Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 5, 2014

NHÀ PHỐ XƯA, NHÀ PHỐ NAY

Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh


Nhà phố xưa
Một diện tích nhỏ, vừa là nơi trưng
bày sản phẩm, vừa là nơi giao dịch,
 cũng là nơi sản xuất (phố Hàng
 Ngang thuộc khu phố cổ, quận
Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Không phải tới tận những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường; mới có thể loại kiến trúc nhà phố (hay nhà lô phố). Nhà phố đã có lịch sử hình thành và phát triển từ rất sớm. Đây là sản phẩm kết quả của sự kết hợp giữa không gian ở và nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những ngành nghề sản xuất nương vào thiên nhiên như nông - lâm - ngư nghiệp; thì tiểu thủ công nghiệp và giao thương phát triển đã góp phần tạo nên loại hình kiến trúc này. Trước kia, các ngành tiểu thủ công nghiệp đa phần sản xuất phục vụ cho phạm vi cộng đồng nhỏ làm các nghề nông - lâm - ngư; hay phục vụ cho chính cuộc sống tự cung tự cấp; phân bố nhỏ lẻ. Sự thay đổi và phát triển kinh tế xã hội ở nhiều phương diện đã hình thành nên những cơ sở cư trú mới mang tính tập trung có tên là nhà phố. Ở đó, người ta vừa ở, vừa sản xuất, vừa thực hiện giao dịch thương mại. Nói đến nhà phố, từ xưa, luôn được hiểu với sự đa năng như thế.
Nhà phố, không dừng lại ở những kiến trúc đơn lẻ hay tập hợp ở phạm vi nhỏ, mà hơn thế đã phát triển ở tầm cao hơn, có ý nghĩa địa lý – hành chính và xã hội, hình thành đô thị. Có thể nhận thấy dấu ấn của kiến trúc nhà phố đã hình thành nên đô thị ở Việt Nam. Đó là khu phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An (Quảng Nam), hay khu vực Chợ Lớn – Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh)…

Cảnh sinh hoạt và sản xuất trên phố Lò Rèn -  
thuộc khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Lịch sử đã ghi nhận những khu vực này đã được hình thành và xây dựng từ rất sớm. Khu phố cổ Hà Nội có từ thời Lý - Trần, là một nơi sản xuất và buôn bán sầm uất bên ngoài, phía đông thành Thăng Long, giáp với sông Hồng; với nhiều phường nghề. Khu vực này đã tạo một sức hút lớn với nhiều cư dân ở các làng, các địa phương gần Thăng Long ở đồng bằng Bắc Bộ. Nhà phố về cơ bản được xây dựng trong thế kỷ 18-19. Đây chính là giai đoạn hình thành nên những kiến trúc đặc sắc của phố cổ Hà Nội, với những ngôi nhà ống rất hẹp và sâu, mái ngói dốc, mặt tiền là nơi buôn bán. Hình ảnh “mái phố rêu phong” của những ngôi nhà giản dị đã đi vào thơ ca nhạc họa mãi về sau. Khu phố cổ Hà Nội còn có đặc trưng nổi tiếng là phố nghề, với “tính chuyên nghiệp” trong sản xuất và kinh doanh. Những sản phẩm đã trở thành tên phố với chữ “Hàng” đằng trước. Trải quả nhiều biến thiên về địa lý, lịch sử… khu phố cổ có nhiều thay đổi. Nhà cổ với kiến trúc điển hình nay hầu như không còn, không nhiều các phường nghề hình thành nên tên những con phố theo nghề cũ.

Phố Trần Hưng Đạo, thuộc khu phố cổ Quận 5 - Thành phố Hồ Chí Minh


 Phố Triệu Quang Phục, thuộc khu phố cổ Quận 5 – Thành phố Hồ Chí Minh. Kiến trúc mặt đúng dãy nhà liên kế này cũng cho thấy sự phân chia trên - dưới rõ ràng

Ở thành phố Hồ Chí Minh, khu Chợ Lớn từ xưa vẫn được biết đến là một trung tâm cư trú và buôn bán của người Hoa từ các tỉnh Nam Bộ. Chợ Lớn được hình thành từ thế kỷ 18 với nhiều đặc thù kiến trúc, văn hóa của người Hoa. Khu Chợ Lớn thuộc 4 quận (quận 5, 6, 10, 11) nhưng tập trung nhiều nhất ở quận 5, nên nói tới quận 5 được hiểu là Chợ Lớn, hay là khu vực người Hoa sinh sống. Khu vực Chợ Lớn được coi là một thành phố nhỏ trong Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế, trong lịch sử, Chợ Lớn từng là một thành phố độc lập với Sài Gòn. Cũng với tính chất, nhu cầu là ở và kinh doanh, nên kiến trúc nhà phố ở đây cũng là nhà đa chức năng. Một trong những nét kiến trúc đặc sắc của Chợ Lớn là nhà phố liên kế do các ông chủ địa ốc thực hiện. Những dãy nhà liên kế được xây dựng với mục đích rất rõ ràng: Khai thác mặt tiền cho việc kinh doanh.

Phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới – còn lưu giữ nhiều giá trị cấu trúc đô thị cổ và kiến trúc cổ. Những ngôi nhà cổ ở đây đa phần thấp tầng nhưng vẫn được kết hợp giữa chức năng ở và kinh doanh.
Khu phố cổ Hội An ở miền trung (tỉnh Quảng Nam) được hình thành từ thế kỷ 16 bởi sự giao thương quốc tế mạnh mẽ trong khu vực. Hội An là một thương cảng trên bến dưới thuyền, là trung tâm - đầu mối buôn bán của nhiều tuyến đường biển. Có thể nói phố cổ Hội An là một nơi hợp lưu của nhiều dòng văn hóa, mà điển hình là Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Kiến trúc nhà phố Hội An, cũng như những nơi khác, được xây dựng phục vụ cho cả nhu cầu ở và kinh doanh. Kiến trúc nhà phố và không gian phố cổ Hội An có nét giống kiến trúc phố cổ Hà Nội với những mái dốc, sự lô xô không đồng đều của mỗi ngôi nhà; nhưng những chi tiết thì hoàn toàn khác và phản ánh rõ yếu tố văn hóa. Và có lẽ, do đặc thù giao lưu thương mại, nhà phố Hội An thiên về bán hàng và kinh doanh nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nên phố cổ Hội An có vẻ “lấp lánh” hơn? Và may mắn hơn chăng, khi vào giữa thế kỷ 19, nền kinh tế Hội An bị suy thoái (do sự bồi cạn, thay đổi của dòng sông, do chính sách của triều đình phong kiến, do bị lấn át bởi thương cảng mới ở Đà Nẵng do người Pháp xây dựng…) Hội An đã trở thành đô thị bị lãng quên, phố cổ ngủ yên rất lâu… để còn vẹn nguyên nhất và trở thành di sản thế giới UNESCO vào năm 1999

Nhà phố nay

Những ngôi nhà phố xưa đã và đang tồn tại, nhưng sự tiếp nối thì có những gian truân. Bên cạnh những khu vực đã định danh như khu phố cổ Hà Nội, nhà phố hầu như không phát triển trong một thời gian dài. Kinh tế, cơ chế hành chính, và nhiều lý do khác nữa là những nguyên nhân. Nhà phố, nếu có được xây dựng mới thì đa phần ở thị tứ, thị trấn, bám theo các tuyến giao thông; chứ không có nhiều trong thành phố. Thời gian đó, người ta đang tập trung xây những khu nhà lớn, cao tầng để ở mà chúng ta vẫn quen gọi là nhà tập thể. Đó là nơi ở của cán bộ công nhân viên. Kinh tế tập trung bao cấp và việc kinh doanh cá thể hoàn toàn không được ủng hộ. Lẽ dĩ nhiên sản phẩm kiến trúc trực tiếp là nhà phố cũng không thể phát triển. Chỉ cho tới cuối những năm 80 của thế kỷ 20, khi kinh tế mở cửa; nhà phố lại thức giấc. Nhà văn Chu Lai mô tả sự thay đổi trong tác phẩm “Phố” với hình ảnh ở một khu phố nhà binh: Vặn mình răng rắc.

Biển hiệu, biến quảng cáo là một phần tạo nên hình thức mặt tiền nhà phố mới (Phố Cầu Giấy, Quận Cầu Giấy, Hà Nội)

 Ở những con đường mới hình thành gần đây, chiều cao nhà phố mới xây dựng vượt xa nhiều lần nhà phố xưa.(Phố Xã Đàn, Quận Đống Đa, Hà Nội)

Lịch sử không lặp lại. Những ngôi nhà phố vặn mình chỉ là sự dịch chuyển trong chính đô thị. Còn những ngôi nhà phố mới đang xây và sẽ được xây không thể tạo nên những đô thị như đã từng có. Nhà phố nay là sản phẩm của chính đô thị đẻ ra. Nói một cách khác, trong bản đồ quy hoạch có những khu vực “nhà chia lô”. Cho tới giờ người ta vẫn tranh cãi nhau trong những cuộc luận bàn, hội thảo bên lề hay chính thống về sự tồn tại của nhà lô. Có nhiều quan điểm về vấn đề này. Nhưng thực tế, nếu không có trong quy hoạch thì nhà phố vẫn cứ mọc ra, bằng cách này hay cách khác. Yếu tố “mặt tiền” chính là yếu tố… tiền mặt. Nhiều lúc người ta tính giá nhà với cơ sở là độ rộng của mặt tiền và vị trí tiện lợi cho kinh doanh.

Những con đường mới, những khu phố mới, những khu đô thị mới vẫn tiếp tục xuất hiện từng ngày. Và kéo theo những ngôi nhà phố vẫn được xây dựng từng ngày. Tất cả các ông bà chủ xây nhà mặt phố đều có tư duy kinh tế. Thiết kế luôn phải đáp ứng tốt nhất cho việc kinh doanh. Đó là một nhu cầu chính đáng. Ở góc độ chuyên môn, giải quyết một bài toán nhà phố đa chức năng không hề dễ. Xã hội bây giờ khác thời kỳ hình thành nên phố cổ Hà Nội hay phố cổ Hội An, nhu cầu con người cũng cao hơn. Đất đai bị “thu hẹp” hơn và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.

Nhà phố sử dụng để ở kết hợp kinh doanh thường dành phần trước hoặc cả tầng trệt cho chức năng bán hàng, kinh doanh. Trong điều kiện cho phép (diện tích, độ rộng mặt tiền) có thể tổ chức các lối giao thông độc lập để không chồng chéo nhau - đặc biệt trong trường hợp chủ nhà cho người khác thuê kinh doanh. Cũng có khi chức năng ở được rút lên trên cùng, tầng cao nhất, nhường toàn bộ các tầng dưới cho kinh doanh. Với những nhà phố lớn được đầu tư xây dựng tiện nghi, thì khối ở này là một dạng căn hộ cao cấp trên đỉnh (penthouse). Nhà phố hiện nay được thiết kế và sử dụng chức năng cũng đa dạng hơn. Nếu như trước kia nhà phố đã phần do chính chủ nhân thực hiện kinh doanh thì nay tỷ lệ cho thuê tăng đáng kể. Nếu như trước kia phần kinh doanh của nhà phố dùng để bán hàng hay giao dịch đơn lẻ thì nay được sử dụng làm văn phòng khá nhiều. Thậm chí có những ngôi nhà phố được xây dựng với mục đích “văn phòng chuyên nghiệp”, chức năng ở bị triệt tiêu. Ở góc độ nào đó có thể nó không giống như nhà phố chúng ta đang đề cập. Nhưng về mặt hình thức kiến trúc, mối quan hệ trong đô thị thì nó vẫn là ngôi nhà phố.

… và những nỗi buồn

Đó chẳng phải là điều gì mới mẻ, nhưng vẫn là những nỗi buồn. Một phố cổ Hà Nội còn khá nguyên vẹn cho tới giữa những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó đã bị phá vỡ - theo mọi nghĩa. Bây giờ người ta cố gắng cứu vãn trong vô vọng,  mà cuộc sống thì vẫn đang đổi thay từng ngày. Một Hội An còn nguyên vẹn nhất năm nào cũng hứng đủ bão lũ thiên tai, đang mòn mỏi đứng để xứng danh di sản. Trong khi đó, những ngôi nhà phố mới trên những con đường, tuyến phố mới khắp nơi luôn là những điển hình phi thẩm mỹ của kiến trúc cảnh quan đô thị. Sự thiếu hiểu biết và… tham lam của những ông chủ; sự yếu kém bản lĩnh và trình độ của kiến trúc sư, sự thờ ơ vô trách nhiệm của các nhà quản lý… đã dẫn đến một kết quả đa dạng đến tạp nham của kiến trúc. Việc kinh doanh đặt nặng hiệu quả kinh tế, thiếu tính văn hóa - vì cộng đồng cũng góp phần tạo nên sự xấu xí, nhếch nhác, hỗn độn… của bản thân mỗi công trình và không gian đô thị.

Nhà phố, mới cũ đan xen (Đường Cống Quỳnh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)

Có một sự vô lý đến đau lòng ai cũng nhận ra: Ngày xưa, những phố cổ Hà Nội, những phố cổ Hội An, Chợ Lớn… được hình thành không phải từ bản đồ quy hoạch, những ngôi nhà phố được xây dựng không có bản vẽ thiết kế, mà để lại những giá trị lớn như vậy. Còn bây giờ…?!
___________________
Hà Nội, ngày 01/12/2009

Nguyễn Trần Đức Anh

READ MORE - NHÀ PHỐ XƯA, NHÀ PHỐ NAY

ĐỜI NHƯ GIỌT CÀ PHÊ - thơ Trúc Thanh Tâm



Đời buồn như giọt cà phê
Ngựa quen đường cũ, người mê muội hoài
Thân em bến nước mười hai
Kiếp ta trôi nổi nên hoài gian truân

Đời ai cũng có lỗi lầm
Đi mưa để ướt số phần công danh
Tóc dài trên phố áo xanh
Vẽ nên thời cuộc bức tranh muộn phiền

Đời còn gian dối đảo điên
Thời nay nhân cách người đem bán rồi
Dọc đường nhìn thấy nụ cười
Hóa ra ta nợ em rồi, nụ hôn

Đời chưa phân biệt oán, ơn
Nên sương khói phủ ngập hồn biển dâu
Trăm năm, mười thế kỷ, đau
Sơn hà nguy biến trắng màu tóc ta !

  Châu Đốc, 10.5.2014
TRÚC THANH TÂM
READ MORE - ĐỜI NHƯ GIỌT CÀ PHÊ - thơ Trúc Thanh Tâm