Trong
Loạt Bài Thơ Cần Thiết Cho Ai - bài 9
|
Patrick Lane |
Patrick Lane ngồi trên chiếc ghế nhỏ, đọc thơ, nửa người chìm
trong tối, chỉ gương mặt hiện ra giữa vòng sáng của đèn sân khấu, gương mặt đôi
khi giống một con sư tử.
Because I never learned how
to be gentle
Bởi tôi chưa hề học được
cách sao mực thước dịu dàng
Tháng
Mười, Performance Works, rạp hát nhỏ ba trăm ghế trên đảo Granville Island,
Vancouver, khi tôi và một người bạn đến sớm năm phút, đã chật kín. Có người
đứng dọc hành lang chờ ký tặng sách. Mùa thu, tối sớm, nhìn ra đường đèn hiu
hắt lá phong đỏ bay đầy trời. Mỗi năm ở đây có một tuần Lễ hội Nhà văn, Vancouver Writers Fes, là dịp hội kiến giữa người viết và người đọc. Viết là hành động
cô đơn. Nhà văn, nhà thơ chỉ có trước mặt mình trang giấy trắng. Đây là dịp để
họ được trò chuyện với người đọc vô hình.
Lane làm thơ từ thời trẻ, khi nhận ra rằng thơ mang lại cho con
người một điều gì không có trong đời sống, như ông kể lại tối hôm ấy, trong
cuộc trò chuyện hài hước, chân thực, hấp dẫn, với giọng nói khàn, trầm, mạnh.
Buổi đọc thơ tập trung nhiều nhà thơ nổi tiếng, tôi nhận ra Dennis Lee,
Margaret Atwood. Sinh ngày 26 tháng 3 năm 1939 tại Nelson, BC, lớn lên và sống
thời niên thiếu ở Vernon, thung lũng Okanagan. Cùng với các nhà thơ khác, Lane
lập nhà xuất bản Very Stone House. Làm nhiều nghề lao động chân tay. Lập gia
đình từ sớm, có năm người con, chín đứa cháu nội và ngoại, đã chia tay vợ cũ và
sống chung với nhà thơ Lorna Crozier từ những năm 1990; và năm 2000 họ chính
thức trở thành vợ chồng. Cả hai ông bà đều là giáo sư văn học ở đại học
Victoria, và có những đóng góp lớn cho văn học Canada, về trước tác, nghiên
cứu, giảng dạy, giới thiệu tài năng mới.
Tối
hôm ấy, Brian Brett, Margaret Atwood kể chuyện lâu nhất về tình bạn của họ
những năm 60, và Denis Lee đọc nhiều thơ nhất của Patrick Lane, trong đó có bài The Children Of Bogotá, còn
chính Lane đọc bàiThere Is A Time, trong tiếng đàn của Brian
Brett, dẫn chương trình, luôn đội mũ cao bồi rộng vành. Theo tôi, đó là những
bài thơ tiêu biểu của ông.
Những Đứa Trẻ Ở Bogota
Điều đầu tiên, Manuel nói, bạn cần biết
Bọn chúng đâu thiệt trẻ con.
Đừng vội
Xót thương. Có năm ngàn đứa
Chạy túa ra khắp mọi phố
phường
Nhìn bề ngoài tướng mạo ngây thơ
Có phải đâu chúng cũng là
người
Bất cứ đứa nào trong đám ấy
Cũng giết bạn được vì bữa ăn
thôi
Trẻ con ư? Bạn có thấy hai
thằng trời ơi
Trước lều kia, sau hàng rào? Tôi đã thấy
Hai đứa ấy móc mắt con chó
bằng gai
Vì nó sủa gâu gâu vào mặt
chúng. Ngày mai
Đến phiên bạn đấy. Không ai
biết bọn trẻ đến từ đâu
Nhưng tôi chắc chúng không biến đi đâu cả
Trong năm năm, thoắt lớn lên
thành những gã
Đàn ông, và phát chán
trò giết mấy con chó nhỏ và
khi
việc đó xảy ra bạn là người
đầu tiên
Nhảy cẫng lên vui sướng vì
nghe tin
Các đồng chí an ninh bắn hạ
chúng trên đường
The
Children Of Bogotá
The first thing to understand, Manuel says,
Is that they’re not children.
Don’t start feeling
Sorry for them. There are
five thousand
Roaming the streets of this
city
And just because they look innocent
Doesn’t make them human. Any
one
Would kill you for the price
of a meal.
Children? See those two in
the gutter
Behind that stall? I saw them put out
The eyes of a dog with thorns
because
It barked at them. Tomorrow
it could be you.
No one knows where they come
from
But you can be sure they’re not going.
In five years they’ll be men
and tired of killing
Dogs. And when that happens
you’ll be the first
To cheer when the carabineros
shoot them down.
(1975)
|
Tác giả Nguyễn Đức Tùng |
Bài thơ này được Lane viết năm 1975, ngay từ Bogota nơi ông đến
thăm. Thủ đô của Colombia, cũng là thành phố rộng nhất Nam Mỹ, trung tâm của
các xung đột và bạo loạn, từ đó cho đến nay. Sự giận dữ được nén lại. Ở đó ta
nhìn thấy sự thật của vùng đất không an ninh, việc coi rẻ mạng người của tầng
lớp cầm quyền, của bọn cảnh sát và hiến binh, triết lý biện hộ của các nhà văn,
nhà báo cho việc sử dụng bạo lực, thảm kịch của một dân tộc không có tự do.
Lane nhìn thấy trên đường phố Bogota số phận của các dân tộc khác từ Âu sang Á,
từ Mỹ sang Phi, và của chiến tranh. Có chất hài hước lặng lẽ, sự châm biếm sâu
cay, cái nhìn bình tĩnh nhân từ, sự quan sát thấu đáo đối với đời sống đương
đại.
Lane làm thơ năm mươi năm, hai mươi bảy tập thơ, một cuốn sách
cho thiếu nhi, hai cuốn hồi ký – tự truyện, nhiều truyện ngắn, một cuốn tiểu
thuyết. Ông là một trong những nhà thơ của thời kỳ 1960 vang động, thời của
chiến tranh lạnh, của Hippies, của Beatles, của chống chiến tranh, ma túy, của
tuổi trẻ nồng nhiệt, nhân ái, và điên rồ. Của sai lầm. Lớn lên trong một gia
đình có nhiều đổ vỡ, nghiện rượu chàng trai bỏ học từ sớm, lao động chân tay
nặng nhọc, làm đủ thứ nghề để sống, từng say mê những phong trào thời thượng,
lối sống lãng tử. Bất chấp tất cả những điều ấy, khi ngồi trước trang giấy,
ngay từ lúc còn trẻ, Lane hiện nguyên hình là một nghệ sĩ chân chính, với lối
làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ, nghiêm khắc. Tôi đã đọc kỹ văn xuôi của Lane, vì
theo tôi so với thơ, văn xuôi có những thứ thước đo dễ hơn nhiều, hai cuốn tự
truyện, một số tiểu luận, nhận ra lối hành văn tài hoa và khoa học, lối đặt câu
chính xác, tuy phóng khoáng nhưng kỷ cương. Đó là đức tính mà nhiều nhà thơ
hiện nay không coi trọng lắm.
Lane
là con trai thứ ba trong một gia đình năm anh chị em, tên khai sinh là Neil
Patrick Lane, ở Nelson. Lớn lên sống với mẹ và không biết đến cha mình trong
sáu năm đầu tiên. Từ năm mười tám tuổi, anh đã làm việc trong nhà máy xay và
những công việc lao động phụ khác. Lập gia đình năm hai mươi tuổi, kết bạn thân
với các nhà văn cùng thời như Al Purdy, Margaret Atwood, Dennis Lee, Lorna
Crozier, John Newlove. Năm 1978 được giải thưởng Governor General về tuyển tập “New And Selected Poems”. Năm
1978 Lane gặp Lorna lần nữa và họ yêu nhau. Họ quyết định chấm dứt hôn nhân của
mỗi người và sống cùng nhau, đến năm 2001 thì chính thức thành vợ chồng. Năm
1991 cùng với Crosier rời đến đảo Vancouver Island, bắt đầu dạy học. Lane được
cho uống rượu từ lúc còn rất nhỏ tuổi bởi người mẹ nghiện rượu, suốt đời về sau
phải đấu tranh với tật nghiện rượu của mình.
Trong
cuộc trò chuyện, Lane nói rằng một nhà thơ thực ra không thể được đào tạo, mặc
dù ông là giáo sư văn chương. Ông nghĩ rằng một bài thơ là cái đẹp vượt qua
giới hạn của tri thức và kiến thức. Nghe ông nói, tôi thật sự suy nghĩ về điều
này. Chủ đề của thơ Lane là sự bạo động, sự đói nghèo, bóng tối, sự mất mát đổ
vỡ, sự phản bội, sự di chuyển chỗ ở, hoài niệm về những thay đổi. Vẻ đẹp của sự
mong manh dễ vỡ, sự thương người và hài hước bàng bạc khắp nơi. Những bài thơ
tự sự hầu hết đều chạm được đáy tâm hồn người đọc. Tôi mua tập thơ The Collected Poems của
ông vừa xuất bản, bầy bán ở một phòng khác. Cuốn sách in đẹp, dày trên năm trăm
trang, bìa cứng đen bóng có hình của tác giả với khuôn mặt trầm lặng. Tôi tiến
lại chỗ của Lane ngay trước giờ chương trình bắt đầu. Đang quay mặt trò chuyện
với người khác, ông vẫn nhìn thấy tôi, quay lại, hỏi chuyện một lát, yêu cầu
tôi đánh vần tên từng chữ, viết lên trang sách đầu, rồi ký bên dưới. Lane không
phải là người nồng nhiệt đối với các phong trào và chủ nghĩa đương đại, nhưng
ông ủng hộ những người viết trẻ và giới thiệu các khuynh hướng mới của họ. Khi
một độc giả hỏi những bài thơ nào ông cho là hay hơn cả, Lane trả lời đại ý:
tôi không có danh sách cụ thể, nhưng trong tuyển tập này gồm mấy trăm bài, trải
qua năm mươi năm sáng tác, tôi nghĩ có khoảng mười bài có thể gọi là những bài
thơ hay.
Một thính giả liền hỏi tiếp, thế nào là một bài thơ hay, ông đã
dừng lại một lúc khá lâu, gần như hơi bị bất ngờ, đắn đo rồi thú thật: tôi
không biết.
Nhưng
vào cuối buổi nói chuyện, một sinh viên trường viết văn kiên nhẫn trở lại với
câu hỏi ấy lần nữa, thì ông đứng bật dậy và trả lời ngay: đó là một bài thơ mà bạn không còn có thể lấy một chữ nào ra
khỏi nó.
Khi
người bạn gốc Ba Lan đi cùng tôi hỏi lúc còn trẻ ông đã bắt đầu công việc làm
thơ ra sao, Lane tỏ vẻ thú vị, cầm cuốn hồi ký lên và đọc một trích đoạn trong
cuốn ấy:
“Tôi
bắt đầu làm thơ từ năm 1960. Tôi bắt đầu bởi vì thơ cho tôi một điều gì đó mà
tôi vốn không có trong đời sống. Lúc nào tôi cũng muốn thành một nghệ sĩ, một
họa sĩ, nhưng chẳng kiếm đâu ra tiền để mua sơn và thuốc vẽ. Viết thì rẻ tiền
thôi. Tôi có một máy đánh chữ nhỏ xách tay, mấy tờ giấy carbon đen và một thùng
giấy nhỏ. Tôi có một cây bút chì và cục tẩy. Máy đánh chữ ở đâu ra thì tôi
không nhớ. Khi đêm đã khuya, vợ và các con tôi đã ngủ, tôi ngồi bên chiếc bàn
nhỏ ở bếp phía trước cái nhà xe di động của tôi và cố gắng biến các chữ thành
thơ.
Trong
đời mình, trước đó tôi chưa bao giờ thực hiện một điều gì khó khăn hơn thế cả.
Tôi biết thế nào là một bài thơ hay. Tôi đã đọc các nhà thơ, nhưng chẳng biết
làm sao để làm được như họ. Tôi không thể viết về hoa thủy tiên và chim sơn ca
hay về Massachusetts, Black Mountain, hay San Francisco. Những thứ ấy tôi chẳng
biết gì, chữ của họ không cùng nguồn gốc nơi tôi sinh ra. Không có ai giúp tôi
cả, chẳng có cố vấn nào, tôi đành viết về tất cả những gì đang xảy ra quanh tôi
lúc ấy. Một đứa bé sơ sinh mới chết trong nhà xe, một người đàn bà qua đời vì
tự mình phá thai với một cái móc áo bằng thép, tiếng ầm ì của dòng sông cuộn
chảy ào ào từ trên đỉnh núi nơi tôi đi qua.(**)
Thơ của Lane không dành cho những người thích sự uyển chuyển, sự
ngâm ngợi, lối thương cảm đầy dẫy có thể thấy trong các nền thơ hiện nay, mặc
dù thật ra ông vốn dùng một ngôn ngữ dễ hiểu. Sự diễn dịch là điều nguy hiểm,
và đối với thơ của Lane, lời khuyên có phần đường đột của tôi là bạn cần đến
linh cảm: sự vui thú. Buổi tối ngồi trong rạp hát đầy người đứng và ngồi, trong
khi ngoài trời gió lớn, mang hơi rét về từ phương Bắc lạnh giá, lắng nghe giọng
đọc thơ ấm áp của nhà thơ Dennis Lee chơi đàn guitar, và của Gillian Jerome và
Steven Price, hai nhà thơ học trò của ông, và của Susan Musgrave, Lorna
Crozier, Margaret Atwood, tôi cảm thấy trong lòng mình hồi sinh niềm tin vào tình
yêu của con người đối với thứ nghệ thuật lâu đời nhưng dễ vỡ, chóng tàn. Không
có một lịch sử nào, một dân tộc nào thực sự tồn tại nếu chúng không được ghi
lại, nghĩ tới, dựng lên, tưởng tượng về. Đôi khi thơ của Lane cũng đầy chất hư
vô như thể cuộc đời là hoang dại vô nghĩa, là sự chán nản, phủ màu ảm đạm.
Trong lời bạt của tuyển tập The Collected Poems, Nicholas
Bradley đã trích dẫn ông rất đúng:
Những khi sợ hãi, tôi tìm tới núi rừng
Nhiều cây cối. Hàng dương
đứng ngẩn ngơ u tối
Chúng sống còn, chỉ vì vô
dụng
Sometimes when I’m afraid I walk into the hills
where the trees are. Stuned
desert pines
The world leaves alive
because they’re useless
Nhưng lúc khác, đọc đoạn thơ này, tôi lại tìm gặp lời kêu gọi tự
do, bức tranh tố cáo chế độ độc tài, sức phản kháng, sự chế giễu tuyệt vời dành
cho thói nô dịch con người. Điều chúng ta mô tả bao giờ cũng phức tạp, cái đẹp
trong giây phút ngắn ngủi có thể mất hàng trang giấy để diễn tả. Sự bất lực của
ngôn ngữ là điều đã được nhiều người nói đến. Lane thường chú tâm mô tả đời
sống của người bình dân và lao động, những người nông dân ở các trang trại,
người làm vườn, đời sống của cây cối và muông thú. Có một kết hợp lạ lùng giữa
tính chất hoang dại ở ông, chất phác, thô sơ, dã thú, và sự thông minh dịu dàng
của trí tuệ lớn. Một số nhà phê bình chỉ trích thơ ông u tối, buồn bã, và quan
tâm quá nhiều đến các yếu tố bạo lực trong đời sống gia đình và xã hội, nhưng
tôi lại có ấn tượng khác, về một giọng thơ trầm tĩnh, đầy tình nhân ái. Riêng
trong giới sáng tác, Lane có uy tín và tầm ảnh hưởng đặc biệt. (*)
Chương
trình buổi tối gồm có phần trò chuyện của tác giả, và độc giả đặt câu hỏi, kéo
dài gần hai giờ, phần đọc thơ, trình diễn và kể chuyện của nhiều nhà thơ khác,
hơn một giờ, tổng cộng chương trình ba giờ, từ bảy đến mười giờ tối, thực sự đã
kéo dài gần gấp đôi, nửa đêm. Khoảng mười lăm diễn giả. Có những học trò của
ông trong các chương trình đại học viết văn ở Canada lên tâm sự về người thầy
của mình. Thung lũng Okanagan có hồ nước xanh, những cánh đồng trồng nho, sản
xuất một thứ rượu vang ngày càng nổi tiếng. Những bài thơ mang kinh nghiệm của
một đứa trẻ bị tổn thương, những nỗi khổ đau từ sự bất công, người cha bị bắn
chết, một đứa con bị cho uống rượu từ lúc tám, chín tuổi, những gia súc bị đánh
đập, những công nhân lương thiện bị đối xử tàn nhẫn, những dân tộc bị tàn phá
bởi chiến tranh và bởi các chế độ độc tài. Ký ức tuổi thơ của ông bàng bạc
trong các tự truyện, tùy bút, trong các bài thơ. Tôi có cảm giác như những vết
thương chưa lành là nơi mà những bài thơ của ông thường hay trở về. So với
những người cùng thời như Michael Ondaatje, tác giả của The English Patient, như Leonard Cohen, như
Musgrave, thơ của Lane trực tiếp hơn, ít có chủ ý tạo phong cách hơn.
Tôi nhận ra tôi không thể sống chung
Với người nào khác. Ngay tình
yêu
Những người bạn cũ làm tôi
cay đắng, quay mặt
Tôi nhìn trân trân vào cơn
mưa tuyết
Rơi xuống vùng cây xanh thưa
thớt
Mới mọc lên của mùa xuân
Cách
nói thẳng thắn và nặng tính tiểu sử, không thuần túy là kiểu thơ tự bạch của Life Studies của
Robert Lowell, vì tuy thiết lập trên những chi tiết của đời riêng, chúng vẫn
hướng đến sự phân tích tâm lý và các giá trị phổ biến. Một ông lão làm vườn
siêng năng, một giáo sư chuyên cần, một nhà thơ viết đều đặn, ở Lane bộc lộ khí
độ hùng tráng, sống hết mình. Tuy vậy ông là kẻ kín đáo, và tên tuổi của ông
không phải ai cũng biết. Tất cả những người đã sống qua bài học của trường đời,
của sự ti tiện và hung dữ của con người, sự khắc nghiệt của các mối quan hệ xã
hội, cũng bạo liệt không kém chiến tranh và thù hận, tội ác và tù đầy, cần hiểu
thấm thía sự khổ đau của những cá nhân; những bi kịch và hài kịch của họ thấm
đầy trang thơ của Lane.
Mi bị đuổi việc, Lane
Hắn hét lên, tôi nằm xuống
Cuộn tròn và xe tải
Lăn quay cuồng bên đồi
Đổ nước ra và tôi
Dưới năm mươi bộ, suýt chết
đuối
Bên rãnh ao kia, cuối bờ đất
sét
You’re fired, Lane
he yelled and me lying
there and the truck
belching out great gouts
of water and me
half-drowned fifty feet
hown from the edge
of the clay bank
Đó là cảnh nhà thơ của chúng ta lái xe tải để kiếm sống, một xe
tải lớn chở nước, gặp tai nạn, lăn lông lốc trên dốc, tràn nước ra lênh láng,
và bị ông chủ giận dữ đuổi việc ngay lập tức.
Thật ra thơ có thể có cấu trúc sáng nhưng vẫn cần khoảng hư
không để người đọc làm đầy. Đọc chúng, người đọc có cảm giác như đứng trước một
luồng gió lạnh, run lên, nhưng chỉ một lát sau cảm giác ấm áp lại tràn về. Ngôn
ngữ hài hước, niềm vui tiết chế. Cảm giác tự do được tìm thấy trong những vần
thơ phóng túng không những tự do về vần điệu mà còn về cả cách cấu trúc của ý
tứ, sự bất ngờ của tính dịu dàng giữa những câu thơ đầy vẻ rắn rỏi và nam tính.
Có một sự di chuyển khi Lane lớn tuổi, sự trầm tĩnh, tính hài hước, bớt khốc
liệt, nhiều suy tư hướng nội.
Mối quan tâm căn bản của thơ hiện đại là chủ đề không đổi của
nó, tức là các kinh nghiệm cá nhân của đời sống bên trong. Như vậy khác với
những giai đoạn khi còn trẻ, Lane thôi bớt chú trọng đến các đề tài lịch sử,
các vấn đề xã hội, thời sự, nhưng ông vẫn không ngớt tìm kiếm trong thơ những
quan tâm triết học, những quan hoài tôn giáo, nỗi u uẩn nghìn trùng của tình
yêu nam nữ. Ít còn tìm thấy trong thơ ông gần đây sự giận dữ, cay đắng, nhưng
lại nhiều hơn tính hài hước, sự đi tìm sâu xa các nguồn mạch của bất hạnh và
hạnh phúc, những thể nghiệm mới trong một đoạn thơ dài. Thơ tình của ông vẫn là
đề tài không thay đổi.
Em hãy chờ anh, băng qua cỏ xanh
Đá nhọn. Mắt chim muông nhìn
anh
Anh bước đi dồn sức mạnh của
mình.
Hãy chờ anh, hãy nhìn, anh
đang bước tới
Nếu lắng nghe từ xa em sẽ
nghe tiếng nói
Miệng anh đây anh đang hát
kia mà
Wait for me, I am coming across the grass
and through the stones. The
eyes
of the animals and birds are
upon me.
I am walking with my
strength.
See, I am almost there.
If you listen you can hear
me.
My mouth is open and I am
singing.
Lane hát về tình yêu, tuyệt vọng và bao la, và thương khó. Tính
chất biểu đạt lộ rõ trong nhịp điệu ngôn ngữ. Những bài thơ tỏ rõ nội dung và
khuynh hướng nhưng không qua nhịp điệu thường có nhiệm vụ chuyên chở ý tưởng.
Tuy nhiên đằng sau nhịp điệu và nội dung, xúc cảm vẫn là nguồn lực đẩy chính.
Không hoàn toàn cách tân về ngôn ngữ, nhưng cũng không bám vào các thể thơ cổ
điển, và trong chừng mực cho phép của các vần điệu, ngôn ngữ của Lane mãnh liệt
tràn bờ.
Tôi
chú ý đến ngắt câu và xuống dòng, theo tôi là một trong những dấu ấn đặc biệt
nhất của một tài năng. Đặc điểm của thơ ông là cảm giác về không gian, sự nới
rộng, thông qua việc sử dụng các ẩn ngữ, hình ảnh, sự xuống câu, các yếu tố
hình thức mà không gian bài thơ mở rộng ra. Câu chuyện mà bài thơ kể lại thường
lớn hơn nhiều so với tập hợp của các chi tiết, không phải là số cộng của các mô
tả. Sự triển nở ấy, vượt ra ngoài số cộng ấy, sự phức tạp của các câu vượt ra
ngoài cấu trúc câu ấy, chính là tính
thơ. Có nhiều loại thông tin được truyền đi trong một bài thơ hay,
thông qua văn cảnh và thông qua các tu từ, tức là loại ngôn ngữ được nhấn mạnh,
và thông qua vần điệu. Tôi ngồi trên hàng ghế đầu ngay sân khấu, lắng nghe
giọng đọc của tác giả trong bài thơ sau đây.
Có
Một Thời Gian
Có một thời gian thế giới đầy khó khăn
mùa đông lạnh căm căm một
người
đàn bà ngồi bên cửa nhìn qua
cánh rừng, chờ người đàn ông
trở về. Có thể
một đứa trẻ đang bệnh và hôm
đó không phải
mùa đông. Có lẽ bụi bay đầy
hơi thở đứa bé
nó đuối sức dần hầu như không
thở nữa.
Lao phổi hay nhiễm trùng. Có
lẽ
những chữ này đem người đàn
bà đặt xuống chỗ ngồi kia, những
chữ gọi tên căn bệnh, nhưng
không chữa lành.
Có thể cô nàng chẳng chờ mong người đàn ông nào cả.
Nhưng chúng ta muốn một
người. Chúng ta muốn một
kẻ nào an ủi giờ khắc ấy.
Nông trang gần đó
người phụ nữ ở gần nhất người
đàn bà
kia cũng ngồi trong bụi lau
trước gió đăm
đăm nhìn sau cánh cửa. Cô
chẳng ai giúp đỡ.
Vậy phải có một người đàn
ông. Anh ta đứng trong chuồng
gia súc nhìn bầy ngựa phì phò
thở dốc.
Chúng dịu dàng đẹp đẽ biết
bao,
hơi thở lên cao thành mây mù.
Yên ngựa buông lơi lủng lẳng
cạnh bàn
sáng lấp lánh, dù mòn và cũ.
Người đàn ông cũng già
và cũ. Nhưng người đàn bà vẫn
chờ anh sau cánh cửa.
Anh sợ không tới, bởi vì đôi
mắt
cô ta, và vì đứa bé. Nó sắp
chết
Có một thời gian mọi việc hệt như thế thật,
Những giờ khắc lạnh căm thế
này, những giờ
ấy trôi qua không dài hơn hạt
bụi
trong mắt ta, hơn hơi thở
đọng thành mây,
một cái dằm ở cửa
đủ lớn sinh thành cuộc đời
kia, nhỏ bé diệu kỳ.
Có thể vì những người lính tới
từ phương xa, cúc áo họ mở
ra, mờ vì bụi, sáng lên
vì lạnh, dù chúng ta chẳng
bao giờ biết được
vì sao họ tới, hay bão tràn
xuống từ phương Bắc
như chiếc xe khủng khiếp ghim
bánh sắc vào cuộc đời.
Có thể họ ngồi bên nhau khi mùa đông.
Bông tuyết xuống đầy. Bụi bay
mù mịt.
Có thể không đứa trẻ nào
giống hệt mới sinh không người nam
người nữ nào thế cả. Và những
chữ
chúng ta hình dung chưa hề
phát minh
gọi tên căn bệnh, chưa có đứa
trẻ nào sinh ra, mắc phải.
Có thể những tên kia được
nhắc ở đó rồi
một thời gian dài trước khi
họ tới
Nhưng họ quên bẵng chúng đi.
Và giờ đây hãy để họ
chết khi ta nghĩ về họ, sau
khi đã qua đời
Ta tưởng tượng họ lần hồi
sống lại,
Chuồng gia súc đây, hơi thở
ấy, người đàn bà kia, cánh cửa một linh hồn.
There
Is A Time
There is a time when the world is hard,
the winters cold and a woman
sits before a door, watching
through wood
for the arrival of a man.
Perhaps a child is ill
and it is not winter after
all. Perhaps
the dust settles in a child’s
breath,
a breath so fragile it barely
exists.
Tuberculosis or pneumonia.
Perhaps
these words place her here,
these words
naming the disease and still
not curing it.
Maybe it is not the man she waits for.
We want it to be someone. We
want
someone to relieve this hour.
On the next farm
the nearest woman to the
woman is also sitting
in dust or cold and watching
a door. She is no help.
So let it be the man. He is
in the barn
watching the breathing of his
horses.
They are slow and beautiful,
their breath almost freezing
in perfect clouds.
Their harness hanging down
from the stalls
gleams, although old and
worn. He is old and worn.
The woman is waiting behind
the door
but he is afraid to go there
because of her eyes
and the child who is dying.
There is a time when it is like this,
when the hours are this cold,
when the hours
are no longer than a bit of
dust in an eye,
a frozen cloud of breath, a
single splinter in a door
large enough to be a life it
is so small and perfect.
Perhaps there are soldiers
coming from far away,
their buttons dull with dust
or bright with cold,
though we cannot imagine why
they would come here,
or a storm rolling down from
the north
like a millwheel into their
lives.
Perhaps it is winter.
There is snow. Or it could be
dust.
Maybe there is no child, no
man, no woman
and the words we imagined
have not been invented
to name the disease there is
no child to catch.
Maybe the names were there in
a time before them
and they have been forgotten.
For now let them die
as we think of them and after
they are dead
we will imagine them alive
again,
the barn, the breath, the
woman, the door.
Bài
thơ gồm bốn đoạn. Time là chữ quan trọng nhất trong bài thơ này, là thời giờ, thời gian
nhưng cũng là thời đại, có thể ngắn, có thể dài hàng thế kỷ. Thời gian không
phải là một ẩn dụ. Trong một thời gian dài những biến động địa chất, mùa màng
của trái đất, thời tiết, sinh vật đều thay đổi. Trong khổ thơ đầu có thể thấy
nhà thơ gợi lên hình ảnh một người đàn bà, những cái chết, sự đói rét. Tại sao
một người phụ nữ? Có thể hình dung rằng đối với Lane người phụ nữ là mẹ, là
khởi đầu, nhưng cũng có thể là sự chờ đợi.
Một người đàn bà ngồi bên cửa, nhìn qua rừng rậm âm u chờ một
người đàn ông đang tới gần, hay đang trở về. Cũng có thể cô chờ đợi không phải
vì tình yêu mà vì lo lắng, một đứa trẻ đã lên cơn sốt. Cũng chẳng phải là mùa
đông. Một đứa bé bị lao phổi hay viêm phế quản.
Cũng có thể không phải cô đã ngồi ở đó. Lịch sử có thể đã không
diễn ra đúng như thế.
Có
thể không đứa trẻ nào giống hệt mới sinh không người nam người nữ nào thế cả
Và những chữ chúng ta hình dung chưa hề được phát minh
Chú ý rằng mỗi câu trong khổ thơ không chấm dứt hẳn mà chuyển
xuống một câu khác cả về ý lẫn cú pháp cho đến khi chấm dứt.
Khổ thơ thứ hai còn táo bạo hơn nữa. Người đàn bà có thể đã
không thể chờ đợi một người đàn ông. Không phải vì cô không muốn chờ đợi, mà vì
chúng ta cần một người khác. Chúng ta cần một người, một nhân vật. Nhưng để làm
gì? Ở một nơi nào khác cũng có một người đàn bà khác, lẻ loi cô độc.
Điều ấy thật không thể được. Chúng ta cần một người đàn ông
khác. Một người đang đứng trong vườn, đứng trong chuồng thú, săn sóc những con
ngựa kéo. Những con ngựa đẹp, dịu dàng, óng ả, hơi thở bay lên như những đám
mây. Sự bất lực của lịch sử. Từ khổ thứ nhất đến khổ thứ hai. Nhận thức của
chúng ta tiến sâu một bước, hình ảnh đậm hơn, rõ nét hơn, mối quan hệ giữa người
này và người khác trở nên ràng buộc hơn: vai trò và bổn phận. Thơ chuyển những
bước chân linh hoạt mạnh mẽ để mô tả một cách khúc chiết hiện thực, nhưng nhiều
hơn là mô tả chính sự tưởng tượng.
Khổ thơ thứ ba khẳng định thêm. Đúng là có những thời gian như
thế thật. Nhà thơ bắt đầu nói về tính chất của thời gian. Những thời khắc lạnh
lẽo, nhưng thời gian không dài hơn một ngấn bụi, một hơi thở sương mù, một vết
dằm xước trên cửa. Sự sống nhỏ bé, ngắn ngủi nhưng toàn hảo. Còn chiến tranh?
Còn bão tố? Sự đe dọa khắp nơi.
Chúng ta muốn kết thúc bài thơ này như thế nào? Tức là chúng ta
muốn lịch sử đã xảy ra như thế nào? Tức là chúng ta muốn nhân loại đã đau khổ
và hạnh phúc ra sao?
Và
giờ đây hãy để họ chết
Khi ta nghĩ về họ, sau khi đã qua đời
Ta tưởng tượng ra họ lần hồi sống lại,
Chuồng gia súc đây, hơi thở ấy, người đàn bà kia, cánh cửa một linh hồn.
Trong
bốn khổ thơ liên tiếp, chúng ta chuyển từ hình ảnh mờ hơn đến hình ảnh rõ hơn,
từ không gian đến thời gian, rồi quay trở lại từ thời gian đến không gia, từ
nhân vật đến hành động, từ hành động đến suy nghĩ và ngược lại từ suy nghĩ đến
hành động, từ sự vật đến ngôn ngữ. Từ giả thuyết đến buông bỏ giả thuyết. Sự
khởi đầu của con nguời như một gia đình, như sự kết hợp của một người đàn ông
và một người đàn bà. Nhưng như một người đàn ông, một người đàn bà và một đứa
trẻ. Nhưng một đứa trẻ sắp chết còn có hy vọng gì không. Nhịp điệu của bài thơ,
kỹ thuật ngắt dòng đúng lúc, sự tương tác của các câu, tạo ra cấu trúc cân đối,
hình thức cân đối để giữ một nội dung xô lệch, làm thăng bằng cho sự tưởng
tượng mãnh liệt xô dạt qua các biên cương, vốn là sức mạnh của thơ Lane.
Sự
khác biệt chính yếu trong nền thơ đương đại chưa hẳn là ở giữa các nhà thơ hiện
đại và hậu hiện đại, giữa hiện đại và cổ điển, giữa thơ có vần và thơ tự do. Đó
là sự khác biệt giữa các nhà thơ tin rằng nhiệm vụ của họ là tìm cách tương thông
với độc giả, làm cho người đọc sung sướng, hưng cảm với niềm vui nỗi buồn của
họ. Muốn được như thế, câu thơ phải trong sáng, ngôn ngữ phải giản dị, người
đọc có thể tiếp cận được, tất nhiên là với một nền học vấn tương đối căn bản.
Một bên là những nhà thơ, đa số mới hơn và trẻ hơn, nhưng không phải bao giờ
cũng vậy, tin rằng bài thơ của họ có thể là một ngôi nhà đóng kín cửa, ngôn ngữ
của họ không nhất thiết phải dễ hiểu, khi người đọc thơ đến trước bài thơ,
không có ai mặc đồng phục đợi ở cửa mời họ vào. Sự ngăn cách giữa người đọc và
nhà thơ là điều tất nhiên, mặc nhiên được chấp nhận. Lane là một trong vài nhà
thơ luôn đứng ra ngoài, không thể được xếp loại dễ dàng.Tôi cho rằng nguyên
nhân là thơ ông mặc dù không phải thơ ngôn ngữ nhưng các ý tưởng trong đó đầy
rẫy các yếu tố hậu hiện đại, tức là chống lại sự giải thích một cách cổ điển.
Trong những bài thơ tự sự vẫn phảng phất nét u hoài như tia nhìn của tác giả,
sắc bén mà ấm áp, cười cợt mà chăm chú, bộc trực mà vẫn thương cảm. Trong bài
nói chuyện với tân sinh viên đại học UBC chi nhánh mới mở ở quê hương mình,
Nelson, ông kể:
“đầu
tháng 12 năm 1958, khi tôi mười chín tuổi, sống với vợ tôi và đứa con trai nhỏ
mới sinh trong một cái lều hẹp của người đi hái táo, gồm hai phòng, chỉ vài dặm
cách chỗ đứng hôm nay của tôi và các bạn. công việc của tôi là lái xe tải đổ
rác. tôi nhớ những khi ra khỏi căn lều của mình, đi bộ tới xa lộ trong gió và
tuyết, tôi đứng run rẩy trong chiếc áo khoác mùa đông, chờ một người lái xe
khác đến đón. tôi nhớ bầu trời xám xịt nặng như chì. món quà tặng duy nhất của
một ngày mùa đông như hôm đó là nước đá, khuôn mặt của tuyết mong manh dễ vỡ.
Khi
đứng ở trong buổi hừng đông giả tạo kia, tôi nhìn lên một lúc và chợt nhận ra
một con bướm màu xanh biếc lớn bằng lòng bàn tay chập chờn đáp xuống đậu lại
trên cánh tay áo, ngay ở cổ tay. Đó là một ngày đông lạnh lắm và tôi biết rõ
thung lũng Okanagan, nơi tôi sống hết thời tuổi trẻ, không thể nào có một loại
bướm lớn như thế, xanh ngăn ngắt như thế, ngay cả trong mùa hè. Tôi nhớ là tôi
đã lột găng tay ra và đưa khẽ lòng bàn tay giữ con bướm lại, nâng con vật đẹp
đẽ ấy lên ngang miệng mình để hơi thở của tôi có thể làm ấm nó vì trời lạnh
quá. Tôi phà hơi thở lên con bướm một cách vô vọng như thể chúng tôi đang đối
diện với cái chết gần kề, khó tin nhưng không tránh được, như đối với một con
quạ, con ó, con diều hâu, đứa trẻ hay con chó. Tôi dùng hai tay giữ con bướm
lại, chạy về căn lều của mình hy vọng rằng hơi ấm trong bếp lửa buổi sáng có
thể sưởi ấm nó, nhưng khi tôi về đến cửa nhà và mở lòng bàn tay ra, con vật đã
chết.
Tôi
không biết ngọn gió mãnh liệt nào từ Santa Anna, Squamish hay Sirocco, đã thổi
một con bướm xinh đẹp của Mexico, Congo, hay Philippines đến xứ sở tôi. Tôi chỉ
biết rằng nó đã sống những phút cuối cùng của đời mình giữa hai lòng bàn tay
một người. Tôi không bao giờ quên điều ấy và cuộc gặp gỡ kia đã làm tôi thay
đổi hoàn toàn.
Có
những buổi sáng trong đời bạn, cái đẹp tình cờ hạ xuống trên tay, và khi điều
ấy xảy ra, bạn phải làm hết sức mình để bảo vệ và nuôi nấng nó.” (***)
Giữa hai khuynh hướng, một dòng thế sự khí phách mạnh mẽ, với
khả năng phân tích lạnh lùng và hài hước, và một dòng trữ tình đằm thắm:
Đôi
khi tâm hồn dịu dàng là điều ta ước muốn
Sometimes
a gentle soul is what we want
Hình như càng về sau ông càng nghiêng về giọng điệu thứ hai, và
không ngại chạm mặt với sự xúc cảm, vốn là cạm bẫy cuối cùng của các nhà thơ,
sự cám dỗ cuối cùng, và ông tiến rất gần tới chúng. Và những khi ấy:
Đêm hoài thai tôi không có mặt
Trên tấm ván nứt cha tôi đi
tìm
Giữa bụi bay lên, và mẹ
Tay phía sau người, bíu chặt
lưng cha
Thì thào, thì thào, hãy đi
tìm con của chúng ta
The night of my conception I wasn’t there
My father searched among the
broken boards
and the dust of the rooms, my
mother
behind him, her hand on his
heavy back
her mouth urgent, whispering,
Find him,
find him
Giữa
những câu thơ như thế, Lane có khả năng hơn để nói với chúng ta về sự trở lại,
không phải từ niềm lạc bầy hiu quạnh, hay nói về cội rễ, không phải từ nỗi mất
quê hương, nhưng như thể chúng là những khởi đầu đầy phấn khích của thực hữu.
Nguyễn Đức Tùng
Thanksgiving 2013