Có chở trăng về kịp tối nay?

       Đây là hai câu thơ thần cảm - Hình ảnh thuyền và sông trăng theo cảm súc ùa vào trong thơ mà bật ra... làm cho tình thơ thêm rộng rãi, rung rinh, nỗi thơ càng mênh mang, da diết. 

     Xin nói thêm, cảnh thuyền và sông trăng ở đây theo như một số nhà bình luận: Người thì cho đó là cảnh trong một bức ảnh về Huế mà nàng Hoàng Cúc đã gửi tặng thi nhân khi đang lâm bệnh phải điều trị ở Gành Ráng, Qui Nhơn. Nhưng cũng có người lại nói rằng nàng Hoàng Cúc đã gửi tặng thi nhân tấm ảnh mặc áo dài trắng?... chứ không phải là phiến cảnh "thuyền" và "sông trăng" đó. Nếu vậy thì cảnh trong thơ chỉ là cảnh mà thi nhân nhớ lại nơi thôn Vỹ chăng? - Cũng chưa thật ngã ngũ về hướng nào.
        Nhưng tóm lại cảnh của hai khổ thơ đầu ấy là cảnh thuộc về trí tưởng, dù là vào buổi sớm dưới hàng cau hay trong một đêm trăng trên sông nước. Trong bài bình của nhà bình thơ Vũ Quần Phương, đến đây có nhận xét rằng:
   "Bốn câu đoạn hai không có liên hệ gì về chi tiết với đoạn một... thoáng nhìn bài thơ có vẻ đầu Ngô mình Sở...", (hay là) "Những ý thơ rất xa nhau về ý nghĩa hoá ra lại vẫn có chỗ liền nhau..."  và nhà bình thơ cho rằng "chỗ liền nhau ấy trong thơ HMT chỉ là nhờ vào tâm trạng súc cảm"...
        Theo tôi: HMT là một thi nhân viết thơ bằng nội tâm theo tư duy thế giới trong, súc cảm chỉ làm đà cho mạch thơ, hơi thơ tuôn chảy... còn ý tứ thường được diễn tả rất mạch lạc, rõ ràng. Mượn cảnh làm biểu tượng để diễn đạt nỗi tình thơ  - Đoạn thơ thứ hai ấy cần phải hiểu sâu sắc bằng thế giới bên trong như đã bình trên, mới thấy cảm súc về ý tứ của bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ hoàn toàn liên kết chặt chẽ với nhau, từ đoạn thơ đầu tiên cho đến đoạn cuối cùng.  Đấy chính là cốt lõi để tạo ra thi phẩm của ông. Đây thôn Vỹ Dạ là một tuyệt tác thi ca! Nếu cho rằng đoạn thơ thứ hai chỉ là để tả cảnh buồn mênh mang... thì sẽ không thấy hết được cái hay và sâu sắc của bài thơ!
    Tôi xin bình sang khổ thơ thứ ba:
              Mơ khách đường xa, khách đường xa
              Áo em trắng quá nhìn không ra
              Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
              Ai biết tình ai có đậm đà? 
   Như đã nói mối tình giữa HMT với nàng Hoàng Cúc chỉ là một mối tình đơn phương về phía thi nhân, có thể nàng không hay biết về tình yêu của chàng? Hơn nữa trong lễ giáo phong kiến thời ấy, giữa gia đình thi nhân với gia đình nàng còn có một khoảng cách về đẳng cấp xã hội. Hoàng Cúc thuộc gia đình một quan lại, còn HMT là gia đình lớp bình dân. Ông vốn tính lại rụt rè,  hay bẽn lẽn, yêu tha thiết mà chỉ dám đứng từ xa chiêm ngưỡng người đẹp  như trong mộng... rồi thương thầm, nhớ trộm. Thi nhân đã dồn hết tình yêu của mình vào thơ ca... sáng tác cả một tập, gọi là tập "gái quê" để tặng nàng!
     Giờ đây thì cả cái mối tình đơn phương ấy cũng đang trôi vào dĩ vãng. Thi nhân lâm bệnh nặng phải sống cách ly, sự ngăn trở giữa hai người càng xa hơn. Nên trong bài thơ nói về người yêu mà thi nhân lại dùng chữ "khách" là vì thế! Ông mơ về nàng dẫu tình thì sâu nặng... mà vẫn như mơ về một người khách lạ...
    Hình ảnh: Áo em trắng quá.../ - Hẳn  là màu áo trắng  của nàng Hoàng  Cúc thường mặc  phải gây ấn tượng trong trí nhớ của HMT hơn các màu áo khác!  Nhưng màu áo trắng ở đây còn là ảnh ảo, khi thi nhân mơ tưởng người đẹp ở trong trăng...  Màu trăng ấy thường hay thấy trong thơ HMT:
               Người trăng ăn vận toàn trăng cả...
       Còn tại sao "áo em trắng quá" mà lại "nhìn không ra"? Ý là: Mối tình ấy đã cách biệt, giờ đây khoảng cách giữa hai người xa vời như người khách lạ qua đường.  Còn cảnh tượng:
                  Ở đây sương khói mờ nhân ảnh 
       Đó là cảnh thực của nơi Ông đang sống và chữa bệnh... hiu quạnh, khói sương heo hút ở Gành Ráng, Qui Nhơn. Nhưng đồng thời cũng để nói lên trong cảnh ngộ của Người về thân phận "mịt mờ nhân ảnh". Tâm trạng Ông đang rơi vào trong vực thẳm trước sự quên lãng của người đời.  Lòng ông càng da diết mà hỏi:
              Ai biết tình ai có đậm đà?
      Tiếng "ai" bộc lộ một tâm trạng  vẫn rất tha thiết của Ông:  Liệu nàng còn nhớ đến ta chăng? Cái tâm trạng xa xót ai oán ấy, ông cũng đã từng bộc lộ nhiều lần khác:
          Một mai kia ở bên khe nước ngọc
          Với sao sương, anh nằm chết như trăng
          Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
          Đến hôn anh và rửa vết thương tâm!

      "Đây  thôn Vỹ Dạ" là một bài thơ được dệt  thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc đa chiều, đan xen giữa hiện tại và kí ức.  Ý, tình  khúc triết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập "thơ điên",  nhưng nó không những không phải là thơ điên mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!
                                                                                Phạm Ngọc Thái 
 thai_quanthanh@ymail.com
READ MORE - ĐÂY THÔN VỸ DẠ - Thơ Hàn Mặc Tử - Lời bình Phạm Ngọc Thái

TÀO LAO VỚI EM NGÀY 8 THÁNG 3 - Châu Thạch



Khi Thượng Đế dựng xong vũ trụ
Ngài dùng bụi đất nén người nam
Hà sinh linh vào lỗ mũi A-Đam
Con tim tình yêu bắt đầu rung động.

Vườn Ê- Đen cảnh địa đàng thơ mộng
Thượng Đế, trăng sao thánh khiết ở gần
Muôn thú dịu hiền quấn quít bên chân
A-Đam vẫn khóc, vẫn buồn, A-Đam chối bỏ.

Thượng Đế bèn làm ra cô gái nhỏ
Từ A-Đam, chính xương thịt của mình
Nên A-Đam đắm đuối, say tình
Đến nỗi nghe nàng cải lời Thượng đế.

Em không tin, hay tin lời anh kể
Có hề chi vì chuyện đã xa rồi
Nhưng rất gần, chỉ hai đứa ta thôi
Anh mơ ước làm A- Đam thuở trước.

Anh muốn đời chỉ trăng sao, mây nước
Không một người nam, người nữ khác nào
Để hai ta hưởng hết những ngọt ngào
Thứ hương vị của tình yêu nguyên thủy

Ta sẽ yêu giữa vô cùng tuyệt mỹ
Vườn tinh tuyền ta lõa thể tung tăng
Suối lưu ly ta tắm dưới trăng rằm
Mắt muôn thú ngắm nhìn ta âu yêm.

Nhan sắc em không một người tranh chiếm
Không có ai dùng chức vị cao sang
Không có ai đem mua chuộc bạc vàng
Để em phải so đo trước ngàn trái lạ.

Hôm nay ngoài đường bán hoa nhiều quá
Khắp nhân gian mừng ngày 8 tháng 3
Anh xin tặng em nguyên một món quà
Là trái tim nầy- A-Đam thuở trước !
                                      

                                                 Châu Thạch
truongvantran@hotmail.com
READ MORE - TÀO LAO VỚI EM NGÀY 8 THÁNG 3 - Châu Thạch

Hoàng Yên Linh - TÌNH QUÊ



( Gởi Đông Hà,QT)

Xa quê mới nhớ quê xưa
Nhớ con sông nhỏ nắng trưa gọi đò
Bạn bè từ tuổi ấu thơ
Xôn xao lớp học, ước mơ vào đời
Nhớ từ cánh võng vành nôi
Vần thơ lục bát ru hời đêm trăng
Xa quê mòn gót lang thang
Nửa đêm phố thị nhớ hàng cau xanh
Bờ tre giếng nước mái tranh
Đường quê lá ủ nắng hanh khói chiều
Ngược xuôi tìm dấu thương yêu
Vầng trăng lẽ bạn hắt hiu dáng người
Xa quê đã hết một đời
Mang theo ánh mắt môi cười cố nhân
"Bắt phong trần phải phong trần ..."
Vẫn không ghép đủ một vần quê hương .

Ở đây núi thẳm mù sương
Ở đây lộng gió bốn phương gọi về
Chiều lên hun hút cố quê
Khói rừng ai đốt mà tê tái lòng
Biết rằng chẳng có ai mong
Biết rằng nơi ấy quạnh không mắt buồn
Tình quê, tình nước, tình non
Nồi khoai sắn luộc chén cơm Mẹ chờ
Khúc Kiều ru giấc tuổi thơ
Dáng Cha nắng đổ bên bờ ruộng xanh .

Đi qua năm tháng chiến tranh
Ước mơ sâu thẳm một manh chiếu hè
Gió xôn xao lộng hàng tre
Nghiêng nghiêng bờ lá, tiếng ve ngậm ngùi
Tiếng quê là tiếng Mẹ ru
Dẫu đời xuôi ngược tiếng quê vẫn còn

Rừng hoang rộn tiếng chim muông
Tuổi đời bóng xế bồn chồn nẻo đi
Trăm năm rồi cũng từ ly
Đôi dòng chắp nhặt tình quê nặng tình.

                                                       HOÀNG YÊN LYNH
                                                                (Lâm Đồng)
                                                               0987291501
READ MORE - Hoàng Yên Linh - TÌNH QUÊ