Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 9, 2014

DÒNG SÔNG MANG BAO NỖI NHỚ - thơ Nguyễn Hồng Trân



DÒNG SÔNG MANG BAO NỖI NHỚ
*Nguyễn Hồng Trân

Ôi, Hương giang êm đềm trong mơ mộng
Thuyền ngược xuôi xao động giữa đêm sương
Hò Mái nhì du dương nghe ấm áp
Gợi lòng ta man mác nỗi nhớ thương…

Cầu Trường Tiền vấn vương khách du ngoạn
Nhìn dòng sông lấp loáng ánh chiều tà
Núi Ngự Bình thông ngân nga trong gió
Đồi Vọng Cảnh mờ tỏ núi non xa…

Những đêm hè quê ta lộng gió mát
Ngồi du thuyền ca hát bạn bè vui
Nhắc nhau chuyện ngọt bùi bao kỷ niệm
Nhớ một thời niên thiếu mãi không nguôi…

Dòng sông ơi! tràn ngập niềm thương nhớ
Gắn dòng đời hơi thở với thiên nhiên
Nhiều biến cố đảo điên trong chiến sự
Bao lớp người quyết tử, nghĩa tổ tiên…

Thời chiến tranh vang rền bom lửa đạn
Nỗi đau thương dày dạn với dân mình
Sự mất mát hy sinh không kể xiết
Để đền ơn tiên liệt giữ sinh linh…

Nhiều người biết quên mình vì nghĩa lớn
Tình dân tộc giang sơn được vững bền…

Hà Nội, tháng 11 năm 2014


READ MORE - DÒNG SÔNG MANG BAO NỖI NHỚ - thơ Nguyễn Hồng Trân

Thơ Chu Vương Miện: BAO GIỜ, Thơ HAI KU



thơ chu vương miện

bao giờ

xe thổ mộ buổi chiều đi chậm rãi
bao nhọc nhằn gửi lại chuyến chợ trưa
người cùng ngựa trở về căn nhà cũ
vết xe lăn con đường nhỏ bụi mờ
ta đứng ngó chuyến xe chiều đi khuất
con đường vòng vắt mãi một dốc mơ
ngày cùng tháng xe ngược xuôi hai chuyến
mới đầu xanh bạc phếch tự bao giờ



thơ hai ku

1
48 năm gặp lại
người nhìn lạ hoắc
kẻ răng rụng kẻ răng bạc

2
vườn cũ mọc hoài cỏ dại
tàng mậm đậu toàn dơi
em à?
em mồ côi

3
một giòng thơ buồn
một bài thơ buồn
khóc tàn đêm
sáng dông luôn

4
kẻ nằm bên đống rác
thằng nằm trong nhà tù
nhủ thầm nghĩa tự do

5
Nô lệ rồi cũng chết
tự do cũng chả còn
vẫn đất cùng núi non

6
trên bờ kiến ăn cá
dưới sông cá ăn kiến
chả có chuyện gì ?
là lạ

7
anh mạnh hiếp anh yếu
anh lớn hiếp anh nhỏ
mấy nghìn năm
vậy vậy đó

8
giọt máu nào chả đỏ
nhưng da trắng vàng đen
có kẻ sang kẻ hèn

9
Thiên hạ vẫn còn quay
trái đất vẫn còn quay
quay tư tù
trước tới nay

10
con suối chẩy ngược
nước mắt chẩy xuôi
c’est la cuộc đời

11
hồi chuông trấn quốc
canh gà thọ xương
ở hay chuồn?

12
em ngồi chải tóc
chưa kịp soi gương
[đã khóc]


chu vương miện
READ MORE - Thơ Chu Vương Miện: BAO GIỜ, Thơ HAI KU

Tuệ Thiền Lê Bá Bôn - XIN GÓP MẤY LỜI VỀ VIỆC ĐỌC BÁT-NHÃ TÂM KINH




Xin Góp Mấy Lời Về Việc Đọc Bát-Nhã Tâm Kinh
Tuệ Thiền Lê Bá Bôn

Không chỉ quan trọng đối với Phật giáo, Bát-Nhã Tâm Kinh còn ảnh hưởng đến với nhiều người không phải Phật tử, trong đó có giới văn nghệ sĩ. Tôi xin góp mấy lời về việc đọc Bát-Nhã tâm Kinh (theo bản kinh được lưu truyền xưa nay ở Việt Nam).
***

HỎI: Phải đọc văn bản có giá trị giác ngộ tự tâm (tức là giác ngộ cội nguồn cuộc sống) như thế nào?
ĐÁP: Nếu đọc mà dùng nhận thức suy luận để hiểu, đó là đọc bằng trí-công-cụ, bằng tâm ngôn-tâm hành; tức là đọc bằng vọng tưởng, bằng kiến thức bị quy định. Tâm ngôn-tâm hành là sự nói năng trong tâm, là sự diêu động trong tâm; là vọng tưởng. Vọng tưởng càng nhiều thì thực tại của tâm, mặt thật của tâm trí càng bị che mờ. Sự hiểu bằng cách đọc này chỉ có giá trị định hướng, đánh thức khát vọng giác ngộ, chứ không có sự giác ngộ đích thực.
Phải vừa đọc, vừa nghiệm, vừa đối chiếu với trạng thái tâm trí đang hiện hữu (đang là). Văn bản như tấm gương soi để thấy rõ mặt tâm trí, để ấn chứng.
Không quán tâm, không tự tri thì không biết đọc Thiền, không biết học Thiền. Cốt tuỷ của việc học Thiền là trực quan, tức là thấy rõ (nghe rõ, biết rõ) trạng thái tâm trí bằng tri giác nội tại. Giống như học giải phẫu cơ thể, không thể học được nếu không tận mắt thấy rõ các bộ phận trong cơ thể.
Biết đọc văn bản giác ngộ là có giác ngộ. 
HỎI: Bát-Nhã Tâm Kinh là một bản kinh rất quan trọng, đâu là chìa khoá của kinh?
ĐÁP: Khi học Bát-Nhã Tâm Kinh rất cần lưu tâm đến cụm từ “chiếu kiến”. “Chiếu kiến” là “soi thấy”.
Câu kinh có cụm từ này là: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la- mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Thầy Tuệ Sỹ dịch là: “Bồ-tát Quán Tự Tại trong khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, soi thấy năm uẩn đều Không, vượt qua tất cả mọi khổ ách”.
Dùng trí óc phân tích rồi kết luận rằng năm uẩn do duyên sinh-không có tự tính, đó là suy luận trừu tượng. Phân tích và suy luận chỉ giúp hiểu đối tượng bằng vốn liếng tri thức trong tâm trí bị quy định, để góp phần tăng khát vọng giác ngộ, chứ không thể thấy-biết-như-thực thực tại.
“Soi thấy” (chiếu kiến) là cụm từ chỉ sự kiện hiện tiền cụ thể, chứ không phải chỉ sự suy luận trừu tượng. Thấy-biết-như-thực là chiếu kiến.
Chiếu kiến (soi thấy) là giáp mặt đối tượng; một sự giáp mặt không còn ngăn cách nào, không còn chủ thể phân cách với đối tượng. “Quán tâm nơi tâm” trong kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ cũng hàm ý ấy.
Nhưng làm sao để trạng thái chiếu kiến hiện tiền ở tâm?
Trạng thái chiếu kiến là trạng thái vô sư trí. Trí này hiện tiền do có ý định chủ hướng, do có khát vọng giác ngộ đích thực – giác ngộ vì tự lợi-lợi tha tối thượng.
Ý định chủ hướng nhắm vào đâu? Nhắm vào sự lắng nghe vọng tưởng; tức là lắng nghe mọi nói năng trong tâm trí; tức là lắng nghe ông chủ vô minh của ngũ uẩn; tức là quán thế âm. Phải lắng nghe một cách nhẹ nhàng và tự nhiên, không dụng công gắng sức; tức là quán tự tại. (Bồ-tát Quán Tự Tại chính là Bồ-tát Quán Thế  Âm).
Với tri giác nội tại, khi biết nghe-như-thực thì cũng chính là thấy-như-thực, biết-như-thực. Đó là trạng thái chiếu kiến (soi thấy).
Khi biết chiếu kiến ngũ uẩn, khi thật sự soi thấy năm uẩn thì vọng tưởng dừng lại, tức là tâm im lặng. Nói cho dễ nhận, khi thật sự biết nghe lại mọi nói năng trong tâm trí thì tâm trí có sự đột chuyển (chuyển y), vô niệm hiện tiền (tức là Tánh Không hiện tiền).
Vô niệm hiện tiền chính là mở con mắt Tâm – con mắt của sự sống bất sinh bất diệt. Mắt mở sáng thì tuỳ duyên khởi tác dụng. Vô niệm hiện tiền là tuệ nhãn. (Thỉnh thoảng có được vài phút vô niệm cũng có công đức và phước đức rất lớn, nghiệp chướng vơi bớt).
Vô niệm là Tâm Không, là tâm vô ngôn phi thời gian; Tâm Không là Tánh Không. Tánh Không là Tánh Viên Giác.
Như thế, thật sự soi thấy ngũ uẩn, thật sự giáp mặt ngũ uẩn thì Tánh Không hiện tiền, Viên Giác hiện tiền. (Ta hiểu tại sao các minh sư khi Việt dịch chữ “không” thường viết hoa là “Không”).
“Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” chính là “hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa”. Vọng tưởng là trạng thái tâm trí si mê theo kiến chấp nhị nguyên đầy phiền não; Tâm Không hiện tiền thì cực lạc hiện tiền…
Học Bát-Nhã Tâm Kinh rất cần lưu tâm cụm từ “chiếu kiến”. Đó là chìa khoá mở cửa giác ngộ đích thực.
(Trích trong Đàm Đạo Về Thiền).

***  
Bài đọc thêm:

Đọc Kinh “Trí Tuệ Siêu Việt” (*)

Kinh ví như tấm gương
Soi gương thấy tâm mình
Nếu đọc nhưng chưa thấy:
Thiếu công phu tham thiền

Đọc-hiểu: chỉ biết đường
Đọc-thấy: đang đi đường
Có đi thì mới đến
Hiểu cách Thấy nghìn trùng

Không nhắm Trí Bát Nhã
Tu hành chưa chính tâm
Nên Tâm Kinh Bát Nhã
Là thước đo trí nhân.

(*): Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh.
Đọc kinh này cần nhìn lại tâm để thấy biết các trạng thái: quán tự tại, chiếu kiến, thọ, tưởng, hành, thức, vô sở đắc…

(Trích trong Đường Về Minh Triết)


READ MORE - Tuệ Thiền Lê Bá Bôn - XIN GÓP MẤY LỜI VỀ VIỆC ĐỌC BÁT-NHÃ TÂM KINH

NHỚ SÔNG ĐỐC - thơ Hồng Tâm




Nhớ Sông Đốc

Có chuyến đò nào về Ông Đốc mến thương
Cho em gởi bao niềm nhung nhớ
Sợi khói chiều mắt vương buồn muôn thuở
Xuôi ngược dòng đời
Anh có nhớ em không?

Gió bấc về, trời lành lạnh sang đông
Thao thức từng đêm, trở mình tỉnh giấc
Sông Đốc ơi! Mấy lần em khóc
Nhớ lắm người ơi! Một lối đi về

Đời còn dài chưa tàn một giấc mê
Không uống rượu sao lòng em nghiêng ngã
Nhớ làn môi, nụ hôn cuồng vội vã
Đêm nồng nàn huyền ảo sương phai

Nhớ lắm người ơi! Con nước miền Tây
Yêu đường mòn, nhiều kênh ngã rẽ
Dẫu biết rằng cố những điều không thể
Nhưng trái tim em còn giấu một dòng sông

Lý Thị Minh Tâm (bút danh Hồng Tâm)
Địa chỉ 46 ấp Rừng Dầu - xã Tiên Thuận - huyện Bến Cầu - tỉnh Tây Ninh
Email : lyminhly456@gmail.com

Điện thoại 01275990757
READ MORE - NHỚ SÔNG ĐỐC - thơ Hồng Tâm

NẼO NÀO CHO MỘT MAI SAU - thơ Tuyền Linh

Sớm mai Đà Lạt. Ảnh Võ Chí Hà


Nẻo Nào Cho Một Mai Sau 
                               Về: HT

Dấu chân người rớt bên đường
Tôi đi lượm lại mót từng gót đinh
Về treo lên một sợi tình
Sáng, trưa, chiều, tối dỗ dành trái tim

Người đi, người đành đoạn quên
Gót son in dấu buồn lên phố phường
Đà Lạt ngày tháng mù sương
Đọng từng giọt nhớ trên đường ngày xưa

Hồn tôi chẳng thể đổi mùa
Bởi chưng tim đã đượm màu nhớ nhung
Người về con mắt vui mừng
Người đi sợi tóc rưng rưng đổi màu

Nẻo nào cho một mai sau
Đường nào cho chuyện trầu cau nói cười
Ước chi ánh mắt của người
Pha màu luyến ái con ngươi đắm tình!

Ngày mai biết có nắng lên
Người về Đà Lạt bập bềnh hồn tôi
Lại thêm mùa nữa nổi trôi
Người ơi, thơ mãi ngậm ngùi hay sao!?

Tuyền Linh
READ MORE - NẼO NÀO CHO MỘT MAI SAU - thơ Tuyền Linh

NGHIỆP VĂN CHƯƠNG, CHƠI CỜ - thơ Vũ Từ Sơn



NGHIỆP VĂN CHƯƠNG

Chồng nhà thơ, vợ nhà văn
Quanh năm chữ nghĩa, gối chăn song hành
Chồng say "phu chữ" thơ xanh (1)
Vợ chăm vun xới, tỉa cành cây "văn" …


Gia cảnh lắm lúc khó khăn
Thơ văn ế ẩm, nhọc nhằn đói no
Vợ chồng kiên định nhỏ to:
Văn chương nghiệp lớn, con đò nhân gian


Nửa đêm tỉnh giấc mơ màng
Tứ thơ hiện hữu, sang trang lựa vần
Lằng nhằng cái bất thành văn
Thằng bé thức dậy, đắp chăn ơi à …

_________________
Từ dùng của Lê Đạt.





CHƠI CỜ

Tướng sĩ tượng xe … vốn đủ đầy
Trận đấu hai bên chớ lỏng tay
Tấn công, phòng thủ cho kín nước
Thua thắng phen này ắt thấy đây

Chơi cờ tính toán sao cho kỹ
Ngoài cõi nhân sinh vượng bốn mùa
Trong cờ thua được như đùa
Ngoài đời xương thịt được thua mãi là .

VŨ TỪ SƠN
Số 29, ngõ 137, Hùng Vương
TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang .


READ MORE - NGHIỆP VĂN CHƯƠNG, CHƠI CỜ - thơ Vũ Từ Sơn

MUÔN DẶM TÌNH QUÊ 3 - thơ Trúc Thanh Tâm




7. VỀ BÌNH HÒA

Đường về, trải nắng lưa thưa
Mặc Cần Dưng, những cơn mưa đâu rồi
Châu Thành, thương nhớ đầy vơi
Lòng ta còn đọng chút bồi hồi xưa !


8. GIÓ CHUYỂN MÙA

Đêm Bà Rịa, gió chuyển mùa
Thời gian đếm lại còn thừa xót xa
Phước Tuy, tình dẫu phôi pha
Mắt em cứ níu hồn ta đến giờ !


9. TÌNH VŨNG TÀU

Nắng vàng trải thảm Dinh Cô
Ta qua Núi Lớn, lên Hồ Mây xinh
Tiếng em khe khẽ gọi mình
Hương đêm Ô Cấp, men tình thắm môi !

TRÚC THANH TÂM


READ MORE - MUÔN DẶM TÌNH QUÊ 3 - thơ Trúc Thanh Tâm

Thu mơ - nhạc Nguyễn Tâm Hàn - Ý thơ Khánh Trân - ca sĩ Hương Giang

READ MORE - Thu mơ - nhạc Nguyễn Tâm Hàn - Ý thơ Khánh Trân - ca sĩ Hương Giang