Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, October 21, 2022

BÀN VỀ QUY (RÙA) – Nguyên Lạc


 
Cẩn báo:
- Chuyện hạn chế các Bà và cấm trẻ dưới 18 tuổi!
 
Vào bài:

Thương thay cho phận con rùa
Ở đình đội hạc, ở chùa đội bia
Ở trong bàn tiệc lia chia
Rùa ta phải chịu hết khìa... lại xé phay
 
Ở phương Đông, rùa là một trong tứ quí (Long, lân, quy, phượng). Rùa đuợc quí vì sống rất lâu (tượng trưng cho trường thọ) và được dùng trong bói Dịch:
 Người đời Thương (Trung Quốc) biết lối bói bằng mu (mai) rùa, gọi là bốc 
  - Bói bốc (): Người  ta dùng mủi nhọn đâm vào những chỗ lõm của mu, yếm rùa, rồi hơ trên lửa; những chỗ lõm đó nứt ra, tùy vết nứt có hình ra sao mà đoán quẻ tốt hay xấu.
 
- Cuối đời Ân hay qua đời Chu người ta mới tìm được cách bói bằng cỏ thi: Cỏ thi (tiếng khoa học gọi là Achillea sbirica), một thứ cây nhỏ cao khỏang một thước như cây cúc, có hoa trắng hoặc hồng nhạt. Cách bói đó gọi là phệ (), giản dị hơn cách bói bằng mu/yếm rùa.
- Sau này người ta còn bói bằng cách gieo 3 đồng tiền... 
 
BỘ PHẬN RÙA QUÝ NHẤT
 
Phần nào của rùa quí nhất tùy thuộc các ông hay các bà.
 
Chuyện rằng:
Có hai ông trên bàn nhậu đang vấn đáp nhau:
Ông X:
- Con rùa không có một bộ phận nào của nó mà không được việc ông ạ. Cái mu và cái yếm của nó đem phơi dùng để bói và làm thuốc chữa cam phổi, cam gan, cam thận, cam tim của trẻ con; mật nó phơi khô trị chứng đau răng hay lắm, còn thịt nó thì không thể nào nói xuể...
Ông Y:
- Vậy tui mạn phép hỏi ông: cái bộ phận nào các ông chú trọng nhất?
- Cái mu!
- Tại sao?
- Thì ông biết đấy, mu/ mai rùa dùng trong việc bói Dịch - bói Bốc.
Bói quẻ Dịch để biết tương lai đời mình mà không quan trọng bật nhất sao?
- Hay, thậm phải!
Ông X:
- Bây giờ tui hỏi ngược lại ông nha: Cái bộ phận nào các bà quí nhất, vô cùng quí!
Ông X:
- Đầu rùa!
- Sao? Nó cứng và dai nhách làm sao ăn được mà quí?
- Vậy chớ ông không thấy Từ điển Hán Việt ghi sao: đầu rùa là Quy đầu.
    . Quy đầu 龜頭: Ðầu ngọc hành (Từ điển Thiều Chửu)
    . Quy đầu:  Người làm mai mối (Từ điển Nguyễn Quốc Hùng)
Vậy "đầu rùa" đối với các bà không quí sao?
-  Thậm phải! thậm phải!  Xin bái phục đại sư phụ!
 
CHUYỆN VỀ "ĐẦU RÙA" TRONG SỬ TRUNG QUỐC
  
Truyện rằng:
 
Thời Chiến quốc bên Tàu, Tương hậu (mẹ Tần Thủy Hoàng) tên là Triệu Cơ, trước vốn hầu thiếp của Lã Bất Vi (do đó có lời đồn Lã Bất Vi là cha của Tần Thủy Hoàng) Bà nhớ tình cũ, thường triệu Lã Bất Vi vào cùng bà "tâm sự". Sợ bị "không đầu đội mão" khi vua Tần biết, nên Lã Bất Vi tìm người thế mạng.
Lúc bấy giờ có tên Lao Ái "đầu rùa" quá khổ có tiếng. Những dâm phụ trong xóm cho là vật quý, tranh nhau để được gần Ái. Một hôm hắn phạm tội dâm, quan sắp bắt trị tội. Bất Vi nghe được can thiệp xin tha, để làm người giúp việc trong phủ.
 
Nước Tần có tục, khi làm mùa ruộng xong, trong nước mở cuộc vui chơi ba ngày để bõ công khó nhọc. Ai muốn bày trò chơi gì tự do. Kẻ nào có tài hay cái khéo gì cứ phô bày. Lã Bất Vi lấy thứ gỗ vông bảo người làm bánh xe, sai Lao Ái xỏ "đầu rùa" của hắn vào giữa bánh xe biểu diễn. Bánh xe quay tít mà "đầu rùa" vẫn không hề hấn gì. Người trong chợ cười ầm lên, đoạn lắc đầu le lưỡi cho là khó có kẻ kỳ phùng địch thủ.
 
Lã Bất Vi nghĩ kế sai người phát giác (giả) cái tội dâm trước kia của Lao Ái, bắt phải đem thiến, đoạn đem vàng đút lót cho viên quan hành hình, lấy dương vật của con lừa, bôi vào một thứ máu, giả là thiến thật. Tên hành hình cố ý đem dương vật con lừa, giơ lên cho người chung quanh xem. Ai ai cũng tưởng Lao Ai bị thiến thật.
Lao Ái bấy giờ được xung làm hoạn quan. Bất Vi đem dâng cho thái hậu để hầu trong cung. Đêm đến, Lao Ái hầu ngủ. Thái hậu lấy làm thích quá, ngày đêm không muốn rời ra.
 
Chẳng được bao lâu, thái hậu có mang. Sợ khi sinh nở, không thể giấu được nên dối có bịnh; lại sai Lao Ái đem tiền đút lót cho thầy bói, bảo dối là trong cung có ma nên tránh ra ngoài 200 dặm ở phương tây. Vua Tần Thủy đồng ý.
Thái hậu dời ra Ung Thành, ở vào một tòa cung điện cũ gọi là Đại Trịnh cung. Bấy giờ thì thái hậu cùng Lao Ái mặc sức tự do thỏa thích. Trong hai năm, sinh luôn hai trai.
 
Thái hậu lại tâu với vua Tần là Lao Ái có công thay vua hầu hạ, xin phong đất cho. Tần Thủy Hoàng vâng mạng, phong cho Lao Ái là Trường Tín hầu, cấp đất Sơn Dương.
Thói đời, những tên tiểu nhân có tài mọn, được thăng tiến thường hống hách, hung hăn lên mặt, ức hiếp dân chúng. Hắn mang "đầu rùa" đi hãm hiếp biết bao cô gái hiền lành, có chút nhan sắc; cướp giựt tài sản dân lành, tiếng than oán thấu tai vua Tần.
 
 Sau khi điều tra và phát giác mọi chuyện, Tần Thủy Hoàng sai quan bắt Lao Ái. Vua Tần tự đến cung Đại Trịnh lục tìm, bắt được hai đứa con của Lao Ái và Triệu Cơ (em khác cha với vua Tần), sai kẻ tả hữu bỏ vào cái túi vải đem quật chết. Thái hậu đau xót ngấm ngầm, không dám ra cứu, chỉ đóng cửa khóc lóc mà thôi. Còn Lao Ái, vua Tần truyền dùng xe xé xác ở ngoài cửa Đông, và tru di cả ba họ.
 
MỒI RÙA
 
Quy cứ hẹn rồi quy đến nhé
Anh sẵn sàng một chão muối rang
Thuốc trên tay... anh đợi muối cho vàng
Anh cậy nắp... ôi Quy sao thơm thế!
 
Quy/Rùa là mồi"chiến đấu" của phe ta nên tui phải "loạn bàn" rất kỹ!
Về mồi rùa, tui xin phép "túm" cụ ông Vũ Bằng thủ thỉ cùng các vị:
 
“Con rùa cũng như con trâu, ông ạ, không có một bộ phận nào của nó mà không được việc. Cái mu và cái yếm của nó đem phơi dùng để bói và làm thuốc chữa cam phổi, cam gan, cam thận, cam tim của trẻ con; mật nó phơi khô trị chứng đau răng hay lắm, còn thịt nó thì không thể nào nói xuể... người ta bảo ăn được trăm ngày thì vợ chồng yếu sẽ mạnh, có ông già sáu mươi tám tuổi lấy vợ hai mươi chín tuổi mà bốn năm sanh liền hai đứa con trai đấy!
Cho vào nồi, trong nồi có sẵn muối hột; rang muối, khi nào muối nóng thì bỏ rùa vào. Thấy muối nổ cũng đừng bắc ra vội; phải đợi cho muối vàng và tan thành bột, hãy bắc nồi ra. Lúc đó, rùa mới thực chết và thịt nó lúc ấy mới thực săn. Em cậy nắp ra, bỏ ruột, có trứng thì lấy trứng; đoạn, lấy dao lách thịt, xé phay, cuốn bánh tráng, gia đậu phộng, rau răm và hẹ, như thế này. Anh phải chấm đẫm nước mắm ớt có pha giấm và đường, ăn với đồ chua mới ngon, anh à.
Ông nào cho ăn như thế là thanh cảnh quá, muốn đậm đà hơn một chút, nên dùng món rùa xào: thịt rùa rang lên rồi chặt ra từng miếng bằng con cờ, cho vào chảo xào với củ hành, gia thêm thứ rau gì tùy ý, xúc ra đĩa, ăn luôn với một hai tớp rượu đưa cay, ta cảm như ăn ba ba hồng síu của Tầu. Nếu cho vào nồi gia nước, đun lên và bỏ thêm mấy miếng su su, cà rốt, tống cú và vài cái chân gà ác hầm lên, ta sẽ cảm thấy cái vị ba ba cáy dùng.
Nhưng ăn thực cho thích khẩu những người sành thường dùng món rùa hấp cách thủy: thịt rùa chặt ra từng miếng nhỏ, cho đúng phân lạng sa sâm, ý dĩ, đại quy và bạch thược, đợi cho thịt rùa thật chín và mềm, đem ra ăn, sướng ông thần khẩu không chịu được.
Hấp cách thủy như thế hơi lâu.
Trong khi chờ đợi, những ông bợm nhậu có thể lấy mấy cái chân rùa ra nướng lên nhấm nháp. Chân rùa nhiều gân; ta cạp chân gà thế nào thì gân chân rùa cũng từa tựa như thế; nhưng có nhiều người bảo gậm chân rùa "không có sướng" bằng lấy những cái vẩy trên mai nó nướng cháy lên mà nhắm rượu - chết chửa, giòn cứ tanh tách mà bùi quá thể là bùi!
 Rùa quạ, mu đen như quạ, ăn không tốt, rùa vàng mai nó hung hung vàng ăn vào phát tài
Tôi nhón tay cầm một cái trứng lên coi. Luộc rồi, trứng rùa có sắc trắng, tròn và nổi lên những tia máu đỏ. Nó lùng bùng nhưng dai, cắn vỡ thì có nước và một cái màng mầu vàng sẫm. Cái trứng đó vừa mút vào thì đã trôi đến cổ rồi, nhưng đừng có nuốt vội vàng, hỡi người bạn háu ăn! Thử cắn nhỏ nhẹ những cái trứng đó ra, anh sẽ thấy nó rắn hơn tròng đỏ trứng gà, mà quánh như sáp, vừa nhai vừa ngẫm nghĩ thì có ý bùi hơn và cũng thanh hơn. Này, ăn thêm một hai cái nữa, tuyệt trần, phải không anh?”                                                                        (Món lạ miền Nam - Vũ Bằng)
 
Phê chưa các bạn, mồi rùa?
                                                                                      
Nguyên Lạc

READ MORE - BÀN VỀ QUY (RÙA) – Nguyên Lạc

NGÕ HOANG - Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO

 

Nhà văn Vũ Ngọc Giao

NGÕ HOANG

Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO 

                                                           

 

Sáng sớm. Chị Cả Nắng mang chiếu ra phơi, chị đập phành phạch xuống sân rồi vắt lên hàng giậu trước nhà. Ngõ nhà chị sáng nay tấp nập, tiệm sửa xe đạp của chị Liều vừa được dời từ ngoài đường vào.

- Đã làm cái bảng chỉ dẫn vào đây cho khách biết chưa? - Đứng bên này chị hỏi vọng sang.

- Dạ em chưa! - Chị Liều quay sang thằng Lanh đang đứng gần đó - Lấy cái bảng viết cho mẹ mấy chữ treo ngoài đường, nhanh!

Thằng Lanh vui vẻ chạy đi. Vừa viết xong cái bảng treo lên nó đã thấy chị Cả Nắng ra đến đầu ngõ trong bộ đồ bảo hộ lao động thùng thình.

- Dạ, cô đi! - Nó nép sang một bên nhường đường.

Chị Cả Nắng lên xe đạp đi, thằng Lanh đứng trông theo cái lưng áo đã bạc phếch của cô Cả. Trong xóm, người nó khâm phục nhất là cô Cả Nắng, một ngày cô có thể bốc hàng ngoài bến từ sáng đến chiều, sức cô bốc ngang với hai người đàn ông cộng lại. Một mình cô quần quật nuôi chị Linh nay đã vào đại học, đã vậy về đến nhà tối mịt nhưng trong xóm ai nhờ gì cô xắn tay áo chạy sang ngay.

Xóm ngày trước có cái tên dễ thương: Xóm Thảm Len, vì con gái trong xóm hầu hết làm nghề này. Ngày đó xóm heo hút vắng, đi qua chỉ nghe tiếng gà xao xác gáy trưa. Nghề thảm len đòi hỏi phải tỉ mẩn, phải ngồi suốt ngày nhưng thu nhập lại ít ỏi, dần dần các chị bỏ việc hết.

Cũng như chị Cả Nắng, các chị trong ngõ lớn lên, học hết cấp hai rồi lần lượt nghỉ, vào làm ở xưởng thảm len để sớm phụ giúp gia đình, cái thời bao cấp khó khăn. Ngày vào xưởng, các chị toàn trẻ trung, dễ coi nhưng công việc cứ cắm mặt vào tấm thảm từ sáng đến chiều, ngẩng lên toàn đàn bà con gái nên hầu hết đều chưa chồng, tuổi xuân vùn vụt trôi qua, rồi lỡ thì lúc nào chẳng hay. 

Ngày xưởng giải tán, các chị đã xấp xỉ bốn mươi, cái tuổi đàn ông nghe mai mối cũng chẳng muốn tìm hiểu làm gì thêm nhọc. Chẳng có nhiều thời gian để tính chuyện chồng con, chị nào cũng lao vào kiếm sống bằng những công việc lao động chân tay. Đầu tiên, chị Cả Nắng ra bến xin một chân cửu vạn, chẳng mấy chốc các anh chẳng ai qua chị. Chị Tầm ốm yếu hơn nên nhận sợi về se, chị mua cái khung quay tay rồi đến nhà chủ học cách se sợi, hôm sau chị đã có việc làm. Sáng sớm trong ngõ đã nghe tiếng khung tơ quay vù vù đến tối mịt. Chị Son lanh lợi hơn, nhác thấy tiệm giặt ủi đầu đường bán nhà nên dẹp tiệm, trong này chị vội vàng vay mượn mua máy giặt, máy sấy… rồi ra đầu ngõ để bảng “Giặt ủi thuê. Đi vào 50 mét”. Chị Xuân hiền lành, nghe thiên hạ rỉ tai nhau thời buổi này không nghề nào người ta cần như nghề nuôi người đẻ, vậy là chị theo cô Liên học cách rang muối, nấu lá xông, tắm cho trẻ sơ sinh. Từ mối đầu tiên chị đã mát tay. Tiếng lành đồn xa, các cô mới mang thai đã tìm đến chị đặt trước nên chị xa nhà quanh năm. Chị Xinh theo em trai vào làm công nhân trong nhà máy cao su, công việc cực nhọc nhưng nghe đâu lương cũng đủ sống. Chị Liều xin ké dưới mái hiên nhà ông Minh đầu đường mở tiệm sửa xe đạp, khách vào ra nườm nượp. Chị Thúy không chịu làm công việc chân tay, chị ngại vất vả, suốt ngày ngồi nhà sơn móng tay rồi ra đầu ngõ hát karaoke. Thấy chị nuột nà dễ coi, ông chủ quán Karaoke Phố Vắng gọi chị vào làm. Đêm nào đến tối mịt chị mới về, nước hoa thơm lừng cả ngõ đến tận sáng hôm sau. Từ ngày vào làm quán karaoke, chị thêm chữ “Diệu” trước tên chị, thành Diệu Thúy, nghe cho mĩ miều.

 

* * *

 

Người “bắn phát súng” đầu tiên trong ngõ này chính là chị Cả Nắng. Buổi chiều chị ở ngoài bến chưa về, trong nhà mẹ chị thầm thì với bố:

- Tôi là tôi nghi lắm ông ạ!

- Chuyện gì? - Bố chị gầm gừ, ông bận đốt thuốc lào.

- Dạo này con Cả Nắng nó làm sao ấy!

- Làm sao là làm sao?! - Ông cấm cảu, đưa ống thuốc lào lên rít sòng sọc. 

- Tôi thấy bụng nó ễnh lên - Bà thì thào - Cứ xoài chua mà đẫn.

- Bà vừa nói cái gì? - Mắt ông cụ long lên.

Chị Cả vừa dắt xe vào nhà, chưa kịp cởi cái khăn che mặt, ông đã ra cửa:

- Con vào bố nói chuyện - Ông lom khom đi về phía tấm phản.

- Có chuyện gì hả bố? - Chị Cả không giấu vẻ lo lắng.

Yên lặng. Một lúc ông mới cất giọng khàn đặc:

- Mẹ nói con… con đang chửa - Khó khăn lắm ông mới thốt ra được.

Chị Cả Nắng ngồi yên, mặt cúi gằm, hai tay đặt lên đùi tránh cái nhìn của bố, mãi chị mới ngẩng lên.

- Vâng, con có lỗi với bố mẹ!

- Trời ơi là trời! - Ông đưa tay ôm đầu - Mày bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ mày, không chồng mà chửa, con ơi là con!

- Bố… Con không chồng nhưng con cần có một đứa con! - Chị thút thít.

 Mấy tháng sau chị Cả Nắng sinh một cô bé bụ bẫm, cứ nghĩ cái tuổi ngoài bốn mươi khó sinh nở, ai ngờ chị khỏe như vâm, sát ngày sinh vẫn bốc vác huỳnh huỵch. Chiều, chuyến xe cuối vừa rời đi, chị đẻ rơi luôn trên bến. Đến giờ người ta vẫn nhắc chuyện chị sinh con như một huyền thoại vì sự bình tĩnh, can trường của chị. Khi bà con xung quanh còn lo đi tìm tấm chiếu quây cho chị đẻ, chị đã bế đứa bé còn dính cuống rốn trên tay, đã vậy còn chỉ bảo mỗi người một việc, tỉnh  queo như đang ngồi chơi trước hiên nhà.

Bé Linh nhà chị Cả Nắng lẫm chẫm biết đi, buổi chiều đang ngồi se sợi ngoài hiên, chị Tầm vội chạy vào trong nôn thốc.

- Chết thật, hình như cái Tầm nó chửa! - Các bà rỉ tai nhau ngoài chợ.

- Suốt ngày ngồi ở hiên se sợi có đi đâu ra khỏi nhà mà chửa, có mà chửa với ma! - Mỗi người một tiếng râm ran cả ngõ.

Chị Tầm vẫn ngồi bên hiên se sợi, cái bụng nay đã lùm lùm. Đêm, chừng một giờ sáng chị trở dậy lẳng lặng xách cái làn, đi bộ gần năm cây số đến bệnh viện. Chị đẻ trong đêm mà người nhà chẳng hay, sáng thức dậy không thấy chị đâu mọi người nháo nhào đi tìm, mãi chẳng ra, tưởng chị nghĩ quẫn nhảy sông nhảy suối, mẹ chị cào tay vào vách khóc hờ hờ. Ba ngày sau chị về, lúc lắc trên chiếc xích lô, trong tay là thằng cu con nặng ba ký hai.

Tiệm giặt ủi chị Son tấp nập khách, khách tây có, khách ta có. Thằng Bo nhà chị Tầm nay đã biết lẫy. Đột ngột một ngày chị Son đóng cửa tiệm, báo với khách có việc phải đi xa. Bốn tháng sau chị về, mặt rạng ngời sung sướng, trên tay một thằng cu con tóc hoe vàng mắt xanh chớp chớp đang bú ti mẹ. Thằng cu con có cái tên nghe rất châu Âu: Jimy.

Tiệm vá xe đạp của chị Liều ngày càng đông khách. Có anh đến vá xong chẳng chịu đi, còn ngồi lại phụ chị. Các bà các cô trong xóm đi qua bâng quơ “Cái Liều vậy mà tốt số, ngõ mình giờ có cái đám thì thích lắm!” Chị Liều nghe vậy trừng mắt xong lầm lì cúi xuống vá tiếp. Năm tháng sau bụng chị cũng lùm lùm, phải ngồi dạng háng mới vá xe được. 

Buổi trưa vá nốt cái xe cho khách, chị thong thả dẹp tiệm, quét tước sạch sẽ trong ngoài, xong hạ cái biển vá xe xuống vào nhà xách cái làn, đi bộ dưới cái nắng chang chang đến bệnh viện. Mẹ chị hay tin, chạy vào đã thấy chị nằm cho thằng Lanh bú chùn chụt.

Cái tên “xóm Thảm Len” biến mất, người ta thay vào đó một cái tên nghe tượng hình hơn nhiều, “xóm Chửa”.

Xóm Chửa chiều chiều đã có tiếng trẻ con léo nhéo, dẫn đầu là bé Linh nhà cô Cả Nắng, nó đã biết dắt hai em, thằng Bo nhà cô Tầm và thằng Jimy nhà cô Son ra đầu ngõ chơi, nó bày đủ trò dỗ hai em. Con ngõ không còn buồn thảm như trước, tuy không có bóng dáng đàn ông nhưng đã có tiếng trẻ bi bô, nhà nào chiều lại mùi xào nấu cũng bay ra thơm phức.

Đến rằm, các cụ bà trong ngõ lại sắm lễ vật rủ nhau lên chùa khấn vái, xin cho con gái có được tấm chồng tử tế. Không biết từ đâu các cụ nghe đồn rằng ngày trước nơi đây là một bãi đất bồi bỏ hoang ít người sinh sống. Một ngày, có cô gái trẻ đến, dựng lên một túp lều ở tạm và sinh con rồi chết trong đêm. Bà con quanh đây thương tình lập cho cái miếu thờ hai mẹ con ở ngã ba. Từ dạo đó, con gái xóm Chửa như có “dớp”, toàn ở vậy nuôi con.

 

* * *

Chị Xinh đi lấy chồng, cả xóm loan tin vui, các cụ lại lầm rầm khấn vái. Ngày ăn hỏi chị Xinh cả ngõ kéo đến giúp. Chồng chưa cưới của chị cũng đã lớn tuổi, làm công nhân cùng nhà máy với chị.

Còn hai tuần nữa chị Xinh lên xe hoa, người con gái đầu tiên của xóm Chửa đi lấy chồng. Đang đêm, cả xóm bật dậy ngơ ngác, bên nhà chị Xinh có tiếng khóc la thất thanh, chồng chưa cưới của chị gặp tai nạn trên đường về khi tan ca. Chiều chiều chị Xinh thẫn thờ nhìn ra ngõ, ai đi qua cũng chép miệng xót thương. Mấy tháng sau chị sinh bé Vy. Bà con trong xóm đồn nhau, đêm đêm nhìn thấy bố bé Vy đứng bên hàng giậu nhìn vào nhà xem vợ ru con.

Chị Xuân vẫn đi miệt mài, hết nhà này đến nhà khác để chăm bà đẻ và bế con cho người ta. Hôm chị về nhà, mẹ chị gọi vào buồng nhỏ to:

- Mẹ già rồi, chẳng thể ở với mày suốt được, không lẽ cả đời cứ đi bế con cho người ta mãi, kiếm một tấm chồng đi con!

Chị Xuân lắc đầu quầy quậy:

- Mẹ xem cái Xinh kìa!

- Thôi thì kiếm đứa con nương tựa tuổi già con ạ! - Mẹ chị lại dỗ dành.

- Con bế con người ta quen rồi, chuyện sau này, sau này tính - Chị lảng đi, kiếm chuyện ra hiên. 

… Hôm qua chị Diệu Thúy đi về vừa đến đầu ngõ bé Vy đã chạy ra tíu tít đón cô Thúy, lần nào cô Thúy cũng có kẹo nên nó quấn lắm.

Chị Liều đang ngồi vá xe cho khách, ngẩng lên thấy cô Thúy nựng nịu bé Vy, chị âu yếm:

- Cô Thúy kiếm một tấm chồng đi, rồi còn sinh đẻ, đừng như chị.

Cô Thúy bế bé Vy tung lên cao, chân nhún nhẩy trên đôi giày cao gót, cô quay lại nhìn chị Liều cong cớn:

- Em thèm vào, em ở như các chị cho sướng!

Bên hiên, chị Tầm vẫn cắm cúi quay sợi, cái khung kêu vù vù, chẳng mấy chốc con thoi đã đầy. Chị Son chất lên xe mấy cái thùng to tướng đã giặt ủi xong, nhìn trời lẩm bẩm “Mai nắng nữa cho tôi nhờ đi ông!”. Chị Xinh ra hàng giậu mang đồ phơi vào, mấy cái áo của bé Vy đã khô cong, mắt chị xa xăm. 

Ngoài bến vắng xe, chiều nay chị Cả Nắng về sớm hơn mọi ngày. Gội đầu xong chị ra hiên ngồi hong tóc. Trời chiều, trong đám mây trắng bồng bềnh đang trôi trên kia có nhiều hình thù ngộ nghĩnh, chị thấy như có hình một người mẹ ôm con...

 V.N.G

miengiao2007@gmail.com



 


 

 


READ MORE - NGÕ HOANG - Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO

MÙA THU HOA CÚC - Chùm ảnh: Chu Vương Miện

 






READ MORE - MÙA THU HOA CÚC - Chùm ảnh: Chu Vương Miện

NẮNG LÊN | MƯA QUÊ - Thơ Vũ Hùng

 

Nhà thơ Vũ Hùng

NẮNG LÊN

Đêm qua mưa ngớt hẳn rồi
Sáng nay bất chợt mặt trời bừng lên
Trời xanh mây trắng bồng bềnh
Tiếng con chim hót nhà bên rộn ràng

Trong này rực rỡ nắng loang
Ngoài kia Xứ Quảng ngập tràn gió mưa
Một cơn bão nữa cũng vừa 
Biến Đông dậy sóng tin đưa. Giật mình!

Miền Trung khổ lắm dân tình!
Tội chi chẳng thấy thần linh giúp dùm?
Hãy quên bao chuyện lùm xùm
Lá lành lá rách bọc đùm lẫn nhau!

Bình Định,15.10.2022
Vũ Hùng


MƯA QUÊ 

Tui về quê Nẫu sáng nay
Mưa rơi nặng hạt càng dày thêm ra
Mưa rơi từ tối hôm qua 
Sáng nay mưa rộ gần xa mịt mờ
Mưa rơi ướt sũng vần thơ 
Cậy ai hong hộ hay chờ nắng lên?
Sông dài bèo dạt mông mênh 
Ruộng sâu nước nhẫy chông chênh cánh cò 
Mưa rơi thương cái giả đò 
Thò tay ngắt ngọn rau ngò… khó phai!...
Mưa rơi, rơi mãi, rơi hoài 
Ngót ly Bầu Đá lai rai bạn hiền!
Mưa rơi lắm lúc đâm ghiền
Xa quê mới thấu nỗi niềm mưa quê?

Bình Định,11.10.2022
Vũ Hùng
READ MORE - NẮNG LÊN | MƯA QUÊ - Thơ Vũ Hùng

CHÙM THƠ TÌNH MỦA THU - Phạm Ngọc Thái

 

KÍ ỨC MÙA THU


Mùa thu khuấy lên bao kí ức
Xác thời gian trôi trên tóc em
Em đi trong trăng, mùa thu thổi gió
Lá vàng rơi mênh mông

Em đi qua mùa thu không gian
Trăng rãi đồi con gái
Nhớ đến lâu cái hương con gái
Nó thơm say và rất nhẹ nhàng

Đường dạo ấy trên đồi trăng sáng
Đêm chia tay em dúi cả vào anh
Để bóng lạc suốt đêm ngoài phố
Mây lãng phiêu mãi không về

Giờ đây chắc trên đồi thông đó
Gió vu vi và trăng vu vơ
Em đi trong trăng, mùa thu thổi gió
Mùa thu lang thang chẳng bến bờ...


 

 PHỐ THU VÀ ÁO TRẮNG
 
Tà áo trắng em đi qua phố
Mùa thu rơi phủ mắt anh
Tà áo trắng của người sinh nữ
Anh nhìn xác phượng khóc rưng rung.
 
Chỉ còn lại con tim rớm đỏ
Áo quệt vào, máu rỏ hai tay…
Ôi, mùa thu mùa thu êm ả
Sao lòng anh tơi tả thế này?
 
Tà áo trắng trôi dưới dòng mây bạc
Lang thang vài cánh bướm bơ vơ
Áo trắng in ngang trời - sét đánh
Lưỡi dao nào cào nát tim thu.
 
Anh cũng có một thời bên áo trắng
Cũng bế bồng và cũng đã ru em
Cái thời ấy chìm vào xa vắng
Phút gặp lòng đâu hết ngổn ngang
 
Thêm một mùa thu, một mùa thu vỡ
Câu thơ nẩy những bông hoa buồn
Thôi, đừng hát để ướt lòng thiếu nữ
Em đi rồi! Anh chết cả mùa đông.

 
SÁNG THU VÀNG
 
                      Nhớ ngày gặp lại em bên hồ gió
                               (Kỷ niệm Bích Đào)
 
Gặp lại em một sáng thu vàng
Nơi em đứng nắng tràn ngoài phố
Với trời xanh, hồ xanh gió
Gió đưa làn tóc em bay...                       
 
Sáng thu này trĩu cả hàng cây
Đô thành dịu mát
Ông lão ngồi bên gốc cây,
                bán những cây sáo trúc thổi vói lên trời
Bà xúc tép váy khều khào nước
 
Một thời xa lắc
Em nghiêng chao về một thời xa
 
Người con gái đã thành chính quả!
(phảng phất trên đầu đôi nét phôi pha)
Đôi mắt em, bóng trúc bay xoà...
Đường phúc hậu, vầng trăng đầy nở...
Nghe không gian đổ vỡ cả mùa thu!

Sáng thu vàng mông mênh, mênh mông
Anh đứng trông em bên bờ sóng vỗ
Hồn đã mất trong rừng hoang thiếu nữ
Và trái tim cũng không còn.

Sáng thu vàng xang xênh, xênh xang
Những con đường xưa tắm hơi em
Môi em cười... hoa lá nát đau thêm
Thời gian trôi, cuộc sống buồn tênh

Một mùa thu lá lá
Nơi ấy giờ chỉ còn có cỏ
Bướm vàng hoa cũ vẫn bay ngang
Người đàn bà, em nuốt mùa thu tan…


                          PHẠM NGỌC THÁI
      (trích tập “64 bài thơ hay”, 2020)
ngocthai1948@gmail.com
READ MORE - CHÙM THƠ TÌNH MỦA THU - Phạm Ngọc Thái