SẮC ĐIỆU TRỮ TÌNH VÀ CẢM XÚC THẨM MỸ
TRONG THƠ MY THỤC
QUA HAI TÁC PHẨM
RỒI CŨNG TRĂNG VỀ
& TRÊN MẤY
DẶM VỀ XƯA
Hoàng Thị Bích Hà
Tôi biết My Thục thông qua nhà thơ
Hoàng Lộc, anh là bạn thân của bố cô. Gặp nhau trong đời hay trên thơ đều cũng
do một chữ duyên. My Thục tên thật là Nguyễn Thị Mỵ, sinh năm 1979, quê quán Hà
Nhuận, Duy Xuyên, Quảng Nam. Hiện đang công tác tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng
Nam.
My Thục gửi tặng tôi hai tác phẩm: Rồi cũng trăng về (Nxb Đà Nẵng, tháng
10/2021) và tác phẩm vừa mới Trên mấy dặm
về xưa (Nxb văn học, tháng 8/2024). Hai tập thơ là hai ấn phẩm xinh xinh,
được trình bày bắt mắt, mỗi tập gồm 81 bài thơ trữ tình. Thế là qua 162 bài
thơ, tôi đã đi vào thế giới tâm hồn của nữ thi sĩ My Thục để khám phá vẻ đẹp
hai tập thơ mà nàng gửi tặng. Phần lớn là thơ tình. Thơ tình My Thục đẹp mà buồn.
Nỗi buồn cũng sang trọng và quý phái. Xuyên suốt hai chặng đường thơ là lời tâm
tình nhẹ nhàng sâu lắng. Ở đó có mối tình đầu một thuở. Ngược miền thời gian
cùng thơ để nghe tiếng lòng tan chảy say đắm, ngọt ngào, của cả đổ vỡ chia biệt,
ly tan. Dĩ nhiên vẫn có những bài thơ tươi vui hạnh phúc một thuở yêu người.
Nhưng thơ tình buồn chiếm phần lớn trong cả hai tập thơ. Thơ My Thục diễn tả
các cung bậc của tình yêu: tha thiết, đắm say và lãng mạn. Điệu buồn trong thơ
cũng nhẹ nhàng nhưng da diết. Tình xưa giờ đã là dĩ vãng, dẫu không đi trọn đường
tình nhưng vẫn là một tình yêu đẹp, để lại những ấn tượng sâu đậm trong thơ.
Trước hết chúng ta đến với những vần
thơ tình thời áo trắng: “Cái nhìn nhau nhớ mà thương/ để em sớm đến sân trường
còn vui”(Nhớ trăng)
Tình yêu đầu đời nhẹ nhàng như
hương bưởi, có nét vui tươi của tiếng chim chuyền cành, có tiếng gió thì thầm
trong lá lao xao như kể chuyện mình. Cũng là tiếng lòng rộn rã trước tín hiệu
chớm nở tình yêu. “Ơi anh mùa cũ đang hè/ Cây bòn bon cũ vừa nghe chim chuyền/
Em ngồi ngó lá vườn bên/ Xôn xao như thuở chuyện mình xôn xao” (Của lứa bòn bon)
Ở tập thơ Rồi cũng trăng về dù là tập thơ đầu tay của tác giả nhưng cũng đã
có những bài thơ hay, câu thơ hay. Hé lộ một hồn thơ lãng mạn và đầy sức quyến
rũ:
Em hãy mời xuân một cốc đầy/ Xuân
tràn trong giấc mộng em đây/ Nếu em có thể yêu như thể/ Hãy nở một lần cho đắm
say (Em yêu đi- Rồi cũng trăng về)
Thơ tình buồn là có chia biệt, ly
tan, có lẽ tình yêu chưa đủ chín khi tuổi đời còn xanh, qua tín hiệu ở câu hỏi
tu từ trên thể thơ bảy chữ: “Có lẽ vầng trăng xưa mọc sớm”, mọc chưa đúng thời
điểm chăng? Nên vì thế “cả đời nhau phải cách chia”: “Em ở quê lại thương chiều
quê/ Thương anh là khách những khi về/ Có lẽ vầng trăng xưa mọc sớm/ Mà cả đời
nhau phải cách chia”.
Tình yêu khi đã nhận ra dấu hiệu sự
chia ly thì không thể níu kéo, lòng tự tôn của lý trí trỗi dậy để nói lời dứt
khoát với con tim. Tình lạnh giá, cánh cửa lòng sẽ khép.
“Anh có đứng lại chờ em chăng nữa/
Thì đời kia có bớt những cơ cầu/ Thôi cứ chảy một đời cho mải miết/ Sông đời em
băng cóng một dòng đau” (Sông băng- Rồi
cũng trăng về)
Tình ta thôi giã biệt: “Tạ Từ anh.
Em về thay áo mới/ Mùa đông qua tình cũng đã tan rồi” (Tạ từ-Rồi cũng trăng về)
Tuy từ biệt một mối tình nhưng
không dễ gì quên, cảm giác thở cũng đau nên mãi day dứt trong hoài niệm, cảm
xúc dâng trào tác giả gửi tâm sự vào thơ như nói với chính mình, và cũng tỏ bày
cùng độc giả:
“Em vẫn chờ anh trên lối xưa/ Mây
buồn nắng chảy lả theo mùa/ Hồn em hơi thở đau từng phiến/ lá bỏ cành rơi theo nắng
mưa” (Lối xưa-Rồi cũng trăng về)
Cảm xúc của chia xa cô thể hiện vào
thể loại thơ năm chữ diễn tả một mối tình không trọn vẹn qua một tứ thơ hay.
Nhìn thấy biểu tượng mùa thu rồi, mùa thu gần lắm, nhưng đi hoài không thể tới.
Chân cũng đã mỏi cho thấy ít nhiều của sự thất vọng chán nản và bỏ cuộc: “Bên
kia là mùa thu/ em đi hoài chẳng tới/con đường như thật gần/ mà chân dường đã mỏi”(Mùa thu bên kia)
Dẫu chấp nhận chia xa, song chủ thể
trữ tình vẫn không nỡ dứt tình cho quên hẳn luôn mà vẫn trân trọng, lưu giữ những
gì là kỷ niệm trong góc khuất ký ức được My Thục diễn đạt qua thể thơ tám, chín
chữ.
Còn một chút nồng nàn thôi, em giữ
lại/ Để mai qua sương khói sưởi tim mình (Còn
chút nồng nàn)
Giữ lại những kỷ niệm cho riêng
mình, và dặn lòng cũng như dặn người, đừng về nữa và cũng không gặp nữa. Tác giả
sử dụng điển tích, điển cố để ví von nói hộ tấc lòng. Ở đây tác giả sử dụng
tích cũ trong một tình huống mới, thay vì “bắc cầu” (để nối đôi bờ thương nhớ cho
Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau) thì chỉ thấy “đá lấp mộ sâu”, nghe tiếng kêu khóc của
chim ô thước, không thấy cầu đâu cả. Đó là sáng tạo trong thi ca. Cô còn sử dụng
điệp từ, điệp ngữ làm tăng giá trị biểu đạt: Anh đừng về nữa, đừng về nữa/ Quê
nhà không có bóng em đâu/ Có đôi Ô Thước vừa kêu khóc/ Đá lấp mộ sâu thay bắc cầu
(Anh đừng về nữa - Rồi cũng trăng về)
Vần thơ quằn quại đến xé lòng, miêu
tả sự đớn đau đổ vỡ: “Em sẽ quẫy tàn cơn khinh miệt/ Chữ tình đã nhuốm những
oan khiên/ Người đừng thêm nữa điều cay nghiệt/ Mưa cuồng gió nộ sấm đảo điên”
(Anh đừng về nữa - Rồi cũng trăng về)
Khi chia biệt là ngược đường nhau
làm sao nói hết những điệu buồn trên lối về hai hướng. Có chút mất mát và nuối
tiếc ở nơi đây: “Anh không về kịp mùa đông nữa/ ngọn gió chia hai nỗi lạnh
lùng” (Ngày đông- Rồi cũng trăng về)
Thôi đành chấp nhận ly tan với cõi
lòng tan nát, não nề: “Thôi đành ly biệt xưa đành vậy/ Ta phải đi cho kịp mây
ngàn/ Có tiếng chim chiều buồn não nuột/ Lòng ta- là gió- đẫm hoang mang” (Gió -Rồi cũng trăng về)
Tuy xa rồi nhưng dễ gì quên, đôi
khi lòng chợt hỏi: “Người qua có bao
giờ ngoảnh lại/ nhặt bớt giùm tôi những ước thề” (Hoa bay- Rồi cũng trăng về)
Khi yêu là ghen, yêu nhiều thì ghen
lắm! Có khi còn ghen luôn cả quá khứ thuở chưa là của nhau, rồi tưởng tượng ra
anh đã từng cùng ai đó, đi phố, cà phê,… Dẫu vẫn biết ghen là vô lý, nhưng tình
yêu mà! Con tim có lý lẽ riêng của nó. Ghen rất dễ thương: “Cũng từng trúc mã
thanh mai/ Chưa có em anh với ai một thời/ Cũng từng xuống phố song đôi/ Chưa
có em- quán anh ngồi cùng ai (Bắt đền -Rồi
cũng trăng về)
Lý giải cho nguyên nhân của sự cách
chia, My Thục có những vần thơ năm chữ, nhịp điệu ngắn, dứt khoát, rõ ràng:
“Tình em là tưởng vọng/ Tình anh là phiêu bồng/ Hai người về hai cõi/ làm nên mối
tình không” (Xuân rụng-Rồi cũng trăng về)
Cảnh vật thiên nhiên đi vào thơ My
Thục cũng mang một ý nghĩa chuyển tải thông điệp nhà thơ muốn gửi gắm: “Hoa
vàng trước ngõ rồi kia/ Và con bướm biết hẹn thề với nhau”. Trong thơ tả cảnh ngụ tình, dùng ẩn dụ tượng trưng cho một tình
yêu chớm nở. Tình yêu đôi lứa hẹn hò qua hình tượng hoa và bướm biết “hẹn hò
cùng nhau”
My Thục sử dụng câu hỏi tu từ làm
tăng giá trị biểu cảm. “Chuyến sông nào đưa người đi xa/ Sóng lan không dứt cõi
giang hà/ Lòng em đau suốt mùa tao tác/ nhánh tình hoài cũng cuối mùa hoa”.
Nguyên nhân xa nhau: “chuyến sông
nào đưa người đi xa” để cho nỗi nhớ niềm thương như những con sóng lan khắp cả
một “cõi giang hà”. My Thục sử dụng từ
Hán Việt để nói đến dòng sông. Có thể dòng sông tự nhiên hay dòng sông hoài niệm
đều nâng giá trị lên, làm sang hẳn câu thơ. Nỗi buồn, nỗi đau của chia biệt
không ai là không biết và không nói ra được nhưng ở đây tác giả dùng từ láy
“tao tác” rất hiệu quả khi đặt bên cạnh “mùa”- chỉ thời gian. Tao tác chỉ sự đớn
đau và đổ vỡ: “Lòng em đau suốt mùa tao tác”
diễn tả nỗi buồn đau của dang dở, ly tan.
“Tình thu buồn quá ngày thu ạ/ Tiếng
gì như tiếng của dở dang?”(Tìm thu)
Thơ tình My Thục có đủ cung bậc của
cảm xúc, có ngọt ngào, lãng mạn, có buồn đau, đổ vỡ chia ly… nhưng nhân vật trữ
tình bao giờ cũng làm chủ cảm xúc. Chấp nhận sự thay đổi của vạn vật, dịch chuyển
của thời gian và định mệnh: “Khung trời cũ rồi có ngày cũng khép/ Mùa vàng xưa bao
lá sẽ bay đi”. Biết là vậy nhưng tại
sao vẫn đau, vẫn buồn, vẫn ngậm ngùi rơi lệ? Đơn giản vì rất yêu, một tình yêu
tha thiết, khó phai. Hai câu kết của một bài thơ thêm lần khẳng định: “Em, con
sóng nhỏ trong trời đất/ Cứ muốn cùng sông quấn quýt người”(Chiều quán gió)
Thời gian cứ trôi, tuổi xuân cũng
không thể là mãi mãi. Nhân vật trữ tình gửi câu hỏi tu từ: “Mai kia ai níu được
xuân thì?”.Chúng ta tự hỏi: để làm gì? “Cho em tìm gặp mùa yêu cũ/ Tìm gặp người
- dỗi cuộc phân ly”. Một sự hờn dỗi
cũng thật nhẹ nhàng mà không dễ phôi pha.
Mùa đông miền Trung lạnh lắm, ai từng
sống ở miền Trung hay có dịp trải nghiệm đều đã thấm cái lạnh này nhưng chủ thể
trữ tình với nỗi buồn xa vắng không chỉ lạnh làn da mà còn lạnh cả cõi lòng:
“Mùa đông đã lạnh càng thêm lạnh/ Ngút ngát phía nào cũng gió mưa. Con đường cũ
gió lê thê/ Tóc em bay đã thôi kề vai anh”
(Rối bời tóc gió). Tác giả dùng từ láy “ngút ngát” là một sự sáng tạo trong
ngôn ngữ thi ca: ngút trời, bát ngát là những từ diễn tả không gian xa tắp, rộng
lớn, không giới hạn. Cô đưa về một từ “ngút ngát” nếu đứng một mình sẽ không rõ
nghĩa nhưng thật hiệu quả khi đặt trong ngữ cảnh “phía nào cũng gió mưa” rất
hay. “Ngút ngát phía nào cũng gió mưa”, phía nào cũng lạnh lùng, cô đơn và trống
vắng! Để rồi cuối cùng: “Đường xa sẽ mình em bước mỏi/ Vắng biệt bên trời - vầng
trăng xưa (Buồn đầu đông).
Người nghệ sĩ càng cô đơn càng sáng
tạo. Ngay cả khi có đông người và xao động của thế giới xung quanh- người nghệ
sĩ vẫn cô đơn, khoảnh khắc cô đơn trong tâm hồn là cơ hội cho cảm xúc dâng trào
và do đó mới có thơ hay. “Em về từ tạ sao khuya/ bao nhiêu lấp lánh bấy mùa chia
tan” (Dẫu xanh chưa kịp).
“Chẳng là em nhớ nhung anh/ Hàng
cây cực chẳng đã đành vào thu/ Cũng may chưa có sương mù / Để ta khỏi phải mơ hồ
về nhau” (Bắt đầu thu)
Mọi việc đến và đi theo thời gian của
bốn mùa. Thu đến thì vào thu thôi, mọi thứ đều thuận theo tự nhiên và em - anh
gặp gỡ nhau rồi chia xa,… cũng thế. Chưa có gì để phải vướng bận về nhau. Chỉ
là để lại một kỷ niệm đẹp của một thời mới lớn. Chỉ vậy thôi mà rung động lòng
người. “Lòng em cho dẫu trường giang/ Cũng trôi không hết nỗi buồn muốn trôi” (Mà sao chân vấp)
Nhưng cuối cùng thì ai cũng sẽ có
con đường đi của riêng mình, câu thơ bình dị mà dồi dào cảm xúc: “Nhiều năm
không gặp lại/ em đã sang nhà người/ Anh thì hun hút phố/ hoa gạo đường thôn
rơi” (Đường thôn hoa gạo)
Yêu và được yêu đó là điều hạnh
phúc mà đôi lứa nào cũng khát vọng vươn tới. Tuy nhiên khi tình yêu không thể
cùng nhau đi trọn con đường thì cũng biết buông bỏ để rồi có đau, đau chỉ một lần,
không chần chừ do dự. Thể hiện qua thể thơ năm chữ, nhịp thơ ngắn như tiếng nói
nhanh gọn và dứt khoát, không dây dưa: “Xin không thương anh nữa/ Lòng em đau
quá rồi/ Làm ơn cho em trả/ Đắm say này anh ơi!” (Trả)
Lần dở từng trang của hai tập thơ
tôi khám phá hết vẻ đẹp của một hồn thơ. Ở đó cho thấy một người thơ khiêm
cung, chừng mực, tự nhận mình “chẳng mấy hồng nhan”: “Đã mấy thu rồi lá ngủ
yên/ vườn xưa cũng khép những ưu phiền/ Em vẫn đôi lần thương nhớ quá /Chẳng mấy
hồng nhan mà truân chuyên” (Bỏ lại tàn
canh)
Còn tính cách người thơ thì ít nói,
kiệm lời nhưng cảm xúc gửi vào thơ luôn dạt dào tươi mới: “Em quen kiệm nói, kiệm
lời/ Quẩn quanh bè bạn đôi người biết nhau” (Vẫn
em)
Thơ tình My Thục nhẹ nhàng mà hiệu
quả, miêu tả tình yêu không cần bão liệt vồ vập cuồng nhiệt cũng chẳng cần có
hơi sex mà chi, cứ tinh tế nhẹ nhàng như thế mà đáng yêu: “Ngày xuân nở một
chuyện tình/ Đơn sơ mà để cho mình nhớ nhau”.
Phần lớn tập thơ “Trên Mấy dặm Về
Xưa” được trình bày qua thể thơ lục bát truyền thống rất mềm mại. Cô không nhất
thiết phải gieo đúng vần chính mà có thể sử dụng “vần chị”, “vần em” và tuân thủ
luật đổi thanh vẫn tạo được giai điệu một cách nhuần nhuyễn và có giá trị biểu
đạt khi diễn tả về tình yêu hạnh phúc.
“Ngày của anh ngày của em
Đã cho mình có lần tìm được
nhau
Tạ ơi cha mẹ, đất trời
Ơn anh- ơn của nhiệm mầu
nhân duyên”
(Ngày
tình yêu)
Tình yêu luôn được trân trọng trong
thơ My Thục:
“Đã rồi anh thuộc về em
Để em có một trái tim dỗ
dành
Và hoài em thuộc về anh
Câu thơ xin gởi tặng tình
xưa sau”
(Ngày
tình yêu)
Trái tim chủ thể trữ tình đón nhận
tình yêu đích thực như đón một mùa thu đẹp dịu dàng đầy quyến rũ: “Trái tim em
thuở sương mù/ anh qua cho cả mùa thu dịu dàng” (Tận cùng)
Tình yêu, nỗi nhớ, nỗi buồn của sự
chia xa, người đọc phân tích dựa trên những vần thơ là cảm xúc của thi nhân. Có
thể thơ là đời, mà cũng có thể thơ và đời không là một. Thơ là tiếng lòng. Và
đó là cảm xúc, là sáng tạo: có thể giải bày nỗi niềm của mình, cũng có thể hóa
thân, nhập vai cho một tình yêu mình bắt gặp được trong nhân gian. Phần lớn là
bóng hình chủ thể trữ tình, có thể mối tình đầu của thời hoa mộng đã xa nhưng vẫn
lưu lại dư ba len vào cảm xúc tạo nên một mối tình dành cho thơ. Mà cũng chỉ có
thơ tình buồn mới hay, thơ tình vui ít hay. Dù bước vào tình yêu ai cũng muốn hạnh
phúc trọn vẹn. Nhưng nghịch lý nếu viên mãn tròn đầy thì đâu còn khắc khoải. Do
đó khó dệt ra vần thơ tình hay da diết, chạm đến trái tim người đọc. Để có được
vần thơ hay thì tùy thuộc vào tài hoa của người nghệ sĩ.
Quả thật niềm vui, nỗi buồn của
tình yêu: hạnh phúc, chia biệt ly tan trong thơ My Thục đều nhẹ nhàng nhưng lay
đọng. Giọng điệu tâm tình, hồn nhiên, ngôn ngữ thơ hàm súc, biểu cảm, lấy ngoại
cảnh để diễn tả tâm cảnh, giàu giá trị nhân bản và rất ấn tượng. Từ cảm xúc thẩm
mỹ, đến các biện pháp nghệ thuật được lựa chọn tinh tế. Tính hình tượng kết hợp
với tính truyền cảm tạo nên sắc điệu trữ tình sâu lắng cho thơ.
Thơ My Thục (ở các thể loại) được
viết ra từ cảm xúc chân thành. Và đó yếu tố quan trọng nhất để chạm đến trái
tim người đọc, tuy nhiên yếu tố kỹ thuật và ngôn từ cũng không kém phần quan trọng
trong ba yếu tố cấu thành thơ. Các chi tiết nghệ thuật có sự dụng công. Cấu
trúc cân xứng, hài hòa giữa ngôn từ, thanh điệu, hình ảnh và ý thơ.
Từ tập thơ Rồi cũng trăng về đến tập thơ Trên
mấy dặm về xưa tôi nhận thấy My Thục viết ngày càng lên tay. Tập thơ sau
nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ hay hơn tập trước. My Thục còn rất trẻ, đời
thơ vẫn còn dài. Độc giả có quyền chờ đợi những bài thơ mới, những tập thơ mới
trong thời gian tới đem đến cho độc giả những điều thú vị. Phần trích dẫn trên
chỉ là gợi mở. Bạn đọc hãy đến với thơ My Thục để khám phá vẻ đẹp của một hồn
thơ đầy hứa hẹn!
Saigon,
ngày 17-9-2024
Hoàng Thị Bích Hà
P/s* Những câu thơ trích trong các
bài thơ ở tập thơ “Rồi cũng trăng về”, có ghi bên cạnh tựa của các bài thơ. Còn
những bài thơ khác chỉ ghi tựa thì đó là những bài thơ trong tập thơ mới nhất
Trên mấy dặm về xưa của My Thục.