Đại thi hào Nguyễn Du
VĂN
HỌC SỬ: MỘT GÓC NHÌN MỚI VỀ: NGUỒN GỐC CHÂN THỰC CỦA CỐT TRUYỆN: ĐOẠN TRƯỜNG
TÂN THANH (TRUYỆN KIỀU) CỦA NGUYỄN DU
Lê Nghị
Bài
này tôi viết nhân một nhóm bạn trẻ Hà Nội vừa thành lập trang Yêu Truyện Kiều,
có mời tôi viết một bài về nguồn gốc truyện Kiều. Đối với người biên soạn văn học
sử thì đó là tin vui. Xin phép trang Thăng Long- Hà Nội Ký, đăng lại toàn văn,
thay cho một bài văn học sử trên cơ sở tiếp nối ý của Thượng Chi- Phạm Quỳnh.
******
Thân gửi: Yêu Truyện Kiều
Khảo sát sự phát triển của truyện bà Vương Thuý Kiều
chính sử, gốc là từ Minh sử. Sử nhà Minh ghi nhận có sự kiện Từ Hải cùng 2 người
vợ nhảy sông tự vận do bị Hồ Tôn Hiến lừa năm 1556.
- Tiếp đến là ghi chép của Mao Khôn (1525-1601), người
dưới trướng Hồ Tôn Hiến: “Kỷ Từ Hải tiểu
trừ bản mạt”. Trong ghi chép mang tính sử liệu này vai trò của Mã Kiều vợ Từ
Hải mờ nhạt. Hai nhân vật chính là Từ Hải và Hồ Tôn Hiến.
- 20 năm sau, năm 1576 Sử gia Từ Học Mô mới phỏng vấn Đồng
Hoa, người quen với Mã Kiều (tên khi làm kỷ nữ, họ Vương Thuý là tự xưng giấu
tung tích). Đồng Hoa là người của Hồ Tôn Hiến sai dụ hàng Từ Hải, suýt bị Từ Hải
giết, nhờ Thuý Kiều ngầm cứu. Từ Học Mô bổ sung vào chính sử Truyện Vương Kiều
nhi, như là thương cảm và ghi nhận công Thuý Kiều khuyên Từ Hải hàng, tỏ thái độ
trách nhẹ Hồ Tôn Hiến.
- Mãi đến Dư Hoài (1616-1696) mới tiểu thuyết hoá bằng
một truyện ngắn: Vương Thuý Kiều, nhân vật chính, trong đó chi tiết khác chính
sử: Từ Hải chết đứng, Thuý Kiều bị Hồ Tôn Hiến làm nhục rồi ép gã thổ quan, Kiều
ân hận nhảy sông Tiền Đường. Truyện chỉ khoảng 3 trang giấy in.
- Từ đó ở Trung
Hoa, có vài vở kịch, vài truyện vừa, khai thác quanh đề tài Thuý Kiều, Từ Hải
và Hồ Tôn Hiến, dựa vào truyện ngắn của Dư Hoài mà phóng tác. Trong đó có cuốn
Song Kỳ Mộng khuyết danh, xuất hiện trước 1763, nhưng không rõ năm nào, chỉ biết
nó được dịch sang tiếng Nhật năm 1763 dưới hình thức một truyện tranh.
- Năm 1707, có một vở kịch đề tài chuyện lầu xanh, các
nhân vật hư cấu phản diện với tên gọi ước lệ có mặt: Tú Bà, Thúc Thủ, Mã Bất Tiến...
nhưng tên nhân vật chính diện kỷ nữ và vị hảo hán cùng quan triều đình bị đổi
tên tuỳ nơi diễn, nhưng không nhắc tới tên Thuý Kiều, Từ và Hồ. Nói cách khác
đó là một truyện độc lập, khác với tích Vương Thuý Kiều. Vở kịch này của tác giả
Diệp Trĩ Phỉ, có tên Hổ Phách Chuỷ.
- Sau đó tại Trung Hoa không còn truyện nào có tên
nhân vật như trong truyện Kiều của Nguyễn Du nữa. Dấu mốc là năm 1707, một con
số mà bây giờ học giả Trung Quốc gán cho năm chết của một bút danh Thanh Tâm
Tài Nhân vô hình. (Đại Từ Điển Văn học sử Trung Quốc , Đài Loan, 1991).
1.Tại Việt Nam:
Nhưng ở Việt Nam, 264 năm sau sự kiện Từ Hải, 3 nhân vật
trong truyện Vương Thuý Kiều của Dư Hoài và tên các nhân vật trong vở kịch Hổ
Phách Chuỷ của Diệp Trĩ Phỉ lại xuất hiện trong tập thơ Đoạn Trường Tân Thanh của
Nguyễn Du sau năm 1820. Vì vậy mới nói Nguyễn Du có mượn tích và tên nhân vật của
Tàu từ hai truyện ngắn và vở kịch độc lập nội dung nói trên, kết hợp những tác
phẩm ở Việt như truyện thơ Hoa Tiên, cộng kiến thức uyên bác và cuộc đời từng
trải của ông, làm nên một tiểu thuyết luận đề bằng thơ lục bát, lấy tên Đoạn
Trường Tân Thanh. (Bạn đọc nào gõ Google: truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, sẽ
thấy cách mở đầu và cốt truyện đoạn kết thúc của truyện Kiều giống với truyện
thơ Hoa Tiên, kể cả ngôn ngữ cũng ảnh hưởng, nhưng tất nhiên ý và lời Nguyễn Du
hơn hẳn. Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) tuy vai cháu rễ, nhưng khi ông ra truyện
Hoa Tiên thì Nguyễn Du còn tuổi học trò (1765 - 1820). Hướng nghiên cứu “tiền truyện Kiều” và “tục truyện Kiều” từ tác phẩm, ca dao của
người Việt mới đáng trân trọng. Bởi vì liên quan cùng các tác phẩm, cùng một cội
nguồn văn hoá.)
- Vì cái tên truyện ĐTTT nhạy cảm và nội dung có độc
cho vương triều, Minh Mạng cho đổi tên thành Kim Vân Kiều truyện. (căn cứ vào
tiểu sử Phạm Quý Thích trong Đại Nam liệt truyện và bút tích Minh Mạng lưu
VNB60 thư viện quốc gia). Vua Minh Mạng đã chỉ đạo Hàn Lâm viện viết bình giảng
Kim Vân Kiều truyện theo hướng Tình- Hiếu- Trung. Minh Mạng đặt tên chung cho
những người bình giảng là Thanh Tâm Tài Tử. (xem tổng thuyết 1830). Như vậy tên
Kim Vân Kiều truyện xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam trước là thay cho tên Đoạn
Trường Tân Thanh, sau đó mới chỉ đến cuốn bình giảng bằng văn xuôi bút danh
Thanh Tâm Tài Tử.
- Từ đó đến 1920 có trên 300 tác giả hữu danh và khuyết
danh có đủ thể loại tác phẩm: thơ, phú, chèo, kịch, văn xuôi...., suy cùng chỉ
là bình giảng cốt truyện thơ Nguyễn Du lúc này mang tên Kim Vân Kiều truyện.
Trong đó hiện nay còn 6 cuốn viết dưới hình thức văn xuôi, phần lớn có chen
thơ. Có 2 cuốn quan trọng đã dịch là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử
và cuốn Kim Vân Kiều lục khuyết danh. Tất cả những cuốn Kim Vân Kiều truyện thơ
hay bình giảng bằng văn xuôi cùng tên, đều chép tay truyền nhau trong một thời
gian dài, cho nên có dị bản. Thời ấy nước ta đặt nhiều sách in tại Quảng Đông,
kể cả truyện Kiều.
Việc truyền miệng lâu năm dẫn tới hiểu nhầm. Thực tế
không có bằng chứng cuốn văn xuôi Kim Vân Kiều truyện in tại Quảng Đông trước
Nguyễn Du. Duy nhất bản in quyển 4 lưu tại Nhật có ghi nhà in Văn Uyên năm thứ
32 phát hành, tức sách này in lại tại Nhật, Văn Uyên 32 là năm 1938. Nghĩa là
sách in lại thời hiện đại sau Nguyễn Du mất đến 118 năm. Sau tổng thuyết Minh Mạng
1830 đến 108 năm.Thêm một dẫn chứng có thể lan tỏa từ Việt Nam chứ không phải
Trung Hoa.
Những dòng chữ Quán Hoa Đường bình luận, Kim Thánh
Thán ngoại thư được các học giả chỉ ra là ngụy tạo mang tính quảng cáo giá trị
tác phẩm như nhiều sách khác ở Trung Hoa, (có ghi nhưng không hề có nội dung,
việc này có bài phân tích riêng)
Xét về mặt văn chương thì Kim Kiều Vân Lục khuyết danh
của một “nhà nho tài tử” nào đó được
dịch năm 2015. Tác giả cao tay hơn cuốn Kim Vân Kiều truyện mà Nguyễn Duy Ngung
dịch đầu tiên đầu tiên năm 1925 . Vì Sách 1925 có quảng cáo là tiểu thuyết Tàu
tên tác giả là Thanh Tâm Tài Tử. Nội dung theo sát từng lời thơ Kiều, nên bị hiểu
ngược là Nguyễn Du dịch thơ. Thật ra đó là cuốn bình giảng thơ Kiều viết bằng
tiếng Hán, được chép tay chuyền nhau tại Việt Nam, cũng là một dạng tương tự
Kim Vân Kiều lục mới dịch nói trên. Có thể Abel des Michel có cuốn Kim Vân Kiều
truyện của Thanh Tâm tài tử năm 1884, khi ông giới thiệu lần đầu bản dịch thơ
Kiều dịch sang tiếng Pháp (mặc dù ông chú thích là Kim Vân Kiều Lục theo lời
người gửi năm 1884, nhưng Kim Vân Kiều lục bản in sớm nhất vào năm Đồng Khánh
1888.- theo Phạm Tú Châu)
2. Tại Trung Hoa:
- Tại Trung Hoa năm 1926, tác giả Cổ Thực trong cuốn
Văn học sử Trung Hoa giản lược lần đầu tiên ghi vào danh mục sách Trung Hoa có
Kim Vân Kiều truyện tác giả Thanh Tâm Tài Nhân. Năm 1936, Đàm Chính Bích ghi
vào cuốn văn học sử Trung Quốc, nhưng thực ra 2 người đó chưa hề thấy cuốn Kim
Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nào.
- Từ 1930 đến 1957, Tôn Khải Đệ cũng khẳng định không
có cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nào ở Trung Quốc. Hoàng Dật
Cầu từ 1957 cũng tuyên bố như thế.
- Mãi đến 1981, Đổng văn Thành mạo nhận Song Kỳ Mộng
truyện khuyết danh là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, và 1983 Lý
Chí Trung ngụy tạo cuốn Kim Vân Kiều truyện ký hiệu A953 của Việt Nam ra một cuốn
mới, văn phong, tình tiết hay hơn cuốn A953, gọi là cuốn từ cổ thư Trung Hoa. Cả
hai bị Benoit, Trần Ích Nguyên lật tẩy giả mạo.
Tóm tắt, quá trình truy tìm nguồn gốc truyện Kiều là
khổ công, từ đối chiếu hàng trăm tư liệu trong và ngoài nước để đi đến kết luận,
đề cập trên chỉ là giản lược nhưng cũng là cốt yếu. Chúng tôi không hề xuất
phát từ yêu nước cực đoan mà xuất phát từ những mâu thuẫn của trường phái cho
KVK truyện Hán văn là của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu, thay vì là của Thanh Tâm
Tài Tử Việt Nam.
Từ 1981, các học giả Tàu ồ ạt hạ bệ Nguyễn Du (như Đổng
Văn Thành), hoặc cùng tôn vinh Thanh Tâm Tài Nhân vô hình (như Lý Chí Trung). Họ
giả mạo, không hổ thẹn và cũng chưa lùi bước. Ngày nay thêm thế hệ đàn em (như
Nhậm Ngã Hoa) tiếp tục công việc này. Họ chứng minh rằng Nguyễn Du chỉ là một dịch
giả dùng thơ tiếng Việt khiến người Việt say mê. Từ đó ta thấy tầm quan trọng của
cốt truyện thơ Nguyễn Du mà họ đang cố gắng giành về phía mình.
Trong khi đó học giả Việt Nam ngất ngưỡng, tự sướng
cái hồn, thực ra là mê thơ lục bát của Nguyễn Du, phân tích các biện pháp tu từ
thú vị. Họ quên rằng thế giới chẳng cảm thụ thơ lục bát, một cuốn truyện bằng
văn xuôi dịch ra họ hiểu hơn về tính nhân văn của cốt truyện. Họ quên rằng họ
đã rơi vào bẫy của học giả Tàu. Thế giới không ai tôn vinh dịch giả thay vì tác
giả. Rất nhiều học giả tay dọc tiếp loa cho Tàu, thừa nhận Nguyễn Du dịch truyện
Tàu vô căn cứ từ trên 40 năm nay.
Tôi rất vui khi thấy các bạn trẻ quan tâm đến Truyện
Kiều, sản phẩm văn hoá hàng đầu của dân tộc. Tôi tin tưởng thế hệ trẻ sẽ nhìn lại
nguồn gốc chân thực của Truyện Kiều, khắc phục những sơ xuất của người đi trước.
Tôi cũng không trách các bạn trẻ nghĩ rằng do tôi bài Tàu mà nêu lên một quan
điểm cực đoan. Vì tôi biết các bạn nghe thầy cô giảng và đọc nhiều sách vở đều
khẳng định niềm tin vô căn cứ từ khi tiếp xúc với truyện Kiều. Tôi chỉ mong muốn
các bạn hãy tìm hiểu sự thật một cách toàn diện, trên cơ sở lắng nghe thông tin
nhiều chiều.
Nhân các bạn vừa mở trang Yêu Truyện Kiều, tôi trích
đăng lại một đoạn trả lời nhanh cách đây một ngày, cho một giáo sư văn chương
người Việt đã từng dạy tại University of Southern California, Hoa Kỳ. Vị giáo
sư khả kính này đang theo dõi tranh luận, từ tốn muốn chúng tôi giải trình tỉ mỉ
trước khi ủng hộ hoặc phản biện. Tôi cho rằng giáo sư có hành vi học thuật cẩn
trọng và nghiêm túc.
Vì trang mạng không phải là trang học thuật nên tôi
không dẫn nhiều nguồn, rối mắt và nhức đầu bạn đọc. Nếu các bạn thật sự quan
tâm thì liên hệ riêng qua Messeger, tôi sẽ cung cấp nguồn trong những gì tôi đã
viết. Hoặc nêu câu hỏi cụ thể tôi sẽ đáp từ ngay, nếu vấn đề không phức tạp hoặc
bằng bài viết trên trang, nếu sự việc trả lời cần dẫn dắt khá dài.
Chúc trang Yêu
Truyện Kiều thu hút nhiều bài viết giá trị, đem lại thông tin và nhận định
đa khía cạnh và đa chiều. Xin cám ơn các bạn.
Lê Nghị
No comments:
Post a Comment