Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên
NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ
TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 22)
70) 肝肠寸断 [can trường thốn đoạn] (ruột đứt ra từng đoạn) là thành ngữ tiếng Hán. Đó là cách nói tỉ dụ
chỉ sự thương tâm đến cực điểm.
Cận nghĩa với thành ngữ này là: 心如刀割 [
tâm như đao cát] (lòng đau như cắt) 痛不欲生 [thống bất dục sinh] (đau khổ không thiết sống nữa). Trái
nghia với nó là các thành ngữ: 心花怒放 [tâm hoa nộ phóng] tương đương với các thành ngữ tiếng Việt: mở cờ trong bụng / nở gan nở ruột 喜气洋洋[hỉ
khí dương dương] tương tự như niềm vui dạt
dào/ tưng bừng vui nhộn.
Như đã nói khi cần diễn
tả nỗi đau đớn, khổ sở, xót xa đến cực độ, người ta thường hay dùng thành ngữ
“đứt ruột đứt gan” để mô tả. Ví dụ: “Cứ trông thấy cảnh mẹ con nhà nó chịu đói
khát, nhà chẳng còn gì, có khi phải ăn cháo cám cầm hơi, tôi thương đến đứt ruột
đứt gan”
(Tổng
tập Văn học Việt Nam).
Nhưng từ đâu mà dân gian lại có sự liên tưởng như vậy nhỉ? Bởi
nếu nói đến sự đau đớn thì có thể có nhiều bộ phận thân thể được đem ra ví von
(như tay, chân, đầu… chẳng hạn) chứ đâu cứ chỉ là ruột gan?
Có một xuất xứ liên quan câu thành ngữ này.
Theo Từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc
(Lê Huy Tiêu dịch, 1993) thì vào đời Tấn (266-420 sau Công nguyên, một trong
sáu triều đại hậu Tam Quốc bên Trung Hoa, với sự “thống nhất sơn hà” của Tư Mã
Viêm), có một vị quan tên là Hoàn Ôn. Một lần Hoàn Ôn dẫn quân đi chinh phạt,
hành binh ngược dòng sông Tam Hiệp. Dọc đường, quân sĩ bắt được một chú khỉ con
đang lang thang ở vách núi và bỏ vào thuyền đùa rỡn. Khỉ mẹ thấy con bị bắt, liền
men theo bờ sông và cứ thế khóc gào, rất thảm thiết. Tuy mệt và sức yếu, khỉ mẹ
vẫn cố đuổi theo thuyền của quân sĩ đến hơn 100 dặm (dặm: đơn vị đo độ dài cũ =
444,44m) và ráng hết sức bình sinh nhảy được lên thuyền. Nhưng khỉ mẹ cũng chỉ
cố gắng được đến thế. Nó gắng gượng nhìn đứa con thân yêu lần cuối rồi lăn ra
chết. Quân sĩ của Hoàn Ôn rút gươm mổ bụng khỉ mẹ và kinh ngạc thấy tất cả ruột
của khỉ mẹ đều bị đứt ra từng đoạn. Người đời sau cùng thành ngữ “can trường thốn
đoạn” (can: gan, trường: ruột, thốn/ đoạn: đứt, có nghĩa là “ruột gan đứt từng
đoạn”) để chỉ nỗi đau thương quá mức bình thường, không sao tả xiết. Trong cuộc
sống, chúng ta ai cũng từng có niềm vui khôn cùng nhưng đôi khi cũng có cả nỗi
đau khôn tả. Nỗi đau đó, người đời phải lấy hình tượng “gan ruột đứt ra từng đoạn”
để ví mới xứng đáng:
Nỗi đau khỉ mẹ ngày xưa
Mà ta vẫn thấy như vừa hôm
qua…
[Dẫn theo PGS – TS Phạm Văn Tình (FB Tình Pham Van) Tổng thư
kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam]
Cụm từ “đoạn trường” (đứt
ruột) được dùng nhiều trong văn học.
Trong Truyện Kiều, nhiều lần Nguyễn Du cũng không ít hơn ba lần
dùng cụm từ "đoạn trường" (đứt ruột) để mô tả nỗi gian truân, khổ cực
khôn cùng của nàng Kiều trong cuộc đời trầm luân dâu bể của mình.
Chẳng hạn:
Nàng càng ủ dột thu ba
Đoạn trường lúc ấy nghĩ
mà buồn tênh;
Hoặc:
Đoạn trường sổ rút tên
ra
Đoạn trường thơ phải
đem mà trả nhau;
Hoặc:
Ví đem vào tập đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai;
Có một bài thơ cổ được cho là của Tề Cẩm Vân
đời Minh:
Tặng biệt Phó sinh
Nhất
xuân dao vạn lý tình,
Đoạn trường phương thảo đoạn trường oanh.
Nguyện tương song lệ đề vi vũ,
Minh nhật lưu quân bất xuất thành.
Có thể dịch
hay diễn giải bài thơ thế này:
(Trong buổi chia tay hôm nay) một chén (rượu) xuânr m à mang tình nghĩa vạn
dặm
(Đến) cỏ cây, (đến) chim oanh cũng đau xót
(Thiếp) xin lấy hai dòng nước mắt làm mưa nhỏ
Giữ chàng, không để chàng ngày mai đi khỏi thành
Nhưng
tương truyền, tác giả bài thơ là Trương Mỹ Dung - là một cô gái xinh đẹp. Một
viên quan muốn chiếm nàng, bị nàng cự tuyệt, tìm cách để cha nàng phải đi tù.
Viên quan trẻ Phan Trung biết chuyện, cứu cha nàng, và được ông gả con gái cho.
Sắp đến ngày cưới, Phan Trung phải vâng lệnh quan trên đi làm công vụ. Trong bữa
rượu tiễn đưa, Trương Mỹ Dung có bài thơ này.
Chén
xuân chan chứa bao tình
Cỏ thơm xơ xác, con oanh thẫn
thờ
Sớm mai chàng đã đi chưa
Xin đem nước mắt làm mưa giữ
chàng
Bản
dịch trên của nhà thơ Nguyễn Bính mà nhiều người cho là hay hơn cả nguyên tác.
Chỉ tiếc mỗi câu đầu, còn hơi sáo một chút. Ba câu sau thì thật đặc sắc. Cùng chữ
“đoạn trường” mà dịch là xơ xác dùng cho cỏ, thẫn thờ dùng
cho oanh là một sáng tạo đặc biệt. Hai chữ vi vũ, nhà thơ không dịch
sai là mưa lớn như bản có người đã dịch, cũng không dịch sát mưa
nhỏ nguyên bản, mà chỉ dịch mưa, thật là tài. Hai câu ba và bốn
còn được đổi chỗ cho nhau để chuyển một cách phóng túng từ câu khẳng định
ở nguyên bản thành câu nghi vấn ở bản dịch. Xuất thành (đi khỏi thành)
được giản lược để dịch thành đi cũng hợp lý.
Như vậy là Nguyễn Bính còn
thể hiện nghệ thuật thơ độc đáo của mình ở một bản dịch có thể nói là tài hoa.
(71) 开天立地[Khai thiên lập địa]
(Khai thiên lập địa)
Đây là thành ngữ tiếng Hán, tiếng Việt mượn nguyên dạng. Thành ngữ bắt
nguồn từ thần thoại Bàn Cổ khai thiên lập địa của Trung Quốc.
Theo Lão giáo, Bàn Cổ là thủy tổ của loài người, do Trời sanh
ra. Theo Tam Hoàng Thiên Kinh, sự tích Bàn Cổ như sau:
Tại núi Côn Lôn có một cục đá lớn
đã thọ khí Âm Dương chiếu diệu rất lâu đời, nên đã thâu được các tính linh
thông của vũ trụ mà tạo thành thai người. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần, một
tiếng nổ vang, khối đá linh ấy nứt ra, sản xuất một vị Linh Chân hy hữu,là Thần
mang hình hài như con người được gọi là Bàn Cổ.
Vừa sinh ra thì vị ấy tập đi, tập chạy, tập nhảy, hớp gió nuốt
sương, ăn hoa quả, dần dần lớn lên, mình cao trăm thước, đầu như rồng, có lông
đầy mình, sức mạnh vô cùng. Một ngày kia, Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt gặp một
cái búa và một cái dùi ước nặng ngàn cân. Bàn Cổ, tay phải cầm búa, tay trái cầm
dùi, ra sức mở mang cõi trần.
Thuở đó Trời Ðất còn mờ mịt. Ngài ước cho phân biệt Trời Ðất
thì nhân vật mới hóa sinh được. Ngài ao ước vừa dứt tiếng thì sấm nổ vang,
Thiên thanh, Ðịa minh, vạn vật sinh ra đều có đủ cả.
Ngài liền chỉ Trời là Cha, chỉ Ðất là Mẹ, muôn dân là con.
Ngài chính là tôn chủ sáng lập thế gian, nên cũng gọi Ngài là Thái Thượng Ðạo
Quân. Ngài tự xưng là Thiên tử, tức là con Trời,
cai trị muôn dân. Ngài là vị vua đầu tiên của cõi thế gian nên gọi Ngài là Hỗn
Độn thị.
"Ngày xưa khi Bàn Cổ chết, đầu biến thành bốn ngọn
núi, hai mắt biến thành mặt trời và Mặt Trăng, mỡ biến thành sông biển, râu tóc
biến thành thảo mộc. Thời Tần và Hán, dân gian kể rằng đầu của Bàn Cổ là Đông
Nhạc, bụng là Trung Nhạc, tay trái là Nam Nhạc, tay phải là Bắc Nhạc, và hai
chân là Tây Nhạc. Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của Bàn Cổ là sông,
hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh sáng."
(Theo từ điển Wikipedia mở)
Trong tác phẩm Trâu thiến, Mạc Ngôn viết:
当时可没想到是食物中毒,自打盘古开天立地,三皇五帝到如今,我们那儿还没听说食物还能中毒。
(Nói
một cách thực lòng, lúc ấy mọi người không hề nghĩ đến khái niệm
ngộ độc thức ăn. Từ khi Bàn Cổ
khai thiên lập địa, trải qua Tam Hoàng Ngũ Đế cho đến nay, đây là
lần đầu tiên chúng tôi mới biết là ăn uống có thể bị ngộ độc.)
Tiếng Việt mượn thành ngữ này
theo lối nguyên dạng.
Từ điển Hoàng
Phê không chú mà chỉ giải thích: Khai thiên lập địa: Lúc bắt đầu có
trời đất, theo truyền thuyết, thường dùng để chỉ thời kì xa xưa nhất. Từ khai thiên lập địa đến nay (từ xưa đến
nay) [tr. 490]
(73) 黄粱一梦
[Hoàng lương nhất mộng] (giấc mộng hoàng lương / giấc mộng kê vàng)
Hai chữ 黄粱 "Hoàng
lương" là chỉ hạt kê. Ý của câu thành ngữ này dùng để ví với
sự mơ tưởng viển vông và những ước mong không thể thực hiện được.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ 枕中记"Chẩm trung ký" của
Thẩm Ký Tế triều nhà Đường.
Truyện rằng, ngày xưa có một chàng thư sinh nghèo họ Lư. Một
hôm, chàng vào nghỉ trong một nhà trọ ở Hàm Đan thì tình cờ gặp
đạo sĩ Lã Ông, chàng không ngớt lời than phiền với đạo sĩ về cuộc
đời nghèo khổ của mình. Đạo sĩ Lã Ông nghe vậy bèn rút một chiếc
gối từ ống tay áo ra nói với thư sinh rằng: "Anh hãy gối đầu lên
chiếc gối này thì mọi việc sẽ được như ý cả ". Bấy giờ, người
chủ quán đang bắc nồi cháo kê, còn thư sinh do vất vả đường trường,
đã nằm gối đầu lên chiếc gối của Lã Ông ngủ thiếp đi.
Thư sinh ngủ được một lúc thì nằm mơ mình cưới được một cô vợ
họ Thôi rất xinh đẹp. Vợ chàng tuy là con gái cưng của một gia đình
giàu có, nhưng lại chăm chỉ và khéo tay, nàng đã giúp chồng thuận
lợi trên bước đường công danh và có với nhau mấy mụn con. Về sau các
con khôn lớn, ai nấy đều có cuộc sống khá giả, ấm cúng, thư sinh lại
có thêm cháu nội cháu ngoại, chàng sống cuộc đời nhàn nhã trong gia
đình đến hơn 80 tuổi rồi qua đời.
Khi chàng thư sinh tỉnh giấc, thấy mình vẫn đang ở trong căn nhà
trọ nhỏ hẹp, sự vinh hoa phú quý vừa rồi chẳng qua chỉ là một giấc
mộng. Nồi cháo kê của chủ quán bắc trên bếp vẫn còn chưa chín.
Câu thành ngữ "Hoàng lương nhất mộng" cũng do đó mà
có.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng "Hoàng lương nhất
mộng" để ví với ảo mộng và những mong ước không thể thực hiện
được.
(Theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc)
Cận nghĩa với thành ngữ này là:南柯一梦[ Nam Kha nhất mộng] (giấc mộng Nam Kha)、白日做梦 [bạch nhật tác mộng] (mơ giữa ban ngày)
Trái nghĩa với thành ngữ này là 如梦初醒。[như mộng sơ tỉnh] (như giấc mơ vừa tỉnh / bừng tỉnh).
Người Việt mượn thành ngữ này
theo lối dịch. Người Việt thường nói “mộng hoàng lương ; mộng Nam Kha”, hay mơ giữa ban ngày là nói về giấc mộng
viển vông.
Báo Tây Ninh online ra ngày 29/4/2018 có đăng bài Giấc
mộng hoàng lương tác giả kết luận:
“Tôi thà không chức quyền, cuộc sống
thanh bạch mà được tự do, ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc còn hơn là có địa vị, ăn
trên ngồi trốc, phú quý giàu sang mà lúc nào cũng cảm thấy bị ràng buộc, ăn cao
lương mỹ vị chẳng thấy ngon, mặc nhung gấm không thấy mát, ở trong “biệt phủ”
mà chẳng thấy yên, đi “siêu xe” mà chẳng thấy an toàn và giấc ngủ dù trong nệm ấm
chăn êm vẫn cứ chập chờn, mộng mị... Lúc nào cũng nơm nớp bất an thì cuộc sống
còn có ý nghĩa gì hả ông?”
Nguyễn Ngọc Kiên