Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, November 5, 2014

RỪNG ƠI…! - thơ Bùi Khắc Phúc




RỪNG ƠI…!

“…Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù…”(1)

*

Rừng ơi
     về đâu?
Rừng về nhà sếp
Rừng về nhà giầu
Những tấm phản tấm sập trăm kích cỡ
Những bộ ngựa, bộ trúc(2) muôn hình
Mùi trắc, cẩm, hương(3)…xua tan mùi nhớ
Không còn màu thương đáy mắt
Chỉ còn mùi mật gấu, cao trăn
Chỉ màu nhung hươu, da hổ…
Chếnh choáng một khúc tê tê(4)

Rừng ơi
    đi đâu?
Rừng đi Đu-bai
Rừng đi Ma Cao
Rừng chui vào hotel, cao ốc
Rừng rúc vào quán bar, quán nhậu
Rừng hóa kiếp trong tay người thợ(5)
Tay nở hoa và tim hóa đá?

Rừng là của riêng.

Ta vào rừng chơi
Không còn lo rắn đớp
Không còn sợ hổ vồ
Không rợn người bởi xạc xào cành cao ngọn thấp
Rừng vui hơn phố
Không còn nghe thác đổ
Chẳng thoang thoảng mùi lan
Không ríu rít vàng anh, sáo đá
Chẳng còn xanh tiếng hát
Không còn mướt tiếng cười
Tiếng người gào máy reo gầm rú
Tiếng cưa lốc rạch trời máu đổ
Đoàn xe rồng rắn xuôi về

Rừng ơi
Giàng(6) về đâu trú ngụ?
(7) bật bếp ga cất rượu.
Ma(8) ngồi hát khúc Pơ thi(9) tiễn rừng,

Rừng ơi
Lá rừng còn che kín tấm thân em,
Chân trần vai trần mỗi chiều bên suối?
Em giờ bỏ rừng ra phố
Đong đưa theo khúc nhạc sàn...

Ta ngước nhìn đại ngàn
Loang loáng bóng lạc đà
Lầm lũi trong lòng ta.
Viết sau một chuyến thăm rừng trở về, 10/2008


(1)        Thơ Tố Hữu (trích bài Việt Bắc);
(2)        Những mẫu bàn ghế;
(3)        Những loại gỗ quý hiếm;
(4)        Tê tê : một loài động vật hoang dã, có giá trị kinh tế cao rất quý hiếm, ngâm rượu uống rất bổ dưỡng;
(5)        Thợ đục, tạc tượng trên chất liệu gỗ;
(6)        Giàng : thần, trời (cúng Giàng : một trong những nghi lễ của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên);
(7, 8) Danh từ chung dùng để xưng hô với người đàn ông và người phụ nữ đã đứng tuổi một cách thân mật của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (A ma : bố, A mí : mẹ);
(9) Pơ Thi (lễ bỏ mả) : là lễ hội đậm chất văn hóa Tây Nguyên, lễ hội lớn, đông vui và dài ngày nhất của người Jrai, Bahna nhằm tiễn đưa các linh hồn người chết về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi sau một thời gian còn quấn quít, ràng buộc giữa người sống với người chết…


Tác giả : Bùi Khắc Phúc
GV Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc - Phú Thiện - Gia Lai
ĐT: 01632.038.647


READ MORE - RỪNG ƠI…! - thơ Bùi Khắc Phúc

TRÓT LỠ VỚI MÙA THU - thơ Ngưng Thu



TRÓT LỠ VỚI MÙA THU

Góc nhỏ Nga Viên* sáng nay chợt nở bung mấy nhành Ngọc điểm. Những tia nắng ban mai vuốt mấy sợi long lanh lên hoa tím cánh mềm, đôi chích choè líu lo nhảy quanh chùm phượng cuối. Giọt cafe sóng sánh nỗi niềm nâu khúc nhạc Từ Linh**

Tôi lắng chìm trong nỗi khánh kiệt mùa hè bởi những vần thơ bên ngày nắng vô vi. Một thoáng suy tư chiếm dày cõi vắng. Không dưng bầu trời cũng lặng yên xanh như màu biển lặng. Một chút mơ hồ qua như thoáng mây trôi. Tôi chợt nhận ra rằng đâu phải chỉ riêng tôi...

Ở phía bên kia góc quán nhỏ tôi ngồi. Cũng có kẻ như tôi chìm trong sâu lắng. Ánh mắt nâu trong dõi vào khoảng lặng, sợi khói thuốc mơ màng quyện xoắn lấy hư vô. Ly cafe đen từng giọt nhỏ vào miền hoang vắng lô xô. Nghe niềm nỗi tưởng chừng như dâng kín. Một buổi sáng chào nhau bằng ánh nhìn câm nín. Thanh âm cuộc đời đôi lúc lặng đi đâu...

Cơn bấc đầu mùa cũng vừa ghé đến hiên xưa. Có phải rằng thu chớm về ngang con phố, đâu rồi tiếng ve ngân vang giục giã mùa hè gọi cơn mưa đổ, cánh phượng đỏ giã từ ươn ướt phiến mi cong. Ngày chợt đi và tôi chợt thấy nao lòng, một nỗi buồn không tên...nỗi buồn quên tuổi.

Đời người ai chẳng một lần đi qua những núi đồi sông suối. Chông chênh chông chênh thuyền ngược xuôi dòng. Một năm có bốn mùa xuân hạ thu đông. Cơn cớ gì nhau mà vào thu là lá rụng...can cớ gì tôi mà cứ mãi chìm trong tiếng chiều vàng khô gió cuốn...Mùa thu quyến rũ tôi rồi** ...nên thật lòng tôi hướng nhìn về phía ấy xa xôi. Xin mùa thu ngưng lại. Dẫu cứ mùa lên là cõi lòng tê tái ...

Chiều …
quán vắng u buồn tôi mê mãi tiếng thu rơi. Thu ngưng nhé một chiều mọng ướt đôi môi. Tôi muốn hát khúc mùa thu cho người tình tôi yêu quý. Vẫn biết giọt mưa thu còn nhiều uỷ mị ... Nhưng mùa hãy thương tình tôi trót lỡ với chiều thu.

NGƯNG THU

* Quán nhỏ cafe Nga Viên
** Nhạc sỹ  Đoàn Chuẩn - Từ Linh


READ MORE - TRÓT LỠ VỚI MÙA THU - thơ Ngưng Thu

Lê Duy Đoàn - TỘI NGHIỆP

Bìa 1 ấn phẩm Đi Tìm Nhành Hoa Thạch Thảo
do tác giả gởi tặng

  
TỘI  NGHIỆP 

Thứ bảy vừa qua, tôi đi cùng với nhóm đạo tràng Làng Mai lên chùa Toàn Giác, gần thác Giang Điền, Huyện Trảng Bom, thuộc tỉnh Đồng nai. Hàng tháng, nhóm thường tổ chức ngày cuối tuần sống trong chánh niệm và tỉnh thức tiếp nối theo truyền thống tu tập của những người học Phật và thực hành Pháp theo tinh thần của Tăng thân Làng Mai mà Thầy Nhất Hạnh đã trao truyền từ những ngày Thiền viện Bát Nhã ở Bảo Lộc chưa bị đánh phá tan tác tơi bời. (Những khóa tu cuối tuần sống trong chánh niệm và tỉnh thức ở Thiền viện Bát nhã ngưng hoàn toàn khi Tăng thân Làng Mai bị đuổi ra khỏi nơi ấy một cách thô bạo từ tháng 9 năm 2008).

                                                      *     *
                                                         *

Đất của Chùa Toàn Giác rộng bạt ngàn, nghe nói là cả hàng trăm mẫu đất, trồng nhiều cây bạch đàn, ít cây ăn quả, có lẽ vì không ai có công trông coi. Rộng như thế nhưng sau 1975, thầy trú trì lên đây dựng chùa mua đất chỉ trả có 3 triệu đồng ( khoảng 10 lượng vàng). Có thể hình dung chùa rộng lớn chừng nào thì cứ tính quãng đường đi trong buổi thiền hành. Từ thiền đường mới xây dựng đi thiền hành đến chánh điện mất gần hai giờ đồng hồ.
Chương trình sinh hoạt chiều bao gồm pháp thoại, ăn trong chánh niệm, niệm Phật, ngủ. Sáng hôm sau, dậy lúc 3 giờ sáng, vệ sinh, thực tập thiền định, ăn sáng, thiền hành, ăn trưa, chiều nghe thầy trú trì thuyết pháp. Ra về.

*    *
*

Thầy trú trì Thích Minh Nghĩa người Nam bộ, là người đạo cao đức trọng, pháp tướng uy nghi. Khi thầy đi đâu, một con chó nhỏ chạy theo lăng quăng bên chân thầy. Khi thầy ngồi, chó nằm bên ghếch chân lên bàn chân của thầy ngước nhìn thầy tựa như đang nghe thầy thuyết pháp.
Thấy tình thương của thầy có vẻ cảm hóa con chó, Bác Xuân, một đạo hữu chừng 70 tuổi ngồi cạnh tôi chép miệng : " Tội nghiệp."
Lúc ngồi trong thiền đường, tôi có phần thắc mắc vì sao Bác Xuân lại nói tội nghiệp khi nhìn con chó cưng của Thầy nhưng không tiện hỏi. Ra ngoài sân, ngồi dưới gốc cây, tôi hỏi Bác , Bác bồi hồi kể chuyện. Câu chuyện Bác kể thật là một chuyện lạ.

"Bác nói như vậy không phải là nói tội nghiệp con chó của thầy Trú trì. Nhìn con chó này được yêu thương chăm sóc và quấn quít Thầy như vậy, Bác lại chạnh lòng nhớ hai con chó Nhật bản mà Sư bà trú trì chùa Diệu Pháp nuôi. Nhà Bác ở sát nách chùa Diệu Pháp. Bác thường qua chùa làm công quả nên Sư bà trú trì quý mến Bác, mọi chuyện trong chùa Bác đều biết. Câu chuyện Bác kể xảy ra năm 1972 mà hệ lụy của nó kéo dài mãi về sau này. Hai con chó sống trong môi trường đạo hạnh, thường xuyên nghe kinh nghe kệ và được tưới tẩm tình yêu thương của Sư bà và quý sư cô trong chùa. Nó cũng ngủ dưới chân giường Sư bà, chạy lăng quăng vui đùa theo chân Sư bà và nép đầu vào chân khi Sư bà nói chuyện. Dường như nó cũng có duyên tu.
Một hôm, không biết ăn phải thức ăn gì mà cả hai con chó lăn quay ra, quằn quại, tiêu chảy. Mấy sư cô cho uống nước đậu xanh giã nát, rồi nước lá ổi, rồi đem tới thú y. Mọi cố gắng chữa trị đều không kết quả. Cả hai con chó đều chết. Nhà chùa thương tiếc hai chú chó nên tụng kinh cầu siêu và tẩm liệm trong hai cái quách đàng hoàng rồi đem chôn trong hai nấm mộ nhỏ sau lưng chùa. Trước khi tẩm liệm, mấy ni cô còn nhỏ tỏ lòng thương yêu hai con chó bằng cách lấy son đỏ bôi dưới mấy ngón chân của hai chân sau.
Câu chuyện tưởng chừng rơi vào quên lãng nếu không xảy ra chuyện hơn mười tháng sau đó.
Một buổi sáng mùa đông năm 1972, sau thời công phu sáng, Sư bà nghe tiếng bé sơ sinh khóc trước cổng chùa. Buổi sáng tinh mơ, tiếng khóc nghe rõ mồn một. Sư bà sai sư cô quản tự ra xem thì thấy một cái khăn lông quấn hai hài nhi song sinh có một miếng giấy viết nguệch ngoạc mấy chữ ghi ngày giờ sinh của hai bé.
Động lòng từ tâm "con ai đem bỏ chùa này, nam mô Di Phật con thầy, thầy nuôi", Sư bà bảo các đệ tử đem vô chùa nuôi nấng. Lạ một điều, khi tắm rửa cho hai bé, mấy sư cô thấy bên dưới hai bàn chân bé nào cũng có năm chấm đỏ như son tụm lại có dạng một bàn chân chó.
Những đứa bé lớn lên được thương yêu và nuôi dạy chu đáo. Tánh cũng ngoan và học hành cũng được. Sau 75, đời sống khó khăn nhưng các cháu cũng đầy đủ và dần dần lớn lên thành hai thiếu nữ xinh xắn. Thế rồi, có hai người đàn ông bạn với nhau là thủy thủ tàu viễn dương đến thăm chùa, đem lòng yêu thương hai cháu. Đám cưới tổ chức đơn giản mà thân mật tại chùa dưới sự chứng minh của Sư bà trú trì.
Thương hai cháu như con, Sư bà cắt đất chùa cho hai cặp tân hôn che nhà để ở.
Đất nước thời kỳ bao cấp khó khăn vô cùng. Thiếu đủ mọi thứ. Nhưng những thủy thủ tàu viễn dương lại giàu có lên nhanh nhờ nhập lậu hàng nhu yếu. Trên hai mảnh đất chùa cho, mọc lên hai căn nhà lầu khang trang với đầy đủ tiện nghi. Ai cũng mừng cho hai cháu có phước.
Nhưng chuyện đời lại oái oăm. Ơn dưỡng dục, dựng vợ gả chồng, cho đất cho đai như thế mà các cháu không nghĩ chút gì đến chuyện đền ơn đáp nghĩa, cứ se sua nếp sống nhà giàu hưởng lạc, chẳng quan tâm hỏi han những người đã cho mình cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Thậm chí ở trong khuôn viên chùa mà chẳng đoái hoài chi chuyện tụng kinh niệm Phật, hương khói rằm mồng một mà cũng chẳng cúng dường.
Khi hai cháu sinh em bé đầu lòng thì chưa thôi nôi, hai anh chàng thủy thủ viễn dương kia thay lòng đổi dạ. Chúng theo người đàn bà khác thường xuyên về nhà đánh đập vợ. Chuyện gây tức tối đến nỗi cả hai phẫn chí là khi hai chàng thủy thủ dắt hai người tình mắt xanh mỏ đỏ về nhà gây sự. Tối hôm đó, cả hai chị em buồn quá rủ nhau cùng uống thuốc ngủ liều cao tự tử. Hai đứa con mồ côi mẹ của họ lại được chùa Diệu Pháp nhận nuôi".

                                                        *     *
                                                           *

Bác Xuân kể đến đây, giọng Bác chùng xuống. Lòng tôi cũng xúc động mạnh. Bác nói tiếp như một lời kết cho một chuyện hay có thật:" Nghiệp báo hết! Mọi chuyện trên đời đều có duyên có nghiệp. Dấu son dưới chân mấy đứa này rõ ràng là hai con chó Nhật bản có duyên tu với Phật nên hóa kiếp đầu thai thành người. Đã thành người được rồi mà không chịu tu hành lại tham sân si quá nên lại bị đọa như vậy. Bác nói TỘI NGHIỆP là vậy đó. Không biết bây giờ tụi hắn ở cõi nào ??!!"

Bóng đêm thâm u phủ trùm lên rừng núi. Tiếng chuông công phu tối ngân nga trong không gian tĩnh lặng. Không biết có ai quanh đây?


Sài gòn, 6/11/2012
Lê Duy Đoàn



READ MORE - Lê Duy Đoàn - TỘI NGHIỆP

MUÔN DẶM TÌNH QUÊ 2 - thơ Trúc Thanh Tâm


Sông Thạch Hãn


THƠ  TRÚC THANH TÂM

4. QUẢNG TRỊ ƠI

Trôi cùng Thạch Hãn mênh mông
Phượng hồng thắp lửa giữa lòng phố hoa
Cổ thành vững với phong ba
Áo em rợp trắng hồn ta, Nguyễn Hoàng !

5. CÀ PHÊ BIỂN

Tháp buồn nhốt gió Nha Trang
Qua cầu Xóm Bóng, Ba Làng, chiều nghiêng
Cà phê từng giọt không tên
Mười lăm ngày đủ nhớ quên, một đời !

6. HỒ THAN THỞ

Hồ Than Thở với mây rơi
Tiếng thông thỏ thẻ như lời ru nhau
Nhìn em tóc rối, lòng đau
Mai xa Đà Lạt biết sao cho vừa !


TTT
READ MORE - MUÔN DẶM TÌNH QUÊ 2 - thơ Trúc Thanh Tâm

CÁT BỤI - chùm lục bát của Hoàng Anh 79




CÁT BỤI
Gặp nhau quên một tiếng chào
Ừ thì kẻ lạ có sao đâu mà
Sống đời danh vọng điêu ngoa
Mai về cát bụi thật thà trắng tay.

ĐẦU THAI
Ta từ hạt bụi mù bay
Rớt trên vai mẹ đầu thai thành người
Đi qua hơn nửa cuộc đời
Thương sao vai mẹ tả tơi sương chiều.

ĂN MÀY THẾ GIAN
Chuông chùa âm vọng buồn thiu
Tâm buông chưa hết mang nhiều đắng cay
Xa em vời vợi tháng ngày
Hồi kinh tiếng mõ ăn mày thế gian.

Ngày 21/10/2014
Hoàng Anh 79

Họ và Tên: Hồ Mạnh Phi Hùng
Bút Danh: Hoàng Anh 79.
Năm sinh: 14/09/1973.
Địa chỉ mail: homanhphihung.mt@gmail.com
Blog : hoanganh79.blogspot.com
Điện Thoại: 0918.974.522

Địa chỉ nhà : 1S5 lầu 1, Lương Văn Can, Chung cư Bình Khánh, P. Bình Khánh, Long Xuyên, An Giang.
READ MORE - CÁT BỤI - chùm lục bát của Hoàng Anh 79

MÂY TRẮNG ĐÃ BAY - thơ Nguyễn An Bình

Thơ NGUYỄN AN BÌNH
 MÂY TRẮNG ĐÃ BAY
   *Tưởng nhớ nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà


Nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà



Người đã đi rồi sao đã rơi
Trăng xưa thôi đã khuất sau đồi
“Bông bần đã rụng theo dòng nườc
Hòa lẫn phù sa tăm tắp trôi”.(1)

“Hoa trắng thôi cài lên áo tím”(2)
Tình yêu muôn thuở mãi không nguôi
Người em xóm đạo thời binh lửa
Ai nhớ thương ai mắt ngậm ngùi.

“Khói  trắng”(3)còn vương mùi rạ mới
Ruộng đồng thơm”Lúa sạ miền Nam”(4)
“Quê hương thơ ấu”(5)chìm sương khói
Qua mấy “Cầu tre”, “Đẹp Hậu Giang”.(6)

Từ ấy xa rồi “Tà áo tím”(7)
“Cô hàng bông cỏ”(8) thật dễ thương
“Cánh đồng thơ”(9) nở nhiều hoa đẹp
Để lại cho đời khúc yêu đương.

“Mây Tần”(10) vẫn thoảng theo hương gió
“Lều thơ”(11) còn ngát chút tình quê
Thương anh xin nén đôi dòng lệ
Cát bụi từ nay đón anh về.
          Bên bờ sông Hậu 31/10/2014

(1)Mượn ý câu thơ”Bông bần thôi rụng xuống phù sa” trong bài thơ” Đẹp Hậu Giang” của Kiên Giang.
(2,3,4,5,6,7,8)Tên những bài thơ của Kiên Giang.
(9) trang thơ Kiên Giang phụ trách trên nhật báo Công Luận
(10)Chương trình thơ vănKiên Giang phụ trách trên đài phát thanh Sài Gòn
(11)Trang thơ Kiên Giang phụ trách trên nhật báo Điện Tín.






READ MORE - MÂY TRẮNG ĐÃ BAY - thơ Nguyễn An Bình

Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn) - GẶP ĐÓA HOA VÔ DANH: Vài Trải Nghiệm Hành Thiền Của Một Cư Sĩ



Gặp Đóa Hoa Vô Danh

An trú tâm hồn giữa vô danh vô hạn
Ngộ nét nhiệm mầu trong nhan sắc phù vân
Thôi ràng buộc để mến yêu thành lãng đãng
Mình chẳng tục phàm – mình cũng chẳng thánh nhân…

3/11/2014
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
-------------
Xin giới thiệu vài trải nghiệm thiền:

Vài Trải Nghiệm Hành Thiền Của Một Cư Sĩ

- Là cư sĩ, tôi chọn cách sống bình thường (thông thường).
- Tìm hiểu, học hỏi chánh pháp giác ngộ.
- Có khát vọng ngộ nhập tâm thể bất sinh bất diệt (Tánh Viên Giác) vì thiện ích cho mình, cho tất cả chúng sinh, cho sự nghiệp giác ngộ chung.
- Hoan hỉ và thật tâm tôn trọng tất cả các tôn giáo, các tông phái, các pháp môn, các đường lối tu tập hướng thiện-hướng thượng tâm linh.
- Sống nương theo (tương đối) lời khuyên của Thập Thiện Đạo.
- Không chấp thủ bất kì danh-tướng nào.
- Thấy rằng bất kì nhân cách chân chính nào, bất kì sự tu tập chân chính nào cũng phải có sự ý thức về cái “tôi” vọng tưởng (ngã chấp).
- Khi cảm nghiệm tâm ý thì nhận ra rằng, cái “tôi” vọng tưởng là vận hành ngôn từ trong tâm (tâm ngôn tâm hành); diễn trình chánh tư duy cũng vậy.
- Con người có khả năng nhận ra được những nói năng, những vọng niệm trong tâm (tâm ngôn tâm hành), vì tâm ai cũng có sẵn Tánh Nghe (Tánh Giác).
- Biết nghe lại tâm mình, tức biết sống tỉnh giác, là bắt đầu sống với Huệ Mạng (sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa).
- Tôi thực hành thiền “Phản văn văn tự tánh” (xoay cái nghe nghe tự tánh); cũng chính là quán tâm, tự tri.
- Khi có vọng tưởng thì “tự tánh” là chúng-sinh-tâm; khi vọng tưởng tịch lặng thì tự tánh là Tâm Không (Chân Tâm, Viên Giác) hiện tiền.
- Khi tọa thiền, lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng là “độ thoát tất cả chúng sinh”; chúng-sinh-tâm ở cá nhân và chúng-sinh-tâm trong toàn vũ trụ là một mạng lưới tương quan tương duyên với nhau, biết tự độ là có tác dụng độ tha.
- Tâm Không là tâm Thấy biết-vô ngôn vô niệm, là Tánh Không.
- Tâm Không là pháp thân, tâm ngôn chánh tư duy là hóa thân, Lắng Nghe là báo thân; tam thân nhất thể.
- Thường sống với năng lực Lắng Nghe (báo thân); lắng nghe Tâm Không tịch chiếu là ngộ nhập bản thể; lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng, tâm ngôn chánh tư duy, tâm thái đối cảnh là diệu dụng.
- Với người sơ ngộ như tôi, quan trọng là lắng nghe cái “tôi” vọng tưởng và ngộ nhập thâm sâu bản thể bất sinh bất diệt.
- Thường tỉnh giác lắng nghe với tâm thái từ bi-vô tác-vô cầu.
- Để có thể trợ giúp các bạn lữ sơ cơ, xin tóm tắt ngắn gọn như sau:

SINH-MỆNH-TUỆ-GIÁC-ĐẠI-THỪA LẮNG NGHE
Tâm xuất hiện cái “tôi” vọng tưởng, lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng;  
Tâm khởi chánh tư duy, lắng nghe tâm ngôn chánh tư duy;
Tâm đối diện với sự việc, lắng nghe tâm thái đối cảnh;
Tâm-Vô-Ngôn (vô niệm) hiện tiền, lắng nghe Tâm Không.
Thường tỉnh giác lắng nghe với tâm thái từ bi-vô tác-vô cầu.
***
“Tri huyễn tức li, li huyễn tức giác”. (Kinh Viên Giác).
“Phản văn văn tự tánh”-(Xoay cái nghe nghe tự tánh). (Kinh Lăng Nghiêm).  
***
* “Sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa lắng nghe”chính là “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”.
* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.           (Đường Về Minh Triết (có bổ sung); Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn); Hoavouu.com).                                                                         
* Tâm Không: Tánh Không, chân lí tuyệt đối, Thượng Đế, bản thể vũ trụ, Viên Giác, trường tiềm năng, trường trí tuệ, pháp thân, pháp giới, Chân-Thiện-Mĩ.                                                                                                                                                         
READ MORE - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn) - GẶP ĐÓA HOA VÔ DANH: Vài Trải Nghiệm Hành Thiền Của Một Cư Sĩ

Thơ Chu Vương Miện: TIẾNG CHIM, THƠ XƯA





tiếng chim

chim nói theo chim
quạ nói theo quạ
nói theo tiếng người
nghĩa theo một đàng
nói đi một nẻo
thường là nói láo
con yểng con nhồng
thường là loạn xạ
nước lã cầm hơi
nói là ăn cháo
ngày chỉ ăn khoai
nói là khoai mài
đôi khi nhịn đói
nói ăn lai rai
con cá bơi qua
con cá bơi lại
con thằng chài đậu
trên cành sung thoáng
một cái đớp mất
tiêu con cá xong
thu lá tên cành
mùa thu lá bay
suốt cả đêm ngày
thi sĩ ngồi trên
bờ sông với chó
chả có gì trôi
chó và thi sĩ
rách nát cả lòng
buổi sáng họp chợ
buổi chiều chợ tàn
không có ăn xin
không có khảy đàn


thơ xưa

thời tiền chiến có thi hào làm
thơ ban đêm gánh bán cho trời
đọc trời đọc thét rồi phát khóc
bây giờ có điện thoại cầm tay
thẻ ông địa trời dùng để gọi
về Việt Nam để làm cái gì  
không rõ đa số thi nhân thời
bây giờ (tức là thời hại điện)
đều có túc trái tiền duyên với
nhà Phật nên tuyệt đại đa số
viết Chùa viết cho chư Thiên chư
Phật chư Bồ Tát Chư La Hán
sư Cụ sư Bà sư Ông sư
Cô  chú Tiểu Sa Di đọc cùng
thưởng thức thơ có nirvana
có dukkha có thần thánh và địa ngục

chu vương miện
READ MORE - Thơ Chu Vương Miện: TIẾNG CHIM, THƠ XƯA