Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, July 11, 2013

KHI CON RA ĐỜI VÀ NỖI MẸ - La Thuỵ


Chiến tranh Việt Nam đã lùi xa mấy mươi năm rồi, nhưng trong tâm thức của những người từng sống qua cuộc chiến như vẫn còn in hằn bao vết đau nhức nhối. Nhà thơ Phạm Tường Đại (hội viên VHNT Bình Thuận) - hồi còn sinh tiền, tuy đã gần tuổi 80, nhưng luôn lạc quan yêu đời, thế mà trong thơ ông vẫn vương mang nỗi buồn chiến cuộc. Xin mời đọc bài thơ "KHI CON RA ĐỜI" của Phạm Tường Đại qua cảm nhận của La Thuỵ  

              
                      Nhà thơ Phạm Tường Đại
                         
                          (1930 - 2008)
 
      
     “Đau đớn thay phận đàn bà”

      Câu thơ Kiều như tiếng thở dài trầm uất, bất chợt hiện ra đè nặng cảm xúc tôi, lúc mới thoạt đọc bài thơ “Khi con ra đời” của nhà thơ, nhà giáo kỳ cựu Phạm Tường Đại - đăng trên tuyển tập Văn nghệ Hàm Tân số tháng 7/1997 ( sau đó đăng trên VĂN NGHỆ BÌNH THUẬN ).
      Lẽ ra sau những tháng ngày hoài thai mong đợi, đứa trẻ ra đời ắt hẳn phải là niềm vui vỡ òa cho người sản phụ. Thế nhưng ngay từ khổ thơ đầu, ta chỉ thấy sóng lòng cuộn dâng của một niềm đau mênh mang biển thẳm, cùng từng suối nước mắt ắp chứa sông đầy, qua “nỗi mẹ” hằng đêm, trong khi bóng dáng người chồng - người cha lại biệt vô âm tín.

                      Khi con ra đời
                      Biển chập chùng sóng vỗ
                      Mây chiều nhuốm sắc da cam
                      Và dòng sông đựng đầy nước mắt
                      Chảy vào nỗi mẹ đêm đêm

   Phải chăng, dòng sông nước mắt ấy bắt nguồn từ một mối tình vụng dại: trong một phút tin yêu, người phụ nữ nhắm mắt trao thân, nhưng tình lang rồi xoải cánh bay xa, tặng lại nợ đời để riêng người lỡ phận phải quặn lòng nặng gánh đa mang trước miệng thế gian cay nghiệt? Hay đây là kết tinh của những tháng ngày hạnh phúc bên nhau, với bao kỷ niệm lấp lánh không phai nhưng vấp phải một tình huống khắc nghiệt nào đó mà trong giờ khai hoa nở nhụy, người cô phụ phải “đi biển mồ côi một mình”…? Vâng, có nhiều tình huống, nhiều nguyên nhân gây nên cảnh bi ai : con ra đời không cha và còn lại nỗi đau oằn oại cho riêng người cô quả hứng chịu. Cảm xúc ban đầu bất chợt là thế. Song, càng đọc tiếp bài thơ, cảm xúc của tôi dần chuyển biến
 
                     Khi con ra đời
                     Biển chập chùng sóng vỗ
                    Mây chiều nhuốm sắc da cam

       Những câu thơ trên không chỉ lột tả “nỗi mẹ” chập chùng với sóng biển lòng chao động vỗ bờ, trong sắc chiều ảm đạm thê lương của một ngày u uất. Chúng còn tả chân một hiện thực cuộc sống, con ra đời trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ : biển động mất mùa và cảnh trời báo trước tai ương giông bão. Thiếu cánh tay mạnh mẽ, rắn chắc của người đàn ông, trụ cột gia đình- chống đỡ, nỗi đau của mẹ càng xoáy mạnh vào tim óc khi phải vật vã lo toan đến cảnh thiếu đói nay mai.
       Nhưng cha đâu mà không cùng mẹ chia sẻ trập trùng gian khó, trong và sau giờ “vượt cạn” này ? Phải chăng chính chiến tranh tàn khốc mới  là tác nhân chủ yếu chia cắt hạnh phúc gia đình. Đúng thế, khói lửa chiến tranh đã ném cha tung cha vào phương trời mù mịt, không hẹn ngày về. Tuy tác giả Phạm Tường Đại không phác họa dù đôi nét mờ nhạt về cha, nhưng tôi vẫn cảm nhận rằng cha - người trai thời chiến đã lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Và hình ảnh “mây chiều nhuộm sắc da cam” dường như là hình ảnh đọng lại trong tâm tưởng mẹ khi hoài niệm đến cảnh biệt ly trong ráng chiều u uẩn. Phải chăng hồi quang của hoàng hôn ly biệt đang là hồi ức làm chao đảo tâm hồn mẹ khi chạnh lòng dõi mắt về chân trời ngóng mong tin nhạn. “hoe vàng thì gió, hoe đỏ thì mưa”- (tục ngữ), sắc màu da cam là sắc màu tổng hợp hòa quyện của vàng và đỏ, của gió phũ phàng và mưa bất trắc, báo trước giông bão tàn khốc thiên tai. Sắc màu da cam còn là biểu tượng của chất độc khủng khiếp tàn hại môi sinh, báo trước hiểm họa của một cuộc chiến tranh hủy diệt tai ương. Vì sự sống còn của đất nước, cha đã băng mình vào dông bão thiên tai và chiến tranh địch họa để lại cô đơn khắc khoải, đau khổ mong chờ , dằn vặt lo toan … cho nỗi mẹ vô bờ.

                     Khi con ra đời
                     Câu hò khuya đứt đoạn
                     Đồng vắng tiếng chim sâu
                     Đạn cuồng toé lửa ngọn cau
                     Lời ru bốc cháy hai đầu võng đưa

      Vâng , không chỉ còn là điềm dữ báo trước nữa, chiến tranh đã phủ chụp tang tóc lên đất nước, đã vùi dập quê hương. Ngày con ra đời đâu còn êm ái nhịp nôi đưa cùng ngọt ngào tiếng ru mẹ, ngày con ra đời đâu còn tiếng chim sâu ríu rít chuyền cành cùng bóng dừa nghiêng cau thẳng xỏa tóc dài bay trong gió sớm của một thời thanh bình êm ấm. Lửa đạn cuồng điên đang lem lém cháy xém hai đầu võng làm đứt quãng tiếng hò khuya dìu dặt. Tiếng “à ơi” trong lời ru mẹ trở nên uất nghẹn. Khói bom man rợ đã xua tan tác chim muông. Vườn tược, nhà cửa, ruộng đồng đổ nát tan hoang. Khi con ra đời, mẹ đã phải chui rúc trong các hào rãnh, trong các hầm hố đào vội. Mẹ đã lấy thân mình che chắn bom đạn cho con. Mẹ đã phải ấp ủ cho con khô ráo khi hầm lầy lội mưa tuôn. Mẹ phải hà hơi thổi ngạt khi con sặc sụa khói bom.

                      Khi con ra đời
                      Cây sầu đâu rụng lá
                      Nước mắt dòng sông bầm lệ đá

 Ôi! Khi con ra đời tiết trời đông giá, cây trụi lá trơ cành. Mẹ phải trần thân chịu rét để con có nhiều lớp áo bọc ấm người. Khi con ra đời quê hương tang tóc đau thương. Dòng sông nước mắt từng đã xối xả tuôn đổ, dấu lệ theo năm tháng in bầm sâu cứng hằn nhiều rãnh dài trên khuôn mặt mẹ. Mẹ vẫn chờ mong cha, dầu chỉ là một tin báo tử. Nhưng nay mẹ không còn nước mắt để khóc nữa. Nước mắt như đang chảy ngược vào tim mẹ. Nỗi đau đến tột cùng . Nỗi đau đang hóa đá. Lòng mẹ thật hoang phế điêu linh.

                      Mẹ chợt hiểu
                      Cái giá ngàn đêm phải trả
                      Cho một tiếng gà
                      Một tiếng khóc oa oa
                      Là cuộc đời
                      Những đứa trẻ không cha

      Nỗi đau chập chùng bao trùm lấy mẹ   Tưởng sẽ làm mẹ quỵ ngã. Không! Vì con, vì chồng, vì xóm làng quê hương, vì lẽ sống đời mẹ … mẹ vẫn trụ vững. Mẹ vẫn dũng cảm sống và dám ngang nhiên đương đầu với nghịch cảnh. Bởi qua nhiều đêm dài thao thức cùng nỗi đau, mẹ hiểu rằng : dù mưa bom lửa đạn đang cố hủy diệt, dù gian khó chập chùng đang đày ải, bất chấp tất cả con đã được sinh ra, bất chấp tất cả con đang tồn tại, “thép đã tôi thế đấy” con rồi sẽ trưởng thành và vượt lớn .
      Để giữ gìn một tiếng gà êm ả tục tác ban trưa cùng những quả trứng hồng xinh trên ổ, để giữ gìn một tiếng gà lanh lảnh gáy sớm, báo hiệu một sáng mai hồng thanh bình đang trở lại, để cho tiếng khóc oa oa chào đời của các thiên thần nhỏ bé không còn bị bóp nghẹt bởi chiến tranh phi nhân nên cha đã xông pha vào dông bão đạn bom quyết gìn giữ an lành cho từng tấc đất quê hương. Dù tan nát ruột gan, mẹ không thể đầu hàng số phận nghiệt ngã. Bằng một sức bật hiếm có, mẹ đã trỗi dậy. Bằng một nghị lực phi thường mẹ đã đứng thẳng lên. Công việc nặng nhọc do người đàn ông đảm trách trước đây, bây giờ dồn trút hết lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Không quản chân yếu tay mềm, mẹ dốc sức làm việc gấp hai, gấp ba năng lực vốn có, để cho tiếng gà, tiếng lợn vẫn rộn ràng reo vang , để cho tiếng nghé ọ nên thơ gọi mẹ vẫn âm vang trên đồng cỏ, để tiếng gà vẫn hùng dũng cất cao báo sáng, để quê hương vẫn rợp bóng tre làng, cau dừa vẫn xạc xào mơn man cùng gió lộng, để lúa vẫn xanh cây và vàng ươm hạt chín.
   Những đứa trẻ không cha như con Mẹ, dù chịu nhiều mất mát đau thương nhưng hãy ngẩng cao đầu hãnh diện, tự hào. Tự hào vì cha đã dâng hiến máu thịt mình cho Tổ quốc, nhờ vậy mà cây đời luôn đơm hoa thơm và kết quả ngọt. Hãnh diện vì Mẹ thật vĩ đại, thân phận đàn bà không còn là cuộc đời tối tăm tủi nhục và cam chịu mà ngược lại là tấm gương ngời sáng để muôn đời ngưỡng mộ, bái phục.

                                                                       La Thuỵ


READ MORE - KHI CON RA ĐỜI VÀ NỖI MẸ - La Thuỵ

CỐ HƯƠNG - thơ Hoàng Yên Linh

Chú tiểu Huệ Bền và tịnh xá Ngọc Hà. Ảnh Lê Đàn từ báo Giác Ngộ Online

Tuổi đời tri thiên mệnh
Vẫn mòn gót tha hương
Tháng năm đời hiu quạnh
Mệt nhoài theo khói sương.

Ai về sông Hiếu thương
Gởi tình tôi nỗi nhớ
Nắng hanh vàng Tịnh Xá
Chuông gọi buồn ngân xa.

Nhắn giùm cô bạn nhỏ
Đôi má thắm nụ hồng
Trắng mây chiều An Lạc
Sóng mắt huyền mênh mang.

Bỏ trường xưa phố nhỏ
Xa bến cũ sông chiều
Giữa cao nguyên lộng gió
Chạnh lòng nén hương yêu.

Ngậm ngùi giấc mộng dữ
Ru tôi khúc tình buồn
Cớ sao đời xa xứ
Mãi không về cố hương.


HOÀNG YÊN LYNH
READ MORE - CỐ HƯƠNG - thơ Hoàng Yên Linh

NHỚ QUÊ - thơ Lê Ngọc Phái



Nghe anh nói mai về thăm Quảng Trị
Lòng tôi se thắt nghĩ tới quê hương
Nhớ núi, nhớ sông, nhớ phố, nhớ phường
Nhớ trường ta học, nhớ đường ta đi…

Nhớ chợ phiên đò dọc lên Cam Lộ
Những chuyến xe thổ mộ thuở hồng hoang
Người miền xuôi, miền ngược khắp buôn làng
Mang đặc sản địa phương về đủ loại.

Nhớ con đường Chín sớm khuya dầu dãi
Đã mấy trăm năm gắn với con người
Ngọn gió tây nam quằn quại trên vai
Rát da mặt đôi chân không hề mỏi.

Nhớ chợ Đông Hà, ngõ về trưa tối
Mẹ mỗi ngày hai buổi với nắng mưa
Nhớ mái hiên xưa cha trồng chậu kiểng
Sáng chiều vui tiêu khiển tuổi già nua.

Nhưng giờ đây song thân đà quá cố
Biết tìm đâu năm tháng cũ êm đềm
Thương mẹ cha vất vả suốt ngày đêm
Nuôi dạy chúng con đến lúc khôn lớn.

Nhớ cầu Ga nằm trên dòng Thạch Hãn
Đường về làng số 8 đến La Duy
Nhớ bến sông Vĩnh Định chiếc cầu ri
Đêm trăng sáng chia tay nhiều hẹn ước.

Nhớ quê hương những ngày mưa bảo lụt
Nước tràn về lai láng khắp xóm thôn
Mái nhà tranh lan tỏa khói hoàng hôn
Ôi thương quá làm sao tôi quên được!

Nhớ kỷ niệm những mùa thi năm trước
Mối tình đầu sống mãi với đời tôi
Nhớ vườn xưa của ngoại bóng trăng lơi
Dấu nụ hôn dưới cành cam, cành bưởi

Dù ở đâu lòng tôi luôn nhớ tới
Mong ngày về thăm lại quê hương
Tuổi học trò trang sách ép hoa thơm
Bao hình ảnh thân thương luôn ấp ủ.  

Lê Ngọc Phái                                    


READ MORE - NHỚ QUÊ - thơ Lê Ngọc Phái

BÓNG EM MỜ XA - thơ Sĩ Chương

       
     

    Bước chân về ngõ vắng
    Đêm hiu hắt trời mưa
    Nghe lòng buồn rười rượi
    Chẳng ai người tiễn đưa


    Phố đêm xa mờ xa
    Bóng tình nhân nhạt nhòa
    Mưa buồn rây rây hạt
    Ôi! thương người thiết tha


    Thôi rồi một tình yêu
    Lại về trong cô liêu
    Đành quên tình quán trọ
    Nơi phố xưa chung trường


    Phố xa xa thật rồi
    Đường về bước đơn côi
    Em vô tình đâu hiểu
    Anh gió mưa trong đời


    Ngậm ngùi ngang nhà em
    Mập mờ bóng đèn đêm
    Anh mang hồn tượng đá
    Đứng thầm gọi tên em ./.



        Sĩ Chương
READ MORE - BÓNG EM MỜ XA - thơ Sĩ Chương

TRI KỶ (Viết cho Dòng Sông Lặng Lẽ) - truyện ngắn Nấm Hương




Đôi vợ chồng này từng có một thời rất hạnh phúc!

Nhưng rồi người chồng có niềm vui khác, cho nên họ không chung sống với nhau trên hai chục năm qua, vì thế hàng năm, cứ đến ngày giỗ ông nội của anh, thì chị và hai con từ Sài Gòn về Đà Lạt. Còn anh từ Nha Trang chạy lên nhà để cùng nhau tưởng nhớ đến người ông đã khuất.

Thường, họ cầu guyện  ở ngoài mộ ông. Xong, cả nhà lên đồi bày cỗ ra, vừa dùng bữa, vừa trò chuyện! Đó là một ngày riêng biệt, duy nhất trong năm cả nhà được sum họp.

Nhưng năm nay anh gọi điện thoại bảo rằng: “Mình anh đi thắp nhang cho ông nội cũng được em à! Em giúp anh làm cơm ở nhà, dùng bữa ngoài đồi  nhiều ruồi qúa!”

Nhưng chị vẫn cùng các con đi viếng mộ ông! Chị không muốn các con phá vỡ tập tục tốt đẹp này.


Lòng chị nao nao, xếp đĩa trái cây, cắm những bông hoa tươi vào bình, rồi loay hoay nhổ mấy cây cỏ mọc xen lên giữa những kẻ đá quanh mộ ông. Vừa làm, vừa nghĩ đến thân phận mỏng dòn của con người, vừa thầm cầu mong cho anh đi đường được bình an.

Sáng sớm, anh từ miền biển chạy băng qua nhiều luồng hơi lạnh đến thấu xương, mới lên tới cao nguyên lồng lộng gió và tràn ngập nắng vàng.

Anh tới mộ ông bao giờ cũng sau chị và các con. Sau phút đón mừng nhau, anh thường ngồi trầm tư bên mộ người thân duy nhất của mình hàng giờ. Chị cũng im lặng ngồi cầu guyện cho ông cùng với anh. Các con, đứa thì căng dù ra trốn nắng, nằm say ngủ, đứa thì hiếu động đi loanh quanh, nhặt cho mẹ những viên sỏi nằm lăn lóc theo triền nước chảy từ trên đồi xuống nghĩa trang.

Dù anh không nói ra, nhưng chị hiểu với tuổi gần bảy mươi này, anh đã xốn xang, chẳng biết mình còn có dịp viếng mộ ông nội bao nhiêu lần nữa?


Thoáng chốc thời gian qua nhanh! Mỗi dịp được viếng mộ ông nội là một dịp rất quý đối với anh. Cảm ơn trời vì anh được thêm một dịp hiện diện và cầu nguyện bên mộ ông nội mình cùng với vợ con.

Chị nhớ lại ngày xưa, khi anh còn đi tập trung cải tạo, mỗi lần được gặp nhau, nhìn vóc dáng cao lêu khêu, gầy gò, khuông mặt khắc khổ của anh, chị vẫn  tìm thấy trong ánh mắt và âm sắc giọng nói của anh tràn đầy nội lực.


Có lần, khi sắp hết giờ thăm nuôi, anh nhìn xa xăm vào khoảng không phía trước, rồi nhìn thật sâu vào mắt chị nói rằng: “Anh ước gì trái đất ngừng quay, để thời gian ngưng đọng lại...”. Lòng chị bồi hồi, nghe sao thương quá! Cả hai cùng bồi rối, anh muốn níu kéo thời gian bằng cách nắm lấy đôi tay chị, nhưng nghĩ đến thân phận tù đày của mình thì ngại ngùng! Mà chị lại là một cô bé thanh khiết, tình yêu của chị rất trong sáng, nên anh dù rất muốn, cũng không dám chạm vào tay chị.

Giờ đây, đời sống sung túc hơn, anh không còn gầy gò, nhưng nét khắc khổ vẫn hằn trên khuông mặt. Anh lặng lẽ hơn, bởi chiến trường nội tâm luôn xâu xé trong tâm hồn anh.


Vẫn ánh nhìn ấm áp năm xưa, vẫn âm sắc trầm ấm ngày nào, anh nói “không biết anh còn được thăm ông nội bao nhiêu lần nữa?” Chị nghe, cảm thấy lòng mình chùng xuống, xót xa! Gần như nội lực trong anh không còn như xưa nữa! Quả thật, thời gian vô cùng khốc liệt, nó chẳng nán đợi một ai.

Cho dù đã không còn sống chung với nhau nũa, và chị thì quen với nỗi hắt hiu, cô quạnh từ lâu rồi, nhưng sao chị cũng không chịu nổi ý nghĩ anh vắng mặt trên trần đời này.


Ngày xưa, họ hay dành nhau:

- Cho anh xin em điều này nhé? Nhường cho anh ra đi trước, vì anh  không thể chịu đựng nổi sự cô độc trên trần đời này!

Chị nũng nịu:

- Em cũng không chịu đựng được nỗi trống vắng, đau thương, nhung nhớ về anh! Mình làm sao đây hở, anh?

Anh ôm chị vào lòng bảo:

- Thôi thì mình phải thuận theo tự nhiên vậy, em nhỉ!  …

Giờ đây, khi có tuổi rồi, ý nghĩ cô độc sao càng đáng sợ hơn xưa! 


**

 
Mỗi khi trở về, anh tất bật sửa chữa nhỏ trong nhà cho chị, anh tranh thủ trò chuyện với các con. Còn chị thì cũng tranh thủ học nơi anh nhiều thứ lắm … “ Ôi! Giá như trái đất ngừng quay nhỉ?”

Lần này về, anh download thêm các chương trình, cài đặt sẵn vào máy điện thoại cho con và vào máy vi tính cho chị. Hướng dẫn cho chị cách phục hồi phần mềm của máy nếu nó bị lỗi, để không phải mắc công đợi người ta đến nhà sửa hoặc mang CPU ra dịch vụ mất thời gian. Anh thao tác cho chị thấy cách tháo, lau chùi, ráp lại thanh RAM phòng khi màn hình đen thui, thì chị tự sửa lại. 


Thầy giáo minh mẫn bao nhiêu, thì trò nghễnh ngãng bấy nhiêu! Họ kiên trì ngồi dạy và học với nhau. Đến giữa khuya chị nói :

- Em làm được rồi anh ơi! Anh nghỉ sớm, mai còn chạy xe đường dài anh à!

Trong khi chị loay hoay dưới nhà, anh lên gác treo mùng rồi nhanh chóng xuống rót cốc nước ấm cho chị uống trước khi đi ngủ. Đó là thói quen cố hữu của họ khi còn sống bên nhau, mà mỗi lần trở về nhà, anh vẫn luôn làm cho chị như một nghĩa cử xin lỗi vậy.

Họ lên gác. Chui vào mùng rồi anh hỏi chị:


- Lâu rồi em không dùng đến cái mùng này hở? chị bảo:

- Dạ không,anh! Thi thoảng có muỗi thì mới treo mùng thôi! Em xin lỗi, nhưng anh yên tâm, mùa này không có muỗi đâu anh à.

Anh cười, nhẹ nhàng:

- Hèn chi anh thấy em không vá lỗ thủng của nó!

Chị muốn nói với anh rằng “Phải chi mình cũng khâu vá được tâm hồn, anh nhỉ?” Nhưng chị kiềm lòng mình lại, không nên bộc bạch những lời làm nặng lòng nhau.
  
Khi chị bung tấm chăn dành riêng, đắp lên người cho anh. Thì nỗi buồn cố hữu lại ập xuống cho cả hai người. Anh nhắm kín mắt, nhốt nỗi xót xa vào tận đáy lòng. Chị mở to mắt giữ nỗi đắng cay dâng trên khóe lại.
 
Họ nằm bên nhau như hai người bạn thân thiết, dặn dò nhau những điều cần phải nhớ cho sức khỏe, cho công việc hàng ngày, hay chia sẻ thêm những ưu tư về con cái, về tuổi già của mình. Rồi ngủ say như hai đúa trẻ con vô tư, không mộng mị chuyện ái dục. Bởi vì, từ rất lâu rồi, họ không còn có mối quan hệ vợ chồng nữa, mà là hai người bạn tri âm tri kỷ của nhau thôi.
 
***

Bình minh đến, bầy chim sâu trên mái nhà ríu rít gọi họ dậy.


Anh xuống nhà khởi động computer, ôn bài lại cho chị trước khi cả nhà dùng điểm tâm. Xong anh hỏi:

- Bây giờ anh xuống Nha Trang, Vậy em có thích nhặt đá về vẽ không?

Chị mừng rỡ:

- Anh có cho em đi không?

- Vậy em lấy bao đựng đá đi, nhưng anh chỉ chở em tới bãi Sỏi rồi em tự nhặt nhé? Anh phải ra Cam Ranh giải quyết công việc với người ta, đồng ý chứ? 

Chị nói:

- Dạ, mình tùy cơ ứng biến đi anh!

Xe ra tới đầu đèo, hương Thông thơm dìu dịu, thoảng bay trong nắng sớm. Bình mình thật yên ả... Sương mù lảng đảng qua thung lũng rồi dần tan loãng trong nắng mai…tất cả như bức tranh sơn thủy khiến lòng người trầm mặc nhiều cảm xúc khó tả.

Đến lưng chừng đèo bỗng nhiên những thác nước nho nhỏ xuất hiện như những làn chỉ bạc lấp loáng  dưới ánh nắng chói chan, chúng tràn chảy song song với nhau, trên những vách đá sừng sững. (Khiến chị liên tưởng đến những niềm vui từng len lỏi trong cuộc sống của hai người, mà khởi đầu rất mong manh trước những thách thức to lớn của đời sống đầy bất trắc, lo toan).

Nhờ vô số những dòng thác nhỏ thấp thoáng ẩn hiện trong trùng trùng, điệp điệp của núi rừng, mà cho đến bây giờ, đã cuối mùa khô rồi, vẫn còn có những con suối lớn có, nhỏ có, ngắn có, dài có... trong xanh, uốn quanh, chảy róc rách ven sườn núi hay dưới những thung lũng mướt xanh.

Rãi rác trên cao, dưới thấp có những phiến đá nuôi đầy địa y: đỏ, xanh, nâu, trắng... rất quyến rủ, làm nên nét chấm phá cho thiên nhiên thêm phần tươi đẹp. Ngắm nhìn địa y, tâm hồn chị òa vỡ nhiều cung bật cảm xúc, trong ký ức của chị tràn đầy những chuỗi yêu thương, làm nên nhựa sống cho gia đình nhỏ của mình ngày nào lại hiện về.

Rồi phía trước có những bờ đá rịn mồi hôi lấp ló ven đường, khiến lòng chị chùng xuống, liên tưởng đến nỗi lao nhọc hàng ngày của anh trước kia...

Ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp mà lại liên tưởng đến chuyện lòng của mình thì có nên không nhỉ? Chị bỗng thấy mình thật ngớ ngẩn!?

 
****


Đường Đèo chấm dứt bởi một cây cầu. Đoạn suối trước và sau chân cầu là bãi đá cuội kéo dài vài cây số, trông rất đẹp! Thích quá đi!

Anh thả xe chạy vào xóm nhỏ ven suối để tìm đường xuống bãi đá cuội. Rồi thì lối mòn, len qua con dốc khúc khuỷu hiện ra. Hình như đây là lối đi uống nước của bầy gia súc?

Trời nắng chang chang, anh không nở để chị một mình nơi hoang vắng mà chạy đi lo công việc của mình, nên gọi điện thoại khất hẹn lại ngày mai. Cả hai cùng lần xuống dòng suối lớn, lòng suối được chia thành hai dòng chảy bởi từng lớp, từng lớp đá cuội đủ mọi kích cở, đủ mọi hình thù, nhiều màu sắc đậm nhạt …ngổn ngang, chồng chồng, chất chất lên nhau.

Những viên đá cuội ấy làm cả hai ngẩn ngơ, nó như hiện thân của những kỷ niệm vui, buồn gắn chặt, xếp lớp trong tâm tưởng của họ về cuộc sống chung ngày nào.


Ngày xưa, trước khi sống chung với nhau anh nói: "Đời sống vốn khó khăn, ngắn ngủi, có khi không vui, chúng mình đừng mất thời gian cải cọ hay giận hờn nhau em nhé! Nếu mình giận nhau suốt đời được thì hãy giận, để khỏi mất công hòa giải, em đồng ý không?". Quả thật! họ rất yêu thương, sống hòa thuận với nhau, đến độ họ không đủ can đảm nhìn thấy khuông mặt bí xị của nhau nổi năm phút! Cho đến khi xảy ra chuyện "tày đình" của anh, thì đã có lúc họ như hai viên đá lặng lẽ ở bên nhau, mà trong lòng chị thì sôi sục dung nham hờn giận.

Dưới nắng gắt, anh chị lại lúi húi bên nhau, chọn lựa những viên đá cuội. Họ xuýt xoa khi tưởng tượng ra một hình thù ngộ nghĩnh nào đó từ đá cuội. Họ tìm thấy sự đồng cảm và họ cùng muốn trái đất ngừng quay!

Mồi hôi bết những lọn tóc lòa xòa của chị lại khiến anh chạnh lòng. Anh gom đá vào bao, khệ nệ mang ra xe và dặn chị:


- Những lần sau đi có một mình, em mua ít bánh kẹo, trái cây, nước uống mang theo, rồi vào xóm, nhờ trẻ con rủ nhau ra bãi nhặt đá giúp em nha? Con nít ở quê thích ăn quà vặt lắm, em cho chúng thêm tiền mua sách vở nữa là ổn, em à.

Chị đồng tình:

- Dạ, em sẽ nhờ trẻ con nhặt đá dùm, còn em vào bóng mát ngồi , phân loại đá tại chỗ luôn, anh nhỉ?

 
*****

Sau đó, họ chở đá mang gởi cho một quán café, rồi chạy ra Nha Trang thì vừa chính ngọ.

Anh cho xe chạy chầm chậm dọc bờ biển để chị tận hưởng không khí mằn mặn. Trùng dương xanh biếc, chất chứa bao kỷ niệm vui buồn của chị. Buồng phổi căng phồng gió biển, trái tim loạn nhịp bởi những cảm xúc mâu thuẩn đan xen vào nhau.

 Anh tấp xe vào một bóng râm, ở khúc biển vắng khách rồi khuyến khích chị :
- Em xuống biển đi, nghịch nước một chút cho thỏa lòng.

Chị chạy ào xuống bãi cát ướt, viết tên những người thân của mìnhvới những lời cầu chúc dễ thương, gởi cho sóng biển cuống cả yêu thương, nhung nhớ, kỳ vọng của chị về họ vào lòng đại dương. Đó là thói quen đáng yêu rất đỗi hồn nhiên của chị, mà anh không bao giờ quên được.

Anh bước theo sau chị, dõi theo ngón tay thoăn thoắt của chị đang vẽ trên cát những hình thù ngộ nghĩnh, những câu văn gảy gọn... lòng dâng tràn cảm xúc… Chị bao giờ cũng thế! Hay nghĩ cho người khác hơn là cho bản thân mình! Nhớ lại, mỗi lần anh xin lỗi chị điều gì, chị thường tìm lỗi của mình trước để chống chế cho anh. Ngay cả khi anh xin lỗi chị về cái chuyện "tày đình" anh vấp phạm, chị không biết chống chế làm sao, nên bảo: "Anh hãy sống cho thật hạnh phúc, không nên gây khổ đau cho người khác nữa, anh à!

Bỗng nhiên anh hỏi chị:


- Em đang thỉnh nguyện với biển chúc phúc cho Dòng Sông Lặng Lẽ của em … là sao... nhỉ?

Chị gởi ánh mắt nhòa hơi cay ra khơi xa, nói nhỏ:

- Chỉ là một thi nhân mà em ngưỡng mộ. Trong trí tưởng của em, người ấy trôi bềnh bồng từ cõi phúc sang cõi xa xăm, rất mơ hồ...

Anh nhíu mày:

- Em thật ngờ nghệch! Sao tự làm khổ mình vậy?

- Trái tim có nhiều ngóc ngách lắm, cho dù nó có để lại dấu vếtđi chăng nữa... nhưng đôi khi lý trí cũng không lần mò ra nổi lộ trình của nó đâu anh ! 


- Thế em tính sao? Chị cười khẻ :

- Em chẳng có tính toán gì cho mình cả! Chỉ mong Dòng Sông ấy không còn Lặng Lẽ, lại thật êm đềm, trong xanh, rợp bóng mát là được rồi!

Anh thở dài, ngao ngán cho chị:


- Anh mong em luôn bình an.

Họ lại thinh lặng, lắng nghe tiếng lòng mình. Chợt anh nói:

- Ước gì trái đất ngừng quay em nhỉ?

Chị mĩm cười :

- Đó chỉ là giấc mơ xưa, xa vời vợi rồi... cụ già ơi!


Mắt anh bỗng rơi vào cõi xa xăm, phiến sầu làm đôi vai chị so lại, rủ xuống! Cả hai như ngụp lặng trong nỗi buồn riêng. Một lúc sau chị đánh thức bổn phận của mỗi người:

- Lên thôi anh! Em ra quán café thư giản, còn anh về nhà lo công việc!

Thấy anh ngần ngừ, chị nói tiếp:

- Ưu tiên cho công việc, vì đó là cuộc sống của gia đình thứ hai của anh mà! Đừng bận tâm, em tự lo cho mình được... Anh bực mình:

- Nhưng anh thấy không yên lòng? Hãy cho anh địa chỉ những người bạn của em, anh chở em tới nhà họ luôn cho khỏe...

- Em nghĩ tới nhà không tiện, cứ mời nhau ra quán café hàn huyên là được rồi, anh à!

Dùng dằn với nhau một hồi thì anh cũng đành chìu lòng, chở chị ra quán café, rồi vội về với công việc.

Chị lửng thửng tìm chỗ ngồi, thả hồn vào những suy tư mông lung về cuộc sống, về tình người.


Cảm giác trống vắng lan tỏa. Ước gì trong ký ức của anh "trái đất mãi ngừng quay". thì có lẽ giờ đây các con của chị đã trưởng thành tốt đẹp hơn, bởi chúng được lớn lên trọn vẹn trong tình thương và trách hiệm của bố mẹ.

Chị thầm nhủ: "Chuyện đã qua rồi! "Trái đất vẫn quay" mà! Mọi sự trong cõi tạm này đều vô thường cả! Hãy thuận theo tự nhiên.

                                                                                     Nấm Hương
                                                                       Dalat, 10.07.2013

READ MORE - TRI KỶ (Viết cho Dòng Sông Lặng Lẽ) - truyện ngắn Nấm Hương

ÔNG CHỦ VÀ ĐÀN CHIM NHỎ - Đinh Thanh Hải



Bốn con chim bồ câu ao ước sao khách đừng đến, hoặc khách đến thì luôn mang theo thật nhiều đồ nhắm và không ai nhớ đến bốn con chim bé nhỏ tội nghiệp nằm ở ngoài nhà kho.

Mặt trời lên cao trên đỉnh đầu, ông chủ đang loay hoay làm cá, làm lòng … bốn con chim mắt sáng lên và reo mừng rộn vang cả nhà kho: ôi ông chủ không làm thịt chúng ta nữa rồi, ông ấy đang làm mồi cá cùng lòng heo.

Một lúc sau thì mọi người dần kéo đến ngồi đông cả một cái bàn ở giữa sân. Có người còn mang theo 10 con chuột, mấy cái tré của xứ Huế ... Bữa tiệc bắt đầu rộn ràng, họ nâng ly chúc nhau vui khỏe và hát hò thật vui … họ khen mồi chuột nướng này ngon, mồi cá nục nước lá chuối thật tuyệt ...

Nhưng niềm vui chợt tắt lịm khi ông chủ nói với ông bạn: Ê mi ra mần thịt mấy con bồ câu đi, tau đi hoài nên không chăm sóc được, sợ tụi hắn chết vì đói.

Nhiều người can là mồi nhiều rồi, đừng làm nữa … Ông chủ vẫn cương quyết phải làm thịt mấy chú chim bồ câu chứ không nuôi thêm một ngày nào nữa.

Ông bạn kia bắt hai chú chim ra làm, hai con chim khác ngồi nhìn bạn bị giết thật đau đớn, tụi nó oán than: Sao không giết hết một lần, mà bắt hai chú chim còn lại phải chứng kiến cảnh tang tóc này, họ lấy cái dao và đánh mạnh vào đầu, chú chim re máu và chết ngắc ... Hai chú chim chết vậy mà còn nhẹ nhàng hơn hai chú chim còn sống trong lồng . 



Hai chú chim nhắm mắt và hát bài ông chủ và đàn chim nhỏ: “ Rồi người chủ âm thầm mang  rượu mang chim trở về. Lề đường bầy chim không thù không oán hót cho người nghe. Rượu nồng thịt thơm bao người nâng chén no say đùa vui . Đâu biết chim ngậm ngùi ... "

Đang hát nhưcầu kinh thì tiếng ông chủ lại vang lên, ê mi làm hết luôn đi, răng mi để cho hai con kia chứng kiến bạn chết như vậy? Hãy giết luôn đi …

Ông chủ kể chuyện cho mọi người cùng nghe: Ngày xưa cái thời vượt bên ra nước ngoài rầm rộ lắm, đôi chiếc tàu không may gặp cướp biển, chúng lên cướp và hiếp dâm phụ nữ … nhưng người phải đau khổ không phải là phụ nữ mà chính là các ông chồng, tụi cướp biển thay nhau hiếp vợ họ, có những cô vợ lại cong mình lên đón nhận, mắt nhắm vì đê mê … hỡi ơi, tụi cướp biển tàn bạo kia, xin hãy giết hết đàn ông chúng tôi đi còn hơn.

Cuối cùng thì đàn chim nhỏ cũng được chết, chúng nó đã đoàn tụ cùng nhau nơi cõi khác, nơi đó không còn con người ăn thịt những chú chim.

Sài Gòn 01-07-2013
READ MORE - ÔNG CHỦ VÀ ĐÀN CHIM NHỎ - Đinh Thanh Hải