|
Đậu Thị Thương (Đậu Tương). Ảnh từ trang nhathonguyentrongtao.wordpress.com |
Phạm Đức Nhì
CHẠM & MẤY LỜI BÌNH
CHẠM
Vùi vào tóc anh
Chạm
rong rêu đại dương , ẩm mục rừng
già
ngai ngái phù sa cánh đồng rơm rạ
Chạm sợi đa đoan
nhuộm màu dâu bể
Chạm sợi muộn phiền
ẩn mình lặng lẽ
Vùi vào môi anh
Chạm thềm mê man, chạm bờ mộng mị
Chạm lời chối bỏ trong lời thầm
thì
Dâng bời bời nhớ
Chạm bời bời quên
Vùi vào tay anh
Chạm đường vân quen mịt mùng lạc
lối
Chạm vết thương sâu dấu chai cằn
cỗi
Hôn ngón yêu thương
Chạm ngón lạnh lùng
Vùi sâu vào anh
Vùi vào giấc mơ
Vào đêm
Không anh.
(Đậu Thị Thương)
TỨ CŨNG LÀ Ý:
Tác giả kể lại cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc của mình
trong một đêm được đắm đuối mê say dâng trọn cả linh hồn lẫn thể xác cho người
yêu, nhưng bừng tỉnh mới biết đó chỉ là giấc mơ.
Với tôi, cách cấu tứ cuả Chạm có thể coi như là biến thể của
phép ẩn dụ. Tác giả diễn tả sự việc cứ như đang thực sự xảy ra với tất cả háo
hức, cuồng nhiệt của mình. Chỉ đến giây phút cuối mới bất ngờ hé lộ: “Đấy chỉ
là tưởng tượng, chỉ là mơ.” Người đọc cảm được ý của tác giả trong sự ngạc
nhiên thích thú.
Weldon Kees (1914 –
1955) đã dùng thủ thuật này từ rất lâu trong bài For My Daughter (Cho Con Gái
Tôi) trong đó ông kể con gái ông đã phải chịu đủ mọi khổ đau do cuộc đời khắc
nghiệt đem đến; nhưng câu thơ cuối cùng rất bất ngờ:
I have no
daughter. I desire none. (1)
Tôi không
có con gái. Và cũng không muốn có.
Weldon Kees mượn đứa con gái tưởng tượng để diễn tả sự khổ
cực của kiếp người, cũng giống như Đậu Thị Thương mượn người tình trong mộng để
bày tỏ nỗi khát khao nhục dục của mình.
Hình Thức:
Bài thơ được chia làm 4 phần.
1/ Vùi vào
tóc anh
Chạm
rong
rêu đại dương , ẩm mục rừng già
ngai
ngái phù sa cánh đồng rơm rạ
Chạm
sợi đa đoan
nhuộm
màu dâu bể
Chạm
sợi muộn phiền
ẩn mình
lặng lẽ
Tác giả chọn mái tóc để thể hiện những bước đầu tiên cho vũ
điệu yêu đương của cô với người tình.
2/ Vùi vào
môi anh
Chạm
thềm mê man, chạm bờ mộng mị
Chạm
lời chối bỏ trong lời thầm thì
Dâng
bời bời nhớ
Chạm
bời bời quên
Kế tiếp là bờ môi
3/ Vùi vào
tay anh
Chạm
đường vân quen mịt mùng lạc lối
Chạm
vết thương sâu dấu chai cằn cỗi
Hôn
ngón yêu thương
Chạm
ngón lạnh lùng
và vòng tay.
4/ Vùi sâu
vào anh
Vùi vào
giấc mơ
Vào đêm
Không
anh
Đoạn cuối (4) “Vùi sâu vào anh” để đi đến tận cùng của lạc
thú ái ân nhưng đúng lúc ấy choàng tỉnh dậy mới biết chỉ là … mơ. Người tình đã
biến mất và mình vẫn lẻ loi trong đêm vắng.
Ngoại trừ chữ Chạm đứng lẻ loi ở câu thứ 2, bài thơ đọc lên
có nhịp ngắt như loại thơ 4 chữ. Độ ngọt của thơ chỉ thoang thoảng, vần thì
đoạn có đoạn không nhưng nhịp điệu thì khá rõ, như ngựa phi nước kiệu, dẫn tứ
thơ đi bon bon trên đường.
Ngôn ngữ: Ngôn ngữ của bài thơ chắt lọc, cô đọng nhưng minh
bạch đến độ khó có thể giải thích, bàn tán gì thêm nữa. Tất cà đều rõ như ban
ngày. Rất nhiều cụm từ 4 chữ, cụm nào của người đời đã thành thành ngữ, cụm nào
do chính cô giáo dạy văn nghĩ ra, thú thật, cũng khó mà phân biệt rạch ròi.
Nhưng một điều tôi biết chắc là cô đã sử dụng chúng nhuần nhuyễn như đồ dùng
trong túi mình. Cô chỉ nói bóng gió rất xa nhưng do sức gợi cảm, sức khêu gợi
tưởng tượng mạnh mẽ của ngôn ngữ khiến một người đọc tuổi xuân không còn phơi
phới như tôi cũng hối hả chạy “đến bến” trước khi cô bừng tỉnh giấc mộng tình.
Tứ thơ táo bạo: Đã là con người ai cũng có quyền sống và
quyền mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc không phải chỉ là vấn đề ăn mặc, chỗ ở an
toàn ấm cúng, nghề nghiệp ổn định mà còn là những nhu cầu khác. Đó là yêu
thương, được yêu thương và thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Đối với xã hội còn nặng nề
nếp Nho giáo như Việt Nam, việc phụ nữ đề cập hay bàn luận chuyện phòng the, về
mặt đạo đức, xã hội tuy không phải là điều tuyệt đối cấm kỵ nhưng vẫn còn bị
nhìn với đôi mắt khá khắt khe, Cô giáo Đậu Thị Thương đã viết và phổ biến bài
thơ Chạm với tên thật của mình thì phải
nói cô vô cùng can đảm.
Cảm xúc trong thơ: Do thành công ở cách sử dụng ngôn ngữ nên
bài thơ có cảm xúc ở tầng một khá mạnh. Đấu pháp toàn đội hay trận đồ chữ nghĩa
của bài thơ - được thể hiện qua phép ẩn dụ biến thể - cũng góp phần tạo nên một
lượng cảm xúc lớn ở tầng hai. Cảm xúc ở tầng ba (hồn thơ) có xuất hiện nhưng
yếu. Cũng dễ hiểu. Là phụ nữ, lại là giáo viên dạy văn, tác giả đã không dám
cho phép chữ Dâm – dù được viết hoa, rất đẹp, rất trong sáng và nhân bản - độc
chiếm tâm hồn mình.
Cái sung sướng nhất
của người đàn ông trong chuyện gối chăn là được người phụ nữ mình yêu cũng hết
mực yêu mình, đang lúc cơn thèm khát nhục tình lên đến cực điểm, đã với cung
cách tận tụy ân cần, đem trọn vẹn thể xác và linh hồn đắm say cuồng nhiệt hiến
dâng. Đó chính là cung cách của Đậu Thị Thương khi bước vào cuộc chơi ân ái. Cô
đã thi vị hóa chữ dâm dung tục của người đời. Qua ngôn ngữ thơ của cô – như đã
nói ở phần trước - chữ Dâm (viết hoa) rất đẹp, rất trong sáng và nhân bản.
Có lẽ vì thế mà cô đã trở thành người tình lý tưởng của
nhiều chàng trai chưa vướng bận. Cùng ngày mấy bài thơ của Đậu Thị Thương được
post lên trang Nhà Thơ Nguyễn Trọng Tạo cô nhận ngay được một comment rất tình,
trong có đoạn: “Thương! Really I am falling in love with your poems and You
yourself as well.” Tạm dịch: “Thương! Anh thật đã yêu mấy bài thơ của em và cả
em nữa.” Nếu chữ really được đặt lùi ra phía sau một tý thì comment đã thành
một lá thư tỏ tình thật dễ thương. Riêng tôi, bây giờ cũng chưa biết cô còn tự
do hay đã là hoa có chủ, nhưng điều ấy đâu có gì quan trọng. Tôi chỉ là một con
bướm thơ đa tình, thấy vườn thơ cô hay hay, là lạ bay đến lượn chơi đôi vòng để
thưởng thức hương thơm, vẻ đẹp. Giờ đây xin gởi đến cô chủ vườn lời cám ơn chân
thành và xin được vẫy tay từ biệt để bay đến những vườn thơ mới.
Chú thích:
1/
http://www.poetryfoundation.org/poem/177037.
Galveston, Texas những ngày đầu tháng 6/2015.
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com