Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 20, 2014

VỀ THĂM ĐAM RÔNG (Trích từ tập DU KÝ) - Lê Liên




Vạn vật sáng dần lên trong nắng sớm, Đoàn Thiện nguyện của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo, Người tàn tật và Trẻ mồi côi của chúng tôi cùng với Báo Thanh Niên lên đường, đang khi thành phố vẫn còn ngái ngủ.

Với tôi, đây là một chuyến đi đặc biệt bởi vì ý niệm trở về thăm lại Đam Rông như hạt mầm  được gieo trong tiềm thức vậy. Hạt mầm ấy cứ lớn mãi, lớn mãi đến chật chội trong ký ức nhỏ nhoi (ngược chiều với năm tháng của tôi)…

Ôi! Chuyện áo cơm, viên thuốc, quyển vở, hiếu hỷ … đã làm cho tôi "mắc nợ" với hạt mầm (nhung nhớ)  về mảnh đất Đam Rông này, qua nhiều năm tháng.

Đam Rông nơi đoàn Thanh niên Xung kích (TNXK) của chúng tôi từng đến xóa nạn mù chữ rồi gởi lại nơi đây 3 đồng đội thân yêu của mình. Thật là đau xót!

Ngày xưa ấy, Sở Giáo dục phát động phong trào “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với  người dân địa phương. Nhưng trong suy nghĩ của tôi “3 cùng” chưa đủ, mà phải là “4 cùng” mới  được! Bởi vì, ngôn ngữ là chiếc chìa khóa diệu kỳ  giúp con người đến gần với nhau hơn! Thế là chúng tôi thực hiện thêm: CÙNG NÓI với người anh em dân tộc thiểu số!

Tất nhiên, ở Lâm Đồng có nhiều dân tộc, nhưng tập trung vẫn là người Kinh, người Koho, người Nùng, người Mạ, người Cil… Vì thế, mỗi khi thay đổi địa bàn giảng dạy, chúng tôi lại học thêm một “tiếng mới” cho thích nghi.

Nhóm chúng tôi có 5 người, dạy ở  Bản DaLa. Ngày ngày tôi hay theo dân làng lên nương rẩy, đi làm thì ít, mơ màng ngoạn cảnh thì nhiều. Nhưng thú vị nhất  là chúng tôi có cơ hội học tiếng dân tộc. Rảnh rang một chút thì lấy giấy ra ký họa những góc sinh hoạt của bà con, bản làng! Thời thanh niên của chúng tôi thật hồn nhiên, sôi nổi, vô tư, tràn đầy nhiệt huyết, chan hòa tình yêu thương dành cho mọi người.

Tôi còn nhớ  khi mùa mưa hoành hành trên vùng cao nguyên này, thì đường đất bị sạt lở, giao thông mất lối, xe  không vào được. Đoàn TNXK chúng tôi gần 3 tháng bị biệt lập với thế giới bên ngoài. Chúng tôi đói cả thể chất (vì thiếu lương thực) lẫn tinh thần vì không có thư của bằng hữu, người thân.  Nhưng bạn nào cũng lạc quan cả.

Thế đó, mấy chục năm trôi qua rồi, tôi không dám đụng đến món bí ngô vàng ươm, hấp dẫn với mọi người… bởi vì ngày ấy, lớp trẻ chúng tôi có BÍ NGÔ ĐỦ MÓN trừ cơm…  ăn đến phát ngấy.


Còn bây giờ, liên tỉnh lộ 27 được tráng nhựa dẫn đoàn lên Đam Rông đi ngang qua huyện Lâm Hà. Nơi đây, thiên nhiên ưu đãi: thổ nhưỡng mầu mỡ, đủ nước và độ ẩm nên cafe đang đậu những chùm quả căng tròn, xanh mướt, nặng trĩu cả cành!

Khi xe vào khu vực Đam Rông lòng tôi bồi hồi, nhớ về thời gian khổ của lớp trẻ chúng tôi. Tôi cũng hồi hộp không biết diện mạo của vùng đất ngày xưa thay đổi ra sao? Náo nức, vui, buồn xen lẫn trong tôi.

Mùa này có những mảng mạ non, vừa được cấy xuống những thửa ruộng nhỏ, uốn quanh theo những thung lũng hẹp, chạy dọc dưới chân những ngọn núi già, phủ xanh cafe.

Dòng Dạ M’Rong hiền hòa vươn mình, uốn khúc, len lõi qua nhiều buôn làng của núi rừng Tây Nguyên. Những ngày nắng thế này, giòng sông không chở nặng phù sa, nhưng cũng khá màu mỡ, đủ nuôi đất, nuôi cây, nuôi gia súc và cả con người, khiến cho dòng nước đùng đục ấy có lưu lượng hơi gấp!

Lưu vực của dòng sông lan rộng qua nhiều núi đồi trùng trùng, điệp điệp chạy dài bên nhau, nhấp nhô nhiều loại cây trồng. Từng mảng bắp, mảng café như được bà con tính toán sao cho cân đối, vừa có cây lương thực để ăn, vừa có cây công nghiệp để có thu nhập tích lũy, tiêu dùng vậy.

Đoàn chúng tôi không có thời gian vào sâu trong buôn, nên không biết bây giờ bà con chăn nuôi gà, heo có nhiều không? Nhưng những đàn bò có vài con bê thì  lác đác bên đường. Thế cũng tốt rồi!

Dọc theo hai bên đường, quán xá mọc lên ! Điều đó cũng có nghĩa là người đồng bào dân tộc đã tiến lên một bước quan trọng! Họ biết tiêu tiền, chứ không còn trao đổi hàng hóa như trước kia nữa. Mừng sao!

Thực vậy, ngày xưa, bản làng nghèo nàn lắm. Dân bản không biết mua bán bằng tiền. Họ chỉ biết trao đổi hàng hóa mà thôi. Một kg muối, một chiếc quần đùi, một chiếc áo, vỹ thuốc… đổi được  một con gà, gùi bắp, những quả  bí v.v….

Do thiếu tinh bột, đạm, đường… lại ở trong môi trường sốt rét, thương hàn, kiết lỵ, bướu cổ nên phần lớn bà con và TNXK hay bị bệnh.

Tôi ngậm ngùi khi nhớ lại lần tôi mang chiếc áo sang nhà bà con dân tộc đổi một con gà về nấu cháo, bồi dưỡng cho cả nhóm. Người đồng bào  nói với tôi rất chân chất:

- Ban ngày còn gà đi chơi rồi! Tối nó về, bạp mế (ba mẹ) mang nó qua cho cô giáo K’ Liên há!

Chúng tôi ra lớp dạy ban đêm, khi về tới, thấy con gà ở sẵn trong nhà rồi, nên lục đục làm thịt gà, nấu cháo. Nấu mãi, nấu mãi tới nửa đêm, thịt cứ trơ trơ săn chắc, chẳng mềm! Thì ra, vì  yêu quý thầy cô, nên họ lựa con gà trống lớn nhất để đổi. Cả nhóm chúng tôi dỡ khóc, dỡ cười vì được thưởng thức con gà trống đã lên hàng cụ tổ của lão làng!


*****

Gần 10 giờ , Đoàn Thiện nguyện mới tới trường Tiểu học Đạ Tông. 550 trẻ em học cấp 1 và 2 đang ngồi đùn lại dưới bóng mát của hàng cây trong sân trường, để chờ chúng tôi. Thương quá đi những đôi mắt đen láy, trong veo với hàng mi dày cong vút, và mắt biết cười đang bẽn lẻn, pha chút tò mò khi nhìn chúng tôi. Những mái tóc đen, lờm xờm khét nắng, hay le ngoe cháy vàng. Các em rụt rè khi chúng tôi bắt chuyện. Các em hồn nhiên cười khi chúng tôi tặng quà. Chúng tôi yêu các em biết dường nào!

Lễ trao học bổng được mở đầu bằng 2 tiết mục văn nghệ, đơn sơ, dễ thương quá! Tan lễ, các em tự động mang ghế nhựa vào lớp học cất gọn. Rồi ríu ra, ríu rít, dắt díu nhau ôm quà về nhà.

Có lẽ, Đam Rông đón Trung thu sớm nhất nước mình, bởi vì hôm nay các em được phá cổ bằng bánh Trung thu. Tiếc là chúng tôi không có lồng đèn tặng các em. Tôi ước gì các em được lớn lên từ học đường và những ngày lễ hội như hôm nay vậy.

Đoàn chúng tôi ra về, với những trận cười rộn rã, mỗi khi bác tài xế chịu khó dừng lại ven đường, để chúng tôi tặng bánh cho trẻ con đi chăn bò, hoặc những cháu bé lơ thơ chơi bên đường, ngơ ngác khi chúng tôi cho bánh, rồi ngây ngô cười, rất tươi.

Ngang qua Nhà Thờ Đá, đoàn ghé vào tham quan, tặng bánh cho tốp con chiên hôm nay đi “trực” (gùi cát và đá ở lòng suối lên tu bổ Nhà Thờ). Họ đang nằm nghỉ trưa, rầm rì chuyện vãn bên nhau. Trông họ thật mộc mạc, đơn sơ khi đón khách lạ.

Chúng tôi ra khỏi huyện Đam Rông thì cơn mưa vừa trờ tới. Mưa như reo vui trên từng quãng đường chúng tôi qua. Mưa mang nước về nghĩa là sự sống đang dâng lên từ lòng đất no nước, hứa hẹn mùa màng bội thu. Còn chúng tôi cũng hân hoan sau chặng đường dài, mang lại niềm vui cho trè con huyện lỵ nghèo nhất nước mình.

Chúng tôi tin rằng ngày mai sẽ tươi sáng hơn khi mỗi chúng ta biết đem niềm vui đến, và san sẻ bớt một chút khó khăn của những người anh em ở vùng sâu. vùng xa.

                                                                                                                Lê Liên                                                                                       (Đà Lạt 19/08/2014)
READ MORE - VỀ THĂM ĐAM RÔNG (Trích từ tập DU KÝ) - Lê Liên

Thơ Võ Văn Hoa - NGƯỢC CHIỀU NHỮNG CON CHIM TRỐN TUYẾT, GHI Ở ĐỀN ĐÔ, ĐÊM ĐÀ LẠT

Tác giả Võ Văn Hoa


NGƯỢC CHIỀU 
NHỮNG CON CHIM TRỐN TUYẾT

Anh ngược chiều những con chim xứ lạnh
Đi về phía trái tim
Ấm nồng Tổ quốc
                       
Những sông Đuống, sông Hồng chảy qua bài học.
Những hoa đào thao thức mầm xuân
Gác Khuê Văn và Lăng Bác
Bài thơ ai tạc đến xanh ngần !
             
Mai anh giã từ Quảng Trị
Đêm nghe trời đổ mưa
Xin chia tay em nhé 
Hỡi em hiền ngoan xưa !
                                             
Anh ngược chiều những con chim trốn tuyết
Lòng rất xanh xanh đến không ngờ !
Mặt trời đỏ - vừng dương soi phía trước
Để bây giờ không thấy lạnh đâu em ...


1994

GHI Ở ĐỀN ĐÔ

Đền Đô, tôi về một sớm
Trời thu Kinh Bắc hương bay
Cổ Đài nghìn năm in dấu
Ơn vua đời Lý sâu dày !
12/10/1997




ĐÊM ĐÀ LẠT

Đêm chùng xuống thung xanh
Một Đà Lạt mờ sương ảo ảnh
Ven Hồ Xuân Hương se lạnh
Bạn cùng tôi rong suốt bao ngày.
                                         
Tháp Vi- ba phản quang
Như Ép - phen của " Pa - ri thu nhỏ " *
Đêm Đà Lạt mới hình dung phố
Một trời hoa cao nguyên

Vó ngựa nào đưa tôi đến cùng em
Hương dạ lan cồn cào nhịp thở
Mai " Xa rồi em có nhớ  ..."  **
Đà Lạt ơi, đêm rộng đến vô cùng 

8-1996

* Người Pháp gọi Đà Lạt là " Le petit Paris " (Pari nhỏ )
** Trích lời bài hát " Thôi nhé Đà Lạt mơ, xa rồi em có nhớ ..."

                                                 Võ Văn Hoa

READ MORE - Thơ Võ Văn Hoa - NGƯỢC CHIỀU NHỮNG CON CHIM TRỐN TUYẾT, GHI Ở ĐỀN ĐÔ, ĐÊM ĐÀ LẠT

NGÀY BÁO HIẾU - truyện ngắn Phan Minh Châu (tiếp theo và hết)

Tác giả Phan Minh Châu


Một cái đầu ló ra, với đuôi tóc dài và gương mặt non choẹt.
- Ông tìm ai?
- Có ông Năm Kha ở nhà không?
- Dạ có, mời ông vào. Cậu bé đưa ông vào trong phòng khách được bày biện sang trong. Dưới bóng đèn lờ mờ ông nhìn thấy xung quanh cơ man là thuốc, những bó lá cây tươi để dành làm thuốc chất ngỗn ngang kín cả con đường ra vào, trên kệ tủ, các loại rễ, củ, và thuốc bào chế sẵn tản hương thơm  ngợp cả căn phòng nơi ông đang ngồi đợi
- Xin hỏi ai vậy ?
- Tôi đây mà, Tư sông nước đây, ông còn nhớ tôi không ?
- Nhớ chứ... nhớ chứ. Anh đến sao không báo trước. Con xuống pha cho ông bình trà, nhớ đun nước cho sôi nhé.
- Đứa nhỏ nào vậy ?
- À... thằng nhỏ học nghề, vừa học nghề vừa giúp việc, cha nó mang gởi mấy tháng nay rồi.
- Bà nhà đâu ?
- À... bà nhà tôi về quê chơi với mấy cháu được mấy hôm rồi, mấy dứa đích thân xuóng đây rước bà nên bà phải đi chứ không thì tụi nó lôi kéo dữ quá.
- Ừ thì phải về quê thăm con cái chứ, ông thật là có phước, con cái đầy đàn đứa nào cũng hiếu thuận.
- Mỗi người đều có một số phận anh à. Anh dạo này ra sao rồi, mấy đứa nhỏ chắc thay nhau chăm sóc cho anh đàng hoàng, tử tế chứ?
  Nghe ông bạn già hỏi vậy, ông Tư bỗng mủi lòng. Mới cách đây chỉ vài ngày ông đã phải ngậm đắng nuốt cay với đám con không ra gì rồi. Nghĩ đến đó ông bỗng trào nước mắt, những giọt nược mắt xót xa cho cuộc đời bất hạnh của mình.
- Ủa... Sao ông lại khóc.
Ông Tư bèn đem toàn bộ câu chuyện gia đình kể cho người bạn già nghe,với một giọng trầm buồn...
- Câu chuyện là như vậy anh Năm à. Tôi tính ở lại chơi với vợ chồng anh một thời gian rồi tính sau.
- Được mà... anh cứ ở đây, muốn ở bao lâu thì ở, mình là cánh bạn bè mấy chục năm nay, anh hiểu tôi nhiều mà tôi cũng hiểu anh, trước đây không nhờ anh giúp đỡ thì tôi cũng đâu có ngày hôm nay.
Đứa bé giúp việc cũng vừa mang trà lên, ông Năm rót một chén cho bạn và một chén cho mình, nâng chén trà ông bạn già mới đưa, ông Tư cảm thấy có một sự ấm áp ngọt ngào như chưa bao giờ có, mặc dù vậy ông cũng đang tính toán cho mình trong thời gian tới, phải làm gì để kiếm sống, để có tiền, với sức khỏe ông như bây giờ thì làm được gì, nhưng cũng phải đi làm không thể để bạn bè khinh khi mình được. Nghĩ đến đó ông bỗng cảm thấy vui hơn. 
Rồi thời gian cũng trôi qua thật nhanh, ông Tư không làm gì cả, ông lẫn quẫn phụ với ông bạn già bốc thuốc, ông Năm nhờ gì ông làm đó, lúc thì đi phơi những bó lá thuốc tươi, lúc thì gói thuốc cho người bệnh, nói chung việc gì ông cũng làm tháo vát, nhưng ở không ngồi rồi ông cũng đâm ra ngại ngùng và chan nản, ông quyết định kiếm chuyện để làm chứ không thể ăn bám ông bạn già tháng này qua năm nọ được, ông đã suy nghĩ rất kỹ và quyết đình nói với ông Năm.
- Ông Năm à.
- Có chuyện gì vậy anh ?
- Ông bổ thuốc cho tôi đi bán đi.
- Anh cứ nghĩ ngơi đi, từ từ hẵn tính.
- Ăn ở không chán lắm. Ông cứ bổ thuốc cho tôi đi bán, tiền lời tôi góp tiền cơm cho ông, còn lại tôi muốn tiêu gì thì tiêu, nhận tiền của ông hòai tôi ngại lắm.
- Thôi được! Có gì thì mai tính, bây giờ ông gói cho tui ít thuốc chút xíu nữa khách hàng đến lấy.
   Đêm đó ông Tư trằn trọc mãi không sao ngủ được. Ông mong sao cho trời mau sáng để thực hiện được ước mơ của mình. Tiếng gà vẫn còn gáy xa xa, không biết bây giờ là canh mấy, ông cảm thấy buồn nẫu ruột. Ông chợt nhớ nhà, nhớ mấy đứa cháu nội, cháu ngoại, không biết giờ này chúng có nhớ đến ông không, nhưng nghĩ lại mình đâu còn nhà nữa đâu mà nhớ, ông cảm thấy buồn thấm thía, một nỗi buồn thắt ruột, nghĩ đến người vợ quá cố không biết trong đám con ông có đứa nào lo nhang lo khói hay không, nghĩ đến đó ông bỗng thiếp đi lúc nào không biết. Trời vẫn còn tối như bưng, xa xa vọng lại tiếng chó tru não ruột, tiếng xào xạc của gió và tiếng lách tách của cơn mưa đầu mùa. Trong giấc mơ, ông mơ thấy mình gặp lại người vợ hiền thục năm nào, được trỡ lại mái nhà xưa nơi một thời ông bỏ công xây dựng, được hưởng cái không khí ấm áp trong lành và tràn đầy hạnh phúc. Gió ngoài trời lớn hơn và mưa cũng nặng hạt hơn ông ú ớ trong giấc mơ.
-Mình ơi, mình ơi.
Giữ đúng lời hứa, khi ông Tư ngủ dậy vệ sinh và ăn sáng xong, đã thấy ông bạn già ngồi chờ trên bộ trường kỷ với bình trà thơm lựng, kề bên là một giỏ thuốc đã được gói sẵn một cách cẩn thận.
- Uống trà đi nào, rồi chúng ta nói chuyện, làm miếng đường phèn cho ấm bụng.
- Ông chuẫn bị thuốc cho tôi chưa?
- Xong hết rồi đây. Đây là một nghìn viên thuốc DƯỠNG NHI được bào chế rất công phu được vo thành tể và rất dễ uống, loại thuốc này giúp cho con nít mau lớn và khỏe mạnh, giá cả cũng vừa túi tiền, ông chỉ cần bán gần gần đây thôi không phải đi đâu xa, dù bán hết thuốc hay còn, khi trời gần tối ông phải liệu mà về nhà ăn cơm và nghỉ ngơi, lỡ có lạc đường thì hỏi thăm, ông chỉ cần nói tới tên tôi thì ai cũng biết.
- Được rồi, cảm ơn ông nhiều, tôi sẽ nhớ lời ông dặn, bây giờ tôi đi được chưa ?
- Uống hết bình trà đã rồi đi, nôn gì, trời vẫn chưa sáng hẵn.
- Thôi được rồi, ông cứ để tôi đi, có gì chiều gặp lai, mà giá cả thế nào không nghe ông nói ?
- Giá thuốc đã có ghi bên ngoài bì thuốc, ông cứ nhìn vào đó mà bán.
   Ông Tư chào tạm biệt ông bạn già rồi mang bì thuốc lên vai, ông nhìn ra ngoài trời, vẫn chưa sáng hẵn, bắt đầu từ nơi nào đây? Ông tự hỏi và quyết định đi về cuối phố nơi lúc nhúc ánh đèn và đã có bóng người qua lại, con đường vẫn còn sũng nước của cơn mưa đêm hôm, có những chỗ ổ voi,ổ gà lồi lõm, ông suýt hụt chân té mấy lần, cẩn thận hơn ông dò từng bước một, miệng tập ê a những câu rao bán  mà không ai chỉ cả.
- Thuốc dưỡng nhi đây... thuốc dưỡng nhi đây.....Tiếng rao của ông cứ vậy lan ra trong cái buổi sáng iêng ắng của một ngày đầu thu buồn bã, ông cảm thấy lạnh, mặc dù đã hai ba lớp áo. Ông hít một hơi dài và cố gắng băng qua mấy con phố còn lại, tiếng rao của ông xa dần xa dần rồi mất hút nơi cuối phố.
Chièu hôm ấy ông trở về rất sớm, số thuốc bạn ông đưa đã bán hết và bán hết rất nhanh, người ta còn dặn ông ngày mai nhớ đem thêm cho họ, ông thấy vui trong lòng, ông cảm thấy việc kiếm tiền ở đây không có gì là khó, thuốc bạn ông chế ra là loại thần dược hay sao mà người ta dặn mua nhièu lắm, ông cảm thấy phấn khởi vô cùng. Giao hết số tiền bán thuốc cho ông bạn già ông không quên dặn.
- Ngày mai ông nhớ làm thêm nhiều nhiều một chút, thuốc ông hay quá nên người ta dặn cũng nhiều.
- Được rồi... được rồi. Kiểm số tiền ông Tư vừa đưa và nhìn khuôn mặt tươi rói của ông bạn già, ông Năm cảm thấy thương người bạn mình không sao tả xiết.
- Ngày mai ông không cần phải đi bán nữa, một nghìn viên tể tôi đưa ông đã bán hết, số tiền lời ông đủ trả tiền cơm cho tôi trong vòng một tháng, số dư còn lại ông bỏ túi mà tiêu lặt vặt, khi nào hết tiền tôi sẽ lấy thuốc cho ông bán tiếp. Nghe ông bạn già nói vậy ông Tư cũng đành chấp nhận, với lại sau một ngày bán thuốc do ông chưa từng quen đi bộ nhiều nên cặp chân ông cũng đã mỏi nhừ, ông cũng muốn nằm nghĩ một chút.
- Thôi vậy cũng được, tháng sau tôi đi bán lại.
   Thời gian thắm thoát thoi đưa, bốn tuần lễ trôi qua thật nhanh, liệu chừng tiền cơm cũng gần cạn, ông Tư nhắc khéo ông bạn già.
- Hết một tháng rồi, mai ông chuẫn bị thuốc cho tôi đi bán tiêp đó nghen, ăn rồi ở không chán quá.
- Được rồi, đã chuẫn bị thuốc cho ông rồi đây, mai ông cứ việc lấy đi mà bán, đây là loại thuốc mới cũng là loại thuốc bổ, nhưng không dùng cho trẻ em mà dùng cho người già, lớn tuổi,  giá cả đã có ghi ngoài phong bì, đợt này tôi chỉ làm cho ông năm trăm viên bán thử, nếu bán được tôi sẽ làm cho ông bán tiếp, giá cả thì có rẽ hơn loại thuốc trước, ông cứ vậy mà bán.
Sáng hôm đó ông Tư dậy thật sớm, chuẩn bị đâu đó đầy đủ, gọn gàng rồi quảy nãi thuôc ra đi. Ông đi suốt cả ngày mệt lữ, rao gần đứt cuóng họng mà chỉ bán được mấy chục viên.Trời cũng đã gần tối ông cố gắng đi thêm vài con phố nữa vẫn không thấy ai mua,ông quyết định quay về không bán nữa. Thấy ông Năm Kha đang ngồi uống trà và cười tủm tỉm khi nhìn thây ông, ông bổng đỏ quạu.
-Sao ông khong đưa thứ thuốc hôm trước cho tôi bán, thuốc này không ai mua.
- Ông bình tỉnh đi ngồi xuống đây uống nước, bán không được chứ gì? Tôi cũng biết trước thuốc này không ai mua nhưng vẫn làm để ông bán thử, ông có biết tại sao không? Cha, mẹ mua thuốc nuôi con chứ con cái ít ai nuôi cha mẹ, thôi đã vậy rồi ông cứ nghỉ ngơi đi có gì ta tính tiếp. Nhìn khuôn mặt tiu nghỉu của ông bạn già ông năm Kha không dấu hết nỗi băn khoăn và ái ngại.
Cứ vậy thời gian thắm thoát trôi qua đã gần tám tháng, ông Năm Kha không làm thuốc cho ông Tư đi bán nữa. Dạo này sưc khỏe ông Tư cũng không còn tốt. Những cơn ho khù khụ cả đêm trong thời gian gần đây báo cho ông  Năm biết một điều không lành.Với tay nghề mấy chục năm nay ông Năm thừa hiểu rằng ông Tư già bạn ông đang mắc phải một chứng bịnh hiểm nghèo, đó là ung thư phổi, căn bịnh quái ác đã cướp đi sinh mạng biết bao người, ông cũng cảm thấy lạ một điều, hơn tám tháng trời kể từ ngày ông Tư bỏ nhà ra đi đến nay không thấy con cái ông tìm kiếm gì cả, ông chợt cảm thương cho thằng bạn già xấu số của mình. 
Mặc dù thuốc men đầy đủ nhưng ông Tư không qua khỏi sau đó ít ngày. Làm ma chay và hỏa táng cho ông Tư xong, ông Năm Kha vẫn lập một bàn thờ cho bạn trong nhà và hương khói đầy đủ. Ông quyết định tìm về quê bạn để báo tin cho con cái ông Tư biết để liệu bề rước về thờ cúng.
Phải mất đến hai ngày sau ông Năm Kha mới tìm được nhà người bạn cũ. Căn nhà không còn như xưa, nơi đây mấy năm trước ông có ghé chơi mấy lần, ông thích nhất là khu vườn với đủ các loài hoa lạ mà ông Tư mua tận các nơi đem về, nay nhìn lại khu vườn tiều tụy của người bạn cũ ông Năm bỗng rơi nước mắt. Ông cũng thừa hiểu trong nhà này ngoài ông Tư ra thì không có ai yêu hoa cả và do thiếu bàn tay chăm sóc nên cả vườn hoa đẹp mới ra nông nỗi này. Tìm được thằng con trai lớn của ông Tư cũng không quá khó, một sòng mạt chượt sát phạt nhau cả ngày cả đêm, phía bên kia là một sòng bạc khác. Kẻ ngồi, người nằm, khói thuốc lá bay mù mịt. Mùi oi nồng của thuốc lá, mùi tanh tưởi của những cơn ói mửa do bia rượu khiến ông Năm Kha phải lợm giọng. Ông kêu thằng con trái lớn đến gần và kể sơ qua cái chết của ông Tư trong những năm tháng ở tạm nhà ông và ông cũng đề nghị thằng con trai lớn nên tập trung anh em lại để đến nhà ông và chuyễn bàn thờ về mà thờ cúng cho tròn đạo hiếu. Ông Năm Kha còn nhắc thêm rằng ngày cha chúng bay chết có gởi cho ông một chiếc hộp, trong đó đựng gì thì ông không biết nhưng cha bay có căn dặn hãy trao chiếc hộp này lại cho đứa nào mà ông Năm Kha cảm thấy hiếu thảo nhất. Nghe xong câu chuyện thằng con trai lớn ông Tư và con vợ đỏm đáng không có chút gì là xúc động, chúng bảo ông Năm cứ về trước rồi bọn chúng thu xếp công việc rồi đến sau. Mãi đến hai hôm sau ông Năm Kha mới thấy đám con của ông Tư tới, đứa mang hoa, đứa mang bánh trái, lủ khu lủ khủ, với khuôn mặt tỏ ra đau đớn và buồn rầu bọn chúng thi nhau gào khóc trước bàn thờ ông Tư. Nhìn những bộ mặt ấy, những con người ấy ông Năm Kha vẫn thừa nhận ra cái vẻ bỉ ổi và gian tham của bầy con bất hiếu, của những đứa con chẳng ra gì. Cứ vậy suốt ba ngày ba đêm ông Năm Kha không còn chịu nỗi lời khóc than kể lể, ông kêu thằng con trai lớn của ông Tư lại dặn dò.
- Cha của con trước khi mất đi có dặn bác trao chiếc hộp này cho đứa nào mà bác thấy hiếu thảo nhất, nhưng qua mấy ngày nay bác thấy đứa nào cũng tốt, vậy tụi con mang bàn thờ của ba về thờ cúng cho tử tế và ba năm sau tụi con trở lại đây bác sẽ trao chiếc hộp cho đứa nào mà bác cảm thấy chu toàn  hương hồn cho cha  nhất. Nhận cái bàn thờ từ nhà ông Năm Kha, cả bầy con ông Tư lục đục kéo về, đứa nào cũng lo chăm sóc bàn thờ chu đáo, khóc lóc ỉ ôi để cho ông Năm Kha thấy được sự hiếu để của mình. Cũng sau đó chừng một năm ông Năm Kha cũng mắc bịnh qua đời. Khi bầy con của ông Tư đến xin nhận chiếc hộp thì chỉ thấy thằng con trai út lúc nào cũng bưng mặt khóc và không thấy nói năng gì, vì nó thừa hiểu rằng bên trong chiếc hộp chỉ là một nhúm tro tàn, đó chinh là hài cốt của ông Tư khi mang đi hỏa táng.


                                           PHAN MINH CHÂU
                               3b Âu Cơ Nha Trang khánh Hòa
                                            d.Đ 0922992662

READ MORE - NGÀY BÁO HIẾU - truyện ngắn Phan Minh Châu (tiếp theo và hết)

HÀNG RONG MỸ THO XƯA - Kha Tiệm Ly


Tấc giả Kha Tiệm Ly



Không biết nghề bán ràng rong có từ đời nào nhưng chắc chắn nó xuất hiện từ xa xưa lắm,

Hàng rong là những món hàng mà người bán phài gánh, phải bưng, phải đội, hay khá hơn là được đẩy từ một chiếc xe hai bánh thô sơ… đi rong từ chỗ nọ đến chỗ kia cho đến khi hết hàng th́ì mới quay về. Cũng là một gánh xôi, nhưng với người bán phải c̣òng lưng gánh đi khắp ngơ đường, và một người ngồi tai chỗ ở một góc phố nào đó, th́ì trường hợp thứ nhất mới được gọi là “hàng rong” mà thôi...  Nếu định nghĩa nầy được chấp nhận th́ì hàng rong đồng nghĩa với “bán dạo”.

Đặc biệt của hàng rong là người bán phải luôn miệng rao hàng. Rao hàng không những là một tín hiệu cho người có nhu cầu … ăn uống biết là món mình khoái khẩu đă tới, mà c̣òn đánh thức  tuyến nước bọt của người nghe. Đang lúc cơ thể thiếu chất béo mà nghe giong lảnh lót kéo dài: “ Ai… ăn chè… đậu đen… nước cốt dừa… đường cát … ho…ong?”, hoặc đang lúc “mưa bay lất phất” lại nghe văng vẳng ở đầu hẻm: “Ai… ăn …  tàu hủ… ho…ong?”, th́ì không mấy ai không liên tưởng đến chén tàu hủ bốc khói được chan nước đường gừng mà chẳng chờ sẵn trước cửa hay lại không tốc mền ngồi dậy!

Với người nam bán, thì tiếng rao lại thường cô đọng lại chỉ c̣òn vài từ cộc lốc và chát chúa: “Mía hấp! Mía hấp!”. “Tiếng rao” cũng có thể là… tiếng chuông rung leng keng, hay hai thanh tre gỏ vào theo một nhịp điệu hai nhặt một khoan liên tục: “Cốc cốc! Cốc! Cốc cốc! Cốc!....” của người bán cà rem hay anh “hủ tiếu gỏ”! Dù vậy, hiệu quả của nó không vì vậy mà suy suyễn!

Hàng rong thường là những món thực phẩm để ăn chơi, ăn cho vui miệng, một loại quà ăn vặt, cho nên chỉ đắt hàng với những thực khách có chút tiền rủng rỉnh; c̣òn với những tầng lớp ngày hai buổi còn lo chưa xong th́ì hàng rong không có đất dụng võ!

Hàng rong ở Mỹ Tho xưa so với ngày nay thì không được phồn thịnh hơn, nghĩa là ít mặt hàng hơn, ít người bán hơn. Nhưng có những món và những nhân vật mà người bây giờ nghe đến cũng phải ít nhiều ngạc nhiên, thú vị.

Trước công viên Dân Chủ (nay là Cung Thiếu Nhi) có nhiều xe … “tứ cấp”, là xe được thiết kế bốn bậc (giống như bậc thềm), mỗi “cấp” được trưng bày những keo dựng đầy nhiều loại bánh kẹo. Bậc thấp nhất, cũng là bậc có diện tích rộng nhất, có những keo lớn đựng đầy những cóc ghim, ổi ghim ngâm vào một thứ nước vàng khè mà chủ hàng bảo là cam thảo! (sau nầy mới biết chúng được ngâm vào đường hóa học và chút màu). Đây là món hàng đắc khách  nhất đối với đám học sinh chúng tôi: Cầm môt trái cóc được “tách bông” hay một  một phần trái ổi được chẻ ra làm ba, phếch lên chút muối ớt đỏ au trên một màu vàng gợi cảm; cắn một miếng, vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay, chưa nhai thì nước bọt tuôn ra làm rần cả hai má! Thú vị hơn là được tận mắt nh́ìn chú A Tỷ biểu diễn gọt cóc, ổi: Cầm một lượt hai trái trong một tay; tay kia chú thoăn thoắt con dao gọt bén ngót, chỉ trong chớp mắt là xong! Bởi vậy, dù ổi vẫn luôn ngâm sẵn đầy trong keo, nhưng chúng tôi vẫn đ̣i “ổi mới” để có dịp nhìn chú trổ tài!

Khu vực chợ Mỹ tho thì có “chí mà phủ”  (chè mè đen) của thím Xẩm. Thím thư thả gánh một gánh từ đầu chợ đến cuối chợ và luôn miệng rao “chí … mè … phu… u…”, kể cả khi “múc không kịp” cho đám thực khách vây quanh! Đây là một món chè độc đáo của người Hoa, ai đă từng thưởng thức một lần rồi sẽ không quên cái hương vị béo ngọt bùi lẫn lộn, ngon tới ruột tới gan!

Cà rem quây tay Hữu Danh, Hữu Tiếng một thời, mà mỗi lần nghe tiếng chuông leng keng thì ít ai “cầm ḷòng cho đậu (đặng)”, vì mút một cái thì vị béo ngậy của nước cốt dừa, đậu xanh, hòa với hương thơm của “sầu riêng thiệt” (không phải hương sầu riêng) nó thấm tới từng kẽ răng, ê rần hai má! Có thể nói đến giờ nầy không có hãng cà rem nào “qua” được! Người bán cà rem th́ì nhiều, nhưng không ai có thề quên h́ình ảnh “ông Tiều” dáng luộm thuộm với thùng cà rem vai mang vừa rung chuông vừa lập đi lập lại câu “rao” độc đáo: “Cà lem cục cục – sàu dieng – cà lem cục cục / cà lem cục cục -  sàu diêng – cà lem cục cục”

“Pò Pín” – không hiểu là gì- nhưng đó là những món bán cũng của một “ông Tiều” được đựng trong một cái khai cây đeo trước ngực, nó gồm khô ḅò, mè xửng và cổ vịt (một loại kẹo). Tiếng rao của ông chủ yếu là tiếng “xấp” kéo liên tục. “Pò Pín, Pò Pín” chỉ được “rao”, khi ông … mỏi tay mà thôi!

Đêm đêm trên đường Hùng Vương, người ta thường nghe tiếng rao “Mía hấp! Mía hấp” của “chú mắt kiếng”. Vừa rao, thỉnh thoảng chú vừa giở nồi ra; mùi thơm đặc thù của mía hấp làm người đi đường ít ai không quay xe lại! Cũng như chú A Tỷ gọt cóc ổi, “chú mắt kiếng” rọc vỏ mía, chặt mía ra từng đoạn nhỏ (như mía ghim) đă đến mức thượng thừa! Loáng một cái là xong! Coi róc mía “rẹt rẹt” cũng đáng đồng tiền! Có lẽ ở TP Mỹ Tho, mía hấp là mặt hàng duy nhất không “đụng hàng”, nên đến nay đă trải qua ba đời mà vẫn còn tồn tại!

Khác với ngày nay, kẹo kéo câu khách bằng nhạc sống “tự biên tự diễn”; chiêu câu khách  của kẹo kéo ngày xưa là quay số: Đó là một khung tṛòn bằng cây, trên đó có nhiều khoảng trống được phân định bằng nhiều cây đinh nhỏ  đóng đều khoảng cách với nhau. Giữa mỗi hai cây đinh được ghi xen kẽ các số  từ 1 đến 20 (số 1 nhiều nhất). Quây trúng số 1 th́ì được chung một tấc kẹo; quay trúng số 2 th́ì chung được hai tấc, nhưng kẹo  lại bị kéo ra dài, mỏng manh hơn! (bài bạc mà lỵ!).

Một nhân vật độc đáo lá “anh gù” bán thuốc lá dạo. Địa bàn của anh là mấy “tiệm nước”, trước cỗng rạp hát, dãy bar ở khu vực bờ kè bây giờ và vườn hoa Lạc Hồng. Đến nay đã hơn năm mươi năm mà vẫn thấy anh c̣òn hành nghề, có điều lưng anh có vẻ gù hơn, bước đi lụm cụm hơn, và tóc đă đổi màu trắng toát!

Cứ khoảng năm giờ sáng, người ta đều thấy đội quân bán bánh mì với chiếc xe đạp và cần xé được ràng rịt cẩn thận ở bên sau tụ tập trước ḷ bánh mì Quảng Tường -  đường vào chợ Mỹ Tho, gẩn HTX mua bán Phường 1 bây giờ - để lấy bánh. Họ đủ thành phần, trong đó có những học sinh “quần xanh áo trắng” với mặt mày hiền hậu dễ thương. Từ đó, họ túa đi khắp hang cùng ngơ hẻm trong thành phố với tiếng rao không kém phần chuyên nghiệp: “ bánh – mì– nóng – do… ̣… n… đâ … ây…”

Nói bán hàng rong Mỹ tho xưa mà không kể đến “Tầu phộng dang… hạt pí… đây!” của bà Xẩm ngày đêm quanh quẩn ở khu vực vườn hoa Lạc Hồng. Trên tay chỉ có cài rổ nhỏ chứa nhiều gói đậu phộng rang hạt bí rang; nếu bán hết cả rổ th́ì cả vốn lời cũng chẳng bao nhiêu, nên ai cũng động ḷòng mà mua giùm bà vài gói! Thế mà bà kiên trì từ ngày nầy qua ngày nọ, để rồi một ngày mọi người phải té ngửa khi thấy bà xây một cái nhà “hết hồn” ở cuối đường Lê Lợi! Từ đó ở khu vực vườn hoa, tiếng rao : “Tầu phộng dang… hạt pí… đây” cũng mất theo bóng bà Xẩm già nua lụm cụm!

 Có ba nghề “rong” dù không được liệt vào hàng thức phẩm, nhưng nó quá “nổi tiếng”; người viết mạn phép cho chúng được có tên vào… “bảng phong thần”; đó là tiếng “lung tung, lung tung…” của chú nhuộm dạo và tiếng rao lảnh lót của bà Hai quê ở Thạnh Phú (Bến Tre): “Xỏ…ỏ…lổ tai… đeo bông liền, ho… o… ng!” với ông già vai vác một băng bằng cây với hai chân trước ngắn hơn hai chân sau: “Mài kéo! Mài dao!”

Hàng ăn uống rong dù có hấp dẫn thế mấy nhưng khâu vệ sinh chắc chắn không thế nào bảo đảm được. Thứ nhất là bụi bám. Ta thử tưởng tượng sau một chuyền xe chạy qua, nhất là xe… rác, thì gánh hàng đă hứng biết bao vi khuẩn, vi trùng! Thứ hai là việc rửa chén đĩa: Môt sô nước mang theo có thể sử dụng cả hàng trăm lượt rửa! Kế đó là chuyện chế biến vô tội vạ, như cóc ổi ngâm “cam thảo” như đă nói ở trên. Đó là chưa nói hàng rong còn làm cho bộ mặt thành phồ mất vẻ mỹ quan.

Có nhiều ý kiến là cho hay cấm nghề hàng rong. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình, và cuối cùng vẫn là quyết định của chánh quyền. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, nghề hàng rong xưa đă nuôi sống cho nhiều gia đ́nh, có nghề đã “gia truyền” cho nhiều thế hệ. Có nhiều người đã nhờ gánh hàng rong mà nuôi con thành đạt; và cũng có nhiều người tự mình nhờ bán hàng rong mà được bước vào cửa giảng đường đại học, hoặc hơn thế nữa; như kẻ viết bài nầy.

KHA TIỆM LY

Tên thật: Thái Quốc Tế 
Đ/ chỉ: 99/5 Đinh Bộ Lĩnh, P2, tp Mỹ Tho, Tiền Giang 
ĐT: 0987  701  952


READ MORE - HÀNG RONG MỸ THO XƯA - Kha Tiệm Ly

Thơ Thúy Ngân - TÌNH XA, NHỚ ANH



TÌNH XA

Rong ruổi theo anh đến cuối trời
Nhớ ai mà lệ lại rơi rơi
Tình yêu nhắn nhủ người phương ấy
Lời hẹn giữ gìn mãi dạ tôi
Chuốc khổ làm chi cho héo hắt
Nén sầu rồi cũng sẽ vui tươi
Ban mai hớn hở tầm xuân hé
Hơi ấm còn vương giấc mộng đời

                 Thúy Ngân



NHỚ ANH

Bên ấy mùa này còn lạnh không anh?
Có còn hoa tuyết mong manh rơi từng hạt?
Có còn mưa dầm không khô nổi bờ vai?
Cả những cơn đau dài … đêm không ngủ?

Nơi anh, gió ru bờ thùy dương quyến rũ
Em bên này sóng cũng khoan nhặt nhớ thương
Hoàng hôn buông ai lẻ bước cuối đường
Chợt thấy buồn bàn tay không ai nắm

Biển quê hương vẫn rộn ràng sắc nắng
Riêng em sao trống vắng – không anh!
Có lẽ biển hiểu được lòng em đó!
Nên sóng vờn hôn mải miết không thôi

Tình yêu ta hòa vào lòng biển Mẹ
Quyện nỗi nhớ với sóng bạc đầu
Ta đã hẹn chiều chiều ra biển đón ...
Nhận nụ hôn đã gửi sóng mang về

                            Thúy Ngân


READ MORE - Thơ Thúy Ngân - TÌNH XA, NHỚ ANH

HẠN LỆ - Đoàn Vũ



Tác giả Đoàn Vũ


ĐOÀN VŨ

HẠN LỆ

Những gié lúa trơ trẽn nghẽn đòng thoi thóp chịu tang đứng trên cánh đồng mùa hạn. Xứ đồng mà xóm làng tôi phải cả đời dãi dầu mưa nắng, phải cả đời oằn lưng nhăn mặt cõng trên vai hạn lệ “bà Chằn”. Đến cả đàn chim sẻ cũng vắng bặt tiếng ríu ran theo thông lệ ngày ngày và chúng đã bay lang thang về xứ đồng nào không biết!

Mùa hạn ở đây mưa không ra mưa, nắng không ra nắng. Buổi chiều vãn nhanh ngoài ý tưởng, chị tôi tất tả hồ lốn cào mớ cỏ lấm lem vọng nhìn lùm mây mới tấp bên kia đồi cỏ cú, rồi vô vọng lững thững quay về.

Trăng thượng tuần buồn treo trên đầu xóm. Những chấm đèn dầu nhấp nháy loang lỗ tựa hồ những ánh mắt thèm thuồng trời đổ một cơn mưa. 

Đêm ở đây cả làng buồn chi lạ, hương cau treo mút lạ thường. Chiếc cối trầu lạch cạch giã nát giấc mơ con với từng vạch chớp trời.

Tiếng đêm cộng với tiếng cối trầu Bà tôi lầm bầm “trời sai chi bà Chằn lì lợm thế!” còn chị tôi lã người thiếp đi tự lúc nào không biết. Bên hiên ánh đèn trời lả ngọn soi rõ chiếc áo vá đùm bạc thếch đẫm mồ hôi. Và đêm cũng thản nhiên cắm lên cả làng mùa hạn. 


Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận
Địa chỉ: 48 Trần Hưng Đạo, Phan Rí, Tuy Phong, Bình Thuận.
Điện thoại: 0915748434.
Email: vudoan0102@gmail.com.
READ MORE - HẠN LỆ - Đoàn Vũ