NGUYỄN AN BÌNH, MỘT ĐỜI THƠ CHƯA BAO GIỜ YÊN Ả
(Đọc tập thơ "Còn một chút mưa bay" của Nguyễn An
Bình)
Tôi có dịp đọc
thơ Nguyễn An Bình – bài đầu tiên (Đêm Thánh) được đăng trên tạp chí Văn Học
năm 1974 của thế kỷ trước. Thuở ấy, câc tạp chí, tuần báo văn học nghệ thuật
rất ít, khoảng năm sáu tờ xuất bản tương đối thường xuyên, nhưng ổn định lâu
dài thì chỉ có vài tờ thôi. Bên cạnh các tờ báo có tính chuyên nghiệp xuất bản
từ Sài Gòn ấy – cũng có vài tờ tạp chí được xuất bản từ các tình thành, do
nhiều nhóm anh em có tâm huyết thành lập, thường thì không đều và im lặng sau
vài số báo (ngoại trừ tờ Ý Thức). Do vậy, nếu tính từ “mốc thời gian” Nguyễn An
Bình xuất hiện trên các báo – là gần 40 năm! Khoảng thời gian này so với sự hữu
hạn đời người, cũng có thể nói rằng – gần hết một đời Nguyễn An Bình đã gắn bó
với Thi ca…
Thơ Nguyễn An
Bình thời điểm ấy chưa tạo được ấn tượng sâu sắc ở tôi, vì anh ít “góp mặt”
thường xuyên – nhưng, dầu chỉ vài lần được giới thiệu trên các tạp chí “thời
danh” lúc ấy – cũng là một sự “nhìn nhận” đáng nhớ để bạn đọc quan tâm. Có dịp
tìm hiểu thêm, tôi được biết Nguyễn An Bình đã có thơ xuất bản rất sớm (1970),
khi anh vừa 16 tuổi. Tiếp theo, các năm sau – Nguyễn An Bình đều có thơ xuất
bản – có năm xuất bản đến hai, ba tập (1972)! Tổng cộng đến nay – Nguyễn An
Bình đã có khoảng bảy tác phẩm được giới thiệu!
Tôi ghi nhận
điều nầy - nhưng không xác định giá trị tác phẩm, chỉ muốn được nói lên một suy
nghĩ rất thật: “Nguyễn An Bình đã có một niềm đam mê văn chương rất đáng được
trân trọng.” Và hôm nay, sau gần 40 năm vì chuyện đời dâu biển phải lặng im,
Nguyễn An Bình đã làm tôi ngạc nhiên với tập thơ mới nhất “Còn Một Chút Mưa
Bay”…
Trong những
ngày đầu Thu nơi quê nhà yên vắng, tôi đã được đọc bản thảo “Còn Một Chút Mưa
Bay”- như được trò chuyện, được chia sẻ, được ôn lại một thời tuổi trẻ không
bao giờ quên, và nhất là được dõi theo từng
bước chân lưu lạc thăng trầm của Nguyễn An Bình – một người bạn thơ tận miền
Tây xa xôi, tôi chưa một lần được gặp, mà rất quý mến!
Tập thơ trên
50 bài – gồm nhiều thể loại, nhưng nhiều nhất là sáu tám và ngũ ngôn – được anh
ôm ấp, lưu giữ từ hơn 40 năm qua (1970-2013). Như đã bày tỏ, tôi đã đọc thơ
Nguyễn An Bình với nỗi cảm thông sâu sắc và sự trân trọng đặc biệt vì lòng đam
mê thơ ca của anh trong gần hết cuộc đời.
Bắt đầu từ
Tình Yêu:
“Yêu em
trời bắt tôi sầu
Lang thang phố núi xanh màu cỏ cây
Yêu em
mây trắng bay hoài
Bắt tôi
theo đuổi một đời lạnh căm (..)”
Sau bao tháng
năm trưởng thành, vào đời, lưu lạc - trong Tình Yêu đã có thêm nhiều nổi niềm
băn khoăn của tuổi trẻ, sự khắt khoải
thao thức trước thời cuộc:
“Lên rừng
ta ngắt cụm hoa
Xuống non
ta hát bài ca tặng người
Chênh vênh
cây cỏ sầu đời
Nghe như
hơi thở ngậm ngùi bước chân”
Rất nhiều lúc –
nổi cô đơn và khổ đau đã đẩy lên cao- như một tiếng thở dài bất tận của tuổi
trẻ:
“Ta, nửa
đời gian nan
Vai
mang niềm khổ nạn
Ta, nửa
đời gian truân
Thân
mang nhiều vết chém”
Cứ thế - những
bước chân thơ mãi đi dần vào cùng cực của nổi bất hạnh chung riêng - dòng thơ
trải qua bao gập ghềnh thác đổ:
“(..)Kia
Thạch Hãn! dòng sông đầy thương tích
Bao năm
rồi dấu vết của đao binh
Ta bùi
ngùi nhìn cây trơ cành cọc
Mà
thương hoài cho đất nước điêu linh(..).”
Có một điều làm
tôi quan tâm hơn, dù qua bao biển dâu – cbịu bao điều bất hạnh, nhưng dòng thơ vẫn luôn xanh mát, trong trẻo
– bên Quê hương, bên bằng hữu, bên những người thân yêu; với một niềm tự hào
rất nhân bản, và một tình thương yêu rất mực chí tình (cho dù chỉ là tình cảm
riêng tư tiêu cực của kẻ sĩ):
“Lũ mình
từng sống bụi
Giang hồ
vặt đó đây
Nhưng
chưa từng lòn cúi
Nghèo
hoài thế mới hay.
(..) Uống
rượu rồi ngâm thơ
Ôm trăng
hề Lý Bạch
Gẩy đàn
hề Bá Nha
Vỗ bồn
hề Trang Tử.”
Tôi vẫn thường
nghĩ, khi mới tập làm Thơ thì người ta thấy vần diệu là hay; khi biết làm Thơ
–thì thấy chữ nghĩa được đẽo gọt, bóng bẩy là hay; khi làm Thơ được rồi – thì
thấy quan sát, đột phá, đổi mới (dù chỉ ở ngôn từ ) là hay; rồi đến một khi nào
đó thì sẽ thấy tất cả đều vô nghĩa, chỉ còn lại tấm lòng với cảm xúc chân thực
của chính mình trào dâng, tuôn chảy ra một cách tự nhiên, thoát khỏi mọi sự
ràng buôc của ngôn từ, thi tứ - thoát khỏi sự dũa gọt, o bế của chức danh, tuổi
tác, dẳng cấp, giới tính – khi đó, mới thực sự là Thi Ca…
Theo tôi,
Nguyễn An Bình đã dần dần kinh qua các giai đoạn từ những tác phẩm đầu tiên,
Thơ anh mỗi ngày, đều có thêm sự “vượt thoát” trong sáng tạo. đó là một bước
tiến rất đáng trân trọng của tập Thơ “Còn Một Chút Mưa Bay” hôm nay…
Mang
Viên Long