Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 16, 2013

NỖI BUỒN DI SẢN *****************************************Bài và ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh


Di tích, di sản hiện đang là nội dung “nóng” không kém các vấn đề xã hội khác. Thời gian qua, có nhiều câu chuyện liên quan đến di tích, di sản; vui cũng có nhiều mà buồn thì cũng không phải là ít. Dường như những gì đã và đang xảy ra hé mở, bộc lộ nhiều điều cần suy nghĩ...

Hội chứng... di sản?
Việt Nam là một đất nước giàu di sản, có thể khẳng định ngay điều đó. Cho dù những thăng trầm của lịch sử, sự lạnh lùng, tàn nhẫn của thời gian hay khốc liệt của chiến tranh đã xoá bỏ hay làm tổn hại, thì di sản, di tích cũng vẫn còn rất nhiều. Đó là điều đáng quý, và tôn vinh di sản là việc làm cần thiết, đáng trân trọng!

Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế),
 Di sản Văn hoá Thế giới đầu tiên của Việt Nam,
được UNESCO công nhận năm 1993
Có thể thấy những năm gần đây, di sản rất được quan tâm trên nhiều phương diện. Nhưng cũng có thể thấy như đang có một hội chứng, một trào lưu di sản. Liên tục các di tích được công nhận, liên tục các di tích được “lên đời”. Những công trình, di tích, thắng cảnh... chưa được xếp hạng thì gắng được xếp hạng; di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố thì cố lên hạng quốc gia; và những di tích đã ở hạng quốc gia thì lên hạng... đặc biệt. Về bản chất, điều đó có ý nghĩa không hay chỉ là một thứ danh hiệu mỹ miều, phù phiếm?

Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam),
Di sản Văn hoá Thế giới - 1999 
Và dường như đang có một cuộc đua ngấm ngầm giữa các địa phương trong việc được xếp hạng, phong cấp danh hiệu di sản. Địa phương nào cũng như đang cố tìm lấy những gì tiêu biểu nhất, tinh tuý nhất của mình để đệ trình, để xin phong danh hiệu, để quảng bá cho quê hương mình. Ở góc độ nào đó, thì cũng là điều tốt, đáng quý; nhưng nhìn kỹ, xem kỹ thì không hẳn vậy.

Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam),
Di sản Văn hoá Thế giới - 1999 
Thử nhìn lại, bắt đầu từ Miền Trung... Năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, cũng là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam; năm 1999, lần lượt Khu phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (cùng của tỉnh Quảng Nam) được công nhận Di sản Văn hoá Thế giới. Có lẽ, cụm từ “Con đường di sản Miền Trung” bắt đầu từ đây... Tới năm 2003, hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên, đã nối dài con đường di sản Miền Trung lên phía bắc Trung Bộ. Năm 2011, Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá) được UNESCO vinh danh đã tiếp tục kéo dài con đường di sản tới đỉnh phía bắc của Miền Trung. Lịch sử và địa lý không chia đều những món quà quý giá cho tất cả các vùng miền; nhưng... nỗ lực của con người thì luôn bền bỉ đáng khâm phục.

Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá),
Di sản Văn hoá Thế giới - 2011 
Sau những đề cử thất bại với các di sản: Vườn Quốc Gia Cúc Phương (1991),Cố đô Hoa Lư (1991), tỉnh Ninh Bình (Bắc Bộ) vẫn kiên trì trong việc kiếm tìm di sản tầm thế giới, khi mà con đường di sản Miền Trung đã kéo dài lên tới tỉnh Thanh Hoá láng giềng ở phía nam. Cụm di tích - thắng cảnh Tràng An – Bái Đính của Ninh Bình đã được lập hồ sơ và đang được quảng bá, vận động rất tích cực với niềm hy vọng, niềm tin mới.

Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long,Di sản Văn hoá Thế giới - 2010

Nhiều địa phương không được ưu ái về cảnh quan thiên nhiên hay di tích, di sản kiến trúc đang nỗ lực kiếm tìm di sản văn hoá phi vật thể ở các hình thức nghệ thuật dân gian và lễ hội. Sau những Nhã nhạc Cung đình Huế (được UNESCO công nhận năm 2008), Không gian Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên (2008), Dân ca Quan họ (2009); Ca trù (2009); thì tới năm 2010, Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc - Hà Nội được vinh danh. Một năm sau đến lượt Hát xoan – Phú Thọ (2011). Đầu năm 2013, một lần nữa tỉnh Phú Thọ lại vinh dự nhận danh hiệu UNESCO cho “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”

Khu di tích – danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh),
 di tích Quốc gia đặc biệt – 2012;
hiện đang có kế hoạch lập hồ sơ đệ trình
UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới
Có vẻ như con đường đến với di sản phi vật thể dễ hơn chăng, nên nhiều nơi, nhiều địa phương đã... sốt ruột khi tên chưa có tên mình trên bản đồ di sản đất nước. Đã thấy rất nhiều những gợi ý, những đề xuất, đề cử từ các địa phương. Dân ca ví - giặm Nghệ - Tĩnh (thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) đã được lập hồ sơ và đệ trình UNESCO. Tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Văn hoá - Thể thao – Du lịch xem xét Di sản nghệ thuật Bài chòi để trình lên UNESCO... Các tỉnh chưa có di sản thế giới hay chưa có di sản đang/ sắp đệ trình UNESCO thì cũng đều có di tích, di sản cấp quốc gia; ở nhiều thể loại: Di tích lịch sử - văn hoá, thắng cảnh, di sản phi vật thể...; và khả năng “lên đời” là rất có thể!

Nhiều năm nay, khu di tích Yên Tử
luôn là một công trường xây dựng ngổn ngang
Con đường di sản Miền Trung trong tương lai có lẽ sẽ không bị... đứt một đoạn nào; bởi dải đất này rất tiềm tàng về di tích lịch sử, cảnh quan, văn hoá; và  khi tất cả đang... hết lòng vì di sản.
Có lẽ chưa bao giờ “mùa di sản” lại rộn ràng như bây giờ, từ cấp Quốc gia đến Quốc tế. Đầu năm 2013, Lễ hội làng Thổ Hà (Bắc Giang) đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia; tiếp đó là Lễ khao lề Thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn, Quảng Ngãi)... Nhiều hồ sơ đã và đang được lập để trình ra thế giới như Chầu văn (Nam Định), Hát then (Tuyên Quang), Tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), Đờn ca tài tử Nam Bộ, Đảo Cát Bà (Hải Phòng), Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai)...

Dinh Độc lập (Hội trường Thống nhất, TP. HCM)
 một công trình kiến trúc của thời kỳ hiện đại,
 được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt - 2009
Số di sản này với hàng loạt hồ sơ làm cho UNESCO... phát hoảng và đã cảnh báo hiện tượng xếp hàng “ứng thí”. Theo thông báo của văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trong năm 2013, sẽ chỉ có 1 đề cử di sản của Việt Nam dành chiến thắng, trong khi ta đang có ít nhất là 2 và nhiều nhất là 4 hồ sơ ở mỗi hạng mục. Nhưng hình như những cảnh báo và những thất bại không làm người ta nản lòng, để cố gắng, nỗ lực kiếm (hoặc kiếm thêm) một tấm bằng, một danh hiệu di sản!
Và cứ đà này, có lẽ, đến lúc nào đó, ở đất nước Việt Nam, cứ... ra ngõ là gặp di sản!

Và... nỗi buồn di sản

Núi Đôi (Quản Bạ, Hà Giang), Di tích – danh thắng  Quốc gia – 2010,  thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - đuợc UNESCO công nhận  - 2010
(Ảnh chụp 2010, trước khi được công nhận Di sản thế giới)













Núi Đôi (Quản Bạ, Hà Giang), sau khi được phong di sản, đã được “làm đẹp” một cách phi tự nhiên như thế này. (Ảnh chụp 2013)


Cũng trong “mùa di sản” rộn ràng, thì cũng lại dồn dập những câu chuyện buồn. Di tích lịch sử - khảo cổ Đàn Xã tắc – Thành Thăng Long (Hà Nội, được công nhận Di tích Quốc gia 2007); đang sắp bị cầu vượt đè lên, và đang gây tranh cãi, trong đó có cả tính xác thực của di tích. Chùa Một Cột, ngôi chùa độc đáo nổi tiếng từ thời Lý, 
Làng cổ Đường Lâm – làng cổ đầu tiên
được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia -
 2005
là một biểu tượng của thủ đô Hà Nội, đang “rung chuông” kêu cứu về sự xuống cấp và dột nát, mà các nhà quản lý văn hoá vẫn thờ ơ. Hàng chục hộ dân ở Làng cổ Đường Lâm (làng cổ đầu tiên được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia - 2005) viết đơn gửi chính quyền xin trả lại danh hiệu di tích bởi những bất cập trong các vấn đề xã hội, liên quan đến việc xây dựng công trình trong làng cổ... Điều trớ trêu trong câu chuyện ở Đường Lâm, là làng cổ này đang được xem xét để lập hồ sơ, cho “lên đời” ở tầm di sản thế giới!

Giải pháp nào bảo tồn làng cổ Đường Lâm???
Trước đó, nhiều chuyện đã xảy ra với những di tích, di sản và cũng chưa có nhiều người quên: Chùa Trăm Gian (Hà Nội) ngót nghìn tuổi bị trùng tu biến thành 1 tuổi ; Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang cổ kính biến thành cái... “lò gạch” mới toe... Đấy là những di sản xếp hạng quốc gia; còn di sản thế giới cũng không phải không có chuyện. Phố cổ Hội An đang bị cảnh báo vì mất hồn phố cổ; Thành Nhà Hồ khảo cổ và phục dựng Đàn Nam Giao thiếu cơ sở; mới đây nhất là việc xây dựng vô nguyên tắc trong Thánh địa Mỹ Sơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu - kiến trúc các đền tháp...
Chùa Một Cột (Diên Hựu Tự,
 Hà Nội) kêu cứu trước sự thờ ơ
của các nhà quản lý.

Hình như người ta vẫn cứ cho rằng, phải xây dựng thêm phải tô đắp thêm, phải đắp điếm cầu kỳ thì mới tôn vinh di sản, làm di sản đẹp hơn. Rất nhiều di tích, di sản đã bị phá hoại dưới danh nghĩa bảo tồn, trùng tu. Công viên đá Đồng văn (Hà Giang) được công nhận di sản thế giới, là thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu năm 2010; mới đây đã hoàn thành quy hoạch tổng thể ; không biết trong tương lai sẽ ra sao; nhưng khi xem bản quy hoạch, không ít người lo lắng. Khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử, có giá trị đặc biệt (và mới được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt – năm 2012) nhiều năm nay lúc nào cũng ngổn ngang như một đại công trường... Và rất nhiều di tích, di sản khi chưa được xếp hạng, hoặc chưa “lên đời”, 
thì rất bình yên ; nhưng khi được khoác thêm danh hiệu, thì sự bình
Đàn Xã Tắc – Thành Thăng Long (Hà Nội)
 – có xây cầu vượt qua không ?
 yên không còn nữa. Cơn bão du lịch, sự thương mại hoá, công tác “bảo tồn, trùng tu, tôn tạo cảnh quan...” không đúng cách, vô nguyên tắc đã làm phá hoại và vẩn đục di sản. Thêm vào đó, để bảo vệ di tích trước sự yêu mến đến... điên rồ của người tham quan, người ta đã dùng nhiều biện pháp... cơ học, bằng rào, bằng dây, bằng xích... ; bằng đủ thứ các loại biển cấm - rất phản cảm.

Đình An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi)
 mới được công nhận Di tích Quốc gia 4/2013
Khách quan mà nói, công tác bảo tồn di sản là không dễ, mà rất khó; nhưng cũng không thể đổ lỗi cho khó. Hiện nay chúng ta đang “di sản hoá” mà không đi vào thực chất của vấn đề bảo tồn, đang lấy số lượng thay chất lượng, lấy những danh hiệu bề nổi thay cho giá trị cốt lõi. Những câu chuyện buồn về di sản có nhiều nguyên nhân, và một trong những nguyên nhân ấy chính là cái tâm 
Bảo vệ di sản như thế nào???
(Bia Tiến sỹ, Văn Miếu - Thăng Long,
Hà Nội, Di sản Tư liệu thế giới – 2010)
của con người trước di sản, trước lịch sử và quá khứ. “Di sản” - bản thân từ đó đã nội hàm một chiều sâu, chứ không phải là một thứ giống như hàng chợ hay đồ công nghiệp. Những danh hiệu có ý nghĩa gì không, khi những giá trị nguyên bản và chân chính không gìn giữ được?
Có thể khi nào, ra ngõ gặp di sản, cũng có nghĩa là gặp nỗi buồn ?!?!

Hà Nội 24/05/2013

Nguyễn Trần Đức Anh
____________________

READ MORE - NỖI BUỒN DI SẢN *****************************************Bài và ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

VỊNH THỦY HỬ - chùm thơ Trần Thị Quỳnh Hoa




VỊNH THUỶ HỬ

Tống triều đầy rẫy những quân gian
Đổng Lục, Cao Cầu...bọn sói lang
Hống hách cầm cân gây loạn lạc
Chuyên quyền cậy thế rắc lầm than
"Trung quân" lại vướng vòng tù tội
"Ái quốc" đành cam cảnh tóc tang
Thiên tử ở mô ông có biết
Nịnh thần hí lộng khổ dân mang.



VỊNH VÕ TÒNG

Cảnh Dương đả hổ tiếng lừng vang
Một trận cuồn phong tội phải mang
Đao bén tiêu trừ quân bạc ác
Lửa hồng thiêu rụi bọn tà gian
Núi Lương  dấy nghĩa rung triều Tống
Bến Nước theo hiền dựng nghiệp Thang
Trời nỡ phụ  lòng trang hảo hớn
Anh hùng đành lỡ mộng an bang



VỊNH LÂM XUNG

Ngàn sau cảm khái một Lâm Xung
Thương pháp thần sầu quỉ phải rung
Nghĩa khí đường đường trang hảo hớn
Nhơn tài đỉnh đỉnh đấng anh hùng
Chỉ mong dốc sức đền ơn cả
Đâu biết giữa đời bị nạn hung
Vợ mất, nhà tan...thù khó trả
Thác còn ôm hận với tình chung.




NHỚ TỐNG GIANG

Mượn bút Tống lang viết phản thơ
Gươm thần lấp lánh đợi thời cơ
Chí hùng chưa toại, anh hùng tận
Gửi lại Tầm Dương một giấc mơ


Trần Thị Quỳnh Hoa
READ MORE - VỊNH THỦY HỬ - chùm thơ Trần Thị Quỳnh Hoa

NHỚ MÙA DÂU HẠ CHÂU - Nguyễn An Bình





Bạn tôi, Việt kiều Mỹ mới về thăm quê sau hơn 30 năm ở xứ người. Hồi còn ở Việt Nam đi học chung tôi và nó thân nhau nhất, chẳng là tôi và nó đều có máu văn nghệ thích làm thơ thẩn, thường gởi bài đăng báo ở Sài gòn. Mỗi lần có bài đăng thích lắm, mua báo về cắt dán vào một cuốn sổ lâu lâu lật ra xem. Lên đại học tôi thi vào sư phạm còn nó học luật. Sau giải phóng nó và gia đình theo ghe đánh cá của người cô vượt biên ra nước ngoài rồi định cư ở Mỹ. Mất liên lạc nhiều năm, tôi cũng đổi chổ ở mấy lần, vậy mà tháng vừa rồi không biết nó lần ra số điện thoại của tôi từ đâu điện cho tôi hay tháng sau sẽ về Việt Nam. Gặp nhau mừng đến phát khóc.

Những ngày ở Cần Thơ đi lòng vòng thăm viếng những người bạn cũ, thầy cô, tổ chức vài buổi tiệc tùng chiêu đải bạn bè thân bằng quyến thuộc, chẳng có gì vui chơi bạn lại đâm ra buồn định làm một chuyến du lịch ra bắc theo tuor của các công ty du lịch tổ chức thường xuyên mỗi tháng một vài lần, tôi nói với bạn mùa nầy là mùa dâu Hạ Châu vào vụ, thôi thì vào Phong Điền trước ghé làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh vui chơi một chút, sau thăm chợ nổi rồi tham quan vườn trái cây Phong Điền luôn thể. Bạn có vẻ thích thú lắm.Tôi hỏi bạn thích đi đường sông hay đường bộ. Đường sông thì ra bến Ninh Kiều có tàu của công ty du lịch đưa đi, vì là tàu nhỏ phải bao trọn gói mới được, lộ trình của tàu du lịch sẽ theo nhánh sông Cần Thơ qua chợ nổi Cái Răng, tới làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh rồi đến chợ nổi Phong Điền, vườn trái cây, tàu sẽ chờ, hẹn giờ ra tàu sẽ đón về, còn đường bộ thì chỉ cần một chiếc honda là a lê hấp “ngựa phi đường xa” ngay. Bạn thích đi đường bộ hơn vì cho rằng tự do hơn, muốn dừng chân lúc nào cũng được lại chủ động về thời gian ra về, tôi cũng đồng ý với quan điểm của bạn, thế là cả hai đèo nhau trên chiếc honda chạy theo đường quốc lộ 1, tới gần dốc cầu Cái Răng tẻ xuống đường hương lộ chạy cặp theo sông Cần Thơ về Phong Điền.


Hơn chục năm nay, khi phong trào du lịch khắp nơi phát triển thu hút khách khắp nơi đến tham quan địa phương, làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh  Cần Thơ cũng  hình thành. Nơi đây cung cấp cho khách du lịch những món ăn đặc sản của vùng sông nước Nam bộ, những cuộc thăm thú vườn trái cây mùa nào thức ấy, thưởng thức vọng cổ đờn ca tài tử, ăn uống cắm trại dã ngoại… Tuy có phát triển nhưng không chưa thật sự  thu hút sự trở lại của du khách nhất là du khách nước ngoại. Tôi và bạn đi loanh quanh đôi chút, ngồi kêu hai ly cà phê, ngắm du khách ra vào tham quan một hồi rồi lại lên xe chạy vào Phong Điền.

Huyện Phong Điền từ lâu nổi tiếng với khu chợ nổi, không biết nó hình thành từ bao giờ, muốn bán thức gì người ta cứ treo sản phẩm đó lên một cây tre cao gọi là cây bẹo(có lẽ xuất phát từ chữ bẹo hình bẹo dạng đó chăng?) mà chẳng cần rao mời gì cả, khách chỉ cần nhìn vào những vật treo trên cây bẹo là biết ghe xuồng đó bán thức gì. Hàng hóa không chỉ là sản vật địa phương mà nó có nguồn gốc tứ xứ từ mật ong, ba khía, chiếu ở Cà Mau Năm Căn, rùa rắn ở Ngã Bảy Phụng Hiệp, đường thốt lốt, mắm lóc ở Châu Đốc, thậm chí bồn chậu, đồ gốm, trái cây miệt Lái Thiêu, Bình Dương cũng về đây góp mặt trong đó có một loại trái cây mà sau nầy trở nên nổi tiếng cắm rể ở xứ nầy đó là dâu Hạ Châu. Ngày xưa khi còn đi học những ngày cuối tuần chúng tôi thường đèo nhau trên chiếc xe đạp,hai đứa một chiếc, vào đây chơi vì có nhà người bạn gái học cùng lớp.Thuở ấy lên cấp 3 học sinh trường huyện phải lên thành phố học nên lớp chúng tôi gần như có mặt đầy đủ học sinh các huyện từ Thốt Nốt, Ô Môn, Phụng Hiệp, Phong Điền…Trong chợ ở khu vực bán trái cây vào đúng vụ dâu Hạ Châu đang thu hoạch trái nên chúng tôi dễ dàng nhìn thấy sạp hàng nào cũng treo những chùm dâu lúng liếng trắng ngà mọng nước hay bày trên những sạp nia chồng chất trông rất hấp dẫn. Thấy chúng tôi sáp lại gần quầy hàng cô chủ sạp còn trẻ xem cũng rất có duyên vội chào hỏi và lấy một chùm dâu cho chúng tôi nếm thử.Trái dâu Hạ Châu to như trứng gà tre, khi chín trái dâu có màu xanh lợt hoặc ngả sang màu trắng ngà vàng tươi, vỏ mỏng hơn loại dâu da bình thường, chùm trái hơi thưa nhưng múi dâu ăn vào có vị ngọt thanh hơi chua nhẹ dễ kích thích vị giác của người thưởng thức. Tôi cũng thường ăn nên không lấy gì làm ngạc nhiên, chỉ có thằng bạn tôi xa quê hương mấy chục năm nên khi đưa chùm dâu cho nó ăn thử, nó hơi nhăn mặt ngần ngại, tôi nghĩ chắc nó nhớ loại dâu da trái xanh, vỏ dầy cui  ăn chua lè ngày xưa thường bán ở cổng trường lúc còn đi học ấy mà.Tôi bảo nó: ăn thử đi xem sao. Bạn lấy một trái, lột vỏ đưa múi dâu vào miệng cắn nhẹ, vị ngọt thanh, có mùi thơm, hơi chua nhẹ làm bạn cảm thấy dễ chịu, thích thú. Bạn nhìn tôi mỉm cười, gật nhẹ đầu tỏ ý bảo được đấy. Tôi nhờ cô chủ hàng cân cho hai ký. Trả tiền xong tôi hỏi cô xem có vườn dâu nào có thể đến tham quan được không, Cô chủ hàng nhìn chúng tôi tươi nét mặt:

•           Hai anh muốn thăm vườn dâu à? Vậy đến vườn nhà em đi. Em cũng định về nhà lấy hàng đem ra bán, hai anh theo em đi, ba mẹ em hiếu khách lắm, nhiều khách đến tham quan vườn dâu nhà em lắm, đừng ngại.

Thấy sự nhiệt tình của cô gái, hai chúng tôi gật đầu đồng ý.Cô gái kêu người em trai đến trông hàng, cầm nón lá đi xuống bến sông, tôi và bạn đi theo. Cô gái chèo xem ra rất thành thục, vừa chèo cô vừa nói:

•           Vườn nhà em không xa lắm đâu, vào con rạch chổ cây cầu Phong Điền khoảng hai cây số là tới hà.


Trên đường về nhà, biết chúng tôi là người ở xa tới, cô gái vui vẻ bắt chuyện nói về giống dâu Hạ Châu. Nghe kể lại người có công gầy dựng giống dâu nầy ở Phong Điền là cha ông Lê Quang Bảy.Thuở ấy khoảng năm 1960-1962 gì đó, cha ông Bảy trong một lần đi chợ nổi gặp một ghe thương hồ chở loại dâu ở tận miệt Lái Thiêu, Bình Dương xuống bán.Thấy lạ cha ông nếm thử thấy ngon khác hẳn với giống dâu chua địa phương nên mua về để gây giống. Sau nhiều lần trồng, tuyền lựa, cha ông đã chọn được một cây đầu dòng cho trái thơm ngon, năng suất cao, rồi nhân giống phát triển cho đến ngày nay. Vườn dâu nhà cô cũng lấy từ giống của cây đầu dòng đó.

Anh bạn tôi hơi thắc mắc:

•           Sao gọi là dâu Hạ Châu? giống như cây du nhập từ Trung Quốc quá vậy?

Cô gái cười trả lời:

•           Không phải giống của Trung Quốc đâu. Em nghe ba em nói  trước kia loại dâu nầy có tên là dâu miền dưới, nhưng từ khi loại dâu nầy được thị trường chấp nhận và ưa chuộng, để quảng bá cho sản phẩm có một thương hiệu trên thị trường, khoảng năm 2000, các nhà khoa học ở Viện cây ăn quả miền Nam về đây được ăn trái dâu nầy thấy ngon đề nghị đặt cho nó cái tên để phân biệt với giống dâu khác, nên gia đình ông Bảy lấy cái tên Hạ Châu đặt cho nó. Tên  nầy có ý nghĩa là giống dâu được trồng ở miền hạ châu thổ sông Cửu Long đó.

Bạn tôi à ra vẻ hiểu. Mãi nói chuyện đến nhà hồi nào không hay.Cô gái tấp ghe vào bến, cầm mái chèo và cột dây ghe vào cái cọc cho nó đừng trôi, mời chúng tôi lên bờ, vừa đi vừa nói lớn:

•           Ba mẹ ơi, có khách đến tham quan vườn nhà mình nè.

Đón tiếp chúng tôi là một lão nông dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông mời chúng tôi vào nhà uống nước, nhưng thấy ý chúng tôi háo hức muốn tham quan vườn dâu luôn nên ông vui vẻ dẫn chúng tôi ra vườn luôn. Dâu đang mùa cho trái chín rộ, cả một vườn dâu là một màu vàng rực, mát mắt trông rất dễ chịu.Từng chùm dâu trổ từ gốc tới ngọn, ở cả những nhánh cành, chổ nào cũng là dâu. Dâu được trồng trên những bờ liếp theo hàng, thẳng tắp. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vườn dâu, chú Sáu Hậu-ba của cô gái- vừa giải thích cho chúng tôi nghe  một số đặc tính của giống dâu Hạ Châu:

•           Các chú biết không giống dâu nầy là loại cây đơn tính, cây đực và cây cái riêng biệt, nên lúc trước cứ trồng mười cây cái phải trồng xen một cây đực thì tỉ lệ đậu trái mới cao, nhà vườn phải mất một số diện tích, tốn công chăm sóc cây đực mà chẳng thu nhập được gì. Ngày nay nhờ kinh nghiệm tụi tôi có thể ghép cành của cây dâu đực lên trên một nhánh của cây dâu cái mà vẫn cho năng suất cao, không phải tốn đất để trồng cây dâu đực, giảm chi phí và công sức chăm sóc nhiều lắm.

•           Thế lúc nào nó cho trái hả chú?

•           Dâu Hạ Châu có thể cho trái ba vụ một năm: vụ nghịch mùa chín vào tháng 5 âl, vụ mùa chín vào tháng 8 âl, vụ muộn chín vào tháng 11 âm. Các chú vào chơi đúng vào vụ mùa của nó đấy. Dâu Hạ Châu trồng chừng 5 năm thì cho trái. Đặc biệt là càng lâu năm, cây càng cao lớn, cho càng nhiều trái, mùi vị càng thêm thơm ngọt, đậm đà, nên tụi tôi thường gọi cây dâu Hạ Châu là loại cây không biết già.

Nói đến đây chú Sáu Hậu cười với vẻ thích thú, ngừng một lát chú nói tiếp:

•           Dâu Hạ Châu có mùi vị đặc trưng riêng của nó: ngọt thanh, chua nhẹ và có mùi thơm dịu. Quả dâu khi chín thường có màu vàng nhạt hay trắng ngà, vỏ mỏng không dầy như giống dâu da cũ. Buồng trái dài, hơi thưa quả to sáng trắng đẹp. Nếu trúng mùa một chùm trái sai có thể nặng cả ký, còn thường thường khoảng 3 hay 400 gam thôi.

Chúng tôi trở vô nhà cũng vừa đúng lúc cô con gái chú Sáu Hậu sắp xếp xong mấy giỏ dâu Hạ Châu xuống ghe. Chúng tôi xin phép theo ghe của cô gái về luôn cho tiện đường. Chú Sáu Hậu thân tình mời chúng tôi ở lại dùng cơm rồi cho người đưa về sau. Cô gái cũng đề nghị chúng tôi ở lại cho cha cô vui, nhưng chúng tôi cảm thấy bất tiện đành kiếm lời từ chối ra về.

Ngồi trên ghe cô gái chèo ra chợ, tiếng mái chèo khua nhẹ trong dòng nước hòa lẫn trong không khí phảng phất mùi dâu chín thơm nhẹ làm tôi và anh bạn bỗng nhìn nhau. Cả hai chúng tôi đều chợt nhớ đến người bạn gái học chung cấp 3 năm xưa quê ở Phong Điền, không biết còn ở đây hay lưu lạc phương nào.

Mùa dâu Hạ Châu  2013

NGUYỄN AN BÌNH


READ MORE - NHỚ MÙA DÂU HẠ CHÂU - Nguyễn An Bình

MONG … - MaiMai1960



Cảm ơn bè bạn bốn phương
Xa xôi vẫn nhớ tìm đường thăm nhau
Hoàng hôn bóng đã nhạt màu
Tình người vẫn cứ trước sau vẹn tròn.
Dẫu rằng cách trở núi non
MaiMai mong được ngày còn gặp nhau.

MaiMai1960


READ MORE - MONG … - MaiMai1960

BẾN CŨ SÔNG XƯA - thơ Độc Hành




Chiều về ra đứng bờ sông
Một mình lặng ngắm khoảng không đất trời
Khi xưa tôi có một thời
Nhiều đêm trăng sáng chơi bời nơi đây
Một thời vui thú thơ ngây
Người đi xa cách giờ đây chỉ còn
Bến xưa cỏ mọc xanh non
Nắng mưa sóng vỗ bào mòn không lưa
Về đây đứng dưới cơn mưa
Ngậm ngùi thương tiếc người vừa đi xa
Người vừa rời cõi ta bà
Tôi về hoài niệm chan hòa lệ rơi
Dù xa ở tận phương trời
Sông xưa bến cũ nhớ đời không quên.

Độc Hành
READ MORE - BẾN CŨ SÔNG XƯA - thơ Độc Hành

Mùa Vu Lan: NHỚ ƠN CHÍN CHỮ CÙ LAO - thư pháp Minh Đạo



Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình

Trong Kinh Thi của Khổng Tử đã nói đến 9 điểm, gọi là 9 chữ cù lao dành cho người mẹ. Đó là: Sinh (sinh nở), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vỗ về), Dục (dạy dỗ), Súc (cho bú), Trưởng (nuôi lớn), Cố (trông nom), Phục (nuông chiều), Phúc (che chở).


(Sưu tầm)


READ MORE - Mùa Vu Lan: NHỚ ƠN CHÍN CHỮ CÙ LAO - thư pháp Minh Đạo