Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 13, 2019

TƯỞNG NHỚ ANH TRẦN VĂN LỮ - Đỗ Tư Nhơn


      Thầy Đỗ Tư Nhơn – tác giả bài viết


TƯỞNG NHỚ ANH TRẦN VĂN LỮ 
                                                                    Đỗ Tư Nhơn

Mỗi khi tưởng nhớ những người bạn trân quí một thời dưới mái trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị đã sớm lìa cõi tạm về chốn vĩnh hằng, lòng tôi không tránh khỏi bồi hồi xúc động. Điều đó khiến tôi tìm lại trong ký ức từng khuôn mặt, dáng hình, mường tượng từng cử chỉ, nụ cười… nhằm phác thảo bức chân dung tinh thần của bằng hữu. Tôi đã thắp nén tâm hương mỗi độ xuân về để thương tiếc các anh Phan Phụng Thạch, Trần Thương Bá, Đặng Sĩ Tịnh, Trần Đình Bé trong từng giai phẩm Hương Quê Nhà (SG) đặc san  Nguyễn Hoàng (Huế). 

          

Giờ đây cùng với những trang Di cảo của anh Trần Văn Lữ, do người em trai là Trần Thiện Tài công bố, tôi xin gợi lại đôi nét về anh Trần Văn Lữ (tức Thạch). Anh sinh năm 1942, xuất thân trong một gia đình nhà giáo, quê nội ở làng Quảng Lượng, Triệu Phong Quảng Trị. Thân mẫu anh thuộc dòng tộc lớn của làng Thạch Hãn. Khu vườn nhà anh rộng rãi với cây trái sum suê nằm cạnh con đường thẳng tắp, hai bên là những bức tường gạch dài,  chiếc cổng bằng gỗ thường khép kín của một đại điền chủ giàu có. Con đường này rất đẹp, ban đêm mùi hoa dạ lan hương từ các sân vườn tỏa ra thơm ngát, phảng phất trên mái tóc những cô gái, chàng trai từng bước chân chầm chậm thầm thì câu chuyện trăng sao. Những anh em họ Đoàn có truyền thống học giỏi, mấy chị em họ Trần hiền thục duyên dáng đáng yêu cùng từ con đường này đến trường Nguyễn Hoàng. Gần đây con đường này được mang tên của ngôi làng xưa, có biển đề Thạch Hãn, một chứng tích lưu giữ hồn quê giữa phố thị. Hồi đó tôi học sau anh Trần Văn Lữ hai lớp nên chưa quen anh, chỉ biết cô em gái Dạ Hương ngày ngày đi học cùng các bạn. Anh theo học ở Viện Hán học - Huế khóa 1960 -1965, đồng thời với Lý Văn Nghiên, Hoàng Đằng, Trần Văn Dật. Lúc mới ra trường anh dạy ở trung học Quảng Phước-  Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên, đến năm 1969 thuyên chuyển về Nguyễn Hoàng. Năm 1970, tôi về dạy cùng trường, kết bạn với anh và Phan Phụng Thạch. Tính anh rất hiền lành và khiêm tốn, trên môi thường nở nụ cười, bạn bè và học sinh rất thương mến. Hằng ngày anh đi qua con đường trước ngõ nhà tôi để đến trường. Chúng tôi trao đổi cho nhau những sang tác, các tài liệu văn học, tham gia Đặc san xuân 1971, Hội mùa xuân 1972. Ngoài ra, với bút danh Trần Lãng Tử anh đã góp mặt trên tạp chí Chim Việt do anh Hồ Thế Vĩnh chủ biên. Còn nhớ những ngày chuẩn bị giai phẩm HỘI MÙA XUÂN (HMX) chúng tôi đã chia nhau đọc bài của học sinh gởi đến thật phong phú đa dạng. Các thầy cô Phạm Sữu, Phan Phụng Thạch, Trần Văn Lữ, Văn Chương, Trần Kiêm Đoàn, Võ Thị Hồng, Nguyễn Thiện… đã  viết bài và giúp trưởng ban biên tập rất nhiều để chọn lựa những tinh hoa đưa vào vườn thơ văn HMX , đó là  những ngòi bút tài năng đầy triễn vọng như Nguyễn Tùng, Thái Đào, Võ Thị Quỳnh, Nguyễn Đặng Mừng ,Võ Văn Hoa, Đỗ Huy Sanh, Hoàng Văn Chẩm… mà đến nay ít nhiều đã khẳng định được vóc dáng của mình qua tác phẩm. Bên cạnh các đồng nghiệp, anh Trần Văn Lữ gởi đăng bài “Mùa xuân,hoa đào và ông đồ già trong thơ Vũ Đình Liên”.  Hãy lần giở giai phẩm HMX của 52 năm trước  để nghe thầy giáo văn chương bình thơ thật tâm huyết :
“Nho học dần dần được thay thế bằng Tây học…Người ta quên ‘ông đồ’, trời đất dường như ngậm ngùi cho nhân thế Vũ Đình Liên lại bày tỏ niềm thương cảm đầy bâng khuâng,l ưu luyến, băn khoăn về ‘cái di tích tiều tụy đáng thương một thời tàn’   
                                          (Hoài Thanh- Thi nhân VN)    
                       
“Năm nay hoa đào nở/
Không thấy ông đồ xưa”
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?”

Từ ‘Ông đồ già’ của Vũ Đình Liên, anh Trần Văn Lữ đã liên tưởng tới những người đồng nghiệp trong sự cảm thông sâu sắc và ngậm ngùi xót xa : “Ngày nay trong nhừng năm dài chinh chiến nhiều vị giáo viên, giáo sư đã âm thầm nằm xuống sau những năm tháng đem hơi sức tâm huyết giảng huấn, truyền đạt,  hy sinh. Có người chết ngay cả lúc đang làm “sứ mạng” giảng dạy. Họ chết đi không hiểu linh hồn họ có được thảnh thơi siêu thoát hay còn dật dờ đây đó buồn thương, chán ngán cho thế sự nhân tâm, ‘Hồn ở đâu bây giờ’. Họ đã chết đi để cho những mầm non do họ chăm sóc lo lắng, uốn nắn từng ngày, từng giờ sẽ sống vươn cao nơi xứ mình xứ người”.
Cuối cùng là điều băn khoăn day dứt từ tâm khảm của thầy Trần Văn Lữ vô cùng chân thành thiết tha, nói hộ cho đồng nghiệp muôn đời:
“Có còn ai nghĩ tưởng về những vị ân sư trẻ trung hay già nữa không đây ?!?”
Tấm lòng đối với thầy cô NH năm xưa đã được các cựu học sinh thể hiện trong cuộc sống, trên trang viết tri ân thắm đậm tình nghĩa thầy trò của báo Nguyễn Hoàng khắp nơi. Xin quý thầy cô anh chị yên lòng về truyền thống nhân văn cao đẹp ấy của đại gia đình mang tên Chúa Tiên.
Năm 1972, sau hội mùa xuân rộn ràng diễn ra trên sân trường Nguyễn Hoàng, lửa đạn chiến tranh đã ập vào Quảng Trị,người dân bỏ quê vượt đèo Hải Vân tỵ nạn,  thầy trò bỏ lại ngôi trường thân yêu. Lúc này hai địa điểm tạm thời để học sinh tiếp tục trau dồi kiến thức là trại tạm cư Hòa Khánh và Non Nước thuộc Đà Nẵng - Làm sao diễn tả hết nỗi lòng của con người Quảng Trị khi nhìn về quê nhà xa xôi đang bị bom đạn cày xới. Không thể vô tư, nhà thơ Trần Lãng Tử, ngày đêm bồn chồn tiếc nhớ từng con đường, hàng cây, giáo đường, ngôi chùa quán ca fe, góc chợ, hiệu sách, dòng sông, bến nước, cây cầu… Trong Di cảo của anh Trần Văn Lữ có hai bài viết dạng tùy bút - hồi ký bây giờ chúng ta đọc lại vẫn không tránh được niềm xúc động dâng lên trong lòng ! Trước tiên hãy cùng thưởng thức bài tản văn có nhan đề  ‘Thương về Quảng Trị’ được viết vào tháng 7-1972, sau ba tháng lìa xa quê nhà. Này đây hãy lắng nghe dòng cảm xúc tuôn trào trong từng câu chữ, để cùng ôn lại những hình ảnh, nơi chốn, kỷ niệm một thời dấu yêu :
“Thế là tôi xa xứ Quảng thân yêu ba tháng trời. Quảng Trị giờ đây mờ mịt lửa đạn. Đêm đêm nhìn về hướng Bắc xa xôi , tôi nghe nhiều nhớ thương dâng tràn”…
“Con đường Quang Trung thẳng tắp trong tháng ngày qua, mưa về sũng nước nhưng sao láng lẫy thế! Còn đâu những ngày đi ngang qua giáo đường Thạch Hãn, nhìn hàng cây bàng khoác áo màu xanh đầy  hi vọng vươn cao… Nào đâu những chiều ngồi trong quán Văn, quán Quyên, quán Gió… thả hồn trong khói thuốc. Bún tai mụ Dư trong đình chợ, bún cô Ba, bún Nông tín ngon thật là ngon khi chiều chiều ghé lại… Tìm đâu những lúc đứng ở quán sách Tùng Sơn, Lương Giang…
Con đường, quán chợ, dòng sông, bến nước,chiếc cầu, cái gì cũng quá quý, cầu cho nó được còn mãi. Quảng Trị nho nhỏ như một chiếc áo ấm nhưng nó che chở ta tháng ngày qua trong giá lạnh.
Con sông Thạch Hãn nước vơi đầy, rồi lần mùa mưa lũ đến, nước đục ngầu lềnh bềnh củi rều… Khi mùa hạ về, nó trải long cho người ta chiêm ngưỡng. Lòng dân người Quảng Trị cũng chân chất như dòng sông Thạch Hãn trong mùa nước cạn.
Nhà thờ La Vang, chùa Sư Nữ, hết rồi những ngày đại hội, rằm mồng một. Chắc giờ đây chỉ là đống gạch vụn vì chinh chiến.”
Đó là một bài tùy bút có giọng văn ngọt ngào, thấm đẫm tình yêu quê nhà, dẫn chúng ta về với thị xã Quảng Trị xưa thân thuộc đang quằn quại đau xót giữa bom đạn mịt mù ! Ước mong được trở về Quảng Trị luôn cháy bỏng trong tâm hồn mọi người con của Non Mai Sông Hãn, trở thành điệp khúc nguyện cầu thiêng liêng tha thiết trong từng câu văn ngân vang trong không gian,trong tâm hồn mọi người :
“Mong sao được trở về Quảng Trị sớm để nhìn lại thành phố thân yêu, mảnh vườn xanh lá cây, nương chè, lũy tre, ruộng lúa, chiếc cầu ao loáng nước, mồ mã cha ông.
Bà con xóm giềng còn bị kẹt, con chó quấn quit bên nhà không hiểu ra sao ?...
Quảng Trị ơi, ta chờ mong ngày trở về…Ta sẽ trở về cúi hôn mặt đất xứ Quảng của ta. Từng kỷ niệm sống động trong ta khắc khoải từng ngày từng giờ nếu còn xa Quảng Trị.  Nguyễn Hoàng, Bồ Đề, Thánh Tâm, Phước Môn…hãy chờ dân Quảng Trị về xây dựng lại.
Quảng Trị ơi, muôn người đang rưng lệ nhớ thương về người.”

Bên cạnh con người nặng tình với quê hương, còn có một con người luôn gắn bó thân thiết với bạn bè. Cho nên khi cùng vào ở trại tạm cư Đà Nẳng anh Phan Phụng Thạch đã viết ‘Bài thơ làm khi say rượu’ đề tặng nhóm bạn chí thân, anh chọn hình ảnh anh Trần Văn Lữ để khắc họa đầu tiên vì đã hiểu rõ nhau, chia sẻ cùng nhau những buồn vui trong phận người :

“Buổi tối tiêu sầu - chai rượu đắng
Tri âm ! này hãy uống cho say
Lỡ mai có chết - không ân hận
Vì đã ngồi chung một chiếu này !

Thằng bạn chưa già nhưng tóc bạc
Bụng đầy Kinh Lễ với Kinh Thư
‘Chuyện đời hư ảo xin mày gác
Không lẽ mày là Ngũ Tử Tư ?”

Mấy câu thơ trên đã giới thiệu khá rõ nét về người bạn với lối so sánh có chút đùa tếu khi nhắc đến “Bụng đầy Kinh Lễ với Kinh Thư” “Không lẽ mày là Ngũ Tử Tư”. Bởi anh Trần Văn Lữ xuất thân từ Viện Hán học, kiến thức về Nho giáo, sách sử xưa phong phú. Thêm vào đó là giống nhân vật Ngũ Tử Tư “một đêm suy nghĩ tóc bạc trắng”!
Đây là nhóm bạn tham gia Hội Hồng Thập Tự, làm công tác xã hội từ thiện giúp nhân dân các vùng bị thiên tai, bom đạn cho nên như anh em ruột thịt một nhà. Trong những ngày sống trong trại tạm cư Đà Nẵng,  căn bệnh ác tính của anh Phan Phụng Thạch đến hồi trầm trọng,bạn bè cùng gia đình thay nhau săn sóc cho đến khi anh từ trần. Trong đó anh Trần Văn Lữ , Lê Lợi là bằng hữu luôn ở bên cạnh nhà thơ họ Phan, cho nên anh đã ghi lại những giây phút cuối cùng của GS Phan Phụng Thạch và đọc tại “Lễ tưởng niệm một năm nhà thơ Phan Phụng Thạch về cõi thiên thu”  gồm gia đình,nhà trường,  thân hữu,đại diện học sinh. (Tôi được phân công giới thiệu thơ PPT). Trên tờ giấy A.4 gấp hai, viết trọn bốn mặt anh Phan Ngọc Bích (em trai PPT) trao cho tôi là bút tích của anh Trần Văn Lữ kể lại từng chi tiết cuối cùng ở bênh viện Việt Đức của người bạn họ Phan, có đoạn như sau :
“Rạng ngày thứ bảy 24-2-1973, độ 4-5 giờ sang chúng tôi tự nhiên thấy bồn chồn xao xuyến.  Từ trại Hòa Long chúng tôi đi bộ lên trại 5 để rủ Lợi qua anh. Cũng vừa khi đó một thân nhân của anh sang tin cho hay là anh đang hấp hối. Chúng tôi qua đến nơi thì anh đã yếu lắm. Thở đã cách khoảng. Đôi mắt đã trăng trắng và kéo sụp mi nhiều. Đêm qua anh đã chuyện trò cùng thân mẫu anh, không nói ra được nên anh đã lấy sổ ra để bút đàm cùng bà. Nghẹn ngào đau đớn anh trút hơi thở cuối cùng lúc 7 giờ 25. Tiếng khóc của thân mẫu anh làm chúng tôi se thắt. Bào đệ của anh, Lợi và tôi cũng không cầm được sự xúc cảm tột cùng. Sau đó trên chiếc xe HTT của bệnh viện Đức thân mẫu anh và tôi đưa thi hài anh về trại 5. Ngồi trên xe giữ chiếc băng ca tự nhiên nước mắt tuôn trào…’’
Trong lễ truy điêu nhà thơ Phan Phụng Thạch, cùng với bạn bè viết điếu văn, khóc bạn, anh Trần Văn Lữ nghẹn ngào đọc bài thơ Tiếc thương:
 
“Đại dương, sóng vỗ xôn xao
Thạch ơi mầy chết biết bao đau buồn
Mây trời vẫn cứ bay luôn
Bóng mầy đâu nữa những hôm chuyện trò
Nhạc còn huệ vẫn thơm tho
Trà đây rượu đó nào giờ cụng ly…
Lá bay bay mãi im lìm
Mầy đi, đi biệt như chim tách đàn.
Hết rồi giây phút liên hoan
Yêu đời nghe hát dư vang đêm nào.”

Bài thơ thể 6/8 dung dị, ngôn ngữ xưng hô thân mật không khách sáo, hình ảnh gần gũi đã thể hiện tình bạn chân thành, sự tiếc thương vô hạn, nỗi mất mát lớn lao !
Để hiểu thêm tấm lòng của anh đối với bạn, chúng ta đọc hồi ký của anh Hoàng Đằng đăng trong Đặc san  60 NĂM NGUYỄN HOÀNG (- 2012) :

 “Trần Văn Lữ rất quan tâm đến bằng hữu. Năm 1974, biết tin tôi sẽ đi vào Sở Học chánh Bình Tuy,Trần Văn Lữ đã sốt sắng tìm tôi trao lá thư giới thiệu với anh Nguyễn Như Lộc, nguyên Hiệu trưởng trường Quảng Phước mới vào nhận chức Chánh sự vụ sở này. Trần Văn Lữ hy vọng nơi đất khách quê người tôi sẽ có người che chở. Sau đó ít lâu, Trần Văn Lữ qua đời. Đến bây giờ, mỗi lần nghe nhắc đến tên Trần Văn Lữ tim tôi lại rung động, mắt tôi lại rươm rướm !”

Nhìn lại bức chân dung tinh thần của anh hiện lên qua lời kể,  cùng trang văn câu thơ còn lại chúng ta đều hiểu được tâm hồn anh giàu tình nghĩa,đa cảm  thật đáng trân trọng mến yêu.! Nhưng chắc không ít bằng hữu và học sinh cũ cảm thấy thiếu sót nếu bài viết này không nói đến một góc nhỏ của tình yêu trong thơ Trần Lãng Tử. Qua mấy lần giới thiệu thơ Trần Thương Bá, Phan Phụng Thạch, Triệu Phong Đặng Sĩ Tịnh chúng tôi đã cùng xao xuyến với nhiều cung bậc, giai âm của ái tình. Nhưng lần nầy lại khác. Có chút ái ngại khi nói về niềm đau, nỗi buồn, xót xa trong tận cùng của tâm hồn người bạn khả kính cam chịu trong éo le của tình duyên. Tuy khá thân tình nhưng tôi cũng tránh né, không hỏi han chuyện riêng tư tế nhị của bạn. Hôm nay đọc những bài thơ của anh- Trần Lãng Tử trên Chân Dung Và Kỷ Niệm chúng ta sẽ mở cánh cửa lâu nay khép chặt đó để cảm thông và chia sẻ những nỗi niềm sâu kín cùng anh. Đây là những bài thơ “có lẽ được sáng tác sau khi Chúa Trời đã xua đuổi anh ra khỏi căn vườn mang tên Hạnh Phúc vào năm 1969. Những câu hát đâu đây còn vọng lại ‘Em đang tâm xé nát tim tôi…’ như lời trong Niệm khúc cuối của Ngô Thụy Miên. Anh sáng tác bài LỜI NÀY CHO EM ‘trong thời gian bi kịch tình yêu đang gây bão tố quay cuồng. Hai khổ thơ hiện ra sự đối lập giữa hạnh phúc êm ấm với tan vỡ chia xa, nhưng giọng điệu dường như vẫn du dương vì tác giả dùng nhiều từ có thanh bằng. Bốn câu đầu là kỷ niệm đẹp, tháng ngày tay trong tay, tình nồng lên khơi:

“Qua bao tháng ngày
Trong đôi vai gầy
Tình ơi lên khơi
Trong đôi tay này.”

Lại diễn ra sự khác biệt, mâu thuẫn giữa thiên nhiên bên ngoài với nội tâm nhà thơ, nắng ấm không sưởi được cõi lòng giá lạnh cô đơn vì đột nhiên bị xa cách ngàn trùng :
“Nắng lên khắp trời
Nắng lên chơi vơi
Nhưng tôi vẫn gào
Tôi xa em rồi”

 Tiếp theo tiếng gào thảng thốt đó là trạng thái tâm lý điên dại vì đau khổ trước nghịch cảnh phũ phàng, tan nát bao thề  nguyền. Câu thơ cuồng nộ như không thể chịu đựng được nữa:

“Xé nát mặt trời
Xé cả mặt trăng
Xé luôn thân nàng
 Lòng không ăn năn”

Giờ đây nhà thơ họ Trần đã về cõi vĩnh hằng nhưng còn gởi lại những câu thơ ám ảnh day dứt về nỗi cô đơn trống trải trên dương thế để tìm sự đồng cảm và sẻ chia :

“Chết rồi thịt nát xương tan
Hồn bơ vơ nữa ai hàn huyên đây ?”

Sống mãi trong lẻ loi, nhà thơ Lãng Tử đã tìm đến cõi mộng như một liệu pháp, một cách hóa giải nỗi đau buồn nhức nhối không nguôi của những người bị tình phụ. Trong bài MỘNG gồm có 6 đoản khúc, như từng trang nhật ký để mình đối thoại với mình, thầm thì an ủi chính bản thân…

“Nhớ nhung mộng mới trở về
Tỉnh ra mộng biến não nề tấm thân !
‘Nhớ em dẫn mộng vào đêm
Cuộc đời qua mãi như rèm chiêm bao.”

“Ngủ say mộng lén vào hồn
Niềm vui phủ mắt. Dậy buồn tâm tư”

“Trở mình - đêm lạnh - mộng nhiều
Ước mơ - xa cách - bao điều em ơi”

‘’Người đây hồn lạc về đâu
Gieo bao nhung nhớ u sầu mộng tan.”

“Nghĩ đời kể cũng nực cười
Đêm đêm là mộng, ngày rời mộng thôi !”
Đến đây chúng ta liên tưởng đến câu chuyện tình giữa Hàn Mặc Tử và người đẹp Mộng Cầm, với bao lần hẹn hò, say đắm, gắn bó thiết tha thế nhưng kết cục thật buồn. Khi biết nhà thơ họ Hàn bị bệnh nan y,  nàng đành đoạn tình,bước lên xe hoa để cho họ Hàn đau khổ khôn nguôi có lúc tự nhủ “Làm sao giết được người trong mộng,để trả thù duyên kiếp phụ phàng !” Nhưng khi lòng lắng xuống, hồn thơ trở nên dịu dàng chịu đựng ông viết bài “Những giọt lệ” :

“Họ đã xa rồi khôn níu lại
Tình thương chưa đã  mến  chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ !”

Và :

“Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy
Nhưng mà ta không lấy làm điều
Trăm năm vẫn một lòng yêu
Và còn yêu mãi yêu nhiều em ơi”
                (Muôn năm sầu thảm)

Bản tính anh Trần Văn Lữ vốn hiền lành, thương người, cam chịu cho nên tuy những cơn đau trong lòng có khi khiến anh muốn gào thét xé nát cả vũ trụ nhưng cũng như Hàn thi sĩ anh tìm được sự cân bằng nhờ thi ca và cuộc sống. Anh góp phần vào sự nghiệp khai nguồn trí tuệ cho thế hệ trẻ, vỗ về an ủi người dân bị thiên tai, bom đạn qua hoạt động từ thiện cùng bạn bè. Năm 1973 anh khóc thương tiễn nhà thơ Phan Phụng Thạch về nơi an nghỉ cuối cùng trên đồi cát trắng Non Nước, thì năm sau gia đình, đồng nghiệp và học trò lại đưa anh đến chỗ nằm bên cạnh bạn thân bao ngày gắn bó. Một thời gian sau, hài cốt của hai anh về với làng quê của mình bên tổ tiên. Trong dịp cùng thầy Nguyễn Văn Thị về Bồ Bản thăm mộ thầy Lê Đình Ngân, chúng tôi đã ghé Quảng Lượng thắp hương cho anh trong khu nghĩa trang của gia đình. Hiện nay, anh Trần Thiện Tài cho biết gần đây đã cải táng toàn bộ các phần mộ nội thân về Nha Trang. Tôi thầm hứa sẽ vào viếng anh trong một ngày thuận tiện không xa. Mong anh tha thứ cho tôi vì đã chạm vào vết thương của  những ngày tháng dương gian xa xưa ấy !

Viết tại làng Thạch Hãn cuối xuân Giáp Ngọ 2014
Thắp nén tâm hương tưởng nhớ anh Trần Văn Lữ 50 năm xa đời.

                                                                Đỗ Tư Nhơn

READ MORE - TƯỞNG NHỚ ANH TRẦN VĂN LỮ - Đỗ Tư Nhơn

VĂN HỌC SỬ: MỘT GÓC NHÌN MỚI VỀ: NGUỒN GỐC CHÂN THỰC CỦA CỐT TRUYỆN: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH (TRUYỆN KIỀU) CỦA NGUYỄN DU - Lê Nghị



                         Đại thi hào Nguyễn Du


VĂN HỌC SỬ: MỘT GÓC NHÌN MỚI VỀ: NGUỒN GỐC CHÂN THỰC CỦA CỐT TRUYỆN: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH (TRUYỆN KIỀU) CỦA NGUYỄN DU 
                                                                            Lê Nghị

Bài này tôi viết nhân một nhóm bạn trẻ Hà Nội vừa thành lập trang Yêu Truyện Kiều, có mời tôi viết một bài về nguồn gốc truyện Kiều. Đối với người biên soạn văn học sử thì đó là tin vui. Xin phép trang Thăng Long- Hà Nội Ký, đăng lại toàn văn, thay cho một bài văn học sử trên cơ sở tiếp nối ý của Thượng Chi- Phạm Quỳnh.

******

Thân gửi: Yêu Truyện Kiều

Khảo sát sự phát triển của truyện bà Vương Thuý Kiều chính sử, gốc là từ Minh sử. Sử nhà Minh ghi nhận có sự kiện Từ Hải cùng 2 người vợ nhảy sông tự vận do bị Hồ Tôn Hiến lừa năm 1556.
- Tiếp đến là ghi chép của Mao Khôn (1525-1601), người dưới trướng Hồ Tôn Hiến: “Kỷ Từ Hải tiểu trừ bản mạt”. Trong ghi chép mang tính sử liệu này vai trò của Mã Kiều vợ Từ Hải mờ nhạt. Hai nhân vật chính là Từ Hải và Hồ Tôn Hiến.

- 20 năm sau, năm 1576 Sử gia Từ Học Mô mới phỏng vấn Đồng Hoa, người quen với Mã Kiều (tên khi làm kỷ nữ, họ Vương Thuý là tự xưng giấu tung tích). Đồng Hoa là người của Hồ Tôn Hiến sai dụ hàng Từ Hải, suýt bị Từ Hải giết, nhờ Thuý Kiều ngầm cứu. Từ Học Mô bổ sung vào chính sử Truyện Vương Kiều nhi, như là thương cảm và ghi nhận công Thuý Kiều khuyên Từ Hải hàng, tỏ thái độ trách nhẹ Hồ Tôn Hiến.

- Mãi đến Dư Hoài (1616-1696) mới tiểu thuyết hoá bằng một truyện ngắn: Vương Thuý Kiều, nhân vật chính, trong đó chi tiết khác chính sử: Từ Hải chết đứng, Thuý Kiều bị Hồ Tôn Hiến làm nhục rồi ép gã thổ quan, Kiều ân hận nhảy sông Tiền Đường. Truyện chỉ khoảng 3 trang giấy in.

 - Từ đó ở Trung Hoa, có vài vở kịch, vài truyện vừa, khai thác quanh đề tài Thuý Kiều, Từ Hải và Hồ Tôn Hiến, dựa vào truyện ngắn của Dư Hoài mà phóng tác. Trong đó có cuốn Song Kỳ Mộng khuyết danh, xuất hiện trước 1763, nhưng không rõ năm nào, chỉ biết nó được dịch sang tiếng Nhật năm 1763 dưới hình thức một truyện tranh.

- Năm 1707, có một vở kịch đề tài chuyện lầu xanh, các nhân vật hư cấu phản diện với tên gọi ước lệ có mặt: Tú Bà, Thúc Thủ, Mã Bất Tiến... nhưng tên nhân vật chính diện kỷ nữ và vị hảo hán cùng quan triều đình bị đổi tên tuỳ nơi diễn, nhưng không nhắc tới tên Thuý Kiều, Từ và Hồ. Nói cách khác đó là một truyện độc lập, khác với tích Vương Thuý Kiều. Vở kịch này của tác giả Diệp Trĩ Phỉ, có tên Hổ Phách Chuỷ.

- Sau đó tại Trung Hoa không còn truyện nào có tên nhân vật như trong truyện Kiều của Nguyễn Du nữa. Dấu mốc là năm 1707, một con số mà bây giờ học giả Trung Quốc gán cho năm chết của một bút danh Thanh Tâm Tài Nhân vô hình. (Đại Từ Điển Văn học sử Trung Quốc , Đài Loan, 1991).

1.Tại Việt Nam:

Nhưng ở Việt Nam, 264 năm sau sự kiện Từ Hải, 3 nhân vật trong truyện Vương Thuý Kiều của Dư Hoài và tên các nhân vật trong vở kịch Hổ Phách Chuỷ của Diệp Trĩ Phỉ lại xuất hiện trong tập thơ Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du sau năm 1820. Vì vậy mới nói Nguyễn Du có mượn tích và tên nhân vật của Tàu từ hai truyện ngắn và vở kịch độc lập nội dung nói trên, kết hợp những tác phẩm ở Việt như truyện thơ Hoa Tiên, cộng kiến thức uyên bác và cuộc đời từng trải của ông, làm nên một tiểu thuyết luận đề bằng thơ lục bát, lấy tên Đoạn Trường Tân Thanh. (Bạn đọc nào gõ Google: truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, sẽ thấy cách mở đầu và cốt truyện đoạn kết thúc của truyện Kiều giống với truyện thơ Hoa Tiên, kể cả ngôn ngữ cũng ảnh hưởng, nhưng tất nhiên ý và lời Nguyễn Du hơn hẳn. Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) tuy vai cháu rễ, nhưng khi ông ra truyện Hoa Tiên thì Nguyễn Du còn tuổi học trò (1765 - 1820). Hướng nghiên cứu “tiền truyện Kiều”“tục truyện Kiều” từ tác phẩm, ca dao của người Việt mới đáng trân trọng. Bởi vì liên quan cùng các tác phẩm, cùng một cội nguồn văn hoá.)

- Vì cái tên truyện ĐTTT nhạy cảm và nội dung có độc cho vương triều, Minh Mạng cho đổi tên thành Kim Vân Kiều truyện. (căn cứ vào tiểu sử Phạm Quý Thích trong Đại Nam liệt truyện và bút tích Minh Mạng lưu VNB60 thư viện quốc gia). Vua Minh Mạng đã chỉ đạo Hàn Lâm viện viết bình giảng Kim Vân Kiều truyện theo hướng Tình- Hiếu- Trung. Minh Mạng đặt tên chung cho những người bình giảng là Thanh Tâm Tài Tử. (xem tổng thuyết 1830). Như vậy tên Kim Vân Kiều truyện xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam trước là thay cho tên Đoạn Trường Tân Thanh, sau đó mới chỉ đến cuốn bình giảng bằng văn xuôi bút danh Thanh Tâm Tài Tử.

- Từ đó đến 1920 có trên 300 tác giả hữu danh và khuyết danh có đủ thể loại tác phẩm: thơ, phú, chèo, kịch, văn xuôi...., suy cùng chỉ là bình giảng cốt truyện thơ Nguyễn Du lúc này mang tên Kim Vân Kiều truyện. Trong đó hiện nay còn 6 cuốn viết dưới hình thức văn xuôi, phần lớn có chen thơ. Có 2 cuốn quan trọng đã dịch là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử và cuốn Kim Vân Kiều lục khuyết danh. Tất cả những cuốn Kim Vân Kiều truyện thơ hay bình giảng bằng văn xuôi cùng tên, đều chép tay truyền nhau trong một thời gian dài, cho nên có dị bản. Thời ấy nước ta đặt nhiều sách in tại Quảng Đông, kể cả truyện Kiều.

Việc truyền miệng lâu năm dẫn tới hiểu nhầm. Thực tế không có bằng chứng cuốn văn xuôi Kim Vân Kiều truyện in tại Quảng Đông trước Nguyễn Du. Duy nhất bản in quyển 4 lưu tại Nhật có ghi nhà in Văn Uyên năm thứ 32 phát hành, tức sách này in lại tại Nhật, Văn Uyên 32 là năm 1938. Nghĩa là sách in lại thời hiện đại sau Nguyễn Du mất đến 118 năm. Sau tổng thuyết Minh Mạng 1830 đến 108 năm.Thêm một dẫn chứng có thể lan tỏa từ Việt Nam chứ không phải Trung Hoa.

Những dòng chữ Quán Hoa Đường bình luận, Kim Thánh Thán ngoại thư được các học giả chỉ ra là ngụy tạo mang tính quảng cáo giá trị tác phẩm như nhiều sách khác ở Trung Hoa, (có ghi nhưng không hề có nội dung, việc này có bài phân tích riêng)

Xét về mặt văn chương thì Kim Kiều Vân Lục khuyết danh của một “nhà nho tài tử” nào đó được dịch năm 2015. Tác giả cao tay hơn cuốn Kim Vân Kiều truyện mà Nguyễn Duy Ngung dịch đầu tiên đầu tiên năm 1925 . Vì Sách 1925 có quảng cáo là tiểu thuyết Tàu tên tác giả là Thanh Tâm Tài Tử. Nội dung theo sát từng lời thơ Kiều, nên bị hiểu ngược là Nguyễn Du dịch thơ. Thật ra đó là cuốn bình giảng thơ Kiều viết bằng tiếng Hán, được chép tay chuyền nhau tại Việt Nam, cũng là một dạng tương tự Kim Vân Kiều lục mới dịch nói trên. Có thể Abel des Michel có cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài tử năm 1884, khi ông giới thiệu lần đầu bản dịch thơ Kiều dịch sang tiếng Pháp (mặc dù ông chú thích là Kim Vân Kiều Lục theo lời người gửi năm 1884, nhưng Kim Vân Kiều lục bản in sớm nhất vào năm Đồng Khánh 1888.- theo Phạm Tú Châu)

2. Tại Trung Hoa:

- Tại Trung Hoa năm 1926, tác giả Cổ Thực trong cuốn Văn học sử Trung Hoa giản lược lần đầu tiên ghi vào danh mục sách Trung Hoa có Kim Vân Kiều truyện tác giả Thanh Tâm Tài Nhân. Năm 1936, Đàm Chính Bích ghi vào cuốn văn học sử Trung Quốc, nhưng thực ra 2 người đó chưa hề thấy cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nào.

- Từ 1930 đến 1957, Tôn Khải Đệ cũng khẳng định không có cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nào ở Trung Quốc. Hoàng Dật Cầu từ 1957 cũng tuyên bố như thế.

- Mãi đến 1981, Đổng văn Thành mạo nhận Song Kỳ Mộng truyện khuyết danh là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, và 1983 Lý Chí Trung ngụy tạo cuốn Kim Vân Kiều truyện ký hiệu A953 của Việt Nam ra một cuốn mới, văn phong, tình tiết hay hơn cuốn A953, gọi là cuốn từ cổ thư Trung Hoa. Cả hai bị Benoit, Trần Ích Nguyên lật tẩy giả mạo.

Tóm tắt, quá trình truy tìm nguồn gốc truyện Kiều là khổ công, từ đối chiếu hàng trăm tư liệu trong và ngoài nước để đi đến kết luận, đề cập trên chỉ là giản lược nhưng cũng là cốt yếu. Chúng tôi không hề xuất phát từ yêu nước cực đoan mà xuất phát từ những mâu thuẫn của trường phái cho KVK truyện Hán văn là của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu, thay vì là của Thanh Tâm Tài Tử Việt Nam.

Từ 1981, các học giả Tàu ồ ạt hạ bệ Nguyễn Du (như Đổng Văn Thành), hoặc cùng tôn vinh Thanh Tâm Tài Nhân vô hình (như Lý Chí Trung). Họ giả mạo, không hổ thẹn và cũng chưa lùi bước. Ngày nay thêm thế hệ đàn em (như Nhậm Ngã Hoa) tiếp tục công việc này. Họ chứng minh rằng Nguyễn Du chỉ là một dịch giả dùng thơ tiếng Việt khiến người Việt say mê. Từ đó ta thấy tầm quan trọng của cốt truyện thơ Nguyễn Du mà họ đang cố gắng giành về phía mình.

Trong khi đó học giả Việt Nam ngất ngưỡng, tự sướng cái hồn, thực ra là mê thơ lục bát của Nguyễn Du, phân tích các biện pháp tu từ thú vị. Họ quên rằng thế giới chẳng cảm thụ thơ lục bát, một cuốn truyện bằng văn xuôi dịch ra họ hiểu hơn về tính nhân văn của cốt truyện. Họ quên rằng họ đã rơi vào bẫy của học giả Tàu. Thế giới không ai tôn vinh dịch giả thay vì tác giả. Rất nhiều học giả tay dọc tiếp loa cho Tàu, thừa nhận Nguyễn Du dịch truyện Tàu vô căn cứ từ trên 40 năm nay.

Tôi rất vui khi thấy các bạn trẻ quan tâm đến Truyện Kiều, sản phẩm văn hoá hàng đầu của dân tộc. Tôi tin tưởng thế hệ trẻ sẽ nhìn lại nguồn gốc chân thực của Truyện Kiều, khắc phục những sơ xuất của người đi trước. Tôi cũng không trách các bạn trẻ nghĩ rằng do tôi bài Tàu mà nêu lên một quan điểm cực đoan. Vì tôi biết các bạn nghe thầy cô giảng và đọc nhiều sách vở đều khẳng định niềm tin vô căn cứ từ khi tiếp xúc với truyện Kiều. Tôi chỉ mong muốn các bạn hãy tìm hiểu sự thật một cách toàn diện, trên cơ sở lắng nghe thông tin nhiều chiều.

Nhân các bạn vừa mở trang Yêu Truyện Kiều, tôi trích đăng lại một đoạn trả lời nhanh cách đây một ngày, cho một giáo sư văn chương người Việt đã từng dạy tại University of Southern California, Hoa Kỳ. Vị giáo sư khả kính này đang theo dõi tranh luận, từ tốn muốn chúng tôi giải trình tỉ mỉ trước khi ủng hộ hoặc phản biện. Tôi cho rằng giáo sư có hành vi học thuật cẩn trọng và nghiêm túc.

Vì trang mạng không phải là trang học thuật nên tôi không dẫn nhiều nguồn, rối mắt và nhức đầu bạn đọc. Nếu các bạn thật sự quan tâm thì liên hệ riêng qua Messeger, tôi sẽ cung cấp nguồn trong những gì tôi đã viết. Hoặc nêu câu hỏi cụ thể tôi sẽ đáp từ ngay, nếu vấn đề không phức tạp hoặc bằng bài viết trên trang, nếu sự việc trả lời cần dẫn dắt khá dài.
Chúc trang Yêu Truyện Kiều thu hút nhiều bài viết giá trị, đem lại thông tin và nhận định đa khía cạnh và đa chiều. Xin cám ơn các bạn.

                                                                            Lê Nghị

READ MORE - VĂN HỌC SỬ: MỘT GÓC NHÌN MỚI VỀ: NGUỒN GỐC CHÂN THỰC CỦA CỐT TRUYỆN: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH (TRUYỆN KIỀU) CỦA NGUYỄN DU - Lê Nghị

Ca khúc CHỈ CÒN HIU QUẠNH - Thơ: Hoài Hương Xưa - Nhạc: Lê Hoàng - Biểu diễn: Minh Tuyết

READ MORE - Ca khúc CHỈ CÒN HIU QUẠNH - Thơ: Hoài Hương Xưa - Nhạc: Lê Hoàng - Biểu diễn: Minh Tuyết

THỬ TÌM MẪU SỐ CHUNG CHO THƠ & THẾ NÀO LÀ BÀI THƠ HAY? - Mang Viên Long

Tác giả Mang Viên Long



THỬ TÌM MẪU SỐ CHUNG CHO THƠ 
& THẾ NÀO LÀ BÀI THƠ HAY?
MANG VIÊN LONG


Trên tuần báo Giác Ngộ (số 119 / 01.12.95) tôi có đưa ra vài nhận định – có tính khái quát, để hiểu “Thế Nào Là Một Bài Thơ Hay”. Gần đây, vài bạn thơ trẻ, lại nêu lên một thắc mắc – trước các “trường phái” thơ đang được cổ súy, đang được vận động hoan hô. Vậy Thơ (nói chung) – có gì chung nhất, hay nói nôm na là có “một mẫu số chung” nào không – khi người đọc thưởng ngoạn, đánh giá ?

Theo tôi là có. Thơ – dầu là nhân danh “trường phái nào” đi nữa- đều do “con người” viết ra cho “con người” đọc. (Chứ không có người đọc thì viết ra để làm cái trò gì? ). Nhà thơ khao khát được giải bày, tha thiết được tâm sự, sẻ chia – từ đó, có Thơ. Người đọc mong ước được cảm nhận, học tập, cảm thông (…) – tìm đến với Thơ.

Do hai nhu cầu (viết/ đọc) gắn bó mật thiết keo sơn như vậy – nên Thơ tồn tại trong đời sống. Có mặt bên loài người. Để cùng xây dựng thế giới ngày một hoàn thiện, đem lại sự gần gũi, kết nối, cảm thông và hạnh phúc.

Đặt trên nền tảng bất biến ấy, chúng ta có thể “thử tìm” ra “một mẫu số chung” cho thơ . (cũng chỉ là tiêu biểu/ tượng trưng mà thôi):

Theo nhận định của vài nhà phê bình lý luận văn học – và theo thiển ý của chúng tôi – “mẫu số chung” (hay có thể hiểu là tiêu chuẩn căn bản) của Thơ là:

1. Cảm xúc: Không có tâm trạng thực sự thúc bách, dồn nén – đến nếu không viết ra – thì anh sẽ rất khổ đau, rất cô độc - thì sẽ không có thơ hay. Nhà thơ đã kinh qua. Đã thực chứng thực tại – mới có xúc cảm tràn đầy bật thốt lên lời thơ một cách tự nhiên, hồn nhiên, chân thật. Chính từ mạch nguồn cảm xúc cao độ, thiết tha này – Thơ đến với người đọc nhanh chóng/ dễ dàng/ và được chấp nhận. Thơ mà vắng bóng cảm xúc – tức là “thơ giả” (hay hoa giả /ni lon) . Thơ làm dáng. Thơ thách đố chơi (…)

2. Trí tuệ: Sự hiểu biết (tạm gọi là tri thức / kinh nghiệm) của nhà thơ sẽ có quyết định căn bản cho giá trị của tác phẩm. Trí tuệ được hiểu ở đây, bao gồm rộng rãi cả tri thức và kinh nghiệm sống (tâm hồn nhạy cảm, trong sáng / khát vọng đến với thi ca (…) Một tác phẩm nông cạn, hời hợt, lập lại; sẽ không thể tạo ấn tượng sâu đậm, mạnh mẽ cho người đọc ( và dĩ nhiên tác dụng, tầm ảnh hưởng của nó cũng giới hạn – nếu không muốn nói là vô ích). Và, nếu một tác phẩm thô kệch, dung tục, trần trụi, làm dáng, trống rỗng chữ nghĩa – thì lại càng tệ hại, nguy hiểm hơn.

3. Nhân bản: Yếu tố này – có thể gọp chung ở phần (2) – Trí tuệ - nhưng chúng tôi cảm thấy cần lưu ý thêm, bởi vì – trước “cơn sốt” hăm hở chạy theo các “trào lưu/ trường phái” ngoại lai một cách rùm beng, mê muội – thì điều kiện cho “mẫu số chung” của Thơ – phải nêu lên tính “Nhân văn/ nhân bản” cốt tử này. Thơ viết cho Người. Thơ tồn tại là vì Người. Nên thơ phải “có tính Người” (chữ Người viết hoa/ đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng cao đẹp của nó). Mới đây, trong một bài có đề tựa “Nhập Lưu Hậu Hiện Đại Cuối Cùng hay giải (minh/ oan) cho một từ” – Nhà Thơ Inrasara đã tâm sự nhiều điều cần thiết cho bạn đọc – nhưng có điều, sự “Giải / minh oan” cho “một từ” là cần phải xét lại. (Xin đọc Vanchuongviet.org – để hiểu rõ thêm): Nhà thơ đã “Giải/ minh oan” cho “một từ” đã sử dụng trong bài “Chuyện 14 Thằng Hoang” (trong tập thơ “Chuyện 40 năm mới kể / 18 bài thơ Tân hình thức”- NXB Hội Nhà văn 2006): Đó là Chữ “Lồn”. Sau khi giải – minh oan cho từ “lồn” ấy – nhà thơ đã ca ngợi, đã tăng bốc nó – “(…) Người ta đã mân mớ nó, hít hà nó, liếm láp nó mỗi ngày mà cứ sợ nó làm dơ văn chương thanh tao ta – hỏi như thế có công bằng không?”. Và trong phần “Ghi chú” Nhà thơ Inrasara còn thêm : “(…) Hậu Hiện Đại quyết đánh tan mặc cảm đó” (!).

Vậy ra là nhà thơ đòi “công bằng” cho từ “lồn”. Và cổ súy đệ tử “quyết đánh tan” (!). Đòi hỏi sự “công bằng” là một thiêng trách của nhà Thơ (của Thơ) – nhưng đời sống chúng ta – có nhiều sự đòi hỏi sinh tử hơn (từ “lồn”) – sao nhà thơ không thấy lên tiếng giúp cho dân đen họ nhờ? Còn cụm từ “đánh tan mặc cảm” lại càng cho thấy sự trống rỗng, hời hợt, và nóng vội của nhà thơ hơn nữa : Thưa anh, chính nhờ cái “mặc cảm” ấy – mà chúng ta còn là “Con Người” đó anh à ! (Nếu không có “mặc cảm” ấy, sẽ là con gì gì… nhỉ?). Anh hô hào “quyết đánh tan” cái gì kia – thì nghe còn hữu ý, chứ “đánh tan” cái mặc cảm (từ ngữ của anh) – thì sẽ nguy hại không thể lường (…) (sau cái “đánh tan” ấy thì sẽ có vô số từ ngữ thô tục, bẩn thỉu, đen tối, chán chường (…) nhảy vào “Thơ” – thì “Thơ” sẽ là cái gì / cho ai / để làm gì nhỉ ? Và xã hội, đời sống sẽ ra sao? (…) (Tôi không “nhất trí” từ mặc cảm anh dùng – mà gọi là “Sự tự hổ thẹn” – Phật ngữ gọi là đức tính “tàm quý”. Nếu một con người đánh mất đức tính ấy thì sẽ không từ bỏ một việc xấu xa nào mà không làm!)

Xin trở lại cái “Mẫu số chung” đang đề cập : Mẫu số chung (cho một bài thơ) = cảm xúc + Trí tuệ + Nhân bản (ví dụ MS = 100)
Tử số có thể di chuyển từ 1 – 100.
Tử số càng lớn (80/ 90 / 100) thì tác phẩm càng có giá trị.

Đây chỉ là một cách ví dụ - rất tương tương, không có gì là “tuyệt đối” cả! (Vì đời sống có khi nào đạt … tuyệt đối đâu? ). Nhưng với riêng tôi – tôi luôn tôn trọng “công thức” ấy để đánh giá một bài thơ để tìm đọc (…).

Th.6.08

Thế nào là một bài thơ hay?

Cách đây vài năm, người ta có tổ chức một cuộc hội thảo, gồm một số người làm thơ –về đề tài “Thế nào là một bài thơ hay?”- được trích giới thiệu trên một tạp chí văn nghệ xuất bản ở miền Trung. Căn cứ trên những lời phát biểu tượng trưng ấy, chúng tôi chưa thật thỏa mãn được sự tìm hiểu sâu xa của thơ ; vì hầu như tất cả đều vô tình (hay cố ý?) không đề cập tới tự nhân của thơ và môi trường chung quanh nó.

Hôm nay, trong giới hạn một bài “thử định nghĩa”, chúng tôi mong ước tìm hiểu thêm bên cạnh những lời phát biểu ấy, để có một nhận thức chân xác, toàn vẹn hơn “thế nào là một bài thơ hay” – dù biết rằng, đây là một vấn đề khá phức tạp và vô cùng tế nhị.

Chúng ta thử hỏi ngược lại : “Thế nào là một bài thơ dở?”. Ông Dương Quang Hàm đã góp ý: “Tình ý không thể diễn đạt được tự nhiên, lại nhiều khi các nhà thơ gia công gò các câu thơ, đọc lên rất kêu mà không có tình ý gì hay, thành ra thơ chỉ có xác mà không hồn” (“Việt Nam thi văn hợp tuyển” - “văn học Việt Nam” – 1939). Ông Phạm Thượng Chi đã có lần phát biểu trên Nam Phong tạp chí (số 5/1917): “Thơ là tiếng kêu tự nhiên của Tâm, nhưng phần nhiều nhân công nhiều mà vẻ tự nhiên ít, quả là một bức tranh cảnh vật!”. Tác giả “Thi nhân Việt Nam”- Hoài Thanh, Hoài Chân- thì cho rằng: “Cái học khoa cử, những bài hơ kiệt tác ngâm đi giảng lại hoài đã gần thành vô nghĩa. Nó chỉ còn là những cái máy để đúc ra hàng vạn thí sinh, cùng hàng vạn bài thơ dở (…). Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng rõ những điều kín nhiệm u uất ; cái khát vọng được thành thục. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đớn đau (…). Cái bắt chước vô ý thức nó đương lưu hành trong làng thơ như một cái họa: họ như những con thiêu thân chỉ nhảy vào lửa để mà chết (…)”. Alexandre Mercerau cũng nhận định: “Thơ dở là thứ tư tưởng không chân thật, đó chỉ là thứ nghệ thuật trang trí vô ích cho nhân loại”. Tóm lại, thơ dở là những bông hoa giả, chỉ để dùng trang trí cho những hình nộm, hay những khán đài…
Như vậy, một bài thơ “hay” thì cụ thể như thế nào?

45
Hai ông Hoài Thanh, Hoài Chân (đồng tác giả “Thi nhân Việt Nam”) đã khẳng định: “… Từ bao đời cho đến bây giờ, từ Homère đến kinh Thi, đến ca dao Việt Nam, thơ hay vẫn là sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa vui buồn với loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế (…). Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn (…). Đi sâu vào hồn một người, ta sẽ gặp hồn nòi giống, và đi sâu vào hồn nòi giống, ta sẽ gặp hồn chung của loài người”. Nhà phê bình văn học Bê-lô-rút-xi-a –ông Vla-đi-mia Go-nhi-lô-mê-đốp, cũng đã viết: “Cái hay, cái mới trong thơ (văn học nói chung) – điều đầu tiên là tiềm lực mới của con người, sự tìm tòi bóc trần hiện thực: xã hội, đạo đức, tâm lý, trạng thái (…). Sự nghiên cứu thế giới tâm hồn của con người trong những tác phẩm tốt nhất đặc trưng nổi bật lên điểm cao của tiêu chuẩn đạo đức, luân lý và thử thách luân lý (…). Thơ hay là sự thành thục và hoàn hảo về nghệ thuật” (“Tinh thần sáng tạo của sự tìm tòi”). Gần đây, Lâm Thị Mỹ Dạ trong một bài nêu lên “Vài suy nghĩ về quá trình sinh thành của những tứ thơ” (Tạp chí Sông Hương, số 4, 12.1983) đưa ra nhận định: “…để là một nhà thơ (dĩ nhiên là đúng nghĩa- NV) trước hết phải là một con người có khả năng nhìn và nắm bắt những hiện tượng có ý nghĩa của môi trường sống- của thiên nhiên, xã hội, con người, và nói rộng ra là toàn bộ thời đại của anh ta (…), như một con ong phải làm mật từ những bông hoa có thật mà nó đã hút nhụy” (hoa “có thật” mới có mật, ong mới hút nhụy – còn “hoa giả” làm sau hút nhụy?– NV) . Armand Sully – Pruddhomme cũng chỉ rõ: “Ở đời không có chi nên đứng nguyên một chỗ, và nghệ thuật sẽ tê liệt, nếu không đổi mới” . Như vậy, chúng ta có thể ví von một chút: Thơ hay là những cánh hoa hương sắc đậm đà chơn thật, để choàng vào cổ con người, và được đặt vào một nơi trang trọng trong trái tim họ.
Qua sự tìm hiểu xa gần về Thơ, chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng: -Một bài thơ gọi là “dở” hoặc “hay”, tùy thuộc vào một điều kiện tiên quyết là “con người” và một điều kiện phụ thuộc là “ngoại cảnh” hay cuộc sống, xã hội, thời đại v.v…

Con Người - thi sĩ, là người sáng tạo ra những bài thơ – tác phẩm, nên yêu cầu nơi Con Người của anh ta (hay chị ta) là rất quan trọng. Tự thân người sáng tạo sẽ quyết định gần như phần lớn, để có một tác phẩm có giá trị hay không. Con người – chỉ rõ là Trái Tim, trước hết phải chân thật, trong sáng và đắm say thi ca mãnh liệt, tin yêu cuộc sống hết lòng. “Tài sản quý báu nhất là Trái Tim. Trí tuệ và nhan sắc là những tấm khăn choàng” (Alfred de Musset).

(Báo Giác Ngộ số 119 ngày 1-12-1995)
Mang Viên Long

READ MORE - THỬ TÌM MẪU SỐ CHUNG CHO THƠ & THẾ NÀO LÀ BÀI THƠ HAY? - Mang Viên Long

MẤY DÒNG TÂM TƯ - Thơ Tịnh Đàm


 
                   Nhà thơ Tịnh Đàm



MẤY DÒNG TÂM TƯ

1.
Sáng tôi
Một cốc chè xanh
Chút riêng tư ấy... quẩn quanh góc đời.

Buồn vui
Năm tháng đầy vơi
Cái tình ấp ủ... trong lời thơ ngâm !

2.
Ngày buồn
Chỉ muốn ngủ thôi
Để quên giây phút... cái tôi muộn phiền !

Yêu thương
Giờ cách đôi miền
Vời trông...
Cùng nỗi niềm riêng. Chạnh lòng !

                                 TỊNH ĐÀM  

READ MORE - MẤY DÒNG TÂM TƯ - Thơ Tịnh Đàm

Ca khúc VÀ EM - Thơ: Lê Thiên Minh Khoa - Nhạc: Hoàng Lương - Ca sĩ: Xuân Phú

READ MORE - Ca khúc VÀ EM - Thơ: Lê Thiên Minh Khoa - Nhạc: Hoàng Lương - Ca sĩ: Xuân Phú

CẦN THƠ QUÊ EM | CHIỀU TRÊN SÔNG ÔNG ĐỐC | TRĂNG TÀN ĐÊM HỒNG NGỰ - Chùm thơ Hoàng Anh 79

Nhà thơ Hoàng Anh 79

Chùm thơ Hoàng Anh 79

CẦN THƠ QUÊ EM

Xóm Chài nắng lụa nên thơ
Về thăm chợ nổi đi đò Cái Răng
Ninh Kiều sóng bạc màu trăng
Còn nghe huơng lúa đồng bằng gió thơm

Xa em tháng nhớ ngày buồn
Đuờng xưa phuợng đỏ ngợp hồn dáng hoa
Mắt tìm trong mắt thiết tha
Tóc em thả ngọn muợt mà chấm vai

Mênh mang anh nhánh sông dài
Cánh cò chở nắng nghiêng bay qua đồng
Hạ Châu dâu chín ngọt lòng
Thuơng em bến đợi giữa dòng nhân duyên

Anh chưa quen hết Phong Điền
Hoàng hôn khói nhuộm bên hiên mơ màng
Nhớ hoài Bình Thủy thu sang
Vuờn em hoa cúc nở vàng trong anh !

HOÀNG ANH 79


CHIỀU TRÊN SÔNG ÔNG ĐỐC

Anh về ngang bến cũ
Nghe thoảng làn huơng đưa
Sông dài xuôi mải miết
Dòng nuớc già hơn xưa
Mây trôi qua miền nhớ
Mắt em sầu theo mưa

Muời năm tình dang dở
Em có bao giờ về
Thời gian phai sợi tóc
Chưa tàn một giấc mê
Lạc vầng trăng cổ tích
Ai còn nhớ câu thề

Anh theo đời lang bạt
Em sống kiếp tha phuơng
Chiều trên sông Ông Đốc
Hồn thu man mát buồn
Đuờng quen vàng xác lá
Mênh mông rừng và suơng

Huơng tràm thơm quanh quẩn
Quyện theo từng buớc chân
Em muời năm cách biệt
Có nghe nhịp tim gần
Cà Mau chôn kỷ niệm
Ta bên trời cố nhân!

HOÀNG ANH 79


TRĂNG TÀN ĐÊM HỒNG NGỰ

Buồn làm chi để mưa rơi ướt lối
Mưa bay bay bong bóng vỡ trên sông
Con cá lội trắng đồng mùa nước nổi
Cánh hoa rơi trôi dạt phía Tân Hồng

Bao lâu rồi ta không về Cao Lãnh
Chắc đường xưa thăm thẳm dấu hương yêu
Sắp vào đông nên trời hiu hiu lạnh
Nhớ em xa nghe lá rụng muôn chiều

Ta nợ em bài thơ tình chưa trả
Em nợ ta khung trời tím mộng mơ
Mình nợ nhau giữa dòng đời nghiệt ngã
Trả chưa xong và trả đến bao giờ

Cũng cám ơn em cho ta hi vọng
Chút rong rêu cứ ngỡ cả trời xanh
Thì đã quen đời một mình một bóng
Giấc mơ xưa xem như chuyện dỗ dành

Đừng ngậm ngùi trăng tàn đêm Hồng Ngự
Khóc hay cười cũng tiếp tục cuộc chơi
Em nhớ chi gã giang hồ lãng tử
Như chim đêm gãy cánh một phương trời !

HOÀNG ANH 79
homanhphihung.mt@gmail.com

READ MORE - CẦN THƠ QUÊ EM | CHIỀU TRÊN SÔNG ÔNG ĐỐC | TRĂNG TÀN ĐÊM HỒNG NGỰ - Chùm thơ Hoàng Anh 79

BÊN RỪNG DƯƠNG CUỐI BÃI HỒNG PHONG | ÁNH TRĂNG TAN Ở PHÍA ĐỒNG KHƠI | NHƯ MỘT NGÀY XƯA - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Nhà thơ Lê Thanh Hùng

Chùm thơ Lê Thanh Hùng
Bên rừng dương
cuối bãi Hồng Phong

Một sợi nắng giữa rừng dương cuối bãi
Chập chờn rung rung theo nhịp một, hai
Con bướm nhỏ, giật mình bay ngoắt lại
Sợi nắng nghiêng theo, bóng nắng đổ dài
                           *
Bong vỡ tiếng cười, hồn nhiên trong vắt
Tư lự ngước nhìn, bổng dưng xốn xang
Xoay trong nắng, một không gian quánh đặc
Nét trẻ trung, em rực rỡ óng vàng
                           *
Cơn gió sớm, nghịch rừng dương xào xạc
Buông lá khô, rơi vướng tóc vai mềm
Dốc ngược trăm năm, buông dài xuống cát
Sống lại một thời hoa cỏ dịu êm ...
                          *
Bài hát cũ, không còn ai hát nữa
Chợt vang lên, sâu thẳm phía bên trời
Còn đâu đó, một dấu tình chan chứa
Bung biêng rơi trong nắng mới ngập ngời
                            *
Cánh hoa dại bên đường, trong gió cuốn
Anh đứng, nhìn theo gợn sóng thướt tha
Cứ tiếc nuối, sao đời hoa nở muộn
Sóng xô bờ, ru tiếng sóng xa xa ...
Lê Thanh Hùng



Ánh trăng tan
ở phía đồng khơi

Ngước mắt, một vầng trăng lạnh buốt
Khủng khỉnh soi, suốt vạt rừng xa
Còn nguyên đó, đôi tay gầy guộc
Hờ hững buông, nhưng vẫn điệu đà
                      *
Gió soi rọi, phập phồng xống áo
Ngẩn ngơ rơi một ánh trăng suông
Nghe giá lạnh vầng trăng khờ khạo
Khẽ khàng run, sắc tối đã buông
                      *
Trong sâu thẳm làn mây huyễn hoặc
Vô tư trôi về phía đồng khơi
Tiếng lá rụng, giật mình quay ngoắt
Bỗng loang tan quầng sáng ngập ngời
                       *
Dang tay với trăng tràn mái tóc
Ghì chặt đêm mộng mị lần quay
Sao thắc thỏm, liếc ngang liếc dọc
Dáng eo cong còn lại nhường này
                        *
Trăng trắng cạnh, loay hoay lướng vướng
Tiếng yêu đêm đổ gấp dập dồn
Sóng sánh nhịp, trăng vàng độ lượng
Thong thả rơi từng tiếng hoa ngôn ...
Lê Thanh Hùng



Như một ngày xưa

Dang đôi tay 
Bờ vai độ lượng
Sẽ sàng trăng
Trống vắng sao thưa
Sao buông thả 
Lời yêu 
Vất vưởng
Đổ bên đời 
Rớt 
Một ngày xưa ...
Lê Thanh Hùng

     Bắc Bình, Bình Thuận

READ MORE - BÊN RỪNG DƯƠNG CUỐI BÃI HỒNG PHONG | ÁNH TRĂNG TAN Ở PHÍA ĐỒNG KHƠI | NHƯ MỘT NGÀY XƯA - Chùm thơ Lê Thanh Hùng