Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, September 9, 2011

LÊ ĐĂNG MÀNH - CHÙM THƠ


Ảnh của Nguyễn Bá Văn


NGÀY MÙA

Sáng lên nghe giọt sương reo
bình minh tung nắng xuống reo rộn ràng
mùa đi về giữa rơm vàng
nghe mồ hôi đọng quanh làng mà thương

Hè Thu, 2011


DÀNH HƠI NẮNG

vớt tia nắng hạ gói dành lại
chờ rét về hong áo mẹ phơi
Nam Lào theo nắng tàn phai
cho cơn bão gảy tan ngoài trùng khơi

Bão số 3, tháng tám, 2011


VỀ

thôi Ta giã phố tìm quê
thỏng tay buông bỏ nhiêu khê lụy phiền
thà về gối giấc cô miên
tiêu dao đùa giỡn cõi miền nguyên sơ

Văn Quỹ, 1980

VÔ TƯ
Mến tặng bè bạn tha hương

lũ lụt lại viếng quê tôi
Ô lâu lênh láng đất trời mênh mang
gió rúc tre hóp bàng hoàng
nước tuôn trâu khiếp oác oang lợn gà
cánh cò lạc giọng thiết tha
thinh không thảng tiếng xót xa gọi đàn
mẹ quê thắt quặn ruột gan
rơm trôi gạo ướt khó khăn đã đành
quê nhà phên liếp tềnh huyênh
lũ về ghé cứ xồng xềnh vô tư.

  Tháng chín, 2011


HƯƠNG CHIỀU

Tiển Trần Tư Ngoan vào Nam.

Quê chiều anh ghé chơi nhà
bút đàm ngữ nghĩa hương trà thơm lây
một mình tìm lượm quắt quay
bóng tà huy đọng hương bay nghìn trùng

Văn Quỹ, tháng chín, 2011


TÌNH MUÔN THUỞ

kiếp trước có lẽ là quyến thuộc
nên đời này mới được gần nhau
cõi lòng dẫu ngậm nỗi đau
nhưng tình vẫn đượm nguyên màu trăng xưa

Mùa thu, 08 tháng chín, 2011

Lê Đăng Mành (khiếm thính) sinh năm 1953, tại Văn Quỹ, Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị.
Điện thoại: 0933952563 (nhắn tin)


Nguồn: ledangmanh.blogspot
READ MORE - LÊ ĐĂNG MÀNH - CHÙM THƠ

CHÂU THẠCH : Đọc bài thơ Dòng Sông Ký Ức của Lê Ngọc Phái






Đọc bài thơ Dòng Sông Ký Ức của tác giả Lê Ngọc Phái trong tập thơ cùng tên hiển thị trên trang Văn nghệ Quảng Trị, tôi liên tưởng nhiều dòng sông khác mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ này.

Mở đầu bài thơ với khổ thứ nhất tác giả giới thiệu dòng sông Vĩnh Định, một dòng sông của quê hương Quảng Trị chảy êm ả, với lũy tre xanh, với bờ lau trắng như bao dòng sông khác trên miền Trung đất Việt:

Làng tôi ở bên bờ sông Vĩnh Định
Con nước dài ấp ủ bóng trăng thanh
Chiều đi qua êm ả đón bình minh
Lũy tre xanh điểm những cành lau trắng.

 
Qua khổ thứ hai của bài thơ, sông vẫn còn vẻ đẹp với trăng gió, với âm hưởng như bản tình ca nhưng sông không còn êm ả nữa vì sông đã thể hiện cho dòng chảy của cuộc đời:

Tôi đã viết bài thơ trong chiều nắng
Về một dòng sông hay một cuộc đời
Bản tình ca khúc giao hưởng đất trời
Còn phảng phất, ôi ngậm ngùi trăng gió!


 
Khổ thứ ba của bài thơ tác giả làm rỏ nét thêm dòng sông Vĩnh Định đã đi vào quá khứ, đã thật sự là dòng sông ký ức để nhớ để thương:

Ngấn nước trong in bóng chiều rạng rỡ
Hương đâu đây và sắc cũng đâu đây
Bàn tay ai xe lại mái tóc mây
Mang nỗi nhớ hong đầy lên sợi nguyệt.


Khổ thơ này với bốn câu thơ quá hay nhưng cũng thật là khó hiểu. “Ngấn nước trong in bóng chiều rạng rỡ”. Vì sao tác giả dùng chữ “Ngấn nước”? Vì đây không phải là nước của dòng sông mà chính là giọt nước mắt thương nhớ quê hương, thương nhớ dòng Vĩnh Định. Giọt nước mắt đã in bóng chiều rạng rỡ, không phải là bóng chiều của hiện tại mà là bóng chiều của quê hương trong quá khứ. Cùng sự hiện diện của ngấn nước mắt in bóng chiều quá khứ thì mùi hương cau, hương bưởi của quê hương cũng phảng phất đâu đây và màu xanh của lũy tre, màu trắng của bờ lau với muôn màu tươi thắm nữa hiện lên trong đôi mắt quay về dĩ vãng của thi nhân. “ Bàn tay ai xe lại mái tóc mây. Mang nỗi nhớ hong đầy lên sợi nguyệt”. Rõ ràng là không có bàn tay ai ngoài bàn tay của tác giả đã vò lên mái tóc của mình vì sự nhớ thương dâng lên quá đỗi, và rồi tác giả đã dùng bàn tay đó để mang nỗi nhớ hong đầy lên sợi tóc. Sợi tóc mà tác giả gọi là sợi nguyệt ? vì có lẽ nó đã bạc trắng và trở thành long lanh như ánh nguyệt. Dùng từ như thế thì chắc người cực đoan không thích nhưng với tôi nó thật là tuyệt hảo và vô cùng độc đáo, vì nó làm cho hình ảnh cả quê hương và cả con người đang tưởng nhớ đến quê hương cũng đầy thi vị của chất thơ.

Ở khổ thơ thứ tư, thứ năm và thứ sáu tác giả đã giải bày tâm sự:

Em đã đọc những lời thơ tôi viết
Nhưng làm sao hiểu hết một dòng sông
Cuộc sống ở đây…bình dị lạ lùng
Và có phải dòng sông như thế đó?

Tôi đã nghe tiếng sông cười sông thở
Đến ngập ngừng rồi bỡ ngỡ ra đi
Dấu chân xưa còn vương vấn điều gì
Cũng không thể làm sao tìm cho hết.

Cũng không thể không nói lời từ biệt
Một dòng sông nối tiếp những dòng sông
Ai ra đi mà từng chết trong lòng
Thì đâu dễ quên dòng sông đang chảy.

 
Thật thế, tất cả những dòng sông của quê hương Quảng Trị không bình dị, êm ả như những con sông khác.Vì quê nghèo, vì chiến tranh khốc liệt nơi miền địa đầu giới tuyến nên những ai là con Quảng Trị, là gắn bó với xứ sở mới thâm thía được những nỗi đau quặn thắt trong lòng của những dòng sông như dòng Vĩnh Định. Tôi rất thích câu “Một dòng sông nối tiếp những dòng sông” mà tác giả đã dùng để áng chỉ những cuộc đời của người dân Quảng Trị như những dòng sông đang ở bốn phương trời. Những dòng sông đang ở bốn phương trời là những dòng sông hay chính ra là những con người đã mang trong máu thịt mình tính chất của dòng sông quê mẹ mà mình hằng đau dấu nhớ thương.

Đoạn tiếp theo của bài thơ , dòng sông Vĩnh Định đã biến hẳn thành dòng sông ký ức không chỉ mỗi ngày càng thêm xanh biếc với đất trời quê hương mà càng xanh biếc trong tâm khảm của những con người xa xứ:

Mỗi phút giây có muôn ngàn cuội sỏi
Rơi vào lòng, rơi mãi tận đáy sông
Màu thời gian càng phủ kín rêu phong
Thì mãi mãi dòng sông thêm xanh biếc.


Ở khổ thơ cuối, tác giả kết lại bằng sự bày tỏ nỗi nhớ của mình và chính nỗi nhớ cũng là một dòng sông, một dòng sông xuôi về biển nhớ lớn lao của một cuộc đời:

Cứ mỗi chiều nắng vàng lên tha thiết
Nhớ làm sao, nhớ hêt cả dòng sông
Con nước xưa vẫn chảy chảy theo dòng
Theo năm tháng âm thầm vào biển nhớ.


Với đề tài “Dòng Sông Ký Ức” tác giả Lê Ngọc Phái đã nói đến nhiều dòng sông trong một dòng sông. Dòng sông có thực ngoài đời là dòng sông Vĩnh Định của quê hương, dòng sông thứ hai là chính cuộc đời cũng trôi chảy với biết bao nhiêu biến động vui buồn, dòng sông thứ ba là ký ức luân lưu rất nhiều kỷ niệm . Cả ba dòng sông trong tác giả Lê Ngọc Phái hiện diện và trôi chảy đêm ngày, hòa quyện vào nhau, ẩn hiện trong nhau, khi êm ả, khi ngậm ngùi, khi sinh động. Tôi muốn nói có một dòng sông thứ tư nữa, đó là chính tác giả, đó là Lê Ngọc Phái, một dòng sông thơ đã làm sáng lại một dòng sông mà tôi cũng rất thương yêu.


Châu Thạch
READ MORE - CHÂU THẠCH : Đọc bài thơ Dòng Sông Ký Ức của Lê Ngọc Phái

ĐỘC HÀNH – TRƯỜNG CŨ TÌNH XƯA - họa thơ LÊ ĐÌNH LỘNG CHƯƠNG





Ta nhớ mãi trường xưa phố cũ
Kỷ niệm trong ta có rất nhiều
Dáng thầy cô khắc hồn đệ tử
Giờ cách xa nhớ mái trường yêu

Trời ảm đạm chiều thu tạm biệt
Giữa không gian mây tím hững hờ
Ngày ra đi bạn bè đâu hết?
Gói hành trang nhỏ bé đơn sơ

Có một mùa hè – ta nhớ phố
Độc hành trở lại thấy buồn tênh
Trường xưa sụp đổ - cành hoa vỡ
Bến cũ đâu rồi ? thuyền lênh đênh

Hoài bão thời thơ thường mộng ước
Tan theo sương khói – bám theo trường
Tình ta tựa giống như giọt nước
Mưa cao rơi xuống – rã giữa đường

Có những chiều hôm trời tịnh vắng
Ta ngồi hồi tưởng lại trường xưa
Nhớ thời mực tím – thời áo trắng
Thương nhớ lệ rơi - mãi chẳng vừa

Mơ thấy bóng em lồng chén rượu
Hồn ta say ngắm mãi chẳng vui
Trúc xưa bạc đầu - trơ trong chậu
Cúc đi đâu ? trúc nhớ bùi ngùi.
Độc Hành
READ MORE - ĐỘC HÀNH – TRƯỜNG CŨ TÌNH XƯA - họa thơ LÊ ĐÌNH LỘNG CHƯƠNG