Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, October 21, 2022

NGÕ HOANG - Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO

 

Nhà văn Vũ Ngọc Giao

NGÕ HOANG

Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO 

                                                           

 

Sáng sớm. Chị Cả Nắng mang chiếu ra phơi, chị đập phành phạch xuống sân rồi vắt lên hàng giậu trước nhà. Ngõ nhà chị sáng nay tấp nập, tiệm sửa xe đạp của chị Liều vừa được dời từ ngoài đường vào.

- Đã làm cái bảng chỉ dẫn vào đây cho khách biết chưa? - Đứng bên này chị hỏi vọng sang.

- Dạ em chưa! - Chị Liều quay sang thằng Lanh đang đứng gần đó - Lấy cái bảng viết cho mẹ mấy chữ treo ngoài đường, nhanh!

Thằng Lanh vui vẻ chạy đi. Vừa viết xong cái bảng treo lên nó đã thấy chị Cả Nắng ra đến đầu ngõ trong bộ đồ bảo hộ lao động thùng thình.

- Dạ, cô đi! - Nó nép sang một bên nhường đường.

Chị Cả Nắng lên xe đạp đi, thằng Lanh đứng trông theo cái lưng áo đã bạc phếch của cô Cả. Trong xóm, người nó khâm phục nhất là cô Cả Nắng, một ngày cô có thể bốc hàng ngoài bến từ sáng đến chiều, sức cô bốc ngang với hai người đàn ông cộng lại. Một mình cô quần quật nuôi chị Linh nay đã vào đại học, đã vậy về đến nhà tối mịt nhưng trong xóm ai nhờ gì cô xắn tay áo chạy sang ngay.

Xóm ngày trước có cái tên dễ thương: Xóm Thảm Len, vì con gái trong xóm hầu hết làm nghề này. Ngày đó xóm heo hút vắng, đi qua chỉ nghe tiếng gà xao xác gáy trưa. Nghề thảm len đòi hỏi phải tỉ mẩn, phải ngồi suốt ngày nhưng thu nhập lại ít ỏi, dần dần các chị bỏ việc hết.

Cũng như chị Cả Nắng, các chị trong ngõ lớn lên, học hết cấp hai rồi lần lượt nghỉ, vào làm ở xưởng thảm len để sớm phụ giúp gia đình, cái thời bao cấp khó khăn. Ngày vào xưởng, các chị toàn trẻ trung, dễ coi nhưng công việc cứ cắm mặt vào tấm thảm từ sáng đến chiều, ngẩng lên toàn đàn bà con gái nên hầu hết đều chưa chồng, tuổi xuân vùn vụt trôi qua, rồi lỡ thì lúc nào chẳng hay. 

Ngày xưởng giải tán, các chị đã xấp xỉ bốn mươi, cái tuổi đàn ông nghe mai mối cũng chẳng muốn tìm hiểu làm gì thêm nhọc. Chẳng có nhiều thời gian để tính chuyện chồng con, chị nào cũng lao vào kiếm sống bằng những công việc lao động chân tay. Đầu tiên, chị Cả Nắng ra bến xin một chân cửu vạn, chẳng mấy chốc các anh chẳng ai qua chị. Chị Tầm ốm yếu hơn nên nhận sợi về se, chị mua cái khung quay tay rồi đến nhà chủ học cách se sợi, hôm sau chị đã có việc làm. Sáng sớm trong ngõ đã nghe tiếng khung tơ quay vù vù đến tối mịt. Chị Son lanh lợi hơn, nhác thấy tiệm giặt ủi đầu đường bán nhà nên dẹp tiệm, trong này chị vội vàng vay mượn mua máy giặt, máy sấy… rồi ra đầu ngõ để bảng “Giặt ủi thuê. Đi vào 50 mét”. Chị Xuân hiền lành, nghe thiên hạ rỉ tai nhau thời buổi này không nghề nào người ta cần như nghề nuôi người đẻ, vậy là chị theo cô Liên học cách rang muối, nấu lá xông, tắm cho trẻ sơ sinh. Từ mối đầu tiên chị đã mát tay. Tiếng lành đồn xa, các cô mới mang thai đã tìm đến chị đặt trước nên chị xa nhà quanh năm. Chị Xinh theo em trai vào làm công nhân trong nhà máy cao su, công việc cực nhọc nhưng nghe đâu lương cũng đủ sống. Chị Liều xin ké dưới mái hiên nhà ông Minh đầu đường mở tiệm sửa xe đạp, khách vào ra nườm nượp. Chị Thúy không chịu làm công việc chân tay, chị ngại vất vả, suốt ngày ngồi nhà sơn móng tay rồi ra đầu ngõ hát karaoke. Thấy chị nuột nà dễ coi, ông chủ quán Karaoke Phố Vắng gọi chị vào làm. Đêm nào đến tối mịt chị mới về, nước hoa thơm lừng cả ngõ đến tận sáng hôm sau. Từ ngày vào làm quán karaoke, chị thêm chữ “Diệu” trước tên chị, thành Diệu Thúy, nghe cho mĩ miều.

 

* * *

 

Người “bắn phát súng” đầu tiên trong ngõ này chính là chị Cả Nắng. Buổi chiều chị ở ngoài bến chưa về, trong nhà mẹ chị thầm thì với bố:

- Tôi là tôi nghi lắm ông ạ!

- Chuyện gì? - Bố chị gầm gừ, ông bận đốt thuốc lào.

- Dạo này con Cả Nắng nó làm sao ấy!

- Làm sao là làm sao?! - Ông cấm cảu, đưa ống thuốc lào lên rít sòng sọc. 

- Tôi thấy bụng nó ễnh lên - Bà thì thào - Cứ xoài chua mà đẫn.

- Bà vừa nói cái gì? - Mắt ông cụ long lên.

Chị Cả vừa dắt xe vào nhà, chưa kịp cởi cái khăn che mặt, ông đã ra cửa:

- Con vào bố nói chuyện - Ông lom khom đi về phía tấm phản.

- Có chuyện gì hả bố? - Chị Cả không giấu vẻ lo lắng.

Yên lặng. Một lúc ông mới cất giọng khàn đặc:

- Mẹ nói con… con đang chửa - Khó khăn lắm ông mới thốt ra được.

Chị Cả Nắng ngồi yên, mặt cúi gằm, hai tay đặt lên đùi tránh cái nhìn của bố, mãi chị mới ngẩng lên.

- Vâng, con có lỗi với bố mẹ!

- Trời ơi là trời! - Ông đưa tay ôm đầu - Mày bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ mày, không chồng mà chửa, con ơi là con!

- Bố… Con không chồng nhưng con cần có một đứa con! - Chị thút thít.

 Mấy tháng sau chị Cả Nắng sinh một cô bé bụ bẫm, cứ nghĩ cái tuổi ngoài bốn mươi khó sinh nở, ai ngờ chị khỏe như vâm, sát ngày sinh vẫn bốc vác huỳnh huỵch. Chiều, chuyến xe cuối vừa rời đi, chị đẻ rơi luôn trên bến. Đến giờ người ta vẫn nhắc chuyện chị sinh con như một huyền thoại vì sự bình tĩnh, can trường của chị. Khi bà con xung quanh còn lo đi tìm tấm chiếu quây cho chị đẻ, chị đã bế đứa bé còn dính cuống rốn trên tay, đã vậy còn chỉ bảo mỗi người một việc, tỉnh  queo như đang ngồi chơi trước hiên nhà.

Bé Linh nhà chị Cả Nắng lẫm chẫm biết đi, buổi chiều đang ngồi se sợi ngoài hiên, chị Tầm vội chạy vào trong nôn thốc.

- Chết thật, hình như cái Tầm nó chửa! - Các bà rỉ tai nhau ngoài chợ.

- Suốt ngày ngồi ở hiên se sợi có đi đâu ra khỏi nhà mà chửa, có mà chửa với ma! - Mỗi người một tiếng râm ran cả ngõ.

Chị Tầm vẫn ngồi bên hiên se sợi, cái bụng nay đã lùm lùm. Đêm, chừng một giờ sáng chị trở dậy lẳng lặng xách cái làn, đi bộ gần năm cây số đến bệnh viện. Chị đẻ trong đêm mà người nhà chẳng hay, sáng thức dậy không thấy chị đâu mọi người nháo nhào đi tìm, mãi chẳng ra, tưởng chị nghĩ quẫn nhảy sông nhảy suối, mẹ chị cào tay vào vách khóc hờ hờ. Ba ngày sau chị về, lúc lắc trên chiếc xích lô, trong tay là thằng cu con nặng ba ký hai.

Tiệm giặt ủi chị Son tấp nập khách, khách tây có, khách ta có. Thằng Bo nhà chị Tầm nay đã biết lẫy. Đột ngột một ngày chị Son đóng cửa tiệm, báo với khách có việc phải đi xa. Bốn tháng sau chị về, mặt rạng ngời sung sướng, trên tay một thằng cu con tóc hoe vàng mắt xanh chớp chớp đang bú ti mẹ. Thằng cu con có cái tên nghe rất châu Âu: Jimy.

Tiệm vá xe đạp của chị Liều ngày càng đông khách. Có anh đến vá xong chẳng chịu đi, còn ngồi lại phụ chị. Các bà các cô trong xóm đi qua bâng quơ “Cái Liều vậy mà tốt số, ngõ mình giờ có cái đám thì thích lắm!” Chị Liều nghe vậy trừng mắt xong lầm lì cúi xuống vá tiếp. Năm tháng sau bụng chị cũng lùm lùm, phải ngồi dạng háng mới vá xe được. 

Buổi trưa vá nốt cái xe cho khách, chị thong thả dẹp tiệm, quét tước sạch sẽ trong ngoài, xong hạ cái biển vá xe xuống vào nhà xách cái làn, đi bộ dưới cái nắng chang chang đến bệnh viện. Mẹ chị hay tin, chạy vào đã thấy chị nằm cho thằng Lanh bú chùn chụt.

Cái tên “xóm Thảm Len” biến mất, người ta thay vào đó một cái tên nghe tượng hình hơn nhiều, “xóm Chửa”.

Xóm Chửa chiều chiều đã có tiếng trẻ con léo nhéo, dẫn đầu là bé Linh nhà cô Cả Nắng, nó đã biết dắt hai em, thằng Bo nhà cô Tầm và thằng Jimy nhà cô Son ra đầu ngõ chơi, nó bày đủ trò dỗ hai em. Con ngõ không còn buồn thảm như trước, tuy không có bóng dáng đàn ông nhưng đã có tiếng trẻ bi bô, nhà nào chiều lại mùi xào nấu cũng bay ra thơm phức.

Đến rằm, các cụ bà trong ngõ lại sắm lễ vật rủ nhau lên chùa khấn vái, xin cho con gái có được tấm chồng tử tế. Không biết từ đâu các cụ nghe đồn rằng ngày trước nơi đây là một bãi đất bồi bỏ hoang ít người sinh sống. Một ngày, có cô gái trẻ đến, dựng lên một túp lều ở tạm và sinh con rồi chết trong đêm. Bà con quanh đây thương tình lập cho cái miếu thờ hai mẹ con ở ngã ba. Từ dạo đó, con gái xóm Chửa như có “dớp”, toàn ở vậy nuôi con.

 

* * *

Chị Xinh đi lấy chồng, cả xóm loan tin vui, các cụ lại lầm rầm khấn vái. Ngày ăn hỏi chị Xinh cả ngõ kéo đến giúp. Chồng chưa cưới của chị cũng đã lớn tuổi, làm công nhân cùng nhà máy với chị.

Còn hai tuần nữa chị Xinh lên xe hoa, người con gái đầu tiên của xóm Chửa đi lấy chồng. Đang đêm, cả xóm bật dậy ngơ ngác, bên nhà chị Xinh có tiếng khóc la thất thanh, chồng chưa cưới của chị gặp tai nạn trên đường về khi tan ca. Chiều chiều chị Xinh thẫn thờ nhìn ra ngõ, ai đi qua cũng chép miệng xót thương. Mấy tháng sau chị sinh bé Vy. Bà con trong xóm đồn nhau, đêm đêm nhìn thấy bố bé Vy đứng bên hàng giậu nhìn vào nhà xem vợ ru con.

Chị Xuân vẫn đi miệt mài, hết nhà này đến nhà khác để chăm bà đẻ và bế con cho người ta. Hôm chị về nhà, mẹ chị gọi vào buồng nhỏ to:

- Mẹ già rồi, chẳng thể ở với mày suốt được, không lẽ cả đời cứ đi bế con cho người ta mãi, kiếm một tấm chồng đi con!

Chị Xuân lắc đầu quầy quậy:

- Mẹ xem cái Xinh kìa!

- Thôi thì kiếm đứa con nương tựa tuổi già con ạ! - Mẹ chị lại dỗ dành.

- Con bế con người ta quen rồi, chuyện sau này, sau này tính - Chị lảng đi, kiếm chuyện ra hiên. 

… Hôm qua chị Diệu Thúy đi về vừa đến đầu ngõ bé Vy đã chạy ra tíu tít đón cô Thúy, lần nào cô Thúy cũng có kẹo nên nó quấn lắm.

Chị Liều đang ngồi vá xe cho khách, ngẩng lên thấy cô Thúy nựng nịu bé Vy, chị âu yếm:

- Cô Thúy kiếm một tấm chồng đi, rồi còn sinh đẻ, đừng như chị.

Cô Thúy bế bé Vy tung lên cao, chân nhún nhẩy trên đôi giày cao gót, cô quay lại nhìn chị Liều cong cớn:

- Em thèm vào, em ở như các chị cho sướng!

Bên hiên, chị Tầm vẫn cắm cúi quay sợi, cái khung kêu vù vù, chẳng mấy chốc con thoi đã đầy. Chị Son chất lên xe mấy cái thùng to tướng đã giặt ủi xong, nhìn trời lẩm bẩm “Mai nắng nữa cho tôi nhờ đi ông!”. Chị Xinh ra hàng giậu mang đồ phơi vào, mấy cái áo của bé Vy đã khô cong, mắt chị xa xăm. 

Ngoài bến vắng xe, chiều nay chị Cả Nắng về sớm hơn mọi ngày. Gội đầu xong chị ra hiên ngồi hong tóc. Trời chiều, trong đám mây trắng bồng bềnh đang trôi trên kia có nhiều hình thù ngộ nghĩnh, chị thấy như có hình một người mẹ ôm con...

 V.N.G

miengiao2007@gmail.com



 


 

 


No comments: