Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 24, 2015

CỔNG TRE - Thơ Nguyễn Khôi & thơ họa của Nhã My






  CỔNG TRE
  (Tặng Lê Bình)
                   
  Lâu ngày, về với Cổng Tre
Thân thương Người đứng bên hè chờ ta
  Bóng Cau rực ánh chiều tà
Cái mùi khói bếp tỏa ra nồng nàn.
                     
  Lại về tựa gốc Ngọc Lan
Soi vào chum nước thấy ngàn mây trôi
  Kìa ai nón trắng bên trời
Đi ngang đồi Cọ để rồi bặt tăm.
                     
  Lại về ra giếng rửa chân
Ngồi lên cái bệ đá Ong mơ màng
  Kể từ xa lũy tre làng
Thực / mơ... thấm thoát mười năm não nề.
                     
  Chen chân Phố thị ...thèm về
Thênh thênh ngõ rộng, chân đê...bồi hồi
  Cổng Tre nào khác Cổng Trời (1)
Đưa ta vào XỨ CON NGƯỜI  mát xanh.

    Hạ Giáp, Hạc Trì, Phú Thọ 14-5-2015

                                     Nguyễn Khôi


-----
(1) Vào Cổng tre  trung du Phú Thọ , NK lại nhớ "Cổng trời" trên cao nguyên đá Hà Giang...

 THƠ HỌA:

BÓNG TRE
(Đáp họa và kính tặng anh Nguyễn Khôi)


Lâu rồi chẳng thấy bóng tre
Cầu ao, đường đất phủ che mát lòng
Gió đêm thổi nhẹ bên sông
Vi vu lả ngọn tre lồng bóng trăng
Mẹ già quang gánh khó khăn
Đường đê lồi lõm tháng năm ruộng đồng
Tre xanh bao bọc trường làng
Tre tàn, măng lớn thênh thang nẻo đường
 Mẹ thì một nắng hai sương
Cho con ăn học rộng đường công danh
Phận nghèo chiếc áo mong manh
Thương con non trẻ lòng thành chở che  
Chỏng tre mẹ ngủ trưa hè
Tiếng ru bên võng còn nghe thấm tình
'' Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi…’’
Con qua đã mấy trường thi
Trường đời may mắn mẹ thì gian lao
Chiều nay tiếng gió xôn xao
Xa quê chợt nhớ  hàng rào tre xanh
Tiếng gà còn gáy tàn canh?
Bóng tre còn có phủ quanh quê nghèo…?

                                        NHÃ MY
   
READ MORE - CỔNG TRE - Thơ Nguyễn Khôi & thơ họa của Nhã My

AI HOÀI CỔ HƠN AI? - Phạm Đức Nhì

        
                  Tác giả Phạm Đức Nhì



        AI  HOÀI  CỔ  HƠN  AI?


        Khoảng cuối năm 2011, một người bạn văn chương ở trong nước gởi cho tôi 4 bài thơ kèm theo một câu hỏi như kiểu đánh đố: “Ai hoài cổ hơn ai?” Tôi hiểu ý anh bạn, nhưng theo tôi, cách đặt vấn đề của anh không được chính xác lắm. Với một người thích đọc thơ và thỉnh thoảng cũng làm thơ như tôi, câu hỏi đó phải là: “Trong 4 bài thơ thể hiện tâm tình hoài cổ, bài thơ nào hay hơn? Hoặc tài thơ của tác giả nào cao hơn?”
         Đến khi tra cứu để bình bài thơ Sông Lấp tôi lại đọc được bài Về Bài Thơ Sông Lấp Của Tú Xương (1) của Vũ Bình Lục, trong đó tác giả cho rằng: “… Tú Xương và Nguyễn Khuyến, căn cốt vẫn là những nhà thơ trữ tình đặc sắc của dân tộc. Phải nói thêm là cả hai cụ, đều trữ tình ngay cả trong trào phúng và ngược lại. Riêng về thơ, về tài thơ thì tôi cũng muốn xếp cụ Tú Xương cao hơn một tí. Cụ Nguyễn Khuyến kinh điển hơn, uyên bác hơn, nhưng đó lại chính là chỗ gây khó cho nhà thơ nổi tiếng này.”
          Với tôi, thi sĩ, ngay cả trong cùng một loại thơ, như thơ trữ tình chẳng hạn, không phải lúc nào cũng sáng tác đều tay như một cỗ máy sản xuất một món hàng công nghệ. Có khi cao hứng, chữ nghĩa, ý tứ từ trên trời rơi xuống, viết được bài thơ rất hay. Nhưng cũng có khi, bài thơ viết ra chỉ muốn vứt vào sọt rác, hoặc giả đem trình làng, thì chỉ như viên sỏi vứt xuống biển, chẳng thấy tăm hơi gì cả.
         Có thi sĩ chỉ viết có vài bài mà nổi danh, nhưng cũng có người in hết tập này đến tập khác mà khi xưng tên thì chả ai biết ngài là ai cả. Bởi vậy, tôi không dám dùng phương cách đem “gia tài thơ” của cả hai thi sĩ đặt lên bàn cân rồi kết luận ai tài hơn ai. Công việc ấy không phải là không làm được, nhưng phải cần một ê-kíp những nhà phê bình văn học có tài, phải ra công tra cứu ngọn ngành, phân tích chi li, kỹ lưỡng, phải có óc tổng hợp, phải cân nhắc đủ chiều, đủ mặt. Mà dù có làm được việc ấy, kết luận đưa ra vẫn còn đầy tính chủ quan, còn gây nhiều tranh cãi.
        Thôi thì “mèo bé bắt chuột con”, thỉnh thoảng tôi chỉ dám đem bài thơ này so sánh với bài thơ kia (nhưng chỉ giới hạn scope của việc so sánh vào một đặc điểm nào đó thôi). Theo tôi, nếu chọn hai bài thơ thuộc loại “những con tương cận”, nghĩa là có chung một đặc điểm nào đó (chung một đề tài, chung một thủ pháp nghệ thuật…) thì việc so sánh sẽ dễ hơn. Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác và Cảm Hoài của Đặng Dung là “những con tương cận” vì có chung một đề tài, một tâm sự; đó là hào khí của một sĩ phu trước cảnh nước nhà nguy biến. Dĩ nhiên, khi so sánh, có người coi trọng cách dùng chữ, có người coi trọng cái thâm trầm, sâu sắc, người khác lại thích cái hào sảng, phóng khoáng, hơi thơ nóng bỏng, dòng chảy cuồn cuộn như thác đổ. Và từ đó họ có sự đánh giá cao thấp khác nhau.
          Trong tinh thần đó tôi thấy việc tìm câu trả lời cho câu hỏi của anh bạn về 4 bài thơ là khả thi, là tương đối dễ dàng. Bốn bài thơ đó là:
  1.  Nhớ Quy Nhơn của Vương Linh.
  2.  Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan.
  3.  Ông Đồ của Vũ Đình Liên.
  4.  Sông Lấp của Tú Xương.

Hoài cổ là nhớ thương, tiếc nuối một thời đã qua. Như vậy, Nhớ Quy Nhơn, đúng ra, là tâm tình hoài hương chứ không hẳn là hoài cổ. Dĩ nhiên, trong hoài hương đã ẩn chứa hoài cổ (Nhớ Quy Nhơn là nhớ cả cái thời gian mình đã sống ở Quy Nhơn); tuy nhiên, ở đây khung trời quê hương mới chính là tâm điểm của bài thơ. Ba bài còn lại thì đúng là hoài cổ; nhớ thương, tiếc nuối đều xoáy vào “một thời đã mất”.

NHỚ  QUY  NHƠN (2)
                   Không đủ ban ngày để nhớ nhau
                   Tối nằm chợp mắt đã chiêm bao
                   Nửa đêm trở dậy hương rừng thoảng
                   Tương biển Quy Nhơn gió thổi vào.
                             (Vương Linh, 1921-1992)

          Không rõ trước khi rời quê hương miền trung, tập kết ra bắc (1954), chàng thanh niên Lê Công Đao (Vương Linh) có được đọc và học thơ Trần Tế Xương không, chứ đọc Nhớ Quy Nhơn của ông tôi thấy rất đậm mùi … Sông Lấp. Tuy không sử dụng phép ẩn dụ, Nhớ Quy Nhơn cũng dùng cách bày tỏ, diễn tả chứ không kể lể, biện giải dài dòng (show, not tell), cũng ngửi cái này, tưởng cái kia. Riêng mức độ tài năng thì cao thấp rất rõ nét. Thôi thì cứ cho hoàn toàn là do tình cờ mà hai bài thơ có hơi hướm giống nhau, chỉ riêng thủ pháp “show, not tell” đã cho người đọc thấy rõ sự “không khéo” của Vương Linh. Trước hết, thay vì dùng hình ảnh khác để người đọc liên tưởng đến Quy Nhơn thì Vương Linh lại bí bách đến độ ôm hai chữ Quy Nhơn, rất vụng về, nhét vào câu thứ tư:
                   Tưởng biển Quy Nhơn gió thổi vào
         
Rồi cái tựa Nhớ Quy Nhơn của bài thơ thì lại “lạy ông tôi ở bụi này”, khiến cái phương cách “show, not tell” trở thành “half-show, half- tell”, nửa đời, nửa đoạn.
        Nhớ Quy Nhơn đưọc chọn đăng trong tập Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình và được Nguyễn Bùi Vợi khá mạnh miệng ngợi khen.(2)
         Với tôi, giá trị nghệ thuật của Nhớ Quy Nhơn chỉ ở mức trung bình. Không kể cái “tội” na ná vóc dáng của Sông Lấp, mà chỉ riêng cái thủ pháp “half-show, half-tell” nửa đời, nửa đoạn cũng đủ xếp bài thơ ở cuối bảng trong số 4 bài thơ mà tôi được “yêu cầu” bình phẩm.

         Với Nhớ Quy Nhơn của Vương Linh ở hạng tư, vị trí hạng ba sẽ dành cho Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan (3). Lý do: TLTHC là một bài thơ Đường luật hay, ngôn ngữ sang cả, cảm xúc dạt dào nhưng có hai khuyết điểm mang tính thời đại là hình ảnh khuôn sáo và thể thơ gò bó.
           Còn Ông Đồ (4) và Sông Lấp (5) đều là tuyệt tác, đều có những “tuyệt chiêu” trong thơ ca. Việc chọn lựa vị trí hạng nhì và hạng nhất cũng làm tôi có một chút đắn đo, suy nghĩ. Sau đây là một vài điểm so sánh, cân nhắc:
  • Cả hai đều áp dụng thủ pháp “show, not tell” thành công.
  • Cả hai đều có phép ẩn dụ hoàn hảo, kín kẽ (không sơ hở); tuy nhiên, phép ẩn dụ của Sông Lấp tài tình hơn, sâu kín hơn.
  • Tứ thơ của cả hai bài đều mạch lạc; cảm xúc, hình ảnh tuôn chảy theo một trình tự hợp lý.
  • Trận địa chữ nghĩa của Ông Đồ lớn hơn, bề thế hơn; nhưng câu chữ, âm thanh, hình ảnh, cảm xúc của Sông Lấp được xếp đặt, nối kết như một thế trận chặt chẽ hơn.
  • Ông Đồ có “tuyệt chiêu” thi hóa thân thành họa; Sông Lấp không có.
  • “Tuyệt chiêu” thi hóa thân thành họa của Ông Đồ không hoàn hảo; bức tranh thứ năm vẫn cồm cộm chữ nghĩa.
  • Sông Lấp không có hội chứng nhàm chán vần; vị ngọt thơ ca của Ông Đồ hơi đậm.

         Dựa vào những phân tích trên đây, tôi, với cái nhìn chủ quan của mình, chọn Sông Lấp vào vị trí hạng nhất. Như vậy, thứ tự (từ cao xuống thấp) của 4 bài như sau:
  1.  Sông Lấp.
  2.  Ông Đồ
  3.  Thăng Long Thành Hoài Cổ
  4.  Nhớ Quy Nhơn

    Phạm Đức Nhì
    Galveston, đầu năm 2014
    Rất mong nhận được chỉ điểm, bổ khuyết, phê bình của những người yêu thơ. (nhidpham@gmail.com)

    ..................................................................................................
    Chú thích
    (2) Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình, Nhà xuất bản Giáo Dục 2004, trang 418.
    (3) Xin xem thêm Đọc Thăng Long Thành Hoài Cổ Nghĩ Về Vị Trí Của Thơ Đường Luật (t-van.net)
    (4) Xin xem thêm Ông Đồ: Những Bức Tranh Thơ. (t-van.net)
  5.   Nếu có ai trong số người đọc có cái nhìn khác, nhận định khác, cách xếp hạng khác xin e-mail cho tôi biết. Tôi sẽ thêm vào phần “ý kiến bạn đọc”.
  6.  (5) Xin xem thêm Sông Lấp: Một Bài Thơ Toàn Bích (t-van.net)


READ MORE - AI HOÀI CỔ HƠN AI? - Phạm Đức Nhì

CHIỀU MƯA XA - Thơ Nhật Quang





CHIỀU MƯA XA

Rưng rưng mưa đẫm giọt buồn
Lơi rơi chiều ngả ngõ hồn xanh xao
Lả lơi mây lượn chốn nao ?
Mà nghe ray rứt,cồn cào nhớ nhung

Đêm hoang gối mộng mông lung
Vang cung đàn lỡ ngàn trùng bể dâu
Gió xô sóng cuộn về đâu
Em ơi ! còn đọng niềm đau bẽ bàng

Tìm đâu vạt nắng mơ màng
Hong khô tình đã lỡ làng trăm năm
Sương rơi giăng phủ đêm trầm
Hồn thơ vãn Nguyệt, lặng câm tiếng lòng

Lênh loang vỡ giấc mơ hồng
Chông chênh kỉ niệm ấm nồng tan đôi
Chiêm bao ướt lạnh tình côi
Hương xưa lãng đãng, mây trôi cuối trời.

                                        Nhật Quang
                                        (TP. HCM)

READ MORE - CHIỀU MƯA XA - Thơ Nhật Quang