Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 21, 2024

Trang thơ Thu bình thanh của Lưu Lãng Khách (Kỳ 1/2) - TA CHO NHAU MÙA THU | THU BÂNG KHUÂNG

 


TA CHO NHAU MÙA THU

 

Dòng Trà Giang trôi trôi

Tay quê êm vành nôi

Em ơi thu đang về

Cành đìu hiu đê mê

Cung đàn xưa ngân nga

Hồn phiêu theo âm ba

Ta bên nhau bồng bềnh

Vui tình chưa phôi pha

Trăng về sau cành đa

Ta cho nhau mùa thu

Ta dâng đời câu ca

Ta yêu người dân ta

Ta cho nhau mùa thu

Say nhau trong vàng mơ

Nương nhau trong hôn hoàng

Cho nồng nàn trang thơ

Ta cho nhau mùa thu

Sương lam – mưa mờ giăng

Ngày hanh – đêm đầy trăng

Vê tròn câu thương ru

Ta cho nhau mùa thu

Chim hân hoan ngoài hè

Nay đâu mi thầy me

Trăng ngời sau cành tre.

     Thu quê hương 2022

     Lưu Lãng Khách

 

 

THU BÂNG KHUÂNG

 

Đêm thu chu du trên sông Trà

Thuyền mơ đưa về trăng mười ba

Thiên đường tình yêu bên người hoa

Phiêu bồng cùng mây phương trời xa

Chưa qua cơn mê anh nhìn trời

Tình thu bâng khuâng ơi người ơi!

Màn khuya hư hoang sương mờ phơi

Lòng nghe chơi vơi đêm đồng quê

Côn trùng lê thê đồng ca hòa

Cành hoa lung linh trong mưa sa

Trăng buông xiêm y khoe khuôn ngà

Làng ơi! Mùa ơi! Thu kiêu sa

Hồn hoang hồn nhiên bay rong chơi

 Buồn đâu mùa xưa như lên khơi

Nhìn trời bao la thương thu nào

Con thuyền chênh chao trôi theo mây. 

Tình vơi đầy!

                     Thu quê hương 2023

                     Lưu Lãng Khách

                     luulangkhach@gmail.com

 

READ MORE - Trang thơ Thu bình thanh của Lưu Lãng Khách (Kỳ 1/2) - TA CHO NHAU MÙA THU | THU BÂNG KHUÂNG

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ KHOA HỌC CỦA DI TÍCH QUỐC GIA “CÁC ĐỊA ĐIỂM LIÊN QUAN ĐẾN DINH CHÚA NGUYỄN (1558 - 1626)” - Nguyễn Thị Thanh Bình

 

Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - người cậu của Nguyễn Hoàng - tại xã Triệu Giang, Triệu Phong 

- Ảnh: HOÀNG TÁO


GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ KHOA HỌC 

CỦA DI TÍCH QUỐC GIA 

“CÁC ĐỊA ĐIỂM LIÊN QUAN ĐẾN DINH CHÚA NGUYỄN 

(1558 - 1626)”

Nguyễn Thị Thanh Bình

 

Năm 1558, sau khi đặt chân đến vùng đất huyện Vũ Xương, Phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã chọn bãi cát Sa Khư/Sa Khưu thuộc làng Ái Tử làm điểm cắm chốt ban đầu, ông cho dựng doanh trại tại đây. Năm 1570, sau khi ra Bắc yết kiến vua Lê - chúa Trịnh trở về, ông đã quyết định cho dời dinh phủ/dinh trấn của mình từ làng Ái Tử sang làng Trà Bát (1570 - 1600). Đến năm 1600, chúa Tiên Nguyễn Hoàng lại một lần nữa cho dời dinh phủ/dinh trấn của mình từ Trà Bát sang một địa điểm mới gần kề với địa điểm cũ và gọi là Dinh Cát/Cát Dinh (1600 - 1626).

Trong 68 năm tồn tại trên vùng đất Ái Tử - Trà Bát/Quảng Trị, Nguyễn Hoàng đã có 3 lần xây dựng dinh trấn/dinh phủ ở 3 địa điểm khác nhau (Ái Tử, Trà Bát và Cát Dinh). Việc di dời dinh phủ/dinh trấn là quá trình mở rộng lỵ sở chứ không phải thay đổi không gian lỵ sở. Bên cạnh việc cho xây dựng các dinh phủ, chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên còn cho thiết lập các công trình liên quan phục vụ cho hoạt động kinh tế - xã hội, quân sự, văn hóa - tín ngưỡng..., như: Bãi Trận, Mô Súng, Cồn Kho, Cồn Tập, Tàu Tượng, Chợ Hôm, Ghềnh Phủ, Miếu Trảo Trảo phu nhân, Miếu thờ Thuận nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến… Vùng đất Ái Tử - Trà Bát thuộc huyện Vũ Xương dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng và những năm đầu thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên là trung tâm chính trị, hành chính và nơi tập trung bộ máy đầu não cai quản toàn xứ Thuận - Quảng. Từ đây các chúa Nguyễn đã hoạch định và thực hiện các chính sách cai quản của mình hết sức đúng đắn nhằm đưa vùng đất xứ Đàng Trong trở thành một vùng phát triển tương đối mạnh mẽ.

Với sự ra đời, tồn tại dinh phủ/dinh trấn đầu tiên của chúa Nguyễn và những công lao, đóng góp rất to lớn của Nguyễn Hoàng đối với vùng đất Đàng Trong - Quảng Trị, di tích “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2018, gồm 10 di tích thành phần: Địa điểm dinh Ái Tử; Địa điểm dinh Trà Bát; Địa điểm Dinh Cát; Địa điểm Cồn Tập; Địa điểm Mô súng; Địa điểm Tàu tượng; Địa điểm Bãi trận; Địa điểm Ghềnh phủ; Chợ Hôm; Miếu Trảo Trảo Phu Nhân.

Tham gia Hội thảo khoa học “Hệ thống di tích chúa Nguyễn tại Triệu Phong - Những giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản”, một lần nửa khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)”:    

1. Địa điểm lỵ sở dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626) trên đất Triệu Phong, Quảng Trị là lỵ sở đầu tiên, đánh dấu mốc quan trọng khai mở ra một triều đại mới - triều đại chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn

Đứng trước tình hình đất nước đầy rối ren và phức tạp đầu thế kỷ XVI khi các dòng họ Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn tranh giành quyền lực lẫn nhau, Nguyễn Hoàng đã nghe theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” để rời bỏ đất Bắc tiến thân vào Nam. Sự lựa chọn đó của Nguyễn Hoàng trong bối cảnh lúc bấy giờ là một bước đi phù hợp, đúng đắn và tất yếu.

Sự ra đi của Nguyễn Hoàng là lối thoát duy nhất nhưng đầy nguy hiểm. Bản thân Nguyễn Hoàng cũng nhận thấy được những khó khăn, thử thách ở vùng đất “vạn đại dung thân” được truyền tụng là “Ô Châu ác địa” không những phải đối phó với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, với con người “ương ngạnh” mà còn nơi họ Mạc xây dựng đồn lũy chiến đấu với họ Trịnh. Miền Thuận Hóa theo như khái quát của Dương Văn An trong Ô Châu cận lục (1555): “Thuận Hóa tiếp giáp với Quảng Nam, đất cát chật hẹp, phong tục chất phác, cư dân thưa thớt, không thể sánh vai với các châu Hoan - Ái. Nhưng từ khi Đặng Tất làm tướng nổi tiếng tài năng, Bùi Dục Tài vinh hiển từ khoa bảng thì phong tục nhân tài của ta khởi sắc, phát triển vượt bậc có thể sánh ngang với thượng quốc. Nhưng đời Quang Thiệu (niên hiệu Lê Chiêu Tông 1516 - 1522) triều Lê như chiếc bóng thoáng qua, khiến cho nhân tài hào kiệt lại thưa thớt như sao chổi buổi sớm, lác đác như lá mùa thu... Trời không phải lúc nào cũng sẵn thiên thời, đất không phải lúc nào cũng sẵn địa lợi, người không phải lúc nào cũng sẵn nhân hòa...” [1].

Việc Nguyễn Hoàng quyết định chọn vùng đất Ái Tử, Quảng Trị đóng dinh trấn trong buổi đầu quả là một thử thách sống còn về năng lực cải đổi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà bằng mọi giá phải vượt qua. Sự lựa chọn của Nguyễn Hoàng thể hiện là một con người đầy bản lĩnh, tự tin.

Sau khi quyết định chọn vùng đất Ái Tử làm nơi dừng chân, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã chú trọng xây dựng tiềm lực mạnh về mọi mặt để thực hiện ý đồ thoát ly hoàn toàn khỏi triều đình vua Lê, chúa Trịnh. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, Nguyễn Hoàng đã thi hành nhiều chính sách mềm dẽo, hợp lý và công bằng. Lấy yếu tố “nhân hòa” làm đức trị để “yên chỗ cho dân, theo phong tục của dân, mở mối lợi, trừ mối hại, đó là việc đầu tiên trong việc vỗ trị xứ Thuận Quảng vậy[2]. Trong thời gian đóng dinh tại Quảng Trị, chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã tiến hành dẹp loạn, đem lại sự bình yên cho nhân dân. Năm 1571, thổ hào ở Quảng Nam nổi dậy đánh giết, cướp bóc lẫn nhau. Chúa sai Mai Đình Dõng dẹp yên, nhân đấy được ở lại làm Lưu Phủ giữ đất ấy để thu phục, vỗ yên dân. Năm 1621, các Thổ mục ở Lạc Hòn (Ai Lao) tổ chức cướp phá vùng biên thùy, vùng phía Tây Quảng Trị, chúa sai Tôn Thất Hòa đem quân đi đánh dẹp, bắt làm tù binh nhưng tỏ rõ thiện ý trong việc áp dụng chính sách khoan dung “chúa muốn lấy ân tín vỗ về người đất xa, sai cỡi trói ra và cấp quần áo, lương thực, răn dạy rồi thả về. Quân Man cảm phục, từ đấy không lấy làm phản nữa[3].

Chính những chích sách khoan hòa, an dân trong buổi đầu vào cai quản nên Nguyễn Hoàng được dân chúng trong vùng tin yêu, mếm phục đặt là Chúa Tiên. Ghi nhận về vai trò của Nguyễn Hoàng, các sử gia của triều Lê chép: “Đất Thuận Quảng lại được yên. Hoàng vỗ trị mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thường ban ơn huệ, dùng phép công bằng, khuyên răn bản bộ, cấm trấp kẻ hung ác, dân hai trấn lại cảm lòng mến đức, thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cấm, mọi người ra sức. Do vậy họ Mạc không dám dòm nom, trong cõi được an cư lạc nghiệp” [4].

Cùng với chính sách an dân để ổn định xã hội, phát triển mọi mặt kinh tế, văn hóa... Nguyễn Hoàng còn thực hiện những chính sách mềm dẻo nhằm tạo niềm tin đối với vua Lê, chúa Trịnh để mở rộng quyền lực làm tiền đề cho việc thực hiện những mưu đồ cát cứ về sau.

 Mặc dù sự ra đi của Nguyễn Hoàng là sự thoát thân khỏi sự tiếm quyền của họ Trịnh, nhưng không phải vì vậy mà Nguyễn Hoàng quay lại chống chúa Trịnh ngay mà ông đã có bước đi mang tầm chiến lược một cách khôn khéo. Đối với Nam triều, từ khi vào trấn nhiệm Thuận Hóa, trên cương vị là Tổng trấn của nhà Lê, được giao nhiệm vụ toàn quyền “mọi việc ở xứ này, không cứ lớn hay nhỏ, và các ngạch thuế đều giao cả cho, hàng năm đến kỳ hạn thì thu nộp”. Và Nguyễn Hoàng đã đều đặn thực hiện nghĩa vụ cống nạp cho triều đình, tham dự các sự kiện trọng đại của Nam triều, như: đích thân ra tận Tây Đô để chúc mừng Thái sư Lương quốc công Trịnh Kiểm làm Thượng tướng Thái quốc công, tôn làm Thượng phụ vào năm 1569; giúp Trịnh Kiểm diệt gian thần... Chính sự tin tưởng đó, năm  1570, Đoan quận công Nguyễn Hoàng được quyền quản lý vùng Quảng Nam và kiêm nhận 2 xứ Thuận - Quảng.

Sau khi có thêm đất Quảng Nam cùng với sự tự chủ về mặt chính trị, Đoan quận công mới có điều kiện xây dựng và phát triển xứ Thuận Hóa. Trong sự đi lên của Đàng Trong, Quảng Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, đây không chỉ là vùng đất giàu có, trù phú với đa dạng nguồn thương phẩm mà còn có cửa biển lớn tạo nên thương cảng quốc tế Hội An về sau. Quảng Nam và Hội An giữ một vị thế quan trọng nhất trong quá trình phát triển thương nghiệp Đàng Trong.

Năm 1593, nhà Lê thắng nhà Mạc và vua Lê Thế Tông (1573 - 1600) trở về Đông Đô, Nguyễn Hoàng tiếp tục thực hiện nghi thức của một quần thần trung thần với triều đình, giúp chúa Trịnh ổn định nhiều địa phương ở miền Bắc như Hải Dương, Thái Nguyên, tham gia nhiều công việc triều chính khác... Tuy nhiên, sự mềm dẻo của Nguyễn Hoàng đối với vua Lê, chúa Trịnh cũng có giới hạn. Sau 7 năm ở lại Đông Đô,  Nguyễn Hoàng lập được nhiều công tích cùng với sự vững mạnh của vùng ông trấn nhiệm nên càng làm cho Trịnh Tùng thêm ghen ghét và có ý “giữ chân” Nguyễn Hoàng. Không chấp nhận sự kìm kẹp của chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng đã dùng mưu kế xui tướng nhà Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê làm phản ở cửa Đại An (Nam Định), rồi tự xin đi đánh, đến nơi giả cách thua, bèn đi đường biển về thẳng Thuận Hóa. Trở về Thuận Quảng sau một chuyến đi dài, Nguyễn Hoàng bắt tay vào công cuộc khôi phục, phát triển xứ Đàng Trong để dần dần tách khỏi sự phụ thuộc vào Đàng Ngoài. Nguyễn Hoàng cho dời dinh từ Trà Bát qua Dinh Cát, củng cố bộ máy chính quyền.

Nếu như sự kiện Nguyễn Hoàng được kiêm trấn thủ trấn Quảng Nam là mốc mở đầu cho ý đồ xây dựng một thể chế cát cứ trên vùng đất phương Nam, thì lần ra Bắc cuối cùng từ năm 1593 - 1600 trở về càng khẳng định quyết tâm xây dựng một vương quốc riêng biệt của Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên, mặc dù tư tưởng cát cứ ly khai và xây dựng một vương quyền độc lập đã hình thành nhưng dưới thời cai trị của Nguyễn Hoàng vì nặng những mối quan hệ gia đình, thân thuộc, vì mối quan hệ xã hội nên vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Nhưng bằng những bước đi mang tính chiến lược, Nguyễn Hoàng đã tạo nền tảng lớn mạnh cho các thế hệ nối tiếp thực hiện tâm nguyện của mình. Toàn bộ tư tưởng cát cứ của Nguyễn Hoàng được thể hiện một cách rõ ràng trong lời trăn trối cuối cùng với người con trai thứ sáu Nguyễn Phúc Nguyên - người kế nghiệp chúa: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Giang [Linh Giang] hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch bi sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chóng chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta [5].

Nguyễn Phúc Nguyên - người kế ngôi chúa Nguyễn đẩy mạnh xu hướng cát cứ với việc xây dựng chính quyền mới Đàng Trong, tập hợp mọi nhân tài từ Bắc vào, “sửa sang thành lũy, đặt quan ải, vỗ về dân quân, trong ngoài đâu cũng vui phục[6]. Nguyễn Phúc Nguyên công khai không thần phục họ Trịnh: không nộp thuế, không nhận sắc phong, không ra Thăng Long mà cũng không gửi con thay mình ra Thăng Long như họ Trịnh yêu cầu... mà còn thực hiện các cuộc chiến tranh với Đàng Ngoài. Đến đây, ý nguyện “dựng cơ nghiệp muôn đời” của Nguyễn Hoàng được thực hiện.

Có thể nói, việc Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên dừng chân và đóng lỵ sở suốt 68 năm tại Ái Tử - Trà Bát đã biến vùng đất này trở thành một trung tâm chính trị và là nơi hội tụ không chỉ sức mạnh về quân sự mà còn cả sức mạnh về kinh tế, xã hội… Đây được coi là “kinh đô” đầu tiên của Đàng Trong - nơi khởi đầu và xây dựng nên cơ nghiệp nhà chúa Nguyễn. Đến năm 1626, khi Nguyễn Phúc Nguyên chuyển lỵ sở vào Phước Điền thì 3 thủ phủ Ái Tử, Trà Bát và Dinh Cát chấm dứt vai trò của mình và trở thành cựu dinh. Tuy nhiên, những thành quả đạt được trong 68 năm đóng lỵ sở trên đất Triệu Phong, Quảng Trị của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên không chỉ đóng một vai trò quan trọng, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu và làm tiền đề cho việc xây dựng các thủ phủ của chúa Nguyễn về sau mà còn góp phần khai mở và phát triển một triều đại mới - triều đại nhà Nguyễn.

2. Di tích Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626) gắn liền với công lao, đóng góp của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc

Công cuộc mở mang bờ cõi của Đại Việt kéo dài gần 8 thế kỷ, bắt đầu dưới triệu đại nhà Lý năm 1069 và kết thúc dưới thời các chúa Nguyễn vào năm 1757. Trước năm 1558, cư dân Việt chỉ sinh sống ở phía Bắc đèo Cù Mông thuộc phủ Hoài Nhơn (Bình Định ngày nay), trong khi đó biên giới phía Nam nước ta đến núi Thạch Bi. Điều này có nghĩa là trong 5 thế kỷ trước dưới thời Lý, Trần, Hồ, Lê, lãnh thổ Đại Việt chỉ được mở rộng từ Đèo Ngang đến núi Thạch Bi. Kế thừa thành quả của các triều đại đi trước, sau khi vào trấn nhậm Thuận Quảng và đóng lỵ sở tại Ái Tử - Trà Bát, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã tiếp tục công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam.

Mặc dù việc mở đất vào Phú Yên được xúc tiến từ năm 1578 nhưng mãi đến năm 1611, với việc vượt qua Thạch Bi, Nguyễn Hoàng chính thức có thêm một vùng đất mới, một đơn vị hành chính mới và hoàn thành bước đi đầu tiên trong sự nghiệp Nam tiến của mình, góp phần tạo bàn đạp vững chắc cho những bước mở rộng lãnh thổ để cho ra đời xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVII.

Sau khi kế nghiệp và nhận thức sâu sắc lời di huấn của cha, Nguyễn Phúc Nguyên đã thực thi một cách nghiêm chỉnh, triệt để, sáng tạo và có những bước đi rất thích hợp để đưa dân tiến sâu hơn đến những vùng đất chưa được khai thác ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, sự nghiệp mở cõi kỳ vĩ của ông dường như tất cả đều đã được chuẩn bị, sắp đặt và bắt đầu từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Đến nay, các nhà sử học đều thống nhất là nếu không có sự kiện Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị năm 1558 và những nổ lực của ông cũng như chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong việc xây dựng và phát triển vùng đất này trong 68 năm thì khó để có một Đàng Trong phát triển giàu mạnh. Có thể nói, đất Thuận Hóa được khai mở từ thời nhà Trần nhưng tạo nên bước phát triển và để lại dấu ấn sâu sắc là dưới thời chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên. Nguyễn Hoàng là vị chúa đầu tiên của họ Nguyễn xây dựng cơ nghiệp ở vùng đất mới Thuận - Quảng; là người đặt nền móng cho sự hình thành Đàng Trong. Trong khi đó, Nguyễn Phúc Nguyên chính là người đã cắm mốc chủ quyền đầu tiên của chính quyền Đàng Trong trên vùng đất Nam Bộ. Như vậy, việc xây dựng, tồn tại và phát triển của lỵ sở dinh chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong, Quảng Trị gắn liền với những công lao, đóng góp của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong sự nghiệp mở mang lãnh thổ. Đây chính là tiền đề rất quan trọng để các chúa Nguyễn kế nhiệm thực hiện giai đoạn nước rút trong công cuộc mở cõi, khởi dựng nên hình hài nước Việt Nam ngày nay.

3. Nghiên cứu về các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626) đã góp phần quan trọng trong việc đánh giá một cách khách quan hơn, công bằng hơn về vai trò của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nói riêng cũng như sự nghiệp nhà Chúa nói chung trong tiến trình lịch sử dân tộc

Trước đây, sử sách triều Nguyễn rất mực đề cao vai trò và đóng góp của chúa Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn, nhưng từ sau năm 1945, việc nghiên cứu và đánh giá về sự nghiệp nhà chúa nói chung vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Mặc dù, sau thời gian trên, tình hình nghiên cứu về thời Nguyễn đã diễn ra sôi nỗi và đem lại nhiều kết quả lớn nhưng các công trình nghiên cứu phần nhiều tập trung vào giai đoạn lịch sử triều Nguyễn (1802 - 1945) mà ít chú ý đến giai đoạn lịch sử thời các chúa Nguyễn trước đó nhất là thời kỳ 68 năm chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên đóng lỵ sở trên đất Triệu Phong, Quảng Trị. Sự bất cập này có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là: thứ nhất, do nguồn tư liệu thiếu thốn, hạn chế bởi đây là một giai đoạn lịch sử mà vùng đất Thuận Quảng do chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trấn nhậm chỉ là một trấn trực thuộc triều đình Lê - Trịnh chứ đây chưa phải là một vương triều độc lập nên việc biên chép lịch sử không được thực hiện dẫn đến việc tài liệu viết về giai đoạn này rất hạn chế; thứ hai, là do nguồn tư liệu hạn chế nên việc nghiên cứu về giai đoạn này của thời chúa Nguyễn chưa thật đầy đủ, công bằng. Chính những lý do trên đã gây ra tình trạng thiếu thông tin, tạo nên những “khoảng trống” về mặt tư liệu của thời kỳ chúa Nguyễn mà đặc biệt là thời gian 68 năm Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên đóng lỵ sở tại Ái Tử - Trà Bát.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc nghiên cứu về Đàng Trong nói chung và công lao của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nói riêng trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được chú ý hơn. Thông qua các tư liệu lịch sử, các nghiên cứu mang tính chất đột phá của các nhà sử học và đặc biệt là qua hai cuộc hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong tiến trình lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” năm 2008 tại Thanh Hóa và hội thảo “Quảng Trị - đất dựng nghiêp của chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 2013)” năm 2013 tại Triệu Phong, Quảng Trị, các nhà khoa học, nhà nguyên cứu, các học giả trong và ngoài nước bước đầu đã có cái nhìn và đánh giá khách quan hơn, công bằng hơn về những công lao và đóng góp của các chúa Nguyễn đối với đất nước. Đặc biệt, vai trò của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong sự nghiệp mở mang bờ cỏi về phương nam đã được lịch sử công nhận.

 Bên cạnh đó, khi di tích “Các địa điểm liên quan đến lỵ sở dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)” được xếp hạng quốc gia đã có đầy đủ hồ sơ, tạo cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích về sau, đồng thời cung cấp nguồn nguồn tài liệu vô cùng phong phú và quý giá nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu về vai trò của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nói riêng cũng như sự nghiệp nhà Chúa nói chung trong tiến trình lịch sử dân tộc.

4. Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626) là một trong những di tích tiêu biểu của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn; góp phần làm phong phú hơn, đa dạng hơn cho hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên đất Quảng Trị và nó trở thành một di sản có giá trị tiêu biểu trong nền văn hóa dân tộc

Với những bước đi và những chính sách thích hợp, chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã biến vùng Thuận Quảng thành một trung tâm chính trị và là nơi hội tụ không chỉ sức mạnh về quân sự mà còn cả sức mạnh về kinh tế, xã hội… Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài của lịch sử với gần 500 năm trên một vùng đất vốn chịu nhiều đổi thay, mất mát bởi các cuộc chiến tranh tàn phá cộng với sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai... nên di tích “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)” trên đất Triệu Phong, Quảng Trị đã bị tàn phá hết sức nặng nề. Tất cả những địa điểm như: dinh Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát hay các công trình có liên quan như: Cồn kho, Cồn tập, Tàu Tượng, miếu Trảo Trảo phu nhân, chùa Liễu Ba/Liễu Bông.... đã mất hết dấu tích và chỉ tồn tại trên những địa danh hay trong tiềm thức của người dân.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn có một số di tích liên quan đến thời chúa Nguyễn như: Chùa Bảo Đông và bia, mộ Trần Đình Ân; khu mộ thời các chúa Nguyễn ở Văn Quỹ; lăng mộ bà Phạm Thị Tôm (Còng); chùa Long Phước… Các di tích này cùng với di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)”  tại Ái Tử - Trà Bát đã tạo nên một hệ thống di tích thời chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị rất phong phú và đa dạng. Trong đó “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)” là một di tích rất quan trọng làm nổi bật hơn, phong phú hơn cho hệ thống di tích thời chúa Nguyễn, vương triều Nguyễn và trở thành một di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

 Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)” xứng đáng được đầu tư tôn tạo phục vụ cho nhu cầu khách tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về thời kỳ đầu của chúa Nguyễn; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch của địa phương.

                                                                                                                                                           Nguyễn Thị Thanh Bình


[1] Dương Văn An. Ô Châu cận lục. Văn Thanh - Phan Đăng dịch và chú giải. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr 15.

[2] Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr 50.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1. Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, tr 41.

[4] Đại Việt sử ký toàn thư. Bản in Nội các quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tập III.  Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long dịch và chú thích, Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr 146.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1. Sđd, tr 44.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1. Sđd, tr 47.

 

Nguồn: https://trungtamquanlyditichvabaotangquangtri.vn

READ MORE - GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ KHOA HỌC CỦA DI TÍCH QUỐC GIA “CÁC ĐỊA ĐIỂM LIÊN QUAN ĐẾN DINH CHÚA NGUYỄN (1558 - 1626)” - Nguyễn Thị Thanh Bình