Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 7, 2017

CHÚC TÌNH - Truyện ngắn của Thủy Điền


       
                                 Ảnh tác giả




     CHÚC TÌNH

      Đang ngồi đun ấm nước, vừa suy nghĩ. Xuân về, tết đến mình cần phải làm cái gì cho thiên hạ ngạc nhiên chơi. Kha …kha….Kha….!
Bà đứng gần bên.
-Lan nầy! Bộ mầy khùng hả Lan? Đàn bà con gái gì có chồng, có con mà không nên thân, nên hình gì cả. Hỡi muốn cười lúc nào thì cười, muốn nhẩy lúc nào thì nhẩy, chẳng ý tứ, ý tư, các em, bọn nó cười cho mà xem.
-Đâu có gì đâu mẹ, tại hôm nay con vui, con mới nghĩ ra một điều rất hay.
-Điều gì ?
-Mai mốt mẹ hãy biết, còn bây giờ con đang giấu kín.
-Cha mầy, không nói thì thôi.
-Kha…kha…kha….!

      Sau khi nấu nước cúng tổ tiên xong. Hai chị em cùng theo mẹ lên chùa gần bên cúng Phật. Trên đường về , gần đến ngõ vào nhà Lan bảo mẹ vào trước đi, hai chị em con ra vườn Đào một tí sẽ về sau. Ngọc ngạc nhiên hỏi?
-         Sao chị rủ em ra đây làm gì ?
-         Thì bẻ Đào.
-         Trời đất, bố bẻ cậm một nhà mà không đủ sao? Người ta phải bẻ Đào là bẻ trước tết, hôm nay muộn lắm rồi chị ơi hay là chị muốn tặng ai.
-         Ậy ! Cứ đi với chị một lát đi rồi em sẽ hiểu, chị muốn làm gì. Con nhỏ nầy hôm nay nhiều chuyện thật.
-         Có chồng, có con rồi đó nha, tính hò hẹn với ai ngoài nầy, sợ, rồi rủ em theo phải không?
-         Đừng nói điên nè. Anh Nam nghe được là phiền lắm đấy.

      Lan vừa nói, vừa với tay bẻ một hoa Đào thật đẹp, nàng cài lên tóc Ngọc, rồi cười hí hí. Lan hỏi ?
-Em thấy có đẹp không?
-Đẹp lắm chị, mà giữa vườn Đào có ai nhìn ngắm mình đâu. Thật uổng nhỉ.
-Không phải, chị muốn em ra đây để chị tự tay bẻ và cài lên tóc em. Ý là muốn tặng em một nụ lộc hồng đầu năm và chúc cho em năm nay sẽ sớm có người yêu như người ta vậy mà và tạo cho em sự ngạc nhiên cho vui. Biết đâu trong cái nhí nhỏm nầy nó sẽ trở thành hiện thực, ai mà biết được. Đúng không ?
-Có lý, em cảm ơn chị thật nhiều và em cũng hy vọng là thế.

      Thật tình thì Lan cũng thấy em mình năm nay cũng hơn hai mươi hai tuổi đầu mà chưa có mối tình nào vắt vai nên nàng cũng buồn và tìm mọi cách giúp Ngọc, nhưng chưa được mối nào thành công. Ngọc cũng khá đẹp gái, diệu hiền, dễ thương. Nhưng ngặt một nỗi là trong cái làng bé nhỏ nầy bây giờ còn rất ít thanh niên, vừa lớn lên là họ đi tứ tán ra thành hay đi nơi khác cả, chỉ còn xót lại một vài anh chàng sáng say, chiều xỉn thử hỏi làm sao mà nàng phải lòng được chứ. Bây giờ chớ đâu phải như ngày xưa con gái lớn lên mười tám, hai mươi tuổi là có cả khối con trai đeo đuỗi.

      Trong cái vui chơi, dị đoan, cũng có cái may mắn. Một tuần sau tết có mấy người bạn chồng Lan từ Thành phố ghé thăm, chúc tết và cũng có mặt Ngọc trong ngày hôm ấy. Lúc đang tiệc người kể qua, kẻ kể lại, vui nhộn, vô tình có một anh chàng trạt tuổi Ngọc, có vẻ thích nàng. Anh ta vừa ăn, vừa nhậu, vừa dò dè tán tỉnh, khiến cho nàng mắc cở, đỏ mặt, mất tự nhiên và đành phải chạy u xuống nhà bếp với chị như trốn tránh ngôi sao tình đang chiếu rọi vào tim.

      Qua cuộc viếng thăm tết, thỉnh thoảng chàng cũng hay dành riêng thì giờ rảnh rổi cuối tuần để ghé ngang thăm Ngọc. Và cuối cùng họ rất thân thiện và trở thành người yêu với nhau...!

      Mẹ Lan chiều chiều thường hay bảo: Tao thấy con Lan nhà mình nhiều lúc nó làm những chuyện khùng khùng, điên điên mà không ai hiểu nỗi. Nhưng có lý và vô tình nó giúp được em nó có nơi, có chốn.

                                                                                  Thủy Điền
                                                                                 31-01-2017

READ MORE - CHÚC TÌNH - Truyện ngắn của Thủy Điền

LỤC BÁT TÀN XUÂN - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn



            Tác giả Nguyễn Lâm Cẩn


LỤC BÁT TÀN XUÂN

Đến nơi xuân đã chín rồi
Trái thơm người hái lòng tôi rụng cành
Một mình dở chín dở xanh
Cơm nêu nước lọ rách lành vá nhau

Tỉnh say với gói trầu cau
Nhai không lên nổi cái màu sắt son
Thôi đành ôm mối héo hon
Chăn đơn gối lệch đêm mòn năm canh

Ước chi về tuổi xuân xanh
Lời ru mẹ hát để dành ru em
Hoàng hôn gói hết nhá nhem
Đọc câu thần chú rồi đem trả trời

Đến xuân xuân đã chín rồi
Hội xuân bóng lẻ đành ngồi nghêu ngao
Trông xuân nào thấy đâu nào
Thấy mình ngồi gốc cây đào hết hoa.

                         Hà Nội, 05-2-2017
                          Nguyễn Lâm Cẩn

READ MORE - LỤC BÁT TÀN XUÂN - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn

NỤ HÔN ĐẦU - thơ Võ Tấn Hùng



      NỤ HÔN ĐẦU

     


Cuối năm.
Se se lạnh, phơn phớt chút nắng vàng.
Lang thang một mình trên phố thị An Nhơn…
Trường cũ còn đây.
Đường xưa còn đấy.
42 năm lặng lẽ trôi nhanh như dòng nước qua cầu.
Đâu rồi Hiệp hội Nông dân cạnh trường Trung học công lập Đào Duy Từ,
Đâu rồi những mảng cỏ xanh rờn như những tấm thảm, có còn vương dấu chân trần thướt tha tà áo trắng, mắt tròn xoe đen láy vút mi cong,
Đâu rồi vạt nắng tím tinh nghịch trên dải suối tóc xanh dài buông xoã kín bờ vai thon thả, dịu dàng,
Đâu rồi chùm phượng vỹ rực hồng chín đỏ mọng bờ môi,
Và đâu rồi
Quyển vở rơi
Ngọt ngào cho nhau nụ hôn đầu.
Ngượng ngùng.
Hổn hển.
Vô tư.
Một chút khạo khờ,
Chắc chiều về mẹ mắng (…)
Tình yêu một thuở học trò thơ mộng, tinh khôi, mỏng manh, khẽ khàng như cánh bướm…
Của ngày xưa
Của ngày hai buổi đến trường…


Bình Định, 24.12.2016
VÕ TẤN HÙNG



READ MORE - NỤ HÔN ĐẦU - thơ Võ Tấn Hùng

TÂM TÌNH VỚI MÙA XUÂN - thơ Trường Hải Lê Văn Đông

Ảnh tác giả
                     
                     TÂM TÌNH VỚI MÙA XUÂN

                     Ơi, mùa Xuân, mùa Xuân
                     Mùa xuân muôn đời vẫn trẻ,
                     Cũng như bình minh tinh khôi,
                     Mỗi sáng đất trời thức dậy,
                     Cuộc sống ngày ngày sinh sôi.
                     Tuổi xuân một đời đẹp đẽ,
                     Nâng niu, trân trọng thời hoa,
                     Để rồi đến khi bóng xế,
                     Nhặt cánh hoa rơi chiều tà.
                     Mùa xuân thiên nhiên luôn trẻ,
                     Mùa xuân đất nước ông bà,
                     Mấy muôn nghìn năm có lẻ,
                     Xuân này thương nhớ xuân qua.
                     Mùa xuân đời người hữu hạn,
                     Mong xuân quyến luyến cùng ta                           
                     Để được vui cùng con cháu,                                  
                     Đón chờ đất nước nở hoa.
                    Tổ quốc thanh bình tươi đẹp,
                     Cho đời vang khải hoàn ca.

                     Đỉnh Sơn, 31/1/2017                                            
                     Trường Hải Lê Văn Đông                                  


READ MORE - TÂM TÌNH VỚI MÙA XUÂN - thơ Trường Hải Lê Văn Đông

XUÂN NHỚ VỀ QUÊ NGOẠI - Thơ Trương Thị Thanh Tâm


Ảnh tác giả

XUÂN NHỚ VỀ QUÊ NGOẠI 
                      
Đã nhiều năm đến những ngày giáp tết
Nỗi nhớ quê xao xuyến ở trong lòng
Người đi xa, cách trở chẳng về thăm
Ngôi nhà cũ, còn đâu người đã mất
*
Ngoại cũa tôi theo ông bà về đất
Kỷ niệm tuổi thơ sao vẫn chưa quên
Đường mòn xưa, cầu tre nhỏ gập ghềnh
Lối vào nhà bốn mùa cau thơm ngát
*
Đêm sáng trăng cùng chơi trò cút bắt
Đôi trâu quần bã lúa sắp ra rơm
Ánh trăng quê dìu dịu giữa trời đêm
Nghe thoang thoảng chút mùi hương lúa mới
*
Vẫn còn đó dáng ngoại già còm cỗi
Tóc hoa râm, ngồi bên bếp lửa hồng
Mắt ngoại lặng thầm nỗi nhớ mênh mông
Nồi bánh tét đang sôi còn đỏ lửa
*
Đã xa rồi góc vườn mùi ổi chín
Cây khế đến mùa trái đã vàng tươi
Nhà chữ đinh, ngói cũ mất đâu rồi
Cây trái ngoại trồng giờ thay đổi chủ
*
Biết làm sao quay về ngày tháng cũ
Để còn theo chân ngoại thưở còn thơ
Mùa xuân về khói hương trầm lãng đãng
Một nửa xuân quê ngoại gởi vào mơ.
             Trương Thị Thanh Tâm

                       Mỹ Tho
READ MORE - XUÂN NHỚ VỀ QUÊ NGOẠI - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

NURSING HOME, NGÀY BA MƯƠI TẾT VÀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG - Truyện ngắn của Trần Hữu Thuần

Ảnh tác giả


Nursing Home, Ngày Ba Mươi Tết,
và Người Đàn Ông


Truyện ngắn của Trần Hữu Thuần


Nursing Home một ngày trời đầy tuyết. Bên ngoài cửa sổ, không gian mênh mông trắng xóa hàng ngàn hàng vạn bông tuyết lay bay chao đảo theo chiều gió. Tuyết của mấy tháng gom lại chất cao lên gần nửa thân người. Chẳng một cọng cỏ trên vườn cỏ vốn xanh mướt trước khi mùa đông đến. Chằng một màu sắc ngoại trừ màu xám xịt của nền trời xám xịt. Vây bọc quanh khu vực, hàng rào cây với những thân cây khẳng khiu trụi lá trơ cành cũng một màu xám xịt như cố lẫn mình vào với màu trời xám xịt. Ngồi bên bậu cửa sổ, một người đàn ông luống tuổi đăm đăm nhìn ra khu vườn bên ngoài, thỉnh thoảng lẩm bẩm một mình:
“Ngày Ba mươi Tết.”
Chẳng ai trong Nursing Home biết ngày ba mươi Tết là gì, và chính người đàn ông đang ngồi bên cửa sổ cũng chẳng thể xác định chắc chắn được hôm nay có đúng là ngày ba mươi Tết hay không. Ông đã ngồi bên cửa sổ từ sáng sớm khi vừa thức giấc, và còn ngồi đó cho đến giờ đi ngủ hoặc thâu đêm không chừng. Chẳng ai trong Nursing Home quan tâm đến hành vi khác lạ của bất cứ người khách trọ bất đắc dĩ nào bao lâu hành vi đó không gây phiền toái cho staff hoặc gây phương hại cho chính bản thân. Cũng chẳng ai biết tiếng Việt để hiểu người đàn ông lẩm bẩm đã không biết bao nhiêu ngàn vạn lần:
“Ngày Ba mươi Tết.”
Nursing Home không có lịch, lịch Tây không có, lịch Ta lại càng không. Chẳng ai trong Nursing Home để ý đến ngày tháng trôi qua vì ở đây tính thời gian của ngày tháng đã hoàn toàn mất đi. Nursing Home không phải là nhà tù, khách trọ cũng không phải là người tù nhưng chẳng ai bao giờ được rời khỏi nếu không có phép. Thời gian ở đây chẳng còn là gì ngoại trừ ngày đêm nối tiếp nhau cho đến lúc chấm dứt khi một trong các người khách trọ chấm dứt cuộc sống, một cuộc sống vốn đã bị thu lại đến tột cùng nhỏ bé tới con số âm vô cực. Người đàn ông lẩm bẩm:
“Ngày Ba mươi Tết.”
Có chắc chắn hôm nay là ngày Ba mươi Tết không? Ông tự hỏi và không trả lời được, vì chẳng có căn cứ để trả lời. Cách đây một hai tháng gì đó, một người bạn cùng đơn vị ngày trước đến thăm ông và trong một câu chuyện vu vơ đã tình cờ nói đến còn bao lâu nữa Tết sẽ đến. Ngày tháng đó tình cờ đối với người bạn nhưng với người đàn ông đang bị cắt đứt với thế giới bên ngoài lại là một mốc thời gian quan trọng. Khi người bạn ra về, ông vội vàng ghi ngày tháng vừa nghe vào sổ tay. Từng ngày từng ngày, ông vạch đếm thời gian đợi ngày Tết đến. Bây giờ nơi đây, ngày Tết trở nên thiêng liêng và quí báu với ông. Trước đây, khi vinh cũng như khi nhục, ông chưa từng nghĩ đến ngày Tết như ông đang nghĩ đến lúc này. Một nỗi nao nức thúc giục làm con tim ông đau nhói. Hôm nay đã đến ngày Tết chưa? Đã đến hay chưa đến, niềm háo hức vẫn ùa về trong lòng ông kèm theo một nỗi buồn chua chát trong tim ông. Ông cảm thấy đắng trên đầu lưỡi. Đêm giao thừa rồi sẽ thế này sao? Tết sẽ đến với ông thế này sao, trong sự hờ hững của người chung quanh ông, của gia đình ông, và của cả thế giới ông đang sống sao? Và đã bao nhiêu lần ông đón Tết trong tưởng tượng theo ngày tháng ông suy đoán như thế nảy rồi kể từ ngày ông bị giam giữ trong Nursing Home này? Ông rơm rớm nước mắt.


***


Năm tháng còn ở nhà với con ông, trước ngày cúng Ông Táo theo phong tục, dù không cúng kiến vì tin Chúa, ông vẫn một mình lau dọn cái đầu tủ chè trong phòng khách dùng làm bàn thờ ông bà tổ tiên và người vợ xấu số của ông, mẹ của thằng con trai ông. Nằm ở vị thế trang trọng nhất trong nhà, bàn thờ tổ tiên của gia đình ông không thua bất cứ bàn thờ nào bên quê nhà. Vì cha mẹ ông không để lại hình ảnh, ông đã thay thế bằng hai bài vị phủ khăn đỏ chiếu theo phong tục của quê hương. Bên phải từ ngoài nhìn vào, ông đặt bức hình vợ ông. Phía trước chính giữa là một lư hương lớn với hai chân đèn lớn hai bên. Trước bài vị cha mẹ và hình vợ ông, ông đặt hai bát nhang có cắm mấy cây nhang. Ngày giỗ ngày Tết, ông gầy lò trầm, đốt nhang vái bàn thờ. Nhìn khói nhang trầm uốn éo bay lên, ông tưởng lòng thành của ông cũng bay lên theo đó đến với ông bà tổ tiên cha mẹ ông, và với cả vợ ông. Ông bảo con trai ông, lúc đó còn chưa có gia đình:
“Con biết không, ngày cúng ông Táo mình cho là dị đoan nhưng nghiệm lại cũng chỉ là một cách ông bà mình đã khôn ngoan đặt ra để nhắc nhở mọi người chỉ còn tuần lễ nữa là Tết.”
Con ông lắc đầu:
“Con không hiểu.”
Ông mỉm cười:
“Có gì đâu mà không hiểu. Cúng ông Táo có phải vào ngày hăm ba tháng chạp mà Tết bắt đầu vào giờ giao thừa ngày cuối năm hoặc hăm chín hoặc ba mươi không? Cho là ba mươi, trừ đi hăm ba có phải bảy ngày không?”
Con trai ông ngẫm nghĩ:
“Cho là thế đi, con vẫn không hiểu tại sao lại phải bày ra chuyện cúng ông Táo dị đoan như thế?”
Ông mỉm cười:
“Để ba hỏi con mấy câu.”
“Ba hỏi con gì?”
“Con nghĩ thời trước nhà nào cũng có lịch như hiện nay cả sao?”
Con ông lắc đầu:
“Con không nghĩ vậy. Nước mình may ra có âm lịch, còn dương lịch chắc chưa phổ biến đến.”
“Con đúng. Mỗi làng may ra có một vài cuốn lịch vạn niên nào đó do vài ông thầy bói giữ. Cả làng cần việc đều phải đến các ông thầy đó hỏi ngày lành tháng tốt.”
Con ông im lặng chờ ông nói tiếp. Ông thong thả:
“Vì không có lịch nên ít người biết ngày nào là ngày Tết.”
Con ông chặn lời ông:
“Nhưng lịch thì liên quan gì đến ông Táo?”
“Có liên quan. Các người cầm đầu trong làng muốn nhắc nhở cho dân làng biết chỉ còn bảy ngày đến Tết, chẳng cách nào khác hơn là định ra một ngày lễ.”
Con ông gật gật đầu:
“Con bắt đầu hiểu Ba muốn nói gì. Nhưng tại sao không là lễ gì lại lễ ông Táo?”
Ông mỉm cười hiền từ:
“Câu hỏi khác. Trong gia đình, ai hoặc cái gì gần gủi nhất?”
“Ông bà cha mẹ?”
“Không, cái bếp. Sáng trưa chiều tối, nhà bếp là mạch sống của một gia đình. Ông Táo là Thần Bếp.”
“Dạ phải.”
“Muốn nhắc nhở, người ta chọn cái gì gần gủi nhất, và đó là ông Táo.”
“Dạ, con hiểu.”
“Người dân thời đó tin vào chuyện ma quỉ thần thánh. Vì thế, để nhắc nhở Tết sắp đến, cách tốt nhất có phải là tạo ra ngày lễ một ông thần đặt vào bảy ngày trước Tết. Và ông thần nào gần gủi mọi gia đình hơn ông Thần Bếp, ông Táo. Con nghĩ có đúng không?”
Con ông gật đầu:
“Dạ đúng. Nhưng rồi còn chuyện một ông hai bà, chuyện ông bà Táo không mặc quần, rồi chuyện cởi cá chép lên tâu Thượng đế, toàn thể không phải là tin quấy thờ quá sao?”
“Con nói đúng. Ba nghĩ các câu chuyện đó người sau thêu dệt thêm, trước hết để giải thích lí do của ngày lễ, sau nữa làm cho ngày lễ thêm phần hấp dẫn.”
Người con trai ra chiều suy nghĩ:
“Con nghĩ Ba nói đúng. Thế còn chuyện gì về ngày Tết người ta cho là hủ tục mà Ba giải thích hợp lí nữa không Ba?”
Lòng vui vui vì không ngờ con trai ông rời bỏ quê hương từ lúc mới lên tám vẫn còn muốn tìm hiểu quê cha đất tổ, ông trìu mến hỏi con:
“Bộ con muốn biết thật sao? Lâu nay con vốn không quan tâm mấy đến phong tục cổ truyền Việt Nam mà?”
Người con lắc đầu:
“Không phải con không quan tâm đến, nhưng con cho rằng một khi đã sống trên đất nước này, mình phải hòa nhập với nó.”
“Ba không chối bỏ điều đó, sống ở đây phải hòa nhập với ở đây. Có điều, người ta nói con chồn có hang, con chim có tổ, con người có quê hương. Con rời quê hương từ lúc còn quá nhỏ nên không còn mấy xúc động khi nghe nhắc đến hai tiếng quê hương. Nhưng dù sao, giòng máu Việt vẫn chảy trong người con, con không thể nào gạt bỏ được.”
“Con hiểu điều đó.”
“Ba vui khi nghe con nói như vậy. Về chuyện con hỏi, Ba chỉ nói thêm một điều liên quan đến ngày Tết thôi.”
“Điều gì Ba?”
“Ngày Tết, người mình không cho quét nhà trong ba ngày đầu năm, và không cho nhúm lửa nấu ăn trong ngày Mồng Một.”
“Sao vậy Ba?”
“Quét nhà, người ta nói sẽ quét tiền ra ngoài. Nhúm bếp, người ta nói làm cho Thần Bếp giận, gia đình sẽ chào xáo quanh năm.”
“Có thật vậy không Ba?”
“Thật thế nào được.”
“Thế người ta nói thế để làm gì?”
“Ba hỏi con, trong gia đình ngày trước, ai là người phải quét nhà, phải nấu bếp?”
Không ngần ngừ, người con trả lời:
“Là người mẹ, là con gái, là người giúp việc.”
“Con hoàn toàn đúng.”
“Nhưng thế là sao?”
“Con vẫn chưa hiểu sao? Nhà giàu có người giúp việc, nhất là những người mà họ đã mua bằng tiền hoặc bằng áp lực để phục vụ họ như một thứ nô lệ lao động, liệu có cho phép các người đó nghỉ ngơi ăn Tết không?”
“Con nghĩ là không.”
“Thế nếu các cụ tổ tiên biết lẽ phải bảo mấy ông nhà giàu đó cho người giúp việc nghỉ ngơi ăn Tết, liệu họ có nghe theo không?”
“Dạ, chắc không.”
“Giờ chắc con đã nhận ra ý Ba. Muốn cho các bà mẹ, các cô con gái, và các người giúp việc nghỉ ngơi mấy ngày Tết, chỉ còn cách tạo ra một lí do chính đáng. Còn lí do nào chính đáng cho mọi người hơn lí do tiền bạc và bình an trong gia đình?”
Người con gật gù:
“Con hiểu rồi, Ba quả có cái nhìn khác cái nhìn quen thuộc.”
Ông không nói gì, nhìn lên bàn thờ tổ tiên rồi đột nhiên hỏi người con:
“Con có hiểu tại sao mình bị giặc Tàu đô hộ một ngàn năm mà không mất tiếng nói không? Con nhìn xuống Nam Mĩ, các nước dưới đó có phải đã không còn nói tiếng mẹ đẻ của họ nữa không?”
“Dạ phải, họ phần lớn nói tiếng Tây ban nha, một vài nước nói tiếng Bồ đào nha.”
“Thấy đấy. Họ có tiếng nói của họ nhưng giờ đã hoặc bị mất hoàn toàn hoặc không còn phổ thông nữa trong khi thời gian họ bị đô hộ không kéo dài tới cả ngàn năm như đất nước mình.”
“Ba cho là tại sao?”
“Tại cha ông mình rất khôn khéo.”
“Con không hiểu.”
“Một là, nền giáo dục thời đó không phổ thông đến tận nông thôn nên không phải ai cũng học nói và viết tiếng Tàu.”
“Ba nói đúng.”
“Hai là, cha ông mình đã khôn ngoan bày ra một cách đọc tiếng Tàu theo tiếng Việt. Do đó, người học học viết tiếng Tàu nhưng đọc tiếng Việt. Cả hai lí do gộp lại giữ cho tiếng Việt không mất đi cho đến ngày nay.”
Ông nhìn con trìu mến, nghĩ rằng con ông đã không quên cội nguồn quê cha đất tổ.


***


Một năm sau, con trai ông lập gia đình với con gái của bạn ông đang kẹt lại quê nhà vì không đủ thời hạn ba năm tù để lập hồ sơ rời khỏi đất nước. Ông hi vọng nhận con gái bạn làm con dâu, gia đình bạn ông sẽ được con dâu ông bảo lãnh qua Mĩ. Một năm sau nữa, khi con trai con dâu ông sinh đứa con trai đầu lòng, ông trao chủ quyền căn nhà giá gần triệu đôla của ông cho vợ chồng con trai ông. Một hôm, vài tháng sau khi nhận chủ quyền căn nhà, con trai ông bảo ông:
“Ba nè, bạn bè con người Mĩ bước chân vô nhà mình thấy cái bàn thờ với bài vị trùm khăn đỏ cứ cho rằng gia đình mình thờ ma thờ quỉ. Để giúp họ hiểu, lần nào cũng phải mỏi miệng giải thích.”
Ông nhìn thằng con:
“Ý con là thế nào?”
Thằng con ngần ngừ một chút rồi nói huỵch toẹt:
“Nếu ba cho phép, con dọn bàn thờ vào trong phòng ba.”
Ông thảng thốt hỏi lại:
“Sao lại vậy?”
“Là vì con không muốn phải mất công trả lời, không muốn để bạn bè con hiểu lầm người Việt mình thờ ma thờ quỉ.”
Ông đau xót:
“Thờ tổ tiên và mẹ con, sao con nói là thờ ma thờ quỉ?”
Thằng con cứng cỏi:
“Với ba thì thờ ông bà và mẹ con, nhưng với người ngoại quốc thì thờ ma thờ quỉ. Ông bà tổ tiên cũng là người, đã chết, sao lại phải thờ? Thờ là Chúa, cùng lắm là thờ Phật như người mình. Tổ tiên cũng là người sao lại phải thờ?”
Ông thấy cay cay ở mắt. Ông cũng là người tin Chúa nhưng không thấy có gì là sai trái trong việc kính nhớ tổ tiên. Thằng con ông chẳng lẽ bây giờ đã hoàn toàn Mĩ hóa như vậy sao? Mặc dù vậy, ông vẫn dọn bàn thờ vào phòng riêng của ông vì không muốn ngày nào cũng phải với con ông tranh cãi. Nghĩa là ông nhượng bộ một bước cho yên cửa yên nhà, một bước nhượng bộ ông không ngờ sẽ dẫn ông đến các bước nhượng bộ khác. Ngày ông đang dọn bàn thờ, con ông bảo ông:
“Cám ơn Ba, con thấy vậy là phải.”
Ông chẳng thấy chỗ nào là phải nhưng không muốn tranh cãi gì thêm nữa. Ba mươi Tết năm đó và các năm sau, ông ra chợ mua nhang đèn trái cây, cả bánh tét bánh chưng, và một cành mai giả về đặt lên bàn thờ được thu nhỏ lại đặt trong phòng ông. Ông đột nhiên thấy quặn thắt trong lòng. Cuộc đời ông cũng chẳng khác gì chiếc bàn thờ tổ tiên kia, ngày càng thu hẹp lại. Ngôi nhà khang trang đáng giá cả triệu đôla này vốn là của ông, ông đã bỏ hết vốn liếng chắt chiu sau mấy chục năm xây cất ngôi nhà với mục đích cho con ông nó nơi cư ngụ khi khôn lớn lấy vợ có con. Thế mà giờ đây sau khi ông đã yêu thương giao quyền làm chủ ngôi nhà cho con ông, ông và bàn thờ tổ tiên và vợ ông bị thu gọn lại trong căn phòng ngủ diện tích mấy chục mét vuông của ông. Ông nghĩ đến đời ông cũng bị thu nhỏ lại tương tự. Ông đã trải qua tuổi thanh xuân với mộng ước tang bồng hồ thỉ nam nhi trái, với câu thơ Chinh phụ luôn vang vọng trong đầu Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao nhưng rồi cuộc đời chỉ thu nhỏ lại trong một cuộc chiến tranh dai dẳng. Ông đã trải qua một thời chinh chiến nhiều người tan xương nát thịt nhưng không hề tìm thấy một điều gì thỏa mãn được chí tang bồng hồ thỉ bừng bừng thời tuổi trẻ hăng máu của ông. Cuộc chiến tranh đau đớn đó chỉ cho ông nhìn thấy tang thương và chết chóc. Hàng đoàn hàng đoàn mẹ góa con côi lếch thếch lang thang, hàng đoàn hàng đoàn người dân vô tội tan nhà nát cửa dưới bom đạn của một cuộc chiến mà càng lúc ông càng thấy mất phương hướng. Nhiều lúc, với cương vị chỉ huy, ông không tìm được cách lí giải cho hành động chiến đấu của ông khi ông phải thi hành lệnh trên. Sao người ta lật đổ giết hại một vị tổng thống vì dân vì nước để giao đất nước vào tay những nhà lãnh đạo mà tầm nhìn chưa vượt qua được mấy chữ vinh thân phì gia? Các người lãnh đạo đất nước và quân đội nghĩ gì về đồng tiến bất chính mà hoặc chính họ hoặc chính bà Tướng bà Bộ cô Sáu bác Ba của họ làm ra một cách phi pháp?
Rồi chiến cuộc tàn một cách chua xót ngày 30 tháng tư năm 1975, một ngày lịch sử ô nhục. Câu châm ngôn Tổ quốc, Danh dự, Trách nhiệm mà ông đã quì xuống tuyên thệ trước khi nhận lấy cấp hiệu sĩ quan một sớm một chiều trở thành con số không. Thoáng một thoáng, ông không còn Tổ quốc, không còn Trách nhiệm, và cũng chẳng còn cả Danh dự. Quê hương ông vẫn còn đó, vẫn là giải đất chữ S nhưng ông không còn được phép nhận đó là quê hương ông nữa. Kẻ thắng cuộc đã tự cho mình có quyền lột bỏ quyền làm con cái Hùng Vương của ông, xếp ông vào hạng người không quê hương không tiên tổ. Cuộc đời ông bị thu nhỏ thành một con số kém hơn con số không. Ông không còn lại bất cứ thứ gì, không gia đình vợ con, và không cả chính bản thân ông. Cũng may là kẻ thắng cuộc còn cho ông giữ lại cái tên cha mẹ đặt cho ông, không biến ông thành một con số như những người tù trong mọi chế độ chính trị khác đã bị biến thành như thế. Kí ức làm ông quặn thắt con tim. Ông thở dài lẩm bẩm:
“Ngày Ba mươi Tết.”
Ngày ba mươi Tết trong Nursing Home, ông cô đơn trong một nơi đông người. Chẳng có ai chung quanh ông hiểu được tâm tình ông lúc này. Đến lúc này, ông cảm thấy còn tệ hơn những năm ông sống trong lao tù. Ông đã mất hết tất cả lúc ở trong lao tù đó nhưng ít nữa ông vẫn còn chút hi vọng có ngày ra khỏi lao tù làm lại cuộc đời. Trong Nursing Home này, ngày ông ra khỏi sẽ không còn là ông mà chỉ là một cái xác sẵn sàng làm mồi cho giun dế. Cả cái tên mà kẻ thắng cuộc không lấy mất đi của ông giờ đây ông cũng không còn giữ được nữa. Người ta gọi ông bằng một cái tên gì đó mà cho dẫu rất khá tiếng Anh, lần đầu tiên khi nghe gọi ông vẫn ngơ ngác chẳng biết người ta đang gọi người nào. Cái họ Trần của ông giờ đây đã nghe thành Train, ầm ầm tiếng xe lửa chạy trên đường rầy. Con cháu ông giờ đây đều tự gọi và được gọi thành Train Xe lửa. Ông Xe lửa, ba Xe lửa, con Xe lửa, cháu Xe lửa. Giữa đám người đàn ông đàn bà có người nghễnh ngãng ngờ nghệch có người sáng suốt mà ông là một, chẳng còn ai biết đến ông là ai là cái gì. Trong thế giới này, ông hoàn toàn trở thành một cỗ máy trong nhiều cỗ máy đi qua đi lại như những bóng ma, không quan tâm đến ai và không ai quan tâm đến. Ông lại lẩm bẩm:
“Ba mươi Tết.”
Tết là ngày truyền thống lịch sử, xã hội, phong tục, gia đình, và tâm linh mà người Việt nào cũng đương nhiên được hưởng; thế mà giờ đây ông không hưởng được niềm vui đương nhiên đó. Ông đảo mắt nhìn chung quanh. Cơm chiều mọi người đã ăn xong ngoại trừ phần ăn của ông đang lạnh dần trên bậu cửa sổ. Ông chậc lưỡi nhủ thầm:
“Có đúng đêm nay Giao thừa không? Mình mất cả quyền đón Giao thừa nữa rồi sao?”
Chẳng có ai để xác nhận cho ông đêm nay đúng hay không đúng là đêm Giao thừa. Con trai con dâu ông không đến. Cháu ông còn nhỏ muốn đến cũng không được. Mà cho dẫu con trai con dâu ông đến, chúng nó cũng chẳng xác nhận được thắc mắc của ông vì chúng chẳng còn quan tâm gì đến ngày Tết nữa. Với chúng giờ đây chỉ có Thanksgiving rồi Christmas rồi New Year. Câu chúc đã gộp lại thành một, Merry Christmas and Happy New Year. Đã mấy năm rồi, ông không còn nghe câu Chúc Mừng Năm Mới trong gia đình ông nữa. Lúc còn ở nhà, sáng Mồng Một, sau khi vái tổ tiên, ông gom các cháu lại lì xì và tập cho các cháu nói câu chúc Tết ông. Các cháu ngọng nghịu nói:
Mung tu-ôi ông Nôi.”
Con trai con dâu ông nễ nang ông trong giây phút đó nên không dám nói gì nhưng khi các cháu ra khỏi phòng, con trai ông bảo ông:
“Ba ơi, Ba đừng cho tiền tụi nhỏ nữa Ba.”
Làm bộ không hiểu, ông hỏi:
“Cái này không phải là cho tiền mà lì xì lấy hên năm mới.”
“Lấy hên lấy xui gì con không biết, nhưng cho tiền tụi nhỏ tập cho chúng thói quen nhận tiền sau khi đã làm một điều gì người khác muốn.”
“Ba không hiểu ý con.”
“Có gì đâu. Các cháu không biết nói tiếng Việt nhưng vẫn cố nói để được Ba cho tiền. Làm vậy sẽ gây cho các cháu thói quen làm một điều gì theo ý người khác để được tưởng thưởng. Phản xạ Pavlov chắc Ba đã biết.”
“Ý con nói là Ba tập cho con con hối lộ và nhận hối lộ?”
Con trai ông lắc đầu:
“Con đâu dám hỗn vậy.”
Con trai ông nói không dám hỗn với ông nhưng thực sự câu nói đã đâm thấu tim ông. Ông gục đầu xuống bục cửa sổ.
Một buổi chiều mấy năm về trước….


***


“Thế ba không được ở nhà nữa sao con?”
“Ba à, tụi con cũng muốn ba ở nhà lắm, nhưng ba thấy đó….”
“Ba đâu thấy gì. Ăn uống ba tự lo lấy. Thức ăn còn lại trong tủ lạnh, ba cho vào microwave hâm nóng là xong. Cùng lắm không có gì thì ba ăn mì gói.”
“Ý ba nói vợ chồng con không biết lo cho ba, chẳng biết nấu nướng gì cho ba sao? Tụi con lúc nào cũng lo cho ba ngày ba bữa, đâu để ba nhịn đói ngày nào bữa nào đâu?”
Người cha nhìn đứa con trai với ánh mắt hết sức dịu hiền, nhưng nét mặt dửng dưng không vui không buồn. Lát sau, ông nói:
“Ba chỉ nói là ba chưa đến lúc phải nhờ cậy đến vợ chồng con như những người già cả đui què bệnh hoạn khác, ba có trách móc gì ai đâu, con lại càng không.”
“Thế ba trách vợ con chắc? May mà nó không có nhà.”
Một chút bực nhọc lộ ra trong đôi mắt, ông chậm rãi nói:
“Vợ con ba lại càng không trách. Nó có nhà hoặc không có nhà, ba chẳng bao giờ đụng chạm đến nó. Điều đó con biết quá rõ rồi, phải không con?”
Đứa con dằn mạnh chai bia đang cầm trong tay xuống bàn ăn, đi dần đến cầu thang chuẩn bị lên lầu. Người cha nói với theo:
“Ngày xưa, người ta nói thất thập cổ lai hi, nhưng ngày nay bảy mươi trên bảy mươi  không còn là chuyện hi hữu nữa. Trời cho ba đến lúc này cũng chưa phải làm phiền con. Ba còn đi còn chạy, còn lái xe ào ào, còn làm được gần như mọi chuyện….”
Ông im lặng một chút rồi nhìn đi chỗ khác:
“Chỉ phải tội ba không nhiều tiền, cũng chẳng còn nhà cửa. Tiền ba lo cho con ăn học nên chẳng còn giành giụm được bao nhiêu, nhà cũng đã sang tên cho vợ chồng con rồi.”
Đứa con gắt giọng:
“Ý ba muốn con trả tiền lại cho ba như trả nợ vay tiền đi học và sang nhà lại cho Ba, phải vậy không Ba?”
Người cha gắt lại
“Con với cái, mày ăn nói với ba mày như vậy sao? Tao mà tham tiền thì đã không đem mày sang đây, lo cho mày ăn học nên thân nên người, lo cho mày có vợ, lo cho con cái mày.”
“Ba sinh con ra thì lo cho con, như con bây giờ lo cho con con. Ba lo cho con sao giờ lại kể công?”
“Tao đâu thèm kể công gì với mày. Tại mày nói nghe chướng tai quá nên tao bực mình thôi.”
Đứa con chẳng kém gì, nói ngay lại:
“Ba nghĩ coi, cứ mỗi lần có chuyện không vui là ba lại đem chuyện tiền chuyện nhà ra trách con. Đâu phải con không biết ơn những gì ba đã làm cho con…. Nhưng biết ơn và chuyện con muốn ba vào nghỉ ngơi trong Nursing Home đâu có liên quan gì? Chẳng qua vợ chồng con muốn có người chăm sóc cho ba nên mới làm vậy.”
“Vợ chồng mày hay chỉ mình con vợ mày muốn?”
Đứa con trai không trả lời câu hỏi của ba nó. Nó không thể xác nhận điều ba nó vừa nói là đúng hay không đúng. Tự thâm tâm, nó cũng biết chưa đến lúc phải đưa ba nó vào Nursing Home. Đúng là ba nó chưa đui què sứt mẻ gì để phải vào sống xa con xa cháu thui thủi trong đó. Nó cũng đã từng bảo vợ nó:
“Sao lại làm vậy? Ba còn mạnh khỏe, đâu đã cần phải vào trong đó?”
Nó nói gì thì nói, vợ nó vẫn khăng khăng. Không làm theo lời vợ nó muốn thì gia đình nó chào xáo, nó không chịu đựng nỗi việc đêm đêm vợ nó cằn nhằn nó. Vì thế, dù trong lòng chẳng muốn làm cho ba nó buồn, đứa con trai chẳng biết phải làm thế nào cho gia đình nó êm ả nếu không chiều theo ý vợ nó. Thấy con trai im lặng suy nghĩ, người cha ngưng nói, buồn rầu nhìn theo người con đang đứng ở chân cầu thang rồi nói tiếp:
“Sống với vợ chồng con và các cháu, ba nghĩ ba không phải vô ích. Mùa học, ba đưa đón các cháu đi học; mùa nghỉ, ba chăm sóc dạy dỗ thêm. Ba không kể công mà đó chính là niềm vui của ba trong tuổi già.”
“Con biết ba vẫn dạy dỗ các cháu, nhưng mà….”
“Ấy là chưa kể ba còn giúp cho các cháu làm bài học bài, giảng bài thêm cho các cháu hiểu. Và nhất là tối tối dạy bảo các cháu cách ăn nết ở để thành người tốt, nhắc nhở các cháu về nguồn gốc tổ tiên Việt Nam, kể chuyện cổ tích chuyện dã sử Việt Nam cho các cháu nghe để ít nữa chúng cũng còn nhận ra chúng từ đâu đến. Bộ con thấy làm vậy không đúng sao, hoặc trở ngại gì đến kế hoạch dạy dỗ con con sao?”
“Không phải vậy đâu ba. Vợ chồng con còn cám ơn ba đã chăm sóc dạy dỗ các cháu nữa là khác. Nhưng mà….”
“Nhưng mà làm sao? Ba sống trong nhà cũng đâu tốn kém gì cho con mấy  đâu. Ăn uống bây giờ ba cũng ít ỏi. Thuốc men ba cũng không cần nhiều, mà cũng không để con phải trả. Ba có medicare, tiền deductible tự ba trả lấy. Ba có mệnh hệ nào thì cũng đã mua life insurance để khỏi phải làm phiền con lo chuyện sau cùng cho ba. Hay con muốn ba trả tiền share phòng và tiền ăn uống?”
“Ba, sao Ba lại nói vậy. Vợ chồng con có bao giờ nghĩ đến chuyện tiền bạc chi li như vậy đâu.”
“Thế ba làm phiền tụi con chỗ nào mà tụi con buộc ba phải….”
“Tụi con có buộc ba đâu, chỉ thấy đi vào Nursing Home người ta chăm sóc ba kĩ càng hơn tụi con vì tụi con không có nhiều thì giờ…. Với lại, book cho được một chỗ trong Nursing Home phải nằm waiting list mấy năm trời. Bỏ mất cơ hội này xin lại biết bao giờ mới có, làm sao kịp với lúc Ba thực sự cần đến?”
“Con nói đến lúc ba thực sự cần đến nghĩa là hiện thời ba chưa thực sự cần đến, đúng vậy không? Ba đã đui què sứt mẻ gì đâu để phải vào nằm trong đó?”
“Con biết, con biết. Nhưng mà….”
“Nhưng mà con không muốn ba ở nhà với con với các cháu nữa vì vợ con nó cằn nhằn phải chăm sóc ba trong khi cả ngày nó đã phải còng lưng mệt mỏi rồi, phải vậy không con?”
“Không phải đâu ba. Vợ con đâu dám cằn nhằn ba vậy đâu.”
“Nó không cằn nhằn ba nhưng cằn nhằn con. Nó không nói bốp chát vào mặt ba nhưng nó dằn xóc con khi hai vợ chồng ở riêng trong phòng. Không phải ba nghe lén tụi con đâu, nhưng nhìn cử chỉ và khuôn mặt nó ba đủ biết. Con nghe quen câu nói con mắt là cửa sổ tâm hồn rồi, phải không? Mỗi lần nó dằn xóc con rồi bước ra, ba chỉ cần nhìn thoáng là biết ngay chuyện gì đã xẩy ra.”
“Không đâu ba. Tại ba đoán non đoán già ra vậy thôi.”
“Thằng này lạ, đã đoán thì khi non khi già là chuyện thường tình. Đoán mà trúng ngay chóc thì đâu còn là đoán nữa.”
Đứa con trai sừng sộ lí luận chống lại:
“Non hay già là khi ba đoán trúng. Còn sai thì non già gì nữa.”
Ông cụ xẵng giọng bảo anh con trai:
“Thế là mày đổ xéo cho tao nói xấu vợ mày chứ vợ mày ngoan hiền không như tao nghĩ, phải vậy không?”
Ông ngưng lại, hừ một tiếng rồi nói tiếp:
“Ba nói cho con biết, sống đến tuổi này rồi, con ruồi bay qua ba còn nhận ra là đực là cái, nữa là chuyện vợ con đối xử với ba.”
Anh con trai lúng túng nói:
“Tại ba không thương nó nên mới nói thế.”
Người cha nhìn anh con trai, gằn giọng:
“Thằng này nói lạ. Tao không thương nó thì ai đưa nó đến cho mày cưới làm vợ?”
“Thì lúc đó ba thương, nhưng giờ ba không thương nữa.”
Nhìn anh con trai với nét mặt buồn rầu cay đắng, ông mím môi nói:
“Con nói vậy không đúng. Lúc đó ba thương nó, bây giờ ba vẫn thương nó. Ba chỉ buồn là không hiểu tại sao nó xoay chiều đổi thế ngược hẵn lại với chính nó ngày chưa là vợ con, ngược hẵn với bản chất người con gái Việt Nam thờ cha kính mẹ yêu chồng thương con như ba đã thấy khi nó còn ở quê nhà.”
“Chính ba mới lạ. Vợ con vẫn yêu con vẫn thương con cái nó, có gì như ba nói đâu.”
“Mày bỏ mất một vế của tao rồi.”
Đứa con trai xẵng giọng:
“Nó vẫn hiếu kính cha mẹ nó, sao ba bảo nó mất một vế?”
“Hiếu kính với cha mẹ nó thì tao không biết, vì chẳng liên quan gì đến tao. Con gái Việt về nhà chồng là trở thành gái con ruột của nhà chồng, phải hiếu kính cha mẹ chồng.”
“Xưa rồi ba, cái chuyện xuất giá tòng phu tòng phụ gì gì đó xưa lắm rồi. Thế hệ tụi con chẳng ai còn cho là đúng nữa đâu.”
“Ừa, thì chuyện đó xưa thật. Vậy thì theo mày, con cái bây giờ chẳng cần hiếu thảo với cha mẹ nữa, phải không?”
“Con đâu có nói thế. Nhưng ba nhìn xem, con dâu con rễ Mĩ đâu phải hầu hạ gia đình chồng gia đình vợ như người Việt mình đâu?”
“Mày nói thế thì tao có hai câu để hỏi mày. Một là, mày là người Mĩ hay là người Việt?”
“Con là người Mĩ.”
“Mày sai. Mày có quốc tịch Mĩ, nhưng mà là người Việt. Người Việt tao nói không phải là người sống ở Việt Nam, vì sống ở Việt Nam chưa chắc đã là người Việt chính cống mà có thể là người gốc Chiêm Thành, gốc Rađê, gốc Thái đen Thái trắng, gốc Trung Hoa có quốc tịch Việt.”
“Ba nói lạ. Có quốc tịch Mĩ mà không phải là người Mĩ thì là người gì?”
“Nếu nghĩ thế, mày thử ra đường hỏi bất cứ người Mĩ đen Mĩ trắng nào đi qua xem họ nói mày là người gì? Họ có thể nói mày là người Tàu người Nhật người Đại Hàn, họa hoằn mới nói mày là người Việt Nam. Chỉ thế thôi mày đã có hai điều nhục.”
Đứa con trai nguýt ông một cái rồi nói:
“Nhục gì mà nhục, Ba thì lúc nào cũng vậy.”
“Đúng, tao lúc nào cũng vậy. Hai cái nhục mà mày không thấy một là, không ai cho rằng mày là người Mĩ, hai là, họ cũng chẳng biết mày là người Việt Nam.”
“Không là người Việt Nam càng tốt thôi, tự hào làm sao được với một đất nước như vậy.”
“Vậy là mầy lại tự tạo thêm cho mầy hai điều nhục nữa, cộng lại là bốn.”
Đứa con trai hét lên:
“Chẳng có gì nhục cả.”
Ông đột nhiên dịu giọng xuống, nhìn đứa con là giọt máu của chính ông:
“Tội nghiệp cho con, chẳng nhục sao được con? Mình là người Việt, không cách nào có thể thay đổi dòng máu đang chảy trong người. Michael Jackson lột da cho trắng để mong trở thành người da trắng vẫn không thành công, chẳng ai cho anh ta là trắng cả. Trắng hay đen không nằm ở ngoài da mà nằm ở trong máu, mà máu thì không thay đổi được. Cho dẫu con rút hết máu da vàng của con ra để truyền vào toàn máu da trắng cùng loại, con vẫn là người Việt da vàng. Như thế rõ ràng máu đây không phải là cái máu cái da cụ thể bên ngoài mà khoa học nhìn thấy và thay đổi được mà là cái máu cái da trong tâm khảm trong tâm hồn, trong cái gene Thiên Chúa đã cho khi tạo thành con người.”
“Hừ….”
***
“Con không muốn nghe ba nói chuyện chính trị nữa. Chuyện gia đình, ba lôi chính trị vào làm gì?”
“Ba đâu nói chuyện chính trị mà nói chuyện dòng máu Việt trong người con. Mà thôi, nói chuyện gia đình, thế con có tôn trọng cha mẹ vợ con không?”
“Có chơ ba, ba dạy con thế mà.”
“Vậy là con ngoan. Nhưng, tôn trọng cha mẹ vợ con, sao con không tôn trọng ba là cha đẻ của con?”
“Sao ba nói vậy? Con vẫn tôn trọng ba mà.”
Ông thở dài nói tiếp:
“Con nói vậy nghe sao lọt tai? Tôn trọng ba, sao con chỉ còn biết nghe lời vợ con muốn tống cổ ba ra khỏi căn  nhà này nữa, căn nhà mà thực ra là của ba nếu ba không trao lại cho con? Sao con chẳng còn tình hiếu thảo của đứa con trai Việt Nam mà dòng máu đang chảy trong người con?”
Đứa con trai lắc đầu quầy quậy, vừa bước nốt những bậc thang còn lại đi lên lầu, vừa nói ngược xuống ba nó:
“Thôi, thôi đi. Con không nghe Ba nói nữa đâu. Lúc nào Ba cũng chỉ một cách nói đó. Muốn là người Việt Nam, sao Ba không về bên đó mà sống?”
Người cha giận dữ quát lên:
“Thằng con mất dạy. Tao tiếc công nuôi mày cho đến khôn lớn, hì hục đem mày sang đây cho mày có tương lai.”
Đứa con cũng chẳng kém, từ đầu bậc thang hét trở lại:
“Ba tiếc thì đừng đưa con sang. Con không nghe Ba nữa đâu. Ba đừng hét nữa, vợ con sắp về rồi.”
“Hừ, mày sợ tao la lớn con vợ mày nó nghe, phải không? Tao mày không sợ, mày chỉ biết sợ con vợ mày thôi, thế là làm sao? Nó làm nó nuôi mẹ nó anh em nó bên Việt Nam, có nuôi tao ngày nào đâu? Còn mày, tao đem mày qua đây cho đến giờ đây mày có sức có vóc, mày đã nuôi tao ngày nào chưa? Lúc tao còn trẻ trung đi làm, tao nuôi mày ăn học, lo lắng cho mày mọi chuyện. Nếu không vì lo cho mày, tiền bạc tao để vào đâu cho hết? Mày đi làm, tao còn muốn mày cất tiền làm được để dành làm vốn, không lấy của mày một xu. Vợ mày nuôi mày cho mày lớn lên ăn nên làm ra như bây giờ hay chính là tao?”
“Con xin Ba, Ba đừng lớn tiếng.”
“Tao cứ lớn đấy, xem con vợ mày làm gì tao.”
“Con đã nói là vợ con có làm mất lòng gì Ba đâu. Đây là ý kiến của con mà Ba.”
“Nó không ra mặt làm mất lòng tao nhưng nó xúi bẩy mầy. Thôi, mầy sợ nó hơn sợ tao, thì để tao gọi cho cô mày rồi tao qua ở với nó, vợ chồng mầy khỏi phải lo lắng cho tao nữa. Tao có chết rấp thì tụi mày cũng đừng bén mảng đến làm gì.”
Ông cụ đứng dậy bực bội đi lui đi tới mấy bước trong phòng rồi chỉ tay vào mặt anh con trai, nói:
“Đâu phải bây giờ mới xẩy ra mà từ ngày xưa ngày xửa cũng đã thế rồi. Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày. Tao sống đến chừng này bộ tao không biết sao? Cũng còn may tao chưa bạ đâu ỉa đó bạ đâu đái đó như mẹ mày trước khi chết. Cũng may cho bả là lúc đó mày chưa có vợ, mày mà có rồi chắc bả cũng không tránh khỏi bị chửi tắt bếp.”
“Thôi mà Ba, con xin Ba đừng la lớn nữa.”
“Xin, xin cái gì, tao còn cái gì nữa để mày xin? Tiền bạc thì tao cho mày hết rồi, giờ tao chỉ sống vào nhờ lương hưu xã hội. Quên, tao còn, còn nắm xương của tao mày muốn thì tao cho luôn. Mày muốn bộ xương tao thì lấy ngay bây giờ đi. Mày đối xử với tao như vậy, khi tao chết đừng có vác mặt đến. Mày đến tao hộc máu ra đó.”
Anh con trai tái mặt, lúng túng nói:
“Con xin Ba. Sao Ba lại nặng lời….”
“Còn nặng với nhẹ. Con người là thế đó. Khi cha mẹ già cả còn sống, ăn không cho ăn, mặc không cho mặc. Khi chết rồi làm đình làm đám cho to, cúng giỗ cho lớn. Để ai ăn? Để ruồi ăn chắc? Hay để tụi bay rủ bạn rủ bè lại nhậu nhẹt cười ha hả? Mừng quá mà, có đám giỗ cha giỗ mẹ lấy cớ để khoe của, để ăn nhậu, để kết giao, để cho mọi người thấy là con hiếu thảo. Hiếu thảo sao mày không hiếu thảo bây giờ đi, lo cho tao bây giờ đi? Khi tao chỉ còn đống xương thì giỗ chạp làm gì?”
“Con xin Ba, con xin Ba…. Vợ chồng con chỉ muốn Ba vào đó để có người chăm sóc lo lắng cho Ba. Rồi hàng tuần tụi con đem các cháu vào thăm Ba, đâu có để Ba một mình đâu?”
“Hừ, chẳng một mình tao thì hai mình chắc? Ông nào bà nào ở trong đó mà không một mình? Tao đã từng gặp nhiều người trong đó, cả Mĩ cả Việt, bao nhiêu năm trời chẳng thấy mặt con mặt cháu. Với lại tao dù bảy mấy tuổi nhưng đã đui què sứt mẻ gì mà mày buộc tao phải vào trong đó, không án cũng như ở tù?”
“Con xin ba, tụi con đâu tệ đến thế….”
Tụi con đâu tệ đến thế thì một mình mày tệ. Mà một mình mày là đúng rồi vì mày là con tao, tao đẻ mày ra, nuôi cho mày lớn, đem mày sang đây cho sung sướng, lo cho mày có tương lai. Con vợ mày thì đâu đính dáng gì đến tao nên tệ hay không tệ với tao thì cũng chẳng là gì. Mày nói cái gì cũng đúng, tụi mày đâu có tệ, chỉ một mình mày tệ với tao thôi.”
Anh con trai nhìn ra bên ngoài. Có tiếng xe đang chạy lạo xạo trên driveway rồi tiếng cửa garage chạy rần rần mở lên. Anh vội nói:
“Thôi, con xin Ba.”
“Ừ, vợ mày về, mày rét lắm rồi, phải không? Tao không nói nữa và sẽ làm theo ý mầy. Có điều, chớ có rêu rao là mày thương tao lắm, tự tao muốn vào Nursing Home để an hưởng tuổi già. Mày nói thế thì trời tru đất diệt mày đó.”
Anh con trai ngậm câm quay vào phòng riêng, chẳng dám nói gì nữa vì biết nếu nói gì thêm, ba anh ta sẽ tiếp tục la lối. Mà vợ anh đã về nhà rồi….


* * *


Người cha hậm hực đi vào phòng riêng, khóa cửa lại. Có tiếng bước chân lạch bạch bên ngoài cửa phòng ông rồi có tiếng đập cửa và tiếng kêu khe khẽ:
“Nội, nội, con muốn nội.”
Nước mắt ông bỗng ứa ra. Không chút chần chừ, ông phóng ra mở cửa, ôm cháu vào lòng:
“Nội đây, nội đây.”
Cháu bé bốn tuổi ôm chầm lấy ông, hôn lên má lên tay ông như thể ông đã vắng mặt nhiều ngày, miệng mếu máo:
“Con muốn nội, con ngủ nội.”
Hai đứa còn lại, đứa lên tám đứa lên sáu chỉ chờ ông mở cửa là băng vào như một cơn gió, đứa khóc đứa mếu:
“Con muốn nội, con muốn nội.”
Ông choàng tay ôm ba đứa cháu kéo lên giường ông, đóng cửa phòng lại, rồi xếp ba cháu nằm ngang, đứa lớn nhất, đứa thứ hai, ông nằm giữa, và rồi đứa nhỏ nhất. Ra dấu cho các cháu nằm im, ông rón rén đi xuống lầu pha chai sữa cho đứa bốn tuổi như ông vẫn làm hàng đêm, rón rén đi lên lầu vào phòng ông, rón rén đóng cửa lại. Ông lên giường nằm vào chỗ dành cho ông, đưa chai sữa cho bé nhỏ nhất, rồi hắng giọng bắt đầu kể chuyện:
“Ngày xưa, đời Hùng vương, có một nàng công chúa đàn hay hát ngọt. Trong rừng có một chằng tinh say mê tiếng đàn tiếng hát của công chúa nên rình rập tìm cơ hội bắt công chúa về làm của riêng.”
Đứa lớn nhất hỏi:
“Làm của riêng là làm gì ông?”
Ông đang kể một truyện cổ Việt Nam nhưng bằng tiếng Anh để các cháu có thể hiểu. Ông cho rằng dù cách cháu nghe câu chuyện bằng tiếng Anh mà biết ít nhiều về văn hóa lịch sử và phong tục của quê cha đất tổ, còn hơn nghe bằng tiếng Việt mà chẳng hiểu gì cả. Các cháu ông nói được chút ít tiếng Việt, nhưng không thể nào hiểu được tất cả cách nói tiếng Việt của người Việt. Các cháu nói ông sợ con thì không có nghĩa là ông sợ con mà là ông làm con sợ, vì các cháu dịch câu nói đó từng chữ một từ tiếng Anh you scare me. Ông không ngạc nhiên cũng không phiền trách việc các cháu không nói sõi tiếng Việt. Làm sao phiền trách các cháu được khi suốt tháng suốt ngày các cháu nghe, nói, và học tiếng Anh ở trường? Ông không chủ trương các cháu ông vì là người Việt phải rành rẽ tiếng Việt như người Việt chính cống mà ngược lại, ông chủ trương dạy cho các cháu biết lịch sử phong tục của đất nước Việt Nam, đất nước của tổ tiên các cháu với dòng máu Việt mà dù muốn dù không các cháu cũng phải mang trong người. Thằng con trai ông đó, nói rành hiểu rành tiếng Việt, sinh ra ở đất Việt trước khi đến đất nước quê hương thứ hai này, vậy mà đã nói thẳng nó không muốn là người Việt. Để đạt đến mục đích ông muốn với đàn cháu, đêm đêm, thay vì đọc sách trước khi các cháu ngủ, ông kể chuyện cho các cháu nghe, bằng tiếng Anh nhiều hơn bằng tiếng Việt. Ông kể đủ thứ chuyện Việt, chuyện cổ tích, chuyện lịch sử, chuyện dân Việt chống ngoại xâm Tàu và Pháp, và cuối cùng chuyện Miền Nam chống cộng sản. Kể thì kể, ông không mong các cháu hiểu hết mọi điều, chỉ mong gieo vào tâm trí non nớt của các cháu một điều gì đó có thể phát triển cách tích cực hơn về sau này khi các cháu lớn lên. Ông đúng, ông sai, câu trả lời chỉ có thể có khi các cháu ông đến tuổi trưởng thành.
Khi ông kể đến đoạn công chúa bị nhốt trong hang, đánh đàn và hát, Đàn kêu tích tịch tình tang, Ai đem công chúa dưới hang trở về, và tiếng đàn tiếng hát lọt vào tai Thạch Sanh, cháu bé nhất đã buông bình sữa xuống ngáy pho pho, cháu thứ hai sáu tuổi ngoẹo đầu qua một bên rồi cũng chìm dần vào giấc ngủ. Chỉ còn cháu thứ nhất tám tuổi nằm một đầu giường đang mở mắt nhìn trân trân lên trần nhà. Ông hỏi cháu:
“Ngủ đi con, ngày mai còn đi học.”
Cháu bật khóc, tức tưởi bảo ông bằng tiếng Anh:
“Sao ba mẹ con làm nội buồn vậy nội?”
Cháu ông mới tám tuổi học lớp ba, chẳng thực sự biết những gì đang xẩy ra giữa ba mẹ cháu và nội cháu, nhưng cảm nhận được ba mẹ đang làm nội buồn và nội đang giận ba mẹ. Chẳng biết phải giải thích thế nào cho cháu hiểu, ông thinh lặng thở dài. Cháu bảo ông:
“Sao vậy nội? Trước đây, mỗi khi con hỏi điều gì nội đều giải thích ngọn nguồn, sao lần này nội không cho con biết tại sao?”
Ông thở dài, nhắm mắt giả vờ ngủ. Ông và các cháu ông thường trò chuyện bằng tiếng Anh, không phải ông khoe mẽ tài nói tiếng Anh mà chính vì ông muốn có một liên kết bằng ngôn ngữ giữa ông và các cháu. Không có thứ ngôn ngữ làm chất liệu nối kết thế hệ trẻ và thế hệ người lớn, chắc chắn khoảng cách giữa hai thế hệ sẽ càng ngày càng dài rộng thêm khó có gì có thể hàn gắn được. Ông không cho rằng nói hiểu tiếng Việt là điều kiện tất có và đủ để các cháu không quên cội nguồn. Biết bao nhiêu người nói hiểu tiếng Việt rành rõi nhưng chẳng những không muốn tỏ ra mà còn cảm thấy xấu hổ khi phải cho mọi người biết họ là người Việt. Holland, một thành phố gần nơi ông đang ở, thế hệ trẻ chẳng nói một tiếng Đức một tiếng Hòa Lan nào nhưng vẫn nhớ cội nguồn của họ qua việc hàng năm thực hiện các lễ hội truyền thống của xứ sở họ. Thế hệ này kết tiếp thế hệ khác chỉ nói toàn tiếng Anh nhưng vẫn tự hào nói lên nguồn gốc của họ cho dẫu họ chỉ biết đến đất nước tổ tiên họ trên bản đồ. Ông không có tài liệu để chứng minh suy nghĩ của ông là đúng, cũng chẳng có tài liệu cho thấy bao nhiêu người thuộc thế hệ con cháu có thái độ mất gốc như ông nghĩ. Làm sao khảo sát được chính  con số này? Cháu nào đủ can đảm không sợ bị người khác chê là đồ mất gốc để nói thẳng bản thân không muốn tỏ ra mình là người Việt? Vô tri bất mộ, làm sao các cháu yêu được quê hương khi không biết quê hương là gì và tại sao phải yêu quê hương? Vì vậy theo ông, muốn cho các cháu không quên cội nguồn, điều tất yếu là phải cho các cháu biết về lịch sử đất nước. Nhưng nếu muốn các cháu hiểu thấu đáo lịch sử đất nước, người nói ra chẳng thể dùng một thứ ngôn ngữ nào khác ngoài thứ ngôn ngữ các cháu đang nói đang học ở trường.
Nằm cạnh ông, đứa cháu lớn nhất trăn qua trở lại rồi nói:
“Con về giường con nghe nội? Nằm đây chật quá dù con vẫn thích ngủ với nội.”
“Ừa, con về giường con đi.”
Đứa bé bước xuống giường, đi ra cửa rồi nghĩ sao quay vào lại, ngần ngừ bảo ông:
“Con về giường con nhưng nội đừng đi đâu nghe nội. Mai nội phải đưa con đi học đó.”
Lòng ông quặn đau. Mọi sắp đặt của ông đều không còn thực hiện được nữa. Ông nghẹn ngào nói:
“Nội không đi đâu đâu. Mai nội đưa con đi học.”
Đứa bé hôn vào má ông, nói good night nội rồi ra cửa. Ông ngồi lên đóng cửa phòng rồi rón rén nằm xuống kẹt cứng giữa hai đứa cháu đang ngáy đều. Ông miên man suy nghĩ. Rồi ông phải giải quyết cách nào đây? Không đi nơi khác không được vì con dâu con trai ông chẳng còn nễ nàng gì ông nữa. Đi nơi khác, các cháu ông sẽ đau lòng và nỗi đau sẽ trở thành một vết thương hằn dấu trong tâm trí các cháu suốt đời. Từ phòng con ông dội lại:
“Anh nói với ổng chưa?”
Tiếng con trai ông cố hạ nhỏ giọng:
“Nhỏ thôi em, ba nghe đó.”
Con dâu ông đã không nhỏ giọng mà còn lớn thêm hơn một chút:
“Nghe thì đã sao?”
Im lặng. Con dâu ông dằn giọng:
“Anh chưa nói?”
Con trai ông nói gần như không nghe được:
“Rồi.”
Con dâu cao giọng:
“Thế ổng nói sao?”
“Ba nói ba chưa đui què sứt mẻ sao lại phải vào Nursing Home. Ba muốn qua với cô Ba.”
Con dâu hừ:
“Bộ ổng muốn bêu xấu tôi? Qua cô Ba chẳng khác mắng tôi không biết lo cho ổng.”
Con trai im lặng. Con dâu ông chấm dứt câu chuyện:
“Tôi dứt khoát rồi. Mai anh đưa ổng đi.’
Có tiếng thở dài. Của con trai ông. Của ông. Ông thở dài sườn sượt, chẳng biết phải quyết định thế nào.  Phải chi không có các cháu? Cạnh ông, đứa cháu nhỏ nhất cựa mình nói lảm nhảm:
“Con muốn nội.”


* * *


Người đàn ông gục đầu lên bậu cửa sổ. Buổi chiều đã đến. Phần ăn lạnh ngắt của ông vẫn nằm nguyên vẹn trên bậu cửa sổ trước mặt ông. Cổ họng ông khô và đắng. Ông khóc. Ông không cần giấu giếm nước mắt vì ở đây, trong Nursing Home này, người khóc không phải là một chuyện không bình thường, cũng chẳng phải là một cơn bệnh cần đến bác sĩ y tá chăm sóc. Hơi lạnh từ cửa sổ thấm vào ông. Ông lẩm bẩm:
“Sắp Giao thừa rồi”
Sắp giao thừa rồi.Trong cơn mơ màng giữa thực và mộng, ông tưởng chừng ngửi thấy mùi nhang mùi trầm, mùi bánh chưng bánh tét, và cả mùi mai vàng thoang thoảng. Đồng hồ trong phòng khách buông mười hai giờ rời rạc buồn tẻ, âm thanh duy nhất vọng lại trong màn đêm im lặng. Chuông đồng hồ ban đêm vang lên như tiếng chuông chùa đêm Trừ tịch. Ông ngửng đầu lên, lẩm bẩm:
“Giao thừa.”
Ông đứng lên, chấp tay vái, mắt nhắm lại để tâm tư lạc vào một thế giới khác. Bên ngoài, bão tuyết vần vũ. Màn đêm sáng rực một màu tuyết trắng. Đồng hồ hết ngân nga. Im lặng bao trùm. Ông cảm thấy lạnh nhưng mặc cho cơn lạnh thấm dần vào người.


***


Nhận được điện thoại, không kịp báo cho vợ biết điều gì đã xẩy ra, người con trai nhảy vội lên xe rồ máy chạy đến Nursing Home. Chạy ùa vào, anh ta nhìn thấy ba anh ta đã được đặt nằm trên giường, thân thể phủ một tấm ra trắng trùm mặt. Nhân viên Nursing Home mở tấm ra ra cho người con trai nhìn mặt, hỏi:
Your father?”
Ba anh? Người con trai gật đầu. Nhân viên nhà quàng đứng sẵn đó phủ tấm ra trắng lại lên mặt, nhấc tấm thân thể cứng đờ lạnh ngắt của ba anh ta đặt lên một cái băng ca và khiêng ra chiếc xe đen chờ sẵn bên ngoài. Người con trai đi theo, một tay cầm cuốn sổ tay nhân viên Nursing Home vừa trao cho anh, tay kia cầm một túi xách nhỏ, cái túi  mà ba anh đã xách theo ngày đi vào Nursing Home. Tuyết đang xuống dày. Các bông tuyết thi nhau rớt xuống tấm ra phủ thi thể, tan ra rồi thấm dần vào thớ vải. Thi thể ba anh ta không còn biết giá lạnh là gì nữa. Các bông tuyết tan đi như các nỗi buồn vui sướng khổ của ba anh giờ đây cũng đã tan đi.
Người con trai bước vào xe, đóng cửa lại, gục đầu lên tay lái. Anh ta muốn làm một điều gì, muốn làm lại một điều gì nhưng cảm thấy mọi việc đều đã quá muộn. Cuốn Nhật kí của ba anh mở đầu:
“Hôm nay ngày tháng năm, con trai con dâu tôi muốn tôi phải vào Nursing Home trong khi thực lòng tôi không muốn. Tôi còn mạnh khỏe, còn muốn gần gủi con cháu cho đến ngày cuối cuộc đời.”
Người con trai lật đến trang cuối:
“Hôm nay là ngày Ba mươi Tết, hoặc ít nữa tôi cho là ngày Ba mươi Tết. Lòng tôi quặn đau vì lại thêm một lần nữa tôi ăn Tết trong tưởng tượng. Tại sao tôi phải ở nơi này? Tại sao tôi phải xa quê hương tôi? Tại sao tôi không còn được vui hưởng ngày Tết mà lẽ ra tôi đương nhiên được hưởng?”
Người con trai nấc lên, tự hỏi, có đúng hôm nay là ngày Mồng Một Tết như ba mình nghĩ không?


Grand Rapids, Michigan, ngày 18 tháng 11, 2016.


Trần Hữu Thuần
READ MORE - NURSING HOME, NGÀY BA MƯƠI TẾT VÀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG - Truyện ngắn của Trần Hữu Thuần