Bìa 1 ấn phẩm Đi Tìm Nhành Hoa Thạch Thảo do tác giả gởi tặng |
TỘI NGHIỆP
Thứ bảy vừa qua, tôi đi cùng với
nhóm đạo tràng Làng Mai lên chùa Toàn Giác, gần thác Giang Điền, Huyện Trảng
Bom, thuộc tỉnh Đồng nai. Hàng tháng, nhóm thường tổ chức ngày cuối tuần sống
trong chánh niệm và tỉnh thức tiếp nối theo truyền thống tu tập của những người
học Phật và thực hành Pháp theo tinh thần của Tăng thân Làng Mai mà Thầy Nhất
Hạnh đã trao truyền từ những ngày Thiền viện Bát Nhã ở Bảo Lộc chưa bị đánh phá
tan tác tơi bời. (Những khóa tu cuối tuần sống trong chánh niệm và tỉnh thức ở
Thiền viện Bát nhã ngưng hoàn toàn khi Tăng thân Làng Mai bị đuổi ra khỏi nơi
ấy một cách thô bạo từ tháng 9 năm 2008).
* *
*
Đất của Chùa Toàn Giác rộng bạt
ngàn, nghe nói là cả hàng trăm mẫu đất, trồng nhiều cây bạch đàn, ít cây ăn
quả, có lẽ vì không ai có công trông coi. Rộng như thế nhưng sau 1975, thầy trú
trì lên đây dựng chùa mua đất chỉ trả có 3 triệu đồng ( khoảng 10 lượng vàng).
Có thể hình dung chùa rộng lớn chừng nào thì cứ tính quãng đường đi trong buổi
thiền hành. Từ thiền đường mới xây dựng đi thiền hành đến chánh điện mất gần
hai giờ đồng hồ.
Chương trình sinh hoạt chiều bao
gồm pháp thoại, ăn trong chánh niệm, niệm Phật, ngủ. Sáng hôm sau, dậy lúc 3
giờ sáng, vệ sinh, thực tập thiền định, ăn sáng, thiền hành, ăn trưa, chiều
nghe thầy trú trì thuyết pháp. Ra về.
* *
*
Thầy trú trì Thích Minh Nghĩa
người Nam
bộ, là người đạo cao đức trọng, pháp tướng uy nghi. Khi thầy đi đâu, một con
chó nhỏ chạy theo lăng quăng bên chân thầy. Khi thầy ngồi, chó nằm bên ghếch chân
lên bàn chân của thầy ngước nhìn thầy tựa như đang nghe thầy thuyết pháp.
Thấy tình thương của thầy có vẻ
cảm hóa con chó, Bác Xuân, một đạo hữu chừng 70 tuổi ngồi cạnh tôi chép miệng :
" Tội nghiệp."
Lúc ngồi trong thiền đường, tôi
có phần thắc mắc vì sao Bác Xuân lại nói tội nghiệp khi nhìn con chó cưng của
Thầy nhưng không tiện hỏi. Ra ngoài sân, ngồi dưới gốc cây, tôi hỏi Bác , Bác
bồi hồi kể chuyện. Câu chuyện Bác kể thật là một chuyện lạ.
"Bác nói như vậy không phải
là nói tội nghiệp con chó của thầy Trú trì. Nhìn con chó này được yêu thương
chăm sóc và quấn quít Thầy như vậy, Bác lại chạnh lòng nhớ hai con chó Nhật bản
mà Sư bà trú trì chùa Diệu Pháp nuôi. Nhà Bác ở sát nách chùa Diệu Pháp. Bác
thường qua chùa làm công quả nên Sư bà trú trì quý mến Bác, mọi chuyện trong
chùa Bác đều biết. Câu chuyện Bác kể xảy ra năm 1972 mà hệ lụy của nó kéo dài
mãi về sau này. Hai con chó sống trong môi trường đạo hạnh, thường xuyên nghe
kinh nghe kệ và được tưới tẩm tình yêu thương của Sư bà và quý sư cô trong
chùa. Nó cũng ngủ dưới chân giường Sư bà, chạy lăng quăng vui đùa theo chân Sư
bà và nép đầu vào chân khi Sư bà nói chuyện. Dường như nó cũng có duyên tu.
Một hôm, không biết ăn phải thức
ăn gì mà cả hai con chó lăn quay ra, quằn quại, tiêu chảy. Mấy sư cô cho uống
nước đậu xanh giã nát, rồi nước lá ổi, rồi đem tới thú y. Mọi cố gắng chữa trị
đều không kết quả. Cả hai con chó đều chết. Nhà chùa thương tiếc hai chú chó
nên tụng kinh cầu siêu và tẩm liệm trong hai cái quách đàng hoàng rồi đem chôn
trong hai nấm mộ nhỏ sau lưng chùa. Trước khi tẩm liệm, mấy ni cô còn nhỏ tỏ
lòng thương yêu hai con chó bằng cách lấy son đỏ bôi dưới mấy ngón chân của hai
chân sau.
Câu chuyện tưởng chừng rơi vào
quên lãng nếu không xảy ra chuyện hơn mười tháng sau đó.
Một buổi sáng mùa đông năm 1972,
sau thời công phu sáng, Sư bà nghe tiếng bé sơ sinh khóc trước cổng chùa. Buổi
sáng tinh mơ, tiếng khóc nghe rõ mồn một. Sư bà sai sư cô quản tự ra xem thì
thấy một cái khăn lông quấn hai hài nhi song sinh có một miếng giấy viết nguệch
ngoạc mấy chữ ghi ngày giờ sinh của hai bé.
Động lòng từ tâm "con ai đem
bỏ chùa này, nam mô Di Phật con thầy, thầy nuôi", Sư bà bảo các đệ tử đem
vô chùa nuôi nấng. Lạ một điều, khi tắm rửa cho hai bé, mấy sư cô thấy bên dưới
hai bàn chân bé nào cũng có năm chấm đỏ như son tụm lại có dạng một bàn chân
chó.
Những đứa bé lớn lên được thương
yêu và nuôi dạy chu đáo. Tánh cũng ngoan và học hành cũng được. Sau 75, đời
sống khó khăn nhưng các cháu cũng đầy đủ và dần dần lớn lên thành hai thiếu nữ
xinh xắn. Thế rồi, có hai người đàn ông bạn với nhau là thủy thủ tàu viễn dương
đến thăm chùa, đem lòng yêu thương hai cháu. Đám cưới tổ chức đơn giản mà thân
mật tại chùa dưới sự chứng minh của Sư bà trú trì.
Thương hai cháu như con, Sư bà
cắt đất chùa cho hai cặp tân hôn che nhà để ở.
Đất nước thời kỳ bao cấp khó khăn
vô cùng. Thiếu đủ mọi thứ. Nhưng những thủy thủ tàu viễn dương lại giàu có lên
nhanh nhờ nhập lậu hàng nhu yếu. Trên hai mảnh đất chùa cho, mọc lên hai căn
nhà lầu khang trang với đầy đủ tiện nghi. Ai cũng mừng cho hai cháu có phước.
Nhưng chuyện đời lại oái oăm. Ơn
dưỡng dục, dựng vợ gả chồng, cho đất cho đai như thế mà các cháu không nghĩ
chút gì đến chuyện đền ơn đáp nghĩa, cứ se sua nếp sống nhà giàu hưởng lạc,
chẳng quan tâm hỏi han những người đã cho mình cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm
nay. Thậm chí ở trong khuôn viên chùa mà chẳng đoái hoài chi chuyện tụng kinh
niệm Phật, hương khói rằm mồng một mà cũng chẳng cúng dường.
Khi hai cháu sinh em bé đầu lòng
thì chưa thôi nôi, hai anh chàng thủy thủ viễn dương kia thay lòng đổi dạ.
Chúng theo người đàn bà khác thường xuyên về nhà đánh đập vợ. Chuyện gây tức
tối đến nỗi cả hai phẫn chí là khi hai chàng thủy thủ dắt hai người tình mắt
xanh mỏ đỏ về nhà gây sự. Tối hôm đó, cả hai chị em buồn quá rủ nhau cùng uống
thuốc ngủ liều cao tự tử. Hai đứa con mồ côi mẹ của họ lại được chùa Diệu Pháp
nhận nuôi".
* *
*
Bác Xuân kể đến đây, giọng Bác
chùng xuống. Lòng tôi cũng xúc động mạnh. Bác nói tiếp như một lời kết cho một
chuyện hay có thật:" Nghiệp báo hết! Mọi chuyện trên đời đều có duyên có
nghiệp. Dấu son dưới chân mấy đứa này rõ ràng là hai con chó Nhật bản có duyên
tu với Phật nên hóa kiếp đầu thai thành người. Đã thành người được rồi mà không
chịu tu hành lại tham sân si quá nên lại bị đọa như vậy. Bác nói TỘI NGHIỆP là
vậy đó. Không biết bây giờ tụi hắn ở cõi nào ??!!"
Bóng đêm thâm u phủ trùm lên rừng
núi. Tiếng chuông công phu tối ngân nga trong không gian tĩnh lặng. Không biết
có ai quanh đây?
Sài gòn, 6/11/2012
Lê Duy Đoàn
No comments:
Post a Comment