LƯU QUANG VŨ VÀ VỞ KỊCH ĐỂ ĐỜI
Phạm Xuân Dũng
Chắc nhiều người Việt không xa lạ gì với truyện
cổ tích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Chuyện là thế này: Trương Ba vốn người
lương thiện, lại có biệt tài chơi cờ tướng, đã có bận đánh với tiên cờ Đế Thích
khi ông nhà trời này cải dạng xuống hạ giới, hai bên gặp nhau cũng kỳ phùng địch
thủ. Đáng lẽ Trương Ba chưa phải lìa trần nhưng vì hai vị tiên quyết định sự chết
của con người là Nam Tào và Bắc Đẩu chấm ẩu vào sổ trời nên Trương Ba mới phải
hồn lìa khỏi xác. Biết chuyện, Đế Thích thương tình nhưng cũng chỉ còn nước cho
Trương Ba được sống bằng cách nhập hồn vào anh hàng thịt vừa mới chết. Thế là tồn
tại một người hồn nọ, xác kia. Mọi chuyện giữa hai bà vợ, con cái và xóm làng từ
đấy mà sinh ra rắc rối, oan khiên với đủ chuyện bi hài.
Một cảnh trong vở kịch “Hồn Trương
Ba, da hàng thịt. Ảnh: T.L
Chỉ từ ý tưởng “hồn người này, xác
người kia” mà nhà viết kịch đầy tài năng Lưu Quang Vũ đã thổi vào tác phẩm một
luồng sinh khí nghệ thuật thấm đẫm nhân văn và triết lý thâm hậu chinh phục
công chúng văn học và sân khấu.
Thoạt đầu vở kịch lý giải vì sao
Trương Ba chết oan? Hãy nghe một ông nhà trời là Nam Tào nói về thiên đình:
“Các tiên tào mắc nô giỡn…còn lũ thiên binh thì đừng nhắc đến còn hơn, chúng độ
này cờ bạc, rượu chè tuý luý, bỏ bê phận sự. Thiên đình gì mà như cái chợ, chẳng
còn ra cung cách phép tắc gì!”. Cứ ngỡ tiên giới phải nghiêm minh, trong sáng
vô ngần, ngờ đâu chẳng khá hơn tục giới. Đến nỗi những ông tiên cầm cân nảy mực
chuyện sống chết như Nam Tào, Bắc Đẩu cũng làm việc qua loa dẫn đến tai họa vô
phương cứu chữa cho những người lương thiện. Bắc Đẩu nói với Nam Tào: “Làm ào
đi cho xong sớm, rồi nghỉ sớm. Trưa nay bên dinh Thái Thượng có tiệc đấy”. Hai
ông tiên tán gẫu rồi nhắm mắt gạch sổ gây hậu họa khôn lường. Cũng bởi họ là tiên,
ở trên thượng giới nên nào biết chuyện người trần mắt thịt vốn dĩ vẫn chịu nỗi
đau sinh ly tử biệt. Kết cục Trương Ba phải chết thảm dù chưa đến lượt mình!
Khi hay tin dữ, Đế Thích cũng muốn
làm một việc thiện sửa sai cho các đồng sự cõi tiên là gửi hồn Trương Ba vào
xác anh hàng thịt. Tưởng làm phúc, ngờ đâu gây họa. Từ khoảnh khắc ấy, “Hồn
Trương Ba, da hàng thịt” lâm vào bi kịch. Trước tiên vợ của hai người này đều
nhận đó là chồng mình. Một người dựa vào hồn, một người nhìn vào xác. Thật là
muôn nỗi oái ăm, dở khóc dở cười. Nhiều người ngộ nhận hay làm ra vẻ chỉ phần hồn
là quan trọng, phần xác là thứ yếu, không mấy quan trọng. Nhưng cuộc đời đâu
đơn giản như vậy. Hồn Trương Ba vẫn lương thiện nhưng xác anh hàng thịt thì ăn
uống hùng hục, lại đòi ăn ngon, lại ưa quát tháo thô bạo. Dần dà hồn Trương Ba
nhiễm thói thô lỗ, phàm tục, hạ lưu của anh đồ tể. Biết mà không cưỡng được, biết
mà nhiều khi phải tự dối lòng để lương tâm đỡ cắn rứt. Đây là mẩu đối thoại tái
tê mà thấm thía đến tận ruột gan khi xác anh hàng thịt bất hòa với hồn Trương
Ba: “Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên
trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà ông phải nhân nhượng
tôi. Làm xong việc gì xấu ông cứ đổ cho tôi…Tôi biết cần phải để cho tính tự ái
của ông được ve vuốt. Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện. Hà hà! Miễn là …ông làm đủ mọi
thứ để thoả mãn những thèm khát của tôi”.
Trong lúc Trương Ba sống khổ, sống
sở thì đứa con trai lại hí hửng vì có một ông bố to khoẻ thạo việc và nếu cần
cũng thô bạo. Còn lão lý trưởng cậy quyền cậy thế thì thừa cơ đục khoét , làm
tình làm tội một kẻ hồn nọ, xác kia. Mượn xác anh hàng thịt để sống, hồn Trương
Ba không thể thanh thản. Cuối cùng sau bao nhiêu dằn vặt, suy tư ông đã có một
quyết định kinh người: phải chết thêm lần nữa, lần này thì không thay đổi. Ông
dốc lòng với tiên cờ Đế Thích để ông tiên còn ít nhiều lương tri này giúp mình
chết vĩnh viễn. Trương Ba nói : “Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống
như thế này còn khổ hơn cái chết. Sống thế này mới thực là chết. Sẽ không còn một
kỷ niệm tốt lành nào về Trương Ba nữa, không còn Trương Ba nữa. Còn lấy lý lẽ
gì khuyên thằng con tôi đi vào con đường thẳng được. Cuộc sống giả tạo này có lợi
cho ai? Đúng, chỉ có bọn khốn kiếp là lợi lộc”.
Hồn Trương Ba ray rứt mới đi đến một
quyết định sinh tử. Vở kịch vỡ vạc một điều rất hệ trọng: lòng tốt Đế Thích
trong trường hợp này không giúp gì cho Trương Ba và cho đời cả. Có những sai lầm
không thể nào cứu vãn, may ra chỉ còn cái chết. Cho nên Trương Ba mới phải chết
hai lần để không tiêu biến, để cho đời sống vẫn còn lưu lại những dấu vết, kỷ
niệm tốt lành. Vạn sự khởi đầu từ lỗi lầm, tự ái của một nhà trời uy quyền
nhưng tắc trách và vô dụng.
Trương Ba đã chết thêm lần nữa. Mở
đầu vở kịch là cái chết, kết thúc cũng là cái chết của chính một người. Đọc
xong, xem xong ta thấm thía cái hay của vở kịch thấu đáo tình người, lẽ đời của
Lưu Quang Vũ. Ta hồi hộp, phẫn uất, xót xa nhưng không hề tuyệt vọng, không
đánh mất lòng tin vào chính con người, vào chính cuộc đời này.
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở
kịch sâu sắc, hấp dẫn, với nhiều tầng nghĩa đan xen, hòa quyện vào nhau rất đỗi
tự nhiên và chân thực. Tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề hết sức quan trọng và bức
thiết đối với nhân gian: vai trò người cầm quyền đối với số phận con người, số
phận quần chúng; tinh thần và vật dục, hồn và xác, nội dung và hình thức, sống
và chết… Triết lý vở kịch thông qua xung đột và đối thoại rất đời thường và hấp
dẫn, vở kịch thăng hoa từ cốt truyện dân gian khác lạ, từ hình tượng song
trùng, lưỡng phân đa thanh, đa nghĩa “hồn này, xác nọ” quá đặc sắc vươn đến tầm
phổ quát muôn thuở của nhân loại mà vẫn đầy chất thế sự và thời sự. Tất cả bằng
sáng tạo tài tình “bình cũ, rượu mới” của Lưu Quang Vũ đã lồng vào nhau, nâng
nhau lên để ánh lên hào quang tên tuổi của một tài năng thực sự độc đáo.
Với tất cả những thành công như vậy,
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là đỉnh cao sáng tác khác lạ trong gia tài kịch đồ
sộ của một nhà viết kịch tài ba và xứng đáng để đời, lưu danh vào hậu thế.
Phạm Xuân Dũng
(Quảng Trị)