Chiến tranh Việt Nam đã lùi xa mấy mươi năm rồi, nhưng trong tâm thức của những người từng sống qua cuộc chiến như vẫn còn in hằn bao vết đau nhức nhối. Nhà thơ Phạm Tường Đại (hội viên VHNT Bình Thuận) - hồi còn sinh tiền, tuy đã gần tuổi 80, nhưng luôn lạc quan yêu đời, thế mà trong thơ ông vẫn vương mang nỗi buồn chiến cuộc. Xin mời đọc bài thơ "KHI CON RA ĐỜI" của Phạm Tường Đại qua cảm nhận của La Thuỵ
Nhà thơ Phạm Tường Đại
(1930 - 2008)
“Đau đớn thay phận đàn bà”
Câu thơ Kiều như tiếng thở dài trầm uất,
bất chợt hiện ra đè nặng cảm xúc tôi, lúc mới thoạt đọc bài thơ “Khi con ra
đời” của nhà thơ, nhà giáo kỳ cựu Phạm Tường Đại - đăng trên tuyển tập Văn nghệ
Hàm Tân số tháng 7/1997 ( sau đó đăng trên VĂN NGHỆ BÌNH THUẬN ).
Lẽ ra sau những tháng ngày hoài thai mong
đợi, đứa trẻ ra đời ắt hẳn phải là niềm vui vỡ òa cho người sản phụ. Thế nhưng
ngay từ khổ thơ đầu, ta chỉ thấy sóng lòng cuộn dâng của một niềm đau mênh mang
biển thẳm, cùng từng suối nước mắt ắp chứa sông đầy, qua “nỗi mẹ” hằng đêm,
trong khi bóng dáng người chồng - người cha lại biệt vô âm tín.
Khi con ra đời
Biển chập chùng sóng vỗ
Mây chiều nhuốm sắc da cam
Và dòng sông đựng đầy nước mắt
Chảy vào nỗi mẹ đêm đêm
Phải chăng, dòng sông nước mắt ấy bắt nguồn từ một
mối tình vụng dại: trong một phút tin yêu, người phụ nữ nhắm mắt trao thân,
nhưng tình lang rồi xoải cánh bay xa, tặng lại nợ đời để riêng người lỡ phận
phải quặn lòng nặng gánh đa mang trước miệng thế gian cay nghiệt? Hay đây là
kết tinh của những tháng ngày hạnh phúc bên nhau, với bao kỷ niệm lấp lánh
không phai nhưng vấp phải một tình huống khắc nghiệt nào đó mà trong giờ khai
hoa nở nhụy, người cô phụ phải “đi biển mồ côi một mình”…? Vâng,
có nhiều tình huống, nhiều nguyên nhân gây nên cảnh bi ai : con ra đời
không cha và còn lại nỗi đau oằn oại cho riêng người cô quả hứng chịu. Cảm xúc
ban đầu bất chợt là thế. Song, càng đọc tiếp bài thơ, cảm xúc của tôi dần
chuyển biến
Khi con ra đời
Biển chập chùng sóng vỗ
Mây chiều nhuốm sắc da cam
Những câu thơ trên không chỉ lột tả
“nỗi mẹ” chập chùng với sóng biển lòng chao động vỗ bờ, trong sắc chiều ảm đạm
thê lương của một ngày u uất. Chúng còn tả chân một hiện thực cuộc sống, con ra
đời trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ : biển động mất mùa và cảnh trời báo
trước tai ương giông bão. Thiếu cánh tay mạnh mẽ, rắn chắc của người đàn ông,
trụ cột gia đình- chống đỡ, nỗi đau của mẹ càng xoáy mạnh vào tim óc khi phải
vật vã lo toan đến cảnh thiếu đói nay mai.
Nhưng cha đâu mà không cùng mẹ chia
sẻ trập trùng gian khó, trong và sau giờ “vượt cạn” này ? Phải chăng chính
chiến tranh tàn khốc mới là tác nhân chủ yếu chia cắt hạnh phúc gia
đình. Đúng thế, khói lửa chiến tranh đã ném cha tung cha vào phương trời mù
mịt, không hẹn ngày về. Tuy tác giả Phạm Tường Đại không phác họa dù đôi nét mờ
nhạt về cha, nhưng tôi vẫn cảm nhận rằng cha - người trai thời chiến đã lên
đường theo tiếng gọi Tổ quốc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. “cổ lai
chinh chiến kỷ nhân hồi”. Và hình ảnh “mây chiều nhuộm sắc da
cam” dường như là hình ảnh đọng lại trong tâm tưởng mẹ khi hoài niệm
đến cảnh biệt ly trong ráng chiều u uẩn. Phải chăng hồi quang của hoàng hôn ly
biệt đang là hồi ức làm chao đảo tâm hồn mẹ khi chạnh lòng dõi mắt về chân trời
ngóng mong tin nhạn. “hoe vàng thì gió, hoe đỏ thì mưa”- (tục ngữ),
sắc màu da cam là sắc màu tổng hợp hòa quyện của vàng và đỏ, của gió phũ phàng
và mưa bất trắc, báo trước giông bão tàn khốc thiên tai. Sắc màu da cam còn là
biểu tượng của chất độc khủng khiếp tàn hại môi sinh, báo trước hiểm họa của
một cuộc chiến tranh hủy diệt tai ương. Vì sự sống còn của đất nước, cha đã
băng mình vào dông bão thiên tai và chiến tranh địch họa để lại cô đơn khắc
khoải, đau khổ mong chờ , dằn vặt lo toan … cho nỗi mẹ vô bờ.
Khi con ra đời
Câu hò khuya đứt đoạn
Đồng vắng tiếng chim sâu
Đạn cuồng toé lửa ngọn cau
Lời ru bốc cháy hai đầu võng đưa
Vâng , không chỉ còn là điềm dữ báo trước
nữa, chiến tranh đã phủ chụp tang tóc lên đất nước, đã vùi dập quê hương. Ngày
con ra đời đâu còn êm ái nhịp nôi đưa cùng ngọt ngào tiếng ru mẹ, ngày con ra
đời đâu còn tiếng chim sâu ríu rít chuyền cành cùng bóng dừa nghiêng cau thẳng
xỏa tóc dài bay trong gió sớm của một thời thanh bình êm ấm. Lửa đạn cuồng điên
đang lem lém cháy xém hai đầu võng làm đứt quãng tiếng hò khuya dìu dặt. Tiếng
“à ơi” trong lời ru mẹ trở nên uất nghẹn. Khói bom man rợ đã xua tan tác chim
muông. Vườn tược, nhà cửa, ruộng đồng đổ nát tan hoang. Khi con ra đời, mẹ đã
phải chui rúc trong các hào rãnh, trong các hầm hố đào vội. Mẹ đã lấy thân mình
che chắn bom đạn cho con. Mẹ đã phải ấp ủ cho con khô ráo khi hầm lầy lội mưa
tuôn. Mẹ phải hà hơi thổi ngạt khi con sặc sụa khói bom.
Khi con ra đời
Cây sầu đâu rụng lá
Nước mắt dòng sông bầm lệ đá
Ôi! Khi con ra đời tiết trời đông giá, cây trụi lá trơ
cành. Mẹ phải trần thân chịu rét để con có nhiều lớp áo bọc ấm người. Khi con
ra đời quê hương tang tóc đau thương. Dòng sông nước mắt từng đã xối xả tuôn
đổ, dấu lệ theo năm tháng in bầm sâu cứng hằn nhiều rãnh dài trên khuôn
mặt mẹ. Mẹ vẫn chờ mong cha, dầu chỉ là một tin báo tử. Nhưng nay mẹ không còn
nước mắt để khóc nữa. Nước mắt như đang chảy ngược vào tim mẹ. Nỗi đau đến tột
cùng . Nỗi đau đang hóa đá. Lòng mẹ thật hoang phế điêu linh.
Mẹ chợt hiểu
Cái giá ngàn đêm phải trả
Cho một tiếng gà
Một tiếng khóc oa oa
Là cuộc đời
Những đứa trẻ không cha
Nỗi đau chập chùng bao trùm lấy mẹ
Tưởng sẽ làm mẹ quỵ ngã. Không! Vì con, vì chồng, vì xóm làng quê
hương, vì lẽ sống đời mẹ … mẹ vẫn trụ vững. Mẹ vẫn dũng cảm sống và dám ngang
nhiên đương đầu với nghịch cảnh. Bởi qua nhiều đêm dài thao thức cùng nỗi đau,
mẹ hiểu rằng : dù mưa bom lửa đạn đang cố hủy diệt, dù gian khó chập chùng đang
đày ải, bất chấp tất cả con đã được sinh ra, bất chấp tất cả con đang tồn tại,
“thép đã tôi thế đấy” con rồi sẽ trưởng thành và vượt lớn .
Để giữ gìn một tiếng gà êm ả tục tác ban
trưa cùng những quả trứng hồng xinh trên ổ, để giữ gìn một tiếng gà lanh lảnh
gáy sớm, báo hiệu một sáng mai hồng thanh bình đang trở lại, để cho tiếng khóc
oa oa chào đời của các thiên thần nhỏ bé không còn bị bóp nghẹt bởi chiến tranh
phi nhân nên cha đã xông pha vào dông bão đạn bom quyết gìn giữ an lành cho từng
tấc đất quê hương. Dù tan nát ruột gan, mẹ không thể đầu hàng số phận nghiệt
ngã. Bằng một sức bật hiếm có, mẹ đã trỗi dậy. Bằng một nghị lực phi thường mẹ
đã đứng thẳng lên. Công việc nặng nhọc do người đàn ông đảm trách trước đây,
bây giờ dồn trút hết lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Không quản chân yếu tay
mềm, mẹ dốc sức làm việc gấp hai, gấp ba năng lực vốn có, để cho tiếng gà, tiếng
lợn vẫn rộn ràng reo vang , để cho tiếng nghé ọ nên thơ gọi mẹ vẫn âm vang trên
đồng cỏ, để tiếng gà vẫn hùng dũng cất cao báo sáng, để quê hương vẫn rợp bóng
tre làng, cau dừa vẫn xạc xào mơn man cùng gió lộng, để lúa vẫn xanh cây và
vàng ươm hạt chín.
Những đứa trẻ không cha như con Mẹ, dù chịu nhiều
mất mát đau thương nhưng hãy ngẩng cao đầu hãnh diện, tự hào. Tự hào vì cha đã
dâng hiến máu thịt mình cho Tổ quốc, nhờ vậy mà cây đời luôn đơm hoa thơm và
kết quả ngọt. Hãnh diện vì Mẹ thật vĩ đại, thân phận đàn bà không còn là cuộc
đời tối tăm tủi nhục và cam chịu mà ngược lại là tấm gương ngời sáng để
muôn đời ngưỡng mộ, bái phục.
La Thuỵ
1 comment:
QUẢNG TRỊ ƠI! TÔI BIẾT NÓI GÌ ĐÂY???
81 NGÀY ĐÊM, ĐẠN BOM ĐỊCH CÀY XỚI TỪNG GỐC CÂY, NGỌN CỎ....
CẢ THÀNH CỔ UY NGHI, BỖNG HOANG TÀN SỤP ĐỔ.
NƯỚC MẮT NHẠT NHÒA, AI OÁN NHỮNG VONG LINH....
Post a Comment